Tin Biển Đông – 23/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 23/01/2018

Mỹ thăm Indonesia, Việt Nam:

cơ hội để thực thi chiến lược quốc phòng mới

William Gallo

Chỉ vài ngày sau khi ra mắt chiến lược mới của Ngũ Giác Đài đặt trọng tâm vào sự cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đang có cơ hội để bắt đầu thực thi chiến lược mới.

Ông Mattis đang ở Jakarta, Indonesia, chặng dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến đi kéo dài 1 tuần cũng sẽ đưa ông tới Việt Nam. Cả Việt Nam và Indonesia đều đang hiện đại hóa quân đội của mình và đã tìm cách cưỡng lại các tuyên bố chủ quyền có tính lấn át của Trung Quốc.

Hôm thứ Sáu, ông Mattis ra mắt Chiến lược Quốc phòng phác họa một nỗ lực mới nhằm chuyển trọng tâm sự chú ý từ cuộc chiến chống khủng bố sang “sự cạnh tranh nước lớn” với Trung Quốc và Nga.

Trên chuyến bay trực chỉ Jakarta, Bộ trưởng Mattis nói với các nhà báo:

“Điều mà chúng tôi tìm kiếm là một thế giới trong đó chúng ta có thể giải quyết những vấn đề mà không hủy hoại niềm tin nơi nhau, một thế giới trong đó chúng ta không xâm phạm lãnh thổ của các nước khác, như trong trường hợp Nga.”

Phân tâm

Chính phủ của Tổng Thống Obama trước đây đã tìm cách tái cân bằng lực lượng và cổ vũ hợp tác kinh tế để xoay trục sang Thái Bình Dương, rõ ràng là để đương đầu với một nước Trung Quốc hùng mạnh và hung hăng hơn.

Tuy nhiên chiến lược xoay trục trở nên phức tạp với sự trỗi dậy của Nhà Nước Hồi giáo và mối đe dọa do các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Triều Tiên tiếp tục đặt ra, trong khi vẫn phải đương đầu với những thách thức toàn cầu còn lại.

Bộ trưởng Mattis xác nhận Triều Tiên sẽ là vấn đề được nêu lên trong các cuộc thảo luận của ông tại Việt Nam và Indonesia.

Nỗ lực chống khủng bố và chống Nhà Nước Hồi giáo (IS) có phần chắc sẽ vẫn là trọng tâm tại Indonesia, nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Nước này sẽ phải đương đầu với hiểm họa đặt ra bởi hàng trăm công dân Indonesia từng cầm súng chiến đấu bên cạnh IS ở Syria và Iraq, nay có thể trở về nước.

Vấn đề Biển Đông

Một trọng tâm quan trọng của chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis là Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây dựng nhiều căn cứ quân sự và phương tiện khác, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng nhỏ hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói:

“Các nước nhỏ lẽ ra phải được tôn trọng, và được đối xử y như các nước lớn. Sự tồn tại của mỗi quốc gia là quan trọng bởi vì không nên để diễn ra bất cứ hành vi hiếp đáp nào, hoặc xé bỏ niềm tin của các nước khác.”

Ông Mattis nói thêm:

“Điều mà chúng tôi muốn ở đây là một Châu Á hòa bình, thịnh vượng và tự do, với một trật tự khu vực tư do và cởi mở, dựa trên pháp quyền.”

Việt Nam có lẽ là đối thủ hay lên tiếng chống đối các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc nhất. Trong mấy năm gần đây Việt Nam nhiều lần đối đầu với tàu bè Trung Quốc.

Mặc dù Indonesia ít ồn ào hơn và không coi mình là một nước tranh chấp chủ quyền, thế nhưng Jakarta cũng đã có những động thái nhằm chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Năm ngoái, Jakarta đổi tên một vùng biển trong Biển Đông, làm Bắc Kinh giận dữ.

Ông Joseph Felter, giới chức quốc phòng Mỹ hàng đầu đặc trách Đông Nam Á, phát biểu:

“Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của bất cứ nước nào nhằm bảo vệ chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của họ, quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, cũng như quyền được hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.”

Chiến lược lâu dài:

Trong năm qua, vấn đề Biển Đông không xuất hiện trên các hàng tít lớn nhờ sự phối hợp của nhiều yếu tố: Một chính phủ mới ở Philippines dường như ít cứng rắn hơn trong lập trường đối đầu với Bắc Kinh, một nước Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc thuyết phục Trung Quốc hợp tác để tránh một cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, và những công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc chậm lại, mặc dù lý do có thể là vì Bắc Kinh đã hoàn tất xây đảo, theo ông Felter.

“Trung Quốc áp dụng một chiến lược dài ngày trong khu vực, và chúng ta cũng cần phát triển một chiến lược để thể hiện sự chân thành của chúng ta trong tư cách một đối tác đáng tin cậy, có thể cung cấp những sự lựa chọn cho các nước khác “.

Một trong những lựa chọn đó là tái tục cuộc đối thoại bốn bên về an ninh”, một liên minh không chính thức giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản được hình thành từ năm 2007.

Nỗ lực này nhanh chóng bị mất đà, một phần do những lo sợ của Trung Quốc là liên minh này nhắm mục đích kiềm hãm Bắc Kinh, tuy nhiên các nước trong liên minh 4 bên đã nhóm họp vào tháng 11, lần đầu kể từ khi được hình thành, và một số nhà bình luận đặt câu hỏi: liệu có phải các đối tác đang thảo luận việc hình thành một liên minh ” NATO Á châu ” hay không.

“Cơn ác mộng lớn nhất đối với Trung Quốc là một liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-TBD ở Hawaii

Ông Alexander Vuving, giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii, nhận định:

“Cơn ác mộng lớn nhất đối với Trung Quốc là một liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Câu hỏi lớn là, làm thế nào để 4 quốc gia này nối kết các nỗ lực của họ với một số đối tác địa phương mới nổi, như Việt Nam và Indonesia.”

Giáo sư Vuving nói liên minh 4 bên không phải là trọng tâm chính, tuy nhiên đó có thể là do cố ý.

Ông nói: “Các nước đó không muốn khích Trung Quốc để gióng lên một hồi chuong báo động ở Bắc Kinh về một chiến lược kiềm hãm mới”.

“Vì vậy, tôi nghĩ không nên quá ồn ào với liên minh 4 bên, và duy trì nó trong tình trạng không chính thức.”

Nhưng lên tiếng hồi tuần trước cùng với các đối tác bốn bên tại một diễn đàn ở New Delhi, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, mạnh mẽ công kích Trung Quốc là một “lực lượng chuyển đổi có tính cách phá hoại tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Đô Đốc Harris nhấn mạnh: “Chúng ta phải sẵn sàng đưa ra những quyết định khó khăn trong năm 2018, chống lại những cách đơn phương thay đổi hiện trạng bằng quyền tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế.”

https://www.voatiengviet.com/a/my-tham-indonesia-vietnam-co-hoi-thuc-thi-chien-luoc-quoc-phong-moi/4219025.html

 

Biển Đông Hung Hiểm

Trần Khải

Nhìn đâu cũng thấy hình bóng Trung Quốc… Đó là nỗi lo mới ở Biển Đông. Không chỉ thế, TQ tung ra đủ thứ ngôn ngữ và thủ đoạn hung hăng, không che giấu nữa.

Bản tin ABC News Australia ghi nhận rằng chính phủ TQ tố cáo Hoa Kỳ khiêu khích, gây sự khi đưa tàu chiến Mỹ tới gần đảo tranh chấp ở Biển Đông, buộc TQ không còn lựa chọn nào khác, chỉ trừ tăng cường quân lực.

Hăm he như thế đưa ra sau khi tàu chiến Hoa Kỳ USS Hopper chạy tới gần một rạn san hô Philippines hôm Thứ Tư vừa qua, hai ngày trước khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đuư ra chiến lược mơ1ới, gọi TQ và Nga là hiểm họa lớn nhất của Mỹ, chứ không phải khủng bố.

Trong khi đó, báo Ấn Độ Economic Times  thúc giục chính phủ Ấn Độ phải kết thân hơn với 10 quốc gia ASEAN để cân bằng lực lượng, đó là chiến lược ‘Act East Policy’ (Chính Sách Hướng Đông).

Trong khi đó, Trung Quốc liên tục vũ trang dày đặc ở Biển Đông.

Để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh điện tử, “quân giải phóng Trung Hoa – PLA“ cải biến oanh tạc cơ cũ thành công cụ quân sự phá sóng radar.

Báo Hong Kong cho hay: căn cứ hải quân của tỉnh Guangdong cũng là căn cứ của phi đội điện tử này trong 1 cuộc tập trận mới đây. Đài truyền hình trung ương CCTV tiết lộ : oanh tạc cơ H-6G cũ gắn máy phá sóng ECM dưới cánh có khả năng phá sóng hay đánh lừa radar đối phương.

Bình luận gia Song Zhongping nói với phóng viên của tờ Global Times: ECM cũng che giấu đường bay của phi cơ bạn. ECM cũng đuợc gắn ở cánh của chiến đấu cơ J-15 hay J-20.

Đã từ lâu, PLA mong ước có phi cơ hiện đại như EA-18G Growler của hải quân Hoa Kỳ là F/A-18F biến cải với kỹ thuật điện tử tân tiến – chương trình H-6G là 1 buớc điện tử hoá chiến đấu cơ hoạt động từ hàng không mẫu hạm.

Đó là trên bầu trời… còn dưới đáy biển cũng thế.

Để theo dõi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Miền Tây Thái Bình Dương, Trung Cộng đặt duới đáy biển 2 trạm kiểm thính gần đảo Guam.

Nguồn tin chính quyền Hoa Lục cho biết: các máy cảm ứng của họ là công cụ nghiên cứu địa chấn, bão, cá voi, cũng dùng kỹ thuật cao để nghe ngóng tàu bè Hoa Kỳ qua lại.

Theo thông tin từ Viện Khoa Học (Beijing) phổ biến đầu tháng này, 2 trạm kiểm thính đặt tại Challenger Deep (nơi có độ sâu 10,916 mét, sâu nhất địa cầu) và tại đảo Yap (trong vùng Micronesia) đã hoạt động từ 2016.

Đài kiểm thính có tầm hoạt động khoảng 1000 kilomét. Viên chức ẩn danh cho biết : máy cảm ứng có thể khám phá các liên lạc của tàu ngầm – những liên lạc ấy đuợc mã hoá nhưng là thông tin hữu ích về tàu ngầm.

Đài kiểm thính đuợc nối liền với cáp quang gắn phao nổi liên lạc với vệ tinh.

Đảo Guam là căn cứ của tàu ngầm Hoa Kỳ – hải đội 15 gồm các tàu USS Oaklahoma, UDD Chicago, USS Key West, USS Topheka.

Từ Guam, đường nhanh nhất tới Hoàng Sa đi qua Biển Celebes giữa Philippines và Indonesia xa ước luợng 3500 kilomét – tàu ngầm phải mất gần 4 ngày để di chuyển.

Trong khi đó, bản tin VOA ghi nhận tình hình Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đến thăm Việt Nam — một phần đất của thế giới mà Ngũ Giác Đài xem là cốt yếu trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và Nga.

Ông Mattis, một vị tướng hồi hưu từng gia nhập thủy quân lục chiến trong thời chiến tranh Việt Nam nhưng không tham chiến tại Việt Nam, hôm 21/1 lên đường sang Châu Á với chặng dừng chân đầu tiên kéo dài hai ngày tại Indonesia trước khi thăm Hà Nội trong hai ngày 24 và 25/1 để họp với các giới chức cao cấp trong chính phủ và quân đội Việt Nam.

Bản tin ghi rằng chính quyền Tổng thống Trump xem Việt Nam như một đối tác để chống lại việc đòi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa mà Đài Loan, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei cùng đòi chủ quyền.

Đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mattis trước đây chưa từng đến Việt Nam.

Phát biểu với phóng viên tháp tùng trong chuyến công du lần này, ông Mattis nhấn mạnh một trong những vấn đề lớn được nêu lên tại chặng dừng Việt Nam sẽ là quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, sự tôn trọng luật lệ quốc tế và chủ quyền của các nước.

“Chúng ta cùng chia sẻ Thái Bình Dương. Đó là một đại dương có tên gọi hòa bình. Chúng tôi muốn khu vực này vẫn yên bình để tất cả các nước sinh sống ở đó, sử dụng đại dương này, được thịnh vượng,” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Trong khi đó, bản tin RFA nêu khía cạnh khác: Mạng Hoàn Cầu Thời báo, phiên bản tiếng Anh cơ quan ngôn luận chính thức của Bắc Kinh, vào ngày 22 tháng giêng, có bài bình luận tựa đề tạm dịch là ‘Hoa Kỳ không còn thống soái ở Biển Đông nữa’.

Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng chuyến công du của Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đến hai nước lớn trong Khối ASEAN là Indonesia và Việt Nam với mối quan tâm mạnh mẽ đến Biển Đông.

RFA ghi rằng Hoàn Cầu Thời Báo thách thức rằng nếu Mỹ muốn gia tăng cạnh tranh nước lớn với Trung Quốc tại Biển Đông thì đây là một trong những nơi tốt nhất. Vùng nước này có thể giúp Hải Quân Hoa Kỳ tung hoành Và vấn đề tranh chấp lãnh hải có thể được Hoa Kỳ sử dụng để kiểm tra Trung Quốc. Như vậy thế giới sẽ theo dõi chặt chẽ cách thức mà Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis quản trị vấn đề Biển Đông trong chuyến đi hiện nay.

Hoàn Cầu Thời Báo còn cảnh báo Hoa Kỳ chớ có quá tự tin về vai trò của Mỹ tại khu vực Biển Đông; và cũng đừng quá lý tưởng về mức độ các nước ASEAN sẽ theo chính sách của Mỹ.

Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận tình hình: Quân đội Philippines bất bình vì Manila “nhũn nhặn” trước Bắc Kinh.

Theo Asia Times ghi nhận là tại Philippines “một số bộ phận chính quyền đã ngày càng cảm thấy bất bình, đặc biệt là trong giới sĩ quan cao cấp của quân đội”.

Ngược lại với các tuyên bố của phủ tổng thống, luôn luôn tìm cách giảm nhẹ hay phủ nhận các báo cáo về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, tại những nơi mà Philippines khẳng định chủ quyền, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana đã có lời lẽ gay gắt hơn.

Ngày 08/01, ông Lorenzana thông báo Philippines sẽ phản đối qua kênh ngoại giao nếu báo cáo về hoạt động xây dựng và quân sự hóa của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở Trường Sa được xác minh, cho thấy là Bắc Kinh đã nuốt lời cam kết.

Phủ tổng thống Philippines đã có ngay phản ứng, nhấn mạnh rằng việc gởi văn kiện phản đối là trách nhiệm của bộ Ngoại Giao, chứ không phải là việc của bộ Quốc Phòng hay bộ trưởng Quốc Phòng.

Nguy hiểm là, RFI ghi rằng theo Asia Times, vấn đề là Hoa Kỳ không còn được coi là cường quốc hàng đầu sẵn sàng bảo đảm an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Các quốc gia vùng đang lo lắng chờ xem chính quyền Mỹ rốt cuộc có đưa ra một chiến lược chặt chẽ cho Biển Đông trong năm thứ hai nhiệm kỳ của ông Trump hay không, hay là vẫn bị các điểm nóng khu vực khác và các vấn đề nội bộ nước Mỹ làm cho phân tâm, phó mặc cho các đồng minh và các đối tác như Philippines rơi vào vòng định đoạt của Trung Quốc.

https://vietbao.com/p123a276794/bien-dong-hung-hiem