Tin Biển Đông – 22/12/2017
Biên Đông: Sẽ Đông Hơn
Trần Khải
Như thế, Biển Đông sẽ đông hơn… Khỏi có màn Hải quân Trung Quốc múa gậy vườn hoang…
Không phải Úc châu nói thẳng, nói thiệt về ý định vào Biển Đông. Chuyện đó, người ta đã râm ran từ lâu rồi. Chính Hoa Kỳ đã nhiều phen nài nỉ Hải quân Ấn Độ, Haỉ quân Úc châu, và cả Haỉ quân Pháp… vào bơi lội Biển Đông cho vui. Nhưng vào chơi, cho tới vào thiệt là một khoảng cách muôn trùng xa vắng.
Hiển nhiên Úc cũng chớ hề nói ra ý định vào chơi Biển Đông… May ra, phải chờ thêm chục năm nữa, khi thế hệ người Úc gốc Việt vào được Quốc hội Úc, hay nắm giữ các chức vụ lớn trong chính phủ Úc, mới nghĩ tới ngăn chận Hải quân TQ ở Biển Đông.
Chính một chuyên gia Nga nói ra, mới thấy rõ lộ trình này: Úc vào Biển Đông để hiệp đồng tác chiến với Hải quân Hoa Kỳ.
Nhà bình luận Piotr Tsvetov trên thông tấn Nga Sputnik trong bài mới hôm Thứ Hai ở Sputnik nói rằng:
“…Lo ngại về sự phát triển sức mạnh quân sự và chính trị của Bắc Kinh, Australia mong muốn mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực và quyết định không đứng bên lề tiến trình. Hồi tháng 11, Australia công bố Sách trắng, trong đó Chính phủ đã chỉ trích việc Bắc Kinh tiến hành bồi đắp và xây dựng các đảo Biển Đông. Đồng thời, văn kiện bày tỏ quan ngại về nguy cơ đe dọa đến từ Trung Quốc đối với Đài Loan và các vùng lãnh thổ ở Biển Hoa Đông.
Rõ ràng, chính sách Châu Á như vậy của Canberra trùng hợp với bản chất quan hệ với Washington. Và Canberra cũng không che dấu điều này. Sách Trắng nêu trên cũng giải thích, “liên minh với Mỹ là trọng tâm chính sách của chúng tôi trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương… Hiện nay Trung Quốc đang thách thức chính sách của Mỹ.”…
…nhưng chính phủ Australia không dừng lại ở đó, mà cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc sống nội bộ của các trường đại học Australia. Bắc Kinh phẫn nộ chính thức bác bỏ tất cả những cáo buộc này. Trong khi đó, hơn 140 000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Australia.
Khu vực Châu Á — Thái Bình Dương ngày càng trở thành địa bàn cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Và cuộc tranh cãi Trung Quốc-Australia chỉ là một phần trong trò chơi lớn và nguy hiểm này.”(ngưng trích)
Trò chơi lớn và nguy hiểm?
Giữa Úc châu và Hoa Lục?
Không phaỉ thực tế là, TQ đang nắn gân khối ASEAN ở Biển Đông hay sao?
Còn thực tế, Úc châu và Hoa Kỳ chỉ là khách đường xa… ghé chơi thôi.
May ra, vào đông, Việt Nam và Philippines sẽ đỡ cô đơn ở Biển Đông.
Tuy nhiên điểm lo ngại cũng là ở Philippines…
Bản tin RFI kể về Biển Đông: Philippines ngày càng ngả theo Trung Quốc.
RFI ghi rằng chính quyền Philippines của tổng thống Duterte càng lúc càng nói theo lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Ví dụ mới nhất là phản ứng của Manila trước bản báo cáo ngày 14/12/2017 của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), theo đó trong năm 2017, lợi dụng việc quốc tế dồn chú ý vào bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã tiếp tục phát triển thêm các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp ở Biển Đông.
Trung tâm AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS tại Washington, đã dẫn các hình ảnh mới nhất chụp từ vệ tinh, cho thấy Trung Quốc đã mở rộng và xây dựng thêm khoảng 290.000m2 trên nhiều đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, đặt ra-đa cao tần và các cơ sở có thể dùng cho quân sự.
Một cách cụ thể, Bắc Kinh đã tập trung củng cố và mở rộng ba thực thể tạo thành điều được giới chuyên gia quân sự gọi là tam giác sắt chiến lược của Trung Quốc tại Trường Sa bao gồm Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi) và Vành Khăn (Mischief).
Một hệ thống ra-đa được thiết lập ở phía bắc đá Chữ Thập, một đường hầm được hoàn tất trên đá Xu Bi, có thể dùng để trữ đạn dược và hệ thống ra-đa. Còn trên đá Vành Khăn, Bắc Kinh đã xây thêm hầm chứa đạn dược, nhà chứa máy bay, hầm trú tên lửa và ra-đa. Đó là chưa kể đến các công trình khác ở Hoàng Sa, cụ thể là trên đảo Cây và đảo Tri Tôn.
Hình ảnh vệ tinh chụp rất rõ, các công trình mới đều nổi bật khi so sánh với những bức ảnh chụp vào đầu năm ngoái. Thế nhưng đối với ngoại trưởng Philippines Cayetano ngày 15/12 vừa qua, thì trong thời gian gần đây, Trung Quốc không hề chiếm đóng hay củng cố thêm một thực thể mới nào tại Biển Đông.
Về các công trình xây dựng của Trung Quốc bị trung tâm AMTI vạch trần, ngoại trưởng Philippines không phủ nhận, nhưng lại giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự việc khi cho rằng Trung Quốc không phải là nước duy nhất có hoạt động xây dựng tại Biển Đông. Theo ông, nhiều nước khác, trong đó có Philippines, «vẫn tiếp tục xây dựng tại những vùng họ đã chiếm giữ. Trên đảo Pag-asa, chúng ta (tức Philippines) cũng đang tu bổ. Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc cũng tu bổ, và ai cũng nói rằng việc đó chỉ mang tính chất phòng thủ mà thôi».
RFI ghi rằng một dấu hiệu thứ hai cho thấy là Manila vào lúc này hoàn toàn đi theo lập luận của Trung Quốc về Biển Đông là sự kiện hôm 15/12/2017, các quan chức quốc phòng Philippines và Trung Quốc có cuộc họp quan trọng tại Philippines để bàn về các biện pháp tăng cường quan hệ quốc phòng song phương. Theo báo chí Philippines, bản báo cáo của AMTI về hoạt động của Trung Quốc không hề được nêu lên trong cuộc họp.
Theo các nhà phân tích, sự kiện Manila đi theo lập trường của Trung Quốc từng được thể hiện rõ nét nhân Hội nghị ASEAN tháng 8 vừa qua tại Manila, khi Philippines, trong tư cách chủ tịch khối nước Đông Nam Á đã tìm cách loại bỏ hai từ ngữ «quân sự hóa – militarization» và «cải tạo, bồi đắp đảo đá – land reclamation» trong bản Thông Cáo Chung của các ngoại trưởng ASEAN.
Trên vấn đề này, hôm 15/12 vừa qua, ông Cayetano đã công nhận rằng chính ông đã không muốn đưa hai từ ngữ này vào khi soạn thảo văn kiện này, vì theo ông «điều đó không phù hợp với thực tế… Trung Quốc không còn bồi đắp đảo đá nữa». Có điều là khi đa số các thành viên ASEAN đòi đưa hai từ ngữ đó vào Thông Cáo Chung, ông đã đành phải chấp nhận.
Dĩ nhiên, Việt Nam cũng không bó tay chờ đợi gì ai…
Bản tin VOA ghi rằng cùng lúc Trung Quốc tiếp tục biến vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông thành các thực thể có khả năng duy trì các căn cứ không quân và hải quân, Việt Nam cũng đang nâng cấp các khu vực họ chiếm đóng.
Các ảnh do các vệ tinh DigitalGlobe chụp hồi tháng 9 cho thấy một số cơ sở mới, trong đó có thể có một ụ cạn, ở Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa, cách thành phố Sài Gòn khoảng 680 km về hướng đông nam, có thể cho phép tàu thuyền ghé qua để bảo dưỡng và tuần tra trong thời gian dài hơn.
Tuy quy mô rất nhỏ nếu so với những gì Trung Quốc đang làm, điều này cho thấy Hà Nội muốn giữ đất ở tuyến đường thủy đang trong vòng tranh chấp, ngay cả khi điều đó có nguy cơ làm Bắc Kinh bực bội.
Bản tin khác của VOA ghi rằng chiều 16/12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cảnh sát biển Vùng 3, thuộc Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, đã tổ chức lễ tiếp nhận một tàu tuần duyên Mỹ.
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink thông báo trên Facebook hôm 16/12:
“Chiều nay, những thủy thủ tuyệt vời của CSB8020 đã đưa con tàu trở lại Việt Nam trong chuyến đi đầu tiên với tư cách là một tàu tuần tra của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đó là một chuyến đi dài từ Hawaii đến Việt Nam. Xin chúc mừng và chào đón về nhà mới!”
Như thế, thêm tàu chiến, sẽ đông hơn, vui hơn…