Tin Biển Đông – 22/12/2016
TQ bắt đầu các chuyến bay dân sự thường nhật
đến đảo Phú Lâm
Trung Quốc bắt đầu các chuyến bay dân sự thường nhật đến đảo Phú Lâm, trong khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, sau khi sân bay tại đây được phê duyệt cho các hoạt động dân sự, Tân Hoa Xã cho biết tin này hôm thứ Năm.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, nơi qua lại của các thương thuyền quốc tế với lượng hàng hoá qua lại trị giá hơn 5 ngàn tỷ đôla mỗi năm.
Theo Tân Hoa Xã, chuyến bay đầu tiên đã cất cánh hôm thứ Tư từ Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh đảo Hải Nam, phía nam Trung Quốc.
Cũng theo Tân Hoa Xã, chuyến bay đến đảo Phú Lâm sẽ bay mỗi ngày với giá vé một chiều là 1.200 nhân dân tệ (khoảng 172 đôla).
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, là nơi mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Năm 2012, Bắc Kinh lập thành phố Tam Sa trên đảo này và biến nơi đây thành trung tâm hành chính để quản lý các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Sân bay Trung Quốc xây dựng trên đảo được sử dụng chung cho các mục đích quân sự lẫn dân sự. Tân Hoa Xã cho hay sân bay này đã được phê duyệt cho các hoạt động dân sự hôm thứ Sáu tuần trước.
Tờ báo của nhà nước Trung Quốc nói “Việc này sẽ cải thiện điều kiện sống và làm việc của cán bộ công chức và quân nhân cư trú tại thành phố Tam Sa”.
Các chuyến bay sẽ rời sân bay Hải Khẩu lúc 8:45 sáng và trở về từ đảo Phú Lâm lúc 1:00 chiều, Tân Hoa Xã cho biết.
Philippines không từ bỏ tranh chấp bãi cạn Scarborough
Tổng thống Philippines ‘không từ bỏ” tranh chấp bãi cạn Scarborough ở Biển Đông dù đã quyết định tạm gác phán quyết của tòa trọng tài Liên hiệp quốc về ‘đường lưỡi bò’ qua một bên, theo tuyên bố của giới chức từ dinh Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 21/12.
“Tổng thống khẳng định không từ bỏ vấn đề [Scarborough], nhưng sẽ tạm gác qua một bên để đối thoại một ngày nào đó,” phát ngôn nhân cho Tổng thống, ông Ernesto Abella, cho biết.
Ông Abella nói Tổng thống Philippines tin rằng có các lựa chọn khác để cân nhắc trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Tổng thống Duterte từng tuyên bố ông sẽ đề nghị Trung Quốc cùng chia sẻ các trữ lượng dầu ở các khu vực có tranh chấp thay vì khăng khăng dựa trên phán quyết của tòa trọng tài rằng Trung Quốc ‘không có cơ sở pháp lý’ trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống hôm 20/12 đã nhanh chóng minh xác rằng chưa có chính sách chính thức của chính phủ Manila về chuyện có thể có hợp tác khai thác giữa Philippines với Trung Quốc trong các vùng biển đang tranh chấp.
Philippines gần đây tỏ ra trung lập trong lúc các cường quốc thế giới chỉ trích Bắc Kinh về việc thiết đặt võ khí, kể cả các hệ thống phòng không và chống phi đạn, trên tất cả 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.
Manila đang thu hẹp khoảng cách với Bắc Kinh giữa lúc mối quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ trở nên căng thẳng kể từ khi ông Duterte lên làm Tổng thống từ cuối tháng 6 năm nay.
Ông Duterte bị Mỹ và EU chỉ trích về chiến dịch chống ma túy đẫm máu tại Philippines. Nhà lãnh đạo ‘bạo ngôn’ của Philippines xem các quan ngại đó là can thiệp vào chuyện nội bộ của Manila.
Theo ABS-CBN, SunStar, The Philippine Star
http://www.voatiengviet.com/a/philippines-khong-tu-bo-tranh-chap-bai-can-scarborough/3646273.html
Philippines phá hư thế trận Biển Đông
Dương Danh HuyGửi cho BBCVietnamese.com từ Anh quốc
Trước chủ trương chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc, các nước nhỏ trong tranh chấp không có thế trận nào khác hơn là đoàn kết. Sự đoàn kết đó là để vừa hỗ trợ lẫn nhau vừa cùng nhau vận động sự ủng hộ các nước khác, đặc biệt là của Mỹ.
Khó có thể vận dụng các quan điểm “Trường Sa là của Việt Nam”, “Kalayaan (tên Phi cho phần lớn quần đảo Trường Sa) là của Philippines”, vv…, để xây dựng sự đoàn kết nói trên. Do đó, hai cơ sở then chốt cho sự đoàn kết là chống lại các hành vi phi pháp, lấn lướt, gây hấn của Trung Quốc, và vận dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để chống lại yêu sách quá lố về biển của họ.
Thế nhưng trong 15 năm qua ứng sách của Philippines lại rất xáo trộn. Ông Rodrigo Duterte không phải là Tổng thống Philippines đầu tiên nghiêng về Trung Quốc.
Năm 2004, nhân cơ hội Mỹ và Philippines bị chia rẽ về chiến tranh Trung Đông và vì thông tin tình báo của Mỹ liên quan đến sự cáo buộc về gian lận trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Philippines Gloria Arroyo, Trung Quốc đã nhanh chóng tranh thủ Philippines bằng viện trợ, đầu tư và cho vay nợ. Bà Arroyo ngả về Trung Quốc. Trong năm đó, Philippines ký thỏa thuận khảo sát dầu khí với Trung Quốc cho khu vực Trường Sa và bãi Cỏ Rong.
Dù trước đó luôn luôn chống lại việc hợp tác với Trung Quốc cho khu vực này, Việt Nam đã đành phải tham gia thỏa thuận khảo sát dầu khí ba bên Trung-Phi-Việt năm 2005.
Năm 2009, Philippines nhận ra thỏa thuận đó là sai lầm, và chính họ lại là nước đầu tiên tuyên bố không gia hạn nó.
Nhưng cùng năm đó, cũng dưới chính phủ Arroyo, Philippines đã từ chối lời mời của Việt Nam và Malaysia về gửi đệ trình chung cho thềm lục địa lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa theo UNCLOS. Không những thế, họ còn phản đối các đệ trình của Việt Nam và Malaysia trong khi không phản đối công hàm với bản đồ “đường chữ U” Trung Quốc gửi cho Ủy ban.
Chính sách sai lầm của Philippines cho đến 2009 đã thuận lợi cho sự bành trướng của Trung Quốc.
Quyết sách của Benigno Aquino
Từ năm 2011 trở đi, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Benigno Aquino, và một phần là do bị Trung Quốc dọa đâm húc tàu khảo sát tại bãi Cỏ Rong, Philippines bắt đầu tích cực chống “đường chữ U” và đoàn kết với Việt Nam hơn.
Năm 2011, họ gửi công hàm đến Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa phản đối công hàm “đường chữ U” của Trung Quốc. Từ đó cho đến năm 2016, Việt Nam và Philippines là hai nước đoàn kết nhất và chống sự bành trướng của Trung Quốc một cách tích cực nhất trong số các nước Đông Nam Á, và điều đó đã thuận tiện cho việc Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông.
Việc Trung Quốc chiếm đoạt bãi cạn Scarborough năm 2012 là giọt nước tràn ly cho Philippines. Năm 2013 họ tuyên bố đơn phương kiện Trung Quốc, và ngày 12/7/2016 Hội đồng Trọng tài UNCLOS ban hành phán quyết, với Philippines thắng kiện gần như hoàn toàn.
Phán quyết này đã bác bỏ hoàn toàn cơ sở pháp lý của “đường chữ U” như một yêu sách về biển. Hội đồng Trọng tài đã bác bỏ lập luận “quyền lịch sử” và “Trường Sa được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế” mà phía Trung Quốc đã dùng để biện minh cho đường này. Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và dùng tàu thuyền chấp pháp để đâm húc cũng bị lên án.
Chiến thắng pháp lý của Philippines là cơ hội vàng cho các nước Đông Nam Á trong tranh chấp: nó đã bênh vực các cơ sở then chốt cho sự đoàn kết và của việc kêu gọi sự ủng hộ của thế giới. Đặc biệt, với phán quyết, Mỹ có thể ủng hộ các nước Đông Nam Á một cách trực diện hơn.
Bước ngoặt Duterte
Đáng tiếc là cơ hội đó không trở thành sự thật vì trước đó hai tháng ông Duterte đã đắc cử Tổng thống Philippines.
Ông là người thù ghét Âu Mỹ, và đặc biệt là Mỹ, trên mọi phương diện: ý thức hệ, chính trị, văn hóa, lịch sử và cá nhân. Ngay từ khi trước khi ông đắc cử, đã dễ dự đoán rằng ông sẽ không chống sự bành trướng của Trung Quốc, cũng như sẽ không thân Mỹ, như người tiền nhiệm, ông Aquino.
Nhưng Duterte đã xoay trục Philippines từ Mỹ sang Trung Quốc với một tốc độ bất ngờ.
Chỉ trong nửa năm, ông đã tuyên bố “tách ra” khỏi Mỹ, vốn là đồng minh trong 60 năm qua, không tuần tra chung trên biển, sẽ chỉ tập trận với Mỹ một lần cuối, muốn quân đội Mỹ rời Philippines trong vòng hai năm, cộng với hàng loạt những lời đả kích và chế nhạo về Mỹ.
Ngược lại, ông ca ngợi Trung Quốc hết lời. Không chỉ ca ngợi các thành tích của Trung Quốc, ông còn tuyên bố rằng tuyên truyền thời Chiến tranh Lạnh đã làm người ta hiểu lầm về Trung Quốc, Trung Quốc “có tấm lòng tốt lành nhất trong mọi nước”, thậm chí Trung Quốc không hề chiếm một tấc lãnh thổ nào của Philippines.
Về phán quyết của Hội đồng Trọng tài UNCLOS, từ đầu ông đã tuyên bố là sẽ không đem ra trong đàm phán với Trung Quốc. Ông cũng tuyên bố là gác phán quyết đó sang một bên, không áp đặt bất cứ gì lên Trung Quốc “vì chính trị Đông Nam Á đang thay đổi”, và sẵn sàng khảo sát chung với Trung Quốc trong các vùng biển có tranh chấp.
Hiện nay, việc đòi hỏi Trung Quốc tôn trọng phán quyết bị hụt chân khi chính Philippines không đòi hỏi điều đó. Nếu chính Philippines lại ca ngợi Trung Quốc hết lời, cho rằng họ không chiếm tấc lãnh thổ nào của mình, trong khi phê phán sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, đả kích Mỹ, thì Mỹ không còn động cơ “hỗ trợ đồng minh bị đe dọa” trong việc đối đầu với Trung Quốc.
Hai tuần sau khi ông Duterte thăm Bắc Kinh, tuyên bố “tách ra” khỏi Mỹ và ký kết một loạt các bản ghi nhớ về đầu tư, viện trợ và vay nợ tổng cộng trị giá 24 tỷ đôla, vào đầu tháng 11 Thủ tướng Najib Razak của Malaysia cũng đến Bắc Kinh ký các thỏa thuận thương mại tổng cộng trị giá 34 tỷ đôla, mua 4 chiến hạm của Trung Quốc, tuyên bố hợp tác hải quân với Trung Quốc, muốn giải quyết tranh chấp qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị, và kêu gọi “các nước cựu thực dân dừng dạy đời những nước họ từng bóc lột”.
Như vậy, thế trận duy nhất của các nước nhỏ trong tranh chấp bị phá vỡ từ khi còn phôi thai. Nửa năm sau phán quyết lịch sử về tranh chấp Biển Đông, sau cơ hội vàng cho các nước này, ông Duterte đã đưa Trung Quốc từ chiến bại pháp lý đến chiến thắng chính trị.
Việt Nam cô độc?
Ngược lại, với sự xoay trục của Philippines, Việt Nam trở thành nước đầu ngọn sóng gió.
Việt Nam hiện đang đứng trước ba nguồn rủi ro. Nguồn thứ nhất là từ Trung Quốc: nước này sẽ gây áp lực để đập cái đinh còn nhô lên, và khi họ gây hấn thì Việt Nam sẽ lẻ loi hơn trong những năm qua.
Nguồn thứ nhì là từ Mỹ: hiện nay chưa rõ chính sách của chính phủ của ông Donald Trump về Biển Đông và Việt Nam sẽ là gì.
Nguồn thứ ba là từ chính mình: phái “đặt cầu hòa trên chủ quyền” sẽ gây thêm áp lực cho phái “bảo vệ chủ quyền” với lập luận “Philippines là đồng minh của Mỹ mà còn như thế”.
Trước sự không thành của thế trận đoàn kết, có lẽ Việt Nam đối diện ba sự lựa chọn chính. Thứ nhất là theo bước Philippines quy phục Trung Quốc. Thứ nhì là tiếp tục với chính sách “ba không”, cho đến khi Trung Quốc hành động. Thứ ba là đẩy mạnh việc xây dựng quan hệ với Mỹ, tận dụng cơ hội Mỹ đang thấy Philippines không còn là đồng minh đáng tin cậy.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà nghiên cứu hiện sống ở Anh.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-38403144
Ứng viên ngoại trưởng Mỹ:
Người từng trải về Trung Quốc và Biển Đông
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã xác nhận chọn ông Rex Tillerson – chủ tịch-tổng giám đốc tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ – làm ngoại trưởng. Nhiều quan sát viên cho rằng ngoại trưởng tương lai của nước Mỹ hoàn toàn có khả năng sẽ « cứng rắn » với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo bình luận gia báo Người Việt tại California Ngô Nhân Dụng, trong tư cách ngoại trưởng, ông Tillerson sẽ không hành xử như khi lãnh đạo tập đoàn Exxon.
Ngày 13/12/2016, tổng thống tương lai của nước Mỹ Donald Trump đã xác nhận việc chọn ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng trong chính quyền mới. Là chủ tịch-tổng giám đốc tập đoàn dầu khí đa quốc gia ExxonMobil của Mỹ, ông Tillerson được biết đến là một người từng có quan hệ mật thiết với các tập đoàn dầu khí Nga, thậm chí là “bạn” của đương kim tổng thống Nga Vladimir Putin.
Điều thu hút mối quan tâm của người Việt Nam, tuy nhiên là sự kiện ông Tillerson đã lãnh đạo ExxonMobil vào lúc tập đoàn này chấp nhận lời mời đến thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông và từng bị Trung Quốc phản đối và hù dọa.
Một công điện ngoại giao Mỹ được WikiLeaks tiết lộ ghi nhận là vào năm 2009, lãnh đạo Exxon tại Việt Nam đã nói chuyện với đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội về căng thẳng với Trung Quốc bắt nguồn từ việc tập đoàn Mỹ ký hợp đồng khai thác dầu khi trên Biển Đông với Việt Nam.
Theo báo chí Mỹ, bản thân ông Tillerson cũng đã từng trực tiếp “can dự” vào hồ sơ nóng Biển Đông. Theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal ngày 14/12, vào năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào cắm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, ở phía đông các lô dầu khí của Exxon Mobil, ông Tillerson đã phải bay sang Bắc Kinh để tiếp xúc với giới lãnh đạo dầu khí Trung Quốc. Nội dung bàn thảo giữa hai bên dĩ nhiên vẫn được giữ kín.
Khi thông tin về việc đề cử ông Rex Tillerson được đưa ra, nhiều quan sát viên đã cho rằng căn cứ vào quá trình đã qua, ngoại trưởng tương lai của nước Mỹ hoàn toàn có khả năng sẽ « cứng rắn » với Trung Quốc. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của ban Việt Ngữ RFI, ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California cho rằng trong tư cách là ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson sẽ không hành xử như khi ông là lãnh đạo tập đoàn Exxon.