Tin Biển Đông – 22/11/2016
Việt-Nhật tái khẳng định nỗ lực chung
giải quyết ôn hòa Biển Đông
Việt Nam và Nhật Bản ngày 20/11 tái xác nhận cam kết giải quyết các tranh chấp Biển Đông hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế trong lúc Tokyo chuẩn bị cung cấp cho Hà Nội các tàu tuần tra giúp tăng cường khả năng thực thi hàng hải giữa tranh chấp Biển Đông.
Gặp nhau bên lề thượng đỉnh APEC tại Lima, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch nước Việt Nam, Trần Đại Quang, nhất trí xúc tiến các thủ tục nội địa của mỗi nước để thực thi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP gồm 12 nước thành viên do Mỹ dẫn đầu, theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản cũng thông báo với Chủ tịch nước Việt Nam rằng Tokyo đang thực hiện các bước chuẩn bị để cung cấp các tàu tuần tra hứa hẹn với Hà Nội hồi tháng 9.
Ông Abe cam kết rằng Nhật hoàn toàn ủng hộ Việt Nam chủ trì thượng đỉnh năm tới của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương gồm 21 thành viên.
Ông Quang tán dương chuyến công du của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tới Việt Nam dự kiến vào mùa xuân năm tới.
Trong các cuộc hội đàm riêng rẽ với Tổng thống Mỹ, Barack Obama, lãnh đạo Nhật-Mỹ nhất trí tiếp tục phối hợp song phương chặt chẽ trong việc cổ súy TPP và giải quyết các vấn đề quốc tế khác.
Ông Abe và ông Obama ca ngợi vai trò lãnh đạo của đôi bên trong việc củng cố liên minh Mỹ-Nhậtvì hòa bình-thịnh vượng Châu Á Thái Bình Dương.
Các cuộc gặp riêng giữa Thủ tướng Nhật với lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ diễn ra tại thượng đỉnh APEC kéo dài 2 ngày, kết thúc hôm 20/11 tại thủ đô Peru.
Theo Kyodo, SCMP
Biển Đông : Việt Nam thách thức Trung Quốc
Với việc nâng cấp phi đạo duy nhất của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và xây dựng các nhà để máy bay mới tại địa điểm này, Hà Nội đáp lại việc Trung Quốc trong thời gian qua đã ồ ạt xây dựng các cơ sở quân sự tại khu vực đang tranh chấp này ở Biển Đông.
Các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) công bố vào tuần trước cho thấy là Hà Nội đã mở rộng phi đạo và xây hai nhà chứa máy bay lớn trên một đảo của Trường Sa để có thể tiếp nhận những phi cơ mới của không quân Việt Nam, như máy bay giám sát biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295. Để mở rộng phi đạo, Việt Nam đã bồi đắp đảo cho lớn hơn, tương tự như việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo, tức bồi đắp các đá thành những đảo thật sự.
Thật ra thì quy mô của công trình mở rộng phi đạo của Việt Nam chẳng thấm vào đâu so với các công trình của Trung Quốc ở Trường Sa, vì các chiến đấu cơ phản lực chỉ có thể sử dụng một cách hạn chế phi đạo vừa được mở rộng. Nhưng theo ghi nhận của dự án Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), thuộc trung tâm CSIS, hành động nói trên cho thấy là ngay cả khi căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc giảm bớt, Việt Nam vẫn tiếp tục hiện đại hóa quân đội và thắt chặt quan hệ an ninh với các nước Nhật, Mỹ, Ấn Độ, để chuẩn bị đối phó với những hành động khác của Trung Quốc trong tương lai nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Hãng tin Reuters tháng 8/2016 tiết lộ rằng Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dàn tên lửa địa đối không ở quần đảo Trường Sa. Hà Nội đã không xác nhận thông tin này, nhưng theo nhận định của AMTI, hành động đó không có gì là đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy tiềm lực không quân rất mạnh mà Trung Quốc chẳng bao lâu nữa sẽ triển khai ở vùng Trường Sa.
Theo AMTI, Việt Nam có thể sử dụng phi đạo mở rộng và nhà để máy bay mới cho việc tuần tra khu vực Trường Sa. Cho dù tiềm lực quân sự của Việt Nam không thể so với của Trung Quốc, nhưng Hà Nội có vẻ quyết tâm nâng cao khả năng giám sát hoặc khả năng bảo vệ chủ quyền, nếu thông tin về việc triển khai tên lửa là đúng.
Hôm thứ sáu tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam ngưng xây dựng « trên lãnh thổ Trung Quốc », nhưng chắc là Hà Nội sẽ không làm theo yêu cầu này của Bắc Kinh.
Dầu sao thì với nguy cơ chiến tranh tái diễn với Trung Quốc do vấn đề Biển Đông, Việt Nam không có con đường nào khác hơn là phải tiếp tục hiện đại hóa quân sự, một mặt nâng cao khả năng sẳn sàng chiến đấu của quân đội, mặt khác đầu tư phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, cùng với việc mua thêm vũ khí và thiết bị quân sự từ nhiều nguồn khác nhau.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161122-bien-dong-viet-nam-thach-thuc-trung-quoc
Nhật là đối tác rất quan trọng của VN
khi Mỹ vắng mặt ở Biển Đông
Hôm 20/11, Việt Nam và Nhật Bản đã lặp lại quan điểm giải quyết ôn hòa vấn đề tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế giữa lúc Tokyo chuẩn bị cung cấp cho Hà Nội các tàu tuần tra biển theo cam kết trước đó. Một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nói việc Việt Nam hướng tới Nhật Bản trong bối cảnh Mỹ tạm thời vắng bóng ở Biển Đông sắp tới là một chiến lược để bảo vệ mình lúc này.
Hãng tin Kyodo cho hay Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào chiều 20/11 tại Lima, Peru, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Trong cuộc gặp, Thủ tướng Abe thông báo cho lãnh đạo Việt Nam rằng phía Nhật đang chuẩn bị để cung cấp cho Việt Nam các tàu tuần tra Nhật và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực cho các lực lượng chấp pháp trên biển.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine, Hoa Kỳ, nói rằng vai trò của Nhật hiện nay là rất quan trọng trong thời gian Mỹ tạm thời vắng mặt ở Biển Đông. Vì vậy, Việt Nam tăng cường hợp tác với Nhật trong chiến lược đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông là một trong những kế sách cần thiết trong lúc này. Giáo sư Long nói:
“Nhật không chỉ là về vấn đề Biển Đông thôi, mà Nhật bây giờ còn đứng ra để cố ý giữ một phần nào để TPP (Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) khỏi tan rã. Vì vậy, Việt Nam đi gần với Nhật hơn là một cách để bảo vệ không những cho an ninh của chính mình mà còn cho an ninh trong khu vực, để tạm thời coi xem Trung Quốc có những phản ứng như thế nào”.
Theo GS. Ngô Vĩnh Long, Việt Nam trong thời gian gần đây có những biểu hiện chần chừ để dò xét tình hình. Chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông cho rằng trong bối cảnh thiếu vắng Mỹ, Việt Nam nên chủ động và tích cực hơn trong việc xây dựng đối tác, “đồng minh” để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Ông nói:
“Nếu Mỹ không thể thúc đẩy thì Việt Nam phải đứng ra để thúc đẩy các nước trong khu vực. Tôi thấy rằng Việt Nam hiện nay, ví dụ như ở đảo ở Trường Sa, Việt Nam có ý định mở đường bay dài thêm. Nhưng việc này chỉ tốn tiền mà chẳng làm gì được. Có thể Việt Nam muốn đe dọa rằng nếu Trung Quốc ăn hiếp Việt Nam quá thì sẽ xảy ra chiến tranh, để các nước khác để ý. Nhưng tôi thấy đây không phải là một chính sách lâu dài. Chính sách lâu dài bây giờ là phải thúc đẩy các nước trong khu vực. Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất trong khu vực, vì lợi ích của mình thì phải thúc đẩy người ta, chứ ngồi mà chần chừ thì không được. Mà Trung Quốc thì sẽ không từ bỏ vấn đề Biển Đông đâu. Thành ra, Việt Nam phải có một chính sách tích cực hơn”.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói mặc dù vấn đề liên minh hiện nay là rất khó, nhưng theo ông, Việt Nam vẫn nên tiếp tục thúc đẩy các nước ASEAN. Giáo sư Long cho rằng dù có một số nước trong khối ASEAN có biểu hiện sợ Trung Quốc, nhưng các nước này chỉ chiếm số ít trong khối. Vì vậy, Việt Nam vẫn nên tập trung tăng cường quan hệ với các nước khác trong khối này như Singapore, Philippines… và các nước khác ngoài khối như Úc, Ấn Độ, để đối phó với đà lấn áp của Trung Quốc ở Biển Đông sắp tới.
Riêng về vai trò của Nga, theo GS. Long, nếu chính quyền của ông Trump “đi đêm” với Nga để giải quyết những vấn đề ở Trung Đông, thì điều này sẽ rất bất lợi cho các nước trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Cũng bên lề APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có các cuộc họp riêng với các lãnh đạo của Việt Nam và Philippines. Tại đây, ông Tập Cận Bình nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết song phương, một chiến thuật mà nhiều chuyên gia gọi là “chia để trị” những nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Bắc Kinh cũng đã nhiều lần đổ lỗi cho Hoa Kỳ là kẻ quấy rối ở Biển Đông, và phản đối phán quyết có lợi cho Philippines của Tòa trọng tài ở La Haye hồi tháng Bảy, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông.
Tân Hoa Xã cho biết tại cuộc họp ở Peru, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói “sẵn sàng giải quyết phù hợp các vấn đề hàng hải với Trung Quốc thông qua đối thoại và tham vấn” để trả lời cho kêu gọi biến Biển Đông thành “cơ hội hợp tác hữu nghị song phương” của ông Tập. Nhưng hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc lại không cho biết về phản ứng của Chủ tịch nước Việt Nam về vấn đề này.
Philippines-TQ nhất trí biện pháp ‘giữ thể diện’
tại khu vực tranh chấp Scarborough
Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, sẽ ban hành sắc lệnh hành pháp công bố một phần của bãi cạn có tranh chấp Scarborough là khu bảo tồn biển, cấm ngư dân đánh bắt cá, hành động mà văn phòng Tổng thống Philippines cho biết được Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, ủng hộ.
Ông Duterte sẽ ra tuyên bố đơn phương cấm ngư dân không được khai thác thủy hải sản tại khu vực trung tâm của nhiều năm tranh chấp giữa Manila với Bắc Kinh và cũng là cơ sở của vụ kiện Philippines chống lại bản đồ lưỡi bò Trung Quốc tại tòa trọng tài quốc tế.
Kể từ năm 2012, Trung Quốc bố trí lực lượng tuần duyên phong tỏa không cho người Philippines tiếp cận bãi cạn dù khu vực này nằm bên trong 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Nếu thành công, việc thành lập khu bảo tồn biển tại đây sẽ mang lại cho cả hai nước phương cách giữ thể diện để phá vỡ bế tắc ngoại giao mà không cần một sự đồng thuận chính trị hay chính thức nhượng bộ.
Theo kế hoạch do văn phòng Tổng thống loan báo hôm 21/11, ngư dân hai nước có thể giăng lưới bên ngoài phạm vi khu vực này, để trữ lượng cá được phục hồi.
Hành động này là cử chỉ hướng tới Trung Quốc gần đây nhất của chính sách ngoại giao Philippines dưới thời Tổng thống Duterte, người chọn làm bạn với Bắc Kinh và xa rời đồng minh lâu năm Hoa Kỳ vì điều mà ông gọi là hiếp đáp và đạo đức giả.
Theo phán quyết của tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines, không nước nào có quyền chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough dù tất cả các bên đều được phép hợp pháp khai thác hải sản tại đây.
Philippines nói Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, người đã gặp ông Duterte cuối tuần qua tại thượng đỉnh APEC ở Peru, đã lên tiếng bày tỏ ủng hộ đối với kế hoạch bảo tồn biển vừa kể.
Trung Quốc đã dịu giọng kể từ sau chuyến công du của ông Duterte sang Bắc Kinh hồi tháng 10.
Ngư dân Philippines tiếp cận gần bãi cạn cho biết lực lượng tuần duyên Trung Quốc không còn xua đuổi họ như 4 năm qua.
Theo Reuters, Kyodo
TQ đề nghị giải quyết riêng vấn đề Biển Đông
với Việt Nam, Philippines
Chủ tịch Trung Quốc, trong cuộc gặp riêng với lãnh đạo từng nước Việt Nam và Philippines, đề nghị nên giải quyết song phương vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Lời kêu gọi này nêu bật sự phản đối của Bắc Kinh đối với sự can dự của các nước hoặc các tổ chức quốc tế trong tranh chấp chủ quyền hàng hải với các nước trong khu vực.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Bắc Kinh muốn áp dụng chiến thuật ‘chia để trị’, không muốn các nước đối phương hợp quần với nhau.
Trung Quốc cũng nhiều lần đổ lỗi Hoa Kỳ khuấy động vấn đề Biển Đông, đồng thời phản đối phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines chống lại bản đồ lưỡi bò của Bắc Kinh.
Theo Tân Hoa xã, trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam, Trần Đại Quang, tại Peru nhân thượng đỉnh APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị hai nước Việt-Trung nên ‘giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đối thoại và tham vấn song phương, theo con đường hợp tác, gạt qua một bên những bất đồng và cùng tham gia phát triển chung, giải quyết vấn đề thích hợp để duy trì hòa bình khu vực.
Tân Hoa xã không cho biết Chủ tịch Trần Đại Quang của Việt Nam có đề cập đến vấn đề Biển Đông nhân dịp này hay không.
Tại thượng đỉnh APEC, ông Tập cũng đưa ra những đề nghị tương tự với Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, rằng cần ‘hâm nóng’ hợp tác hàng hải và phát huy tương tác trên biển, biến Biển Đông thành ‘cơ hội hợp tác hữu nghị song phương’, theo Tân Hoa xã.
Đáp lại, ông Duterte cho biết ‘sẵn sàng giải quyết các vấn đề hàng hải một cách thích hợp với Trung Quốc thông qua đối thoại và tham vấn.’
Nhật Bản huấn luyện phi công lái TC-90 cho Philippines
Hôm 21/11, Lực lượng Hải vệ Nhật Bản (MSDF) thông báo kể từ tuần tới, lực lượng này sẽ bắt đầu công tác huấn luyện cho các phi công hải quân Philippines lái máy bay TC-90, trước khi hợp đồng thuê 5 máy bay TC-90 hồi tháng 5 giữa Tokyo và Manila bắt đầu có hiệu lực vào tháng Ba tới.
Theo hãng thông tấn Kyodo của Nhật, đây là lần đầu tiên Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho nước ngoài thuê máy bay. Động thái này được cho là nằm trong chiến lược của chính quyền Thủ tướng Abe là giúp đỡ Philippines tăng cường khả năng tuần tra trên biển để có lợi cho việc đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo thông báo, nhóm được huấn luyện đầu tiên gồm 2 thiếu tá của Philippines. Nhóm này sẽ bước vào quá trình huấn luyện từ ngày 28/11 tới ngày 24/3/2017 tại Căn cứ Không quân Tokushima của MSDF ở tỉnh Tokushima. Tổng cộng có 6 phi công của Philippines sẽ được huấn luyện từ nay đến tháng 11/2017.
Máy bay tuần tra TC-90 có tầm hoạt động khoảng 2.000km, gấp đôi khả năng hoạt động của các máy bay mà Hải quân Philippines đang sở hữu.
Dự kiến, các máy bay TC-90 sẽ được sử dụng cho các mục tích hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với các thảm họa thiên nhiên.
http://www.voatiengviet.com/a/nhat-ban-huan-luyen-phi-cong-lai-tc90-cho-philippines/3607041.html