Tin Biển Đông – 22/04/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 22/04/2017

Kêu gọi ASEAN tập trung về tranh chấp Biển Đông

Philippines nên nhân cơ hội là chủ tịch ASEAN trong năm nay làm cho công luận chú ý đến các thách thức về an ninh và chính trị cấp thiết nhất, bao gồm những tranh chấp lãnh thổ liên hệ đến nhiều bên, theo lời kêu gọi của Viện Nghiên cứu Stratbase-Albert del Rosario ngày 20/4.

Ông Albert del Rosario là Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ trước đây. Ông đại diện chính phủ Philippines trong việc đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế của Liên hiệp quốc, dẫn đến phán quyết có lợi cho Manila hồi tháng 7 năm 2016.

Chín tháng sau thắng lợi của Philippines tại Tòa án La Haye, chính phủ đã làm việc với các nước châu Á cũng đòi chủ quyền tại Biển Đông để đưa ra một khung làm việc về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông.

Chủ tịch Viện Stratbase-Albert del Rosario, ông Dindo Manhit, nói “Cho tới nay chính quyền vẫn chưa tận dụng cơ hội để tái khẳng định phán quyết đó và cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phán quyết đối với khu vực và đối với trật tự dựa trên luật lệ mà các nước Đông Nam Á được hưởng.”

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Robe Bolivar, nói giữa các nước ASEAN và Trung Quốc có lòng tin và cam kết mạnh mẽ để đi đến một khung làm việc, đặc biệt khi Philippines là chủ tịch ASEAN.

Bắt đầu vào thứ Tư tuần tới, 10 nhà lãnh đạo các nước ASEAN sẽ họp hội nghị 4 ngày tại Manila.

Trung Quốc tỏ ra quan tâm đến việc hoàn tất khung làm việc cho Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông và đã mời các nước ASEAN dự hội nghị thượng đỉnh tại Hoa lục ngay sau hội nghị thượng đỉnh Manila.

Khung làm việc hy vọng sẽ mở đường cho Một bộ Quy tắc Ứng Xử có tính ràng buộc, mà qua đó, Trung Quốc sẽ bị ngăn không được quân sự hóa các vùng biển tranh chấp.

http://www.voatiengviet.com/a/keu-goi-asean-tap-trung-ve-tranh-chap-bien-dong-/3821128.html

 

G7 kêu gọi tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông

Ngoại trưởng nhóm nước công nghiệp G7 vừa ra thông cáo chung kêu gọi thực thi phán quyết của Tòa trọng tài Liên hiệp quốc vô hiệu hóa những tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong thông cáo, Ngoại trưởng G7 cũng nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ về việc xây dựng các tiền đồn quân sự mới tại các vùng biển tranh chấp cũng như việc đe dọa dùng võ lực trong giải quyết tranh chấp hàng hải.

Nhóm G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật, Anh, và Mỹ.

Thông cáo nói G7 xem phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài chiếu theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển là căn cứ hữu ích cho các nỗ lực sau này để giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách ôn hòa.

Các nước G7 cũng lặp lại cam kết duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển, giữ vững cam kết về quyền tự do hàng không-hàng hải và các quyền khác trong việc sử dụng biển phù hợp với luật quốc tế.

G7 nhấn mạnh giải quyết tranh chấp phải bằng công cụ pháp lý và bằng các biện pháp xây dựng lòng tin.

Ngoại trưởng nhóm G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Thông cáo G7 cũng khuyến khích các cuộc đối thoại dựa trên luật lệ để theo đuổi một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông hiệu quả.

“Chúng tôi kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử Biển Đông một cách toàn diện,” các nước G7 kêu gọi.

Philippines kỳ vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ hoàn tất được khung sườn Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông trong thời gian Manila giữ chức chủ tịch ASEAN trong năm nay.

Theo Phil Star/CNN

http://www.voatiengviet.com/a/g7-keu-goi-tuan-thu-phan-quyet-cua-toa-trong-tai-ve-bien-dong-/3821097.html

 

Tổng thống Philippines: ‘Nga đang sát cánh với tôi’

Chuyến thăm thứ nhì của tàu chiến Nga tới Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte củng cố niềm tin cho lãnh đạo Philippines rằng Manila có thể đối mặt với các thách thức an ninh phía trước.

Trên chiếc Varyag có phi đạn hành trình dẫn đường, ông Duterte tuyên bố: “Người Nga đang sát cánh với tôi nên tôi không sợ gì cả.”

Lời phát biểu được đưa ra trong lúc ông đứng cho báo giới chụp ảnh cùng với đại sứ Nga, Igor Khovaev, cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon Jr, quyền Ngoại trưởng Enrique Manalo, cùng các giới chức an ninh của đôi bên.

Tàu Varyag cập cảng thăm Philippines 1 tháng trước chuyến công du của ông Duterte tới Nga. Trong chuyến đi sắp tới, đôi bên dự kiến sẽ ký kết các hợp đồng nhà nước về quốc phòng và kinh tế.

Tổng thống Philippines cũng tuyên bố sẵn sàng nhận hỗ trợ của Nga về thiết bị quốc phòng.

Rời Philippines, chiếc Varyag sẽ hướng ra Biển Đông và hiện diện tại đây trong 1 hay 2 tháng , theo giới chức Nga thông báo.

Theo Rappler/ABS-CBN

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-philippines-nga-dang-sat-canh-voi-toi-/3821094.html

 

Trung Quốc

có thể xây thêm căn cứ cho đội hàng không mẫu hạm

Trung Quốc có thể đang hoạch định xây thêm 10 căn cứ mới cho đội hàng không mẫu hạm tương lai của mình, báo nhà nước Global Times loan tin ngày 20/4 giữa những đồn đoán rằng Bắc Kinh sẽ vận hành ít nhất 6 tàu sân bay trong những năm tới đây.

“Về lâu dài, Trung Quốc cần phát triển đội hàng không mẫu hạm chiến đấu riêng của mình, với ít nhất 6 chiếc, phát triển lực lượng hàng hải dẫn dắt bởi các tàu khu trục có phi đạn dẫn đường cũng như các tàu ngầm tấn công,” ông Xu Guangyu, một cố vấn cao cấp của Hiệp Hội Kiểm soát Võ khí và Giải trừ quân bị nói với Hoàn Cầu Thời báo.

Ông Xu nói các tàu sân bay này sẽ giúp hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân đạt được quyền chỉ huy Tây Thái Bình Dương.

Vẫn theo lời ông, lực lượng thủy quân lục chiến của Trung Quốc cũng cần phải tăng lên thành 100 ngàn binh sĩ để hỗ trợ lực lượng ngoài khơi.

“Hy vọng Trung Quốc có thể có được căn cứ ở mỗi một lục địa, nhưng điều này còn tùy thuộc vào các nước muốn hợp tác với Trung Quốc,” ông Xu nói thêm.

Trung Quốc gần hoàn tất chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì, sẽ đưa vào hoạt động trước năm 2020.

Tờ Quân đội Nhân dân loan tin các lực lượng tuần duyên bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc đã được tiêu chuẩn hóa với hơn 100 tàu tuần duyên và máy bay chiến đấu tuần tra các khu vực trọng điểm.

Theo IHS Jane’s Defence Weekly/ Global Times

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-xay-them-can-cu-cho-doi-hang-khong-mau-ham/3821091.html

 

Tổng thống Philippines lại lên thăm một chiến hạm Nga

Thanh Phương

Lần thứ hai, chỉ trong vòng bốn tháng, tổng thống Duterte hôm qua, 21/02/2017, đã lên thăm một chiến hạm của Nga để thể hiện mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Manila với Matxcơva.

Trên chiếc tuần dương hạm Varyag của Nga hiện đang ghé thăm cảng Manila, tổng thống Duterte đã chụp hình với các thủy thủ Nga và trước dàn tên lửa của chiến hạm này. Đây là lần thứ tư một chiến hạm của Nga ghé thăm Philippines.

Vào tháng Giêng, hai chiến hạm của Nga đã mở một chuyến « viếng thăm thiện chí » đến Manila và ông Duterte cũng đã lên thăm chiến hạm Nga.

Kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 6 năm ngoái, tổng thống Duterte đã rời xa đồng minh truyền thống Hoa Kỳ để xích gần lại Trung Quốc và Nga. Ông Duterte đã cho biết ông dự định mua các thiết bị quân sự từ Nga hơn là từ Mỹ. Tổng thống Philippines cũng dự trù đi thăm Matxcơva vào tháng 5 tới để gặp tổng thống Vladimir Putin.

Trung Quốc phản đối chuyến thăm Thị Tứ của bộ trưởng Quốc phòng Philippines

Về quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc, hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã cho biết Bắc Kinh « rất quan ngại và bất bình » về chuyến viếng thăm của bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana với các quan chức quân sự Philippines đến đảo Thị Tứ ( Pag-asa ) hôm qua. Theo ông Lục Khảng, chuyến viếng thăm này « đi ngược lại đồng thuận giữa Manila và Bắc Kinh là giải quyết vấn đề Biển Đông một cách đúng đắn ».

Hôm qua, bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã bay đến đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa, để thanh tra các cơ sở trên đảo này, mà một số đang cần gấp rút tu bổ. Ông Lorenzana khẳng định chuyến đi cũng là nhằm xác quyết chủ quyền của Philippines trên khu vực này.

Theo lời ông Lorenzana, khi chiếc phi cơ chở phái đoàn Philippines chuẩn bị đáp xuống phi đạo trên đảo Thị Tứ, phi công Philippines đã nhận được lời cảnh cáo của lực lượng Trung Quốc đóng ở Xu Bi, nói rằng phi cơ Philippines đã « thâm nhập trái phép lãnh thổ Trung Quốc ». Phi công Philippines đã đáp lại rằng máy bay của họ chỉ bay trong không phận Philippines mà thôi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170422-tong-thong-philippines-lai-len-tham-mot-chien-ham-nga