Tin Biển Đông – 22/03/2017
Nhật Bản tăng cường sức mạnh trên biển Đông
với tàu chiến thứ 2
Hàng không mẫu hạm trực thăng lớn thứ 2 của Nhật Bản, Kaga, đã bắt đầu hoạt động hôm 22/3 để tăng cường khả năng của quân đội Nhật Bản có thể triển khai tại các vùng biển xa hơn và ngăn cản ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Á.
Được tháp tùng bởi dàn quân nhạc, các tư lệnh hải quân thuộc Lực lượng tự vệ Nhật Bản đã tiếp nhận chiếc hàng không mẫu hạm dài 248m tại cảng đóng tàu Marine United ở Yokohama gần Tokyo, nơi hàng không mẫu hạm được neo bên cạnh chiến hạm Izumo. Tham gia buổi lễ có sự tham dự của 500 người.
Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Takayuki Kobayashi nói: “Trung Quốc đang tìm cách thay đổi biển Đông bằng cach xây các căn cứ của họ và bằng các hành động tăng sức ép nhằm mục đích thay đổi hiện trạng, làm tăng những quan ngại về an ninh trong cộng đồng quốc tế.”
Hai tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 là những biểu tượng về sức mạnh quân sự sau các nỗ lực của thủ tướng Shinzo Abe nhằm vận động cho quân đội đóng một vai trò quốc tế lớn hơn. Những chiến hạm này được gọi là tàu khu trục trực thăng để duy trì những hạn chế của hiến pháp chủ hoà của Nhật Bản, cấm Nhật Bản thủ đắc các loại vũ khí tấn công.
Trong một cuộc phô trương sức mạnh hải quân trong vùng hải phận quốc tế lớn nhất trong hơn 70 năm qua, vào tháng 5 sắp tới, Nhật Bản dự tính điều tàu chiến Izumo ra Biển Đông trong một chuyến hải trình kéo dài 3 tháng, theo Reuters.
Sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Kaga có nghĩa là Nhật Bản sẽ có khả năng hoạt động vượt ra hải phận nước này trong tương lai. Tàu sẽ neo tại căn cứ Kure phía Tây Nhật Bản, nơi neo đậu của chiếm hạm Yamato nổi tiếng nhất trong Thế chiến thứ II.
TQ xây trên bãi Scarborough
có thể đẩy Philippine trở lại với Mỹ
Báo chí Trung Quốc dẫn lời thị trưởng thành phố Tam Sa của Trung Quốc nói hồi tuần trước rằng chính quyền của ông ta sẽ bắt đầu chuẩn bị lập một trạm quan trắc môi trường tại bãi Scarborough, một bãi cạn nhỏ cách đảo Luzon của Philipplines 230 km.
Nếu Trung Quốc trắng trợn, bắt đầu tiến hành bồi đắp, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ rất khó khăn cho ông Duterte. Và tôi nghĩ công luận sẽ bắt đầu xoay chiều ở Philippines.
Ông Euan Graham, giám đốc an ninh quốc tế của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney
Các nhà phân tích nói nếu Trung Quốc thực hiện ý định, việc này sẽ đe doạ đến lòng tin mà Trung Quốc vừa thiết lập với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau một thời kỳ sóng gió từ năm 2012 đến giữa năm 2016.
Ông Euan Graham, giám đốc an ninh quốc tế của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, nói: “Nếu Trung Quốc trắng trợn, bắt đầu tiến hành bồi đắp, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ rất khó khăn cho ông Duterte. Và tôi nghĩ công luận sẽ bắt đầu xoay chiều ở Philippines”.
Ông Duterte hôm thứ Ba nói qua trang web của văn phòng tổng thống rằng ông “không thể chặn đứng Trung Quốc” tại bãi cạn Scarborough. Đề cập đến thực tế là quân đội Philippines tương đối yếu, ông nói: “Tất cả chúng ta mai đây sẽ mất quân đội và cảnh sát, và chúng ta là một quốc gia bị tiêu diệt”.
Tuy nhiên, sau đó, Bộ Tư pháp Philippines cho biết họ sẽ phản đối Trung Quốc về ý định của nước này liên quan tới bãi cạn Scarborough.
Ông Carl Baker, giám đốc về các chương trình thuộc tổ chức tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS ở Honolulu, nói: “Dường như những người chỉ trích đang gia tăng áp lực đòi ông Duterte phải mạnh mẽ khi phản ứng” với Trung Quốc.
Một số nhà phân tích nói việc Trung Quốc bật đèn xanh đối với công trình hoặc làn sóngphản đối ông Duterte ở Philippine có thể thúc đẩy nước này quay lại tìm kiếm sự trợ giúp từ Hoa Kỳ, chủ thuộc địa cũ và là đồng minh quân sự lâu đời.
Người tiền nhiệm của ông Duterte là Benigno Aquino đã dựa vào Hoa Kỳ về trợ giúp quân sự, kể cả các cuộc tuần tra hàng hải chung sau năm 2014. Ông Duterte, người lớn tiếng chống các ảnh hưởng của Mỹ ở Philippines, đã huỷ bỏ những cuộc tuần tra đó, nhưng ông lại tỏ ra hòa hoãn với Tổng thống Donald Trump kể từ ông Trump nhậm chức vào tháng Giêng.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói vào tháng Giêng trước khi ông được chuẩn thuận rằng Trung Quốc cần phải bị ngăn chặn khỏi các đảo nhân tạo mà họ đã xây ở vùng biển tranh chấp, lời phát biểu này làm Bắc Kinh bất bình.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-scarborough-co-the-day-philippines-lai-my/3777085.html
Uy thế quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông
không đối thủ?
Trung Quốc đảm bảo vai trò lãnh đạo trung tâm ở Biển Đông và các nước khác không thể bì với uy thế quân sự của Bắc Kinh trong khu vực, theo một tờ báo nội bộ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mà hãng tin Kyodo có được.
Trong khi Trung Quốc nhất mực phủ nhận hành động quân sự hóa Biển Đông, bài báo này là một sự thừa nhận hiếm hoi của quân đội Bắc Kinh về ý định thực thụ của họ tại khu vực. Đặc biệt, theo Kyodo, thông tin này còn cho thấy chính sách đẩy mạnh ảnh hưởng quân sự trong khu vực dưới vỏ bọc ‘các hoạt động dân sự’.
Kyodo cho biết tác giả bài viết là các sĩ quan trong hạm đội Nam Hải, đơn vị có nhiệm vụ duy trì, bảo vệ sự hiện diện của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc này nói rằng những dự án bồi đắp đảo của Trung Quốc, về phương diện nào đó, đã giúp quân đội Trung Quốc chiếm lợi thế chiến lược về an ninh quân sự ở Biển Đông.
Tờ báo nội bộ của quân đội Trung Quốc còn nói thêm rằng rất có thể sẽ có khủng hoảng quân sự ở Biển Đông nhưng nguy cơ lan ra thành xung đột quân sự hoàn toàn hay chiến tranh thì rất nhỏ.
Về đối đầu quân sự với Mỹ, bài viết cho rằng Washington có phần chắc duy trì quan điểm dường như trung lập về vấn đề chủ quyền trong khu vực.
Tác giả nói Mỹ ‘thiếu khả năng lẫn ý chí để tham gia vào xung đột quân sự hay chiến tranh với chúng ta’ và kêu gọi rằng dù cố gắng ngăn khủng hoảng quân sự, Trung Quốc cũng phải lợi dụng khủng hoảng để đối phó một cuộc tấn công từ quân địch, vận dụng mọi phương tiện cần thiết để ‘đánh kẻ thù vào trúng điểm đau nhất’ và ‘dạy chúng một bài học.’
Bài báo cũng đề ra hai phương án cho Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
Một là ngăn các nước láng giềng chiếm cứ thêm các thực thể đất đai ở Biển Đông, xua tan ý định của các nước gây gián đoạn cho các hoạt động thường lệ của Bắc Kinh trên biển như đánh bắt hay phát triển dầu khí.
Hai là hoạch định lâu dài, đánh từ phía sau mặt trận dân sự, tránh khai pháo và nên chuẩn bị cho một trận chiến lâu dài để bảo vệ chủ quyền, an ninh, quyền lợi quốc gia.
http://www.voatiengviet.com/a/uy-the-quan-su-trung-quoc-o-bien-dong-khong-doi-thu-/3776151.html
ASEAN trông đợi một bộ khung cho an ninh Biển Đông
Đông Nam Á đang dối mặt với nhiều thách thức mới giữa lúc khu vực này mưu tìm một thoả thuận lâu dài để giải quyết các cuộc tranh chấp trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang có những động thái nhắm tới việc nới rộng phạm vi ảnh hưởng của nước này trên khu vực với kế hoạch thiết lập một trạm nghiên cứu khoa học trên các đảo nhỏ gần kề Philippines. Những quan ngại này được nêu ra giữa lúc các nhà phân tích nói rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Châu Á đang tập trung vào tình hình căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Thông tín viên Ron Corben của Đài VOA có bài tường trình chi tiết sau đây.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hiện đang nắm chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tuần này sẽ mở các cuộc thảo luận với các đối tác khu vực Myanmar và Thái Lan.
Tự do hàng hải, hàng không
Tiếp theo các cuộc thảo luận ở Bangkok với Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, các nước đồng ý cổ vũ cho tự do hàng hải trong Biển Đông “như một giá trị cốt lõi nhằm bảo đảm hoà bình và thịnh vượng trong khu vực.”
Tổng thống Duterte phát biểu:
“Duy trì hoà bình, ổn định và an ninh cũng như tôn rọng quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay ngang qua không phận trên Biển Đông, phục vụ các lợi ích của tất cả các nước, cả trong lẫn ngoài khu vực, bởi vì các quyền tự do đi lại đó là những điều kiện căn bản cho tăng trưởng, phát triển và thịnh vượng.”
Nhà phân tích Kavi Chongkittavorn của Thái Lan nói Thái Lan và Philippines hy vọng sẽ hoàn tất một bộ khung cho một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển trước tháng Bảy, để sau đó có thể thêm thắt chi tiết cho thoả thuận này.
Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển
Mục tiêu lâu dài của ASEAN trong quá khứ là xúc tiến với việc thi hành Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002. Nhưng Bắc Kinh từ lâu vẫn cưỡng lại nỗ lực nhằm hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử có tính cách ràng buộc, dẫn tới những sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN.
Tuy nhiên vào tháng Năm tới đây, Trung Quốc sẽ chủ trì một cuộc họp ASEAN về một bộ khung cho Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, giữa lúc các nhà ngoại giao hy vọng sẽ đạt tiến bộ hướng tới một tài liệu có tính cách ràng buộc để quản lý các cuộc tranh chấp khu vực.
Trạm Quan sát Môi trường
Tuy nhiên các cuộc thảo luận ở Bangkok diễn ra tiếp theo sau các bản tin của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị thiết đặt một trạm quan sát môi trường trên bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, nằm bên trong khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Năm 2016, Trung Quốc xúc tiến các hoạt động nhằm củng cố vị thế quân sự của nước này tại quần đảo Trường Sa, kể cả các đường băng trên đảo Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, gia cố các hăng ga để có thể đón máy bay chiến đấu cũng như các phương tiện quốc phòng khác, đồng thời cải thiện các phương tiện bến cảng và thiết đặt hệ thống radar.
Hoa Kỳ vốn vẫn thực hiện các cuộc diễn tập quân sự gần bãi cạn Scarborough, mạnh mẽ chống đối bất cứ cấu trúc nào do Trung Quốc xây dựng tại đó dưới thời cựu Tổng Thống Barack Obama.
Mỹ giờ tập trung ứng phó với Bắc Hàn
Tuy nhiên các nhà phân tích nói rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang lo lắng về những cẳng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nơi mà Bắc Hàn thực hiện các cuộc thử nghiệm phi đạn trong thời gian qua.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc phòng thuộc Đại học New South Wales của Australia, nói sự chú ý của Washington đã chuyển hướng, tách xa vấn đề Biển Đông.
Giáo sư Thayer ví von:
“Vấn đề Biển Đông đã biến mất. Nó không còn xuất hiện trên màn ảnh radar. Vấn đề vẫn còn đó nhưng nó giống như một cái nồi đã được kê lên bếp, rồi hạ lửa xuống. Mọi người đang xoay sang chú ý tới làm cách nào đừng lay động ngọn lửa trên bếp chính đang nấu, và đó là Bắc Hàn.”
Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền
Các nhà phân tích nói những sự bất định về chính sách của Hoa Kỳ đối với Biển Đông và “một chiến lược toàn diện cho Châu Á” nói chung đã tạo điều kiện cho phép Trung Quốc đưa ra một lập trường mạnh mẽ hơn trong các tuyên bố chủ quyền của họ trong khu vực.
Ông James Chin, Giám Đốc Viện nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Tasmania, Australia, nói những sự bất định về chính sách của Mỹ đã dẫn đến sự thất vọng bên trong ASEAN.
Ông Chin nói:
“Bây giờ thì các nước này nghĩ rằng tình hình sẽ lâm vào bế tắc, và người ta nghĩ người Mỹ chỉ lo nghĩ tới Bắc Hàn và cuộc khủng hoảng ở miền Bắc bán đảo Triều Tiên. Họ không còn lo lắng tới Biển Đông nữa.”
Nhà phân tích nói thêm:
“Như vậy thì mọi cuộc đặt cược đã bị huỷ bỏ. Vấn đề với lối tiếp cận này là càng để mặc Biển Đông, thì điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ có thêm thời gian để tiếp tục xây các căn cứ quân sự tại đó.”
Trung Quốc gần như hoàn toàn kiểm soát khu vực tranh chấp
Một khi Trung Quốc xây dựng trên đất được họ cải tạo trên bãi cạn Scarborough, “điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ kiểm soát được trên thực tế cả Biển Đông”.
Theo Giáo sư Thayer, một sân bay của Trung Quốc trên đảo Hoàng Nham sẽ có tính chiến lược, bởi vì nó hoàn tất một tam giác nối kết Đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa và các thực thể khác mà Bắc Kinh chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa, khiến Trung Quốc có khả năng giám sát sự đi lại của tất cả máy bay và tàu bè bay ngang qua hoặc đi ngang qua Biển Đông.”
Giám Đốc Viện nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Tasmania nói mặc dù vậy, Bắc Kinh “sẽ cho phép tự do đi lại bởi vì Trung Quốc chủ yếu là một quốc gia thương mại nên sẽ không quấy nhiễu quyền tự do hàng hải, và đó là điều tích cực”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” do chính họ vạch ra trên các vùng biển kế cận Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam.
http://www.voatiengviet.com/a/asean-trong-doi-mot-bo-khung-cho-an-ninh-bien-dong/3777168.html