Tin Biển Đông – 22/02/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 22/02/2019

Hải quân Anh, Mỹ tập trận

huấn luyện chung trên Biển Đông

Các tàu hải quân Hoa Kỳ và Anh trong tuần này đã tiến hành huấn luyện an ninh hàng hải và hậu cần ở Biển Đông. Đây là cuộc diễn tập chung lần thứ ba của hai hạm đội tàu hải quân ở Tây Thái Bình Dương, theo trang tin chính thức của Hải quân Hoa Kỳ.

Tham gia cuộc tập trận có tàu chở dầu tiếp liệu USNS Guadalupe của Hải quân Mỹ, tàu hộ tống HMS Monstrose của Hải quân Hoàng gia Anh, và các chỉ huy của hải quân hai nước.

Trong cuộc tập trận, các sĩ quan hải quân đã diễn tập các hoạt động đổ bộ lên tàu, khám xét và bắt giữ. Ngoài ra, các con tàu cũng được thực tập hoạt động tiếp liệu trên biển theo quy trình của NATO nhằm đảm bảo hoạt động này được thực hiện một cách an toàn và hiệu quả.

Trung tá Conor O’Neill, chỉ huy tàu HMS Montrose, cho biết đây là đợt diễn tập quan trọng để giữ cho cả Hải quân Hoàng gia và Thủy quân lục chiến của Anh luôn trong tư thế sẵn sàng để thi hành bất kỳ nhiệm vụ nào được giao phó.

“Việc chúng tôi có thể thực hiện đợt huấn luyện này và cuộc diễn tập tiếp liệu sau đó là một minh chứng cho mối quan hệ gần gũi giữa Hải quân Hoàng gia và Hải quân Hoa Kỳ, cả ở Thái Bình Dương và những nơi khác trên toàn cầu”, chỉ huy Conor O’Neill nói.

Trong khi đó, ông Eric Naranjo, trưởng nhóm thủy thủ dân sự trên tàu USNS Guadalupe, nói rằng cuộc tập trận giúp cho cả hai bên mở rộng khả năng hợp tác.

Đây là đợt hợp tác huấn luyện lần thứ ba giữa Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Hoàng gia Anh trong vài tháng gần đây. Trước đó, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Hải quân Mỹ và tàu hộ vệ HMS Argyll của Hải quân Hoàng gia Anh đã tiến hành cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào tháng 1, và một cuộc tập trận chống ngầm ba bên giữa Hải quân Hoa Kỳ, Hải quân Hoàng gia Anh và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cũng được tổ chức vào tháng 12/2018.

Guadalupe là tàu tiếp liệu lớp Henry J. Kaiser thứ 14, có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động thường ngày và hỗ trợ hậu cần cho Hải quân Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh hoạt động trong khu vực thuộc trách nhiệm của Hạm đội 7.

https://www.voatiengviet.com/a/hai-quan-anh-my-tap-tran-bien-dong/4800072.html

 

Vì sao Mỹ muốn triển khai siêu đại bác tới biển Đông?

Như tin đã đưa, Mỹ đã bày tỏ ý định triển khai siêu đại bác có tầm bắn gần 2.000km tới khu vực biển Đông. Hôm qua, bộ trưởng Lục quân Mỹ Mark Esper đã giải thích với các phóng viên về việc này.

“Các bạn có thể tưởng tượng một kịch bản khi hải quân Mỹ cảm thấy không thể tiếp cận biển Đông do có sự hiện diện của các tàu chiến Trung Quốc, hay thứ gì đó”, ông Esper nói tại một cuộc họp báo.

“Chúng ta có thể, từ một vị trí cố định, trên một đảo hoặc một vài nơi khác, nhắm bắn các mục tiêu kẻ thù, các mục tiêu tàu chiến, từ khoảng cách rất xa, duy trì thế đối đầu và từ đó mở cửa, nếu các anh muốn, cho hải quân hay thủy quân lục chiến”.

Các cuộc thử nghiệm siêu pháo với tầm bắn mở rộng là một phần chương trình ứng dụng công nghệ siêu thanh của lục quân Mỹ, thứ mà các quan chức quân sự Mỹ một số năm trước đã quyết định không mang vào ứng dụng chế tạo vũ khí.

Khi tạp chí Task & Purpose hỏi ông Esper vì sao cần phải triển khau siêu pháo bắn xa gần 2.000km, ông đã giải thích rằng quân đội Mỹ cần có tầm bắn vượt qua vũ khí của đối phương.

“Anh muốn ở ngoài tầm bắn của đối phương (mà vẫn bắn được đối phương”, ông Esper nói.

“Vì sao giáo được phát triển? Bởi vì kẻ thù của chúng ta có kiếm. Giáo giúp chiến binh tăng tầm tấn công. Vì sao súng cao su ra đời? Bởi vì giáo chiếm ưu thế trước kiếm về tầm tấn công. Chúng ta muốn luôn ở thế đối đầu, có thể tấn công mà không lo bị bắn trả”.

Theo lời ông Esper, siêu pháo của Mỹ có thể được đặt trên một đảo nảo đó ở biển Đông, bắn tới các mục tiêu của Trung Quốc cách đó gần 2.000 km, phá hủy các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tạo dựng trái phép để biến chúng thành các tiền đồn quân sự.

Theo lời ông bộ trưởng Lục quân Mỹ, pháo có thể phá hủy các tàu chiến Trung Quốc và các mục tiêu quân sự khác trên các đảo ở biển Đông, phá hủy hệ thống phòng không, radar, các tên lửa chống hạm và thậm chí là căn cứ không quân.

Việc phá hủy các cơ sở nói trên trong chiến tranh cho phép không quân, hải quân và lực lượng mặt đất của Mỹ xâm nhập khu vực và giành lại từ tay Trung Quốc.

Vậy đâu sẽ là nơi siêu đại bác được triển khai? Bán đảo Philippines ở bờ phía đông của biển Đông, đặc biệt là trên các đảo Palawan và Luzon là dự đoán của một số nhà quan sát.

http://biendong.net/bi-n-nong/26421-vi-sao-my-muon-trien-khai-sieu-dai-bac-toi-bien-dong.html

 

Nhìn lại một số nét nổi bật về chính sách

của Mỹ trong vấn đề Biển Đông

Những năm gần đây, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, trở thành một vấn đề nóng bỏng, thu hút mạnh sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Tính chất phức tạp của vấn đề Biển Đông có nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Hiện trạng này đã và đang làm dấy lên sự quan ngại sâu sắc của các quốc gia về an ninh trên Biển Đông. Mỹ với vai trò là cường quốc hàng đầu trên thế giới, có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông đã, đang và sẽ tiếp tục hiện diện ở khu vực nhằm đảm bảo lợi ích cũng như hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Biển Đông có vai trò quan trọng đối với Mỹ

Có thể nhận thấy Mỹ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông:

Đầu tiên, Mỹ lo ngại về quyền tự do đi lại trên biển và nhu cầu bảo vệ hoạt động kinh doanh của các công ty năng lượng Mỹ, nói rộng ra là lợi ích kinh tế của Mỹ trong khu vực. Đối với Mỹ, Biển Đông là một mắt xích quan trọng trong sự điều chỉnh chiến lược từ châu Âu – Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương. Là một cường quốc biển có vị trí địa lý được bao bọc bởi hai đại dương, Mỹ luôn quan tâm đến vai trò của biển và quyền lực biển đối với xây dựng, phát triển và bảo vệ an ninh đất nước. Các chiến lược gia Mỹ coi việc kiểm soát đại dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là nhân tố chính trong việc kiểm soát thế giới. Điều này lý giải vì sao từ rất sớm, Mỹ đã hoạch định chiến lược kiểm soát đại dương, xây dựng lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới, lấy đó làm cơ sở để xác lập và mở rộng ảnh hưởng trên tất cả các đại dương. Chính vì vậy, mối quan tâm đến Biển Đông gần như là điều đương nhiên với Mỹ.

Thứ hai,trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, vùng biển này ngày càng chiếm giữ vị thế quan trọng trong chiến lược biển, quyền lực biển của Mỹ do Biển Đông tiếp tục là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất, quan trọng nhất của thế giới nối liền châu Âu với châu Á, Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

Thứ ba là sự dịch chuyển cán cân quyền lực thế giới từ châu Âu sang châu Á, mà sự dịch chuyển này lại liên quan trực tiếp đến sự trỗi dậy và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực. Trung Quốc ngày càng trở thành nhân tố chủ chốt đe dọa vị thế siêu cường thế giới duy nhất của Mỹ.

Như vậy, lợi ích của Mỹ ở Biển Đông bao gồm các loại lợi ích đa dạng về tự do hàng hải, kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh, mà những lợi ích này là không thay đổi. Đông Nam Á cùng các tuyến đường trên Biển Đông có thể cung cấp cho Mỹ một vị trí dễ dàng tiếp cận về phía Nam lục địa. Kết hợp với việc tăng cường sự có mặt về quân sự ở Trung Á, liên minh chặt chẽ hơn với Nhật Bản về quân sự và an ninh ở phía Đông, Đông Nam Á có thể giúp Mỹ tạo thành vành đai chiến lược từ phía Tây xuống phía Nam và kéo sang phía Đông để bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh ở đây.

Chính sách của Mỹ đối với các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông         

Trong giai đoạn chính quyền Tổng thống Barach Obama, chính sách Biển Đông của Mỹ được thể hiện trong Tuyên bố Hà Nội của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ngày 24/7/2010. Tuyên bố Hà Nội có thể được hiểu như một phần của chính sách “tái can dự” hay “nước Mỹ đã trở lại” của chính quyền Obama đối với vấn đề Biển Đông, có thể khái lược thành những điểm sau:

(i) Mỹ cũng như các quốc gia khác có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do thông thương hàng hải, quyền tự do tiếp cận các vùng biển chung của châu Á và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. (ii) Mỹ ủng hộ tiến trình đàm phán hòa bình giữa tất cả các bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ phản đối bất kỳ sự sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bởi bất kỳ bên nào.  (iii) Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. (iv) Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến và biện pháp xây dựng lòng tin phù hợp với Tuyên bố năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông. (v) Các bên có tranh chấp theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và các quyền kèm theo đối với vùng biển phải phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Như vậy, một mặt, Mỹ vẫn theo đuổi chính sách trung lập, không đứng về bên nào, mặt khác, đang ngày càng dính líu sâu vào quá trình giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á trên Biển Đông.

Trong giai đoạn hiện nay, khi Tổng thống Donald Trump nắm quyền, chính sách của Mỹ trong vấn đề Biển Đông tiếp tục được duy trì, song có một số bước điều chỉnh chiến lược. Trong đó nhấn mạnh vào vấn đề tự do hàng hải và kiềm chế các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính sách Biển Đông của Chính quyền Tổng thống Donald Trump được thể hiện trên các khía cạnh chính trị – ngoại giao, quân sự, và pháp lý.

Trước tiên, về khía cạnh chính trị – ngoại giao, ngay sau khi đắc cử, Tổng thống Donald Trump đã sớm khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự hàng hải, phản đối đe dọa, cưỡng ép và sử dụng vũ lực, kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Branstad cho biết trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump đã nêu “quan ngại về việc xây dựng và quân sự hóa tiền đồn ở Biển Đông” của Trung Quốc; nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa bình, tiến hành hoạt động thương mại không bị cản trở và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông và biển Hoa Đông, bao gồm tự do hàng hải của các hoạt động trên biển, trên không cũng như khai thác biển một cách hợp pháp. Mới đây, Mỹ tái khẳng định sẽ “tăng cường cam kết với tự do hàng hải, giải quyết hòa bình tranh chấp hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trên khía cạnh quân sự, “duy trì hòa bình thông qua sức mạnh” được Mỹ coi là một trong ba trụ cột của Chiến lược Quốc phòng. Với vấn đề Biển Đông, để bảo đảm an ninh, hòa bình, phát triển và thịnh vượng, Mỹ nhấn mạnh: (i) Duy trì hiện diện quân sự tiền phương có khả năng ngăn chặn; (ii) Tăng cường quan hệ quân sự lâu dài và khuyến khích phát triển mạng lưới quốc phòng mạnh với đồng minh và đối tác; (iii) Tăng cường hợp tác tình báo quốc phòng và thực thi pháp luật với đối tác Đông Nam Á; (iv) Tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với Ấn Độ; nạp mới năng lượng cho quan hệ đồng minh với Philippines và Thái Lan, tăng cường quan hệ với các đối tác và các nước khác. Về ngân sách quốc phòng, Tổng thống Donald Trump đã ký Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) lên tới 700 tỷ USD trong năm tài chính 2018, tăng hơn 80 tỷ USD so với năm 2017, cho Bộ Quốc phòng. Mức chi cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện vẫn chưa rõ song sẽ góp phần duy trì và ổn định hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực này. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai Sáng kiến An ninh hàng hải (MSI) từ chính quyền tiền nhiệm, Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội khi 05 Hạ nghị sỹ và 08 Thượng nghị sỹ của cả hai đảng viết thư (tháng 3/2017) đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mattis ủng hộ Sáng kiến Ổn định châu Á – Thái Bình Dương (ASPI) do Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện McCain đề xuất vào tháng 01/2017. Đáng chú ý, quá trình triển khai quân sự trên thực tế ghi nhận 06 cuộc tuần tra của hải quân Mỹ trong năm 2017, tăng gấp đôi số cuộc tuần tra so với toàn bộ nhiệm kỳ cuối của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Từ năm 2018 đến nay, hải quân Mỹ đã tiến hành 10 chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông, trong đó có nhiều cuộc tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo, đá do Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đáng chú ý, hoạt động tự do hàng hải đúng nghĩa (FONOP) đầu tiên của Chính quyền Tổng thống Donald Trump quanh phạm vi 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn (Mischief Reef), 01 trong 07 cấu trúc thuộc Trường Sa được bồi đắp tôn tạo thành đảo nhân tạo bởi Trung Quốc, là thực thể hoàn toàn chìm dưới nước khi thủy triều dâng, được Trung Quốc tôn tạo ở quy mô lớn nhất và xây dựng đường băng dài 03 km.

Về khía cạnh pháp lý, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông và biển Hoa Đông, bao gồm tự do hàng hải của các hoạt động trên biển và trên không cũng như khai thác biển một cách hợp pháp khác. Cuối năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA). ARIA là phiên bản châu Á của Sáng kiến Trấn an châu Âu (tháng 6/2014, sau đó đổi tên thành Sáng kiến Ngăn chặn ở châu Âu) và tiếp nối Đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) tháng 8/2017. Điểm khác biệt là ARIA coi

trọng các biện pháp chính trị, ngoại giao, đề cao tăng cường mạng lưới đồng minh, đối tác cả song phương và đa phương, cam kết tài chính cụ thể. ARIA nhấn mạnh cần tập trung nguồn lực chống ảnh hưởng của Trung Quốc phương hại hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, nhất là ở Biển Đông, vấn đề vi phạm bản quyền và an ninh mạng, nhưng cũng để ngỏ khả năng hợp tác với Trung Quốc. ARIA cũng nêu nguy cơ hạt nhân Triều Tiên, khủng bố ở Đông Nam Á, đồng thời khuyến khích hợp tác kinh tế, thương mại, xuất khẩu năng lượng (khí hóa lỏng), thúc đẩy nhân quyền (ưu tiên truyền thống của quốc hội). Để chứng tỏ không nói suông, quốc hội Mỹ cam kết chi 1,5 tỷ USD từ 2019-2023, ưu tiên hỗ trợ đồng minh, khôi phục hợp tác Nhóm Bộ tứ sau 10 năm (từng được Thủ tướng Nhật Abe khởi xướng năm 2007 với tập trận chung Malabar), trong đó coi Ấn Độ là “đối tác quốc phòng chính”; tái khẳng định cơ sở pháp lý quan hệ với Đài Loan qua Đạo luật Quan hệ với Đài Loan, Sáu Đảm bảo của Reagan, Đạo luật Thăm Đài Loan tháng 3/2018 (Trung Quốc phản ứng mạnh nhất về nội dung này qua phát biểu 2/1 của ông Tập Cận Bình); kiến nghị chính quyền đàm phán một khuôn khổ can dự kinh tế toàn diện với ASEAN, chú trọng hợp tác nâng cao năng lực giám sát biển, không để Trung Quốc thao túng đàm phán COC ở Biển Đông. Đạo luật mới cũng cam kết tiếp tục triển khai sáng kiến hạ nguồn sông Mekong về môi trường, giáo dục, y tế, hạ tầng, với thông điệp là Washington sẵn sàng chi tiền cho sáng kiến này. Đây có thể coi là điểm tích cực khi chính quyền TT Trump đến nay hầu như bỏ rơi sáng kiến từng được hai chính quyền tiền nhiệm của Bush và Obama coi trọng.

Ngoài ra, để triển khai chính sách ở Biển Đông, Mỹ chia ra các tầng nấc hợp tác trong vấn đề Biển Đông. Ở tầng cấu trúc khu vực, Mỹ coi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là “trung tâm” của chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương, là “nền tảng thúc đẩy trật tự dựa trên tự do”. Nếu như APEC thiên về cấu trúc kinh tế, thì ASEAN (cùng các cơ chế khác do ASEAN dẫn dắt, như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…) lại có vai trò trụ cột trong các vấn đề phi kinh tế khác, trong đó có an ninh hàng hải. Chiến lược quốc phòng của Mỹ (tháng 01/2018) nhấn mạnh sẽ tăng cường quan hệ đối tác và đồng minh Ấn Độ – Thái Bình Dương để xây dựng kiến trúc an ninh ngăn chặn sự hung hăng, duy trì ổn định và bảo đảm tiếp cận tự do các lĩnh vực chung, bảo đảm hệ thống quốc tế tự do và mở rộng… Ở tầng chủ thể quốc gia, Ấn Độ được Chính quyền Tổng thống Donald Trump đề cao vai trò với tư cách là “đối tác quân sự chính yếu của Mỹ”. Các nước đồng minh (như Philippines, Thái Lan) và đối tác khác tiếp tục giữ vai trò quan trọng, song cần được “nạp mới năng lượng” để trở thành “đối tác hải quân hợp tác” của Mỹ. Trong chuyến thăm Indonesia vào tháng 01/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis khẳng định coi nước này là “điểm tựa hàng hải ở Biển Đông”.

Nhìn chung, Mỹ đóng vai trò  một quốc gia tạo đối trọng với Trung Quốc, duy trì sự cân bằng quyền lực và ổn định khu vực tại Biển Đông bằng cách tăng cường quan hệ với các quốc gia tranh chấp khác, đặc biệt về quân sự. Ngoài ra, Mỹ cũng để ngỏ khả năng can thiệp dưới danh nghĩa bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực một khi có xung đột xảy ra, nghĩa là có thể đưa quân trở lại khu vực với mục đích đảm bảo an ninh cho các tuyến hàng hải. Theo đó, Mỹ xác định mục tiêu chiến lược ở Biển Đông như sau:  (i) Mỹ không thừa nhận cơ sở pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông của bất kỳ nước nào, kể cả Philippines (đồng minh truyền thống), nhằm tránh cho Mỹ khỏi dính líu vào cuộc chiến pháp lý phức tạp và chắc chắn sẽ kéo dài, làm hao tổn các nguồn lực của Mỹ. Tuy nhiên, lý do được xem là quan trọng hơn, đó là việc thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của bất kỳ bên nào cũng sẽ bất lợi cho Mỹ. Nếu thừa nhận yêu sách chủ quyền của một bên, tức là Mỹ đã giúp cho bên đó có lợi thế hơn. Về phương diện chiến lược, nếu một nước nào đó làm chủ Biển Đông, ưu thế chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ nghiêng về họ, tuyến phòng thủ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có nguy cơ bị phá vỡ. Còn nếu Mỹ thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của các nước Đông Nam Á có liên quan, Mỹ sẽ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Trong bối cảnh còn phải đối phó với các vấn đề trong và ngoài nước, Mỹ không muốn tiếp tục bị lôi kéo vào một cuộc xung đột nữa, nhất là đối với Trung Quốc. (ii)Đảm bảo việc đi lại tự do trên các con đường quốc tế, ngăn cản việc giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng vũ lực. Trong số các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc có ưu thế vượt trội về quân sự, có thể tiến hành độc chiếm Biển Đông bằng quân sự. Việc chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng đa phương sẽ tạo cơ hội cho Mỹ có tiếng nói trong quá trình giải quyết cuộc tranh chấp này. Từ đó vai trò và vị trí của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ được nâng cao. (iii) Biển Đông là “quân cờ” quan trọng của Mỹ trong mục tiêu kiềm chế tham vọng của những nước muốn độc chiếm khu vực này, bởi nếu để xảy ra tình trạng đó, lợi ích chiến lược của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Ngoài ra, Mỹ muốn qua Biển Đông để thể hiện vai trò của Mỹ đối với thế giới thời kỳ “hậu Irắc”. (iv)Sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ sau khủng

hoảng tài chính khiến cho nhiều nước cho rằng vai trò của Mỹ đối với thế giới đang yếu đi. Để lấy lại hình ảnh và cũng là để trấn an dư luận quốc tế về sức mạnh của mình, Mỹ rất cần một địa điểm để làm mới vai trò của mình và  Mỹ đã lựa chọn Biển Đông.

Một số bước triển khai chính sách của Mỹ đối với các bên tranh chấp tại Biển Đông

Với các quốc gia ASEAN: Những năm gần đây, vị thế chiến lược cũng như sức mạnh của ASEAN không ngừng tăng lên. Vì vậy, ASEAN có một vị trí ngày càng quan trọng hơn trong chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã thực hiện nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại, mà đối với Đông Nam Á là một trong những thay đổi đáng kể nhất. Trong Báo cáo đánh giá quốc phòng bốn năm (2/2010), Lầu Năm Góc lần đầu tiên xác định cụ thể ba nhóm quốc gia chính ở khu vực “cần thiết phải tiếp tục nuôi dưỡng các quan hệ về quốc phòng” như sau: (i) Đồng minh chính thức (Thái Lan, Philippines); (ii) Đối tác chiến lược (Singapore); (iii) Đối tác chiến lược tiềm năng (Malaysia, Indonesia và Việt Nam). Đối với cả khối, Mỹ đã tiến một bước sâu hơn bằng việc ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với các quốc gia ASEAN (7/2009); cử đại sứ đến ASEAN; cam kết thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp khu vực… Những động thái này đánh dấu bước tiến thực chất trong việc Mỹ tiến hành “tiếp xúc sâu sắc” đối với Đông Nam Á.

Điều đáng chú ý là Mỹ nêu quan điểm rằng, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông phải là công việc của cả ASEAN với Trung Quốc. Quan điểm này xuất phát từ những thực tế sau: Về địa lý, trừ Lào, Myanma, các nước còn lại đều tiếp giáp Biển Đông, vì vậy ASEAN hoàn toàn có lý do cùng hợp tác bảo vệ quyền lợi, an ninh ở Biển Đông. Về tương quan lực lượng, không một nước tranh chấp nào có đủ sức mạnh để đạt được một giải pháp hợp lý trong đàm phán song phương với Trung Quốc, vì vậy sức mạnh của cả ASEAN sẽ tạo nên một mức độ cân bằng tương đối với Trung Quốc. Do vậy, Mỹ đề cao vai trò đi đầu của ASEAN trong giải quyết tranh chấp khu vực, giúp ASEAN ngày càng mạnh lên đủ khả năng giữ cân bằng quan hệ với các cường quốc trong khu vực.

Trong khi đó, các nước ASEAN muốn Mỹ đóng vai trò trong tranh chấp ở Biển Đông như một quốc gia đối trọng ảnh hưởng với Trung Quốc, có khả năng duy trì được sự cân bằng quyền lực và ổn định khu vực tại Biển Đông. Trên lĩnh vực ngoại giao, những tuyên bố của Mỹ cam kết đảm bảo tự do hàng hải và ổn định khu vực đã tạo được một mối an tâm nhất định cho các quốc gia ASEAN rằng Mỹ không đứng ngoài cuộc với tranh chấp. Trên thực tế, Mỹ cũng luôn ủng hộ những nỗ lực giữa các bên nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường hòa bình theo tinh thần của UNCLOS 1982 và Tuyên bố ứng xử Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN (DOC) 2002. Đặc biệt là Mỹ đang tích cực ủng hộ đàm phán ASEAN – Trung Quốc về việc đi tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), nhấn mạnh rằng Bộ quy tắc cần đưa ra “khuôn khổ dựa trên các quy định có tính ràng buộc để ngăn chặn và quản lý tranh chấp”. Đồng thời, thông qua các cơ chế khu vực như Diễn đàn an ninh khu vực ARF, Hiệp ước TAC, ADMM+,… Mỹ đã đóng góp tiếng nói đối với việc duy trì an ninh khu vực tại Biển Đông. Trên lĩnh vực quân sự, việc Mỹ triển khai các hợp tác an ninh – quốc phòng với các quốc gia ASEAN đã giúp tăng cường khả năng đối trọng với Trung Quốc của những nước này.  Cụ thể, trong 5 năm gần đây, Mỹ đã cùng các nước ASEAN tiến hành hơn 30 cuộc tập trận, tức hơn 2/3 các cuộc tập trận ở châu Á. Bên cạnh đó, Mỹ đã đạt được một số thỏa thuận về đảm bảo hoạt động của quân đội Mỹ ở khu vực như tiếp tục sử dụng hai căn cứ Clark và Subic ở Philippines; quyền sử dụng các công trình quân sự của Thái Lan; thực hiện giai đoạn một Hiệp định xây dựng cảng nước sâu cỡ lớn cho quân đội Mỹ tại Singapore…

Với Trung Quốc: Mỹ vừa là một đối tác ngoài khu vực, hợp tác với Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình, lại vừa là một nhân tố ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ vừa tranh thủ những cơ chế đối thoại, hợp tác với Trung Quốc nhằm xây dựng một giải pháp đa phương, lại vừa thực hiện các hoạt động do thám, nghiên cứu tại Biển Đông nhằm thăm dò sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc thực hiện hàng loạt các hành động cứng rắn, mang tính đơn phương, mở rộng quyền lực ra khắp vùng Thái Bình Dương, thách thức vai trò thống lĩnh Thái Bình Dương của Mỹ. Điều này đe dọa đến lợi ích của Mỹ cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ đang đứng trước những lựa chọn khó khăn, khi cả hai đều thuộc hàng nước lớn nhiều tham vọng và đều cần đến nhau. Trung Quốc cần công nghệ, đầu tư, thị trường, sự ủng hộ của Mỹ trên trường quốc tế; Mỹ cần thị trường Trung Quốc, những thỏa thuận hay sự hỗ trợ của nước này trong giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới. Những lợi ích song trùng đó có thể là động lực mạnh mẽ giúp hai nước giảm bớt một số bất đồng. Vì vậy, trong vấn đề Biển Đông, Mỹ đặt ra mục tiêu hai mặt: vừa đòi hỏi Trung Quốc đóng vai trò xây dựng, đóng góp cho hòa bình, không gây ra mối đe dọa cho khu vực, vừa không để vấn đề Biển Đông trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, tác động đến các lĩnh vực khác trong quan hệ song

phương. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ thực hiện chính sách hai mặt: vừa phối hợp vừa cạnh tranh, vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc trên cơ sở mẫu số chung là không để quan hệ đi đến đổ vỡ. Để kiềm chế, ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ tiếp tục điều tàu tới thăm dò hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển này. Đã có những cuộc đụng độ xảy ra trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây. Phía Mỹ luôn khẳng định rằng “Mỹ thực thi quyền tự do đi lại trên biển trong khi cũng quan tâm tới việc tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc”.

Để mở rộng đối thoại hơn với Trung Quốc nhằm tránh những rủi ro khi giải quyết các vấn đề trên biển, Mỹ sử dụng các cơ chế tham vấn quốc phòng Mỹ – Trung; cơ chế phối hợp chính sách quốc phòng Mỹ – Trung; thỏa thuận tham khảo các vấn đề quân sự trên biển Mỹ – Trung. Mỹ đã nhiều lần tái khẳng định cam kết sẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác với Trung Quốc, hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò năng động và tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế. Mỹ cũng nhấn mạnh ủng hộ việc củng cố, tăng cường vai trò của các thể chế tại khu vực châu Á và mong muốn hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy mục tiêu đó. Nghĩa là khi hợp tác với Trung Quốc, Mỹ tiếp tục thu được lợi ích kinh tế, thúc đẩy các mục tiêu chính trị, lôi kéo Trung Quốc vào các khuôn khổ pháp lý, hạn chế các hành động đơn phương của Trung Quốc, đồng thời chia sẻ trách nhiệm với Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề khu vực. Thông qua đó, Mỹ còn khẳng định uy tín, ảnh hưởng đối với các nước khác trong khu vực. Cũng không ai đảm bảo rằng, một cuộc mặc cả, phân chia quyền lực Mỹ – Trung trên Biển Đông sẽ không xảy ra, và khi đó quyền lợi của các nước trong khu vực tất nhiên bị xếp hàng thứ yếu. Như vậy, mục tiêu và các bước triển khai chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông vẫn là kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc, không để nước này tăng cường sức mạnh đến mức có thể đe dọa các lợi ích của Mỹ, nhưng đồng thời vẫn coi trọng tính ổn định tương đối của mối quan hệ song phương, không để bất đồng trong vấn đề Biển Đông gây tổn hại đến quan hệ hai nước.

http://biendong.net/bien-dong/26408-nhin-lai-mot-so-net-noi-bat-ve-chinh-sach-cua-my-trong-van-de-bien-dong.html

 

Indonesia sẽ mở vùng đánh bắt ở Biển Đông

Indonesia có kế hoạch mở một vùng đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở rìa phía nam của Biển Đông, nơi Bắc Kinh hồi năm 2016 tuyên bố là “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc.

Cụ thể, Bộ trưởng phụ trách vấn đề hàng hải Indonesia Luhut Pandjaitan hôm 20.2 cho giới phóng viên hay vùng đánh bắt nằm ở biển Natuna, một phần của Biển Đông. Đây là vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia nhưng Bắc Kinh hồi năm 2016 tuyên bố là “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc sau khi một số tàu cá Trung Quốc bị giới chức Indonesia bắt giữ vì hoạt động trái phép ở biển Natuna, theo Kyodo News.

“Chúng tôi hiện nay có một tàu dầu ở đó để cung cấp nhiên liệu cho ngư dân của chúng tôi… và tàu tuần tra hải quân”, ông Pandjaitan cho hay và bày tỏ hy vọng rằng bằng cách phát triển khu vực đánh bắt mới, “sẽ không có quốc gia nào tuyên bố khu vực là ngư trường truyền thống của họ”.

Theo ông Pandjaitan, một chợ cá, trung tâm trữ lạnh và xứ lý thủy sản cùng nhiều cơ sở khác sẽ được xây tại quần đảo Natuna như là một phần của khu vực đánh bắt nói trên, dự kiến được mở trong quý 3 năm nay.

Hồi tháng 12.2018, Indonesia đã mở một căn cứ quân sự với hơn 1.000 quân nhân tại đảo Natuna Besar thuộc quần đảo Natuna. Căn cứ này có nhà chứa máy bay cho đội máy bay không người lái.

http://biendong.net/bi-n-nong/26419-indonesia-se-mo-vung-danh-bat-o-bien-dong.html

 

Truyền thông TQ ra sức ngụy biện cho hành động

quân sự hóa ở Biển Đông trước các tuyên bố lên án của Mỹ

Trước dư luận lên án, vạch trần âm ưu, hành động quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc, nước này đã ngay lập tức sử dụng công cụ báo chí, truyền thông và các cơ quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng để ra sức phản bác, biện minh cho hành động của mình.

Các báo mạng TQ chỉ trích tuyên bố của Mỹ, biện minh cho hành động của TQ ở Biển Đông.

Báo chí Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch truyền thông rầm rộ để lên án, phản bác việc Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ (12/2) chỉ trích hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng điều này khiến Mỹ tính tới phương án tái cấu trúc lực lượng và xây dựng các căn cứ quân sự ở gần khu vực.

Các tờ báo lớn của nước này như Nhân dân Nhật Báo, Bưu điện Hoa nam buổi sáng, Hoàn cầu thời báo, Tân hoa xã… đến Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng… đều ngụy biện rằng chính Mỹ đang tạo ra cái cớ để tăng cường triển khai quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng cách chơi trò gọi là quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. “Chính Hoa Kỳ đã lái các tàu chiến tiên tiến của họ vào Biển Đông từ xa và thậm chí còn mang vũ khí chiến lược tiên tiến đến khu vực”, theo một thông cáo báo chí thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Phía Trung Quốc dẫn chứng ra việc hai tàu hải quân Mỹ đã đi vào gần vùng biển của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa gần đây và tuyên bố rằng hành động của Mỹ hoàn toàn khác với hành động của phía Trung Quốc. Các tờ báo Trung Quốc còn dẫn ra các vụ việc mà tàu Trung Quốc được điều ra Biển Đông để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Vì vậy, Trung Quốc ra sức biện minh rằng Mỹ mới chính là nước đang quân sự hóa ở Biển Đông hiện nay và kêu gọi các bên liên quan hãy trân trọng sự sẵn sàng và nỗ lực tích cực của Trung Quốc và các nước ASEAN để bảo vệ hòa bình và ổn định của Biển Đông.

Trước đó, tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ (12/2), Đô đốc Davidson nhấn mạnh rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ lời hứa từng đưa ra hồi năm 2015 với cựu Tổng thống Barack Obama về việc không tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông. Theo đó, Bắc Kinh đã nhanh chóng cho cải tạo, xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo ngay trên những khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cũng như triển khai lực lượng tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và thiết bị phá sóng điện tử ra những cơ sở này. “Giờ Trung Quốc đã có nhiều vũ khí. Trung Quốc đã nắm trong tay lực lượng quân sự nòng cốt cần thiết và từng bước tăng cường hoạt động cả trên biển, trên không với sự xuất hiện của các máy bay ném bom cùng chiến đấu cơ. Rõ ràng, những hòn đảo nhân tạo được Trung Quốc dùng để hỗ trợ chương trình quân sự hóa ở Biển Đông”, Đô đốc Davidson phát biểu.

Trung Quốc thường sử dụng báo chí, truyền thông để phản bác, biện minh khi có các tuyên bố lên án, chỉ trích từ các nước hoặc khi có các bằng chứng về việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông. Tháng 8/2018, Trung tâm phân tích, dự báo chiến lược (CAPS) trực thuộc Bộ Ngoại giao Pháp và Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng (IRSEM) trực thuộc Bộ Quốc phòng Pháp đã ra báo cáo “Thao túng thông tin, thách thức to lớn hiện nay”, trong đó cho biết nhằm tuyên truyền cho hình ảnh của mình hoặc phản bác dư luận, Trung Quốc sử dụng các công cụ can thiệp và tác động gây ảnh hưởng đặc biệt. Công tác tuyên truyền, truyền bá hệ tư tưởng là một trong những nhiệm vụ và quyền hạn căn bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc sở hữu một mạng lưới kiểm soát thông tin rộng nhằm phục vụ lợi ích của mình trên các diễn đàn quốc tế. Công tác tuyên truyền của Trung Quốc nhằm mục tiêu là dọn đường chính trị trong nước thông qua kiểm duyệt và thao túng thông tin; tác động dư luận quốc tế và tiến hành “cuộc chiến thông tin” nhằm phục vụ các tham vọng của Trung Quốc.

http://biendong.net/bien-dong/26406-truyen-thong-tq-ra-suc-nguy-bien-cho-hanh-dong-quan-su-hoa-o-bien-dong-truoc-cac-tuyen-bo-len-an-cua-my.html

 

TQ kiểm tra hệ thống chỉ huy thời chiến ở Biển Đông?

Giới quan sát quân sự cho rằng đợt tập trận mới của Trung Quốc cho thấy quân đội nước này muốn kiểm tra hệ thống chỉ huy thời chiến và tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa ở Biển Đông.

Tờ South China Morning Post hôm nay 21.2 dẫn thông báo từ Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cho hay trong 34 ngày, kể từ ngày 16.1, quân đội nước này đã tiến hành 20 cuộc tập trận ở khu vực tây và trung Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Tham gia tập trận có nhiều tàu chiến tối tân của hải quân Trung Quốc, gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 52D Hợp Phì, tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường Vận Thành và tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn.

Cũng theo thông báo, nhằm mô phỏng tình huống thời chiến thật sự, cuộc tập trận không có kịch bản được lên kế hoạch và binh sĩ không nhận được thông báo trước.

Một nguồn tin tiết lộ với South China Morning Post rằng tham gia tập trận còn có Lực lượng tên lửa thuộc quân đội Trung Quốc và quân lính đóng trú tại những thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.

Nguồn tin cho biết thêm: “Lực lượng tên lửa muốn triển khai thường trực tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa diệt hạm YJ” đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp.

Trong thời gian qua, quân đội Trung Quốc ngang nhiên triển khai tên lửa ở đảo Phú Lâm và nhiều đảo nhân tạo phi pháp trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Những hình ảnh vệ tinh trước đó cho thấy bệ phóng tên lửa được lắp đặt trên những đảo nhân tạo phi pháp, nhưng chúng đã được chuyển đi, theo South China Morning Post. “Trung Quốc chưa triển khai vũ khí tấn công trên các đảo ở Biển Đông một phần vì Mỹ đang tiến hành các chuyến bay do thám thường xuyên ở khu vực”, nguồn tin nhận định.

http://biendong.net/bi-n-nong/26418-tq-kiem-tra-he-thong-chi-huy-thoi-chien-o-bien-dong.html