Tin Biển Đông – 21/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Máy bay B 52 của Hoa Kỳ lại bay qua Biển Đông

Hai máy bay chiến đấu B – 52 H Stratofortress của Hoa Kỳ vừa bay qua Biển Đông từ căn cứ Không quân Andersen ở Guam trong một diễn tập thường kỳ hôm thứ Hai, ngày 19/11.

AP hôm 21/11 trích thông báo của lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết chuyến bay lần này của máy bay B-52  hoàn toàn tuân thủ luật quốc tế và cam kết về khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở của Mỹ.

Hồi giữa tháng 10 vừa qua, 2 máy bay B – 52 của Mỹ cũng đã bay gần các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Phía Không quân Mỹ cho biết những chuyến bay này là những chuyến bay đã được phía Mỹ tiến hành thương xuyên từ tháng 3/2014 trở lại đây.

Máy bay và tàu chiến của Mỹ thời gian qua thường xuyên đi vào khu vực Biển Đông, thách thức những đòi hỏi quá đáng về chủ quyền của Trung Quốc tại vùng nước tranh chấp. Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo những hành động này của Mỹ là khiêu khích và quân đội Trung Quốc sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình.

Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã điều tàu chiến đi sát đến mức nguy hiểm tàu Decatur của Hải quân Hoa Kỳ khi tàu này đi gần đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-carrier-in-hong-kong-after-bombers-fly-over-scs-11212018084904.html

 

Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự mới

trên quần đảo Hoàng Sa

Trung Quốc vừa tiến hành xây dựng cơ sở quân sự mới trên đảo Bom Bay ở quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam theo hình ảnh vệ tinh được Sáng Kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) – thuộc  Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, cung cấp hôm 20/11.

Những hình ảnh vệ tinh cho thấy cấu trúc nhỏ mới được xây trên đảo có mái che radar và các tấm năng lượng mặt trời. Mục đích của cơ sở xây mới này hiện chưa rõ làm gì nhưng theo AMTI đánh giá, có khả năng là để phục vụ mục đích quân sự

Theo AMTI, với vị trí chiến lược của đảo Bom Bay ở Hoàng Sa, việc xây mới là đáng quan tâm và có khả năng những cấu trúc tương tự cũng sẽ được Trung Quốc cho xây lắp ở những nơi khác ở Biển Đông.

AMTI đánh giá đảo Bom Bay nằm cạnh những tuyến đường biển chính giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khiến vị trí của đảo này trở nên quan trọng cho việc lắp đặt các radar hoặc cơ sở thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc.

Khi được hỏi về phản ứng liên quan đến thông tin mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ông không biết nhưng khẳng định Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, việc xây dựng trên các vùng chủ quyền của Trung Quốc vì vậy không có gì sai.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-building-on-new-reef-in-scs-11212018084424.html

 

Mỹ điều tàu sân bay tới Biển Đông

Hôm 20/11 hãng tin AP cho biết Hoa Kỳ vừa điều hai tàu sân bay chuẩn bị đến Biển Đông là tàu USS Ronald Reagan và tàu USS John C. Stennis.

Tờ Liberty Times của Đài Loan trích thông báo của quân đội Mỹ cho biết tàu sân bay USS Ronald Reagan đã nhập cùng với các tàu khu trục US Antietam và USS Milius là những tàu vừa đi qua eo biển Đài Loan gần đây để chuẩn bị vào Biển Đông.

Trong khi đó, tàu sân bay USS John C. Stennis hiện vẫn ở gần Philippines. Tàu này sau đó cũng sẽ đến Biển Đông.

Trước đó, tại thượng đỉnh APEC hồi cuối tuần qua ở Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng Biển Đông không thuộc về bất kỳ ai và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến đi qua khu vực này nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hai và hàng không trong khu vực.

Theo AP, Trung Quốc mới đây đã đồng ý cho tàu USS Ronald Reagan cùng ba tàu khác của Hải quân Mỹ đến Hong Kong. Ba tàu khác được cho biết là các tàu Curtis Wilbur, Chancellorsville và Benford. AP trích thông tin từ cơ quan chức năng cảng Hong Kong cho biết những tàu này sẽ đến Hong Kong vào ngày 21/11. Trước đó, vào tháng 9, Trung Quốc đã từ chối không cho tàu sân bay Mỹ đến Hong Kong giữa lúc có những căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Chuyến thăm Hong Kong của tàu sân bay Mỹ lần này diễn ra vào ngay trước thượng đỉnh Mỹ Trung nhân hội nghị các nước G 20 ở Argentina vào 2 tuần tới.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/Us-aircraft-carrier-in-scs-11202018083613.html

 

Đài Loan bắt đầu tập trận

bắn đạn thật trên Biển Đông

Cơ quan Tuần duyên của Đài Loan bắt đầu các cuộc tập trận bắn đạn thật trên đảo Ba Bình trên Biển Đông hôm 21/11. Các cuộc tập trận dự kiến kéo dài tới 23/11, theo nhật báo Taiwan News.

Cơ quan Tuần duyên Đài Loan nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận này nhằm mục đích duy trì an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Đài Loan, và cuộc tập trận là một phần trong các hoạt động thường lệ hàng năm, theo bản tin tiếng Trung Quốc của United Daily News được nhật báo Đài Loan trích dẫn.

Đảo Ba Bình, còn được gọi là Itu Aba, là một phần thuộc quần đảo Trường Sa trong vùng Biển Đông có tranh chấp. Hòn đảo này nằm dưới sự quản lý của Quận Kỳ Tân, thành phố Cao Hùng của Đài Loan, mặc dù Việt Nam, Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền đối với đảo này.

Tháng 8 vừa qua, chính phủ Việt Nam phản đối việc Đài Loan đặt pháo trên hòn đảo này và lên kế hoạch tập trận. Trước đây trong tháng, chính phủ Đài Loan nói Việt Nam và các nước khác không nên lo lắng về các cuộc tập trận bắn đạn thật của họ.

Việt Nam cáo buộc Đài Loan là tìm cách làm mất ổn định khu vực bằng việc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trong quần đảo Trường Sa, theo truyền thông trong nước.

Phát biểu hôm 23/8, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà gọi các cuộc tập trận của Đài Loan trên đảo Ba Bình là một sự “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa an ninh an toàn hàng hải và hàng không khu vực, gây căng thằng và làm phức tạp tình hình.”

Cơ quan Tuần duyên Đài Loan hôm 20/11 nói rằng khu vực xung quanh đảo Ba Bình đang ổn định và các hoạt động đã được lên kế hoạch sẽ được tiến hành như đã định. Các buổi tập sẽ diễn ra từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối hàng ngày trong hai ngày và sau đó sẽ có một ngày tổng kết.

Các quan chức của Bộ Quốc phòng Đài Loan đã tới đảo Ba Bình để đánh giá hoạt động quốc phòng của đảo cũng như đảm bảo rằng các cuộc tập trận diễn ra an toàn. Các cuộc tập trận dự kiến diễn ra cả trên đảo và khu vực xung quanh.

Cơ quan Tuần duyên Đài Loan nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận là một hoạt động huấn luyện thường xuyên và sự kiện này không phải là tập trận quân sự. Báo Đài Loan dẫn lời Bộ Ngoại giao Đài Loan nói Bộ đã thông báo cho chính phủ Việt Nam về cuộc tập trận này.

https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-bat-dau-tap-tran-ban-dan-that-tren-bien-dong/4668109.html

 

TQ bắt tay Philippine trên ở Biển Đông

Tổng cộng 29 thỏa thuận được Trung Quốc và Philippines ký kết trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Manila.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua tới Manila, bắt đầu chuyến thăm Philippines kéo dài 2 ngày. Đây là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc đến Philippines trong vòng 13 năm qua và diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương tạm gác tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông để tập trung cải thiện quan hệ song phương, nhất là về kinh tế. Trong thông điệp gửi đến nước chủ nhà trước đó một ngày, Chủ tịch Tập cho biết hai nước đã chứng kiến “bước ngoặt” kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức năm 2016 và so sánh mối quan hệ song phương hiện nay như “cầu vồng sau mưa”, theo Reuters.

Phát biểu ngay trước khi bước vào hội đàm với Tổng thống Duterte, Chủ tịch Tập cho rằng “lựa chọn đúng đắn duy nhất” cho Philippines lẫn Trung Quốc là “hợp tác và là láng giềng tốt của nhau”. Về phần mình, Tổng thống Duterte tuyên bố hai nước “sẵn sàng viết nên chương mới cho sự hợp tác và cởi mở”. Ông phát biểu thêm đây là thời điểm để hai bên “đánh giá những tiến bộ đã đạt được và thúc đẩy sâu sắc hơn quan hệ đối tác trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng bình đẳng về chủ quyền”.

Cùng ngày, mạng tin Rappler dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Alfonso Cusi cho biết hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí, bao gồm cả các khu vực ở Biển Đông. Văn bản này không nêu chi tiết cụ thể về hợp tác nhưng người phát ngôn Văn phòng tổng thống Philippines Salvador Panelo tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào “cũng sẽ được kiểm soát kỹ lưỡng và không được trái với hiến pháp”. Trước đó, hàng loạt chuyên gia Philippines và quốc tế liên tục cảnh báo về những hệ lụy khó lường cho nước này lẫn tình hình khu vực xuất phát từ kế hoạch thăm dò, khai thác chung ở Biển Đông. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cho rằng không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ không gian lận trong hợp tác hay mượn cớ “bảo vệ dự án chung” để cử lực lượng an ninh áp sát Philippines. “Đây sẽ là ác mộng an ninh quốc gia với cái giá phải trả đắt hơn nhiều so với doanh thu từ khai thác chung”, ông Golez cảnh báo.

Về lý thuyết, bất kỳ thỏa thuận chia sẻ tài nguyên nào cũng phải tuân thủ hiến pháp Philippines và phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Vì thế, mọi hoạt động khai thác chung trong khu vực bị “đường lưỡi bò” liếm trúng sẽ vi phạm luật quốc tế và chỉ mang lại kết quả là giúp Bắc Kinh đạt được nhiều ý đồ trên biển, cũng như gây chia rẽ trong khu vực, khiến tình hình an ninh Biển Đông thêm phức tạp. Hôm qua, báo Inquirer dẫn lời phát ngôn viên Panelo tuyên bố phán quyết nói trên “tính đến thời điểm hiện tại là vô dụng vì thiếu cơ chế thi hành”. Tuy nhiên, theo ông, Tổng thống Duterte sẽ nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc “vào thời điểm thích hợp”.

Cũng trong ngày 20.11, Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập chứng kiến lễ ký kết 28 thỏa thuận khác về thương mại, hạ tầng, giáo dục… nhưng giá trị không được công bố. Cựu Phó chủ tịch hạ viện Lorenzo Erin Tanada yêu cầu chính quyền phải minh bạch hơn về những thỏa thuận ký với Trung Quốc. “Nếu họ nói sự thật và bảo vệ lợi ích của người dân thì có gì phải che giấu?”, ông Tanada nói với Inquirer.

http://biendong.net/bi-n-nong/24857-tq-bat-tay-philippine-tren-o-bien-dong.html

 

Một số đánh giá về chính sách Biển Đông

của Trung Quốc trong năm 2018 và dự báo

xu hướng tình hình Biển Đông thời gian tới

Cùng với mục tiêu xây dựng “cường quốc biển”, Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình củng cố yêu sách, tăng cường kiểm soát, chiếm đóng thực địa sau khi đã hoàn thành quá trình thay đổi nguyên trạng ở quân đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, do sự thay đổi môi trường địa chính trị, an ninh – xã hội trong khu vực Đông Bắc Á cũng như trên thế giới đã tác động, ảnh hưởng đối với chủ trương, chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Song về cơ bản, Trung Quốc

vẫn duy trì cách tiếp cận trên nền tảng triển khai đồng bộ các chính sách, kết hợp các công cụ ngoại giao, năng lực tài chính và kỹ thuật, tiềm lực quân sự, các sáng kiến kinh tế và nhiều loại hình văn bản pháp quy nhằm tìm cách cân bằng lợi ích với Mỹ, kiềm chế Nhật Bản, giữ ASEAN trong vòng ảnh hưởng và lôi kéo Nga can dự vào môi trường an ninh khu vực, tiếp tục kiểm soát tranh chấp Biển Đông.

Những yếu tố tác động chính sách Biển Đông của Trung Quốc gần đây:

Bối cảnh an ninh-chính trị Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, thách thức đã tác động trực tiếp đến việc hoạch định các chính sách của Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cụ thể: (1) Căng thẳng tại khu vực biên giới với Myanmar: Các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Myanmar và quân du kích Kachin tại vùng biên giới Trung Quốc-Myanmar đang khiến giao lưu nhân dân, kết nối thương mại giữa hai bên bị ảnh hưởng. Đồng thời, xung đột này cũng tạo rủi ro, làm tăng nguy cơ dòng người thiểu số Myanmar tìm cách vào Trung Quốc lánh nạn. (2) Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tích cực tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực bằng cách thực hiện các chiến lược tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, tiến hành tập trận, giao lưu quân sự với các nước đồng minh; thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh (Nhật Bản, Philippines, Australia…); hỗ trợ, giúp đỡ một số nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc; triển khai các chính sách kiềm chế Trung Quốc, điển hình gần đây nhất là việc Mỹ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của Bắc Kinh. (3) Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết. Trong năm 2018, tình hình bán đảo Triều Tiên đã được cải thiện đáng kể, việc Triều Tiên ngừng thử vũ khí hạt nhân, tiến hành đàm phán với Mỹ và các nước liên quan nhằm tiến tới tuyên bố kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đã tạo động lực giúp ổn định tình hinh trên bán đảo. Tuy nhiên, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo vẫn chưa được giải quyết triệt để đã ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Bắc Á. (4) Xu thế hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN tiếp tục được tăng cường, song vẫn tồn tại nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến quan hệ song phương. (5) Nhật Bản tiếp tục tăng cường hiện diện trong khu vực, phối hợp chặt chẽ với Mỹ triển khai các chính sách tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.

Yếu tố nội bộ chính trị Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến chính sách biển đảo của Bắc Kinh. Trong năm 2018, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã củng cố vai trò lãnh đạo, trở thành lãnh đạo hạt nhân của toàn Đảng và toàn quốc. Sau khi được bầu lại vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ hai, ông Tập Cận Bình tìm cách vận động việc xóa bỏ quy định về hai nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch nước mở đường cho việc nắm quyền trọn đời. Với việc vị thế trong nền chính trị trong nước được củng cố, ông Tập Cận Bình không cần sử dụng vấn đề Biển Đông để kích động tinh thần dân tộc. Bên cạnh đó, dưới sự tác động của sự sụt giảm giá năng lượng toàn cầu, các tập đoàn dầu khí của Trung Quốc không có động lực để thúc đẩy các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi tốn kém về chi phí và rủi ro địa chính trị cao. Ngoài ra, những điều chỉnh của Trung Quốc ở Biển Đông nằm trong thay đổi lớn hơn trong ưu tiên của chính sách đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là thúc đẩy các đại dự án Vành đai và Con đường (BRI) để tạo vị thế chủ chốt của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế ở khu vực. Không những vậy, những diễn biến địa chính trị tại các khu vực lân cận là vấn đề rất nhạy cảm trong bối cảnh Trung Quốc đang triển khai một loạt các sự kiện đối nội đối ngoại quan trọng của năm 2018, trong đó có kỳ họp “Lưỡng hội”, Hội nghị Diễn đàn Bác Ngao, Hội nghị Thượng đỉnh “Một vành đai, Một con đường”, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi; Hội nghị Bắc Đới Hà; Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 18… Một số biến động có thể có tác động mạnh tới các mục tiêu an ninh và phát triển và đấu tranh trong chính trị nội bộ của Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh sẽ phải xử lý các vấn đề một cách thận trọng, tránh để Biển Đông trở thành tâm điểm cọ xát nước lớn Trung-Mỹ, làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật, và tạo ra bất ổn trong quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á.

Cách thức Trung Quốc đối phó với hoạt động của các nước ở Biển Đông

Để đối phó với các thách thức và hóa giải “thế khó”, Trung Quốc tiến hành các động thái chính trị và ngoại giao theo hướng kiềm chế và nhượng bộ có lựa chọn đối với hoạt động của Mỹ ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường, Uỷ viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị và Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, đều kêu gọi Mỹ hợp tác, thúc đẩy quan hệ phát triển lành mạnh, tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, tránh chiến tranh thương mại, đi sâu phối hợp chính sách và tăng cường giao lưu nhân dân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phản ứng “chừng mực” trước các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực,

như tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông, bố trí quân sự và tập trận tại các vùng đệm xung quanh như Hoa Đông và Bán đảo Liên Triều. Tuy nhiên, trong 4 tháng cuối năm, khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ nổ ra, Bắc Kinh đã điều chỉnh chính sách mang tính tiêu cực, cứng rắn trước các hành động của Mỹ ở Biển Đông. Điển hình là tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ (30/9) tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đã bị tàu khu trục Lan Châu lớp Type-052C áp sát tàu đến mức suýt va chạm. Sau đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (2/10) ra tuyên bố cho rằng việc Mỹ nhiều lần đưa tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã “hủy hoại nghiêm trọng quan hệ giữa quân đội hai nước và làm xói mòn hòa bình, ổn định khu vực”, tuyên bố quân đội Trung Quốc “phản đối quyết liệt những hành động như vậy”.

Trái ngược những gì thể hiện với Mỹ, Trung Quốc lại đặc biệt cứng rắn với các hoạt động của Nhật Bản tại khu vực để không tỏ ra bị yếu thế, mất kiểm soát với tình hình. Về phía Nhật Bản, để thúc đẩy chính sách an ninh mới và phối hợp với hành động của Mỹ, thời gian qua Nhật Bản đã có nhiều hoạt động tăng cường gắn kết với khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Nhật Bản đã đẩy mạnh hoạt động đối thoại cấp cao, cung cấp viện trợ kinh tế và tài chính, tổ chức giao lưu hải quân và hỗ trợ nâng cao năng lực hàng hải cho Việt Nam, Indonesia, Philippines và Campuchia. Ngoài ra, Nhật Bản đã nhiều tàu chiến, tàu ngầm, tàu sân bay trực thăng Izumo tiến hành hoạt động an ninh hàng hải tại Biển Đông, sau đó tham gia cuộc tập trận chung với các nước ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.

Với ASEAN, Trung Quốc đang thể hiện một thái độ mềm mỏng, tăng cường thúc đẩy hợp tác với nhiều ẩn ý chính trị. Một mặt, Trung Quốc khẳng định cam kết đưa quan hệ với ASEAN lên một tầm cao mới trong chương trình nghị sự năm 2018 và thúc đẩy hoàn thành việc nâng cấp khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN. Mặt khác, Trung Quốc tích cực quảng bá cho kết nối khu vực qua khuôn khổ sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển”, đẩy mạnh các đàm phán về đầu tư hạ tầng, đường sắt cao tốc và cảng biển với một số quốc gia ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Đáng chú ý, Trung Quốc đã triển khai tổng hợp nhiều biện pháp nhằm lôi kéo, thắt chặt quan hệ với Philippines. Báo Philstar (1/11) cho biết, nhận lời mời của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra nhân chuyến thăm Bắc Kinh (năm 2016), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm tới Manila trong tuần thứ ba của tháng 11/2018. Từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền, quan hệ Philippines – Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Hợp tác kinh tế song phương đã phát triển, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Philippines, quan hệ thương mại đạt tổng cộng 13,9 tỉ USD trong nửa đầu năm 2018. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào Philippines, năm ngoái tăng 67% đạt 53,8 tỉ USD, gồm cả tiền đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, như dự án kênh tưới tiêu sông Chico, đập Kaliwa và tuyến đường sắt phía Nam thủ đô Manila. Dự kiến, trong chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc và Philippines sẽ đạt được một thỏa thuận về khai thác chung dầu khí tại Biển Đông.

Với Nga, Trung Quốc tìm cách kéo Nga can dự vào các vấn đề an ninh và chính trị tại Đông Á, trong đó có Biển Đông, để tăng “thế” của mình. Nhiều hoạt động đã được triển khai để quan hệ hợp tác toàn diện Trung-Nga, bao gồm mở rộng hợp tác thương mại, tăng cường đối thoại giữa hai chính đảng cầm quyền và Trung Quốc cho vay tài chính để Nga xử lý vấn đề thâm hụt quỹ phúc lợi xã hội.

Quân sự hoá dưới vỏ bọc dân sự và khoa học kỹ thuật

Cùng với các hoạt động chính trị, ngoại giao nhằm “thăm dò”, xác lập khuôn khổ quan hệ nước lớn và mở rộng ảnh hưởng với láng giềng, Trung Quốc đồng thời đẩy nhanh việc củng cố yêu sách và kiểm soát theo cách thức tiếp cận mới, giảm mức độ nổi cộm của các vụ việc có yếu tố quân sự. Do đó, Trung Quốc triển khai các hoạt động thực địa theo nhiều hướng, chú trọng kết hợp giữa quân và dân sự, nhấn mạnh yếu tố khoa học kỹ thuật. Trung Quốc muốn tránh sự chú ý của bên ngoài về những thay đổi hiện trạng do các hoạt động đang tiến hành, nhưng đồng thời duy trì cơ sở để tuyên truyền về năng lực kiểm soát tình hình, quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ tại các sự kiện chính trị đối nội lớn trong năm. Trung Quốc tiếp tục hoàn thiện các công trình xây dựng phi pháp tại 7 đảo đá nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam); triển khai nhiều loại hình khí tài quân sự ra các đảo ở Biển Đông như tên lửa hành trình, tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu J-11, pháo cao xạ, radar, vũ khí điện từ, tàu chiến; xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình phục vụ mục đích dân dụng ở Biển Đông; tiếp tục ban hành phi pháp các lệnh “cấm đánh bắt cá hàng năm” trong khu vực; tổ chức nhiều hoạt động tuần tra, tập trận phi pháp ở Biển Đông; xây dựng nhiều công trình phục vụ mục đích quân sự tại quần đảo

Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa… Ngoài ra, Trung Quốc cũng chủ động kiểm soát phản ứng của dư luận nội bộ, ngăn chặn các thảo luận và hoạt động kích động chủ nghĩa dân tộc; đẩy mạnh việc kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động kích động biểu tình trong nước và đăng tải các bài viết có nội dung kích động liên quan vấn đề Biển Đồng.

Về các hoạt động quân sự, Trung Quốc đã hạ thủy và đang chạy thử nghiệm lần thứ 3 đối với tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Sơn Đông trong năm 2018, đồng thời tiến hành thử nghiệm các loại vũ khí chiến lược có tính răn đe cao như tên lửa Đông Phong DF-5C, Đông Phong DF-16 và máy bay J-20. Các loại vũ khí này giúp Trung Quốc tăng năng lực tiến hành phong tỏa và  ngăn chặn tiếp cận. Để tăng kiểm soát thực địa, Trung Quốc đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng chiếm đóng trái phép tại 8/20 điểm ở quần đảo Hoàng Sa và 7/7 điểm ở Trường Sa. Các công trình này cho phép Trung Quốc có thể cùng lúc bố trí nhiều loại vũ khí tác chiến và phòng thủ khác nhau, như rada, tên lửa phòng không và đối hạm, các máy bay tuần tra và trinh sát tàu ngầm. Các vũ khí hiện đại nhất của Trung Quốc như tàu sân bay Liêu Ninh, các tàu khu trục Trường Sa, Hải Khẩu, và máy bay ném bom H-6 đã tham gia trong từng hạng mục của mỗi giai đoạn diễn tập, Tuy nhiên, trước sức ép dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn khẳng định việc xây dựng tại các đảo, đá là việc làm trong “phạm vi chủ quyền”, không liên quan đến “quân sự hóa”, và các cuộc diễn tập là “theo lộ trình thường niên”, đã được lập kế hoạch trước.

Trong lĩnh vực dân sự, Trung Quốc đang đẩy nhanh quy hoạch, quản lý biển, tăng cường hợp tác khoa học kỹ thuật, nhấn mạnh các ứng dụng khoa học kỹ thuật biển có tính đột phá với lý do là hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho an toàn hàng hải khu vực. Theo đó, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thiện việc đặt tên cho 255 cấu trúc ở Biển Đông, mở chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) tại thành phố được thành lập trái phép “Tam Sa”, thử nghiệm các chuyến bay dân sự, và cho phép “công ty vận tải tư nhân” Hải Hiệp đưa khách du lịch, đoàn viên thanh niên, sinh viên ra Hoàng Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã hạ thủy hai tàu khảo sát khoa học hiện đại có khả năng hoạt động toàn cầu, đưa dữ liệu từ các trạm quan trắc trên các đảo, đá tranh chấp tại Trường Sa vào hệ thống dịch vụ dữ liệu và đưa vào sử dụng phi pháp 3 trạm quan sát khí tượng ở quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “mập mờ” về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông

Kể từ khi Philippines chính thực đề đơn khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài, Bắc Kinh liên tục đưa ra các tuyên bố thể hiện thái độ thiếu hợp tác. Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, Trung Quốc liên tục tuyên bố “không chấp nhận, không tham gia, không thực thi” phán quyết của Tòa, cho rằng Tòa không có thẩm quyền xét xử vụ kiện; đồng thời Trung Quốc công bố “Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông” và “Sách trắng của Quốc vụ viện về lập trường giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines” thể hiện mập mờ về yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi phục vụ các âm mưu độc chiếm Biển Đông sau này. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Trung Quốc trình bày một cách thống nhất và toàn diện các yêu sách biển đảo ở Biển Đông, khi cho rằng Trung Quốc có “chủ quyền đối với các đảo khác nhau ở Biển Đông, gồm Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sa và Trung Sa”; yêu sách nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp “dựa trên” các đảo; yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa “dựa trên” các đảo; yêu sách “quyền lịch sử”.

Tuy nhiên, trong năm 2018, Trung Quốc tiếp tục sử dụng câu chữ để đánh lừa dư luận và tránh sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế, cụ thể: (1) Trung Quốc sử dụng “các đảo khác nhau ở Biển Đông” để né tránh lập trường công khai về quy chế pháp lý của nhóm hoặc từng thực thể ở Trường Sa; (2) Trung Quốc không gắn “đường chín đoạn” với yêu sách vùng biển và “quyền lịch sử”, song không làm rõ bản chất, nội dung và phạm vi của các quyền này; (3) Trung Quốc cụ thể hóa nguyên tắc “đất thống trị biển”, lấy các đảo ở Biển Đông là cơ sở chính để yêu sách nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa căn cứ từ các đảo ở Biển Đông. Việc tách biệt giữa yêu sách “nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải” với yêu sách “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” quy thuộc cho “các đảo ở Biển Đông” để ngỏ khả năng diễn giải rằng thực thể có thể có quy chế pháp lý khác nhau.

Trung Quốc điều chỉnh chính sách đối ngoại mang tính “hòa dịu” hơn với các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông

Trong năm 2018, Trung Quốc chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, ngoại giao để hạn chế tác động của phán quyết, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài; tiếp tục sử dụng chiến thuật “chia để trị”, vận động các nước thân Trung Quốc trong khi hăm dọa các nước liên quan đến tranh chấp để ngăn chặn việc hình thành mặt trận chung chống lại Trung Quốc, trong đó có một số điểm nổi bật như: (1) Tăng cường đối thoại và can dự với các nước liên

quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông; tiến hành tham vấn song phương và hợp tác chung với Philippines ở Biển Đông; sử dụng “ngoại giao tiền tệ” để mua chuộc, lôi kéo các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông; tăng cường các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới các nước láng giềng, các nước hay can thiệp vào vấn đề Biển Đông; (2) Vận động các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc, ngăn cản các nước khác công khai ủng hộ phán quyết và phê phán của Trung Quốc. (3) Răn đe các nước liên quan, chặn các diễn đàn đa phương đề cập đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương do Trung Quốc hậu thuẫn hoặc chịu tác động, ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc. (4) Trung Quốc tích cực thúc đẩy đàm phán và đã nhất trí thông qua Khung COC với các nước ASEAN, từ đó tạo dựng “uy tín và niềm tin” đối với các nước ASEAN về nỗ lực và quyết tâm của Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. (5) Trung Quốc chủ động thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa các bên tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, nhằm mục tiêu tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác và chia sẻ lợi ích trong các lĩnh vực như phòng chống và hạn chế thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải. Đáng chú ý, tại Cuộc tham vấn thứ ba giữa Trung Quốc và Philippines (18/10), hai bên đã trao đổi về các vấn đề hiện tại và các nội dung cùng quan tâm, tái khẳng định cam kết của hai bên về hợp tác và tiếp tục tìm kiếm biện pháp tăng cường tin cậy lẫn nhau. Tại cuộc họp, quan chức Trung Quốc và Philippines nhấn mạnh việc quản lý hợp lý các tranh chấp ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực, khẳng định cam kết đối với các nguyên tắc về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tự do thương mại và các biện pháp sử dụng biển hòa bình khác, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và tài phán bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, thực hiện tự kiềm chế, tuân thủ các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Philippines cũng trao đổi quan điểm về các biện pháp tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mang ý nghĩa chính trị, an ninh; vấn đề tìm kiếm và cứu nạn trên biển, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, nghề cá

Dự báo xu hướng tình hình Biển Đông thời gian tới

Xét về tổng thể, Trung Quốc đang tiếp tục áp dụng phương thức mới nhằm tìm cách thuyết phục Mỹ, lôi kéo Nga, răn đe Nhật Bản và “ve vãn” ASEAN để kiểm soát tốt hơn cục diện an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Do đó, Trung Quốc đã chủ động lồng ghếp vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật biển với các chiến lược lớn như “Một vành đai, Một con đường” nhằm “làm dịu” căng thẳng, “mềm hoá” tranh chấp, tránh tạo ra cớ các nước lớn khác can dự. Trung Quốc cũng tranh thủ quá trình mở rộng kết nối hạ tầng của các tỉnh ven biển với bên ngoài, kết hợp với các văn bản nội luật, quy hoạch phát triển mới nhằm từng bước hợp thức hoá cơ sở hạ tầng tại khu vực chiếm đóng trái phép. Song thái độ mềm dịu của Trung Quốc chỉ là tạm thời và phụ thuộc vào tình hình chính trị nội bộ và nhu cầu đối ngoại của Trung Quốc.

Để đảm bảo “lợi ích” của mình ở Biển Đông, thời gian tới, Bắc Kinh sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh toàn diện, tăng cường khả năng kiểm soát trên thực địa, hoàn thành quá trình quân sự hóa ở Biển Đông; tiếp tục củng cố chứng cứ pháp lý, ngụy tạo bằng chứng về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm phản bác phán quyết của Tòa trọng tài (7/2018), đồng thời lên án, chỉ trích Mỹ và các nước đồng minh tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực; tiếp tục sử dụng kinh tế để mua chuộc, lôi kéo, chia rẽ nội bộ các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông… Từ những dự báo trên cho thấy, tình hình Biển Đông trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do nguyên nhân gốc rễ của vấn đề chưa được giải quyết. Nếu xu hướng quân sự hóa, chính trị cường quyền và cạnh tranh nước lớn gia tăng thì tình hình có thể sẽ bị đẩy lên mức căng thẳng mới, không loại trừ cả khả năng va chạm xung đột dù vô tình hay cố ý. Tương tác nhiều chiều tại Biển Đông, nhất là giữa các nước lớn cũng đặt ra các bài toán cho các nước ASEAN và Việt Nam trong việc bảo đảm thế cân bằng chiến lược có lợi cho hòa bình ổn định. Đồng thời, hơn bao giờ hết, nhu cầu xây dựng một trật tự dựa trên luật pháp, cụ thể trong vấn đề Biển Đông là luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS trở nên ngày càng cấp thiết.

Xu hướng này sẽ đem lại cả mặt thuận và không thuận cho Việt Nam. Mặt thuận là nhìn chung các nước đều chia sẻ nhu cầu giữ vững hòa bình ổn định, cùng ứng phó với các thách thức chung, duy trì tiến trình ngoại giao. Việt Nam có thể tranh thủ xu thế này để thực hiện các mục tiêu đồng thời nâng cao năng lực trên biển. Mặt không thuận là do có sự thay đổi nguyên trạng trên thực địa, tương quan so sánh lực lượng, cũng như tính toán của các bên còn khác nhau, khiến tình hình trên Biển Đông sẽ diễn biến phức tạp và khó lường hơn đối với Việt Nam.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/24880-mot-so-danh-gia-ve-chinh-sach-bien-dong-cua-trung-quoc-trong-nam-2018-va-du-bao-xu-huong-tinh-hinh-bien-dong-thoi-gian-toi.html