Tin Biển Đông – 21/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 21/09/2017

TQ đổi chiến thuật ở Biển Đông:

‘Tứ Sa’ thay cho ‘Đường 9 đoạn’

Chính phủ Trung Quốc gần đây đã ra mắt một chiến thuật pháp lý mới để hậu thuẫn cho đòi hỏi chủ quyền hung hăng của họ, tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, một vùng biển có vị trí chiến lược.

Chiến thuật mới mà các nhà phê bình gọi là “chiến tranh pháp lý” (lawfare), thay thế cho cái gọi là “đường 9-đoạn” của Trung Quốc.

Chiến thuật mới có tên gọi là “Tứ Sa” – theo tiếng Hoa có nghĩa là cát – đã được ông Mã Tân Dân (Ma Xinmin), Phó Tổng Giám đốc Cục Hiệp Định và Pháp luật Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ trong một cuộc họp kín với các viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng trước.

Trước đây Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 3 quần đảo và gần đây tuyên bố chủ quyền tại một khu vực thứ tư trpmg vùng biển phía bắc của Biển Đông được gọi là Quần đảo Pratas, gần Hồng Kông.

Các địa điểm còn lại là quần đảo Hoàng Sa đang trong vòng tranh chấp ở phía tây bắc, và quần đảo Trường Sa ở phía nam. Quần đảo thứ tư này nằm ở khu vực trung tâm và bao gồm bãi Macclesfield, một loạt rạn san hô ngầm và bãi cát.

Trung Quốc gọi các quần đảo này lần lượt là Đông Sa (Dongsha), Tây Sa (Xisha), Nam Sa (Nansha), và Trung Sa (Zhongsha).

Ông Mã loan báo trong các buổi họp ở thành phố Boston hôm 28 và 29/8 rằng Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với “Tứ Sa” thông qua một số tuyên bố pháp lý. Ông nói khu vực này là ‘lãnh hải mang tính lịch sử’ của Trung Quốc và còn là một phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, xác định các khu vực liền kề một lãnh thổ là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh còn tuyên bố chủ quyền bằng cách khẳng định Tứ Sa là một phần thuộc thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ tham dự cuộc họp bày tỏ ngạc nhiên trước mưu kế mới của Trung Quốc để đòi quyền kiểm soát biển, vì đây là điều chưa từng được thảo luận trước đó.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về các cuộc thảo luận ngoại giao.

Ông Higgins chỉ nói Hoa Kỳ có chính sách toàn cầu từ xưa đến nay về việc không áp dụng các lập luận tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Biển Đông.

Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia trong khu vực cũng tuyên bố chủ quyền trên các quần đảo này, trong đó có Việt Nam và Philippines.

Hoa Kỳ không thừa nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các quần đảo vừa nêu, và nhấn mạnh vùng biển nơi qua lại của lượng hàng hóa trị giá ước lượng khoảng 3,37 nghìn tỷ đôla hàng năm, là biển quốc tế.

Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Biển Đông là lãnh hải quốc tế và tàu bè cũng như máy bay Mỹ sẽ qua lại trong khu vực, bất chấp các tuyên bố của Trung Quốc rằng vùng biển này là thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.

Chiến thuật pháp lý Tứ Sa hình thành sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế hồi tháng 7/2016, bác bỏ tuyên bố ‘chủ quyền lịch sử’ của Trung Quốc đối với các vùng biển trong phạm vi đường 9 đoạn do chính họ vẽ ra.

Vào năm 2012, Trung Quốc đã lập một đơn vị hành chánh mới gọi là thành phố Tam Sa để quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và bãi Macclesfield, với dân số khoảng 2.500 người.

Ông Michael Pillsbury, thành viên cao cấp của Viện Hudson, và là giám đốc của Trung tâm Chiến lược Trung Quốc, cho biết ý đồ mới nhất của Trung Quốc, chiến tranh pháp lý, là một trong ba công cụ trong chiến tranh thông tin của Trung Quốc. Hai công cụ kia là chiến tranh truyền thông và chiến tranh tâm lý.

Ông Pillsbury lưu ý rằng chính phủ Hoa Kỳ không có khả năng về chiến tranh pháp lý mà khả năng chống lại chiến tranh pháp lý cũng không có.

Ông nói:

“Chính phủ Trung Quốc hình như được tổ chức tốt hơn để thiết kế và thực hiện các chiến thuật pháp lý khôn khéo để thách thức các quy tắc được quốc tế chấp nhận, mà không bị chế tài hay trừng phạt.”

Trong quyển sách có tựa Chiến Tranh Pháp lý: Luật là vũ khí chiến tranh, tác giả Orde F. Kittrie nói rằng chiến tranh pháp lý trong bối cảnh lịch sử và ý thức hệ của Trung Quốc, bao gồm cả câu châm ngôn của Tôn Tử “đánh bại kẻ thù mà không cần chiến đấu là đỉnh cao của sự xuất sắc,” cũng chính là vai trò của luật pháp trong triết lý Mao Trạch Đông và vai trò của luật pháp trong xã hội Trung Quốc hiện nay.

Nguồn: Washington Free Beacon

https://www.voatiengviet.com/a/tq-doi-chien-thuat-bien-dong-tu-sa-thay-cho-duong-9-doan/4038620.html

 

TQ sẽ giận khi tàu sân bay Mỹ thăm VN?

Công ty tư vấn BMI Research, trực thuộc Fitch Group, vừa ra mắt một báo cáo về căng thẳng ngoại giao gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Báo cáo này nhận xét căng thẳng song phương đã lên cao nhất trong ba năm qua, sau một loạt va chạm trên Biển Đông tính từ tháng Sáu 2017.

BBC Tiếng Việt đặt câu hỏi cho Raphael Mok, nhà nghiên cứu cao cấp của BMI Research, đặt ở Singapore.

BBC: Theo nhận định của ông, hai nước có tìm cách làm giảm căng thẳng này trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng 19 tới đây hay không?

Raphael Mok: Như đã đề cập tới trong báo cáo, chúng tôi tin rằng tranh chấp trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ không có hồi kết. Và ít có khả năng hai nước này sẽ rút lại các tuyên bố của mình trong tương lai gần, vì cả hai đều muốn khẳng định chủ quyền, phát triển năng lượng và triển khai điểm cắm quân sự tại vùng biển tranh chấp. Điều này đặc biệt đúng trong những tuần tới đây khi lãnh đạo Trung Quốc sẽ không muốn trông yếu thế trước Đại hội Đảng 19. Tương tự như việc Bắc Kinh đã thử các lãnh đạo mới của Việt Nam tháng 4/2016 bằng việc đặt dàn khoan dầu (dàn khoan Hải Dương 981) tại khu vực biển gây tranh cãi như thế nào, chúng tôi tin rằng Hà Nội có thể có những hành động đáp trả.

Mặc dù các tuyên bố về chủ quyền chắc sẽ vẫn còn nóng bỏng, chúng tôi dự đoán cả hai nước sẽ kiềm chế và xung đột có vũ trang ít có khả năng xảy ra.

BBC: Vào tháng Năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á tới thăm Nhà Trắng. Ông Phúc cũng có chuyến thăm Nhật Bản. Theo quan sát của ông, ông có cho rằng những chuyến thăm này lại làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhà Trắng vào đầu tháng Năm (là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo khối Asean dưới thời tổng thống Donald Trump) và thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo về việc tăng cường hợp tác kinh tế và quốc phòng đã thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Nó đồng thời cho thấy chính quyền của ông Trump tiếp tục coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực, mặc dù Việt Nam trước đó còn bất an về tương lai của mối quan hệ này sau kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tôi cho rằng chuyến thăm này không nhất thiết là nguyên nhân hay chất xúc tác cho sự căng thẳng gia tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc vì đây là những xung đột kéo dài từ năm 1979 và nổ ra theo định kỳ trong suốt ba thập niên qua. Căng thẳng này có chiều hướng gia tăng trước các sự kiện quan trọng của quốc gia bởi nước nào cũng muốn động chạm tới vấn đề tinh thần dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh họ đều là quốc gia độc đảng.

Chúng tôi cũng lưu ý rằng Việt Nam đã đi bước đầu tiên vào tháng Sáu, cho đặt dàn khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển tranh chấp, tạo thêm căng thẳng mới giữa hai quốc gia láng giềng.

VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông

Tàu thăm dò của Repsol có mặt ở địa điểm mới

BBC: Một nhà bình luận cho rằng: “Các lãnh đạo Việt Nam trở nên đơn độc khi đề cập tới vấn đề tranh chấp Biển Đông thời gian gần đây. Các quốc gia Đông Nam Á khác có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông đã trở nên dè dặt sau nhiều năm căng thẳng leo thang với Bắc Kinh, hoặc lờ đi và để Việt Nam một mình chiến đấu”. Ông nghĩ sao về bình luận này?

Việt Nam đã trở thành đối thủ chính của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông sau khi Phippines, dưới thời tổng thống Duterte, áp dụng giọng điệu mang tính hòa giải với Bắc Kinh.

Mặc dù hầu hết các thành viên ASEAN đều giữ quan điểm trung lập trong những năm gần đây, tôi không hoàn toàn tán thành ‎y kiến cho rằng các lãnh đạo Việt Nam “đơn độc”. Bởi lẽ tôi thấy Washington, New Delhi và Tokyo đang làm việc chặt chẽ với Hà Nội trong thời gian gần đây. Hơn nữa, Indonesia cuối cùng có vẻ đã bày tỏ phản đối tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc vì nó gây cản trở vùng đặc quyền kinh tế của nước này, thông qua việc mới đây các nhà chức trách Indonesia đặt lại tên một phần Biển Đông thành biển Bắc Natuna.

VN ‘coi trọng hợp tác chiến lược’ với TQ

Một số website sân bay VN ‘bị tấn công’

BBC: Gần đây nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nhân chuyến thăm Mỹ của ông này, rằng tàu sân bay Mỹ sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào năm tới. Tuy nhiên điều này có khiến Trung Quốc nổi giận?

Tôi tin rằng việc Việt Nam sẵn sàng tiếp đón tàu sân bay của Mỹ sẽ có thể khiến Trung Quốc nổi giận, bởi lẽ tàu chiến này là phương tiện lớn nhất để phô trương lực lượng và thể hiện sức mạnh của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương. Bắc Kinh từng phản đối Mỹ và các bên thứ ba trong việc can thiệp vào Biển Đông và muốn có các giải quyết song phương về tranh chấp hàng hải

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41348879

 

Trung Quốc phản đối phát biểu của Trump về Biển Đông

Trọng Thành

Ngày 20/09/2017, sau phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc liên quan đến Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối.

Trong bài phát biểu ngày 19/09, tổng thống Mỹ khẳng định có « các thách thức về chủ quyền » tại Ukraina và vùng Biển Đông giàu tài nguyên, nhưng không nhắc đến tên Nga và Trung Quốc. Trong diễn văn nói trên, tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng biên giới quốc gia, tôn trọng các cam kết hòa bình.

Phản ứng lại thông điệp nói trên của nguyên thủ quốc gia Mỹ, trả lời báo giới, phát ngôn viên Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang), lên án « một số quốc gia » lấy cớ bảo vệ quyền tự do hàng hải để đưa máy bay và chiến hạm đến khu vực Biển Đông. Theo người phát ngôn Trung Quốc, « hành xử này » thách thức chủ quyền của « các quốc gia Biển Đông ».

Đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc không nêu tên quốc gia nào, nhưng lưu ý là tình hình hiện nay đã được cải thiện do các phối hợp giữa Trung Quốc và ASEAN.

Việc Hoa Kỳ gia tăng tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông trong những tháng gần đây, tại các địa điểm nằm trong khu vực 12 hải lý một số đảo nhân tạo do Trung Quốc quản lý, khiến Bắc Kinh phản đối mạnh, nhưng được một số nước láng giềng hoan nghênh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170921-trung-quoc-phan-doi-phat-bieu-cua-trump-ve-bien-dong