Tin Biển Đông – 21/09/2016
Biển Đông :
Nhật Bản nhất quán trong chính sách, bất chấp Trung Quốc
Trong những ngày qua, Trung Quốc đã liên tục lớn tiếng phản đối những tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản về Biển Đông. Vấn đề đáng nói là Bắc Kinh đã tỏ thái độ gay gắt như trên vào lúc mà theo giới phân tích – được tờ báo Nhật The Japan Times hôm 18/09/2016 trích dẫn – chính sách Biển Đông của Nhật Bản hầu như vẫn nhất quán và không có gì mới. Phản ứng của Trung Quốc do đó lại được xem là một biểu hiện của chủ trương bắt nạt của Bắc Kinh đối với các láng giềng.
Phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược CSIS tại Washington, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã không nói gì hơn là Tokyo sẽ “tăng cường sự can dự của mình vào Biển Đông thông qua… các chuyến hải hành tập huấn cùng với Hải quân Hoa Kỳ“. Bà cũng nhắc lại rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục chương trình giúp đỡ các quốc gia ven Biển Đông tăng cường năng lực ứng phó trên biển, bằng những cuộc tập trận song phương và đa phương với các lực lượng hải quân trong khu vực.
Theo các chuyên gia, các phát biểu trên đây không chứa đựng bất kỳ điểm mới nào có thể khiến Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ thể hiện qua những lời hù dọa được tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho đến Tân Hoa Xã tung ra.
James Schoff, một cựu cố vấn cao cấp về chính sách Đông Á tại bộ Quốc Phòng Mỹ, ghi nhận là bà Inada chỉ nói đến các chuyến « hải hành », có nghĩa là Hải Quân Nhật Bản sẽ hiện diện ở Biển Đông khi đi thực hiện các nhiệm vụ quốc tế tại vùng Vịnh Aden ở Châu Phi và lúc trở về, hoặc khi tham gia các chuyến ghé cảng hữu nghị trong vùng hoặc đến tập trận với các đối tác trong khu vực. Đó là những hoạt động mà Hải Quân Nhật đã làm trước đây.
Giải thích về phản ứng hung hăng của Bắc Kinh, chuyên gia này cho rằng đó có thể là vì tại Trung Quốc hiện có một thành phần « muốn sử dụng (phát biểu của Nhật Bản về Biển Đông) để leo thang căng thẳng ».
Còn Giáo sư Trương Bạc Hối (Zhang Baohui), Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á Thái Bình Dương tại Đại Học Lĩnh Nam (Hồng Kông), cũng phản bác một lập luận được Hoàn Cầu Thời Báo nêu ra, theo đó việc Nhật Bản đưa tàu vào Biển Đông sẽ bị đáp trả bằng việc Trung Quốc cho quân sự hóa các đảo nhân tạo trong tay họ ở Trường Sa. Theo nhà nghiên cứu Hồng Kông, sự hiện diện của Nhật Bản tại Biển Đông tự nó không thể là động lực đáng kể cho việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa các hòn đảo mới được bồi đắp trong tay họ.
Điều nguy hiểm, theo chuyên gia này, là những phản ứng thái quá của lực lượng Trung Quốc. Bên cạnh khả năng Hải Quân Trung – Nhật xung đột với nhau, còn có kịch bản « tàu Trung Quốc đâm vào tàu Nhật hay tìm cách chặn đường đối phương ».
Nguy cơ nói trên, theo chuyên gia Trương Bạc Hối, là hoàn toàn có thể vì Trung Quốc e dè Mỹ chứ không sợ Nhật : « Trung Quốc chưa làm gì để chống lại tàu Mỹ vào tuần tra Biển Đông, nhưng tàu Nhật lại là chuyện khác ».
Tóm lại, có thể nói là Trung Quốc đã lợi dụng phát biểu của bà bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản để thổi phồng vấn đề và lên tiếng hù dọa, không chỉ Nhật Bản, mà tất cả các láng giềng khác đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh tại Biển Đông. Nhật Bản còn là một cái bung xung lý tưởng vì lẽ cùng với Úc và Mỹ, Nhật Bản nằm trong số ba nước đầu tiên đã lên tiếng khẳng định là phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông mang tính chất ràng buộc, mà Trung Quốc phải tuân thủ.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160921-nhat-ban-nhat-quan-trong-chinh-sach-bien-dong-bat-chap-trung-quoc
Indonesia muốn Mỹ giúp
nâng cấp căn cứ Hải Quân ở Biển Đông
Bị Trung Quốc dùng bản đồ đường lưỡi bò lấn lướt trên Biển Đông, Indonesia đã quyết định tăng cường lực lượng tại khu vực bị Bắc Kinh nhòm ngó. Theo tiết lộ của chuyên san quốc phòng Anh IHS Jane ngày hôm nay, 21/09/2016, Jakarta vừa cử một phái đoàn qua Mỹ để thăm dò khả năng nhờ Washington tài trợ cho một căn cứ Hải Quân Indonsesia nhìn ra Biển Đông.
Theo chuyên san IHS Jane, phái đoàn Indonesia bao gồm 5 sĩ quan Hải Quân cao cấp, hiện đang có mặt ở Hoa Kỳ để thảo luận về khả năng nhận chi viện từ chương trình Tài Trợ Quân Sự Nước Ngoài (FMF) của Mỹ, để nâng cấp của một căn cứ Hải Quân của Indonesia tại vùng Biển Đông.
Phái đoàn Indonesia đã đến Mỹ trong tư cách khách mời và sẽ ghé thăm một số thành phố Hoa Kỳ để nghiên cứu các cơ sở và trung tâm huấn luyện của Hải Quân Mỹ đặt tại những nơi đó. Trong số này dĩ nhiên có hai căn cứ lớn của Hoa Kỳ tại Quantico, tiểu bang Virginia, bên bờ Đại Tây Dương, và tại San Diego, tiểu bang California, nhìn ra Thái Bình Dương.
Theo nhận định của IHS Jane, việc nâng cấp căn cứ hải quân sẽ cho phép Hải Quân Indonesia tăng cường sự hiện diện tại vùng Biển Đông và Eo Biển Sunda.
Thái độ hung hăng của Trung Quốc đã đẩy Indonesia về phía Mỹ
Theo các nhà quan sát, Indonesia không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông đã ăn vào một phần vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Jakarta.
Thái độ hung hăng của lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua, dùng sức mạnh đánh tháo cho tàu cá Trung Quốc bị tuần duyên Indonesia bắt giữ trong khu vực, đã khiến Jakarta giận dữ, với hệ quả là kế hoạch đã có từ lâu về việc tăng cường lực lượng tại Natuna, đã được thúc đẩy mạnh mẽ.
Cuối tháng sáu vừa qua, Quốc Hội Indonesia đã thông qua một ngân sách bổ sung 846 triệu đôla cho năm 2016, một phần để bộ Quốc Phòng nước này nâng cấp căn cứ quân sự ở Natuna. Việc tìm thêm tài trợ và giúp đỡ kỹ thuật từ Mỹ được cho là nằm trong kế hoạch đó.
Dẫu sao thì Indonesia luôn có quan hệ quốc phòng tốt với Mỹ. Cùng với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan, Indonesia là một trong năm nước chính tại Đông Nam Á là đối tượng được giúp đỡ của Chương trình Sáng kiến An ninh Biển MSI (Maritime Security Initiative) mà bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vừa triển khai vào tháng Tư năm 2016 nhằm xây dựng và nâng cao năng lực biển cho các nước đồng minh, đối tác trong khu vực Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160921-indonesia-muon-my-giup-nang-cap-can-cu-hai-quan-o-bien-dong
Tổng thống Philippines tuyên bố cần có Mỹ ở Biển Đông
Theo Bloomberg hôm nay 21/09/2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhìn nhận Manila cần có quân đội Mỹ tại Biển Đông, và sau đó lại phản đối những chỉ trích từ Hoa Kỳ và châu Âu về cuộc chiến chống ma túy của ông.
Một tuần sau khi kêu gọi chấm dứt tuần tra chung với Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông và rút lực lượng Mỹ ra khỏi Mindanao, ông Duterte hôm qua biện minh rằng mục đích của ông chỉ nhằm thương lượng thành công với phe Hồi giáo nổi dậy.
Nói chuyện trước các quân nhân ở Davao, ông tuyên bố : « Tôi nói rằng có thể trong tương lai lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ phải rời đi. Tôi chưa bao giờ nói họ phải ra khỏi Philippines. Dù sao đi nữa, chúng ta cần có họ tại Biển Đông ».
Cũng theo ông Duterte, Philippines « không có đủ vũ khí để có thể chiến đấu », và « cũng không sẵn sàng tham chiến với Trung Quốc » « vì đó sẽ là một cuộc thảm sát ». Ông than phiền là các chiến đấu cơ được Không quân Philippines mua trước đây có hỏa lực không đủ mạnh. Tờ Philippines Star dẫn lời ông Duterte : « Vấn đề là họ không muốn giao cho chúng ta hỏa tiễn. Chúng ta có thể mua từ Hàn Quốc, nhưng Seoul không thể bán nếu Mỹ không đồng ý ».
Từ nhiều thập kỷ qua, liên minh quân sự với Philippines vẫn là nền tảng cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc yêu sách đến trên 80% diện tích Biển Đông. Ông Duterte nói sẽ tôn trọng liên minh, nhưng vẫn nhấn mạnh « một chính sách đối ngoại độc lập » và từng đặt ra câu hỏi, liệu Mỹ có can thiệp nếu Trung Quốc xâm lăng lãnh thổ của Philippines tại Biển Đông.
Trong một động thái khác, tối qua khi nói chuyện với các quan chức địa phương ở Davao, ông Duterte bác bỏ những chỉ trích về nạn giết người bừa bãi, trong chiến dịch chống ma túy đã làm hơn 3.000 người chết trong không đầy ba tháng qua.
Trước lời kêu gọi của Nghị Viện Châu Âu chấm dứt tình trạng giết người không qua xét xử, và nghị quyết chỉ thị cho đại diện 28 nước thành viên tại Manila giám sát các vụ vi phạm nhân quyền ở Philippines, ông Rodrigo Duterte dùng những từ ngữ thóa mạ và cử chỉ tục tĩu để phản bác, khẳng định những người bị giết toàn là tội phạm.
Tổng thống Philippines cũng cáo buộc Hoa Kỳ là đạo đức giả, nói rằng người Mỹ đã « vi phạm nhân quyền trầm trọng» trong những vụ đụng độ với thổ dân Moro vào năm 1906.
Về quan hệ với các láng giềng Đông Nam Á, tổng thống Rodrigo Duterte sẽ đi thăm Việt Nam và Thái Lan trong tuần lễ cuối của tháng Chín. Tờ Philippines Star cho biết ông Duterte hy vọng tiếp xúc với cộng đồng người Philippines tại hai nước này. Ông cũng nhận được lời mời đến thăm Nhật Bản.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160921-tong-thong-philippines-tuyen-bo-can-co-my-o-bien-dong
Biển Đông : Đài Loan xây cấu trúc quân sự trên đảo Ba Bình ?
Đài Loan xây thêm bốn cấu trúc kiên cố trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông, bị nghi là các công trình được sử dụng vào mục đích quân sự.
Tờ South China Morning Post của Hồng Kông hôm qua, 20/09/2016, cho biết là các cấu trúc nói trên đã được phát hiện qua các ảnh vệ tinh gần đây của Google Earth.
Trên ảnh vệ tinh này, người ta thấy có bốn cấu trúc, cao khoảng từ 3 đến 4 tầng, được xây ở bờ biển phía Tây đảo Ba Bình, nằm bao quanh một cấu trúc thứ năm đang được xây dựng. Trên các ảnh vệ tinh của Google Earth vào tháng Giêng đã không có các cấu trúc nói trên.
Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan đã từ chối tiết lộ về các cấu trúc được nhìn thấy trên ảnh vệ tinh, với lý do đó là bí mật quốc gia. Nhưng bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đang yêu cầu Google làm mờ đi các hình ảnh vệ tinh về các cấu trúc này. .
Báo chí Đài Loan thì đồn đoán rằng đó là nơi đặt các khẩu pháo phòng không. Các chuyên gia quân sự thì cho rằng các cấu trúc mới có thể được sử dụng để phóng tên lửa địa đối không, nhưng cũng có thể là dùng để phát hiện và giám sát.
Về phần ông Arthur Ding, nhà nghiên cứu thuộc Viện Anh ninh và Phát triển Chính sách ở Stockholm thì cho biết là việc xây dựng các công trình nói trên đã được cựu tổng thống Mã Anh Cửu chuẩn y nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan trên đảo Ba Bình.
Đảo Ba Bình, mà Đài Loan gọi là Thái Bình, là một đảo đang tranh chấp giữa Đài Loan, Việt Nam, Trung Quốc. Các cấu trúc mới trên đảo này được phát hiện vào lúc căng thẳng về tranh chấp chủ quyền Biển Đông gia tăng sau khi cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đều bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện Biển Đông, không công nhận những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng biển này. Đặc biệt, Tòa Trọng tài cho rằng Ba Bình chỉ là “đá“, chứ không phải là “đảo“, chỉ có thể có vùng lãnh hải 12 hải lý, không có quyền mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160921-bien-dong-dai-loan-xay-cau-truc-quan-su-tren-dao-ba-binh