Tin Biển Đông – 21/08/2018
Nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông
và hiểm họa Trung Quốc
Ngũ Giác Đài tuần trước cảnh báo về ý đồ của Trung Quốc, định đưa các nhà máy điện hạt nhân nổi tới gần các đảo, đá đang trong vòng tranh chấp trên Biển Đông.
Trong phúc trình thường niên đánh giá sức mạnh quân sự của Trung Quốc năm 2018 được đệ trình lên quốc hội, Ngũ Giác Đài cảnh báo:
“Kế hoạch của Trung Quốc cung cấp điện cho các hòn đảo đó có thể đưa thêm yếu tố hạt nhân vào cuộc tranh chấp lãnh thổ ở đây.”
Phúc trình mang tiêu đề “Diễn biến quân sự và an ninh liên quan tới Trung Quốc” nói là có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang triển khai kế hoạch cung cấp điện cho các đảo và đá ngầm trên Biển Đông qua trung gian các trạm điện hạt nhân nổi. Hoạt động này được cho là sẽ bắt đầu trước năm 2020″.
Hồi năm ngoái, Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc tường thuật rằng Bắc Kinh có thể xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi để gọi là “thúc đẩy phát triển thương mại” trên Biển Đông.
Báo South China Morning Post năm ngoái cũng tường thuật rằng một số công ty nhà nước Trung Quốc đã thành lập một liên doanh nhằm nâng cao năng lực điện hạt nhân của Trung Quốc cho phù hợp với tham vọng của nước này muốn trở thành một “cường quốc biển”.
Các quan hệ quân sự Mỹ-Trung đã xấu đi hồi gần đây, sau khi chính quyền Tổng thống Trump rút lại lời mời Bắc Kinh tham gia diễn tập quân sự RIMPAC vì những hoạt động của Trung Quốc trong các vùng biển đang tranh chấp.
Trung Quốc có thể đã dùng các biện pháp mạnh để áp lục Việt Nam đình chỉ các hoạt động liên doanh với Tây Ban Nha khai thác một lô dầu khí trong Biển Đông năm ngoái.
Phúc trình 2018 “Diễn biến quân sự và an ninh liên quan tới Trung Quốc” của Bộ Quốc Phòng Mỹ
Phúc trình “Diễn biến quân sự và an ninh liên quan tới Trung Quốc” năm 2018 nhấn mạnh một số điểm cần lưu ý, trong đó có:
Quân đội Trung Quốc có thể đã diễn tập các hoạt động nhằm tấn công Hoa Kỳ và các đồng minh.
Trung Quốc sẵn sàng dùng các biện pháp để trấn áp những sự chống đối của các nước khác, kể cả áp lực ngoại giao và kinh tế nhằm thuyết phục Hàn Quốc xét lại việc triển khai lá chăn phi đạn của Mỹ.
Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc là để xây dựng quan hệ với các nước khác nhằm mục đích phục vụ các lợi ích riêng của Bắc Kinh, và giảm thiểu những tiếng nói chỉ trích.
Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Lực lượng Tuần duyên và Lực lượng Dân quân Biển của Trung Quốc phối hợp lại là lực lượng hàng hải lớn nhất trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trung Quốc có thể đã dùng các biện pháp mạnh để áp lục Việt Nam đình chỉ các hoạt động liên doanh với Tây Ban Nha khai thác một lô dầu hỏa trong Biển Đông năm ngoái.
Các hệ thống máy tính trên khắp thế giới, kể cả các hệ thống của chính phủ Mỹ tiếp tục là mục tiêu của các cuộc thâm nhập của tin tặc Trung Quốc trong năm ngoái.
https://www.voatiengviet.com/a/nha-may-dien-hat-nhan-noi-va-hiem-hoa-tq-o-bien-dong/4537835.html
Trung Quốc đề xuất
tập trận thường xuyên với ASEAN
Trung Quốc đề xuất với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á rằng hai bên sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung thường xuyên trên Biển Đông, theo một nguồn tin ngoại giao của ASEAN.
Đề xuất này được Bắc Kinh loan truyền rằng có thể được đưa vào dự thảo quy tắc ứng xử để tránh xung đột trong vùng lãnh hải có tranh chấp hiện đang được hai bên thảo luận, Kyodo News trích nguồn tin ASEAN.
Đề xuất này dường như được đưa ra để nhắm tới Mỹ.
Kyodo News
Trung Quốc cũng đã đề xuất với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rằng hai bên cam kết không tổ chức tập trận quân sự chung trên Biển Đông với bất kỳ nước nào khác từ bên ngoài khu vực mà không thông báo trước hoặc không được thống nhất trước.
Đề xuất này dường như được đưa ra để nhắm tới Mỹ, theo Kyodo News.
Các đề xuất – nằm trong bản tóm tắt các ý kiến của mỗi quốc gia tham gia đàm phán – được công bố chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc và các thành viên ASEAN tổ chức một cuộc diễn tập hàng hải ở Singapore trong đó tập trung vào việc hợp tác trong các thời điểm có những sự kiện liên quan đến an toàn biển.
Cuộc thao dượt trên biển ASEAN-Trung Quốc, do Trung Quốc đề xướng, diễn ra vào ngày 2-3 tháng 8 dưới hình thức diễn tập tình huống giả lập ở Căn cứ hải quân Changi của Singapore với sự tham dự của hơn 40 giới chức hải quân và quân đội của 11 quốc gia.
Tiếp đến sẽ là những cuộc diễn tập thực sự trên biển ở khu vực lãnh hải gần Trung Quốc vào tháng 10.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông nơi các thành viên ASEAN trong đó có Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Hague vào tháng 7/2016 ra phán quyết rằng những tuyên bố của Trung Quốc không có căn cứ pháp lý.
Trung Quốc tiếp tục phủ nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế. Nước này bị chỉ trích vì các hành động xây dựng và củng cố các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Khối ASEAN còn bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Singapore và Thái Lan.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-de-xuat-tap-tran-thuong-xuyen-voi-asean/4537651.html