Tin Biển Đông – 21/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 21/06/2018

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến TQ

giữa căng thẳng Đài Loan, Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm 20/6 cho biết ông sẽ có chuyến thăm Bắc Kinh và sau đó là Seoul vào tuần tới.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Christopher Logan, xác nhận thông tin này và cho biết chi tiết của chuyến đi sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Tháng trước, quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xấu đi sau khi Washington rút lại lời mời Bắc Kinh tham dự cuộc tập trận hải quân đa quốc RIMPAC ở Hawaii, như một phản ứng đáp trả hành động của Bắc Kinh, quân sự hóa Biển Đông.

Tin cho hay Ngũ Giác Đài đang xem xét việc đưa tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan và bán thêm vũ khí cho Đài Loan sau khi máy bay quân sự Trung Quốc, gồm cả máy bay ném bom chiến lược H-6K, thực hiện các cuộc “diễn tập bao vây” hòn đảo tự trị này.

Căng thẳng giữa hai nước còn nổi lên tại diễn đàn an ninh khu vực, tức Đối thoại Shangri-La ở Singapore, vào đầu tháng này, khi ông Mattis lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh về các hoạt động trong vùng biển tranh chấp, kể cả những yêu sách chủ quyền và triển khai hệ thống vũ khí với mục đích “đe dọa và trấn áp” các nước láng giềng nhỏ yếu hơn.

Ông cảnh báo Trung Quốc sẽ đối mặt với “những hậu quả, nếu không tìm cách hợp tác với các láng giềng cũng cần bảo vệ các lợi ích của mình tại đây”.

Phát biểu bên lề diễn đàn, Đại tá Chu Ba, giám đốc Trung tâm Hợp tác an ninh quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, phản bác rằng những phát biểu của ông Mattis thật là “nực cười” vì chính “Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đang quân sự hóa Biển Đông”.

Ông Chu nói không có bất kỳ nào điều luật quốc tế nào cấm các hoạt động bồi đắp đất của nước ông, và Hoa Kỳ mới là nhân tố chính góp phần gây bất ổn trong khu vực.

Về vấn đề Đài Loan, Bộ trưởng Mattis hứa tiếp tục duy trì cam kết của Hoa Kỳ đối với hòn đảo tự trị này, và Washington sẽ giúp Đài Loan về mặt “huấn luyện và thiết bị quốc phòng cần thiết để tự vệ”.

Sau khi rời Bắc Kinh, ông Mattis sẽ đến Seoul. Mục đích chủ yếu của chuyến đi là để thảo luận bước tiếp theo sau khi Mỹ và Hàn Quốc dẹp bỏ các cuộc tập trận theo kế hoạch vào tháng 8 tới, sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore vào tuần trước.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-quoc-phong-my-den-tq-giua-cang-thang-dai-loan-bien-dong/4448644.html

 

Thủ tướng Malaysia:

‘Hãy dẹp tàu chiến ở Biển Đông’

Hãy thay các tàu chiến bằng tàu nhỏ tuần tra chung trên Biển Đông, đó là giải pháp duy trì hòa bình mà Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tờ Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) hôm 19/6.

Theo vị thủ tướng 92 tuổi mới đắc cử thì sự hiện diện của các tàu chiến ở Biển Đông đặt ra mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình trong khu vực biển giàu tài nguyên và đầy tranh chấp này.

“Tôi nghĩ không nên có quá nhiều tàu chiến. Tàu chiến tạo ra căng thẳng”, ông Mahathir nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền của SCMP. “Một ngày nào đó, ai đó có thể phạm sai lầm và sẽ có một trận chiến, mất một số tàu, rồi có thể có chiến tranh. Chúng ta không muốn điều đó”.

Theo thủ tướng Mahathir, các tàu nhỏ “nên được trang bị để đối phó với cướp biển, chứ không phải để chiến đấu trong một cuộc chiến”.

Nói về quan điểm của tân chính phủ đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông, ông Mahathir khẳng định Malaysia muốn tiếp tục chiếm đóng trên các hòn đảo mà nước này nắm giữ.

“Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là của họ, nhưng lâu nay những hòn đảo đó luôn được coi là của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi muốn giữ lại chúng”, Thủ tướng-Tiến sĩ Mahathir nói với SCMP.

“Có một số đá mà chúng tôi đã phát triển thành đảo. Chúng tôi hy vọng là sẽ ở trên những hòn đảo này bởi vì nó là một phần của việc giữ an toàn cho vùng biển khỏi cướp biển và những người khác”.

Malaysia nằm trong số các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên tuyến hàng hải chiến lược có lượng lưu thông toàn cầu trị giá lên đến 5 nghìn tỷ đôla mỗi năm.

Tháng trước, không quân Trung Quốc đã đáp máy bay ném bom trên các đảo và bãi đá tranh chấp ở Biển Đông trong một bài tập huấn luyện, khiến Việt Nam và Philippines lên tiếng phản đối.

Căng thẳng càng leo thang hơn khi Hoa Kỳ đưa tàu chiến đến khu vực để thể hiện “tự do hàng hải”.

Các nhà quan sát nói rằng các vùng biển đã trở thành một điểm chớp cháy vì quân sự nặng nề ở Trung Quốc và các quốc gia tuyên nhận khác, trong khi Mỹ gửi tàu chiến đến khu vực này như là một phần của các bài tập “tự do hàng hải”

https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-malaysia-hay-dep-tau-chien-o-bien-dong/4448503.html

 

Biển Đông :

Hải quân Pháp tuần tra gần khu vực Trường Sa

Thanh Hà

Thông cáo của bộ Quốc Phòng Pháp ngày 20/06/2018 cho biết, đội tàu Jeanne d’Arc rời căn cứ Darwin – Úc, tiếp tục hành trình tuần tra Biển Đông, trong khu vực có tranh chấp chủ quyền. Paris coi nơi đây là “khu vực có lợi ích chiến lược” của Pháp.

Đội tàu Jeanne d’Arc bao gồm một chiếc tàu chỉ huy đổ bộ Dixmude, tuần dương hạm lớp La Fayette Surcouf. Trên tàu có sự hiện diện của 6 quan chức lãnh đạo chính trị-quân sự Pháp, 5 quan chức thuộc Liên Hiệp Châu Âu và ban đối ngoại Liên Hiệp Châu Âu, cùng với đại diện của nhóm nghiên cứu Mỹ Hudson Institute. Vẫn theo thông cáo của bộ Quốc Phòng, tất cả các quan chức nói trên đã “chứng kiến việc Pháp thực hiện cụ thể cam kết bảo vệ nguyên tắc tự do lưu thông”.

Cuộc tuần tra của đội tàu Jeanne d’Arc diễn ra vài ngày trước khi có diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La tại Singapore, được tổ chức trong ba ngày, từ 01 đến 03/06/2018. Phát biểu tại diễn đàn này, bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly, đã nhấn mạnh đến việc đội tàu Jean d’Arc đi tuần tra bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không tại vùng biển châu Á và việc Pháp duy trì sự hiện diện thường trực trong khu vực, từ năm 2014.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180621-bien-dong-hai-quan-phap-tuan-tra-gan-khu-vuc-truong-sa

 

VN ‘nên ký’ thỏa thuận đánh bắt cá

với TQ và Philippines

Các chuyên gia có ý kiến là VN nên đồng ý ký thỏa thuận chung về đánh bắt cá với TQ và Philippines tại bãi cạn Scarborough như đề nghị của giới chức Philippines.

Ông Antonio Carpio, quyền Chánh án Tòa án Tối cao của Philippines, cho biết hôm thứ Tư 20/6 rằng Philippines, Việt Nam và Trung Quốc nên có quy định định chung về đánh bắt cá ở vùng biển thuộc Bãi Cạn Scarborough, theo ABS-CBN News.

Hoạt động hải quân chung đem lại gì cho VN?

Tranh chấp Biển Đông: Bản đồ ‘có giá trị giới hạn’

Hai ngư dân VN ‘bị oan’ ra tòa ở Indonesia

Bình luận về vấn đề này, ông Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TPHCM, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói với BBC rằng “Việt Nam nên đồng ý ký kết”.

Chuyên gia về Biển Đông giải thích:

“Bãi cạn Scarborough là ngư trường chung lâu đời trên khu vực Biển Đông. Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc năm 2016, các ngư trường xung quanh các thực thể (các bãi đá, đảo đá hoặc đảo) mà các quốc gia đang kiểm soát có nhiều vùng chồng lấn đan xen.”

“Vì thế rất khó cho ngư dân xác định được đâu là vùng biển của nước mình.”

“Ngoài ra còn do vấn đề di chuyển của đàn cá. Nếu ngư dân Việt Nam đuổi theo đàn cá từ khu vực của Việt Nam tới vùng biển của Philippines mới đánh bắt được thì họ hoàn toàn có thể bị buộc tội vi phạm hải phận nước bạn.”

Do đó, ngay sau phán quyết năm 2016, các nhà nghiên cứu đã cho rằng cả ba nước Việt Nam, Philippines và Trung Quốc nên ngồi với nhau để có thỏa thuận chung về đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn này.

Về lợi thế của Việt Nam khi tham gia ký kết, ông Hoàng Việt cho hay đó là việc ngư dân có điều kiện đánh bắt cá an toàn và ‘tạo tiền lệ cho các nước khác như Malaysia, Indonesia… cũng có các thỏa thuận chung tương tự.

VN ở thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ sau Cá Rồng Đỏ?

VN cần hợp tác khai thác hay đưa ra LHQ?

“Việt Nam hiện đang có tranh chấp các ngư trường với một số nước như Philippines, Indonesia. Báo chí gần đây đưa tin nhiều ngư dân Việt Nam bị cảnh sát biển các nước này bắt, sau đó bị đưa ra tòa, khởi tố và bỏ tù.”

“Điều này gây nhức nhối vì phía ngư dân Việt Nam khẳng định họ khai thác ở vùng biển của Việt Nam nhưng phía bạn nói khai thác ở vùng biển của họ. Để khẳng định được bên nào sai, đúng rất phức tạp.”

“Nếu các nước có thỏa thuận chung về khai thác thì sẽ tránh được các rắc rối như hiện nay.”

Có khả thi không?

Tuy nhiên ông Hoàng Việt nói ‘khả năng ký kết thỏa thuận này có thể tương đối thấp’.

“Đưa được Trung Quốc cùng ngồi đàm phán về vấn đề này không phải đơn giản. Ngoài ra còn phụ thuộc vào vấn đề địa chính trị trên thế giới.”

“Hiện thời địa chính trị đang nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc.”

“Tuy nhiên vẫn có khả năng Trung Quốc sẽ ký vì việc này cũng mang lại lợi ích cho chính ngư dân của họ. Ngoài ra, Trung Quốc luôn là những nhà đàm phán tuyệt vời nên trong các thỏa thuận, họ luôn dành được lợi thế,” chuyên gia từ TP Hồ Chí Minh nói với BBC ngày 20/6.

Đề nghị từ Philippines

Trang VnExpress ngày 20/6 cũng có thông tin về đề nghị của ông Antonio Carpio.

Tờ này cho hay Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc năm 2016 phán quyết bãi cạn Scarborough là ngư trường chung của ba nước Việt Nam, Philippine và Việt Nam.

Philippines cũng có thể ký một thỏa thuận biên giới với Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất ý tưởng này với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

“Duterte có thể ký thỏa thuận biên giới “trung gian” giữa hai nước”, ông Carpio được VnExpress trích thuật.

Trong khi đó, cho hay ông Carpio được hãng tin ABS-CBN News ngày 20/6 trích lời nói:

“Bạn không thể cứ đánh bắt tràn lan ở đó vì cần đánh bắt cá bền vững. Chúng ta cần phải có quy tắc và chúng ta nên ra Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, yêu cầu Trung Quốc và Việt Nam cùng ngồi xuống với chúng ta để để soạn thảo các quy tắc đó.”

“Ngư dân của chúng tôi không được phép vào trong khu vực này và tôi biết ngư dân Trung Quốc được phép vào. Có sự phân biệt đối xử ở đây, Manila nên yêu cầu Tòa Trọng tài ra lệnh cho Bắc Kinh phải cho phép ngư dân Philippines vào đánh bắt cá tại vùng biển thuộc bãi cạn Scarborough.” ông Carpio nói.

Các ngư dân Philippines trước đó than phiền rằng nhân viên bảo vệ bờ biển Trung Quốc tịch thu cá của họ, thường trị giá hàng ngàn peso, đổi lại trả cho ngư dân vài chai nước, gói thuốc lá và mì ăn liền.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, thông qua đó hàng hóa trị giá ba nghìn tỷ đô la được chuyên chở qua đây mỗi năm.

Trung Quốc đã tăng cường củng cố các đảo nhân tạo trong vài năm qua tại Biển Đông. Việt Nam cũng nhiều lần nhấn mạnh các quyền chủ quyền của mình đối với Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44543820