Tin Biển Đông – 21/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 21/05/2018

Philippines ‘hành động phù hợp’

với oanh tạc cơ TQ ở Biển Đông

Philippines bày tỏ “hết sức quan ngại” về sự hiện diện của các máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông đang có tranh chấp và bộ ngoại giao nước này đã thực hiện “hành động ngoại giao phù hợp”, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết hôm 21/5.

Lực lượng không quân của Trung Quốc cho biết các máy bay ném bom như H-6K đã hạ cánh và cất cánh từ các đảo và các rạn san hô ở Biển Đông trong khuôn khổ các cuộc thao dượt hồi tuần trước.

Phát ngôn viên tổng thống, Harry Roque, nói Philippines không thể độc lập xác minh sự hiện diện của các máy bay ném bom Trung Quốc ở Biển Đông.

“Nhưng chúng tôi lưu ý đến các báo cáo đã xuất hiện và chúng tôi bày tỏ hết sức quan ngại về tác động của việc đó đối với nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”, ông Roque nói trong một cuộc họp báo ở dinh tổng thống.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ đang theo dõi các diễn biến.

“Chúng tôi đang thực hiện hành động ngoại giao phù hợp cần thiết để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của chúng tôi và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai”, bộ cho hay trong một tuyên bố, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Tuy nhiên, bộ ngoại giao Philippines không lên án hành động của Trung Quốc, mà Washington nói có thể làm tăng căng thẳng và làm mất ổn định khu vực.

Tại Bắc Kinh, một phát ngôn viên bộ ngoại giao đã kêu gọi các nước khác không diễn giải quá mức về điều mà ông gọi là cuộc tuần tra quân sự thường lệ.

“Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan không suy diễn quá nhiều về điều này”, ông Lục Khảng nói trong một cuộc họp báo hàng ngày.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường thủy chiến lược, nơi khoảng có lượng hàng vận tải biển trị giá 3 nghìn tỷ đôla đi qua mỗi năm. Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines, và Đài Loan cũng đưa ra những tuyên bố chủ quyền đầy mâu thuẫn trong cùng khu vực.

https://www.voatiengviet.com/a/philippines-hanh-dong-phu-hop-voi-oanh-tac-co-tq-o-bien-dong/4402953.html

 

Việt Nam yêu cầu TQ chấm dứt

đưa phi cơ ném bom đến Hoàng Sa

Việt Nam vừa yêu cầu Trung Quốc chấm dứt cho phi cơ ném bom diễn tập cất và hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.

Tuần trước, Lực lượng Không quân Trung Quốc đưa tin một số phi cơ ném bom H-6K đã cất cánh và hạ cánh từ các đảo và bãi đá ở Hoàng Sa trong một cuộc diễn tập quân sự.

Động thái này khiến Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo mới về ổn định trong khu vực, trong khi Philippines tuy bày tỏ ‘quan ngại nghiêm trọng’ nhưng không lên án hành động của Trung Quốc.

Ngày 21/5/2018, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước động thái này của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:

“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Phi cơ ném bom TQ hạ cánh xuống Biển Đông

Rosneft ngại TQ khi khai thác ở Biển Đông

TQ mở đường bay dân sự ra Hoàng Sa

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC)”, bà Lê Thị Thu Hằng nói thêm.

Cũng hôm thứ Hai 21/5, người phát ngôn của Tổng thống Philippines ông Harry Roque nói nước này đã có “hành động ngoại giao phù hợp” trước tình hình ở Biển Đông.

Philippines không thể kiểm chứng một cách độc lập sự hiện diện của phi cơ ném bom Trung Quốc ở vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông, ông Roque cho biết.

“Nhưng chúng tôi đã lưu ý các tin tức được đưa và chúng tôi một lần nữa bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về ảnh hưởng của việc này tới nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực,” ông Roque phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ ở phủ tổng thống Philippines.”

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Philippines không lên án hành động của Trung Quốc.

Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khuyến khích các quốc gia khác không quá suy diễn cái mà ông gọi là tuần tra quân sự thường kỳ, hãng tin Reuters cho hay.

“Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan không suy đoán quá nhiều từ điều này,” ông Lục Khảng nói trong một cuộc họp báo.

Trung Quốc đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo ở Quần đảo Hoàng Sa và biến những đảo này thành các căn cứ quân sự với sân bay, radar và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Bắc Kinh nói các căn cứ quân sự ở Hoàng Sa chỉ mang tính chất phòng thủ và nước này có thể làm những gì họ muốn trên lãnh thổ của mình.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44198583

 

Việt Nam – Trung Quốc họp về hợp tác Biển Đông

Việt Nam và Trung Quốc từ ngày 14 đến 18 tháng 5 tiến hành đàm phán Vòng 11 Nhóm Công Tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển giữa hai phía. Vòng đàm phán diễn ra ở Hà Nội.

Thông tin được loan đi hôm 21/5 cho biết hai phía kiểm điểm tình hình triển khai hợp tác các dự án đã ký kết sau vòng đàm phán lần thứ 10 đến nay như: nghiên cứu trầm tích thời kỳ Holocene tại khu vực sông Hồng và sông Trường Giang, triển khai thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản…đồng thời trao đổi ý kiến các dự án mới do phía Trung Quốc đề xuất.

Theo Bộ Ngoại Giao Việt Nam thì hai nước tiếp tục nhất trí trong việc thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Vòng đàm phán thứ 12 về hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào cuối năm 2018.

Vòng đàm phán 11 vừa nêu diễn ra vào khi Trung Quốc xác nhận tin đưa oanh tạc cơ H-6K xuống khu vực Biển Đông đang có tranh chấp với Việt Nam và một số nước khác tại Đông Nam Á.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-china-met-on-cooperation-in-scs-05212018103302.html

 

Trung Quốc, Việt Nam dùng du lịch

để tuyên truyền tranh chấp Biển Đông

Ralph Jennings

Hàng loạt sự cố liên quan đến du khách Trung Quốc đến Việt Nam khiến tranh chấp chủ quyền Biển Đông tiếp tục là trọng tâm chú ý, bất chấp các nỗ lực của chính phủ hai nước tìm cải thiện quan hệ.

Tuần trước, nhóm 14 du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Cam Ranh của Khánh Hòa trên người mặc áo phông in bản đồ với đường lưỡi bò mà Việt Nam cho là “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam” đã gây phẫn nộ trong công chúng, theo truyền thông trong nước. Nhóm du khách đã được yêu cầu thay áo trước khi rời phi trường.

Đây ít nhất là lần thứ tư liên quan đến các du khách Trung Quốc ở Việt Nam trong vòng hai năm qua. Các chuyên gia nhận định rằng những diễn biến này cho thấy Trung Quốc đang sử dụng quyền lực mềm để nhắc nhở Việt Nam về tranh chấp Biển Đông, còn Việt Nam thì vẫn tiếp tục phẫn nộ.

Ông Trung Nguyen, trưởng khoa quan hệ quốc tế của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Nếu nhìn vào một bức tranh lớn hơn, thì có thể thấy rằng Trung Quốc có lẽ đang gia tăng sử dụng thường dân như là một phương cách để mở rộng tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông, từ việc sử dụng ngư quân cho đến du khách.”

Hàng loạt sự cố

Trung Quốc và Việt Nam không còn tin tưởng nhau sau cuộc chiến tranh biên giới cuối thập niên 1970. Hai nước lâu nay luôn tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giàu hải sản và dầu khí. Bắc Kinh có lực lượng quân sự hùng mạnh hơn nhiều và đã quân sự hóa nhiều hải đảo trong khu vực có tranh chấp chủ quyền.

Năm 2016, chính quyền thành phố phố Đà Nẵng đã rút giấy phép một công ty du lịch vì công ty này đã tổ chức tour du lịch cho các du khách Trung Quốc đã mang tiền Việt Nam ra đốt – theo tin của báo mạng VnExpress.

Trong cùng năm đó, Trung Quốc yêu cầu Việt Nam điều tra xem có phải các giới chức di trú Việt Nam đã viết những lời báng bổ lên hộ chiếu của một du khách Trung Quốc đến thăm thành phố Hồ Chí Minh hay không.

Truyền thông trong nước Việt Nam hồi năm 2016 đưa tin rằng các hướng dẫn viên Trung Quốc đến Việt Nam phân phát tài liệu tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Việt Nam cho du khách Trung Quốc. Cơ quan di trú của Việt Nam nói nếu phát hiện bất cứ ai vi phạm sẽ trục xuất ngay lập tức.

Ông Oh Ei Sun, giảng viên khoa nghiên cứu quốc tế của Đại học Nanyang ở Singapore nói: “Bởi vì người dân ở những nước này được giáo dục về những truyền thống dân tộc khác nhau, và do đó tất nhiên họ cho rằng lãnh thổ, lãnh hải có chủ quyền tranh chấp hiển nhiên thuộc về đất nước của họ, và tất cả những người khác đều là những kẻ xâm chiếm và cần phải đánh đuổi chúng đi.”

Chiến tranh tuyên truyền

Ông Alan Chong, giáo sư khoa nghiên cứu quốc tế Trường S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định rằng Trung Quốc lâu nay luôn khuyến khích người dân nước họ đề cao chính sách đối ngoại của Bắc Kinh khi ra nước ngoài và đặc biệt là “chỉnh sửa những ấn tượng sai lệch của thế giới” về Trung Quốc.

Giáo sư Chong nói: “Tất cả những hành động cá nhân của những người Trung Quốc được xem như thuộc chiến dịch tuyên truyền. Tất cả đều có trong lịch sử của họ.”

Việt Nam xem chuyện áo phông in bản đồ có đường lưỡi bò cũng trên tinh thần đó. Trang tin quốc tế của VnExpress trích lời chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam gọi đó là “hành vi có tổ chức, có sắp xếp, mang ý đồ xấu chứ không phải vô tình” của các du khách Trung Quốc

Khoảng 4 triệu du khách Trung Quốc đã đến Việt Nam năm ngoái, tăng 49% so với năm 2016, theo Tân Hoa Xã.

Cấp chính phủ vẫn giữ im lặng

Giới chức của hai chính phủ vẫn tìm cách giữa hòa hoãn với nhau cho dù các du khác mang chuyện tranh chấp chủ quyền chưa giải quyết này ra.

Trung Quốc và Việt Nam tổ chức các cuộc đối thoại quốc phòng, trao đổi thăm viếng cấp nhà nước và gặp gỡ nhau giữa hai đảng thường xuyên kể từ năm 2014 – là năm mà tàu thuyền hai bên đã đụng nhau trong khi Trung Quốc cho phép một giàn khoan dầu khoan thăm dò trong Biển Đông nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Người dân Việt Nam đã mạnh mẽ nổi lên biểu tình phản đối.

Hai nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” đã có những cuộc đụng độ đẫm máu trên biển vào năm 1974 và 1988.

Các giới chức ở Bắc Kinh xem Việt Nam là cầu nối thương mại chính vào Ðông Nam Á, theo nhận định của ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của tổ chức Mekong Economics ở Hà Nội. Cầu nối đó là một phần của Sáng kiến Vành đai –Con đường với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các tuyến đường thương mại nối 65 nước của Trung Quốc.

Việt Nam thì xem Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và du lịch Trung Quốc nuôi sống ngành dịch vụ này của Việt Nam.

Kinh tế gia McCarty nói: “Tôi cho rằng Việt Nam không muốn gây thù chuốc oán vô lý với Trung Quốc. Vẫn còn nhiều người ở cả hai bên với tinh thần dân tộc mạnh mẽ tìm cách đẩy những vấn đề như áo phông in hình lưỡi bò lên, nhưng tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam sẽ không xem đó là hành vi gây hấn.”

Chính phủ Việt Nam sẽ tim cách “tách” vấn đề áo phông ra để tránh làm hại đến quan hệ song phương – Giáo sư Nguyen nhận định.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-vietnam-dung-du-lich-de-tuyen-truyen-tranh-chap-bien-dong/4403207.html

 

Biển Đông : Hải Quân Việt Nam và Ấn Độ

lần đầu tiên diễn tập chung

Trọng Nghĩa

Theo báo Times of India, ba tàu quân sự Ấn Độ bao gồm hộ tống hạm tàng hình INS Sahyadri, khinh hạm trang bị tên lửa INS Kamorta và tàu tiếp liệu INS Shakti. Đội tàu được dặt dưới quyền chỉ huy của chuẩn đô đốc Dinesh Kumar Tripathi, tư lệnh Hạm Đội Miền Đông của Ấn Độ. Đợt diễn tập dự trù kéo dài cho đến ngày 25/05.

Theo báo Times of India, hoạt động diễn tập hải quân chung giữa Ấn Độ và Việt Nam nhắm vào một đối tượng là Trung Quốc, vốn không từ bỏ cơ hội nào để ghi dấu của họ tại khu vực Nam Á.

Báo Ấn Độ ghi nhận là cuộc diễn tập hải quân Việt-Ấn mở ra trong bối cảnh là trong tháng 6 tới đây, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman sẽ có chuyến công du Việt Nam, và sau đó, vào cuối năm, đến lượt tổng tham mưu trưởng Quân Đội Việt Nam và tư lệnh Hải Quân Việt Nam đi thăm Ấn Độ.

Trong thời gian qua, Ấn Độ đã không ngừng tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam, đã nhiều lần tiếp đón quân đội Việt Nam cũng các quan chức quốc phòng cao cấp của Việt Nam. Thậm chí Ấn Độ còn gợi ý Việt Nam trang bị cho mình loại tên lửa hành trình Brahmos, loại tên lửa phòng không Akash, và ngư lôi chống tàu ngầm do Ấn Độ chế tạo để bảo vệ không phận và hải phận Việt Nam chống lại các hành vi hung hăng của Trung Quốc.

Ngoài ra, trong nỗ lực hợp tác quốc phòng với Việt Nam, Ấn Độ còn giúp Việt Nam huấn luyện phi công trên Sukhoi-30MKI của không quân Ấn Độ, và giúp đỡ Việt Nam sửa chữa và bảo trì máy bay, do thực tế là Việt Nam cũng sử dụng máy bay Sukhoi Su-30 mua từ Nga.

Trước đó, Ấn Độ cũng đã đào tạo thủy thủ hải quân Việt Nam trong việc vận hành tàu ngầm lớp Kilo. Ấn Độ cũng cấp tín dụng quốc phòng 500 triệu đô la cho Việt Nam.

Trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Ấn Độ luôn nhấn mạnh đến yêu cầu tất cả các bên cần tôn trọng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180521-hai-quan-viet-nam-va-an-do-lan-dau-tien-tien-hanh-dien-tap-chung

 

Biển Đông: TC Tránh Né Mỹ

Vi Anh

Trong cuộc điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 17/04/2018, Đô đốc Philip Davidson người được đề cử làm Tư Lịnh Lực Lượng Mỹ ở Thái Bình Dương báo động về những mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra, và kêu gọi Washington mau chóng tăng cường quân bị và khí tài để đối phó. Ông dẫn chứng gần nhứt, trong ba tuần đầu tháng Tư 2018, Hải Quân Trung Quốc đã tung ra một loạt hành động vừa thị uy vừa khiêu khích trên Biển Đông, không chỉ đối với các láng giềng trong khu vực, mà còn nhắm cả vào Mỹ lẫn Úc, hai nước đang can dự vào vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc đã khai triển hệ thống tác chiến trên các đảo nhân tạo họ bồi đắp ở quần đảo Trường Sa và hiện có khả năng kiểm soát các tuyến hàng hải chiến lược đi qua khu vực. Ông nhấn mạnh “Trên Biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng một loạt các trạm ra đa, trung tâm tác chiến điện tử và thiết bị phòng thủ trên quần đảo Trường Sa, bao gồm các thực thể Châu Viên (Cuarteron), Chữ Thập (Fiery Cross), Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Gạc Ma (Johnson), Vành Khăn (Mischief) và Xu Bi (Subi). Thiết bị lắp đặt trên các căn cứ này đã tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát trong thời gian thực, cũng như khả năng gây nhiễu điện từ trên một phần rộng lớn ở Biển Đông, thách thức nghiêm trọng các chiến dịch quân sự của Mỹ trên vùng biển này”.  Nỗi quan ngại của vị tư lệnh Mỹ rất lớn, vì theo ông, quân đội TQ có thể sử dụng các căn cứ đó để mở rộng ảnh hưởng đến những nơi cách Trung Quốc hàng ngàn cây số, tung lực lượng viễn chinh đến tận vùng Châu Đại Dương. Đô đốc Philip Davidson kết luận, TQ hiện đủ mạnh để có thể “thâu tóm” Biển Đông và chỉ có một cuộc xung đột vũ trang mới có thể ngăn chặn điều này. Theo viên tướng này, sau gần 5 năm nạo vét và bồi đắp các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với Philippines, Malaysia và Việt Nam, «Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống ngoại trừ một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ».

Khi được hỏi về điều này, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders khẳng định rằng chính quyền Trump «biết rất rõ về hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc» và đe dọa Bắc Kinh về «những hậu quả» phải gánh chịu.

Trong vùng Á châu Thái bình dương, trong số các nước Việt Nam, Phi luật tân, Mã Lai, Brunei, Đài loan dù bị TC xâm lấn biển đảo, sách nhiễu tàu bè, không nước nào đủ sức chống nổi, đánh lại TC. Chỉ có Mỹ mới đủ sức ngăn chận TC. Dù không tham vọng đất đai, Mỹ không  bao giờ, không lý do gì để mất Biển Đông vào tay TC. Mỹ cần tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển, vùng trời ở Á châu Thái bình dương. Mỹ coi hai tự do lưu thông này là quyền lợi cốt lõi, quyền lợi quốc gia của Mỹ. 75% hàng hoá thế giới qua lại vùng này. 5.000 tỷ Mỹ kim hàng hoá của Mỹ qua lại đây. Ở phía Bắc Mỹ có gần 100.000 quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc và Nhựt, cần được tiếp vận, tiếp liệu nặng.

Công luận Mỹ, xu hướng Mỹ từ Hành pháp, Quân đội Mỹ, đến Quốc Hội và nhân dân Mỹ và các chiến lươc gia của Mỹ ở các trung tâm nghiên cứu ngày càng nhận thấy chỉ có chiến tranh mới ngăn cản được TC tóm thâu Biển Đông. Mỹ chỉ coi những bố trí hoả tiễn, cơ sơ quân sự của TC trên các đảo,  bãi đá  và cho tàu chiến, chiến đấu cơ  có mặt để chứng tỏ chủ quyền và quyền kiểm soát chỉ là những khuấy rối, những tạm chiếm. Đó chỉ là vạn lý trường thành bằng cát TC có thể trở về cát bụi dễ dàng khi có chiến tranh. Đó chưa hẳn là thành trì đã được an bài, chưa phải là chiếm cứ sáp nhập, thôn tính vào lãnh thổ, lãnh hải thuộc chủ quyền của TC.

Anh từng là một đế quốc lớn trên thế giới, nơi mặt trời không bao giờ lặn nhờ thế hải thượng của Anh và là đồng minh của Mỹ trong mọi chiến tranh vùng hay thế giới. Báo The Economist của Anh gọi hành động  xâm lấn, quân sự hoá của TC ở Biển Đông chỉ “quậy phá” thôi. Đài RFI của Pháp điểm báo trong số ghi ngày 12/05/2018 nói The Economist là tờ tuần báo hiếm hoi quan tâm đến Biển Đông với một bài phân tích của phóng viên tại Washington mang tựa đề khá châm biếm: «Quậy phá: Trung Quốc đã bố trí hoả tiễn trên các đảo ở Biển Đông». Bài báo mở đầu bằng lời báo động của Đô đốc Philip Davidson vào tháng Tư (2018) vừa qua, rằng «Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống ngoại trừ một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ».

“Đối với The Economist, cho đến những năm cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, nhiều sĩ quan quân đội và quan chức Tòa bạch Ốc đã xem nhẹ việc Trung Quốc cải tạo các rạn san hô đang tranh chấp. Theo Bô Quốc Phòng Mỹ và tướng lãnh Mỹ tư lịnh vùng này, các căn cứ mà Bắc Kinh bồi đắp không có gì đáng ngại, và có thể bị tiêu diệt nhanh chóng trong một cuộc xung đột thực thụ. Và bây giờ chuyên gia Andrew Erickson thuộc trường Hải Chiến Mỹ, ngay cả vào lúc này, các cơ sở đó cũng không đáng sợ hơn bao nhiêu.

Và mục tiêu của Trung Quốc không phải là khởi động một cuộc chiến tranh với Mỹ, tránh không đụng chạm tàu bè Mỹ. Nhưng TC ỷ lớn mạnh, lấy thịt đè người ăn hiếp các lân bang nhỏ yếu trong vùng. TC tỏ thế và giữ thế thượng phong đối với các nước nhỏ trong thời bình, hoặc trong các cuộc khủng hoảng ở trong «vùng xám», giữa hòa bình và chiến tranh. Trung Quốc muốn nói rõ với những láng giềng nhỏ và yếu biết rằng họ sẽ phải «trả giá khủng khiếp nếu cố chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.»

Đối với chuyên gia Erickson, Biển Đông chưa bị mất. Cho đến nay Mỹ đã ngăn cản được, không cho Trung Quốc phát triển khu vực bãi Scarborough, một rạn san hô ngoài khơi Philippines, đang bị Bắc Kinh kiểm soát. Nếu biến được nơi này thành tiền đồn, Trung Quốc sẽ hoàn thành được mục tiêu khống chế hoàn toàn Biển Đông. Còn các nước nhỏ luôn tuyên bố chủ quyền trên các biển đảo theo lich sử và pháp lý hoàn toàn thuộc về họ. Như VN dù chế độ CS như TC vẫn phản đối tuyên bố chủ quyền của TC trên Biển Đông, còn dân chúng VN càng ngày càng thù hận TC xâm lăng biển đảo VN.

Tình hình đã đổi thay. Từ lúc ông Trump lên làm tổng thống, chưa thấy Trung Quốc có hành động khiêu khích trắng trợn nào nhắm vào tàu Mỹ hoạt động hợp pháp trong vùng.

Còn trong nội bộ Mỹ sự đồng thuận chống Trung Quốc ngày càng tăng, càng mạnh tại Mỹ. Vấn đề chống TQ về Biển Đông là một đồng thuận giữa Cộng hoà và Dân Chủ trong Quốc hội và nhân dân và giữa các tướng lãnh Mỹ. Nhiều cuộc điều trần, tham luận, hội luận xảy ra hàng tuần liên quan đến vấn đề Biển Đông. Ý chánh gần như là nhu cầu thiết yếu phải là đẩy lui TC như thế nào, chớ không phải nên hay không nên chống TC. Xu thế chống TC phát triển qua giao thương, đang thành chiến tranh thương mại của Mỹ chống TC. Chánh quyền Mỹ đã thử một cú là TC suýt bị knock out. ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông của TQ lớn nhất thế giới buộc phải đình chỉ các hoạt động chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào giữa tháng Tư vừa qua, cấm các công ty Mỹ trong nước bán phần mềm và phụ tùng cho ZTE. Vừa đánh vừa đàm sau đó TT Trump cho Mỹ bán lại  thì Chủ Tịch Tâp cận Bình cám ơn rối rít, và cho Phó Thủ Tướng TC cấp tốc bay qua Mỹ “tham vấn với nhóm kinh tế Hoa Kỳ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đứng đầu về các vấn đề kinh tế và thương mại giữa hai nước”./.(VA)

https://vietbao.com/p123a281229/bien-dong-tc-tranh-ne-my

 

Việt Nam muốn tăng cường lực lượng cảnh sát biển

Thanh Phương

Theo dự kiến, trong kỳ họp sẽ khai mạc cuối tháng 5 này, Quốc Hội Việt Nam sẽ thảo luận về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, thay thế cho Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Như vậy là cũng như nhiều nước khác trong khu vực, Hà Nội muốn tăng cường lực lượng cảnh sát biển ( lực lượng tuần duyên ) trong bối cảnh Việt Nam đang đối đầu với nhiều thách thức mới về an ninh trên biển, đặc biệt với việc Trung Quốc vẫn không ngừng có những hành động nhằm áp đặt chủ quyền trên vùng Biển Đông đang tranh chấp, thậm chí nhằm kiểm soát toàn bộ vùng biển này, thể hiện qua việc lắp đặt các tên lửa ở Trường Sa gần đây.

Dự thảo luật xác định Cảnh sát biển Việt Nam là “lực lượng vũ trang nhân dân”, có nhiệm vụ “ bảo vệ an ninh quốc gia, thực thi pháp luật trên biển”. Như vậy là so với pháp lệnh hiện hành, vị trí, chức năng của Cảnh sát biển có sự bổ sung, thay đổi đáng kể.

Cụ thể hơn, theo dự luật, cảnh sát biển Việt Nam có thể nổ súng để “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là thành viên.” Dự luật cũng quy định là cảnh sát biển “có thể nổ súng cảnh cáo các tàu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam nếu các tàu này không chấp hành hiệu lệnh chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp”.

Hiện giờ, cảnh sát biển chỉ được phép nổ súng khi tính mạng và sự an toàn của họ bị đe dọa, hoặc trong khi truy đuổi những người và tàu thuyền vi phạm trên biển, hoặc để bảo vệ người dân mà tính mạng bị đe dọa.

Nếu Luật Cảnh sát biển được Quốc Hội Việt Nam thông qua, dự kiến là vào cuối năm nay, khả năng của lực lượng này sẽ được tăng cường đến mức độ nào, có đủ để đối đầu với các lực lượng của Trung Quốc trên Biển Đông hay không? Hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn với tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180521-viet-nam-muon-tang-cuong-luc-luong-canh-sat-bien