Tin Biển Đông – 21/05/2017
Tổng thống Philippines và Chủ tịch Trung Quốc
Trung Quốc dọa chiến tranh nếu Philippines khoan dầu Biển Đông
Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, ngày 19/5 loan báo ông bị Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, khuyến cáo sẽ bùng nổ chiến tranh nếu Manila tìm cách thực thi phán quyết của tòa trọng tài quốc tế và khoan dầu tại một khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Tuyên bố được đưa ra khi ông Duterte phản hồi những chỉ trích trong nước rằng ông ‘mềm mỏng’ với Bắc Kinh khi không thúc đẩy Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài ở The Hague.
Ông Duterte cho biết ông đã thảo luận việc này với Chủ tịch Tập trong cuộc gặp ở Bắc Kinh hôm thứ hai đầu tuần và đã nhận được lời cảnh báo cứng rắn nhưng hữu nghị của ông Tập.
“Chúng tôi dự định khoan dầu ở đó, nếu anh nói cái đó thuộc về anh thì đó là ý kiến của anh, nhưng quan điểm của tôi là chúng tôi có thể khoan dầu bên trong lòng đất, nếu có, vì đó là của chúng tôi,” ông Duterte thuật lại lời ông nói với Chủ tịch Trung Quốc.
“Ông ấy đáp rằng ‘Chúng ta là bạn, chúng tôi không muốn cãi vã với anh, chúng tôi muốn duy trì quan hệ nồng ấm, nhưng nếu anh thúc đẩy vấn đề, chúng ta sẽ có chiến tranh.”
Ông Duterte lâu nay tỏ ra ngưỡng mộ ông Tập và nói rằng rốt cuộc sẽ nêu vấn đề về phán quyết của tòa trọng tài quốc tế với ông Tập, nhưng trước tiên ông cần tăng cường quan hệ song phương mà Manila kỳ vọng sẽ mang về hàng tỷ đô la tiền vay và đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc.
Phán quyết của tòa minh định chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý có thể tiếp cận các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi. Phán quyết cũng nói bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông là không hợp lệ.
Ông Duterte cho biết ông Tập bảo ông ‘chớ có nhúng tay.’
Vẫn theo lời ông, Chủ tịch Trung Quốc hứa sẽ thảo luận về phán quyết của tòa trọng tài trong tương lai, chứ không phải bây giờ.
Tổng thống Philippines nói Trung Quốc không muốn nhắc tới phán quyết của tòa tại thời điểm mà các nước khác như Việt Nam cũng có thể quyết định kiện Bắc Kinh ra tòa trọng tài quốc tế.
Phát biểu của ông Duterte được đưa ra cùng ngày Manila và Bắc Kinh tổ chức cuộc họp đầu tiên trong tiến trình tham vấn hai chiều về Biển Đông.
https://www.voatiengviet.com/…/trung-quoc…tranh…philippines-khoan…dong-/3862…
Tác động của thỏa thuận khung về Biển Đông
Thỏa thuận khung giữa Trung Quốc với các nước ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông đánh dấu bước tiến quan trọng tiến tới việc giảm nhiệt căng thẳng tại vùng biển chiến lược này, theo giới phân tích ngày 19/5.
Các chuyên gia nói dù chi tiết thỏa thuận đạt được hôm nay chưa được tiết lộ, nhưng đây là dấu hiệu có tiến bộ trong việc tiến tới một Bộ Quy tắc chung cuộc mà các bên đã cam kết 15 năm trước.
Đối với Trung Quốc, Bộ Quy tắc Ứng xử là phương tiện để đạt mục đích cản chân Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ can thiệp vào chuyện Biển Đông trên danh nghĩa quyền tự do hàng hải hay duy trì ổn định khu vực, chuyên gia khu vực, Huang Jing, từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore.
“Trung Quốc có thể tuyên bố ‘Nhìn đây, chúng tôi đã đạt thỏa thuận và tự kìm chế, Mỹ hay các nước khác không cần nhúng tay vào chuyện của chúng tôi nữa,” ông Huang nhận định.
Vẫn theo lời ông, thỏa thuận này thích hợp với mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát tranh chấp hơn là giải quyết tranh chấp và Bắc Kinh vẫn đinh ninh rằng cuối cùng sẽ đạt được giải pháp thông qua các cuộc đàm phán tay đôi.
Đối với 10 nước ASEAN, thỏa thuận tạo điều kiện để ngưng các bước tiến sâu hơn nữa từ Trung Quốc trong lúc Mỹ chuyển trọng tâm ra khỏi khu vực với việc hủy bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, chuyên gia này nói thêm.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Chấn Dân, nói văn bản của khung thỏa thuận vẫn được giữ kín. Philippines cho biết văn kiện sẽ được đưa cho Ngoại trưởng các nước xem xét vào tháng 8 tới đây.
Nhà phân tích Huang Jing cho rằng ‘Các nước ASEAN biết rõ không thể đối chọi với Trung Quốc hay trông cậy vào Mỹ, cho nên tốt hơn hết là làm việc với Trung Quốc để bình ổn thực trạng.
Trong khi chuyên gia Huang Jing xem thỏa thuận khung này là ‘tiến bộ rất đáng kể,’ nhà nghiên cứu Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói đây chỉ là ‘một bước tiến nhỏ’ dựa vào bản thảo nhất trí hồi tháng 3.
Ông Storey nói bản thảo đó chẳng kêu gọi một Bộ Quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý như ASEAN mong muốn, thành ra tác động sẽ không đáng kể.
Đáp câu hỏi liệu thỏa thuận đó có mang tính ràng buộc pháp lý hay không, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói ‘Tôi chưa thể có câu trả lời dứt khoát vào lúc này.’
Tuy nhiên, ông Lưu Chấn Dân cho biết thỏa thuận vừa kể sẽ là nền tảng vững chắc cho các cuộc thương thuyết sau này.
https://www.voatiengviet.com/a/tac-dong-cua-thoa…khung-ve…dong-/3862701.htm