Tin Biển Đông – 21/02/2017
Trung Quốc phản đối Mỹ tuần tra Biển Đông
Chính quyền Bắc Kinh hôm 21/2 cho biết phản đối bất kỳ hành động của các nước dưới “chiêu bài tuần tra tự do hàng hải”, đe dọa chủ quyền của nước này, sau khi Hoa Kỳ triển khai hàng không mẫu hạm tới vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Trước đó, hải quân Mỹ nói rằng lực lượng của Mỹ, gồm hàng không mẫu hạm, bắt đầu các hoạt động thường lệ ở Biển Đông hôm 18/2, giữa bối cảnh có nhiều lo ngại rằng vùng biển tranh chấp này sẽ trở thành một điểm nóng dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Donald Trump.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói hôm 21/2: “Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải và bay ngang mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật quốc tế. Nhưng chúng tôi luôn phản đối các nước liên quan đe dọa và gây tổn hại tới chủ quyền và an ninh của các nước ven biển dưới chiêu bài tự do hàng hải và bay ngang qua”.
Chỉ huy của đội tàu chiến Hoa Kỳ tuần tra trên Biển Đông, thiếu tướng James Kilby, nói rằng nhiều tuần lễ diễn tập ở Thái Bình Dương trước đó đã cải thiện khả năng hoạt động hiệu quả cũng như sự sẵn sàng của đội tàu này.
Ông Kilby được dẫn lời nói rằng “chúng tôi nóng lòng muốn chứng tỏ những khả năng đó trong khi gây dựng mối quan hệ vững mạnh sẵn có với các đồng minh, đối tác và những người bạn ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á – Thái Bình Dương”.
Thông tin về hoạt động tuần tra của hàng không mẫu hạm Mỹ xuất hiện một ngày sau khi Trung Quốc thông báo kết thúc các cuộc tập trận ở Biển Đông.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cảnh báo Washington không nên thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.
Hoa Kỳ từng chỉ trích việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo cũng như các cơ sở quân sự trên Biển Đông. Hải quân Mỹ từng tiến hành một số đợt tuần tra “tự do hàng hải” qua vùng biển này.
Trong khi công du châu Á đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm 4/2 tuyên bố rằng Hoa Kỳ chưa cần phải có những bước đi quân sự ở biển Đông nhằm ngăn chặn hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, dù chỉ trích Bắc Kinh làm xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực.
http://www.voatiengviet.com/a/tq-phan-doi-my-tuan-tra-bien-dong/3733427.html
Asean ‘quan ngại về hệ thống vũ khí’ của Trung Quốc
Các nước trong khối Asean vừa bày tỏ quan ngại về hệ thống vũ khí mà Trung Quốc mới lắp đặt trên các đảo ở Biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay nói với các nhà báo tại đảo Boracay, nơi các ngoại trưởng Asean vừa nhóm họp, rằng quan ngại này được tất cả các nước trong khối chia sẻ.
Ông Yasay không nói chính xác hoạt động nào của Trung Quốc dẫn đến quan ngại hiện thời, nhưng nói ông hy vọng một bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) có thể đạt được trong tháng Sáu tới.
Bản COC sẽ có thành phần cơ bản là giải trừ quân bị nhưng hiện còn chưa rõ nó có bắt buộc Trung Quốc phải dỡ bỏ các hệ thống vũ khí đã lắp đặt hay không.
Tàu Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông
Ông Yasay được các hãng thông tấn dẫn lời nói: “Các thành viên Asean đồng lòng bày tỏ lo ngại về điều mà họ cho là quân sự hóa khu vực”.
Ông ngoại trưởng cũng cho hay các nước Asean “đã nhận thấy một cách quan ngại rằng Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống vũ khí trên các cơ sở mà họ thiết lập”.
Philippines là nước giữ ghế chủ tịch luân lưu của khối Asean năm 2017.
Hãng Reuters đánh giá tuyên bố của ông Yasay cho thấy Asean có quan điểm cứng rắn ít thấy về hành động của Trung Quốc.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền, một số tuyên bố mạnh mẽ nhắm vào Trung Quốc của ông làm dấy lên phỏng đoán rằng Biển Đông có thể sẽ trở thành điểm nóng xung đột trong tương lai gần.
Chính vì lẽ này mà các nước Asean cho rằng một bản quy tắc COC với các điều khoản bắt buộc sẽ là cần thiết.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39039944
Mỹ – Trung vờn nhau trên Biển Đông
Gia Minh, PGĐ ban Việt Ngữ
Một số diễn biến mới được ghi nhận tại khu vực tranh chấp Biển Đông gồm hoạt động tuần tra của hải quân Hoa Kỳ tiến hành ngay sau khi tàu chiến Trung Quốc kết thúc một tuần diễn tập ở khu vực tranh chấp này.
Thạc sĩ luật Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông nhận định:
Đã có vài tuần tra trên biển trước đây (của Hoa Kỳ) tại khu vực Biển Đông, đặc biệt xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho xây dựng. Những cuộc tuần tra đó được tiến hành dưới thời của tổng thống Obama và đối với những cuộc tuần tra đó có những ‘tranh luận’ khác nhau. Một số người cho rằng Mỹ mạnh mẽ và tiếp tục duy trì quyền lực ở Biển Đông; nhưng một số người tỏ ý nghi ngờ cho rằng việc tuần tra trên biển mà lại ở những khu vực ‘nhạy cảm’; bởi vì như phán quyết của Tòa vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 là một số thực thể tại Trường Sa mà Trung Quốc cho xây dựng chỉ là ‘đá’, thậm chí là bãi lúc chìm, lúc nổi không có lãnh hải nên không phải là đối tượng để yêu sách chủ quyền.
Dường như theo nhiều nhà nghiên cứu thì Mỹ vẫn sử dụng quyền gọi là đi qua không gây hại nhiều hơn là hoạt động tuần tra.
– Thạc sĩ Hoàng Việt
Mỹ nói sẽ đi tuần tra ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Thế thì đúng ra nếu sự thách thức của Mỹ mạnh mẽ thì Mỹ có thể đi sát vào khu vực lãnh hải của những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã cho xây dựng, nhằm thách thức tính pháp lý của những đảo nhân tạo đó.
Thế nhưng dường như theo nhiều nhà nghiên cứu thì Mỹ vẫn sử dụng quyền gọi là đi qua không gây hại nhiều hơn là hoạt động tuần tra. Vì thế thái độ của Mỹ, chủ yếu thái độ thể hiện của Mỹ trong vấn đề này vẫn không rõ ràng và chưa kiên quyết.
Trung Quốc họ thấy vấn đề đó và thực ra quan hệ hai bên Trung- Mỹ là đang vờn nhau. Còn các quốc gia khác trong khu vực thì đang nghe ngóng, ngóng chờ xem chính sách của hai bên thế nào một cách rõ ràng để từ đó đưa ra những tính toán chiến lược cho phù hợp.
Gia Minh: Có phải chiến lược ‘lát cắt salami’ hay ‘tằm ăn dâu’ của Trung Quốc đến lúc này có phần nào hiệu quả?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Nói chung chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông cho đến bây giờ đang rất hiệu quả.
Như chúng ta thấy dưới thời của ông Obama, ông ta đưa ra chính sách ‘pivot to Asia’, chuyển trục về Châu Á; trong đó ông tập hợp được khá nhiều liên minh và những đồng minh để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên gần như không quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ có thể ngăn được sự tăng cường quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông; mà cụ thể là tất cả các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa. Gần đây báo chí Phillippines cho biết là dường như Trung Quốc muốn tăng thêm việc xây dựng các đảo nhân tạo chứ không phải muốn dừng lại.
Có những học giả đánh giá phản ứng của Hoa Kỳ đối với hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông chưa thực sự có hiệu quả. Thế cho nên nói gì thì nói, Trung Quốc đang làm có hiệu quả.
Mặc dù phán quyết rất mạnh mẽ của Tòa Trọng Tài Quốc tế vào năm ngoái; nhưng dường như Trung Quốc vẫn làm những hành động tương tự như vậy mà không bị ngăn trở từ các quốc gia khác.
Việt Nam phải làm gì?
Gia Minh: Đối với Việt Nam có gì khác không?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Nói cho cùng thì chính sách của Việt Nam ở Biển Đông vẫn theo hướng từ xưa đến nay. Thứ nhất chính sách của Việt Nam vẫn là chính sách 3 không trong đối ngoại. Kể cả trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam vẫn đặt vấn đề vào những vấn đề lớn nhất của Việt Nam. Và yêu cầu cũng như vận động quốc tế, trong đó có những quốc gia quan trọng như Hoa Kỳ, Philippines… để cùng ngăn chặn ảnh hưởng, tham vọng xấu của Trung Quốc.
Tuy nhiên trong bối cảnh mới này Việt Nam cần phải có một số điều chỉnh: thứ nhất Việt Nam cần phải điều chỉnh hướng đi đối ngoại thích hợp và linh hoạt hơn. Bởi vì khi Mỹ, Philippines, Malaysia thay đổi chính sách thì Việt Nam cần một chính sách mềm dẻo hơn.
Thứ hai sau phán quyết của tòa, một số tuyên bố chủ quyền của Việt Nam… trở nên lạc hậu và mâu thuẫn với phán quyết của tòa; vì thế trong thời gian tới Việt Nam cũng phải điều chỉnh những tuyên bố về yêu sách của mình.
Gia Minh: Còn các vấn đề khác như thế nào và chuyện trang bị quân sự ra sao?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Trang bị quân sự nằm trong chính sách của Việt Nam từ xưa; tức Việt Nam một mặt có chính sách 3 không: không liên kết quân sự, không đi với quốc gia nào để chống lại quốc gia nào, không cho quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trong lãnh thổ Việt Nam; nhưng chính sách của Việt Nam vẫn là phát triển sức mạnh quân sự răn đe. Vì vậy Việt Nam tăng cường việc tìm mua vũ khí từ các nguồn khác nhau.
Chúng ta thấy Việt Nam gần đây xem xét mua một số tên lửa từ Ấn Độ, và cũng tìm những nguồn cung cấp khác từ Israel… Điều đó cho thấy Việt Nam muốn tăng cường sức mạnh quốc phòng. Điều này cũng nằm trong chính sách quốc phòng của Việt Nam từ lâu rồi.
Việt Nam muốn tăng cường sức mạnh quốc phòng. Điều này cũng nằm trong chính sách quốc phòng của Việt Nam từ lâu rồi.
– Thạc sĩ Hoàng Việt
Gia Minh: Riêng đối với Hoàng Sa, tình hình không thể có gì thay đổi?
Thạc sĩ Hoàng Việt: Chắc là như vậy, bởi vì vấn đề Hoàng Sa hơi khó. Ngay cả vấn đề Trường Sa là vấn đề đa phương có nhiều bên cùng tham gia; thế nhưng dường như vấn đề Trường Sa bây giờ cũng đã khó giải quyết rồi. Đặc biệt việc Trung Quốc cho xây dựng những đảo nhân tạo trên vùng biển mà Tòa phán quyết việc xây dựng như thế vi phạm luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển, có Công ước về đa dạng môi trường sinh học … cũng như tính pháp lý của Trung Quốc trong những trường hợp đó là sai.
Nhưng mà dường như điều đó không ngăn cản được Trung Quốc và cộng đồng quốc tế cũng không có những áp lực nào để ngăn chặn Trung Quốc trong việc này.
Trong khi đó vấn đề Hoàng Sa chỉ là song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, mà đặc biệt sức mạnh của Trung Quốc đang lên như vậy, thì đây là vấn đề trong thực tế vẫn rất khó khăn.
Gia Minh: Cám ơn Thạc sĩ Hoàng Việt.
Trung Quốc sửa luật để tăng cường kiểm soát Biển Đông
Trung Quốc có thể cấm tàu ngầm nước ngoài đi vào vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, đó là bài nhận định được đăng hôm nay, 21/02/2017, trên trang thông tin news.com.au của Úc.
Bài viết trở lại thông tin trên báo chí chính thức Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh đang tiến hành sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải 1984. Dự luật sửa đổi, theo dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ năm 2020, cho phép hải quân Trung Quốc và lực lượng tuần duyên nước này được quyền ngăn chận những tàu nào bị xem là « vi phạm an toàn hàng hải » hoạt động trong các vùng biển của Trung Quốc, kể cả vùng nội thủy và vùng đặc quyền kinh tế.
Nhưng điểm gây ngạc nhiên là dự luật này đặc biệt nhắm vào các tàu ngầm. Dự luật nói trên không nói gì đến Biển Đông, nhưng gần như chắc chắn là nó có liên quan đến vụ hải quân Trung Quốc tháng 12 năm ngoái thu giữ một tàu ngầm không người lái của hải quân Mỹ ở Biển Đông và sau đó trả lại phía Hoa Kỳ.
Dự luật quy định là các tàu ngầm của nước ngoài khi đi ngang qua vùng biển của Trung Quốc phải di chuyển trên mặt nước, treo quốc kỳ và thông báo cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc trước khi đi vào vùng biển này.
Luật sửa đổi cũng nghi rõ là nhà chức trách Trung Quốc có thể khoanh một số vùng đặc biệt và có thể cấm các tàu của ngoại quốc đi qua những vùng này dựa theo đánh giá của họ về mức độ an toàn giao thông hàng hải của những tàu đó. Chiếu theo luật mới, những tàu nào bị xem là vi phạm luật Trung Quốc sẽ bị đuổi ra khỏi vùng biển của Trung Quốc.
Dự luật này được xem xét vào lúc Trung Quốc gần hoàn tất việc xảy dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở vùng biển này.
Một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông, trực thuộc chính phủ Trung Quốc, cho biết là Bắc Kinh đang cố cải thiện việc quản lý an ninh hàng hải bằng cách đưa vào luật những chi tiết mới, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến « những mối đe dọa ngày càng tăng của việc nước ngoài giám sát quá chặt chẽ ( vùng biển của Trung Quốc) ».
Trang news.com.au nhắc lại rằng cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á ( Asia Maritime Tranparency Initiative ) vào tháng 12 vừa qua đã công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đặt thêm các dàn súng phòng không và dàn tên lửa tại các phi đạo và hải cảng trên các đảo nhân tạo.
Việc quân sự hóa các cơ sở này ( mà trước đây Bắc Kinh khẳng định là được xây dựng chỉ nhằm mục đích bảo đảm an toàn hàng hải ) khiến giới quan sát lo ngại là Trung Quốc chuẩn bị thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Việc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không có nghĩa là mọi phi cơ bay ngang qua không phận vùng này đều phải xin phép Bắc Kinh. Như vậy, Trung Quốc áp đặt sự kiểm soát của quốc gia lên một vùng biển cho tới nay quốc tế có thể được sử dụng.
Đầu tháng 7 năm ngoái, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết bác bỏ « quyền lịch sử » mà Trung Quốc vẫn dùng để đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, thể hiện qua bản đồ « đường lưỡi bò ».
Cho tới nay, Hoa Kỳ vẫn cho rằng các vùng biển phía nam và phía đông Trung Quốc là những vùng biển quốc tế và đã thường xuyên có những hành động nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải tại vùng biển này. Kể từ tháng 10/2015 đến nay, các chiến hạm của hải quân Mỹ đã bốn lần đến sát các đảo do Trung Quốc chiếm giữ, bất chấp khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên các đảo này.
Cũng chính là nhằm khẳng định quyền của quốc tế được tự do lưu thông ở vùng này mà hải quân Hoa Kỳ trong tuần này đã điều cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vilson đến tuần tra ở Trường Sa. Cụm tàu này, mà gần như chắc chắn sẽ bao gồm cả tàu ngầm, theo dự kiến sẽ « trắc nghiệm » phản ứng của Bắc Kinh bằng cách đi vào phạm vi 12 hải lý chung quanh một hoặc nhiều đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Đây là khoảng cách được luật pháp quốc tế công nhận là ranh giới vùng biển hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của một quốc gia. Hiện giờ luật pháp quốc tế không công nhận các đảo nhân tạo của Trung Quốc là lãnh thổ quốc gia của nước này, mặc dù Bắc Kinh vẫn khẳng định như thế. Bây giờ nếu Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, đây sẽ là một hành động khiến nguy cơ xung đột với Mỹ gia tăng.
Đợt tuần tra của cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson sẽ là đợt tuần tra đầu tiên của hải quân Mỹ ở vùng Biển Đông kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Sau khi nghe thông tin về đợt tuần tra sắp tới của tàu Mỹ, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh vẫn tôn trọng quyền tự do hàng hải chiếu theo luật quốc tế, nhưng yêu cầu Hoa Kỳ « không được có bất kỳ hành động nào thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc » và « phải tôn trọng nỗ lực của các nước khu vực duy trì hòa bình và ổn định ở biển Hoa Nam ( Biển Đông) ».
Chính phủ Bắc Kinh khẳng định luật An toàn Giao thông Hàng hải được sửa đổi dựa trên các quyền của Trung Quốc trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS ). Nhưng trên thực tế dự luật trái với UNCLOS, vì công ước này bảo đảm quyền « đi lại vô hại » (innocent passage), cho phép tàu dân sự và quân sự được đi qua vùng lãnh hải các nước mà không bị ngăn chận, trừ phi các tàu này có một số hoạt động không được phép.
Dự luật nói trên sẽ được áp dụng như thế nào là còn tùy thuộc vào việc Bắc Kinh diễn giải khái niệm « vùng biển Trung Quốc » rộng đến đâu. Cho tới nay, thật sự thì Bắc Kinh vẫn chưa nói rõ là đối với họ, toàn bộ vùng nằm trong đường « lưỡi bò », chiếm khoảng 85% diện tích Biển Đông, là thuộc chủ quyền Trung Quốc hay không.
Một điều chắc chắn là Hoa Kỳ và các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc sẽ không chấp nhận luật sửa đổi với những nội dung như trên. Nhất là đối với Washington, tự do hàng hải ở Biển Đông là « tuyệt đối », dù là đối với tàu dân sự hay tàu quân sự, như bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nhắc lại vào ngày 04/02 vừa qua.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170221-trung-quoc-sua-luat-de-tang-cuong-kiem-soat-bien-dong