Tin Biển Đông – 20/12/2016
Mỹ lộ vẻ “cọp giấy” trước Trung Quốc,
đồng minh châu Á lo ngại
Vụ Hải Quân Trung Quốc lấy đi một chiếc tàu lặn không người lái của Mỹ tại Biển Đông vào hôm nay, 20/12/2016 đã được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, trước một hành động bị coi là « táo tợn » của Trung Quốc, phản ứng yếu ớt của Mỹ đã gây quan ngại nơi các đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á, thấy rằng Washington đã hành xử như một con « cọp giấy », đúng như Trung Quốc thường rêu rao.
Theo ghi nhận của nhật báo Mỹ New York Times ngày 18/12, hành động của Hải Quân Trung Quốc rất táo tợn vì diễn ra trong vùng hải phận quốc tế ở Biển Đông, chỉ cách Philippines 50 hải lý, một nước từng là đồng minh thân thiết của Washington.
Hơn thế nữa, như New York Times nêu bật, hành động của Trung Quốc còn diễn ra bên ngoài « đường chín đoạn » mà Bắc Kinh dùng để đánh dấu yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Theo các chuyên gia phân tích, khi làm như vậy, Bắc Kinh như muốn cảnh cáo các nước khác, kể cả Mỹ, rằng toàn bộ vùng biển này thuộc thẩm quyền của Bắc Kinh, bất chấp về mặt pháp lý, Hoa Kỳ hoàn toàn có quyền tiến hành các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Trung Quốc táo tợn như vậy nhưng Hoa Kỳ hầu như không có phản ứng. Các nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích đều ghi nhận là chính quyền Obama đã không có được một phản ứng mạnh dạn trước hành động thách thức của Bắc Kinh. Thậm chí Hải Quân Mỹ còn không dám gởi chiến hạm của mình đến hiện trường để xem xét tính hình.
Một số nguồn tin thông thạo cho biết là Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ đã họp lại để thảo luận về cách đối phó với vấn đề này, nhưng chỉ quyết định đòi lại chiếc tàu lặn mà thôi, điều mà Bắc Kinh cho biết là sẽ thực hiện, và họ đã làm vào hôm nay.
Mỹ nói mạnh nhưng hành động thiếu kiên quyết
Vấn đề đặt ra là Hoa Kỳ trong thời gian qua đã nói rất dữ về quyết tâm chống lại các hành vi trái với luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhưng lần này, rõ ràng là Bắc Kinh làm càn, nhưng Washington lại làm ngơ.
Theo ông Douglas H. Paal, nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, hệ quả của việc này rất rõ : « Các quan sát viên và các đồng minh của Mỹ không thể không kết luận rằng điều đó cho thấy là uy quyền của Mỹ trong khu vực đã giảm sút ».
Điều này lại càng đáng ngại khi Trung Quốc trong thời gian gần đây, đã không ngần ngại khẳng định quyền thống trị mà họ cho là « vốn có » của mình trong khu vực, và không ngần ngại gây sự cố để thách thức sự hiện diện của Mỹ, và thách thức cả các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.
Theo ông Alexander Vuving, một chuyên gia về Việt Nam tại Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii, sự cố tàu lặn Mỹ bị Trung Quốc tịch thu nghiêm trọng ở chỗ nó đánh thẳng vào nguyên tắc tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.
Chuyên gia này lo ngại rằng điều đó có thể dự báo cho việc Trung Quốc áp đặt luật lệ riêng của họ tại Biển Đông. Trả lời New York Times ông Vuving xác định : « Trung Quốc cho thấy rằng họ đang trong quá trình thiết lập các quy tắc ở Biển Đông, áp đặt quan điểm riêng của họ ở Biển Đông và nói rằng Biển Đông là sân sau của họ ».
Theo ông Vuving, «nếu Trung Quốc không bị hề hấn gì sau vụ này, điều đó sẽ gửi một thông điệp đáng sợ đến các nước trong khu vực », và một số lãnh đạo, như Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines, sẽ cảm thấy được khích lệ khi quyết định xa rời Mỹ để kết thân với Trung Quốc.
Còn đối với với Việt Nam, ông Vuving cho rằng Hà Nội « sẽ phải xem xét lại toàn cảnh khu vực ».
Trung Quốc trả lại Mỹ tàu lặn không người lái
Hôm thứ Ba, 20/12, Trung Quốc đã trả lại một tàu lặn không người lái của Mỹ mà họ đã thu giữ hồi tuần trước ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Peter Cook cho biết việc bàn giao đã diễn ra ở ngay địa điểm Trung Quốc vớt chiếc tàu lặn lên, tàu này đo độ mặn và nhiệt độ của các tầng nước biển.
Trong một tuyên bố, ông Cook nói: “Sự cố này không phù hợp cả với luật quốc tế lẫn các tiêu chuẩn về tính chuyên nghiệp trong ứng xử giữa các lực lượng hải quân trên biển”. Ông cho biết thêm: “Hoa Kỳ đã nêu lên những điều đó với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự phù hợp, và đã kêu gọi nhà chức trách Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo luật quốc tế và tránh có thêm hành động cản trở hoạt động hợp pháp của Hoa Kỳ”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết việc bàn giao đã diễn ra hoàn toàn “suôn sẻ” sau khi có “hiệp thương hữu nghị” giữa hai nước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sau đó nói Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành do thám rất gần các vùng biển ven bờ của Trung Quốc, đây là việc làm bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ
http://www.voatiengviet.com/a/tq-tra-lai-my-tau-lan-khong-nguoi-lai/3643428.html
Philippines
sẽ không ‘đi chệch khỏi’ phán quyết về Trung Quốc
Philippines hôm thứ Hai nói sẽ không “đi chệch khỏi” phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, nhưng Manila phải xây dựng lòng tin đối với Bắc Kinh trước khi thảo luận về các vấn đề song phương “nhạy cảm”.
Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye sau khi tòa xác định Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines bằng cách gây nguy hiểm cho tàu thuyền, việc đánh bắt cá và các dự án dầu khí của nước này.
Chính quyền trước của Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế càng làm xấu đi mối quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh. Tuy nhiên khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nhậm chức ngày 30 tháng 6, ông đã tìm cách gần gũi với Trung Quốc, đánh dấu một sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại của đồng minh lâu năm của Mỹ.
Ông Duterte đã hạ giảm vai trò của phán quyết của tòa trọng tài. Trong các cuộc hội đàm tại Trung Quốc hồi tháng 10, ông Duterte nói phán quyết trên chỉ “đóng vai trò phụ”.
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Philippines nói ông dẹp phán quyết sang một bên và sẽ “không áp đặt bất cứ điều gì lên Trung Quốc”.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay ra thông cáo giải thích rằng “việc khôi phục” quan hệ với Trung Quốc là một trong những ưu tiên của ông Duterte và chính phủ đang cố gắng xây dựng “lòng tin” với Trung Quốc.
Ông Yasay nói chính phủ Philippines tái khẳng định “sự tôn trọng và tuân thủ phán quyết cột mốc quan trọng này” và sẽ “tham khảo chi tiết phán quyết” khi giải quyết các vấn đề tranh chấp hàng hải ở Biển Đông.
Cũng trong ngày thứ Hai, trong một bài phát biểu sau đó ông Duterte nói “một ngày nào đó”, ông cũng sẽ phải nói về vấn đề phán quyết với Trung Quốc, nhưng không phải lúc này. Thay vào đó, ông nêu ra khả năng sẽ chia sẻ tài nguyên trong khu vực tranh chấp.
http://www.voatiengviet.com/a/philippines-se-khong-di-chech-khoi-phan-quyet-ve-tq/3642126.html