Tin Biển Đông – 20/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 20/07/2018

TQ: Tập Trận, Nhắm Đài Loan;

Nga: Phi Đạn Mới, Bất Khả Bại

BIỂN ĐÔNG — Có vẻ như Tập Cận Bình mất kiên nhẫn, muốn ra tay chiếm Đài Loan bằng vũ lực trong khi cơ hội sáp nhập hòa bình mờ nhạt dần…

Bản tin RFI ghi rằng Trung Quốc đang tập trận với quy mô “nhằm chiếm toàn bộ Đài Loan”.

Bản tin ghi rằng theo báo chí Đài Loan ngày 19/07/2018, Trung Quốc đang tiến hành tập trận bắn đạn thật ngoài khơi tỉnh Chiết Giang với quy mô được cho là nhằm chiếm toàn bộ Đài Loan và các đảo lân cận. Theo giới quan sát, cuộc tập trận nhằm cảnh cáo Đài Loan, và cả Mỹ và Nhật Bản.

Bắc Kinh đã loan tin về cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc thông qua một thông báo của Cục An Toàn Hàng Hải Chiết Giang đưa ra ngày 17/07, yêu cầu các tàu bè tránh đi vào khu vực từ một cảng của Chiết Giang đến thành phố Ôn Châu cũng thuộc tỉnh này. Theo tờ Taiwan News, khu vực diễn ra tập trận từ ngày 17 đến 23/07 ngoài khơi tỉnh Chiết Giang có diện tích bằng với khu vực bao gồm Đài Loan và các đảo xung quanh.

Trong khi đó báo chí Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận đang diễn ra chính là nhằm cảnh cáo «những phần tử đòi ly khai ở Đài Loan». Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo chính thức của Trung Quốc, khẳng định rằng nếu vùng tập trận được mở rộng xuống phía nam thì nó sẽ bao phủ toàn bộ đảo Đài Loan. Hoàn Cầu còn viết rằng Biển Hoa Đông sẽ là chiến trường chính nếu xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan nổ ra.

Thông báo về cuộc tập trận bắt đầu từ 17/07 được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố là ông sẽ thi hành một chính sách ôn hòa hơn về quan hệ giữa Bắc Kinh với Đài Bắc, liệt kê «bốn lý do» khiến ông nghĩ rằng việc sát nhập Đài Loan một cách hòa bình là có thể được.

Theo nhận định của Taiwan News, hành động của quân đội Trung Quốc và thái độ của Hoàn Cầu Thời Báo như vậy là trái ngược với tuyên bố nói trên của ông Tập Cận Bình và có thể phản ánh những căng thẳng trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết họ đang theo dõi sát cuộc tập trận của Trung Quốc và khẳng định là không có gì phải lo ngại, rằng quân đội Đài Loan có khả năng đáp trả thích đáng nếu cần thiết.

Giới quan sát cho rằng cuộc tập trận nói trên không chỉ nhằm cảnh cáo Đài Loan, mà còn nhắm vào cả Mỹ và Nhật Bản, sau khi chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hồi đầu tháng này.

Trong khi đó, thông tấn Nga Sputnik cho biết Bộ Quốc phòng Nga đã giới thiệu các loại vũ khí mới nhất của Nga, trong đó có tổ hợp tên lửa siêu thanh Kinzhal, tàu ngầm không người lái Poseidon, tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân Burevestnik, tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat, tên lửa siêu thanh Avangard và tổ hợp chiến đấu laser Peresvet.

Các vũ khí mới này có sức mạnh thế nào?

Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA ghi nhận rằng Nga hôm thứ Năm chiếu một loạt những video cho thấy việc thử nghiệm và vận hành một thế hệ mới các loại vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump bàn cách tránh một cuộc chạy đua vũ trang.

Tổng thống Putin công bố một loạt vũ khí hạt nhân mới vào tháng 3 trong một trong những bài diễn văn cho thấy giọng điệu hung hăng nhất của ông trong những năm qua, nói rằng chúng có thể bắn trúng hầu hết mọi nơi trên thế giới và tránh được mọi lá chắn phi đạn do Mỹ chế tạo.

Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Nga chiếu những đoạn phim dàn dựng theo phong cách Hollywood cho thấy nhiều loại vũ khí mới mà ông Putin đã tiết lộ vào tháng 3 hiện đang được thử nghiệm hoặc đang đưa vào hoạt động.

https://vietbao.com/p122a283469/tq-tap-tran-nham-dai-loan-nga-phi-dan-moi-bat-kha-bai

 

Ấn Độ hối thúc ASEAN hợp tác hàng hải.

Ấn Độ hối thúc các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xúc tiến việc hợp tác trên biển trong một cuộc hội thảo quốc tế kéo dài hai ngày, bắt đầu hôm thứ năm 19/7/2018 tại New Delhi.

Bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ nói rằng nước chủ nhà có quyền lợi sâu rộng trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, và bà nhấn mạnh rằng tầm nhìn của New Delhi gói gọn trong một từ là SAGAR, viết tắt theo tiếng Anh có nghĩa là an ninh và phát triển cho toàn vùng.

Người đứng đầu quân đội Ấn là ông Vijay Kuma Singh thì nói mối quan hệ trên biển giữa ASEAN và Ấn Độ là chìa khóa để đảm bảo thịnh vượng và một vùng biển an toàn, tự do cho tất cả mọi người.

40% vận chuyển thương mại của Ấn Độ là đi qua eo biển Malacca nối liền Ấn Độ Dương và vùng Biển Đông của các quốc gia ASEAN.

Tổng số dân số của Ấn Độ và các nước ASEAN là 1 tỷ 850 triệu người và tổng sản phẩm nội địa là trên 3.8 ngàn tỷ đô la Mỹ.

Khái niệm Ấn Độ- Thái Bình Dương được đưa ra trong thời gian gần đây bởi những nhà chính trị và quân sự của các quốc gia Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản, về một sự hợp tác chiến lược cho toàn vùng. Tuy không nói ra nhưng nhiều người cho rằng sự hợp tác này được đưa ra để làm đối trọng với chiến lược Vành đai- Con đường của Bắc Kinh với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc sang châu Âu và xuống Ấn Độ Dương.

Trung tâm của chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương được cho là sự hợp tác giữa bốn cường quốc Mỹ, Úc, Ấn, và Nhật Bản.

Nhưng cũng có những chỉ trích nói rằng chiến lược này nói nhiều hơn làm, trong khi chương trình Vành đai- Con đường của Trung Quốc đã được tiến hành nhiều dự án quan trọng trên bộ cũng như trên biển.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/india-asean-talks-indo-pacipic-07202018084306.html