Tin Biển Đông – 20/04/2018
Tin nói 3 tàu chiến Úc
bị quân đội TQ thách thức ở Biển Đông
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đưa ra phản ứng thách thức vào sáng thứ Sáu sau khi tin tức cho hay ba tàu chiến của Úc bị Trung Quốc thách thức khi đang đi ngang qua Biển Đông trước đó trong tháng này.
Các tàu HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success khi đó đang trên đường đến Việt Nam trong một chuyến thăm thiện chí ba ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh khi các tàu này đối đầu với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đài ABC của Úc loan tin.
Vụ việc diễn ra trong khi Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân được nói là lớn nhất từ trước tới nay trong vùng biển tranh chấp này.
Một quan chức quốc phòng Úc phát biểu với ABC trong điều kiện giấu tên cho biết các trao đổi giữa Trung Quốc và Úc là lịch sự nhưng “mạnh mẽ.”
Phát biểu trước các phóng viên bên lề Hội nghị Các Lãnh đạo Chính phủ Khối Thịnh vượng chung tại London, ông Turnbull khẳng định quyền của Úc đi ngang qua Biển Đông.
“Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng tôi duy trì và thực hành quyền tự do hàng hải, và quyền bay ngang, khắp thế giới,” ông nói với các phóng viên.
“Và trong bối cảnh này, chúng tôi đang nói về các tàu hải quân trên các đại dương của thế giới, bao gồm cả Biển Đông, cũng như quyền của chúng tôi theo luật pháp quốc tế.”
ABC cho hay Bộ Quốc phòng Úc từ chối trả lời các câu hỏi hoặc thảo luận các chi tiết về vụ đối đầu, nhưng xác nhận tàu HMAS Anzac và tàu HMAS Success gần đây đã đi qua Biển Đông sau chuyến thăm Vịnh Subic ở Philippines.
Bộ nói thêm rằng tàu HMAS Toowwoomba cũng đã đi qua các vùng biển tranh chấp sau khi rời khỏi Kota Kinabalu ở Malaysia.
“Bộ Quốc phòng Úc duy trì một chương trình giao tiếp quốc tế với các nước trong và quanh Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) trong nhiều thập kỷ qua,” bộ nói với ABC.
“Điều này bao gồm các cuộc diễn tập quân sự song phương và đa phương, các đợt cập cảng, các hoạt động do thám hàng hải và các lần tàu quá cảnh.
“Như đã làm trong nhiều thập kỷ qua, các tàu và máy bay của Úc sẽ tiếp tục thực hành các quyền tự do hàng hải và quyền bay ngang theo luật pháp quốc tế, kể cả ở Biển Đông.”
Trước đó trong tháng này, khi cuộc đối đầu xảy ra, Trung Quốc đã điều các thiết bị quân sự hải quân để phô bày cho thế giới xem ở Biển Đông, như một phần trong cuộc duyệt binh của Chủ tịch Tập Cận Bình với Hải quân Giải phóng Nhân dân.
Trong cuộc tập trận quân sự được mô tả là lớn nhất từ trước đến nay, Bắc Kinh điều 10.000 quân nhân, 76 máy bay chiến đấu, 48 tàu hải quân, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu sân bay đầu tiên của mình.
Chính phủ Úc trước đây đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường quân lực trong khu vực, bao gồm cả việc xây cất các đảo được quân sự hóa ở Biển Đông.
TQ nói ứng xử ‘chuyên nghiệp’
khi chạm mặt tàu Úc trên Biển Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ tố cáo cho rằng Bắc Kinh đã thách thức các chiến hạm Úc, nói rằng tàu TQ đã hành động một cách “chuyên nghiệp và hợp pháp” khi “chạm mặt” và tàu chiến Úc trên Biển Đông trong tuần này.
Bộ Quốc phòng Úc xác nhận 3 tàu chiến của Úc, gồm HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success, đã tới thăm tp HCM hồi gần đây, nhưng từ chối bình luận về “những chi tiết liên quan tới hoạt động của tàu bè đi ngang qua Biển Đông.”
Hệ thống truyền thông ABC của Úc dẫn lời một giới chức nói rằng những trao đổi với hải quân Trung Quốc “lịch sự nhưng gay gắt.”
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói những bản tin của truyền thông Úc “không ăn khớp với những gì xảy ra trên thực tế.”
Tuyên bố này viết:
“Tàu của phía Trung Quốc dùng những lời lẽ chuyên nghiệp để liên lạc với phía Úc, hoạt động của tàu Trung Quốc là hợp pháp, tuân thủ luật, chuyên nghiệp và an toàn.”
Tuyên bố của Trung Quốc cho biết sự cố xảy ra vào ngày Chủ nhật vừa rồi.
Trung Quốc mới hoàn tất các cuộc diễn tập quân sự quy mô trên Biển Đông, vùng biển mà nước này tuyên bố thuộc chủ quyền, của họ nhưng Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cực lực phản đối. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền một phần vùng lãnh hải này.
Trước đó trong một tuyên bố gửi qua email tới hãng tin Reuters, Bộ Quốc phòng Úc nói các lực lượng Úc “đã duy trì một chương trình can dự quốc tế hùng mạnh với các nước trong và xung quanh Biển Đông trong nhiều thập niên.”
“Như đã làm trong nhiều thập kỷ qua, các tàu và máy bay của Úc sẽ tiếp tục thực thi các quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật quốc tế, kể cả ở Biển Đông.”
Có mặt tại London để dự hội nghị quy tụ các nguyên thủ quốc gia Khối Thịnh vượng Chung, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull từ chối xác nhận vụ chạm mặt giữa tàu chiến Úc và hải quân Trung Quốc.
Lên tiếng tại cuộc họp báo thường ngày, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói lập trường nhất quán của Bắc Kinh là ủng hộ và tích cực bảo vệ quyền của tất cả các nước tự do cho tàu đi lại và máy bay bay ngang qua vùng Biển Đông, theo đúng luật pháp quốc tế.
Bà Hoa nói thêm:
“Nhưng nếu Úc có những ‘ý đồ khác’, thì chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ nhận ra xu hướng là Biển Đông đang ổn định và cải thiện, và cùng làm việc với Trung Quốc và các nước láng giềng vì hòa bình và sự ổn định của khu vực.”
Hoa Kỳ cũng thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, gây ra những căng thẳng với Trung Quốc, và nước này đã tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền của mình.
Nước Úc là một đồng minh kiên cường của Mỹ.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Úc hôm 17/4, các chiến hạm của hải quân Úc, gồm tàu Anzac, tàu Toowoomba và tàu Success, đang được triển khai tới Đông Nam Á trong 3 tháng, và nhiệm vụ bao gồm các cuộc diễn tập quân sự với một số nước trong khu vực.
Tàu Toowoomba khởi hành từ Malaysia để tới thăm Việt Nam, trong khi hai tàu chiến kia đi ngang qua Biển Đông sau khi rời Vịnh Subic của Philippines.
Chiến đấu cơ Trung Quốc tuần tra các đảo
Một nhóm chiến đấu cơ của Trung Quốc vào ngày 19 tháng 4 tiến hành cuộc tuần tra các đảo trong đợt huấn luyện gần đây nhằm mục đích nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên của lực lượng Không quân Trung Quốc (PLA) Thân Kiến Khoa cho biết hôm thứ Sáu 20/4.
Cũng theo lời phát ngôn viên của Không quân Trung Quốc nhóm các chiến đấu cơ tham gia tuần tra đảo gồm máy bay ném bom H-6K, máy bay chiến đấu Su-30, J-11, máy bay trinh sát và máy bay cảnh báo.
Ông Thân nói thêm rằng với quyết tâm, sự tự tin, và khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, Không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra đảo do đủ loại máy bay chiến đấu thực hiện theo một kế hoạch đã được định sẵn.
Hội nghị ASEAN tại Singapore
thảo luận tình hình an ninh Biển Đông
Hòa bình và an ninh tại Biển Đông là vấn đề sẽ được bàn thảo tại hội nghị cấp cao Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức ở Singapore vào cuối tháng này.
Mạng báo Inquirer của Philippines loan tin này ngày 20 tháng 4 dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao chính phủ Manila cũng như phát biểu của trợ lý ngoại trưởng, bà Hellen De La Vega, rằng Biển Tây Philippines (tức Biển Đông) luôn là điểm chính trong các cuộc thảo luận.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 diễn ra ở Manila vào tháng 11 năm ngoái, khối này lặp lại kêu gọi phi quân sự hóa và thực thi kiềm chế tại Biển Đông, khi mà hoạt động cải tạo, bồi lắp các đảo nhân tạo được tiến hành cũng như bố trí, lắp đặt trang thiết bị quân sự tại những thực thể đó.
Theo Inquirer thì những hình ảnh thu thập được cho thấy dường như công tác chuyển bảy đảo nhân tạo mà Trung Quốc lập nên ở khu vực Trường Sa thành những pháo đài gần như hoàn tất. Và ảnh chụp được máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc trên đá Vành Khăn cũng cho thấy viễn cảnh Bắc Kinh sẽ đưa chiến đấu cơ đến tại các đảo đó.
Lãnh đạo của 10 nước ASEAN sẽ đến Singapore tham dự Hội Nghị Cấp Cao ASEAN lần thứ 32 diễn ra trong hai ngày 27 và 28 tháng tư này.
Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, sẽ thăm chính thức tiểu quốc Singapore từ ngày 25 đến 27 và sau đó dự Hội Nghị Cấp Cao ASEAN.