Tin Biển Đông – 20/02/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 20/02/2020

Biển Đông : Tổng thống Duterte mở cổng cho Bắc Kinh

Tú Anh

Một pháo đài chiến lược cản đường Trung Quốc khống chế Biển Đông sắp bị vô hiệu hóa. Ngày 11/02/2020, tổng thống Rodrigo Duterte chính thức kết liễu một thỏa thuận lịch sử cho phép quân đội Mỹ tự do luân lưu sử dụng các căn cứ quân sự ở Philippines.

Quyết định này làm suy yếu liên minh quân sự truyền thống Mỹ-Philippines và tác hại đến cán cân lực lượng trong khu vực. Trừ phi có thay đổi bất ngờ trong 6 tháng tới, con đường nam tiến của Trung Quốc sắp khai thông.

Sau bốn năm thịnh nộ, tổng thống Philippines thực hiện lời đe dọa. Thỏa thuận VAF ký kết vào năm 1998, liên quan đến quyền luân lưu đóng quân của Mỹ tại Philippines sẽ chấm dứt hiệu lực trong 180 ngày tới đây.

Tổng thống Phillipines xé thỏa thuận liên minh quân sự sau khi Thượng Viện Mỹ biểu quyết nghị quyết cấm visa nhập cảnh đối với những quan chức Philippines chà đạp nhân quyền. Cựu giám đốc cảnh sát quốc gia Ronald Dela Rosa, chỉ huy cuộc chiến đẫm máu chống ma túy bất chấp luật lệ, do tổng thống Duterte phát động, bị Mỹ cấm visa nhập cảnh.

Vì sao tổng thống Philippines đơn phương hủy bỏ thỏa thuận về an ninh với Mỹ bất chấp các ý kiến chống đối trong nước ? Hệ quả sẽ ra sao cho bàn cờ Biển Đông và nhất là đối với Việt Nam ?

Báo chí Philippines cực lực lên án quyết định độc đoán của vị tổng thống : « Trục phòng thủ chiến lược trong khu vực của chúng ta, tại Đông Nam Á đến tận Đông Á để đối đầu với Trung Quốc đã bị lay chuyển. Chúng ta không phải là loại chính quyền như thế », The Manila Times công kích.

Chia sẻ quan điểm này, nhà báo Lưu Tường Quang nhấn mạnh đến mối nguy trước mắt :

« Đây là một vấn đề rất quan trọng. Nếu liên minh Mỹ-Phi đổ vỡ thì nước được lợi nhiều là Trung Quốc. Cho nên, nó ảnh hưởng đến nhiều đến các nước khác nhất là Việt Nam với tư cách là chủ tịch luân lưu của ASEAN trong năm 2020. Và nó cũng có thể ảnh hưởng đến nước Úc vì Úc cũng có một hiệp định VFA (Visiting Forces Agreement) với Philippines, tương tự như VFA Mỹ-Phi, chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ và Úc đến trợ giúp Philippines. Đây không phải là vấn đề nhỏ, nó cũng là một vấn đề gây nhiều thắc mắc và câu hỏi.

Giới lãnh đạo quân sự Philippines tỏ ra bất ngờ về quyết định này. »

Manila bắt đầu chuyển trục từ 2016

Không ít nhà bình luận cho rằng ông Duterte với tính khí nóng giận thất thường tìm cách ép Hoa Kỳ đàm phán lại thỏa thuận VFA.

Tuy nhiên, Manila dường như khóa chặt cánh cửa thương lượng. Trong một tuyên bố được xem là tín hiệu ngầm ngày 10/02/2020, tổng thống Philippines chỉ trích Mỹ xem thường đồng minh : Tập trận xong là họ đem vũ khí tối tân đi mất không để lại cho chúng tôi một thứ gì. Còn Trung Quốc thì không bao giờ hại chúng tôi nếu chúng tôi không làm gì chống lại họ ».

Duterte dứt khoát từ chối các lời mời viếng thăm Washington tuy hai nước vẫn gắn kết với nhau qua hiệp định phòng thủ chung 1951.

Thái độ xa lánh Mỹ của Manila đã được thể hiện ngay từ khi Rodrigo Duterte kế nhiệm tổng thống Aquino năm 2016.

Nhà báo Lưu Tường Quang phân tích các giả thuyết khả tín nhất :

« Quyết định ngưng hợp tác với Mỹ là quyết định của ông Duterte và có thể được các cố vận thân cận ủng hộ. Nhưng, tôi có cảm tưởng bà phó tổng thống Philippines (Leni Robredo,55 tuổi, dân bầu trực tiếp), người đắc cử với tư cách riêng có thể không ủng hộ. Những người có liên hệ gần gũi với Hoa Kỳ, đặc biệt là trong giới tướng lãnh quân đội, người thì công khai, người thì âm thầm, bằng cách này hay cách khác, cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định.

Lý do tại sao ông Duterte quyết định như thế ?

Quyết định làm áp lực với Hoa Kỳ để tái thương thuyết thỏa thuận VFA là giả thuyết có thể đúng nhưng cũng có thể không đúng. Nhưng giả sử nó đúng thì còn tùy thuộc vào thái độ của Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump có thể sẽ không thương lượng lại. Tuy nhiên, nếu nhìn từ phản ứng của bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper thì lập trường của Mỹ có vẻ hòa dịu nhiều hơn bởi vì Mark Esper nói đây là một quyết định « đáng tiếc », Philippines đi con đường trái ngược với thực tế.

Giả thuyết thứ hai mà tôi cho rằng có thể có nhiều tín lực hơn là ông Duterte, trong chính sách đi lại gần gũi với Trung Quốc từ khi đắc cử vào năm 2016. Thì rõ ràng đây là một bước tiến nữa tạo ra những cơ hội để cho Philippines đi lại gần với Trung Quốc.

Điều này lợi hại như thế nào ?

Nhìn từ quan điểm của Duterte thì ông bảo rằng quan hệ với Mỹ không có lợi gì và còn có thể gây ra một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung thì càng không có lợi cho Philippines. Cho nên, ông hầu như hoàn toàn hạ cấp bang giao với Washington và nâng cấp bang giao với Bắc Kinh. Tôi nghĩ điều này có vẻ đúng với thực tế. Một điểm nữa không kém phần quan trọng là ông đi gần lại với Nga và sẵn sàng mua vũ khí của Nga thay vì mua vũ khí của Mỹ.

Dù thế nào đi nữa, nhìn từ quan điểm chung của các nước Đông Nam Á và Úc, thì sự suy sụp, sự căng thẳng trong bang giao Washington-Manila sẽ tạo ra nhiều yếu tố tiêu cực cho toàn vùng. Quốc gia được lợi nhiều nhất vẫn là Trung Quốc ».

Mỹ cũng đã dự tính trước biện pháp đối phó

Theo nhà bình luận Lina Sankari của báo Pháp l’Humanité thiên tả, Hoa Kỳ đã phòng ngừa trước diễn biến này cho nên đã chuẩn bị phương án đối phó.

Washington quyết định giảm bớt lực lượng ở vùng sa mạc châu Phi và Trung Đông chuyển sang tái phối trí tại châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, Donald Trump thực hiện bước thứ hai, hoàn tất chiến lược « tái định vị » của tổng thống Barack Obama, đưa hai phần ba lực lượng hải quân về châu Á vào năm 2020.

Thái độ bất hợp tác của tổng thống Duterte có thể sẽ gây tác hại cho nhiều đồng minh khác của Mỹ trong vùng, từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc cho đến nước Úc, những nước cần hỗ trợ của Mỹ trong hồ sơ an ninh quốc phòng.

Thái độ biến đổi của Manila còn là tin xấu đối với Hà Nội. Trong lúc Trung Quốc gia tăng hoạt động hù dọa tàu cá, lấn áp công tác thăm dò mỏ dầu Việt Nam ở Biển Đông thì Philippines được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa đầu tư 22 tỷ đô la cũng như đã ký với Manila thỏa thuận hợp tác khai thác dầu hỏa và khí đốt ở vùng tranh chấp.

Duterte giúp Bắc Kinh củng cố thế thượng phong.

Nhà báo Lưu Tường Quang :

« Trong bàn cờ chính trị, Philippines có vai trò quan trọng trong bang giao với Mỹ, cho Hoa Kỳ một chỗ đứng, một căn cứ quan trọng tại Biển Đông hay gần Biển Đông. Với lý do đó, thời tổng thống Aquino, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông rất rõ nét nhưng bây giờ tình thế trái ngược lại, khó khăn hơn.

Tất nhiên, Hoa Kỳ có những căn cứ khác như ở Úc hay bang giao chặt chẽ với Singapore nhưng nếu bây giờ thỏa thuận về luân lưu quân sự của Mỹ tại Philippines bị bãi bỏ trong 180 ngày sắp tới thì các hiệp ước hợp tác quân sự khác kể cả Hiệp Định Quốc Phòng Chung 1951 sẽ trở thành vô nghĩa.

Nhìn từ quan điểm này thì nó sẽ gây nhiều khó khăn cho Việt Nam, theo nghĩa, năm 2020, Việt Nam làm chủ tịch hiệp hội ASEAN với tiêu đề có vẻ gợi nhiều ý nghĩa : gắn kết và chủ động. Gắn kết như thế nào nếu Philippines đi hẳn với Trung Quốc và không hợp tác nữa với Mỹ trong vấn đề Biển Đông ? Việt Nam sẽ bị thiệt hại rất nhiều, Úc và các nước khác trong vùng cũng rất quan tâm. Đây là một biến chuyển rất là quan trọng cho tương lai ổn định của toàn vùng Đông Nam Á.

Hoa Kỳ không còn căn cứ quân sự ở Philippines thì thế đứng của Trung Quốc càng ngày càng lên mà Trung Quốc có những chính sách rất táo bạo về vấn đề Biển Đông. Cho nên trong năm 2020 nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với tất cả các nước trong khu vực kể cả đối với Việt Nam, nhất là Việt Nam trong vai trò chủ tịch ASEAN ».

Đi ngược lòng dân và quân đội

Bất chấp cảnh báo của Thượng Viện Philippines, và thái độ bất bình của giới tướng lãnh, tổng thống Duterte tặng cho Trung Quốc một món quà vô giá. Theo nhận định của nhà phân tích Lina Sankari trích dẫn bên trên, sau khi đã củng cố các tiền đồn ở Hoàng Sa và Trường Sa, Bắc Kinh đã được một số đặc quyền sử dụng hải cảng, phi trường của Cam Bốt, Miến Điện, Sri Lanka và Pakistan. Chiến lược « chuỗi trân châu » tiến hành thuận lợi cho phép Trung Quốc bảo đảm con đường nhập khẩu nhiên liệu từ Trung Đông và dự án Con đường tơ lụa trong tương lai.

Trong một chương trình truyền hình Pháp cách nay hai hôm, về chiến lược từng bước làm bá chủ thế giới của Trung Quốc, nhà báo Hervé Gattegno, tổng biên tập tuần báo Pháp Journal du Dimanche nêu câu hỏi then chốt : Khi nào Bắc Kinh lập cái « trạm thu phí » (BOT) trên Biển Đông ?

Tuy nhiên, có ít nhất bốn cản lực đang chờ trước mặt Bắc Kinh và Duterte. Theo The Washington Post, quân đội Philippines tiếp tục được Mỹ viện trợ, tập luyện chung. Ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Philippines không kêu gọi xé thỏa thuận VFA. Thứ hai là người dân Philippines ý thức trục Mỹ-Phi rất cần thiết để bảo vệ an ninh, độc lập cho đất nước họ. Công luận Phi cũng không mặn mà với đầu tư Trung Quốc vì cái giá phải trả rất nặng. Thứ ba, bản thân tổng thống Duterte có được Hiến Pháp cho thẩm quyền đơn phương hủy bỏ hiệp định quốc tế do Thượng Viện quyết định hay không ?

Lý do thứ tư, theo Le Monde, giới quân đội thân thiết với Hoa Kỳ không chấp nhận quyết định của tổng thống Philippines. Nội tình Philippines khó tránh khỏi căng thẳng. Tư lệnh hải quân Giovani Carlo Bacordo đã tuyên bố mạnh mẽ : Chiến hạm Philippines tiếp tục giương cao ngọn cờ quốc gia tuần tra trong vùng Biển Đông.

Nhiều nhà phân tích xem đây là lập trường công khai ủng hộ Hoa Kỳ và rất có thể viên tư lệnh này sẽ « đương đầu » với thái độ bốc đồng cuối cùng của tổng thống Duterte.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200220-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-duterte-m%E1%BB%9F-c%E1%BB%95ng-cho-b%E1%BA%AFc-kinh

 

Nhật Bản quan ngại diễn biến tình hình Biển Đông

Giới chức Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản cho rằng Biển Đông là khu vực quan trọng đối với Tokyo, nhấn mạnh việc đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực này rất cần thiết đối với Nhật Bản cả về mặt kinh tế lẫn quân sự.

Ngoại trưởng Nhật Bản (8/2019) phản đối hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông

Giới chức Nhật Bản cho biết, Tòa Trọng tài quốc tế (7/2016) đã ra phán quyết qua đó khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là trái luật quốc tế. Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại về các hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại khu vực như triển khai khí tài, xây dựng tiền đồn quân sự. Tokyo đã nhiều lần lên tiếng hối thúc Bắc Kinh kiềm chế và nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo dõi sát sao. Phía Nhật cũng lưu ý không chỉ ở Biển Đông mà Trung Quốc còn gây quan ngại tại biển Hoa Đông. Giữa tình hình khu vực nhiều biến động, Nhật Bản đã và đang thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở với 3 trụ cột chính: thúc đẩy và thiết lập trật tự dựa trên luật pháp, tự do hàng hải và thương mại; thúc đẩy thịnh vượng về kinh tế; cam kết về hòa bình và ổn định. Riêng với các nước ASEAN, Nhật Bản chú trọng cải thiện tính kết nối và tham gia hỗ trợ các nước trong khu vực nâng cao năng lực của lực lượng chấp pháp trên biển.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản liên tục kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy ASEAN hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng hỗ trợ một số nước ASEAN bảo vệ quyền lợi, nâng cao năng lực phòng thủ trên biển. Một mặt, Nhật Bản hỗ trợ trang bị cho các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippin nhằm tăng cường khả năng cảnh báo trên biển và củng cố lực lượng tiền duyên của các nước này để đối phó với Trung Quốc. Mặt khác, Nhật Bản thông qua các hình thức huấn luyện, diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN để nâng cao khả năng quân sự của các nước này và giúp cho quân đội Nhật Bản

thông thạo tình hình thực tế trong khu vực Biển Đông, nhằm thử nghiệm cho việc tuần tra, giám sát của Nhật Bản tại khu vực biển này. Bên cạnh đó, Nhật Bản coi quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là khuôn khổ cơ chế hợp pháp cho việc can dự vào  Biển Đông. Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản chỉ rõ là những nước có mạng lưới thương mại toàn cầu phụ thuộc vào đường biển, Mỹ và Nhật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. Do đó, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông là vấn đề có tính nguyên tắc, không để bất cứ một thế lực nào tuyên bố vùng nhận diện phòng không và đe dọa đến tự do hàng hải quốc tế. Sự phối hợp và hợp tác Nhật – Mỹ trong vấn đề Biển Đông còn biểu hiện ở việc hai nước phối hợp giúp đỡ các nước hữu quan xây dựng năng lực phòng thủ. Ngoài ra, Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu dài ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cho rằng nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đối với tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mục đích chiến lược của Nhật Bản là hình thành thế phối hợp tác chiến hai cánh Biển Đông và Biển Hoa Đông, từ đó cản trở hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng mong muốn hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông; tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển, khiến Trung Quốc rơi vào cảnh phải tác chiến trên cả hai mặt trận Biển Hoa Đông và Biển Đông; đồng thời, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản muốn nhân vấn đề Biển Đông, tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước ASEAN là các bên tranh chấp ở Biển Đông, đẩy mạnh viện trợ cho các nước này về kinh tế và quân sự, qua đó nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của mình trong khu vực, hình thành một “liên minh chiến lược biển” để đối phó với Trung Quốc. Nhật Bản cho rằng Biển Đông như một cái “hang trống”, sẽ hút hết sức mạnh của Trung Quốc vào đó; Trung Quốc càng cứng rắn thì càng lún sâu tại Biển Đông, nếu giành được chiến thắng tại đây thì cũng hao tổn sức lự…, ảnh hưởng đến việc phát triển của Trung Quốc, nhất là quá trình trở thành cường quốc biển thế giới.

Sự can dự của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông rõ ràng được các quốc gia có tranh chấp trong ASEAN hoan nghênh. Tuy nhiên, sự can dự này cũng có hai mặt, vừa đem đến cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức. Trong bối cảnh Nhật Bản tích cực can dự vào khu vực và vấn đề Biển Đông nhằm tăng cường và cạnh tranh ảnh hưởng, điều đó sẽ buộc Trung Quốc phản ứng theo nhiều hướng khác nhau, trong đó có cả việc tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để giữ và phát huy ảnh hưởng của mình ở khu vực. Theo đó, cả Nhật Bản và Trung Quốc sẽ đều tích cực tham gia vào các cơ chế của ASEAN, các sáng kiến đa phương, hỗ trợ về kỹ thuật và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia ASEAN; nâng cao năng lực trên biển cho các quốc gia từ sự hỗ trợ và hợp tác của cả hai quốc gia này. Bên cạnh đó, cách tiếp cận của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn đa phương của ASEAN là nêu vấn đề tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, đưa ra các sáng kiến về an toàn, an ninh biển. Đặc biệt, thái độ của Nhật Bản khi ủng hộ PCA ra phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài quốc tế (12/7/2016) là cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, các bên trong vụ kiện cần phải tuân thủ. Điều này hoàn toàn phù hợp và tương đồng với quan điểm của ASEAN cũng như các quốc gia tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Sự tương đồng này, cùng với thái độ chủ động và tích cực của Nhật Bản, vấn đề Biển Đông sẽ được duy trì và thảo luận liên tục trong chương trình nghị sự của ASEAN, lôi kéo được sự chú ý và quan tâm từ các đối tác bên ngoài của ASEAN như Ấn Độ, Nga, Australia, … Việc biến vấn đề Biển Đông thành mối quan tâm chung của cộng đồng thế giới sẽ gây được áp lực đối với Trung Quốc, kiềm chế và giảm bớt hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, cách tiếp cận của Nhật Bản về vấn đề Biển Đông cũng tạo ra một số thách thức đối với ASEAN. Vì quan điểm cách tiếp cận vấn đề Biển Đông và quan điểm mối quan hệ với Trung Quốc của các quốc gia ASEAN là khác nhau. Chính sự khác biệt này sẽ tạo ra sự chia rẽ trong nội khối ASEAN, cản trở sự đoàn kết nội khối.

Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì chính sách Biển Đông như hiện nay, song sẽ có một số điều chỉnh nhỏ nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Theo đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông; thúc đẩy hỗ trợ một số nước ASEAN nâng cao năng lực tuần tra, kiểm soát trên biển; tiếp tục củng cố mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ; tiếp tục thông qua việc hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông; duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực.

http://biendong.net/bien-dong/33082-nhat-ban-quan-ngai-dien-bien-tinh-hinh-bien-dong.html

 

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore: Các nước cần

xây dựng niềm tin để giải quyết vấn đề Biển Đông

Phát biểu trong Hội nghị bàn tròn về An ninh hàng hải trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 tại Munich (Đức) hôm 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho rằng tự do hàng không, hàng hải theo luật pháp quốc tế cần được duy trì ở Biển Đông và hiện nay các bên liên quan cần xây dựng niềm tin để cùng để giải quyết các vấn đề tranh chấp.

“Vấn đề chủ quyền có những tình cảm dân tộc mạnh mẽ khiến các nhà lãnh đạo quốc gia rất khó có những nhượng bộ”

Đặt kỳ vọng cho tranh chấp Biển Đông, ở một khía cạnh nào đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho rằng, để giải quyết hoàn toàn vấn đề này trong tương lai gần có thể là không thể, đặc biệt là về các vấn đề chủ quyền vì có những tình cảm dân tộc mạnh mẽ khiến các nhà lãnh đạo quốc gia rất khó có những nhượng bộ nhất định.Ở một khía cạnh khác, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho rằng hiện trạng nơi các cơ sở dân sự và quân sự trên các thực thể đang tranh chấp có tác động rất tiêu cực đến tình hình khu vực. Các vấn đề chính cần được giải quyết “có thể được đưa vào trọng tâm sắc nét hơn để ngăn ngừa xung đột, nếu không giải quyết”. Những vấn đề này bao gồm duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải và cơ chế chia sẻ tài nguyên cho các khu vực như thủy sản và dầu khí. “Những lĩnh vực trọng tâm này có thể được thực hiện để thúc đẩy lợi ích chung mà không ảnh hưởng đến các khiếu nại cạnh tranh về quyền sở hữu”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói.

“Không nên đánh giá thấp các tranh chấp nghề cá. Singapore sẽ đặt các thỏa thuận hoặc sự đồng thuận nghề cá là ưu tiên hàng đầu”

Giải thích về sự cần thiết của tất cả các bên cho phép tự do hàng hải cho cả mục đích thương mại và quân sự, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho biết điều này không chỉ có nghĩa là quyền đi lại, mà còn là quyền tiến hành các huấn luyện quân sự trong vùng biển quốc tế theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Về vấn đề cơ chế chia sẻ tài nguyên, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho biết người ta không nên đánh giá thấp các tranh chấp nghề cá. Ông nói: “Tranh chấp nghề cá có thể ngăn chặn các cuộc xung đột lớn hơn khi các cơ quan cạnh tranh thực thi các quyền giả định của họ. Do đó, tôi sẽ đặt các thỏa thuận hoặc sự đồng thuận nghề cá là ưu tiên hàng đầu”. Đối với vấn đề dầu khí, trữ lượng ở Biển Đông chứa khoảng 190.000 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên và 11 tỷ thùng dầu. Ông nói rằng sẽ hợp lý khi hợp tác trong các dự án dầu khí để chia sẻ chi phí và cổ tức trong “các thỏa thuận đôi bên cùng có lợi mà không ảnh hưởng đến chủ quyền”.

“Các nước cần tăng cường hợp tác, tạo dựng niềm tin hơn nữa để giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển”

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đặc biệt nhấn mạnh việc các nước cần tăng cường hợp tác, tạo dựng niềm tin hơn nữa. Một ví dụ là việc thực thi Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) trong các cuộc tập trận trên biển với các nước đối tác để giảm thiểu rủi ro hiểu lầm và leo thang ngoài ý muốn.Ông cũng lưu ý rằng vào năm 2018, Singapore với tư cách là Chủ tịch ASEAN đã đề xuất Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển. Ngoài ra, Singapore cũng đồng tổ chức cuộc tập trận hàng hải ASEAN -Trung Quốc năm 2018 và tạo điều kiện cho thỏa thuận Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tiến hành cuộc tập trận hàng hải ASEAN -Mỹ năm 2019.

Hội nghị an ninh cấp cao kéo dài 3 ngày hàng năm quy tụ hơn 500 người đứng đầu chính phủ, bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao, nghị sĩ, lãnh đạo quân sự và các chuyên gia an ninh từ khắp nơi trên thế giới. Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 năm nay chính thức khai mạc tại thành phố Munich của Đức, với sự tham gia của khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và 100 bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới cùng các đại điện của nhiều tổ chức quốc tế. Hội nghị được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề “nóng” trên thế giới, các thách thức toàn cầu cấp bách như vấn đề biến đổi khí hậu hay sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

http://biendong.net/bien-dong/33090-bo-truong-quoc-phong-singapore-cac-nuoc-can-xay-dung-niem-tin-de-giai-quyet-van-de-bien-dong.html

 

Ý kiến chuyên gia: Sự phát triển mối quan hệ Việt – Nhật

 sẽ thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực,

 trong đó có Biển Đông

Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực đang diễn biến phức tạp và thay đổi không ngừng thì hợp tác vẫn là xu thế chiếm vai trò chủ đạo. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mối quan hệ song phương như quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” Việt Nam – Nhật Bản được đánh giá là một trong những cặp quan hệ phát triển tích cực và đang đóng góp nhiều cho sự hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Những dấu mốc quan trọng của quan hệ Việt – Nhật

Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, hai nước đã tiến hành trao đổi đại sứ quán, khởi động giao lưu, trao đổi đoàn và ký Thỏa thuận về việc Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại đối với Việt Nam. Tuy nhiên từ năm 1979, các hoạt động giao lưu giữa hai nước bị hạn chế, các khoản viện trợ đang thực hiện bị tạm ngưng. Năm 1992 là dấu mốc đặc biệt trong quan hệ hai nước khi Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam. Kể từ đó, quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa… giữa hai nước được mở rộng, sự hiểu biết và tin cậy từng bước tăng lên. Năm 2002, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Tháng 10/2006, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục có bước tiến mới sau khi hai bên ký Tuyên bố chung “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Với quyết tâm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, đến tháng 4/2009, hai nước chính thức nâng quan hệ lên tầm “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Hai năm tiếp đó, quan hệ song phương được mở thêm một trang mới với việc lãnh đạo cấp cao hai nước ký các tuyên bố chung “Phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (10/2010) và “Triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (10/2011). Trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược, trong bối cảnh tình hình quốc tế mới, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất, là cơ sở để tháng 3/2014, hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Đặc biệt, tháng 9/2015, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã ra Tuyên bố về “Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam – Nhật Bản”. Đây được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới toàn diện và tốt đẹp chưa từng có của mối quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực, như chính trị – ngoại giao, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, giao lưu cấp địa phương, giao lưu nhân dân…

Kết quả quan hệ song phương góp phần tạo động lực phát triển chung cho khu vực

Về chính trị – ngoại giao, trong những năm qua, quan hệ chính trị giữa hai bên luôn được củng cố và mở rộng, ngày càng đi vào thực chất. Hiện nay, quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao và có sự tin cậy cao thông qua các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao thường xuyên, cũng như các cơ chế đối thoại giữa các bộ, ngành. Về giao lưu cấp cao, từ khi nối lại quan hệ ngoại giao (1992) đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên duy trì các chuyến thăm lẫn nhau, như: Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam 10 lần, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản thăm Việt Nam 2 lần, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamadaki thăm Việt Nam (12/2015), Hoàng Thái tử Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam (2/2009), Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Việt Nam (28/2-5/3/2017). Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản 4 lần, Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản 2 lần, Thủ tướng thăm chính thức Nhật Bản 9 lần, Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức 3 lần. Hợp tác giữa hai quốc hội được tăng cường thông qua trao đổi đoàn cấp cao và giữa các ủy ban chuyên môn, đặc biệt là Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản và Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam. Các cơ chế đối thoại, như Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản về ngoại giao – an ninh – quốc phòng, Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam – Nhật Bản, Đối thoại An ninh; Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và nông nghiệp… được hai nước duy trì hiệu quả. Hai bên còn phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, như Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên hợp quốc… Việt Nam ủng hộ Nhật Bản vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016 – 2017 và Nhật Bản ủng hộ Việt Nam vào vị trí này nhiệm kỳ 2020 – 2021. Hai bên cùng nhau phối hợp chặt chẽ thúc đẩy để ký kết, phê chuẩn và đang hợp tác triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Về kinh tế – thương mại, Nhật Bản luôn giữ vững vị trí là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về kinh tế, luôn sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc đổi mới, trở thành nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Kể từ khi nối lại việc cấp ODA cho Việt Nam (1992) đến nay, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam chiếm hơn 1/3 tổng ODA của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam, với số vốn cam kết khoảng 30,5 tỷ USD, được phân bổ vào tất cả các lĩnh vực chủ chốt, như nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, điện lực, công nghệ – thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo… góp phần quan trọng vào việc thực hiện ba đột phá chiến lược của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững. Thông qua các nguồn ODA của Nhật Bản, nhiều dự án của Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả, trở thành biểu tượng sinh động cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, như nhà ga quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Cầu Cần Thơ, Cầu Thanh Trì, Hầm đường bộ Hải Vân, Cảng Hải Phòng, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy, các tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội…

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, Nhật Bản hiện có gần 4.000 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 50 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản…, với hai hình thức chính là 100% vốn nước ngoài và hình thức hợp đồng BOT. Năm 2017 và 2018, Nhật Bản liên tục trở thành nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư kỷ lục lần lượt đạt hơn 9,11 tỷ USD và 8,59 tỷ USD (8). Để đẩy mạnh hơn nữa dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, hai bên tích cực triển khai chương trình hành động “Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam”, gọi tắt là “Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản”, đã được hai nước ký kết vào tháng 4/2003. Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng tăng, kể từ khi hai nước dành cho nhau quy chế thuế suất tối huệ quốc (1999). Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực (10/2009), đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật Bản – ASEAN (AJCEP), VJEPA tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 33,4 tỷ USD, tăng gấp gần 2 lần so với 10 năm trước. Năm 2018, tổng giá trị xuất – nhập khẩu giữa hai nước đạt 37,860 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2017.

Trong vấn đề Biển Đông

Tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, hai nước khẳng định tiếp tục tích cực hợp tác nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Là nước điều phối quan hệ ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2018 – 2021, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đang phát huy vai trò để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ASEAN và khu vực sông Mê Công với Nhật Bản, bao gồm cả khuôn khổ Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS). Hai nước cũng nhất trí tiếp tục cùng nhau và cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy hợp tác trên biển bằng nhiều hình thức, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống tội phạm trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển…

Hai bên đều nhất trí tích cực thúc đẩy và trao đổi quốc phòng trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như luật pháp, quy định và chính sách quốc gia của mỗi nước. Cụ thể là, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp thăm lẫn nhau, tiến hành đối thoại chính sách quốc phòng định kỳ cấp thứ trưởng, đào tạo nhân lực, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, hợp tác tại các diễn đàn quốc phòng quốc tế và khu vực; đồng thời hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn song phương và đa phương, nhằm kết nối một cách hiệu quả khuôn khổ hợp tác khu vực, đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).

Nhìn chung, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang tiếp tục trên đà phát triển nhiều triển vọng. Những nền tảng tốt đẹp của lịch sử hợp tác và tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai bên sẽ là động lực để quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn mới tươi sáng hơn nữa, nhằm tạo ra sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai đất nước ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

http://biendong.net/bien-dong/33088-y-kien-chuyen-gia-su-phat-trien-moi-quan-he-viet-nhat-se-thuc-day-hoa-binh-on-dinh-va-hop-tac-o-khu-vuc-trong-do-co-bien-dong.html