Tin Biển Đông – 19/11/2018
TQ tìm cách tăng sức mạnh hải quân để đối phó Mỹ
Bắc Kinh muốn tăng cường năng lực hải quân, nhưng vẫn khó lòng theo kịp lợi thế công nghệ và khả năng hiệp đồng của Washington.
Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Nam Hải, nhằm đối phó với hoạt động của Mỹ trên Biển Đông và Thái Bình Dương. Giới phân tích cho rằng số lượng tàu chiến lớn sẽ giúp Bắc Kinh theo dõi phương tiện nước ngoài tốt hơn, nhưng khó lòng thu hẹp được khoảng cách về tiềm lực hải quân với Washington, theo SCMP.
Hải quân Mỹ hôm 15/11 cho biết hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis đang diễn tập ở vùng biển phía đông Philippines. “Việc triển khai hai nhóm tác chiến cùng lúc cho thấy sức mạnh hải quân không có đối thủ, cũng như thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cởi mở và tự do”, tư lệnh Hạm đội 7 hải quân Mỹ Phillip Sawyer phát biểu.
“Bắc Kinh đang tích cực hiện đại hóa toàn diện quân đội, nhưng năng lực của hải quân Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ”, cây bút Liu Zhen của SCMP nhận định.
Hạm đội 7 đóng quân thường trực tại Nhật Bản có thể nhanh chóng triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan với 12 chiến hạm, trong đó gồm 7 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, ba tuần dương hạm lớp Ticonderoga và 75 máy bay các loại thuộc không đoàn tàu sân bay. Đây là nhóm tác chiến mặt nước lớn nhất trong biên chế hải quân Mỹ hiện nay.
Hạm đội 7 cũng sở hữu hơn 10 tàu ngầm hạt nhân, 4 tàu đổ bộ hạng nặng, 16-20 máy bay trinh sát và 4 tàu quét mìn. Khi nổ ra chiến sự, hải quân Mỹ có thể bổ sung thêm Hạm đội 3 với biên chế gồm 4 nhóm tác chiến tàu sân bay. Lực lượng lớn này đòi hỏi khả năng hiệp đồng nhuẫn nhuyễn, điều mà Trung Quốc vẫn đang thiếu hụt.
“Trung Quốc đưa vào vận hành khoảng 44 tàu mặt nước mới trong giai đoạn 2016-2017, chia đều cho ba hạm đội. Điều này sẽ lấp đầy khoảng trống năng lực của Hạm đội Nam Hải, cho phép Bắc Kinh duy trì sự hiện diện trong thời gian dài hơn để theo dõi tàu chiến nước ngoài”, chuyên gia Collin Koh thuộc Đại học công nghệ Nanyang ở Singapore đánh giá.
Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đang sở hữu hơn 80 tàu chiến, gồm 12 tàu khu trục, 33 tàu hộ vệ tên lửa, hai biên đội tàu ngầm và 20 tàu đổ bộ. Dù liên tục được bổ sung những tàu chiến hiện đại, lực lượng này vẫn bị bỏ xa trong lĩnh vực tàu sân bay và phần lớn chiến hạm vẫn chưa có năng lực ngang ngửa với Mỹ.
Trung Quốc mới chỉ biên chế tàu sân bay Liêu Ninh, nó chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện và đang trong quá trình bảo dưỡng. Type-001A, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Bắc Kinh, vẫn đang thử nghiệm trên biển và chưa đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu. Hàng không mẫu hạm Trung Quốc chỉ mang được 40 máy bay, chưa bằng một nửa sức chở của một tàu sân bay lớp Nimitz.
Tiêm kích hạm J-15 Trung Quốc có tầm bay và khả năng cơ động tốt hơn những chiếc F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ, nhưng tải trọng vũ khí bị giới hạn đáng kể do thiết kế cầu nhảy (ski-jump) của Liêu Ninh và Type-001A. Koh cho rằng hải quân Mỹ vẫn vượt trội ở khả năng
tấn công tầm xa, các đồng minh của họ như Australia cũng sở hữu năng lực hải quân đáng gờm và kiểm soát nhiều vị trí địa chiến lược quan trọng trên Thái Bình Dương.
Bắc Kinh cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực. “Tốc độ bổ sung vũ khí mới nhanh tới mức nhiều người phải đặt dấu hỏi liệu Trung Quốc có thể duy trì khả năng đào tạo binh sĩ tương xứng hay không. Đó không phải lính bộ binh thông thường, mà là những thủy thủ có trình độ cao, đáp ứng được yêu cầu trong các chiến dịch hải quân quy mô lớn”, Koh nhận xét.
http://biendong.net/bi-n-nong/24805-tq-tim-cach-tang-suc-manh-hai-quan-de-doi-pho-my.html
TQ đang ngụy biện về chủ quyền và hoạt đông
ở Biển Đông nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế
Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã cải tạo được một diện tích đất rộng khoảng 2.000 mẫu Anh (800ha), lớn hơn diện tích đất của tất cả các bên tranh chấp khác cộng lại. Hành động này của Trung Quốc cùng với một loạt hành động khác mà Trung Quốc đã thực hiện trong thời gian qua như công bố yêu sách “đường 9 đoạn”; hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) ở sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; đơn phương công bố lệnh cấm đánh bắt cá vào mùa cao điểm; cản trở hoạt động tiếp tế cho lực lượng Philippines đóng tại Bãi Cỏ Mây; đưa máy bay ném bom đến Hoàng Sa; triển khai vũ khí, radar, tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B trên ba bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi… Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đang sử dụng ngôn từ để ngụy biện cho các tuyên bố, hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tính ngụy biện trong yêu sách chủ quyền ở Biển Đông
Từ khía cạnh luật quốc tế và chứng cứ lịch sử đều chứng minh Trung Quốc không có chủ quyền đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa từ Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng các quy định luật pháp quốc tế hiện hành, bao gồm Hiến chương LHQ, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Vì thế, Bắc Kinh đang sử dụng mọi chiêu bài để ngụy biện chủ quyền đối với hai vùng biển này, cụ thể: (1) Trước những chỉ trích của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về vấn đề Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, leo thang căng thẳng và gây lo ngại trong khu vực, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (26/7/2018) ngang nhiên cho rằng: “Biển Đông là lãnh thổ mà tổ tiên (Trung Quốc) để lại, một tấc cũng không được đánh mất. Thứ gì của người khác thì một phân chúng tôi cũng không cần”. Trên thực tế, tuyên bố của ông Tập Cận Bình cũng chỉ là một hình thức ngụy biện lập trường “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông. Dựa vào lập trường này, Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc yêu sách đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Giới chuyên gia, học giả quốc tế đã nhiều lần chỉ trích và lật tẩy lý lẽ ngụy biện của Trung Quốc về “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông. Giáo sư Monique Chemillier Gendreau, Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu từng nhận định: “Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng điều đó không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này…”. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa của Trung Quốc cũng lên án và cho rằng: “Chứng cứ lịch sử đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự. Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa, chúng ta không có được điều đó…”.
Vì vậy, tuyên bố của ông Tập Cận Bình là nhằm sử dụng những căn cứ lịch sử không có giá trị pháp lý để biện minh cho các hành động xâm chiếm lãnh thổ của nước khác, biến các lãnh thổ đó trở thành các căn cứ quân sự, phục vụ cho chiến lược độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Tính ngụy biện trong việc quân sự hóa ở Biển Đông
Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Singapore, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (8/2018) cho rằng: “Một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã điều một lượng lớn khí tài chiến lược vào khu vực, đặc biệt là Biển Đông để phô trương sức mạnh quân sự và gây sức ép lên các nước trong khu vực, gồm Trung Quốc; điều này khiến Trung Quốc phải tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông để tự vệ”. Việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị viện cớ “sức ép từ bên ngoài khu vực” để biện minh cho hành động quân sự hóa phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông là không thể chấp nhận được, vì lời biện minh trên chỉ mang tính chất ngụy biên và hoàn toàn mâu thuẫn với những động thái thực tế của Bắc Kinh.
Trên thực tế, Mỹ và các nước đồng minh tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực chỉ đơn thuần là thực hiện các kế hoạch tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông một cách hợp pháp và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Trong khi đó, Trung Quốc lại gia tăng các hoạt động quân sự hóa tại các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông những năm qua, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh đã ngang ngược đưa máy bay ném bom đến Hoàng Sa, đồng thời triển khai vũ khí, radar, tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B trên ba bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tính ngụy biện trong việc cải tạo phi pháp các đảo đá ở Trường Sa
Từ khi bắt đầu quá trình cải tạo phi pháp 7 đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần ngụy biện, cáo buộc Việt Nam và các nước trong khu vực Biển Đông. Trung Quốc ngang ngược cho rằng mình có “chủ quyền không thể tranh cãi” ở Biển Đông, việc cải tạo các đảo đá là công việc nội bộ của Trung Quốc, cáo buộc Philippines đã vi phạm DOC thông qua hoạt động xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự quy mô lớn, bao gồm sân bay, cảng và doanh trại.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã hoàn thành cải tạo phi pháp 7 đảo đá ở Trường Sa. Theo Báo cáo điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, trong nhiều tháng qua, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động lấn biển, thi công các công trình với quy mô rất lớn trên tất cả các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt hiện nay các hoạt động này diễn ra liên tục tại năm địa điểm, cụ thể là bãi đá Gaven khoảng 15ha, Gạc Ma khoảng 13,2ha, Châu Viên khoảng 24ha; Huy Gơ khoảng 9,2ha và lớn nhất là Chữ Thập khoảng 180ha.
Trước những lời cáo buộc vô căn cứ và ngụy biện một cách trắng trợn về những hành động phi pháp của Trung Quốc, giới học giả quốc tế đã kịch liệt bác bỏ. Các chuyên gia cho rằng chính hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc mới là vi phạm DOC và Trung Quốc không có cơ sở nào để so sánh các hành vi thay đổi hiện trạng của mình với hoạt động xây dựng của các nước láng giềng. Ông Gregory Poling, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), chỉ rõ: “Tại Trường Sa, Trung Quốc là nước duy nhất xây đảo từ các thực thể trước đây chìm dưới biển và trong quá trình xây dựng gây ra những thiệt hại sinh thái vô cùng lớn. Các nước khác trong khu vực cũng có những hoạt động cải tạo đảo một cách giới hạn, nhưng về bản chất hoàn toàn khác với những gì Bắc Kinh đang làm: biến không thành có”. Tiến sĩ Zachary Abuza (chuyên gia về an ninh khu vực Đông Nam Á, Mỹ) bổ sung: “Trung Quốc cũng đang có mưu đồ dùng những đảo này để biện minh cho vùng đặc quyền kinh tế của mình. Và quan trọng hơn, việc xây những đảo này là hoàn toàn cho mục đích quân sự và là cơ sở để tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Đây là điểm khác biệt mấu chốt”. Ngoài ra, khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được cộng đồng và luật pháp quốc tế thừa nhận từ thế kỷ 17, nên việc Việt Nam xây dựng, nâng cấp các công trình phục vụ dân sinh, kinh tế, an ninh, quốc phòng… trên đất của mình hoàn toàn là chuyện bình thường, không phải là những hoạt động làm thay đổi hiện trạng, làm cho tình hình biển Đông thêm căng thẳng. Trong khi đó, Trung Quốc mới đánh chiếm một số thực thể phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa từ năm 1988; việc tiếp tục xây dựng, tăng cường điều động binh lính xuống đóng giữ… biến bãi cạn thành đảo nổi phục vụ mục đích tấn công quân sự, tìm cách khống chế Biển Đông, không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam như đã phân tích ở trên mà còn phá vỡ cam kết được ghi nhận tại Điều 4 và Điều 5 của DOC, cố tình phá vỡ hiện trạng đúng theo tinh thần của DOC.
Tính ngụy biện về “chủ quyền lãnh thổ” trên Biển Đông
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (9/4/2015) cho rằng, hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm “thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc trong việc tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống và khắc phục thiên tai, hoạt động nghiên cứu và khoa học biển”, cho rằng việc xây dựng này để Trung Quốc có thể bảo vệ tốt hơn “chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích biển, phục vụ cho các hoạt động phòng thủ quân sự cần thiết”. Phát biểu phi lý trên của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là cách ngụy biện nhằm “trấn an” các nước láng giềng và khu vực, song Trung Quốc càng ngụy biển chỉ khiến cộng đồng quốc tế càng mất lòng tin vào một “nước lớn,” một Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trên thực tếbãi đá ngầm như Châu Viên, Chữ Thập, Gaven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Xu Bi là những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm năm 1988. Do đó, việc lý giải những hoạt động xây đảo nhân tạo ở Trường Sa để nhằm bảo vệ tốt hơn “chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích biển…” của Trung Quốc chỉ là sự ngụy biện. Thậm chí, đại diện Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng, việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo hay bảo vệ “vùng biển mở” là “nhu cầu phát triển quốc gia” của Trung Quốc. Không chỉ có vậy, âm mưu lâu dài của Trung Quốc là biến các đảo nhân tạo này thành các căn cứ quân sự, hình thành tuyến phòng thủ phía trước, kiểm soát các tuyến đường hàng hải và hàng không trong khu vực. Khi hoàn thành bồi lấp các bãi đá thành các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống ra đa trinh sát, giám sát, tầm xa, máy bay trinh sát báo động sớm trên không; mở rộng khả năng neo đậu của tàu thuyền có trọng tải lớn, qua đó mở rộng hoạt động của lực lượng chấp pháp trên biển, triển khai lực lượng hải quân tuyến trước, nhất là mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay chiến đấu; triển khai các đơn vị không quân chiến đấu; các hệ thống tên lửa đường đạn, tên lửa đất đối không, tên lửa chống tàu trên các đảo…
Tính ngụy biện trong yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn”
Trung Quốc (7/5/2009) nhằm khẳng định chủ quyền sai trái của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam, đã gửi công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc theo quy định của UNCLOS, Trung Quốc cũng đã gửi kèm một sơ đồ trên đó thể hiện “đường 9 đoạn” của mình trên Biển Đông. Trong công hàm Trung Quốc đã nêu quan điểm “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó”. Với lập luận “đường 9 đoạn” Trung Quốc đã thể hiện yêu sách của mình đối với 80% diện tích của Biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc dân đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi, đó là Trung Quốc đã bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn.
Công hàm này là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua, thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về ý nghĩa pháp lý quốc tế của “đường 9 đoạn” và cũng là lần đầu tiên mà Trung Quốc chính thức công bố sơ đồ đường yêu sách này với thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc không hề đưa ra bất cứ một lời giải thích hoặc chứng cứ pháp lý khẳng định nước này có “chủ quyền” theo “đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc ngang nhiên cho rằng họ không muốn rõ ràng làm rõ “đường lưỡi bò” vì như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến các nước khác vì Trung Quốc sẽ phải lấy tất cả các đảo mà các nước khác đang
chiếm trên đó . Vì vậy chính sách tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng như hiện nay là không làm rõ ràng “đường lưỡi bò”.
Cách tuyên bố và giải thích trên của Trung Quốc chỉ là mang tính ngụy biện cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Thực tế không có “đường lưỡi bò” thì Trung Quốc vẫn duy trì cái chính sách chủ quyền đối với các đảo. Cũng lập luận vì Trung Quốc có yêu sách nên bắt buộc phải dùng vũ lực cho nên Trung Quốc cũng đã yêu sách đối với chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) cũng như các đảo khác trong tranh chấp với Philipines. Không những vậy, Trung Quốc muốn sử dụng mập mờ “đường lưỡi bò” là một để đòi hỏi quyền chủ quyền và quyền tài phán, chủ yếu là tài nguyên của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác; bản thân nội bộ Trung Quốc cũng có ít nhiều ý kiến khác nhau và họ cũng không thống nhất nhau làm thế nào để làm rõ ràng và cơ bản là làm rõ yêu sách theo Công ước luật biển sẽ làm hạn chế việc Trung Quốc tự do hoạt động như bây giờ.
Trên khía cạnh pháp lý, Tòa trọng tài theo phụ lục VII của LHQ (7/2016) đã ra phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, trong đó tuyên bố: Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng UNCLOS quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước UNCLOS liên quan đến tài nguyên đã được xem xét nhưng chúng không được thông qua và quy định tại UNCLOS. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong UNCLOS. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn” hay còn được gọi là “đường lưỡi bò”.
Ngoài ra, xét về mặt nhà nước xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì duy nhất chỉ có Nhà nước Việt Nam là có đầy đủ chứng cứ và phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về xác lập chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ. Với những cơ sở pháp lý được thể hiện qua các phương diện như sử học, khảo cổ học, luật pháp và văn hoá biển đã chứng minh vào nửa đầu thế kỷ XVII khi Nhà nước Việt Nam đã thiết lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa có bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào trong khu vực và trên thế giới xác lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo đó. Việc các Chúa Nguyễn thực thi chủ quyền về mặt nhà nước được thể hiện rõ nét qua các sự kiện quan trọng như tổ chức “Đội Hoàng Sa,” “Đội Bắc Hải”…
Các hoạt động của Chúa Nguyễn, Triều đại Tây Sơn đến Triều đình Nhà Nguyễn và các thể chế nhà nước tiếp theo tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu lại trong rất nhiều tài liệu lịch sử của các sử quan và sử gia đương thời cũng như các bộ chính sử của Nhà nước Việt Nam tiêu biểu như “Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686), “Phủ Biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776), Đại Việt sử ký toàn thư (1697)… và những ghi chép của nhiều học giả nước ngoài như “Hải ngoại ký sự” Thích Đại Sán….
Điều đó cho thấy, việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là về mặt nhà nước, chứ không phải là hành động sử dụng vũ lực để tiến hành sự xâm lăng, chiếm cứ hay phát hiện của một cá nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về khẳng định chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ của quốc gia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực có được cơ sở pháp lý quốc tế khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
Tính ngụy biện trong việc bắn tàu Việt Nam
Trung Quốc là một trong những nước có cách hành xử thô bạo, nguy hiểm và có phần tàn độc đối với ngư dân các nước đang đánh bắt cá trên Biển Đông. Một trong những ví dụ điển hình là tàu chấp pháp Trung Quốc đã nhiều lần đâm, va, thậm chí nổ súng bắn chìm tàu của Việt Nam. Trước những hành động phi pháp, thô bạo trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang ngược cho rằng “việc tàu Trung Quốc có hành động với tàu Việt Nam là chuyện cần thiết và hợp pháp”. Tuyên bố ngụy biện trên của Trung Quốc không chỉ vấp phải sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế mà còn khiến các nước hiểu rõ bộ mặt nham hiểm và thủ đoạn của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đưa ra lời phản đối mạnh mẽ trước việc tàu Trung Quốc truy đuổi, bắn, đâm va tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động bình thường ở Biển Đông.
Giới chuyên gia, học giả Trung Quốc cũng ngụy biện về vấn đề pháp lý liên quan Biển Đông
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng UNCLOS quy định về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển chỉ “đơn thuần là quy định về quyền kinh tế và không liên quan đến chủ quyền”. Từ cách hiểu này cho thấy, giới chuyên gia Trung Quốc đang hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai các quy định của UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế, trong đó Điều 56 quy định rõ về các quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển. Các quyền mà quốc gia ven biển có được là sự thể hiện của nguyên tắc “đất thống trị biển” cho phép mở rộng các quyền về khai thác lợi ích kinh tế của một quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình, đồng thời trao cho các quốc gia ven biển quyền tài phán hợp pháp đối với các lĩnh vực lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển và bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Với lập luận này, giới chuyên gia Trung Quốc đã bỏ qua thực tế rằng những vùng biển mà Trung Quốc đang tiến hành những hành động trái phép là thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, một quốc gia ven biển. Những quyền này xuất phát và có liên hệ với chủ quyền của Việt Nam trên đất liền và từ các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Không những vậy, giới chuyên gia Trung Quốc cũng “đánh lận con đen” khi cố gắng bào chữa rằng việc Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế lên án vì đã có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế là “bất công” đối với nước này bởi lẽ theo giới chuyên gia Trung Quốc, các nước khác như Việt Nam cũng đang vi phạm (ám chỉ việc cải tạo các công trình trên các đảo mà Việt Nam có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa). Đây là một lập luận ngụy biện và khá nguy hiểm. Vì hoạt động của Việt Nam tại đây đang được tiến hành trên các đảo mà Việt Nam có chủ quyền hợp pháp và do đó đây chính là một hoạt động hợp pháp. Mặt khác, đây là hoạt động cải tạo đã từ trước đó và hoàn toàn không làm thay đổi hiện trạng hoặc tạo ra sự đe dọa về quân sự cũng như an ninh hàng hải, hàng không. Ở đây, giới chuyên gia Trung Quốc cũng đã cố tình quên rằng từ năm 2014 đến nay Trung Quốc đã tiến hành một cách ồ ạt với quy mô lớn chưa từng có để biến đổi các bãi cạn lúc nổi lúc chìm mà họ cưỡng chiếm trái phép bằng vũ lực của Việt Nam như Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập… trở thành những đảo nhân tạo có quy chế pháp lý hoàn toàn khác với trước đó theo luật biển quốc tế. Hơn nữa, việc cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc một mặt nhằm mục đích rõ ràng là củng cố yêu sách của nước này tại khu vực này, đồng thời biến các thực thể đó trở thành các căn cứ quân sự khổng lồ với các pháo đài, đường băng quân sự, khu neo đậu tàu chiến… tạo ra một mối đe dọa to lớn đối với hoạt động hàng hải, hàng không tại khu vực này.
Ngoài ra, giới chuyên gia Trung Quốc tiếp tục cho rằng Trung Quốc mong muốn đàm phán song phương với các nước liên quan và cho đó là điều quan trọng để hiểu nhau trước khi bắt đầu đàm phán đa phương. Lập luận này cho thấy ý đồ của Trung Quốc là đem vấn đề lợi ích để tạo ra sự chia rẽ giữa các nước liên quan và tránh cho Trung Quốc phải đối mặt với áp lực từ phía cộng đồng quốc tế. Ở đây, giới chuyên gia Trung Quốc đã nhập nhằng hoặc cố tình đánh tráo khái niệm, giữa việc những tranh chấp với các nước về vấn đề chủ quyền với vấn đề quyền và lợi ích của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các quyền tự do biển cả, mà tiêu biểu là quyền tự do hàng hải, tự do hàng không.
Giới chuyên gia Trung Quốc cũng lập luận rằng để giải quyết vấn đề Biển Đông thì cần phải có sự nhượng bộ và sự nhượng bộ này phải đến từ hai bên chứ không thể chỉ có một bên nhượng bộ (ý nói Trung Quốc). Suy nghĩ này của phía học giả Trung Quốc là cách ngụy biện để làm cho dư luận hiểu rằng chỉ có Trung Quốc mới là quốc gia tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế, đồng thời đổ vấy cho các nước liên quan cố tình làm xấu đi tình hình. Thực tế thời gian qua đã cho thấy chính Trung Quốc mới là bên gây hấn, sử dụng các thủ đoạn và bất chấp luật pháp quốc tế trên biển Đông. Những hành vi ban hành lệnh cấm đánh bắt, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam, cải tạo đảo nhân tạo, phá hủy môi trường sinh thái biển, quân sự hóa Biển Đông… đã cho thấy một thực tế không thể chối cãi rằng Trung Quốc là nước vi phạm các quy định luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Chi tiết mới và bất ngờ về vụ đụng độ đầu tiên
của tàu khu trục Mỹ và TQ ở Biển Đông
Tàu Luyang của Trung Quốc đã tiến sát khu trục hạm của Mỹ khoảng 16m, sau đó chiếc USS Decatur đã phải đổi hướng “để tránh va chạm”, sự việc trở nên đặc biệt gay cấn.
Những chi tiết bất ngờ về vụ đụng độ
Theo chuyên gia quân sự người Nga Alexander Sitnikov, một tháng trước, Bắc Kinh gọi các cuộc tuần tra tự do của Mỹ – FONOP (Freedom of navigation operations) trên Biển Đông là nguy hiểm và khiến cho nguy cơ xung đột quân sự giữa hai quốc gia trở nên rõ hơn bao giờ hết.
Sự việc diễn ra ngày 30/9/2018 đã được mang ra làm ví dụ khi xuất hiện mối đe doạ đụng độ thực sự giữa chiếc tàu khu trục 052C lớp Luyang (lớp Lữ Dương) và khu trục hạm USS Decatur của Mỹ.
Những tưởng mọi người đã dần quên đi sự việc này, nhưng mới đây lại xuất hiện những chi tiết bất ngờ gây ra hiệu ứng bùng nổ.
Tờ The Morning Post của Hồng Kông đã đăng tải đoạn video mới, trong đó có thể thấy rõ chiếc tàu khu trục Trung Quốc đã di chuyển nguy hiểm để bắt chiếc tàu chiến của Mỹ phải đổi hướng.
Những câu nói của thuyền trưởng tàu Trung Quốc
Trước đó, bắt đầu từ năm 2011, Mỹ thường xuyên triển khai các hoạt động tuần tra hàng hải FONOP.
Những hoạt động này được khởi xướng bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã chỉ đạo các tàu chiến Mỹ tiếp cận cách ở khoảng cách 12 hải lý tới các địa điểm mà Trung Quốc bồi đắp trái phép.
Bằng cách này, Washington phủ nhận các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump không thay đổi chính sách của người tiền nhiệm, và thậm chí còn tăng cường thêm.
Hôm 29/9/2018, Washington đưa tin về khả năng bán cho Đài Loan các khí tài không quân. Đồng thời chuyến hải trình của USS Decatur tới khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông đã được tiến hành.
Lầu Năm Góc tuyên bố: “Hạm đội hải quân Mỹ sẽ hiện diện ở tất cả những nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, những chiến dịch này được cân nhắc kỹ để đáp ứng các quy định của pháp luật”.
Thêm một câu mang tính cảnh báo của Bộ Quốc phòng Mỹ: “Trong quá khứ, Trung Quốc từng phản ứng trước lời nói khó chịu của Washington và nói chung đã thực thi điều hướng an toàn các tàu chiến của Hải quân Mỹ”.
Trở lại sự kiện xảy ra ngày 30/9, tại khu vực Đá Ga Ven. Đoạn băng ghi hình và ghi âm mới của The Morning Post cho thấy điều gì thực sự đã xảy ra. Đáng chú ý nhất là tuyên bố của thuyền trưởng tàu Trung Quốc với các sĩ quan, thủy thủ trên tàu chiến Mỹ.
Chiếc tàu Luyang của Trung Quốc đã tiến sát khu trục hạm của Mỹ khoảng 16m, sau đó chiếc USS Decatur đã phải đổi hướng “để tránh va chạm”. Câu nói “đây là lời cảnh cáo cuối cùng của Trung Quốc” làm cho sự việc trở nên đặc biệt gay cấn.
“Các anh đang di chuyển theo hướng nguy hiểm. Nếu các anh không đổi hướng thì chiếc tàu của các anh sẽ chịu hậu quả”, thuyền trưởng của Luyang nói. Chưa có ai trong lịch sử đương đại nói như thế với các thuỷ thủ của Mỹ.
Phía Trung Quốc trước đây từng phát đi các thông báo xua đuổi máy bay, tàu chiến Mỹ. Ví dụ như vào tháng 5/2015, tổ lái của chiếc máy bay P-8A Poseidon khi bay trên khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép đã nhận được thông báo như sau: “Xin hãy quay đầu…, để tránh sự hiểu lầm”.
Nhưng để đe doạ một cường quốc như Mỹ bằng cách nhắc đến “hậu quả”… – là điều xảy ra lần đầu. Đại uý Charles Brown, đại diện của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) đã lên tiếng với công chúng qua CNN: “Chiếc tàu chiến của Trung Quốc đã thực hiện thao tác không an toàn và không chuyên nghiệp”.
Bàn về sự tương tác giữa TQ, ASEAN và Mỹ
ở Biển Đông hiện nay
Những năm gần đây, tuyên bốvàhành độngđơn phương của Trung Quốcđã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế và đặt ra những thách thức đối với ASEAN trong việc duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực.
Sự tương tác giữa các cạnh trong tam giác Trung Quốc, ASEAN và Mỹ trong vấn đề Biển Đông có các động lực riêng của nó. Trung Quốc liên tục theo đuổi các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông đã khiến các nước ASEAN liên quan đến tranh chấp lo ngại về an ninh của họ cũng như sự ổn định ở khu vực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Trung Quốc càng quyết đoán ở Biển Đông thì sức mạnh mềm của Trung Quốc tại khu vực càng giảm sút. Mặc dù hầu hết các nước ASEAN đều có lợi ích trong quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc, song các nước này cũng ngày càng cảnh giác trước ý đồ của Bắc Kinh. Một mặt, các nước ASEAN phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc, mặt khác họ tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ và hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực. Một sốnước trong ASEAN đã tiến hành các động thái nhằm hiện đại hóa quân sự và tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ để cân bằng lại quyền lực ở khu vực này. Do đó, Mỹ càng có nhiều lý do để can dự vào Đông Nam Á và tạo ảnh hưởng đối với vấn đề Biển Đông.
Với Mỹ, một mặt cạnh tranh với Trung Quốc để việc duy trì vị thế lãnh đạo tại châu Á – Thái Bình Dương, mặt khác Mỹ cũng cần hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Trong bối cảnh đó, vấn đề Biển Đông giúp Mỹ có lý do để duy trì can dự tại khu vực và tập hợp lực lượng để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Đa phần các ý kiến đều cho rằng Trung Quốc càng hùng mạnh bao nhiêu thì lợi ích của Mỹ tại châu Á cũng sẽ lớn lên bấy nhiêu. Vì thế, Mỹ tái khẳng định lợi ích và lập trường của nước này về vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Gần đây, Mỹ tiếp tục duy trì lập trường trên, cho dù là với các mức độ khác nhau tại các diễn đàn khu vực khác nhau.Ở một góc độ khác, chính sách và lập trường của của Mỹ ảnh hưởng đến cả lập trường của những nước khác, đặc biệt là những nước có mối quan hệ gần gũi với Mỹ. Tiếp sau Mỹ, các quốc gia có lợi ích tại Biển Đông như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và ngay cả một số quốc gia EU khác cũng bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây tại Biển Đông.
Ngoài ra, việc Trung Quốc đe dọa các công ty dầu mỏ và khí đốt quốc tế trong làm ăn với các nước ASEAN đã không ngăn cản được các công ty này nhưng lại tạo cớ cho Mỹ bày tỏ quan điểm của mình về “hoạt động thương mại không bị cản trở” và khiến Mỹ quyết tâm hơn trong việc bảo vệ lợi ích của các tập đoàn Mỹ. Hành động này đã khiến các nước nhỏ hơn tại Đông Nam Á tìm cách hợp tác với các công ty dầu mỏ và khí đốt của các nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Kết quả là Biển Đông đã trở thành vấn đề có sự đan xen lợi ích của các cường quốc và đang ngày càng được quốc tế hóa, một cục diện mà Trung Quốc không hề mong muốn và thực tế đang tìm cách phá bĩnh.
Quan trọng hơn, Biển Đông đã trở thành một trong những vấn đề chính yếu trong quan hệ Mỹ-Trung. Trong những năm trước đây, khi vấn đề Biển Đông luôn là một trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của các nước có tranh chấp trong ASEAN thì vấn đề này chỉ là ưu tiên hạng hai trong chính sách của Trung Quốc, ít nhất là so với chính sách của Trung Quốc trong mối quan hệ với các nước lớn. Hiện nay, khi vấn đề Biển Đông trở thành một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Trung Quốc thì cách tiếp cận của Trung Quốc sẽ trở nên đồng bộ và thống nhất hơn. Do đó, chính sách Biển Đông của Trung Quốc có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt khi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy cần thiết. Diễn biến này có cả tác động tích cực và tiêu cực cho ASEAN, phụ thuộc vào việc liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định điều chỉnh chính sách mềm mỏng hay cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc đang triển khai một chính sách mang tính phối hợp và tập trung trong vấn đề Biển Đông. Để ngăn chặn Philippines, Trung Quốc áp dụng một cách tiếp cận đồng bộ và toàn diện, từ việc gây áp lực về ngoại giao, tăng cường hiện diện ở khu vực tranh chấp với hàng trăm tàu cá và tàu chấp pháp từ các cơ quan khác nhau (Hải giám và Ngư chính), áp dụng việc trừng phạt kinh tế đối với các sản phẩm nông nghiệp của Philippines và tăng cường hoạt động tuyên truyền ra quốc tế. Để đáp trả việc Việt Nam thông qua Luật Biển, Trung Quốc cũng đã tiến hành đồng thời các biện pháp đa chiều như đưa ra phản đối ngoại giao; thiết lập thành phố Tam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield, Quần đảo Trường Sa và “các vùng nước liền kề” ở Biển Đông; mời thầu quốc tế các lô dầu khí bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; triển khai một số lượng lớn các tàu tuần tra ở Biển Đông và đồn trú lực lượng quân sự ở “thành phố Tam Sa” được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Trong quan hệ với ASEAN, để ảnh hưởng đến cuộc thảo luận nội khối ASEAN, Trung Quốc sử dụng kinh tế, quân sự để tìm cách lôi kéo, mua chuộc các nước như Campuchia, Philippines, khiến cho ASEAN rơi vào tình trạng bị chia rẻ, khó khăn trong việc đi đến tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.
Kết quả của việc áp dụng một cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ và tập trung, chính sách Biển Đông của Trung Quốc là nhằm hướng tới “tranh chấp mở rộng với cường độ thấp”. Chính sách này là sự kết hợp giữa tăng cường sự hiện diện, kiểm soát của lực lượng dân sự và bán quân sự ở tất cả các khu vực bên trong đường lưỡi bò; kiềm chế sử dụng các lực lượng quân sự; hứa hẹn đầu tư mạnh mẽ về kinh tế đối với các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các nước không tranh chấp; và tích cực tăng cường áp lực ngoại giao để ngăn cản ASEAN hình thành một lập trường chung về Biển Đông. Với cách thức này, Trung Quốc tăng khả năng hạn chế Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông.
Mỹ hiện tại đang ở trong một tình thế khó xử. Việc chưa gia nhập Công ước Luật Biển đã làm hạn chế tính chính danh của Mỹ khi chỉ trích các quốc gia khác không tôn trọng luật biển. Sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng hải quân Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc tranh giành quyền kiểm soát tài nguyên ở Biển Đông, chủ yếu diễn ra giữa tàu chấp pháp của các nước ven biển. Việc Trung Quốc thành công khi đẩy lùi Philippines và thiết lập sự hiện diện của nước này ở Bãi cạn Scarborough bất chấp các nỗ lực của Mỹ nhằm giảm bớt căng thẳng cho thấy những giới hạn trong sự can dự của Mỹ.
ASEAN đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong bối cảnh cạnh tranh Trung – Mỹ ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á, liệu ASEAN sẽ bị chia rẽ hay đoàn kết hơn để duy trì tính trung tâm của khối trong cấu trúc an ninh khu vực. Vai trò của ASEAN trong việc quản lý các tranh chấp ở Biển Đông có thể bị hạn chế bởi sự chia rẽ trong nội khối và những tác động từ bên ngoài.
Du khách Trung Quốc làm lễ chào cờ ở Hoàng Sa
Hơn 100 du khách Trung Quốc đã làm lễ chào cờ trên một trong những đảo của quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông, theo truyền thông đại lục.
Lễ chào cờ được cử hành vào cuối tuần qua trên đảo Ba Ba, nằm trong vùng biển giữa bờ biển phía đông bắc của Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc, theo trang tin tức Thepaper.cn ở Thượng Hải hôm thứ Hai 19/11.
Tờ Bưu điện Hoa Nam nói rằng video quay lễ chào cờ cho thấy một nhóm du khách Trung Quốc mang cờ, hát quốc ca, và hô khẩu hiệu “Trung Quốc muôn năm.”
Trang tin tức Thepaper.cn trích lời du khách Deng Runping nói rằng: “Tại lễ chào cờ, tôi cảm thấy rất trang nghiêm và trang trọng, bởi vì đây là điểm cực nam của tổ quốc. Tôi luôn nguyện với lòng mình rằng tôi sẽ đến nơi này. Cuối cùng, giấc mơ của tôi đã thành hiện thực. Tôi vô cùng tự hào khi đứng đây nhìn vào quốc kỳ Trung Quốc.”
Đảo Ba Ba là một bãi cát thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa. Đảo này nằm cách đảo Ốc Hoa khoảng 1,6 km về phía đông nam và cách bãi Xà Cừ 2,4 km về phía tây nam. Đảo có diện tích chỉ 1 hecta và chưa tới 100 cư dân, hầu hết là ngư dân. Trung Quốc đã chiếm hòn đảo nhỏ này sau trận chiến với miền Nam Việt Nam năm 1974.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường sự hiện diện trên quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
(Theo SCMP, Thepaper.cn, Wikipedia)
https://www.voatiengviet.com/a/du-khach-trung-quoc-lam-le-chao-co-o-hoang-sa/4664726.html