Tin Biển Đông – 19/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

TQ bác bỏ phúc trình ‘vô trách nhiệm’ của Mỹ

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Bảy lên tiếng ‘phản đối mạnh mẽ’ nội dung bản phúc trình của Ngũ Giác Đài về việc phát triển quân sự và an ninh của Trung Quốc.

Bắc Kinh thúc giục Mỹ hãy ‘ngưng việc đưa ra những nhận định không đúng đắn’, Tân Hoa Xã tường thuật.

Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong bản phúc trình thương niên gửi Quốc hội nói rằng quân đội Trung Quốc “nhiều khả năng đang luyện tập để tấn công” vào các mục tiêu của Mỹ và đồng minh ở Thái Bình Dương.

TQ ‘đang luyện tập để tấn công’ các mục tiêu Mỹ

‘TQ sẽ có hàng loạt vệ tinh theo dõi Biển Đông’

Thái Anh Văn: ‘Không ai có thể ‘xóa bỏ’ Đài Loan’

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đáp trả với việc nói rằng bản phúc trình đã nói vống về cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” và sự “thiếu minh bạch trong quân sự”.

‘Phỏng đoán thuần túy’

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đệ đơn phản đối tới Mỹ về nội dung trên, và nói đó hoàn toàn chỉ là “phỏng đoán thuần túy”.

“Trong vòng ba năm qua, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã nhanh chóng mở rộng các vùng hoạt động trên mặt nước của các phi cơ ném bom, tích lũy kinh nghiệm ở các vùng biển then chốt và nhiều khả năng đang luyện tập để tấn công vào các mục tiêu của Hoa Kỳ và đồng minh,” bản phúc trình của Ngũ Giác Đài viết.

Bản phúc trình, được công bố vào thời điểm hai nước đang có quan hệ căng thẳng quanh vấn đề thương mại, điểm việc Bắc Kinh nâng cao năng lực quân sự, trong đó có khoản chi tiêu quốc phòng trong năm 2017 ước tính là trên 190 tỷ đô la, bằng một phần ba của Hoa Kỳ.

Bản phúc trình cũng cảnh báo về việc Trung Quốc có các kế hoạch đưa các nhà máy điện hạt nhân ra các đảo và bãi đá ở Biển Đông.

“Các kế hoạch của Trung Quốc trong việc cung ứng điện cho các đảo này có thể sẽ bổ sung thêm yếu tố hạt nhân vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ,” bản phúc trình viết.

“Trung Quốc ra chỉ dấu cho thấy các kế hoạch phát triển có thể diễn ra nhằm cung cấp điện cho các đảo và bãi đá ở vùng Biển Đông nhiều bão tố bằng các trạm điện hạt nhân nổi; tin tức nói việc phát triển sẽ bắt đầu trước khi bước vào năm 2020.”

Bắc Kinh nói rằng bản phúc trình đã hoàn toàn phớt lờ các thực tế và đã đánh giá một cách không đúng đắn những nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích an ninh của nước này.

“Quân đội Trung Quốc cương quyết phản đối điều này, và đã đệ trình công hàm nghiêm khắc tới phía Mỹ,” tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra cuối ngày thứ Sáu 17/8 viết.

‘Phát triển hòa bình, mang tính phòng thủ’

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ngày hôm sau tiếp tục nhấn mạnh rằng trong vai trò là một bên luôn hỗ trợ cho hòa bình thế giới, một quốc gia đóng góp cho sự phát triển toàn cầu và là bên duy trì trật tự quốc tế, Trung Quốc luôn đi theo con đường phát triển hòa bình và chiến lược quốc phòng mang tính phòng thủ.

“Các nỗ lực của Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực quốc phòng là nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ,” ông Lục được Tân Hoa Xã dẫn lời. Ông nói thêm rằng thực thị các quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền là điều hoàn toàn chính đáng và không thể bị chất vấn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ từ bỏ cách suy nghĩ thời Chiến tranh Lạnh và cách tiếp cận kiểu cũ, và hãy có thái độ tích cực đối với Trung Quốc, đồng thời ngưng việc ra các bản phúc trình ‘vô trách nhiệm’, hướng tới duy trì sự phát triển ổn định trong quan hệ giữa hai quốc gia cũng như quân đội hai nước.

TQ nói Mỹ ‘kiếm cớ không mời Bắc Kinh tập trận’

Phi cơ ném bom TQ hạ cánh xuống Biển Đông

Trung Quốc đang đặt hệ thống tên lửa Biển Đông?

TQ tập trận quy mô lớn trên Biển Đông

Trong năm nay, không quân Trung Quốc đã cho phi cơ ném bom đáp xuóng các đảo và bãi đá ở Biển Đông trong khi diễn tập ở vùng biển có tranh chấp.

Tuy Washington và Bắc Kinh vẫn duy trì mối quan hệ quân sự với nhau nhằm tháo gỡ căng thẳng, nhưng mối quan hệ này đã bị thử thách trong những tháng gần đây.

Đáng chú ý là hồi tháng Năm, Bộ Quốc phòng Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận chung đa quốc gia.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45238538

 

‘Tàu cứu nạn’ ở Trường Sa: Vỏ bọc của Trung Quốc?

Bắc Kinh đã lần đầu tiên đặt vĩnh viễn một tàu nghiên cứu và cứu nạn ở Biển Đông, và bước đi gây quan ngại các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp này bị coi là một “vỏ bọc” của Trung Quốc.

Bộ Giao thông Trung Quốc mới đây đã đưa con tàu mà Tân Hoa Xã nói là có thể chống đỡ sóng cao tới 6 mét tới Trường Sa. Con tàu có tên Cứu hộ Biển Nam 115 còn có bãi đáp trực thăng.

Quan chức của Bộ này được trích lời nói rằng Trung Quốc sẽ “liên tục cải thiện khả năng sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu nạn hàng hải ở Biển Đông theo các thỏa thuận quốc tế”.

Bóng dáng Việt Nam trong luật quốc phòng Mỹ

Các chuyên gia nhận định với VOA rằng Trung Quốc có thể đã triển khai tàu và quảng bá hình ảnh tốt đẹp về nước mình quanh nỗ lực cứu nạn, sau khi khiến nhiều quốc gia láng giềng tức giận vì các hoạt động quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Ông Jonathan Spangler, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu Biển Đông ở Đài Bắc, Đài Loan, nhận định với VOA: “Toàn bộ chuyện rầm rộ thông báo một hoạt động mang tính nhân đạo như vậy nhằm để che đậy việc quân sự hóa rõ ràng và tẩy não bằng một vỏ bọc thân thiện”.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã cấp tập xây cất các đảo nhân tạo trên Biển Đông, và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị từng tuyên bố rằng Bắc Kinh làm vậy để “tự vệ” trước “áp lực từ Hoa Kỳ”.

“Trung Quốc có thể tìm cách để làm dịu sức nóng từ các hành động quân sự bằng cách công bố các hoạt động cứu nạn, nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ giúp thay đổi nhận thức”, ông Euan Graham, Giám đốc An ninh Quốc tế tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, nhận định với VOA.

“Nó giống như đang có một cuộc chiến PR [quan hệ công chúng], nhưng tôi nghĩ rằng khả năng giành chiến thắng của Trung Quốc trong cuộc chiến về quan hệ công chúng này kém hơn vài năm trước vì tôi nghĩ rằng yếu tố quân sự [ở Biển Đông] ngày càng trở nên lộ rõ, khó có thể che giấu”.

Ông Graham nói rằng các tàu và máy bay quân sự Trung Quốc đã được triển khai ra Biển Đông trước cả tàu cứu nạn.

Các nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh có thể đang hy vọng sẽ đuổi kịp chính phủ các nước khác bằng việc đưa tàu cứu hộ ra vùng biển tranh chấp.

Đài Loan, đối thủ chính trị của Trung Quốc, đã thực hiện công tác nghiên cứu và cứu hộ tại Thái Bình mà Việt Nam gọi là Ba Bình, hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa.

Một quan chức tuần duyên Đài Loan nói hồi năm 2015 rằng cơ quan của ông đã cứu các ngư dân không phải là Đài Loan khỏi các cơn bão ở Trường Sa.

Năm ngoái, các binh sĩ Australia đã tham gia một cuộc diễn tập cứu hộ với lực lượng Philippines ở một vịnh gần Biển Đông.

Bà Maria Ela Atienza, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman, cho rằng các nhà lập pháp Philippines có thể coi tàu cứu hộ của Trung Quốc với một thái độ “ngờ vực”.

Trong khi đó, độc giả VOA tiếng Việt nhận định rằng đây có thể là “trò tung hỏa mù”.

Bạn đọc Nguyễn Long viết: “Nó là tàu cứu hộ cho ngư dân Trung Quốc nhưng có thể là ‘tàu lạ’ sẵn sàng đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam”.

Dù không đề cập tới việc triển khai tàu cứu hộ tới Biển Đông, trong một tuyên bố hôm 10/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nêu phản ứng của phía Hà Nội về việc Trung Quốc “tổ chức các hoạt động kỷ niệm 6 năm thành lập cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ như lắp đặt và đưa vào sử dụng phao đèn quan trắc sóng biển ở Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa hay Đại học Trung Sơn Trung Quốc thực hiện một loạt các khảo sát khoa học tổng hợp ở quần đảo Hoàng Sa…”

“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động nêu trên của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực”, bà Hằng nói.

Nữ phát ngôn viên cho biết rằng “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình; đóng góp thiết thực và tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực”.

Bà Hằng cũng cho hay rằng “đại diện Bộ Ngoại giao đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam giao thiệp về vấn đề này”. Hiện chưa thấy phản ứng của Trung Quốc về các phản đối của Hà Nội.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-dung-tau-cuu-nan-o-truong-sa-lam-vo-boc/4534885.html

 

Tàu Cá TQ Ào Ạt Vào Biển Đông

BIỂN ĐÔNG — Hiểm họa không ngừng…

Bản tin NHK cho biết: Tàu cá Trung Quốc đồng loạt ra khơi…

Hôm thứ Sáu, tàu đánh cá của Trung Quốc đồng loạt rời cảng ra biển Đông Trung Hoa và biển Biển Đông (của VN) sau khi giới chức nước này dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá đặc biệt theo mùa vào hôm thứ Năm.

Buổi lễ ra khơi được tổ chức tại tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc. Lệnh cấm được áp dụng từ tháng 5.

Một số tàu được cho là sẽ ra hướng quần đảo Paracel (Hoàng Sa) trên biển Biển Đông (của VN), nơi Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đang tranh chấp chủ quyền.

NHK nhắc rằng hồi năm 2016, 1 tòa trọng tài quốc tế đã phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông (của VN). Tuy vậy, Trung Quốc tiếp tục khẳng định quyền của nước này, bằng cách đặt quy định mùa đánh bắt cá trong khu vực để quản lý nguồn tài nguyên.

Trong số những khu vực trên Biển Đông Trung Hoa mà Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm có vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku. Nhật Bản kiểm soát quần đảo, còn Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Chính phủ Nhật Bản khẳng định quần đảo là một phần lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản.

Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận: Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mới đây cho biết Trung Quốc có thể sẽ cho triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi ở các đảo và bãi đá thuộc Trường Sa. Hãng tin Bloomberg loan tin này hôm 16/8.

Trong một báo cáo gửi Quốc hội Hoa Kỳ có tựa “Những diễn tiến quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc”, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc đã cho thấy nước này có kế hoạch cung cấp điện cho các đảo và bãi đá tại khu vực Biển Đông, sử dụng các trạm điện hạt nhân, dự kiến sẽ bắt đầu vào trước năm 2020.

Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc hồi năm 2016 cho biết nước này có thể xây dựng tối đa 20 nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông.

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng hồi năm ngoái cho biết nhiều công ty quốc doanh của Trung Quốc đã thiết lập một liên doanh nhằm tăng cường khả năng phát triển điện hạt nhân phù hợp với tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc.

Biển Đông là khu vực còn tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước khác trong khu vực châu Á bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng nước.

Trung Quốc cũng là nước tiến hành cải tạo đất, xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhiều nhất kể từ năm 2014 trở lại đây. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi năm 2016, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 1.295 ha đất đai ở đông nam Biển Đông để triển khai vũ khí ra các đảo nhân tạo.

https://vietbao.com/p124a284528/tau-ca-tq-ao-at-vao-bien-dong