Tin Biển Đông – 19/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 19/06/2018

Dân Philippines phẫn nộ

vì TQ kiểm soát bãi cạn Scarborough

Cục Thủy sản và Tài nguyên nước Philippine (BFAR) ngày 15 tháng 6 đưa ra một báo cáo cho thấy mức thiệt hại nặng nề đối với các rặng san hô quanh khu vực bãi cạn Scarborough dưới sự kiểm soát của lực lượng tuần duyên Trung Quốc.

Bản báo cáo nêu rõ khu vực bãi cạn Scarborough hiện không còn cá nữa vì thức ăn cho cá là san hô đã biến mất. Phải mất ít nhất 40 năm san hô mới mọc lại. Theo báo cáo, nguyên nhân là do không có người quản lý ngư dân ở đây, để họ thỏa sức đánh bắt trái phép, bao gồm việc sử dụng chất nổ đối với các rặng san hô.

Chánh án Antonio Carpio của Philippines đã kêu gọi chính phủ Manila phải nộp đơn khiếu nại Trung Quốc vì đã thực hiện những biện pháp ép buộc, cũng như gây ra những thiệt hại về môi trường và vi phạm chủ quyền Philippine tại khu vực này. Tuy nhiên, cho đến nay chính quyền Tổng thống Duterte vẫn duy trì chính sách “im lặng” đối với Trung Quốc.

Thời báo Châu Á hôm 18 tháng 6  cho biết người dân Philippines ngày càng phản ứng mạnh hơn khi Trung Quốc gia tăng kiểm soát bãi cạn Scarborough và vùng lân cận còn đang tranh chấp, cũng như gây khó dễ cho ngư dân Phi khai thác hải sản tại vùng biển này.

Theo chuyên gia luật biển ở Philippines, ông Jay Batongbacal, bãi can Scarborough thuộc chủ quyền của kể từ thời kỳ Manila còn là thuộc địa của Tây Ban Nha và sau đó là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cho rằng bãi cạn này là một tài sản của Bắc Kinh ở Biển Đông kể từ thời cổ đại.

Theo Thời báo Châu Á, một thỏa thuận không chính thức vào cuối năm 2016, ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Rodrigo Duterte tới Trung Quốc, hai nước đã thảo luận về khả năng tham gia tuần tra chung tại bãi cạn này, cũng như thiết lập các khu bảo vệ biển, và một số khu vực mà nguồn lợi thủy sản bị đe doạ do hoạt động đánh bắt bất hợp pháp. Bắc Kinh nới lỏng hạn chế để cho ngư dân Philippines được phép đến đánh bắt tại bãi cạn Scaborough. Tuy nhiên gần đây nhiều ngư dân Philippine tố cáo hải sản họ đánh được bị Lực lượng Tuần Duyên Trung Quốc tịch thu; đổi lại là mì gói hết hạn sử dụng và thuốc lá.

Thị trưởng thành phố Masinloc, thuộc tỉnh Zambales, bà Arsenia Lim đã từng kêu gọi tổng thống Philippines phải có một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và bảo vệ Ngư dân Philippines cũng như sinh kế của họ. Bà nói rõ là người dân Phi không phải xin phép Trung Quốc, mà họ có quyền đánh bắt cá một cách yên bình tại bãi cạn Scarborough. Tuyên bố của người đứng đầu thành phố Masinloc được đưa ra sau khi Bắc Kinh thông báo sẽ cho điều tra báo cáo về việc Tuần Duyên Trung Quốc lạm dụng quyền hành.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/anger-grows-in-philippines-over-chinas-control-of-shoal-06182018151626.html

 

Tàu cá VN bị tàu TQ đuổi

khi tránh sóng to, gió lớn ở Hoàng Sa

Hai mươi tàu cá tỉnh Quảng Ngãi ngày 18 tháng 6 đã bị các tàu Trung Quốc xua đuổi khi đang di chuyển vào đảo Bạch Quy ở Hoàng Sa để tránh sóng to, gió lớn.

Thông tin được Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn loan đi vào ngày 19/6.

Theo đó trên 20 chiếc tàu có tổng cộng 100 ngư dân đang di chuyển về phía nam tây nam đảo Bạch Quy để tránh ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Nhưng các tàu Trung Quốc khu vực này đã đuổi tàu VN đi, không cho neo đậu tránh sóng gió.

Sau đó các thuyền trưởng đã liên lạc với cơ quan chức năng VN để can thiệp với Trung Quốc, giúp các tàu VN được vào đảo tránh thời tiết xấu. Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết trong cùng ngày đã yêu cầu Cục lãnh sự nói chuyện với phía Trung Quốc để tạo điều kiện cho tàu cá VN được vào khu vực lân cận tránh thời tiết xấu.

Tàu Trung Quốc thường xuyên có các hành động như đâm chìm, xua đuổi tàu Việt Nam tại khu vực biển Đông đang tranh chấp mà Trung Quốc cho rằng thuộc chủ quyền của Bắc Kinh. Trước đây tàu Trung Quốc đã từng đuổi không cho tàu VN tránh gió bão, bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế.

Trung Quốc hoàn tất mưu đồ cưỡng chiếm Quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam sau khi thắng trong cuộc hải chiến với phía Việt Nam Cộng Hòa vào tháng giêng năm 1974.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/twenty-vietnamese-fishing-boats-driven-out-of-the-paracels-by-chinese-forces-06192018101329.html

 

Duterte:

“Tôi không thể chỉ trích Trung Quốc về Biển Đông”

Tổng thống Philippines Duterte nói rằng Trung Quốc ‘không phải dễ chơi’ và ông không thể chỉ trích Trung Quốc trên Biển Đông vì ‘thậm chí Mỹ còn sợ’ trong cách đối phó với Trung Quốc trên vùng biển này.

Ông Duterte đã đưa ra phát biểu này trong bài diễn văn kỷ niệm 120 năm ngày thành lập của Bộ Ngoại giao ở thành phố Pasay, tờ Manila Bulletin đưa tin.

“Vào lúc này tôi sẽ để cho Trung Quốc ở đó (Biển Đông). Dù sao đi nữa tôi thật sự không thể chỉ trích họ. Trung Quốc không phải là kẻ dễ chơi,” ông Duterte được dẫn lời nói.

“Anh không thể làm cho họ sợ. Ngay cả Mỹ còn phải sợ một chút,” ông nói.

Duterte cũng lưu ý là không có khả năng Mỹ tham gia trong một cuộc chiến vì ‘họ đã mệt mỏi vì chiến đấu và đã thua hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác’ ở châu Á, nhất là ở Việt Nam.

Ông cũng nói rằng mọi việc sẽ phức tạp nếu nước nào đó muốn đối đầu với Trung Quốc vì việc đó sẽ thúc đẩy các nước khác tham gia.

“Quý vị biết đấy nếu anh đối chọi với Trung Quốc, nước Nga sẽ tham gia và xung đột. Nếu tất cả vũ khí hạt nhân đều nổ thì tất cả mọi người đều phải nói lời vĩnh biệt,” ông nói thêm.

Trong khi đó, ông cũng nói rằng không khó để cho ông có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc nếu như ông bị những người chỉ trích thúc ép. Tuy nhiên, ông nói rằng ông sẽ không hy sinh sinh mạng của người dân Philippines nếu thua trong cuộc chiến với Trung Quốc.

“Ở Biển Đông (mà người Philippines gọi là Biển Tây), quý vị muốn xảy ra chuyện gì? Tôi cần phải có thái độ hung hăng gì để buộc Trung Quốc ra khỏi?”

Ông cũng lặp lại rằng Chính phủ Philippines đã phản đối việc Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển có tranh chấp.

Ông nhắc lại việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khuyên ông nên đừng thăm dò dầu khí ở Biển Đông vào lúc hai nước đang bắt đầu thiết lập quan hệ tốt đẹp.

Tuy nhiên, ông khẳng định ông chắc chắn sẽ nói với Bắc Kinh về phán quyết của tòa trọng tài thường trực trong vụ kiện Manila kiện Bắc Kinh mà phần thắng thuộc về Manila.

Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng làm bạn với Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ ‘đem đến cái gì đó tốt đẹp’.

“Tôi không thể làm gì cả (về Biển Đông). Do tôi không thể làm gì cả, bây giờ tôi cứ để nó như thế. Nhưng điều gì đó tốt đẹp sẽ diễn ra,” ông nói trước các nhà ngoại giao và các nhân viên ngoại giao.

Về thông tin lực lượng tuần dương Trung Quốc bị cáo buộc tịch thu số hải sản mà ngư dân Philippines đánh bắt được ở bãi cạn Scarborough, ông Duterte mô tả đó là một dạng ‘trao đổi’, theo CNN.

Trước đó, phát ngôn nhân Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque đã nói rằng những vụ việc như thế ‘không phải là quấy rối’. Ông nói rằng mỗi khi phía Trung Quốc lấy đi sản phẩm đánh bắt của ngư dân Philippines, họ sẽ ‘đưa lại thuốc lá và nước ngọt’.

Mặc dù ông Duterte nói rằng giá trị của những món hàng trao đổi này có vấn đề, nhưng ông cũng nói rằng ‘đó không phải là tịch thu thẳng thừng’.

“Đó là trao đổi. Họ trao đổi lấy cá. Vấn đề ở đây là giá trị trao đổi. Trong một vụ trao đổi, đó là suy nghĩ thiện chí. Đó không phải là tịch thu thẳng thừng,” ông Duterte được CNN dẫn lời nói.

Ông Roque đã nhanh chóng nói rõ thêm rằng mặc dù Tổng thống nói những vụ việc như thế là ‘trao đổi’, nhưng điều đó ‘không có nghĩa là nó chấp nhận được đối với ông’.

“Tổng thống nói rằng giá trị trao đổi không tương xứng. Do đó nếu có vụ trao đổi thì những gì được đồng ý trao đổi phải rõ ràng. Cả hai phía Trung Quốc và Philippines đều phải tham gia bởi vì họ không hiểu nhau. Có lẽ phải cần đến thông dịch viên lúc đó,” ông Roque được dẫn lời nói.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đang phối hợp để cải thiện những hình thức ‘trao đổi như thế này’, cũng theo CNN. Ông cho biết cách thức làm tốt hơn đang được nghiên cứu.

“Việc có thể xảy ra là Trung Quốc có thể ra lệnh cho lực lượng tuần dương của họ không được tiếp xúc. Vấn đề với việc không được tiếp xúc này là nếu có trường hợp tàu cá của ngư dân bị hỏng và phía Trung Quốc có thể giúp đỡ họ. Có những trường hợp ngư dân đến gần phía Trung Quốc và ra hiệu họ muốn trao đổi,” ông Cayetano được dẫn lời nói.

Đại sứ Trung Quốc ở Philippines Triệu Giám Hoa nói với các phóng viên rằng giới chức Trung Quốc đang điều tra thông tin về việc lực lượng Trung Quốc tịch thu những gì mà ngư dân Philippines đánh bắt được.

Nếu tin tức đó là xác thực thì ông Triệu cho rằng ‘hãy xem nó là một vụ việc đơn lẻ’. Ông nói rằng những vụ việc như thế không nên ảnh hưởng đến mối quan hệ đang được cải thiện giữa hai nước.

https://www.voatiengviet.com/a/duterte-t%C3%B4i-kh%C3%B4ng-th%E1%BB%83-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-trung-qu%E1%BB%91c-v%E1%BB%81-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-/4444746.html

 

Hiệp định đánh bắt chung với Trung Quốc:

Philippines sẽ thiệt thòi?

Một hiệp định đánh bắt chung đang được thảo luận giữa Trung Quốc và Philippines sẽ giúp hạ nhiệt thêm tranh chấp chủ quyền trên biển trong khi làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị vốn được cho là không thể xảy ra, các chuyên gia trong khu vực nhận định.

Chính phủ của hai nước đang đàm phán về một thỏa thuận thử nghiệm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đồng ý theo đuổi trong một cuộc gặp hồi tháng Tư, theo các kênh truyền thông ở Manila.

“Nếu thỏa thuận này thật sự đạt được, được ký kết và được thực thi thì nó sẽ đánh dấu không chỉ một bước ngoặt mà còn là một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai nước,” ông Fabrizio Bozzato, một chuyên gia nghiên cứu của Hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan chuyên về Đông Á và Thái Bình Dương, nói. “Chia sẻ tài nguyên không phải là vấn đề nhỏ.”

Philippines chính thức có tranh chấp với các tàu cá, lực lượng tuần duyên và hải quân Trung Quốc trên Biển Đông trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế rộng 370 km của nước này.

Tuy nhiên, nhiều tháng sau khi ông Duterte lên nắm quyền vào năm 2016, hai nhà lãnh đạo đã gặp gỡ nhau để xây dựng tình bạn và gạt sang một bên tranh chấp chủ quyền. Nằm trong khuôn khổ mối quan hệ chặt chẽ hơn, Trung Quốc đã đưa ra cam kết viện trợ và đầu tư 24 tỷ đô la Mỹ để giúp Philippines phát triển.

Bắc Kinh viện dẫn các bản đồ lịch sử để làm cơ sở tuyên bố chủ quyền với 90% vùng biển này bất chấp những tuyên bố chủ quyền chồng lấn từ những nước như Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Trong khoảng thời gian từ năm 2012 cho đến năm 2016, Bắc Kinh và Manila đã có tranh chấp tại bãi cạn Scarborough giàu tài nguyên đánh bắt. Cuối cùng, nước có lực lượng quân sự hùng mạnh hơn là Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Duterte vào cuối năm 2016 để phá băng, ông Tập đã kêu gọi xây dựng ‘quan hệ hợp tác song phương chặt chẽ hơn trong lĩnh vực đánh bắt cá’ trong số những lĩnh vực khác, theo Tân Hoa Xã.

Nhưng một thỏa thuận đánh cá chung có thể đi quá xa, một số học giả cho biết.

Philippines bị ràng buộc về pháp lý theo Hiến pháp khi ký những thỏa thuận hợp tác đánh bắt chính thức, ông Jay Batongbacal, một giáo sư về các vấn đề về biển quốc tế tại Đại học Philippines, cho biết. Bất kỳ thỏa thuận nào có thể sẽ chỉ là ‘thỏa thuận chung sống hòa bình tạm thời’, ông nói.

“Nếu đó là thỏa thuận đánh cá chung trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi thì đó không phải là thỏa thuận nữa mà đó là giấy phép đánh bắt,” ông Antonio Contreras, một nhà khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Philippines, nói. “Đó không phải là một thỏa thuận bình đẳng mà kiểu như là tôi cho phép anh đánh bắt theo những điều kiện của tôi.”

Một thỏa thuận chính thức hơn có thể quy định rõ phía nào có thể đánh bắt ở đâu, bao gồm việc cho phép cả hai nước tiếp cận vùng biển có tranh chấp.

“Do không có thỏa thuận thực sự cho nên có khả năng bùng phát xung đột một lần nữa,” ông Batongbacal nói.
Đối với những nước khác ở Đông Á, Philippines cũng đã ký một thỏa thuận thực thi pháp luật trong lĩnh vực đánh bắt với Đài Loan vào năm 2015. Việt Nam và Malaysia hồi năm ngoái cũng bàn bạc về một thỏa thuận đánh bắt.

Trung Quốc hy vọng rằng thỏa thuận này cho thấy thiện chí của họ đối với những quốc gia đông nam Á khác cũng có tranh chấp chủ quyền trên biển, ông Alexander Huang, giáo sư về khoa học chiến lược tại Đại học Đạm Giang của Đài Loan, cho biết.

Bắc Kinh đã làm các nước khác nổi giận khi họ cho xây những hòn đảo nhỏ ở khu vực có tranh chấp và trong một số trường hợp dùng cho các mục đích quân sự và khi họ loan báo lệnh ngừng đánh bắt hàng năm ở khu vực phía bắc của vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông.

“Có lẽ Trung Quốc muốn tạo ra tiền lệ cho các nước khác tham khảo,” Giáo sư Huang nói. “Tôi không nghĩ là một thỏa thuận với Philippine sẽ có nội dung gì liên quan đến giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Nó sẽ được xem là biện pháp giúp tránh xung đột.”

Tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc đã bị tòa quốc tế ra phán quyết xử thua cho Philippines vào năm 2016. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này. Kể từ đó họ đã tìm cách xây dựng hòa bình với các quốc gia tranh chấp khác thông qua các thỏa thuận song phương và viện trợ kinh tế.

Một thỏa thuận với Philippines sẽ có nghĩa là Trung Quốc ‘có thể tiếp cận tài nguyên, họ có thể đưa người ra đó và họ có hình ảnh tốt trong mắt người dân trong nước và trong khu vực,” ông Bozzato phân tích.
Có khoảng 1,6 triệu tàu cá từ tất cả các nước cộng lại đang đánh bắt trên Biển Đông, theo nghiên cứu của Chương trình Trung Quốc tại Trường S. Rajaratnam về Nghiên cứu Quốc tế ở Singapore.

Tuy nhiên các tàu cá của Philippines nhìn chung đánh bắt trong phạm vi 370 km của vùng đặc quyền kinh tế và gần Quần đảo Trường Sa vốn là ngư trường truyền thống của họ, ông Batongbacal cho biết. Các tàu cá của họ thường là quá nhỏ hoặc quá yếu để có thể đánh bắt xa bờ. Trong khi đó, các tàu cá của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam thường đánh bắt xa hơn.

Một thỏa thuận đánh bắt trên thực tế có thể cho phép các tàu cá Trung Quốc đi vào vùng biển Philippines tuyên bố có chủ quyền mà không gặp nguy cơ gì, trong khi không có tàu cá Philippines nào có thể đi vào vùng biển ở gần Trung Quốc cả, một số học giả lo ngại.

https://www.voatiengviet.com/a/hi%E1%BB%87p-%C4%91%E1%BB%8Bnh-%C4%91%C3%A1nh-b%E1%BA%AFt-chung-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c-philippines-s%E1%BA%BD-thi%E1%BB%87t-th%C3%B2i-/4444743.html

 

Cựu tư lệnh Nato: “Đừng nhượng bộ Biển Đông

để lấy sự hỗ trợ về chuyện Triều Tiên’

Cựu tư lệnh của NATO kêu gọi chính quyền Mỹ không nên có thỏa thuận ủng hộ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông để đổi lấy việc Bắc Kinh giúp thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của họ, theo AP.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump “phải tránh nhường bộ trên Biển Đông để có được thỏa thuận có giá trị thấp về Bắc Triều Tiên,” ông James Stavridis, một đô đốc Hải quân hồi hưu của Mỹ từng là tư lệnh chỉ huy khối NATO từ năm 2009 cho đến năm 2013, kêu gọi trong một bài xã luận trên hãng tin Bloomberg.

“Làm như vậy, mặc dù về ngắn hạn rất có sức cám dỗ, sẽ cho Trung Quốc lợi thế to lớn trong khu vực,” ông Stavridis, người hiện là Trường Khoa Luật và Ngoại giao tại Đại hoc Tufts, nói.

“Bắc Kinh đang xây dựng một loạt những hàng không mẫu hạm không thể chìm trên khắp một triệu rưỡi dặm vuông của Biển Đông,” ông viết.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã bày tỏ quan ngại của Mỹ đối với việc Trung Quốc quân sự các hòn đảo mà họ chiếm giữ trên Biển Đông trong một chuyến thăm đến Bắc Kinh hồi tuần trước để thông báo kết quả về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, cũng theo AP.

Sau cuộc gặp hôm thứ Năm ngày 14/6 với Ngoại trưởng Vương Nghị, ông Pompeo cho biết ông đã ‘tái khẳng định mối quan ngại của chúng tôi về nỗ lực của Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, gây nguy hiểm cho dòng lưu thông thương mại tự do và đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và làm tổn hại ổn định khu vực.’

Ông Pompeo cho biết Ngoại trưởng Vương đã xác nhận với nhận với ông rằng ‘Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa dùng vũ lực, cưỡng ép hay bắt nạt’.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rằng ông tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể giữ gìn hòa bình trong khu vực.

https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BB%B1u-t%C6%B0-l%E1%BB%87nh-nato-%C4%91%E1%BB%ABng-nh%C6%B0%E1%BB%A3ng-b%E1%BB%99-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-%C4%91%E1%BB%83-l%E1%BA%A5y-s%E1%BB%B1-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-v%E1%BB%81-chuy%E1%BB%87n-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-/4444740.html

 

Biển Đông: Việt Nam củng cố tiền đồn ở Trường Sa

dự phòng Trung Quốc

Mai Vân

Vào lúc Trung Quốc càng lúc càng lộ bộ mặt bành trướng tại Biển Đông, vừa tung quân tập trận thị uy, vừa cho triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp, Việt Nam vẫn lặng yên củng cố một số tiền đồn mình kiểm soát tại vùng quần đảo Trường Sa. Trong một bài viết công bố ngày 13/06/2018 vừa qua, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, trụ sở tại Washington, đã nêu bật một công trình cải tao mà Việt Nam đang thực hiện, tại khu vực Đá Lát (Ladd Reef), một rạn san hô vòng thuộc cụm đảo Trường Sa, phía tây quần đảo Trường Sa.

Dù quy mô cải tạo rất khiêm tốn, nhưng theo AMTI, hoạt động củng cố tiền đồn này cho thấy quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bất chấp các hành vi hù dọa của Trung Quốc. Điểm lý thú được AMTI ghi nhận là khi thực hiện các công trình ở khu vực Đá Lát, Việt Nam đã huy động một đội ngư thuyền đông đảo có thể là để làm công việc bảo vệ.

Ghi nhận của vệ tinh về công trình mới ở Đá Lát

Theo AMTI, ảnh vệ tinh từ tháng 3 đến tháng 6/2018, cho thấy một kênh mới được đào, kênh này không hề có trên các ảnh cũ hơn trước đây. Cũng ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam cũng đang mở rộng một trong hai cơ sở trên thực thể (cơ sở còn lại một ngọn hải đăng nhỏ ở phía tây).

Cụ thể, trên một tấm ảnh chụp ngày 18/03, người ta thấy một con kênh đào mới được nạo vét, nằm ở rìa phía nam của rạn san hô, có cả một sà lan và hai tàu lớn neo đậu ngay ở phía bắc cửa mới mở vào đầm phá tại đây. Và ít nhất có khoảng 21 tàu cá nhỏ hiện diện bên trong đầm phá này.

Nghiên cứu kỹ chiếc sà lan, AMTI thấy bên trên có 2 thiết bị dùng cho xây dựng, trông giống như máy xúc hay máy nạo vét, đưa trầm tích vét dưới đáy biển lên một con tàu khác chờ sẵn ở đó.

Theo AMTI, đây là kiểu nạo vét thường được Việt Nam áp dụng ở một số đảo đá khác. Philippines cũng bắt đầu áp dụng kiểu nạo vét như vậy tại đảo Thị Tứ. Ngược lại thì Trung Quốc chuyên sử dụng phương thức khác, dung máy cắt và hút, có thể di chuyển trầm tích nhanh hơn, nhưng tác hại môi trường rất lớn.

Ảnh vệ tinh chụp vào tháng 3 còn cho thấy một phần trầm trích được vét lên đã được mang qua bồi đắp một địa điểm gần tiền đồn nhỏ của Việt Nam ở mũi phía bắc của Đá Lát.

Một bức ảnh chụp mới đây, vào ngày 03/06, cho thấy Việt Nam đang mở rộng tiền đồn phía bắc của Đá Lát bằng trầm tích nạo vét từ con kênh. Sà lan đậu sát công trình, hai chiếc tàu lớn được thấy rõ ở đầu phía bắc con kênh và có gần 80 tàu nhỏ ở bên trong và bên ngoài đầm phá. Phần lớn, nếu không phải là tất cả, đều là tàu cá.

Công trình đang xây dựng là một cấu trúc hình lục giác, rộng khoảng 100 feet, tương tự như các công trình mở rộng mà Việt Nam đã xây ở 4 thực thể khác ở quần đảo Trường Sa trong những năm qua là Đá Cô Lin (Collins), Len Đao (Lansdowne), Tiên Nữ (Tennent), và Đá Lớn (Discovery Great Reef).

Và tương tự như tại các thực thể kể trên, công trình mới tại Đá Lát sẽ được nối với công trình hiện hữu bằng một cây cầu.

Với công trình mới tại Đá Lát, Việt Nam trong những năm gần đây đã nâng cấp 21 trên 49 tiền đồn của mình ở vùng Trường Sa.

Ý nghĩa việc mở rộng Đá Lát

Theo AMTI, việc mở rộng cơ sở tại Đá Lát, bao gồm việc đào một con kênh mới cho phép tiếp tế dễ dàng và tàu lớn đi vào bên trong đầm phá rất đáng chú ý trong bối cảnh hiện nay.

Đảo Đá Lát nằm ở cực tây các đảo, bãi đá có người kiểm soát ở Trường Sa. Ở phía tây nam Đá Lát là một số bãi ngầm mà Trung Quốc đòi chủ quyền… mặc dù đó là những bãi hoàn toàn ngầm, và một số lô dầu khí, đã trở thành tâm điểm những vụ căng thẳng cao độ giữa Bắc Kinh và Hà Nội vào năm ngoái.

Việt Nam, Hoa Kỳ và phần lớn cộng đồng quốc tế xem vùng này là thuộc thềm lục địa Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã viện cớ “chủ quyền lịch sử” mơ hồ với đường lưỡi bò để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Việt Nam đã xây dựng một loạt công trình trên những bãi đá ngầm ở trong khu vực Trường Sa trong những năm 1980-1990, đặt tên là các “trạm dịch vụ kinh tế, khoa học và công nghệ”. Nhưng cho dù được nâng cấp gần đây, những công trình này rất mong manh và luôn luôn bị Trung Quốc đe dọa, như trong chiến dịch buộc Hà Nội bỏ công trình ở lô 136 vào năm ngoái.

Có lẽ đấy là một nguyên do khiến Hà Nội quyết định tăng cường sự hiện diện của mình ở Đá Lát gần khu vực bị Trung Quốc nhòm ngó. Đá Lát có thể trở thành một trạm dừng đáng giá cho tàu Việt Nam đi tuần tra ở các tiền đồn và vùng có tài nguyên ở phía đông nam.

Dùng tàu cá như một lực lượng bán quân sự

Công trình ở Đá Lát còn nêu bật một khía canh mới quan trọng trong chủ thuyết quân sự của Việt Nam ở Biển Đông: đó là việc sử dụng tàu cá như một lực lượng bán quân sự.

Trung Quốc đã sử dụng lực lượng ngư dân ở các tỉnh ven biển như một đạo binh để tăng cường sự hiện diện và hỗ trợ các chiến dịch tại các vùng biển có tranh chấp mà không tạo ra phản ứng đáp trả bằng quân sự của các nước khác.

Việt Nam đã rút ra bài học của năm 2014, khi gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với lực lượng tàu cá triển khai chung quanh giàn khoan mà Trung Quốc đưa đến vùng thềm lục địa của Việt Nam. Do đó, để đối phó, Việt Nam đã tuyển mộ lực lượng chiến binh ngư phủ của mình, hoạt động một cách tương tự, tuy rằng cho đến ngày nay, lực lượng này không năng động như phía Trung Quốc.

Sự hiện diện của đông đảo tàu cá ở Đá Lát trong suốt tiến trình xây dựng có lẽ là để bảo vệ và hỗ trợ trong tư thế một lực lượng bán quân sự chính thức.

Chiến tranh nhân dân trên biển

Trong một bài phân tích được AMTI công bố hôm 11/05/2018, hai tác giả Derek Grossman chuyên gia phân tích của trung tâm tham vấn RAND Corporation, và Nguyễn Nhật Anh, nghiên cứu sinh Thạc Sĩ tại Trường Chính Sách và Chiến Lược Toàn Cầu, Đại Học San Diego (California) đã nêu bật hướng Việt Nam áp dụng chủ trương “chiến tranh nhân dân” trên biển để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trao đổi với hai tác giả, một chuyên gia quân sự Việt Nam cho biết là để thực hiện chiến lược chiến tranh nhân dân trên biển này, ngoài các phương tiện vũ khí cần thiết, còn phải huy động sức mạnh của người dân, mà cụ thể là ngư dân.

Năm 2014, Việt Nam đã thiết lập một lực lượng kiểm ngư, là một lực lượng dân sư nhưng được trang bị vũ khí nhẹ. Lực lượng này tham gia tuần tra và góp sức cho số lượng ngày càng tăng của tàu Cảnh Sát Biển, sắp tới đây, sẽ có thể hoạt động với những quy tắc dễ dãi hơn.

Bên cạnh đó, bộ Quốc Phòng Việt Nam cũng tuyển mộ ngư phủ tại chỗ, trang bị cho họ thiết bị truyền tin và hồng ngoại để giám sát vấn đề tranh chấp hải sản. Theo phía Việt Nam, lực lượng này gồm 8000 tàu cá và làm việc chặt chẽ với Hải Quân và Cảnh Sát Biển, lực lượng biên phòng và những ngư phủ khác.

Họ có trách nhiệm theo dõi, báo cáo về những vụ vi phạm chủ quyền. Mục tiêu là tránh tái diễn sự cố giàn khoan năm 2014. Sau khi đặt giàn khoan ở vùng biển tranh chấp, Bắc Kinh đã phái những đội tàu Hải Giám và tàu đánh cá hùng hậu đến nơi và với sự yểm trợ của Hải Quân và Không Quân, họ đã tuần tra khu vực, và hung hăng đâm vào tàu Việt Nam để đuổi Việt Nam ra khỏi khu vực.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180619-bien-dong-viet-nam-cung-co-tien-don-tai-truong-sa-de-du-phong-trung-quoc