Tin Biển Đông – 19/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 19/05/2018

Trung Quốc lần đầu tiên

đáp phi cơ ném bom ở Biển Đông

Lần đầu tiên phi cơ ném bom của Trung Quốc hạ cánh trên vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông.

Một số phi cơ ném bom H-6K đã rời căn cứ không quân ở Nam Trung Quốc và hạ cánh xuống đường băng trên một hòn đảo ở Biển Đông, tờ China Daily cho biết sáng 19/5.

Các phi cơ sau đó tiếp tục tham gia cuộc diễn tập tại nơi này, theo tuyên bố của lực lượng không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

TQ mở đường bay dân sự ra Hoàng Sa

Hình ảnh từ đảo Phú Lâm

Tờ báo dẫn tuyên bố của một nhà nghiên cứu nói rằng “việc cất cánh và hạ cánh trên các đảo ở Biển Đông sẽ giúp lực lượng không quân tăng cường khả năng chiến đấu để đối phó với các mối đe dọa an ninh biển.”

Một phi công lái phi cơ ném bom H-6K, Ge Daqing, được trích lời trong một tuyên bố nói rằng việc huấn luyện “thúc đẩy lòng can đảm và tăng cường khả năng của chúng tôi trong một cuộc chiến thực sự”.

Các chuyên gia từ Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết một đoạn video từ China Daily cho thấy một chiếc H-6K hạ cánh và cất cánh từ căn cứ trên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc Quần đảo Hoàng Sa.

Đảo Phú Lâm, nơi mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, cũng được Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.

Trước đây, Trung Quốc đã từng triển khai máy bay phản lực chiến đấu đến đảo Phú Lâm, nhưng nay là lần đầu tiên các phi cơ ném bom hạ cánh xuống đảo.

AMTI nói rằng từ đảo này, các phi cơ H-6K có thể tiếp cận tất cả các nước Đông Nam Á.

Các nhà phân tích nói rằng phi cơ ném bom có thể sẽ sớm hạ cánh trên quần đảo Trường Sa xa hơn về phía nam, nơi các đường băng được xây dựng trên các rạn san hô.

Từ đó, H-6K có thể vươn tới phía bắc Australia hoặc các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam, theo AMTI.

China Daily dẫn lời một nhà quan sát của Trung Quốc:

“Sau khi các phi cơ ném bom của Không quân được triển khai trên các đảo ở Biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), phạm vi hoạt động cũng như các thông số phòng thủ hàng hải của Trung Quốc sẽ được mở rộng một cách vô cùng to lớn, thêm vào sức mạnh hiện tại để ngăn chặn bất kỳ sự xâm phạm nào vào lãnh thổ của Trung Quốc trên biển.”

Theo chính phủ Trung Quốc, nước này có ít nhất bốn sân bay lớn ở bốn địa điểm trên Biển Đông: Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, và ba sân bay ở Đá Vành Khăn (Meiji), Đá Subi (Zhubi) và Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử)

Năm 2016, các máy bay phản lực lớn của Trung Quốc cũng đã hạ cánh ở Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập.

Theo China Daily, H-6K là phi cơ ném bom tiên tiến nhất của PLA và có khả năng mang tên lửa hành trình siêu âm để thực hiện các cuộc tấn công chính xác chống lại các mục tiêu hoặc tàu đất.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Trung tá Christopher Logan nói “Hoa Kỳ duy trì cam kết về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”

“Chúng tôi đã thấy những báo cáo tương tự và việc tiếp tục quân sự hóa các khu vực tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc chỉ khiến gia tăng căng thẳng và làm mất ổn định khu vực.”

Động thái này của Trung Quốc xảy ra vài ngày sau khi Việt Nam và Nga vừa bắt đầu hợp tác khai thác khí đốt ở Biển Đông.

Hãng Rosneft cho rằng khu khai thác khí của họ, lô 06.1 nằm ngoài đường 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Trung Quốc không cho là như vậy.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44179302

 

Trung Quốc xác nhận

đưa oanh tạc cơ H-6K đến Biển Đông

Trung Quốc vào ngày 18 tháng 5 cho công bố những thước phim cảnh oanh tạc cơ chiến lược H-6K đáp xuống đảo nhân tạo mà Bắc Kinh lập nên tại Biển Đông.

Đây được cho là thông điệp muốn thống soái khu vực mà Bắc Kinh muốn đưa ra, gây thêm căng thẳng cho tình hình tranh chấp lãnh hải lâu nay tại khu vực với tuyến đường hàng hải quan trọng và phong phú hải sản cũng như tài nguyên thiên nhiên dầu mỏ này.

Việc đưa oanh tạc cơ chiến lược có khả năng nguyên tử H-6K xuống Biển Đông được thực hiện sau khi Trung Quốc cho bố trí hỏa tiễn hành trình và thiết bị phá sóng radar tại những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tiến hành xây dựng lên trong thời gian qua tại Biển Đông.

Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Viện Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc Tế tại thủ đô Washington DC cho rằng Trung Quốc đang ngày càng tự tin hơn về khả năng quân sự của họ.

Theo vị chuyên gia này thì Bắc Kinh ngày càng trở nên rõ ràng và bớt quan ngại về phản ứng của những nước láng giềng cũng như Hoa Kỳ. Nói cách khác thì Trung Quốc nghĩ rằng có khả năng đối phó được.

Hoa Kỳ thường xuyên thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vạch ra tại khu vực đó.

Vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế tại La Haye tuyên đường đó là phi pháp, không có cả căn cứ pháp lý và lịch sử.

Tuy nhiên, Trung Quốc không thừa nhận phán quyết của PCA và thực tế cho thấy Bắc Kinh đang quân sự hóa những đảo nhân tạo thành tiền đồn tại Biển Đông.

Bắc Kinh cũng ngày càng tỏ ra xác quyết và gần đây còn buộc các nước láng giềng trong khu vực khi tiến hành khoan thăm dò dầu khí hay đánh bắt cá ở Biển Đông phải có sự cho phép của Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-confirms-h-6k-scs-05182018154514.html

 

Hoa Kỳ lên tiếng

sau khi Trung Quốc đưa chiến đấu cơ ra Biển Đông

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ hôm 18/5 lên tiếng gọi các hoạt động diễn tập của chiến đấu cơ Trung Quốc ngoài Biển Đông thời gian gần đây là hành động tiếp tục quân sự hóa Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Hôm 18/5, tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc đã lần đầu tiên chính thức đăng tải video quay cảnh oanh tạc cơ H-6K diễn tập cất và hạ cánh xuống một đường băng tại một đảo nhân tạo do nước này xây lấp tại Biển Đông.

Trang web của Không quân Trung Quốc cho biết các chiến đấu cơ bao gồm oanh tạc cơ H-6K đã thực hiện việc cất và hạ cánh ở một đảo nhân tạo nhưng không nói cụ thể là thực thể nào. Mục đích của cuộc diễn tập được nói là để nâng cao khả năng vươn đến vùng lãnh thổ hoàn toàn, khả năng tiến công toàn thời gian và toàn bộ.

Trong tuyên bố được đưa ra vào ngày 18/5, người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Trung tá Christopher Logan gọi hành động mới này là ‘quân sự hoá liên tục của Trung Quốc tại các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông’.

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng hôm 19/5 trích lời chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Chiến Lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Washington DC, bà Bonnie Glaser cho rằng oanh tạc cơ H-6K đã hạ cánh xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là quần đảo đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Bà Bonnie Glaser cũng cho biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H-6K ra biển Đông, và không lâu nữa nước này sẽ điều máy bay H-6K đến các đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Trước đó, hôm 2/5, hãng tin CNBC trích nguồn tin biết về các báo cáo tình báo của Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc gần đây đã triển khai tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống tàu ra ba trạm tiền tiêu của nước này ở Biển Đông bao gồm đá Subi, Vành Khăn và đá Chữ Thập.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cho lắp đặt các thiết bị phá sóng ở khu vực biển Đông, cản trở hoạt động của tàu Mỹ trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm 9/5 đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa khỏi khu vực quần đảo Trường Sa, coi đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Hoa Kỳ nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông coi đây là hành động gây căng thẳng, mất ổn định trong khu vực.

Trung Quốc từ trước đến nay vẫn một mực khẳng định nước này có toàn quyền đối với các vùng thuộc chủ quyền của nước này và việc triển khai vũ khí quân sự chỉ nhằm mục đích phòng vệ, không nhắm tới bất cứ nước nào.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-angers-us-after-landing-planes-on-scs-reefs-05192018094000.html