Tin Biển Đông – 19//03/2020
TQ làm gì để tấn công tàu chiến Mỹ ở Biển Đông?
Báo Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia cảnh báo quân đội nước này có thể dùng vũ khí xung điện từ chống lại tàu chiến Mỹ ở Biển Đông.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã đề xuất những biện pháp mới nhằm đối phó tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông, bao gồm sử dụng vũ khí xung điện từ (EMP) và laser, theo tờ Hoàn cầu Thời báo.
“Ví dụ điển hình”
Tờ báo dẫn lời ông Tống Chung Bình, chuyên gia quân sự Trung Quốc, cho rằng để tấn công tàu chiến Mỹ thì dùng vũ khí EMP và laser là khả thi vì có thể làm tê liệt tạm thời hệ thống điều khiển và vũ khí
trên tàu chiến Mỹ, giúp gửi cảnh báo cứng rắn, tránh gây xung đột. Bên cạnh đó, vũ khí EMP phát ra sóng điện từ nên không gây thương vong.
Ông Tống còn nhắc đến “một ví dụ điển hình và có thể được áp dụng nhiều hơn” là vụ tàu khu trục Hô Hòa Hạo Đặc chiếu laser vào máy bay tuần biển P-8A của Mỹ. Hải quân Mỹ đã cáo buộc tàu chiến Trung Quốc chiếu laser cấp độ vũ khí vào máy bay P-8A của Hạm đội Thái Bình Dương đang hoạt động tại vùng biển quốc tế, cách đảo Guam khoảng 610 km về hướng tây, vào ngày 17.2. Phía Trung Quốc thì cáo buộc chiếc P-8A gây nhiễu hoạt động huấn luyện thông thường của tàu khu trục Hô Hòa Hạo Đặc.
Đề xuất trên được đưa ra sau khi Mỹ liên tục điều tàu chiến thực thi tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông nhằm phản ứng tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển này. Mới đây, hải quân Mỹ còn điều động tàu đổ bộ mang chiến đấu cơ USS America (LHA-6) và tàu chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) tập trận chung trên Biển Đông.
Chạy đua phát triển pháo EMP
Vũ khí EMP mà các chuyên gia Trung Quốc đề cập đến có thể là pháo EMP trang bị cho tàu chiến. Từ năm ngoái, Đài CCTV đưa tin các tàu chiến Trung Quốc sẽ sớm được trang bị pháo EMP có thể bắn đạn pháo với “vận tốc hủy diệt” và tầm bắn lên đến 200 km. Đây là công nghệ do chính Trung Quốc phát triển, không hề sao chép từ quốc gia khác, CCTV nhấn mạnh.
Khoảng một tuần trước đó, một số hình ảnh lan truyền trên internet cho thấy tàu chiến Trung Quốc được trang bị pháo EMP. “Trung Quốc đang thử nghiệm pháo EMP, nhưng vẫn phải mất ít nhất 1 – 2 năm mới có thể đưa vào hoạt động”, ông Carl Schuster, cựu Giám đốc Trung tâm tình báo liên hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nói với CNN.
Trong khi đó, hải quân Mỹ chi hàng trăm triệu USD nghiên cứu phát triển pháo EMP trong 10 năm qua vì loại vũ khí này không cần đầu đạn nổ nên giúp tiết kiệm chi phí đáng kể, theo trang Business Insider. Trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương năm ngoái, một tàu chiến Mỹ đã thử nghiệm pháo EMP. Đạn pháo EMP của Mỹ được chế tạo dạng phân mảnh, đầu đạn mẹ sẽ có kích thước 155 mm, mang theo nhiều đầu đạn con để tạo ra xung điện từ cực mạnh. Không chỉ gây nhiễu hoặc làm hỏng các thiết bị điện tử, EMP cường độ mạnh như sấm sét có thể phá hủy một tòa nhà và máy bay.
“Mỹ tiếp tục phát triển nhưng sẽ không dùng vũ khí EMP để thay thế hệ thống pháo và tên lửa hiện hữu trên các chiến hạm. Lý do là pháo EMP còn nhiều hạn chế về mặt bảo trì và sử dụng quá nhiều năng lượng. Trung Quốc sẽ đối mặt với thách thức tương tự. Chính vì thế, phát triển công nghệ EMP chỉ mang đến tiếng vang trong chiến dịch PR của quân đội Trung Quốc”, chuyên gia quốc phòng Mỹ Bryan Clark nhận định.
Theo trang tin Communalnews, Nga được cho là đang thử nghiệm 2 hệ thống vũ khí Tác chiến điện tử (EW) ở biển Đen. Cụ thể là hệ thống EW Murmansk-BN trên mặt đất được thiết kế để ngăn chặn các liên lạc vô tuyến sóng ngắn của đối thủ ở khoảng cách xa. Hệ thống EW thứ hai là Rychag-AVM được trang bị trên trực thăng Mi-8 MTPR-1 được dùng để phá sóng các radar và gây nhiễu hệ thống phòng không. Do đó, các tàu chiến NATO gần đây đối mặt tình trạng bị nhiễu tín hiệu Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) tại khu vực này.
Bắc Kinh đã điều các tiêm kích J-11 và máy bay cảnh báo sớm KJ-500 diễn tập trong đêm 16.3 trên vùng biển gần Đài Loan, theo Reuters. Các máy bay đến gần vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Sau khi Đài Loan điều động máy bay do thám và tuần tra để phản ứng, các máy bay của đại lục rời khỏi khu vực này. Các nhà phân tích cho biết cuộc tập trận được tiến hành là nhằm tăng cường năng lực hoạt động trong mọi thời tiết của không quân Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh quân đội vẫn hoạt động bình thường bất kể dịch Covid-19 đang hoành hành.
http://biendong.net/bi-n-nong/33625-tq-lam-gi-de-tan-cong-tau-chien-my-o-bien-dong.html
“Đường lưỡi bò liền nét”: Âm mưu thất bại
của Trung Quốc trong việc củng cố yêu sách
“chủ quyền” ở Biển Đông
Việc Trung Quốc âm mưu vẽ một “đường lưỡi bò liền nét” cùng kế hoạch thiết lập một “eo chiến lược” ở Biển Đông trong thời gian qua cho thấy họ đang tìm cách đẩy mạnh tham vọng kiểm soát không chỉ các đảo, mà toàn bộ vùng biển, vùng trời, và tuyến đường vận tải qua khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, âm mưu trên của Bắc Kinh đã bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích và phản đối ngay từ trong trứng nước.
Âm mưu của Trung Quốc
Trong những năm trước, giới nghiên cứu hải dương Trung Quốc tìm cách vạch ra “đường biên giới mới” trên Biển Đông, nhằm “tạo điều kiện cho nghiên cứu” về tài nguyên và “gia tăng sức nặng” cho các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực biển này. Đường biên giới được đề xuất có hình dạng của một đường liền mạch chính xác hợp vào với “đường lưỡi bò”, hay còn gọi là đường chữ U, hay đường chín đoạn, vốn vạch ra một vùng rộng lớn mà Trung Quốc tuyên bố lập lờ về chủ quyền tại khu vực Biển Đông giàu tài nguyên khoáng sản và năng lượng.
Theo thông tin được giới truyền thông Trung Quốc tiết lộ, đường biên giới mới này sẽ chia tách Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, chạy xuống phía Nam vào vùng biển do Malaysia tuyên bố chủ quyền, rồi lại quay một vòng chữ U lên phía Bắc dọc theo bờ biển phía Tây của Philippines và kết thúc ở Đông Nam Đài Loan. Đường này bao trùm các nhóm cấu trúc trên biển Đông, bao gồm Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Bãi cạn James và Bãi cạn Scarborough. Đường này nếu được chấp nhận, có thể tạo cớ cho Trung Quốc đòi hỏi quyền thực hiện các hành vi như đánh bắt cá, thăm dò và khai thác các nguồn năng lượng và khoáng sản, cũng như xây dựng các căn cứ quân sự trong vùng biển bên trong đường này.
Đáng chú ý, những người tham gia “hoạch định” kế hoạch trên cho rằng với việc vẽ bản đồ “đường 9 đoạn liền nét” sẽ mang lại một sự diễn giải rõ ràng hơn về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc; đồng thời khẳng định bản đồ trên dựa trên một bản đồ thể hiện đường lưỡi bò liền nét được xuất bản từ năm 1951.
Thất bại ngay từ trong trứng nước
Thông tin một số nhà khoa học Trung Quốc vẽ lại “đường lưỡi bò” bằng cách nối liền mạch 9 nét đứt thành một đường ranh giới mới đang làm nóng dư luận. Thực ra đây là một bước chiến lược tiếp theo của tham vọng độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc đeo bám từ lâu. Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn thông qua bản đồ trên nhằm khôi phục hình ảnh của mình sau thất bại về mặt pháp lý, vào năm 2016, trong vụ kiện tại Tòa Trọng tài ở La Haye. Tuy nhiên, từ sau phán quyết này, Trung Quốc đã âm thầm điều chỉnh các căn cứ cho tuyên bố chủ quyền của mình bằng việc liên tục đưa ra các tài liệu pháp lý đối với tấm bản đồ có “Đường 9 đoạn”. Từ năm 2017, nước này thậm chí còn đưa ra một học thuyết mới, cụ thể là khái niệm “Tứ Sa” về Biển Đông.
Trong học thuyết này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield với tên gọi lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp, Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm này là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế. Học thuyết về “Tứ Sa” của một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị giới khoa học quốc tế phản đối và chỉ trích. Cho nên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang “nỗ lực” tìm kiếm các cách giải thích pháp lý mới cho tham vọng này của Trung Quốc. Chính vì vậy, đã dẫn đến việc “phát hiện” một bản đồ có “đường lưỡi bò liền nét” như đã nêu.
Nhiều chuyên gia pháp lý như Giáo sư Julian Ku, hiện đang làm việc tại Đại học Hofstra và học giả Chris Mirasola, đang công tác tại Đại học Harvard, đã khẳng định rằng “các tuyên bố pháp lý mới của Trung Quốc cũng chẳng có nhiều giá trị hơn các tuyên bố về đường 9 đoạn trước đây”. Thực chất, “tấm bản đồ mới” mà các học giả Trung Quốc đưa ra chỉ là một nỗ lực “bình mới rượu cũ” cho tham vọng chiếm đoạt toàn bộ khu vực biển Đông của Chính phủ Trung Quốc mà thôi.
Theo giới chuyên gia, dù là bản đồ đường đứt khúc, hay bản đồ nét liền đi nữa, bản thân bản đồ đó không tạo thành một yêu sách lãnh thổ cho Trung Quốc. Vì theo án lệ quốc tế (ý kiến của thẩm phán Oda trong vụ Kasikili/Sedudu; phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ)trong vụ Burkina Faso/Republic of Mali) thì một yêu sách lãnh thổ chỉ có thể được đưa ra với ý định rõ ràng của chính phủ, điều có thể được phản ánh qua các bản đồ. Bản thân bản đồ, nếu không có các bằng chứng hỗ trợ khác không thể biện hộ cho một yêu sách chính trị. Các bản đồ có thể có giá trị không hơn giá trị các bằng chứng chứng thực cho một phán quyết mà Tòa đã đưa bằng các cách khác không liên quan đến các bản đồ đó, ngoại trừ khi các bản đồ thể hiện ý chí của quốc gia, bản thân các bản đồ không thể được xem là bằng chứng cho một đường biên giới. Như vậy, nếu chỉ “lượm” được một bản đồ (mà chưa chắc bản đồ ấy là thật), không có sự tuyên bố rõ ràng rằng bản đồ đó thể hiện yêu sách của chính phủ Trung Quốc thì nó không thể gọi là một yêu sách về lãnh thổ được. Yêu sách lãnh thổ phải được công khai, rõ
ràng với tuyên bố chính thức của nhà nước, chứ không phải của mấy nhà “nghiên cứu” của Trung Quốc tự “sáng tác” ra.
Đáng chú ý, giới nghiên cứu Trung Quốc cho rằng bản đồ trên dựa trên bản đồ thể hiện đường lưỡi bò liền nét được xuất bản từ năm 1951 là một trong những thủ đoạn gian xảo của giới nghiên cứu Bắc Kinh, nhằm “lách luật” trong các quy định của UNCLOS 1982. Với các mốc năm 1951 này, các nhà nghiên cứu Trung Quốc muốn cho nó “phù hợp” với các tuyên bố trước đây của chính phủ Trung Quốc, về “quyền lịch sử” đối với vùng biển bên trong đường này. Vì thời điểm này xuất hiện trước khi Công ước luật biển 1982 được ký kết. Bởi vì từ khi Công ước luật biển 1982 được ký kết và có hiệu lực, mọi khái niệm về quyền và lợi ích biển của các quốc gia ven biển đều được quy định hết trong Công ước. Công ước Luật biển 1982 được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương” trên phạm vi toàn thế giới. Nếu dựa trên Công ước Luật biển 1982 thì Trung Quốc không thể biện minh cho cái họ gọi lập lờ là “đường lưỡi bò” này. Chính vì vậy, để bác bỏ việc áp dụng Công ước Luật biển 1982, Trung Quốc đưa ra yêu sách về “quyền lịch sử” của họ trên vùng biển này. “Quyền lịch sử” được hiểu một cách đơn giản là các đặc quyền ưu tiên của Trung Quốc đối với các tài nguyên trong vùng biển này, “lịch sử” là bởi vì Trung Quốc cho rằng họ đã thực hiện từ lâu trong lịch sử, trước khi Công ước luật biển 1982 ra đời, cho nên họ sẽ được ưu tiên không tuân theo quy định của Công ước Luật biển trong trường hợp này. Tuy nhiên, Phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đã bác bỏ hoàn toàn âm mưu của Trung Quốc. Theo đó, Phán quyết nhấn mạnh “trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà cũng nhậnthấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn”.
Ngoài ra, đường lưỡi bò liền nét trên cũng không thể được coi là đường biên giới quốc gia của Trung Quốc trên Biển Đông. Vì chính bản thân đường 9 đoạn hay đường lưỡi bò liền nét đều được vẽ tùy tiện, không có tọa độ để xác định, và là một đường đứt khúc nên không thể hiện được là một đường biên giới nghiêm chỉnh. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc (năm 2014) đã gián tiếp bác bỏ việc coi đường này là đường biên giới quốc gia, cho dù nó là đứt khúc, hay liền nét. Bởi vì, theo các quy định của luật pháp quốc tế, không thể có chuyện tự do hàng hải và tự do hàng không trong khu vực biển nằm bên trong đường biên giới quốc gia được.
Bắc Kinh bị chỉ trích thậm tệ
Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio (25/8/2018) cho biết, yêu sách phi lý của Trung Quốc xem Biển Đông là một phần lãnh thổ trong lịch sử của nước này là “tin giả của thế kỷ và sự lừa dối khủng khiếp đối với nhân loại”, đồng thời khẳng định yêu sách này sẽ không bao giờ được thông qua. Ông Antonio Carpio cũng kêu gọi người dân Philippines và người dân tại những quốc gia khác ở Đông Nam Á truyền bá sự thật và vạch trần những thông tin sai lệch, giả tạo của Trung Quốc về Biển Đông. Trong khi đó, Tiến sỹ Marco Benatar, Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Brussel, Bỉ cho rằng, “tiêu chí để xét ý định rõ ràng về phía Trung Quốc không được đáp ứng đầy đủ. Các cách giải thích khác nhau về “đường lưỡi bò” do các học giả đưa ra cũng như Công hàm mập mờ của Trung Quốc ngày 7/5/2009 là minh chứng cho kết luận này. Bên cạch cấu trúc câu phức tạp, các thuật ngữ được sử dụng trong Công hàm như “các vùng biển liên quan” hay “các vùng biển lân cận”, gây khó hiểu. Các thuật ngữ này không hề có trong Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982”.
Giáo sư Erik Franckx, Trưởng Khoa Luật Quốc tế và châu Âu, Đại học Brussel, Bỉ còn chỉ ra rằng: “Các bản đồ thể hiện đường 9 đoạn vẽ một bức tranh khác về Biển Đông so với các bản đồ cũng như các tài liệu khác của các quốc gia ven biển trong khu vực. Hơn nữa, các bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” không nhất quán. “Đường lưỡi bò” trên bản vẽ của Trung Quốc trước năm 1953 bao gồm 11 nét đứt, trong khi những phiên bản sau đó chỉ bao gồm 9 nét. Không có lý do chính thức nào được đưa ra để giải thích cho việc xoá đi 2 nét đứt này. Khi các bản đồ không thống nhất, mâu thuẫn với nhau thì các tài liệu đó không đáng tin cậy. Những hành động vừa nêu tuân thủ các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế cần thiết để tạo nên các hành động phản đối có hiệu lực pháp lý, do đó, “đường lưỡi bò” không thể được sử dụng chống lại các quốc gia phản đối. Tiêu chuẩn về mặt thời gian cũng đã được đáp ứng vì các quốc gia đã phản đối ngay khi có các hành động của Trung Quốc. Yêu cầu về mục đích rõ ràng cũng được đáp ứng vì các
tuyên bố của Việt Nam và các nước khác rõ ràng nhằm mục đích ngăn chặn việc có hiệu lực các hành vi pháp lý mới của Trung Quốc ”.
Thượng nghị sỹ Mỹ Joe Liberman, Chủ tịch Uỷ ban An ninh Nội địa và các vấn đề của Chính phủ cho rằng: “Rõ ràng, những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là quá rộng. Đó là hành động gây hấn khiến các nước khác buộc phải hành động. Tôi hy vọng Trung Quốc cần phải dừng lại, không có thêm hành động nào thì mới có thể giúp giải quyết được các tranh chấp hiện nay.”
Giới chuyên gia Trung Quốc cũng không chấp nhận “đường 9 đoạn”. Học giả Lý Oa Đằng (đăng tải bài viết trên Sina) cho rằng, việc Trung Quốc đơn phương lập “Đường 9 đoạn” chồng chéo trên các Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của các nước láng giềng ở Biển Đông đã gây ra một loạt các sự khác biệt và mâu thuẫn, trái với tinh thần của Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc nên bãi bỏ “các đường thể hiện lịch sử truyền thống” để có thể mở đường cho việc giải quyết gốc rễ vấn đề Biển Đông; bản đồ “Đường 9 đoạn” hoàn toàn không có căn cứ pháp lý, những đường vẽ này được rút ra từ một ý tưởng rất chủ quan của một cá nhân, không ai có thể xác định được ý nghĩa của “Đường 9 đoạn” và Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ giải thích rõ về nó.
Giáo sư Hà Quang Hộ (Học viện Triết học, Đại học Nhân dân Trung Quốc) chỉ trích các hành động của Chính phủ Trung Quốc, cho rằng “nếu ý nghĩa của cái gọi là Đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia được vẽ sát vào bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, tôi không tin những quốc gia đó có thể chấp nhận. Nếu Biển Đông được vẽ thành “ao nhà” của Trung Quốc như vậy, các nước khác có nhu cầu vận tải trên biển cũng không thể chấp nhận và như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người dựa vào nhau để tồn tại. Chúng ta muốn sống thì cũng phải để người khác sống chứ”.
Ông Uất Chí Vinh, nguyên Tổng đội phó Hải giám Đông Hải, hiện là nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu phát triển hải dương Trung Quốc cũng phải thừa nhận một thực tế là chủ trương của chính phủ Trung Quốc về cái gọi là “Đường 9 đoạn” không có cơ sở chắc chắn, không được giới học thuật đồng tình, ủng hộ và là nguyên nhân gây nên tranh chấp trên biển với các nước láng giềng. Trong khi đó, học giả Tiết Lý Thái và Hà Quốc Trung của Đại học giao thông Bắc Kinh cho rằng thời đại ngày nay đã khác xa với năm 1974 khi Trung Quốc xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Một khi Trung Quốc dùng biện pháp quân sự gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông thì sẽ bị toàn thế giới lên án, ngay cả Nga – nước thân thiết cũng sẽ tìm cách xa lánh Trung Quốc; đồng thời cảnh báo rằng chính sách cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông đang chịu sự tác động, chi phối của “phái diều hâu” trong nước.
TQ “phá luật” ở Biển Đông,
Liên minh châu Âu không thể “làm ngơ”
Kể từ khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) ra đời đến nay, cộng đồng quốc tế và nhân loại không thể phủ nhận tầm quan trọng và vị trí pháp lý của nó trong đời sống luật pháp quốc tế, được coi là bản Hiến chương của biển và đại dương?
Tính đến nay tháng 03/2020, đã có168 quốc gia và Cộng đồng châu Âu (EC) tham gia UNCLOS 1982. Đáng chú ý, Công ước quy định, khi trở thành thành viên tham gia UNCLOS 1982, các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định trong Công ước, không có ngoại lệ và không có bảo lưu. Như vậy có nghĩa, không thể có quốc gia nào khi tham gia sân chơi luật pháp chung này lại chỉ viện dẫn và áp dụng những quy định trong Công ước có lợi cho quốc gia mình, hoặc không tuân thủ, thậm chí phủ nhận những quy định không có lợi cho nước mình. Thế mà, giờ đây có một quốc gia lại đang “đầu têu” làm việc đó.
Cần phải chỉ đích danh quốc gia đó là Trung Quốc. Đây là nước đã ký tham gia UNCLOS 1982 từ năm 1996, nhẽ ra thì cũng giống như các nước tham gia khác, họ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực thi Công ước. Thế nhưng, Trung Quốc đã và đang “phá luật” để tìm cách “độc chiếm Biển Đông” theo yêu sách “đường chín khúc” phi lý.
Sự “phá luật” rõ nhất của Trung Quốc gần đây là sự kiện nước này chống lại phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) trong vụ Philipines kiện Trung Quốc ở Biển Đông năm 2016. Theo đó, do biết chắc chắn rằng phần thắng sẽ không thuộc về mình, nên trước khi Philippines đưa vụ kiện trên ra tòa trọng tài quốc tế, Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận bất kỳ một phán quyết nào từ các tòa trọng tài. Khi PCA ra phán quyết cuối cùng bác bỏ yêu sách “đường chín khúc” và các đòi hỏi phi lý khác của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đã thể hiện sự coi thường luật pháp quốc tế khi một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc trong buổi gặp mặt Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu ngày 12/07/2016 đã nói rằng: “Từ cổ chí kim, các đảo ở Biển Đông đều là lãnh thổ của Trung Quốc. Trong bất cứ tình hình nào, chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông đều không chịu ảnh hưởng từ phán quyết của PCA. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào xuất phát từ phán quyết của PCA”. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó còn cho rằng, vụ kiện này là “một trò hề đội lốt pháp luật”; Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia PCA là nhằm “bảo vệ nền pháp quyền quốc tế và quy tắc khu vực theo pháp luật”…
Ai cũng biết, PCA là tòa trọng tài quốc tế, được lập ra theo những quy định của UNCLOS 1982 để xử lý những tranh chấp xung quanh tiến trình thực thi Công ước. Do đó, PCA được cả cộng đồng quốc tế công nhận, trong đó có cả Trung Quốc khi tham gia Công ước. Nhưng nay họ lại tuyên bố rằng không chấp nhận, không tham gia PCA và không chấp hành phán quyết của PCA thì hóa ra chẳng phải là hành động “phá luật” đó sao? Hiện nay trên thế giới, không chỉ ở Biển Đông mà nhiều khu vực khác cũng đang có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Và để giải quyết các tranh chấp đó, xu hướng chung là các nước đều dựa vào luật pháp quốc tế, đàm phán, thương lượng hòa bình. Thử hỏi, quốc gia nào cũng hành xử ngang ngược như Trung Quốc thì thiên hạ rồi đây có rơi vào “đại loạn” hay không?
Bước tiếp theo sau những tuyên bố trắng trợn nêu trên, Trung Quốc đã tiến hành “phá luật” ở Biển Đông bằng những hành động “kẻ cướp” trên thực địa. Bất chấp sự phản đối của các nước có lợi ích liên quan và cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên triển khai hoạt động cải tạo các đảo, đá họ “cưỡng chiếm” được trên Biển Đông, quân sự hóa chúng và mở rộng tầm kiểm soát ra khắp Biển Đông. Cho đến hiện nay, họ đã hoàn thiện ba đường băng sân bay dài 3.000m, thiết lập hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung, mạng lưới radar, anten… tại một số đá ở quần đảo Trường Sa; lắp đặt trang thiết bị mở rộng phạm vi giám sát trên không, trên biển và tác chiến điện tử ở quần đảo Hoàng Sa, đồng thời có kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thành “căn cứ hậu cần chiến lược”. Tại đảo Hải Nam, Trung Quốc đã nâng cấp 4 căn cứ không quân và xây dựng căn cứ tên lửa chiến lược liên lục địa. Nếu triển khai các loại máy bay chiến đấu hiện đại với phạm vi hoạt động từ 1.000 – 1.500km tại các căn cứ trên, thì Trung Quốc đủ khả năng kiểm soát trên không toàn bộ Biển Đông và một phần lãnh thổ các nước ven Biển Đông. Họ còn đẩy mạnh triển khai hệ thống cảnh báo, giám sát dưới mặt biển bằng cách bí mật triển khai Khu nhận dạng hàng hải (MNIZ) và Khu nhận dạng âm thanh dưới mặt biển (UAIZ) ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện lực lượng hải quân, chấp pháp, kiểm ngư để tuần tra, xua đuổi, bắt giữ trái phép phương tiện, tàu thuyền các nước ở Biển Đông; tích cực sử dụng hàng nghìn tàu cá vỏ sắt có công suất lớn, tàu cá dân binh như một mạng lưới trinh sát trên Biển Đông; quấy rối hoạt động khai thác dầu mỏ của Malaysia, gây sức ép với Philipppines tại đảo Thị Tứ, đưa tàu khảo sát địa chất xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam… Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức nhiều cuộc tập trận với tần suất và quy mô ngày càng mở rộng, trong đó có cuộc duyệt binh hải quân trên biển (tháng 4/2018) gần đảo Hải Nam với quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm phô trương sức mạnh, xa hơn là răn đe các nước.
Những hành động “phá luật” như trên của Trung Quốc rõ ràng đã làm cho tình hình an ninh Biển Đông trở nên phức tạp, lấy đâu ra “bình yên” như họ thông báo, lấy đâu ra “sự bình thường của các tàu bè lưu thông trên biển” như họ trấn an. Ngược lại, các nước, các bên có liên quan tới vùng biển này đã phải tăng cường năng lực quốc phòng, gia tăng các hoạt động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của họ, khiến cho tình hình phức tạp hơn. Mỹ và nhiều nước lớn ngoài khu vực đã gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông để duy trì và bảo vệ lợi ích.
Như vậy, lần lượt nhiều quốc gia có liên quan đã và đang, theo cách của mình, phản ứng lại hành động “phá luật” của Trung Quốc. Còn một tổ chức, một tổ chức có tới 27 quốc gia thành viên, có đầy sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự và đầy quyền lực là Cộng đồng châu Âu (EC), năm 1993 đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU), cũng đồng thời là một bên tham gia ký kết UNCLOS 1982, chẳng lẽ lại “làm ngơ”.
Thực tế không như vậy. Sau sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 đến tháng 10/2019, giới nghiên cứu chính trị quốc tế tại Viện Chatham House (London/Anh) đã lên tiếng. Theo giới này, các tuyên bố và hành động “sặc mùi” hiếu chiến và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc thời gian qua với mục đích đòi quyền khai thác chung, đòi phân chia tài nguyên biển với các nước láng giềng Đông Nam Á trong chính Vùng đặc quyền kinh tế của họ là phi đạo đức, phi nhân tính. Họ chỉ ra: “Các hành vi của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công ty đang hợp tác khai thác dầu khí như Shell của Anh và Hà Lan, Repsol của Tây Ban Nha, đây là những quốc gia thuộc EU. Không những thế, điều này còn đe dọa đến an ninh – kinh tế năng lượng của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines”.
Tiếp theo, nhiều chuyên gia, học giả nghiên cứu của EU cũng đồng thanh hưởng ứng khi vạch rõ: Tuyên bố mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc ở Thái Lan ngày 31/07/2019 rằng “các vụ va chạm xảy ra giữa Trung Quốc và các nước ở Biển Đông vừa qua là tại vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước” chẳng qua là một cách đánh tráo khái niệm mà thôi. Họ cũng lên án hành động nguy hại trên của Trung Quốc thông qua lập luận sau:
Trung Quốc và các nước láng giềng ở phía Nam đang trong một tranh chấp khu vực, nhưng ý nghĩa mang tầm quốc tế. Luật pháp quốc tế – nền tảng cho việc gìn giữ trật tự ổn định của thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đó là việc các quốc gia có thể sẽ không còn tôn trọng các hiệp ước mà chính họ đã đặt bút ký vào. Trung Quốc là quốc gia đã phê chuẩn UNCLOS 1982 vào năm 1996 và chịu sự ràng buộc bởi các quy định của Công ước này. UNCLOS 1982 đã cụ thể hóa vấn đề chủ quyền biển bằng cách trao những đặc quyền quản lý cho các quốc gia ven biển trong phạm vi 200 hải lý kể từ đường bờ biển của họ, gọi là Vùng đặc quyền kinh tế – EEZ. Bờ biển của Trung Quốc nằm cách khu vực tranh chấp hơn 1.000km nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố đó là vùng biển của mình. Họ đưa ra lý lẽ rằng khu vực này gần với quần đảo Trường Sa (vốn là của Việt Nam, nhưng Trung Quốc nhận của họ). Với lý lẽ này, Trung Quốc hoàn toàn sai, không chỉ sai với UNCLOS 1982, mà còn sai với phán quyết của PCA bởi trong phán quyết đó, PCA tuyên bố rằng, không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể xem là đảo hoàn chỉnh. Chúng quá nhỏ và không thể duy trì sự sống của con người trong một khoảng thời gian, vì vậy những thực thể này không thể tạo thành EEZ… Các luật lệ và thỏa thuận quốc tế là thành tố quan trọng đối với việc duy trì hòa bình trên toàn thế giới. Nếu tại một nơi nào đó, những trật tự này bị phá bỏ, điều đó đồng nghĩa với việc luật pháp quốc tế sẽ bị suy yếu đi trên toàn cầu. Nếu Trung Quốc tiếp tục xem thường UNCLOS 1982, các nước khác cũng có thể sẽ quyết định phá vỡ tính tự kiềm chế mà luật lệ quốc tế đã tạo nên. Kết quả là luật pháp quốc tế sẽ dần bị suy yếu và bất lực trước những vũ lực và sự đe dọa bằng sức mạnh.
Bên cạnh đó, Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề ngoại giao và chính sách an ninh Maja Kocijancic cho rằng các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông dẫn đến căng thẳng gia tăng và làm xói mòn môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực. Điều quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là tự kiềm chế, thực hiện các bước cụ thể để trở lại nguyên trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Các bên nếu thấy hữu ích cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba bằng hình thức hòa giải hoặc phân xử để tạo thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại.
Trước nguy cơ luật pháp quốc tế bị xói mòn, thậm chí có thể sụp đổ từ cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều chuyên gia của EU đã khuyến nghị Liên minh cần có những hành động rõ ràng và quyết liệt. Theo đó họ đề xuất: Về quan điểm, EU cần thể hiện sự ủng hộ chủ quyền của các quốc gia ven biển trong phạm vi EEZ đã được quy định trong UNCLOS 1982, cụ thể là các quốc gia được làm chủ nguồn tài nguyên trong EEZ của họ; cần phân biệt rõ sự khác nhau về bản chất giữa hành động vi phạm chủ quyền và hành động bảo vệ chủ quyền để từ đó có sự điều chỉnh chính sách đối với khu vực này cho phù hợp. Về hành động, với hệ thống vệ tinh và viễn thám hiện đại, EU có thể thu thập thông tin cụ thể về những hành vi vi phạm chủ quyền ở Biển Đông. Đồng thời cung cấp các thông tin tình báo hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát biển và ngư dân của các quốc gia ven biển vì sự an toàn và tăng cường ý thức về lãnh hải trong các hoạt động của họ. Ở mức độ cao hơn, EU có thể nghĩ đến việc triển khai các phương tiện để bảo vệ các quốc gia có EEZ bị xâm phạm. Khi một quốc gia ven biển thực thi hành động hợp pháp trong EEZ hợp pháp của họ, EU có thể cử tàu hải quân quan sát và công bố các vi phạm và thậm chí có thể có hành động can thiệp hợp lý nếu xảy ra xung đột. EU cũng có thể sử dụng uy tín của mình như một định chế xây dựng luật pháp để khuyến khích các hành vi tốt, chỉ đích danh và có biện pháp trừng phạt những hành vi xấu trong các diễn biển xảy ra trên Biển Đông.
Các chuyên gia của EU rõ ràng đã nhìn thấy trước những hệ lụy tiêu cực rất lớn cho luật pháp quốc tế nếu như Trung Quốc tạo ra được tiền lệ “phá luật” ở Biển Đông. Vì thế, họ không chỉ “nói suông” mà đang hối thúc EU phải hành động. Tuy các biện pháp họ khuyến nghị EU chưa phải là “tuyệt chiêu” và đầy đủ, nhưng cũng đủ để gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình là xu hướng đúng đắn, hợp lòng người và được tuyệt đại đa số các nước trên thế giới, trong đó có EU ủng hộ. Nếu Trung Quốc bất chấp tất cả, tiếp tục có những hành động vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, chắc chắn họ sẽ vấp phải những biện pháp ngăn chặn kịp thời, mạnh mẽ và có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
http://biendong.net/bien-dong/33650-tq-pha-luat-o-bien-dong-lien-minh-chau-au-khong-the-lam-ngo.html