Tin Biển Đông – 19/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 19/03/2017

Quân đội Philippines ngăn dân biểu thăm đảo Thị Tứ

Quân đội Philippines cho biết đã chặn một nhóm các nhà lập pháp và quan chức an ninh của nước này ra thăm một trong 9 đảo mà Manila kiểm soát ở Biển Đông do các vấn đề về an toàn.

Tuy nhiên, một vị tướng của Philippines được Reuters dẫn lời hôm 17/3 nói rằng việc hoãn chuyến đi trong tuần trước tới đảo Thị Tứ (tên địa phương là Pagasa) là do có các quan ngại về phản ứng của Trung Quốc.

Việt Nam ‘bác gợi ý’ của Bộ Quốc phòng Philippines?

Tư lệnh hải quân VN gặp Bộ trưởng Quốc phòng TQ

Thị Tứ gần với bãi đá Subi, một trong bảy hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh bị cáo buộc đã bồi đắp và quân sự hóa với các tên lửa đất đối không.

Nhiều năm qua, Philippines đã tranh chấp, thậm chí còn đưa Trung Quốc ra tòa về Biển Đông, nhưng quan hệ giữa hai nước đã cải thiện dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhà lãnh đạo Philippines đã gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương chiều 17/3 khi ông này tới Manila.

Năm thành viên của Hạ viện Philippines trước đó dự kiến bay ra đảo Thị Tứ vào ngày 16/3, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cùng một quan chức quân sự cấp cao khác dự tính thực hiện một chuyến đi riêng khác hôm 17/3.

Các dân biểu Philippines dự tính sẽ đánh giá khả năng nâng cấp và xây dựng các công trình mới cho cộng đồng ngư dân Philippines khoảng 100 người sống trên Thị Tứ.

Đó là một khu vực tranh chấp, không phải thuộc về chúng ta 100%. Đó là lý do vì sao chúng tôi quan ngại nếu quý vị bay ra đó. Mỗi khi máy bay bay ra đó, chúng ta nhận được cảnh báo và thậm chí là cả pháo sáng bay về phía máy bay.

Trung tướng Raul del Rosario nói.

Quân đội cho biết rằng chuyến thăm bị hoãn vì “các lý do an toàn”. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Arsenio Andolong nói rằng việc đáp xuống đường băng không bằng phẳng sau khi trời mưa to rất nguy hiểm. Chưa rõ chuyến đi sẽ được thực hiện khi nào.

Tuy nhiên, trung tướng Raul del Rosario, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tây Philippines, nói rằng có các quan ngại về Trung Quốc.

Ông này nói tại một cuộc điều trần hôm 16/3: “Đó là một khu vực tranh chấp, không phải thuộc về chúng ta 100%. Đó là lý do vì sao chúng tôi quan ngại nếu quý vị bay ra đó. Mỗi khi máy bay bay ra đó, chúng ta nhận được cảnh báo và thậm chí là cả pháo sáng bay về phía máy bay”.

Theo Reuters, quân đội từ chối bình luận về tuyên bố của ông Rosario. Hãng tin này cho rằng việc duy trì các cộng đồng ở Trường Sa là một phương sách quan trọng của Philippines và Việt Nam nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền.

http://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-philippines-ngan-dan-bieu-tham-dao-thi-tu/3772530.html

 

Philippines không thể chống Trung Quốc: Duterte

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng nước ông không thể cản được Trung Quốc xây dựng trên bãi đá Scarborough hay còn gọi là Hoàng Nham vì họ quá mạnh.

Ông nói như vậy với báo chí trước khi lên đường đi thăm Miến Điện.

Còn khi được hỏi về chuyện mới đây tàu Trung quốc xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi phía Đông đảo Luzon, ông trả lời rằng họ, tức là Trung Quốc, thừa nhận rằng đó là vùng biển Phi thế là được rồi.

Ông hỏi ngược lại các nhà báo rằng họ muốn ông làm gì, có phải là tuyên chiến với Trung Quốc hay không? Ông nói tiếp là nếu tuyên chiến thì cảnh sát, quân đội và cả quốc gia Phi nữa cũng tiêu tan.

Xin nhắc lại là vào năm 2012, Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines, bãi này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila và chỉ cách bờ biển Phi có 230 cây số.

Cách đây vài ngày người được mệnh danh là thị trưởng thành phố Tam Sa của Trung Quốc, khu vực bao trùm các vùng biển đang tranh chấp Hoàng Sa, và Trường sa ở biển Đông, tuyên bố là sẽ xây dựng một trạm quan trắc về môi trường trên bãi cạn Scarborough.

Còn hồi thứ sáu vừa qua ông Duterte đã tiếp Phó Thủ tướng Uông Dương của Trung Quốc tại thành phố Davao trong một buổi họp kín.

Nói với phóng viên, ông Duterte mô tả những lời than phiền chống Trung Quốc là tào lao, vì Trung Quốc đang giúp đỡ Phi phát triển nền kinh tế, thì chẳng lẽ lại than phiền họ khi họ đi tàu gần bờ biển của mình.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/impossible-against-china-03192017090157.html

 

Biển Đông : Cam Bốt lại đả kích Mỹ và bênh Trung Quốc

Thái độ thần phục Trung Quốc và công kích Hoa Kỳ của Cam Bốt tiếp tục lộ rõ, với giới chức lãnh đạo Phnom Penh như đã không bỏ lỡ dịp nào để cho thấy điều đó. Theo nhật báo Anh Ngữ The Phnom Penh Post ngày 13/03/2017, trong phát biểu ngày 10/03 nhân một cuộc hội thảo do Trung Tâm Nghiên Cứu Hòa Bình và Xung đột tại Cam Bốt tổ chức, ngoại trưởng Cam Bốt Prak Sokhon lại một lần nữa lên tiếng đả kích sự can dự của Mỹ vào Biển Đông, một quan điểm rập khuôn theo đàn anh Trung Quốc.

Theo ông Prak Sokhon, Biển Đông sẽ tiếp tục là một « vấn đề nóng » do sự can dự của Mỹ vào khu vực. Ông nói : « Mặc dù có một số dấu hiệu tích cực và tiến bộ đã được các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc thực hiện trong việc xây dựng các cơ chế cải thiện an toàn và lòng tin tưởng vào nhau, tôi vẫn thấy trước khả năng có những thách thức mới ».

Đối với ngoại trưởng Cam Bốt, phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong buổi điều trần tháng Giêng vừa qua để được Thượng Viện xác nhận chức vụ, có thể dẫn đến xung đột trong khu vực.

Vào khi ấy, ông Tillerson cho rằng cần phải ngăn không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng tại Biển Đông, những tuyên bố đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ nổ ra xung đột Mỹ-Trung.
Ông Sokhon còn chĩa mũi dùi vào đề nghị ngân sách quốc phòng mới của tổng thống Donald Trump, kêu gọi tăng thêm 54 tỉ đô la chi tiêu quân sự. Theo ngoại trưởng Cam Bốt, khi quân đội Mỹ được rót thêm tiền, điều đó chỉ làm gia tăng tình trạng bất ổn.

Tillerson : Một ngoại trưởng yếu thế

Điều thể hiện rõ thái độ cố tình tìm cớ đả kích Mỹ là việc ngoại trưởng Cam Bốt đã « hâm » lại tuyên bố cũ của ngoại trưởng Mỹ vào lúc mà thực tế không đáng ngại như người ta lầm tưởng, và những ý tưởng mà ông Tillerson phát biểu không hề được thực hiện, và đó dường như không phải là chính sách Biển Đông của Mỹ.

Mặt khác, giới quan sát tại Washington ngày càng cho rằng ngoại trưởng Tillerson rất yếu thế trong chính quyền Trump, bị tổng thống Mỹ gạt ra bên lề các cuộc họp quan trọng của ông Trump với các lãnh đạo chủ chốt trên thế giới, cũng như ít được tham khảo trong những tuyên bố chính sách quan trọng.

Trong hơn 50 ngày qua kể từ khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ, Hoa Kỳ tiếp tục điều chiến hạm và phi cơ đến Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không. Thế nhưng, như chuyên gia Greg Raymond thuộc Đại Học Quốc Gia Úc đã nhận định, chính sách đó đã bắt đầu từ thời Barack Obama.

Theo báo Phnom Penh Post, lời đả kích Mỹ của ngoại trưởng Prak Sokhon được đưa ra vào lúc các quan chức Cam Bốt bắt đầu nặng lời công kích Mỹ, nhắc lại các vấn đề gây tranh cãi như những chiến dịch ném bom Cam Bốt vào những năm 1970, hay khoản tiền Cam Bốt nợ Mỹ trong thời kỳ chiến tranh mà cho đến nay vẫn chưa trả.

Đã đả Mỹ thì tất nhiên phải bênh Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, Cam Bốt luôn ra mặt ủng hộ Trung Quốc trong các tranh chấp của Bắc Kinh với các láng giềng trên Biển Đông và ngăn chặn không cho ASEAN ra tuyên bố chung chống lại Trung Quốc.

Sau cuộc họp gần đây nhất ở Philippines, ngoại trưởng Prak Sokhon đã ca ngợi vai trò quan trọng của Trung Quốc như là một đối tác chiến lược và kêu gọi tiếp tục đàm phán về bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông mà ASEAN mong muốn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170319-bien-dong-cam-bot-lai-da-kich-my-va-benh-trung-quoc