Tin Biển Đông – 19/11/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 19/11/2020

Biển Đông: ASEAN quan ngại, Canada phản đối quân sự hóa – Thụy My

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong dịp hội nghị thượng đỉnh đã bày tỏ mối lo ngại về tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông giữa các quốc gia thành viên và Bắc Kinh, trong thông cáo được Việt Nam, nước chủ tịch luân phiên công bố hôm 18/11/2020. Bên ngoài khu vực, Canada lên tiếng phản đối việc quân sự hóa vùng biển này, còn Hà Lan kêu gọi châu Âu quan tâm hơn đến « khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ».

Thông cáo của ASEAN cho biết khi thảo luận về tình hình Biển Đông, một số nhà lãnh đạo đã nêu lên mối quan ngại về các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và các sự cố nghiêm trọng tại vùng biển này. Hàm ý chỉ trích việc Trung Quốc tự tiện lập ra các đơn vị hành chính tại Biển Đông, ASEAN tái khẳng định cần phải đạt đến một giải pháp hòa bình để giải quyết bất đồng, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trước đó tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 diễn ra trong hai ngày 16 và 17/11 tại Hà Nội với hơn 400 học giả và đại biểu tham gia trực tuyến, bộ trưởng Quốc Phòng Canada, ông Harjit Sajjan tuyên bố, Canada phản đối các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Canada chống lại việc sử dụng vũ lực, cải tạo đất với quy mô lớn, xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo ; đồng thời kêu gọi tuân thủ những cam kết về phi quân sự hóa các thực thể tranh chấp, cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Hà Lan “xoay trục” sang Ấn Độ-Thái Bình Dương

Về phía châu Âu, The Diplomat hôm qua 18/11 có bài viết « Theo sau Pháp và Đức, Hà Lan xoay trục sang Ấn Độ-Thái Bình Dương », cho biết chính phủ Hà Lan đã công bố chính sách mới về Ấn Độ-Thái Bình Dương. Bộ Ngoại Giao Hà Lan kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu (EU) lên tiếng thường xuyên và mạnh mẽ hơn về những vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại Biển Đông, nơi Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh nhằm yêu sách chủ quyền. Hà Lan cho rằng cần phải bảo đảm tự do hàng hải, Ấn Độ-Thái Bình Dương « không nên trở thành trò chơi của các cường quốc ».

Khái niệm khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương do chính quyền Donald Trump khởi xướng đã được Pháp áp dụng từ tháng 5/2018 và Đức từ tháng 9/2020. Thông báo của Hà Lan cho thấy khái niệm này đã được lan tỏa rộng rãi hơn, có thể dẫn đến một chính sách chung của EU về khu vực.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201119-bien-dong-asean-quan-ngai-uc-phan-doi-quan-su-hoa

Cố vấn an ninh của Trump đến Việt Nam

 trong nỗ lực cuối chống Bắc Kinh

Thụy My

Ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ trong rong hai ngày 20 và 21/11/2020 sẽ có mặt tại Hà Nội để gặp gỡ các quan chức cao cấp Việt Nam trước khi sang Manila. Chuyến công du này đánh

dấu những nỗ lực vào phút cuối của chính quyền Donald Trump để đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo South China Morning Post hôm nay 19/11/2020, ông O’Brien dự kiến gặp gỡ thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ngoại trưởng Phạm Bình Minh, bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng Công An Tô Lâm, và nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao. Theo các nhà phân tích, chuyến thăm này nhằm củng cố di sản của chính quyền Trump trong việc chống lại tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh, và đặt Joe Biden trước việc đã rồi.

Đọc thêm: Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ tiến triển nhờ…Trung Quốc

Bài viết của hai tác giả Bắc Phạm và Bennett Murray trích lời của chuyên gia Lê Đăng Doanh, cho rằng chuyến đi là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hai kẻ thù xưa năm nay đã kỷ niệm 25 năm bình thường hóa ngoại giao, và cùng chia sẻ mối quan ngại trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Á. Ông hy vọng chính quyền mới sẽ tiếp tục quan hệ đối tác toàn diện, vì lợi ích của cả đôi bên ở Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer, đại học New South Wales (Úc) dự báo hai bên sẽ ra thông cáo chung Mỹ-Việt về hợp tác vì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, khái niệm được chính quyền Trump khởi xướng nhằm đối phó với Trung Quốc.

Theo ông, rõ ràng tổng thống Donald Trump đang và sẽ tiếp tục một số sáng kiến đối ngoại nhằm đánh bóng những thành tựu đạt được, vào lúc chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ. Các cam kết khả thi có thể gồm việc gia tăng hợp tác về tuần duyên, bán trang thiết bị để Việt Nam có thể tự vệ trước dã tâm bành trướng của Bắc Kinh.

Chuyên gia Thayer nhận định, một thỏa thuận như vậy với Việt Nam sẽ là « việc đã rồi » với ông Joe Biden. Nhưng chỉ có phía Mỹ là vội vã, vì Hà Nội cho rằng Biden sẽ tiếp tục quan hệ đối tác toàn diện đã thỏa thuận dưới thời Obama, tuy vẫn lo ngại ông Biden quá thận trọng trong việc đối phó với Trung Quốc.

Tháng trước, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng đã thăm Hà Nội ; nhưng chừng như có trở ngại là việc đại diện thương mại Mỹ thông báo điều tra về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và xuất khẩu gỗ lậu. Theo ông Thayer, chuyến đi của ông O’Brien cho thấy Nhà Trắng có thể đã giải quyết mối lo ngại này.

Chuyến thăm của ông O’Brien diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trên chính trường Mỹ, do tổng thống Donald Trump từ chối công nhận đã thất cử trước ông Joe Biden. Đáng chú ý là Việt Nam cho đến nay vẫn chưa chúc mừng chiến thắng được cho là về phía Biden. Phát biểu trong cuộc họp báo bế mạc thượng đỉnh ASEAN ngày 15/11 ở Hà Nội, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng dù người thắng là ông Biden hay ông Trump, Hoa Kỳ vẫn là bạn tốt của Việt Nam.

Đọc thêm: Tổng thống Trump có thể hành động gì trong hai tháng tới ?

Ông Phạm Quang Minh, cựu hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng Việt Nam không muốn bày tỏ quan điểm trong lúc tình hình chưa rõ ràng. Nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Quang A cho là phía Việt Nam sợ rằng nếu hấp tấp sẽ phải gánh chịu hậu quả trong hai tháng tới, và nhấn mạnh chưa bao giờ Hà Nội chậm lên tiếng về bầu cử Mỹ như vậy kể từ năm 1995 đến nay.

Chuyên gia Lê Hồng Hiệp ở Singapore nhận định, có thể các thương thảo trong chuyến công du của cố vấn an ninh quốc gia O’Brien là một yếu tố khiến Hà Nội quyết định chưa chúc mừng Biden. Theo ông, điều quan trọng đối với Việt Nam là tiếp tục làm việc với các quan chức của chính quyền Trump để củng cố những thành quả đã đạt được trong hợp tác Việt-Mỹ.

Ông Phạm Quang Minh nói thêm, Việt Nam rất hoan nghênh nhiều chính sách đối kháng Trung Quốc của chính quyền Trump, và ông Donald Trump là tổng thống đầu tiên thẳng thừng đối đầu với Trung Quốc.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20201119-c%E1%BB%91-v%E1%BA%A5n-an-ninh-c%E1%BB%A7a-trump-%C4%91%E1%BA%BFn-vi%E1%BB%87t-nam-trong-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-cu%E1%BB%91i-ch%E1%BB%91ng-b%E1%BA%AFc-kinh