Tin Biển Đông – 18/12/2017
Cảnh sát Biển Việt Nam tiếp nhận tàu tuần duyên của Mỹ
Chiều 16/12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cảnh sát biển Vùng 3, thuộc Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, đã tổ chức lễ tiếp nhận một tàu tuần duyên Mỹ.
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink thông báo trên Facebook hôm 16/12:
“Chiều nay, những thủy thủ tuyệt vời của CSB8020 đã đưa con tàu trở lại Việt Nam trong chuyến đi đầu tiên với tư cách là một tàu tuần tra của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đó là một chuyến đi dài từ Hawaii đến Việt Nam. Xin chúc mừng và chào đón về nhà mới!”
Đó là một chuyến đi dài từ Hawaii đến Việt Nam. Xin chúc mừng và chào đón về nhà mới.
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink viết trên Facebook
Báo Quân đội Nhân dân cho biết Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và bà Mary Tanowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh tham dự buổi lễ tiếp nhận tàu tuần tra tại một cảng biển ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tàu Cảnh sát biển CSB8020 trước đây có tên là Tàu tuần duyên Morgenthau thuộc Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, được chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam hồi tháng 5, trước chuyến thăm Washington của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Mỹ giao tàu tuần duyên trọng tải cao cho Việt Nam
Hoa Kỳ huấn luyện cho Cảnh sát Biển Việt Nam
Tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ 8 được đóng tại nhà máy Avondale, New Orleans, bang Louisiana, Hoa Kỳ. Con tàu có lượng giãn nước tối đa 3.250 tấn, dài 115m, rộng 13m. Tàu được trang bị pháo Otobreda 76mm, radar điều khiển hỏa lực Mk 92, hai động cơ diesel và hai động cơ tua-bin khí, đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 14.000 hải lý và đảm bảo hoạt động liên tục 45 ngày trên biển.
Với lượng giãn nước 3.200 tấn, báo chí trong nước nói tàu CSB8020 là tàu tuần tra lớn nhất của Cảnh sát biển Việt Nam từ trước đến nay.
Báo Quân đội Nhân dân trích lời Thượng tướng Phương Nam ra lệnh cho Cảnh sát biển Vùng 3 “nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế tàu CSB 8020, tổ chức huấn luyện chuyên sâu, quản lý tốt trang bị, vũ khí, khí tài, giữ gìn, phát huy tốt tính năng kỹ thuật, chiến thuật của con tàu.”
Nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế tàu CSB 8020, tổ chức huấn luyện chuyên sâu, quản lý tốt trang bị, vũ khí, khí tài, giữ gìn, phát huy tốt tính năng kỹ thuật, chiến thuật của con tàu.
Thượng tướng Nguyễn Phương Nam.
Truyền thông trong nước cho biết từ tháng 5/2017 đến nay, kíp tàu 8020 đã tổ chức huấn luyện, sử dụng, vận hành thành thạo con tàu trong mọi tình huống.
Trong bài phát biểu tại hội nghị APEC ở Việt Nam vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập tới “một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ củng cố tự do hàng hải trên biển và an ninh khu vực.
Việt Nam trở thành đối thủ chính của Trung Quốc trên tuyến hàng hải giàu tài nguyên ở Biển Đông, kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thay đổi chính sách và trở nên mềm mỏng hơn với Bắc Kinh.
https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-bien-vietnam-tiep-nhan-tau-tuan-duyen-cua-my/4168323.html
Biển Đông: Philippines ngày càng ngả theo Trung Quốc
Chính quyền Philippines của tổng thống Duterte càng lúc càng nói theo lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Ví dụ mới nhất là phản ứng của Manila trước bản báo cáo ngày 14/12/2017 của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), theo đó trong năm 2017, lợi dụng việc quốc tế dồn chú ý vào bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã tiếp tục phát triển thêm các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp ở Biển Đông.
Trung tâm AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS tại Washington, đã dẫn các hình ảnh mới nhất chụp từ vệ tinh, cho thấy Trung Quốc đã mở rộng và xây dựng thêm khoảng 290.000m2 trên nhiều đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, đặt ra-đa cao tần và các cơ sở có thể dùng cho quân sự.
Một cách cụ thể, Bắc Kinh đã tập trung củng cố và mở rộng ba thực thể tạo thành điều được giới chuyên gia quân sự gọi là tam giác sắt chiến lược của Trung Quốc tại Trường Sa bao gồm Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi) và Vành Khăn (Mischief).
Một hệ thống ra-đa được thiết lập ở phía bắc đá Chữ Thập, một đường hầm được hoàn tất trên đá Xu Bi, có thể dùng để trữ đạn dược và hệ thống ra-đa. Còn trên đá Vành Khăn, Bắc Kinh đã xây thêm hầm chứa đạn dược, nhà chứa máy bay, hầm trú tên lửa và ra-đa. Đó là chưa kể đến các công trình khác ở Hoàng Sa, cụ thể là trên đảo Cây và đảo Tri Tôn.
Hình ảnh vệ tinh chụp rất rõ, các công trình mới đều nổi bật khi so sánh với những bức ảnh chụp vào đầu năm ngoái. Thế nhưng đối với ngoại trưởng Philippines Cayetano ngày 15/12 vừa qua, thì trong thời gian gần đây, Trung Quốc không hề chiếm đóng hay củng cố thêm một thực thể mới nào tại Biển Đông.
Về các công trình xây dựng của Trung Quốc bị trung tâm AMTI vạch trần, ngoại trưởng Philippines không phủ nhận, nhưng lại giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự việc khi cho rằng Trung Quốc không phải là nước duy nhất có hoạt động xây dựng tại Biển Đông. Theo ông, nhiều nước khác, trong đó có Philippines, « vẫn tiếp tục xây dựng tại những vùng họ đã chiếm giữ. Trên đảo Pag-asa, chúng ta (tức Philippines) cũng đang tu bổ. Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc cũng tu bổ, và ai cũng nói rằng việc đó chỉ mang tính chất phòng thủ mà thôi ».
Một dấu hiệu thứ hai cho thấy là Manila vào lúc này hoàn toàn đi theo lập luận của Trung Quốc về Biển Đông là sự kiện hôm 15/12/2017, các quan chức quốc phòng Philippines và Trung Quốc có cuộc họp quan trọng tại Philippines để bàn về các biện pháp tăng cường quan hệ quốc phòng song phương. Theo báo chí Philippines, bản báo cáo của AMTI về hoạt động của Trung Quốc không hề được nêu lên trong cuộc họp.
Theo các nhà phân tích, sự kiện Manila đi theo lập trường của Trung Quốc từng được thể hiện rõ nét nhân Hội nghị ASEAN tháng 8 vừa qua tại Manila, khi Philippines, trong tư cách chủ tịch khối nước Đông Nam Á đã tìm cách loại bỏ hai từ ngữ « quân sự hóa – militarization » và « cải tạo, bồi đắp đảo đá – land reclamation » trong bản Thông Cáo Chung của các ngoại trưởng ASEAN.
Trên vấn đề này, hôm 15/12 vừa qua, ông Cayetano đã công nhận rằng chính ông đã không muốn đưa hai từ ngữ này vào khi soạn thảo văn kiện này, vì theo ông « điều đó không phù hợp với thực tế… Trung Quốc không còn bồi đắp đảo đá nữa ». Có điều là khi đa số các thành viên ASEAN đòi đưa hai từ ngữ đó vào Thông Cáo Chung, ông đã đành phải chấp nhận.
Thái độ theo đuôi Bắc Kinh của Manila trong vấn đề Biển Đông đã tạo nên phản ứng bất bình trong dư luận Philippines. Trong một bài phỏng vấn vào hôm nay, 18/12/2017, chuyên gia Philippines Richard Heydarian đã tỏ ý quan ngại trước thông tin từ trung tâm AMTI liên quan đến việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cơ sở thường trực tại Biển Đông.
Đối với chuyên gia tên tuổi này, các hoạt động đó cho thấy là Trung Quốc đã đi ngược lại các cam kết, và chính quyền Philippines phải có một lập trường vững chắc hơn trên vấn đề này và các quan chức không nên phủ nhận những gì thực sự xảy ra trên hiện trường.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171218-bien-dong-philippines-ngay-cang-di-theo-lap-truong-trung-quoc