Tin Biển Đông – 18/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 18/12/2016

Trung Quốc nói sẽ trả Mỹ tàu lặn không người lái

Trung Quốc nói hôm thứ Bảy, 17/12, rằng họ sẽ bàn giao một tàu lặn không người lái của Mỹ mà họ đã thu giữ ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông, nhưng họ khẳng định họ không có lỗi gì trong khi cáo buộc rằng Washington đã “thổi phồng” việc thu giữ một cách “không phù hợp và không hữu ích”.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết tàu lặn không người lái đã bị thu giữ hôm 15/12 ở vị trí cách vịnh Subic của Philippines 90km về phía tây bắc. Tàu này dùng để đo và ghi dữ liệu về độ mặn và nhiệt độ. Nhà chức trách Hoa Kỳ phản đối việc bắt giữ, gọi đó là việc làm trái pháp luật và yêu cầu trả lại ngay lập tức chiếc tàu lặn không người lái.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết một tàu hải quân của họ đã thấy một “thiết bị vô chủ” dưới nước và vớt nó lên lý do “an toàn hàng hải.” Bộ nói rằng về sau mới phát hiện ra vật thể đó là một tàu lặn không người lái của Hoa Kỳ. Các quan chức quốc phòng Trung Quốc nói hôm thứ Bảy là thiết bị của Mỹ sẽ được trả lại “theo cách thức phù hợp”, nhưng không cho biết chi tiết. Ngũ Giác Đài khẳng định đã có “sự thông hiểu” với phía Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bày tỏ ý kiến trên truyền thông xã hội sau khi Ngũ Giác Đài loan báo về sự thông hiểu của họ với Trung Quốc. Ông viết trên Twitter: “Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng chúng ta không muốn lấy lại chiếc tàu lặn không người lái mà họ đã lấy cắp. – Cứ để cho họ giữ nó”.

Sự cố này đã làm dẫy lên những quan ngại mới ở Washington và trong các đồng minh châu Á về việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, và về những động thái mà những người chỉ trích gọi là phản ứng hung hăng của Bắc Kinh đối với những tuyên bố chủ quyền hàng hải của các bên tranh chấp trong khu vực.

Việt Nam, Brunei, Philippines, và Malaysia đều tuyên bố đòi quyền khai thác khoáng sản và đánh bắt cá trong khu vực, và nhiều tuyên bố của họ chồng lấn lên nhau.

Trước đó, cũng hôm thứ Bảy, viết trên Twitter, Tổng thống mới đắc cử Trump đã chỉ trích vụ thu giữ tàu lặn không người lái là một hành động “chưa từng có”. Trước đây, ông phàn nàn về việc Trung Quốc tăng cường lực lượng ở Biển Đông.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đe dọa sẽ thúc ép những thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông nói chính sách này chịu trách nhiệm về việc nhiều việc làm của Mỹ bị mất đi.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-se-tra-my-tau-lan-khong-nguoi-lai/3640897.html

 

Ông Trump ‘không muốn lấy lại tàu lặn từ Trung Quốc’

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố “không muốn lấy lại tàu lặn không người lái từ Trung Quốc”, sau khi Bắc Kinh tuyên bố trả lại thiết bị này.

Trong một đoạn tweet ngắn trên Twitter hôm 17/12, ông Trump viết: “Chúng ta cần phải nói với phía Trung Quốc rằng chúng ta không muốn lấy lại chiếc tàu lặn mà họ đánh cắp. Hãy để họ giữ nó”.

Sau khi thiết bị này bị giữ hôm 15/12, người sẽ lên thay thế đương kim Tổng thống Obama cũng lên Twitter, cáo buộc Trung Quốc “ăn cắp” tàu lặn.

Ông Trump viết: “Trung Quốc đã ăn cắp thiết bị lặn nghiên cứu của Hải quân Mỹ ở vùng lãnh hải quốc tế, lấy nó mang về Trung Quốc trong một hành động chưa từng có”.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng tàu lặn bị lấy đi khi đang thu thập dữ liệu về độ mặn, độ trong và nhiệt độ của nước một cách hợp pháp ở khu vực biển Đông, cách Vịnh Subic của Philippines khoảng 50 hải lý về phía tây bắc.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó cho biết đã phát hiện “thiết bị không rõ nguồn gốc” và đã lấy lên để kiểm tra để ngăn ngừa các vấn đề liên quan tới an toàn hàng hải.

Sau đó, họ mới biết tàu lặn là của Mỹ. Bộ này cũng cho biết sẽ trả lại, đồng thời “lấy làm tiếc là phía Mỹ đã đơn phương và công khai làm rùm beng” vụ việc.

Sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả lại tàu lặn, trên Twitter, Jason Miller, phát ngôn viên của ông Trump trích đường dẫn tới một bài báo về việc đó, nói rằng ông Trump đã “giải quyết xong” vụ việc.

Trong chiến dịch vận động tranh cử làm tổng thống Mỹ, ông Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn để đối phó với các chính sách kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

Vụ tàu lặn gây thêm quan ngại về sự hiện diện quân sự cũng như các hành động khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 15/12 tuyên bố rằng việc Bắc Kinh triển khai các thiết bị quân sự phòng thủ cần thiết tới quần đảo Trường Sa là điều “hợp pháp và chính đáng”, theo Reuters.
‘Đổ dầu vào lửa’?

Bình luận của Bộ này được đưa ra một ngày sau khi một tổ chức nghiên cứu về an ninh của Mỹ cho biết rằng Bắc Kinh dường như đã lắp đặt vũ khí gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không trên toàn bộ bảy đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây dựng ở biển Đông.

Mới đây, máy bay ném bom có khả năng hạt nhân H-6 của Trung Quốc bay dọc đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò ở biển Đông hôm 8/12, ít ngày sau khi ông Trump chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển tranh chấp này, cũng như điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.

Khi được hỏi liệu các tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump đối với Bắc Kinh thời gian qua có thể “đổ thêm dầu vào chảo lửa biển Đông”, hay “thổi bùng căng thẳng” ở vùng biển tranh chấp này như một số nhận định trên mạng xã hội, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore, nói:

“Tôi nghĩ rằng cũng có thể những hành động mạnh mẽ của ông Donald Trump, nếu mà xảy ra, có thể sẽ kích động Trung Quốc hơn, và như vậy dẫn tới căng thẳng gia tăng hơn. Tuy nhiên, cũng phải xét tới khía cạnh còn lại, đó là sự cứng rắn của ông Donald Trump có thể làm Trung Quốc cảm giác bị kiềm chế và họ sẽ phải cân nhắc hơn trong hành động của mình, đặc biệt là những hành động mang tính chất khiêu khích và mang tính chất phiêu lưu. Họ có thể sẽ phải cân nhắc hơn về phản ứng của ông Donald Trump cũng như chính quyền Hoa Kỳ”.

Nhà nghiên cứu này nói thêm: “Những phản ứng cứng rắn có thể sẽ có lợi hơn cho tình hình khu vực vì các nước cứ tiếp tục nhún nhường, Trung Quốc sẽ càng lấn tới, và họ lấn tới đâu thì càng khó có thể đảo ngược được tình thế tới đó. Chính vì vậy, tốt hơn là phải có sự răn đe, ngăn chặn ngay từ đầu để mà tình hình không đi tới mức không thể khắc phục, không thể đảo ngược”.

Người Việt thời gian qua từng bày tỏ hy vọng rằng những tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump đối với Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt áp lực của quốc gia đông dân nhất thế giới đối với các nước cũng tuyên bố chủ quyền ở biển Đông như Việt Nam, nhất là sau khi ông gián tiếp chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa biển Đông hôm 4/12.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-khong-muon-lay-lai-tau-lan-trung-quoc-danh-cap-cua-my/3640958.html

 

Vũ khí TQ ở Trường Sa:

Hà Nội và Kuala Lumpur phản đối, Manila dè dặt

Trọng Nghĩa

Ngay sau khi vụ Trung Quốc bố trí vũ khí trên các đảo nhân tạo trong tay họ ở quần đảo Trường Sa được tiết lộ, hai nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc là Việt Nam và Malaysia đã lên tiếng phản đối, trong lúc nước trước đây rất cứng rắn với Bắc Kinh là Philippines lại tỏ thái độ rất dè dặt.

Về phản ứng của Việt Nam, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình ngay từ hôm thứ Sáu 16/12/2016 đã tuyên bố « hết sức quan ngại », và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam « phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, phản đối các hoạt động quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông ».

Về phần Malaysia, nước này cũng có phản ứng cứng rắn nhưng thận trọng hơn. Bộ trưởng Quốc Phòng nước này, ông Hishammuddin Hussein, cho biết sẽ gửi thư cho đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn để hỏi rõ vấn đề. Theo nhân vật này, nếu quả đúng là Bắc Kinh đang bố trí các hệ thống phòng không trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, « Malaysia sẽ bị buộc phải tìm giải pháp chống lại ».

Việc ông Hishammuddin Hussein yêu cầu Bắc Kinh làm sáng tỏ vấn đề được cho là hoàn toàn thừa thãi, vì chính bộ Quốc Phòng và bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã công khai thừa nhận việc họ đưa vũ khí đến Trường Sa, vì đó là « lãnh thổ Trung Quốc ».

Đáng chú ý nhất là phản ứng của Philippines. Theo ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, nước ông sẽ không làm bất kỳ điều gì liên quan đến việc Trung Quốc triển khai vũ khí tại Trường Sa vì họ « không thể ngăn chặn Trung Quốc tại thời điểm này ».

Theo hãng tin Mỹ AP, khi được hỏi là liệu Philippines có ra tuyên bố về vụ việc, hay yêu cầu Bắc Kinh giải thích hay không, ngoại trưởng Philippines khẳng định rằng nước ông sẽ không làm bất kỳ điều gì có thể gây căng thẳng với Trung Quốc, làm tổn hại đến hòa khí giữa hai bên.

Quan điểm chiều lòng Trung Quốc được chính tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xác nhận thêm vào hôm qua 17/12,  khi ông cho biết sẽ tạm gác qua một bên phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, không muốn áp đặt một điều bất lợi cho Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161218-vu-khi-tq-o-truong-sa-ha-noi-va-kuala-lumpur-phan-doi-manila-de-dat