Tin Biển Đông – 18/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 18/11/2018

Sự chuyển hướng trong chính sách Biển Đông

 của chính quyền Donald Trump ​

Sự chuyển hướng của chính quyền Donald Trump trong chính sách biển Đông sẽ làm cho xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên, đối diện với những thách thức mới.

Phát biểu trước báo giới ngày 10/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama đã không ngăn được Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông.

Ông Trump tuyên bố: “Chính quyền Obama đã bất lực trong chính sách về Biển Đông” dẫn tới việc hải quân Trung Quốc hiện trở thành một mối đe dọa cho Mỹ trong khu vực đang có tranh chấp.

Nhìn lại thời gian cầm quyền vừa qua của Chính quyền Donald Trump, nhiều chuyên gia nhận định Mỹ đang thể hiện sự chuyển hướng nhằm gây phiền phức hơn cho Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông.

Điều đó được thể hiện ở 3 yếu tố sau:

Một là: áp dụng sách lược cứng rắn, chuyển từ ràng buộc mềm sang đối đầu trực tiếp, tức là áp dụng biện pháp kép (tiếp xúc và kiềm chế) để đối phó với Trung Quốc.

Ngay từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã công khai phủ định chủ quyền phi lý mà Trung Quốc yêu sách trên các đảo, đá ở Biển Đông.

Đồng thời, chuyển hướng lập trường của Mỹ từ phản đối sang can thiệp trực tiếp, tuyên bố Mỹ phải bảo vệ những vùng biển quốc tế này không để Trung Quốc chiếm lĩnh.

Ngay từ thời kỳ của Tổng thống Obama, việc thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế là một biện pháp quan trọng để Mỹ gây sức ép về ngoại giao và an ninh với Trung Quốc.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, quân đội Mỹ thậm chí còn được trao quyền lớn hơn và tần suất hoạt động tự do hàng hải của các tàu chiến Mỹ trên khu vực Biển Đông cũng trở nên dày hơn.

Ngoài ra, ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ cũng ra sức tăng cường các cuộc tập trận chung.

Từ ngày 10/7/2017 đến ngày 17/7/2017, cuộc tập trận chung “Malabar-2017” đã được Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản tiến hành tại căn cứ hải quân ở thành phố cảng Chennai và vịnh Bengal.

Quy mô và chất lượng của cuộc tập trận này đã được nâng lên chưa từng có với sự tham gia của 16 tàu chiến, trong đó có 3 tàu sân bay, tàu sân bay trực thăng, 2 tàu ngầm và 100 máy bay chiến đấu trên mặt đất.

Lãnh đạo lực lượng hải quân Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tại cuộc tập trận chung Malabar 2017 (Ảnh: AP)

Các chuyên gia dự báo trong thời gian tới, cơ chế trao đổi qua lại của Mỹ có thể được mở rộng thêm với các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Singapore.

Theo đó, quan hệ đồng minh theo kiểu “trung tâm và các vệ tinh” của Mỹ có thể chuyển thành Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thu nhỏ ở châu Á [2].

Điều này chắc chắn có lợi cho việc Mỹ và các đồng minh phát đi tín hiệu một cách thống nhất về vấn đề Biển Đông.

Hai là: lôi kéo các nước Đông Nam Á, xây dựng vòng bao vây chiến lược đối với Trung Quốc.

Để kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ cũng đang từng bước tạo điều kiện thuận lợi để các nước có lợi ích ở vùng biển này có thể xích lại gần hơn.

Tháng 6/2016, tân Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte đã thể hiện quan điểm thực hiện đường lối ngoại giao không chỉ đơn thuần dựa vào Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, quan hệ Mỹ -Philippines dần hòa dịu. Quan hệ song phương tiếp tục được phát triển trong khuôn khổ đồng minh.

Tháng 5/2017, Philippines và Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung “Vai kề vai” kéo dài 12 ngày với trọng tâm là cứu trợ nhân đạo, cứu hộ cứu nạn và chống khủng bố. Tháng 6/2017, Mỹ bàn giao cho Philippines lô trang thiết bị lục quân hoàn toàn mới [3].

Điều đó cho thấy quan hệ Mỹ – Philippines tuy có rạn nứt nhất định nhưng không ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh song phương.

Ở khu vực Đông Nam Á, mặc dù không phải là quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông nhưng Singapore luôn bày tỏ quan điểm ủng hộ Mỹ trong vấn đề Biển Đông.Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng:

“Mỹ đóng vai trò không thể thiếu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Singapore hy vọng điều này có thể tiếp tục, hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực các công việc của khu vực này”

Ba là: kết hợp với chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” để xây dựng liên minh bộ tứ Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Australia.

Kể từ tháng 5/2017 đến cuối năm 2017, lấy danh nghĩa bảo vệ quyền tự do hàng hải, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tiến hành 04 lần tuần tra tại khu vực Biển Đông, cao hơn nhiều so với chính quyền của Tổng thống Obama.

Điều này cho thấy Mỹ luôn duy trì sự can dự đối với các công việc ở biển Đông nhằm kiềm chế sự hình thành về ưu thế chiến lược của Trung Quốc tại vùng biển này.

Đây đang dần trở thành nét đặc trưng quan trọng trong chính sách với Biển Đông của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Đồng thời, thông qua chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” với Mỹ làm hạt nhân, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cũng bắt đầu can dự vào các hoạt động có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Đây cũng được cho là chiến lược của Mỹ nhằm xây dựng liên minh 4 bên Mỹ  – Nhật Bản – Ấn Độ – Australia có tính trình tự và tổ chức chặt chẽ nhằm tăng cường gây sức ép với Trung Quốc trên mọi mặt, trong đó có vấn đề về Biển Đông [5].

Tóm lại, dưới thời của Tổng thống Obama, chính sách với Biển Đông của Mỹ mang màu sắc theo chủ nghĩa tự do.

Sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, chính sách Biển Đông của Mỹ đang dần chuyển sang lập trường theo chủ nghĩa cứng rắn, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố đấu tranh quyền lực và đọ sức chiến lược.

Sự chuyển hướng của chính quyền Donald Trump trong chính sách Biển Đông sẽ làm cho xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên.

Điều đó chắc chắn sẽ làm cho quan hệ Trung – Mỹ đối diện với thách thức hoàn toàn mới trong thời gian tới.

http://biendong.net/bi-n-nong/24744-su-chuyen-huong-trong-chinh-sach-bien-dong-cua-chinh-quyen-donald-trump.html

 

Mỹ yêu cầu TQ dừng quân sự hóa Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lập tức bác bỏ yêu cầu của Dương Khiết Trì: Washington không quan tâm, Mỹ đang hành động theo luật pháp quốc tế.

Channel News Asia ngày 10/11 đưa tin, trong khuôn khổ đối thoại an ninh và ngoại giao cấp cao Trung – Mỹ tại Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói với ông Dương Khiết Trì, Ngụy Phượng Hòa:

“Chúng tôi vẫn tiếp tục lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc và việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ các cam kết của chính mình trước đây trong vấn đề này.”

Ông Dương Khiết Trì sau đó đáp rằng, Trung Quốc cam kết không đối đầu, nhưng Bắc Kinh có (cái gọi là) quyền xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết trên (cái gọi là) “lãnh thổ của mình”;

Bắc Kinh cũng kêu gọi Washington ngừng phái tàu chiến, máy bay quân sự tới gần các đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp (bất hợp pháp) trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lập tức bác bỏ yêu cầu của Dương Khiết Trì: Washington không quan tâm, Mỹ đang hành động theo luật pháp quốc tế và bảo vệ quyền tự do hàng hải của mình cũng như các nước khác trên Biển Đông.

Về vấn đề Đài Loan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tuyên bố Bắc Kinh sẽ bảo vệ yêu sách của mình với hòn đảo này “bằng mọi giá”.

Nhưng cả Ngụy Phượng Hòa lẫn James Mattis đều nhất trí rằng, hai bên cần phải giảm căng thẳng quân sự Trung – Mỹ để tránh những xung đột không chủ định;

Trong khi Mike Pompeo nói rất ít về thương mại khi họp báo, Dương Khiết Trì bày tỏ hy vọng 2 bên sẽ tìm thấy một giải pháp có thể chấp nhận được, trước khi bàn tiếp các vấn đề đường dài.

Ông Ngụy Phượng Hòa được dẫn lời nói rằng:

“Hợp tác là lựa chọn duy nhất cho chúng ta. Đối đầu hay xung đột giữa quân đội hai nước sẽ là thảm họa cho tất cả chúng ta.”

Tướng James Mattis đáp lời: “Cạnh tranh không có nghĩa là thù địch, cũng không phải nó dẫn đến xung đột.”

Yun Sun, một chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm Stimson bình luận, Trung Nam Hải không chắc chắn việc Donald Trump có thật sự muốn rút khỏi một thỏa thuận thương mại hay không, nhưng hy vọng hậu bầu cử giữa kỳ, Tổng thống Mỹ có cách tiếp cận thỏa hiệp.

Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là ổn định quan hệ Trung – Mỹ.

http://biendong.net/bi-n-nong/24746-my-yeu-cau-tq-dung-quan-su-hoa-bien-dong.html

 

ASEAN cần thống nhất lập trường về Biển Đông

Tối 13.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN dự Phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 tại Singapore.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long chỉ ra những câu hỏi lớn mà ASEAN cần tập trung giải quyết là tạo dựng nền tảng vững vàng cho một khu vực hòa bình, ổn định và dựa trên luật lệ; duy trì ASEAN tiếp tục là khu vực phát triển kinh tế vững mạnh và năng động; tăng cường năng lực của ASEAN để ứng phó hiệu quả với các thách thức đe dọa an ninh và ổn định khu vực. Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh để giải đáp những vấn đề nói trên, ASEAN đã và đang đạt được những tiến triển tích cực trong đối thoại và hợp tác. Thủ tướng Singapore cũng ghi nhận những tiến triển tích cực trong đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, song nhìn nhận tình hình trên Biển Đông còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cần sự thống nhất trong lập trường chung cũng như đề cao các nguyên tắc đã nhất trí của ASEAN trong thúc đẩy tăng cường lòng tin, ngăn ngừa nguy cơ bất ổn.

Trong phiên họp, các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định yêu cầu tiên quyết cần duy trì đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc hợp tác khu vực rộng mở, minh bạch, dựa trên luật lệ để đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng. Các bên nhất trí ASEAN cần tiếp tục tạo dựng môi trường thuận lợi cho các nỗ lực đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, trong đó có đàm phán COC hiệu quả và thực chất, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), song song với thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trên nền tảng đà thuận lợi có được của năm 2018, tinh thần tự cường và sáng tạo ASEAN cần tiếp tục được đẩy mạnh trong các năm tiếp theo. Thủ tướng ủng hộ ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và đối thoại xây dựng lòng tin, đề cao luật pháp quốc tế và ủng hộ một hệ thống quốc tế đa phương dựa trên luật lệ, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo để tận dụng tối đa cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0 cũng như đem lại các lợi ích thiết thực nhất cho người dân. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ các sáng kiến của VN về kết nối nền tảng dữ liệu số, hài hòa giá cước di động, thành lập Đại học Công nghệ ASEAN và xây dựng mạng lưới thông tin cảnh báo sớm thiên tai ở khu vực.

Về tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng khẳng định các diễn biến thời gian qua trên Biển Đông không khỏi gây lo ngại cho các nước trong khu vực. Những hoạt động đơn phương trên thực địa có thể dẫn đến tính toán sai lầm và nguy cơ va chạm cao. Thủ tướng nhấn mạnh lại các nguyên tắc đã được nhất trí trong ASEAN về đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 trong giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình, tăng cường lòng tin, tích cực xây dựng một COC hiệu quả, thực chất và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC. Thủ tướng ủng hộ ASEAN đóng vai trò tích cực hỗ trợ Myanmar giải quyết vấn đề nhân đạo tại bang Rakhine cũng như ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Kết thúc phiên họp, các nhà lãnh đạo hoan nghênh Singapore đảm nhiệm rất thành công cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2018, cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ Thái Lan, nước Chủ tịch tiếp theo của ASEAN năm 2019 trong hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và liên kết, tự cường.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/24726-asean-can-thong-nhat-lap-truong-ve-bien-dong.html

 

Mỹ cảnh cáo TQ

không cản trở lưu thông ở Biển Đông

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tuyên bố Hoa Kỳ sẽ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào giữa Trung Quốc và các nước khác gây cản trở hoạt động lưu thông quốc tế ở Biển Đông.

Theo Wall Street Journal (WSJ), lời phát biểu của ông Bolton là nhằm cảnh báo các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, quốc gia hiện đang đàm phán với Trung Quốc về việc cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Trong các cuộc thảo luận về việc xây dựng quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Trung Quốc đã cố gắng giành quyền phủ quyết đối với việc các quốc gia Đông Nam Á tổ chức các cuộc tập trận quân sự với các nước khác trong vùng biển tranh chấp, theo WSJ.

Thỏa thuận như vậy có khả năng hạn chế sự tương tác giữa Hoa Kỳ với các nước như Thái Lan, Việt Nam và Philippines, tờ báo Mỹ bình luận. Bắc Kinh cũng kêu gọi các nước láng giềng phía nam phát triển nguồn lực của khu vực chỉ với các nước khác trong khu vực, theo những người quen thuộc với dự thảo COC.

Khác với thời Obama hạn chế xuất hiện ở Biển Đông để tránh căng thẳng với Trung Quốc, thậm chí không cho hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông từ năm 2012-2015, chiến lược của chính quyền Trump là hiện diện thường xuyên ở Biển Đông, thông qua đó đảm bảo được những tuyến hàng hải, hàng không tự do trong khu vực.

Business Insider bình luận rằng đó là một thành công của chính quyền Tổng thống Trump đối với Trung Quốc ở Biển Đông. “Hoa Kỳ đã chọn việc đi tàu và lái máy bay qua khu vực này với tần suất cao đến mức khiến điều đó không còn là việc gì bất thường nữa, như vậy có nghĩa là họ đã chiến thắng trong một trận chiến giành quyền lưu thông trên Biển Đông mà không cần một viên đạn nào”, Business Insider viết trong bài báo ngày 25/9/2018.

Ông Bolton hôm thứ Ba (13/11) cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ như trên với tốc độ nhanh hơn, đồng thời tăng chi tiêu quân sự và mức độ tương tác với các nước khác trong khu vực để củng cố vị thế của mình.

WSJ bình luận rằng một số nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á đã lựa chọn tương tác với Bắc Kinh, hy vọng rằng hợp tác với Trung Quốc sẽ mang lại một số lợi ích kinh tế. Trong số đó có Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines, người được dự kiến ​​sẽ chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Manila vào tuần tới. Hiện chưa rõ hai nhà lãnh đạo có công bố kết luận về thỏa thuận thăm dò tài nguyên giữa hai nước ở Biển Đông hay không.

Người đứng đầu chính phủ của 10 quốc gia Đông Nam Á sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm ở Singapore trong tuần này, với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo từ tám quốc gia khác, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence.

http://biendong.net/bi-n-nong/24736-my-canh-cao-tq-khong-can-tro-luu-thong-o-bien-dong.html