Tin Biển Đông – 18/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 18/07/2018

Biển Đông: TQ Hung Hăng

Trần Khải

Vậy là vẫn hung hăng… Nhà nước Trung Quốc không chậm chạp tí nào trong việc lấn chiếm Biển Đông.

Báo Phil Star Global kể rằng tình hình TQ liên tục ngăn chận việc khoan dầu và khí ở vùng Reed Bank trong biển West Philippine Sea (Biển Tây Phi, người Việt gọi là Biển Đông) có thể dẫn tới suy giảm kinh tế Philippines.

Năm 2015, Bộ Năng Lượng Philippines ngưng tất cả việc thăm dò và khai thác dầu khí nơi đây vì tranh chấp lãnh hải với TQ.

Khu vực bãi cạn có tên The Reed Bank, còn gọi là Recto Bank, được xem là nguồn khí  đốt lớn có thể thay thế cho mỏ dầu khí Malampaya, nơi dự kiến sẽ cạn trong chưa tới một thập niên tới.

Reed Bank được tin là nhiều khí đốt hơn 21% so với mỏ Malampaya, là một trong hai nơi Manila hy vọng khai thác chung với TQ.

Hồi tháng 2/2018, hai nước có bàn chuyện khai thác khí đốt chung ở đây, nhưng chưa thỏa thuận về hợp đồng.

Vì khai thác chung, có nghĩa là mất chủ quyền lãnh hải? TQ đã cam kết hai chuyện khác nhau, nhưng các luật gia hai bên chưa thống nhất.

Trong khi đó, một bản tin VOA kể rằng tập trận hải quân tăng mạnh trên Biển Đông chọc giận Trung Quốc.

Số các cuộc diễn tập hải quân trên Biển Đông của các đồng minh phương Tây tăng vọt trong trong năm nay đang kìm giữ hữu hiệu hoạt động bành trướng của Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp – theo các nhà phân tích.

Các nước Úc, Pháp, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã phái chiến hạm đến vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông trong năm 2018. Họ tin rằng vùng biển giàu thủy sản và trữ lượng nhiên liệu hóa thạch này là hải lộ quốc tế, nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khoảng 90% diện tích ở đó và đã quân sự hóa một số hải đảo quan trọng.

Các cuộc tập trận quân sự của nước ngoài, các tàu hải quân đi qua hải lộ này và ghé vào các cảng, cùng với việc một máy bay ném bom B-52 của Hoa Kỳ bay qua đây đã ngăn chặn Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động mở rộng trước đó trên vùng biển mà năm quốc gia khác trong khu vực cũng tranh giành chủ quyền.

Giáo sư Alan Chong của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận xét: “Từ quan điểm hiện thực về quyền lực, Biển Đông là nơi luôn có tranh chấp. Trung Quốc đưa ra những tuyên bố tức giận, cảnh cáo sẽ có hậu quả và vân vân, nhưng thực tế là hải quân đa quốc gia vẫn làm điều đó bất chấp cảnh cáo Trung Quốc. Họ thách thức Bắc Kinh.”

Bản tin ghi rằng số giờ mà các tàu hải quân hiện diện ở Biển Đông đã đạt mức cao trong năm nay, theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, Australia.

Hải quân Hoa Kỳ đã đưa tàu chiến qua Biển Đông 8 lần trong 18 tháng qua và bay hai máy bay ném bom B-52 qua vùng biển này vào tháng trước. Tháng này, Hoa Kỳ và Philippines bắt đầu các cuộc tập trận hải quân chung để huấn luyện cho hải quân của Philippines.

Úc đã đưa ba tàu biển qua vùng biển này vào tháng Tư trên đường đến thăm Việt Nam, và Nhật Bản còn dự tính phái một tàu sân bay trực thăng lớp Izumo qua Biển Đông một lần nữa trong năm nay như đã từng làm trong năm 2017. Năm ngoái, các sĩ quan quân đội của các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã lên tàu Izumo.

Pháp đã phái một tàu khu trục và một tàu tấn công đi qua gần các đảo nhỏ của Trung Quốc vào tháng 5.

Tin nói hồi tháng 5, Trung Quốc triển khai tên lửa trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thu hút sự chú ý của hải quân nước ngoài trong năm nay.

Hôm thứ Hai, Hải quân Hoa Kỳ hoàn thành cuộc thao dượt RIMPAC hai năm một lần ở vùng biển Honolulu. Hàng loạt cuộc tập trận giả định và có bắn đạn thật với sự tham gia của 25.000 quân nhân từ 25 quốc gia, trong đó có cả những nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông như Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Ông Batongbacal, một giáo sư hàng hải quốc tế của Đại học Philippines, nói rằng Philippines hưởng lợi từ RIMPAC vì qua đó đã cảm thấy “thoải mái và tự tin” hơn với các đồng minh và học cách “vận hành suôn sẻ với họ.”

Cả bốn nước Đông Nam Á nêu trên đều tranh giành chủ quyền trên Biển Đông mà Bắc Kinh nói là của riêng Trung Quốc. Hoa Kỳ đã không mời Trung Quốc tham gia RIMPAC năm nay.

Trong khi đó, một bản tin của thống tấn Nga Sputnik dẫn nguồn từ Motley Fool và Một Thế Giới ghi  nhận về một loại vũ khí Hoa Kỳ có thể giúp các quốc gia yếu kém sử dụng để quan sát lãnh thổ biển.

Theo Motley Fool, đối với các nước nhỏ như New Zealand, chớ nên nghĩ có thể mạnh hơn Trung Quốc, nên New Zealand chọn cách đầu tư mạnh vào máy bay tuần thám biển kỹ thuật cao, để bảo đảm có thể hòa nhập với các đồng minh lớn hơn trong khu vực. Logic này cũng có thể ứng dụng với nhiều khách mua tiềm năng khác.

Úc, Ấn Độ, Na Uy và Anh là 4 khách hàng nước ngoài mua P-3 Poseidon của Boeing. Các quan chức New Zealand nói một phần lý do nước họ mua kiểu máy bay này là nhằm hợp tác chặt chẽ với láng giềng Úc, cũng như với Anh, Mỹ tại khu vực.

Bản tin ghi rằng theo Motley Fool, một láng giềng khác của Trung Quốc là Hàn Quốc cũng tính mua P-8 Poseidon. Đầu năm 2018, báo giới nước này đưa tin chính phủ dự tính mua 6 chiếc vì như New Zealand, Hàn Quốc ưng kiểu máy bay tuần thám biển này hơn, vì ít tốn kém hơn so với mua sản phẩm của Airbus

hoặc SAAB, và phần nào cũng vì Hàn Quốc cũng muốn thể hiện tinh thần một mặt trận đoàn kết với các đồng minh khu vực.

Vẫn theo Motley Fool, Boeing cũng đã chào hàng P-8 Poseidon với Việt Nam, Indonesia, Malaysia, là các nước Đông Nam Á cần tăng cường phòng thủ hàng hải nhưng cần có sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ để mua kiểu máy bay này.

Boeing còn có cơ hội bán P-8 Poseidon cho Ả rập Saudi, Ý, trong nỗ lực giúp các nước này bảo vệ các quyền lợi ở Ấn Độ Dương….

Bản tin Sputnik viết:

“Vẫn theo Motley Fool, Boeing cũng đã chào hàng P-8 Poseidon với Việt Nam, Indonesia, Malaysia, là các nước Đông Nam Á cần tăng cường phòng thủ hàng hải nhưng cần có sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ để mua kiểu máy bay này.”

Tuy nhiên, người ta đoán rằng Hà Nội không tin vào vũ khí Mỹ bằng vũ khí Nga… vì sợ lộ trình vũ khí sẽ bị Mỹ theo dõi.

https://vietbao.com/p122a283367/3/bien-dong-tq-hung-hang