Tin Biển Đông – 18/03/2020
Cuộc tập trận hải quân mới nhất của Mỹ ở Biển Đông
và những phản ứng của TQ có gì đáng chú ý?
Ngày 13/3, Hạm đội 7 – Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ thông báo đã tiến hành cuộc tập trận tác chiến hỗn hợp tại Biển Đông với nhiều phương tiện, lực lượng tham gia. Giới học gia và chuyên gia các nước quan tâm, chú ý nhiều đến động thái này của Mỹ và phản ứng của Bắc Kinh.
Lực lượng tham gia, nội dung tập trận
Ngày 15/3, Hạm đội 7 – Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ thông báo đã tiến hành cuộc tập trận tác chiến hỗn hợp tại Biển Đông. Nhiều loại tàu chiến tham gia, trong đó có tàu đổ bộ USS America (LHA-6) thuộc lớp America, tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc lớp Independence, các loại máy trực thăng, máy bay chiến đấu hiện đại như F-35. USS America, được trang bị máy bay chiến đấu cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) và một số máy bay trực thăng, là loại tàu mặt nước lớn có sàn đáp phẳng, thường được xem và sử dụng như một tàu sân bay nhỏ.
Hải quân Mỹ thông báo nội dung tập trận xoay quanh nội dung chỉ huy, phối hợp tác chiến và các diễn tập tác chiến mang tính chiến thuật. Với sự phối hợp của chiến hạm cận bờ góp phần làm tăng sự linh hoạt – một yếu tố quan trọng của Nhóm đột kích viễn chinh USS America. Qua đó, theo hải quân Mỹ, sự phối hợp tạo ra một cách thức mới để phối hợp hoạt động ở một trong các vùng biển quan trọng nhất thế giới. Hạm đội 7 – Thái Bình Dương cũng khẳng định Nhóm đột kích viễn chinh USS America có vai trò tiên phong trong các hoạt động phối hợp cùng đối tác và đồng minh, nhằm sẵn sàng hành động để đảm bảo an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Cách thức mới ở đây có thể hiểu là việc tàu đổ bộ USS America với khả năng mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 và triển khai tác chiến cùng loại tiêm kích này, khi kết hợp cùng tàu chiến cận bờ thì có thể hình thành nên một nhóm đột kích có khả năng hành động như nhóm tác chiến tàu sân bay. Tuy không mang theo nhiều chiến đấu cơ như tàu sân bay, nhưng Nhóm đột kích viễn chinh với tàu đổ bộ thuộc lớp America, hay lớp Wasp, lại có ưu thế về tính linh hoạt, khả năng phản ứng nhanh.
Phản ứng từ Bắc Kinh
Thông tin cuộc tập trận của tàu USS America và tàu USS Gabrielle Giffords được đưa ra trong chưa đầy 5 ngày sau khi Mỹ điều động tàu khu trục USS McCampbell thực thi tự do hàng hải (FONOP) ở quần đảo Hoàng Sa. Truyền thông Trung Quốc dẫn lời Phát ngôn viên Chiến khu miền Nam của Trung Quốc tỏ ý chỉ trích việc chiến hạm USS McCampbell tiến hành FONOP. Phản ứng lại chỉ trích của phía Trung Quốc, Phát ngôn viên Hạm đội 7 Reann Mommsen cho rằng hành động của Mỹ là nhằm đáp trả tuyên bố phi pháp của Trung Quốc về chủ quyền, vốn đặt ra “mối đe dọa chưa có tiền lệ ở Biển Đông”.
Báo giới Trung Quốc phản ứng gay gắt. Tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc dẫn tin từ tài khoản của hải quân Mỹ trên Twitter nói tàu tấn công đổ bộ America và tàu chiến đấu duyên hải Gabrielle Giffords đã đi thuyền cùng nhau trong các hoạt động ở Biển Đông. Tờ báo không quên dẫn lời “chuyên gia quân
sự” trong nước chê bai sức mạnh của hải quân Mỹ. “Các tàu chiến Mỹ, bất kể lượng choán nước lớn và công nghệ tiên tiến, thực sự là “hổ giấy” ở Biển Đông, vì Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có lợi thế áp đảo ở đó, các chuyên gia quân sự cho biết Mỹ một lần nữa gửi hải quân các tàu đến Nam Hải ngày sau khi các lực lượng vũ trang Trung Quốc trục xuất một tàu chiến Mỹ xâm nhập trái phép vào vùng biển này”, Hoàn cầu thời báo viết.
Nhận định từ giới chuyên gia
Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Dù thế giới đang tập trung vào việc giải quyết dịch bệnh Covid-19, nhưng nhiều nước vẫn không hề bỏ lơ các vấn đề được xem là an ninh quốc gia. Và Trung Quốc thời gian qua vẫn không ngừng tiến hành các hoạt động tăng cường ảnh hưởng”.
Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy, Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế (Nhật Bản) nhận định “Mỹ cần có biện pháp để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc. Điển hình như Mỹ tổ chức để tàu đổ bộ USS America và tàu chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords phối hợp tập trận trên Biển Đông. Điều này có nghĩa Washington thể hiện quyết tâm ngăn chặn các động thái leo thang quân sự mà Bắc Kinh tiến hành trên Biển Đông”. Việc phối hợp hoạt động của chiến hạm cận bờ USS Gabrielle Giffords vào Nhóm tác chiến viễn chinh America là một bước ngoặt quan trọng, bởi Mỹ đang tạo ra một cách tiếp cận toàn diện để đẩy lùi các hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông và hơn thế nữa. Washington đang nỗ lực tìm cách hợp nhất tất cả các lợi thế để xây dựng một phương án ngăn chặn việc Bắc Kinh đang muốn thay đổi cán cân quân sự trong khu vực. Với chiến lược này, Mỹ sẽ xây dựng một nền tảng để các đối tác và đồng minh có thể cùng phối hợp cho một chiến lược chung nhằm đảm bảo trật tự chung cho thế giới. Trong đó, tầm nhìn của Mỹ có thể được chia sẻ bởi các nước trong khu vực Đông Nam Á khi Trung Quốc có những hành động khó lường.
Tàu đổ bộ ‘khủng’ của TQ sẽ náo loạn Biển Đông
Việc tập trung phát triển tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn như Type-071, Type-075 phản ánh rõ hơn mục tiêu thể hiện sức mạnh mà hải quân Trung Quốc hướng đến.
Tuần qua, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng tin Trung Quốc chuẩn bị giới thiệu chiến hạm thứ hai thuộc lớp Type-075 là loại tàu đổ bộ cỡ lớn mang theo máy bay trực thăng. Chiếc tàu này đang được hoàn thiện tại một nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải. Trước đó, chiếc Type-075 đầu tiên đã được ra mắt hồi tháng 9.2019.
Thông điệp đáng lo
Tàu Type-075 có độ choán nước toàn tải xấp xỉ 40.000 tấn, dài khoảng 237 m và có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm. Theo tờ Hoàn Cầu thời báo, Bắc Kinh dự kiến trang bị các loại trực thăng chiến đấu Z-8 và Z-9, xa hơn là loại máy bay Z-20 cho tàu Type-075. Cả hai loại trực thăng Z-8 và Z-9 đều có khả năng tác chiến đa nhiệm, tấn công tàu chiến và cả đất liền.
Đặc biệt, Z-9 còn có thể phóng tên lửa đối không và tích hợp cả khả năng săn tàu ngầm. Chính vì thế, tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Z-8 hay Z-9 có thể được triển khai cho các hoạt động tấn công đảo, đổ bộ tấn công quy mô lớn vào đất liền.
So sánh với tàu vận tải đổ bộ như Type-071, thì Type-075 mang theo lượng khí tài nhiều hơn, đồng thời trong tương lai có thể được sử dụng cùng máy bay tiêm kích cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trở thành tàu sân bay. Đây chính là mô hình mà Mỹ đang áp dụng với tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp, hay Nhật Bản có tàu sân bay lớp Izumo, Úc có tàu tương tự là lớp Canberra… Type-071 không hề đáp ứng được những mục tiêu này.
Bắc Kinh không chỉ muốn giới hạn trong các cuộc tấn công chớp nhoáng như đối với các xung đột có thể xảy ra trên Biển Đông hay eo biển Đài Loan, mà thậm chí sẽ hoạt động xa bờ, mang tính viễn chinh rộng ra khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn một số thông tin khẳng định tàu Type-075 đóng vai trò quan trọng để khi cần thiết thì có thể được sử dụng nếu tiến hành thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Và khi kết hợp với tàu Type-071, thì tàu Type-075 sẽ hình thành nên nhóm tấn công đổ bộ để không chỉ triển khai hướng đến Đài Loan mà còn cả những hoạt động được gọi là “bảo vệ sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Thông điệp này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có thể triển khai tàu Type-075 kết hợp cùng Type-071
cho các mục tiêu trên Biển Đông. Bởi từ năm 2015 thì luật an ninh quốc gia của Trung Quốc đã đưa Biển Đông vào nhóm “lợi ích cốt lõi”.
Tham vọng không dừng lại
Hôm qua (16.3), trả lời Thanh Niên, TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định tốc độ đóng mới tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng thứ 2 thuộc Type-075 phản ánh nhiều thực tế trong việc hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc. Dường như dự án tàu vận tải đổ bộ lớp Type-071 đang bị chững lại – dù đã đóng được 7 chiếc. Qua đó, nhiều khả năng hải quân Trung Quốc đang tập trung vào việc phát triển tàu đổ bộ cỡ lớn, mà Type-075 đóng vai trò trọng tâm nhằm tăng cường cả khả năng đổ bộ lẫn tấn công.
“Thực tế, đến nay thì các tàu vận tải đổ bộ loại nhỏ hơn vẫn đang đóng vai trò chủ chốt đối với hải quân Trung Quốc. Nhưng đây là mô hình có từ thời Chiến tranh Lạnh, nên có lẽ không còn phù hợp với tham vọng mà Bắc Kinh đặt ra. Việc tập trung phát triển tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn như Type-071, rồi tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Type-075 phản ánh rõ hơn mục tiêu thể hiện sức mạnh mà hải quân Trung Quốc hướng đến”, TS Koh nhận định và đặt vấn đề: “Đó là Bắc Kinh không chỉ muốn giới hạn trong các cuộc tấn công chớp nhoáng như đối với các xung đột có thể xảy ra trên Biển Đông hay eo biển Đài Loan, mà thậm chí sẽ hoạt động xa bờ, mang tính viễn chinh rộng ra khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Mối đe dọa không nên bị bỏ lơ
Dù trong lúc cả thế giới đang ứng phó với dịch Covid-19 thì cũng đừng nên bỏ lơ mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.
Thực tế, Trung Quốc gần đây không hề giảm bớt tần suất tăng cường quân sự. Bằng chứng là việc đang không ngừng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chiếc thứ hai thuộc lớp tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Type-075. Đây là loại khí tài mang theo một lượng binh sĩ lớn cùng nhiều loại vũ khí hạng nặng mà có thể dùng đến cho các cuộc tấn công nhằm vào một số quốc gia ven Biển Đông, hay bên kia eo biển Đài Loan và thậm chí là mục tiêu xa hơn ở Ấn Độ Dương. Những chiếc tày Type-075 thể hiện cho tham vọng đó của Bắc Kinh.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33594-tau-do-bo-khung-cua-tq-se-nao-loan-bien-dong.html