Tin Biển Đông – 17/12/2018
Nhìn lại quá trình TQ bồi đắp mở rộng và quân sự hóa
7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Thời gian qua, giới truyền thông và chuyên gia các nước đã đưa ra nhiều bằng chứng về việc Trung Quốc cải tạo và xây dựng nhiều công trình kiên cố tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng phi pháp, gồm đá Chữ Thập, đáTư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Su Bi và đá Gaven.
1. Tại đá Chữ Thập
Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm ở vị trí cách biệt với các thực thể khác của quần đảo, nằm về phía Tây Nam của bãi san hô Tizard thuộc cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm Trường Sa. Sau khi chiếm đóng, kiểm soát trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Namtừ năm 1988, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng, cải tạo để biến đá này trở thành căn cứ tiền đồn quân sự quan trọng bậc nhất, phục vụ các yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của nước này.Đây là bãi đá mà Trung Quốc xây dựng, bồi đắp trái phép và quân sự hóa mạnh nhất trong thời gian qua. Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu cải tạo, bồi đắp mở rộng quy mô lớn đá này, trong đó đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60m trên đá Chữ Thập. Trên ngôi nhà có nhiều ăng-ten, gồm cả một ăngten radar thu phát sóng cao tần Yagi của hải quân cùng hai vòm che radar và phủ sóng mạng điện thoại trên đá này. Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa với diện tích khoảng 2,74 km2 (7/2015), tổng kinh phí xây dựng hơn 73 tỉ Nhân dân tệ (11,5 tỉ USD). Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, đây là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris cho biết hiện các vỉa đá ngầm mà Trung Quốc chiếm giữ và xây dựng trái phép ở Biển Đông nhìn giống hệt các căn cứ cho máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu và hoạt động do thám. Tháng 10/2018, Trung Quốc tiếp tục đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết, gồm các thiết bị cho mặt đất và quan sát khí quyển và radar thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thập. Nhiều khả năng những thiết bị này có thể sử dụng các trạm quan sát này vào mục đích quân sự. Tháng 4/2018, Trung Quốc đã khánh thành Tượng đài trên đá Chữ Thập để kỷ niệm các công trình xây dựng của họ trong Biển Đông, kể cả các công trình bồi đắp đất và xây đảo nhân tạo. Ngoài ra, trên đá Chữ Thập hiện đã có một bệnh viện với hơn 50 bác sỹ, các tàu thuyền cơ động cao tốc. Tháng 5/2018, Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên ba thực thể đá Chữ Thập, Su Bi, Vành Khăn. Theo đánh giá dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, các chuyên gia của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS cho biết Trung Quốc đang xây dựng tại đá Chữ Thập trung tâm liên lạc lớn nhất trong vùng với phần góc Đông Bắc của đá này được trang bị các thiết bị liên lạc và ăng ten cảm biến lớn hơn so với các đảo nhân tạo khác ở Trường Sa. Đá Chữ Thập có thể sẽ được dùng như một cơ sở tình báo hoặc trung tâm liên lạc cho các lực lượng của Trung Quốc ở khu vực này, theo CSIS. Theo các chuyên gia phân tích của IHS Jane’s Defense, việc Trung Quốc làm xong phi đạo trên Đá Chữ Thập, sẽ cho phép Bắc Kinh đẩy nhanh tiến độ xây dựng thêm các cơ sở khác và bắt đầu thực hiện các phi vụ tuần tra trên toàn vùng Trường Sa.
2. Tại đá Tư Nghĩa
Đá Tư Nghĩa nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam. Sau khi cưỡng chiếm trái phép bãi đá này từ Việt Nam năm 1988, Trung Quốc đã không ngừng bồi đắp, xây dựng để biến nơi đây từ một đảo chìm ban đầu trở thành căn cứ quân sự đồ sộ, thách thức pháp luật quốc tế và các nước ở Biển Đông. Bãi đá Tư Nghĩa nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, hay còn gọi là đá Tư Nghĩa, bãi đá san hô chỉ nổi lên khi thủy triều xuống. Đầu những năm 1990, phía Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà tạm thành nhà kiên cố 2 tầng với cầu cảng, lô cốt và hệ thống thông tin liên lạc, ụ pháo… đến nay từ một đảo chìm ban đầu, chỉ có một căn nhà 2 tầng thì nay căn nhà đó đã được thay bằng một khối nhà cao tầng đồ sộ. Từ năm 2014, phía Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu vận tải công trình trọng tải lớn, tập trung xây dựng cải tạo trái phép bãi Tư Nghĩa thành căn cứ quân sự của họ. Hiện nay, căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Tư Nghĩa đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 – 27m, tại 4 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn. Trên nóc bố trí 2 rada hàng hải và 2 ăngten parabol, 1 thiết bị có quả cầu che và các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát. Ở tầng 6 của tòa nhà lắp rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học, còn tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30 mm (7 nòng), tầng 1 lắp 4 bệ pháo 76 mm… Ngoài ra, vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng Đông; tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m; bãi đáp trực thăng, cầu cảng hướng Đông – Tây dài khoảng 80 – 100 m. Ngoài việc bồi đắp và xây dựng khối nhà 09 tầng, Trung Quốc cũng cho nạo vét một luồng dẫn vào cầu cảng của đá Tư Nghĩa, dài khoảng 900m với độ sâu trên 10m để đón các tàu trọng tải lớn vào cảng. Kể từ đầu năm 2018, số lượng tàu Trung Quốc xung quanh khu vực Tư Nghĩa – Ba Đầu tăng nhanh đột biến. Hàng chục tàu cá dân binh Trung Quốc neo trong âu tàu do Trung Quốc xây dựng trái phép ở bãi cạn Tư Nghĩa. Có thời điểm, số lượng tàu khoảng từ 40 đến 50 chiếc tàu cá dân binh, tàu vũ trang giả dạng tàu cá ken thành bè ở bãi Ba Đầu, về ban đêm hệ thống đèn chiếu sáng nhìn như thành phố nổi. Đáng chú ý, trog số đó có cả những tàu tải trọng rất lớn vượt trội các tàu cá thông thường và giàn cẩu tự hành khổng lồ phía sau. Đây có thể là những tàu vận tải xây dựng đa chức năng, lên đến vài nghìn tấn nhưng lại được phía Trung Quốc đưa vào danh sách tàu cá. Những tàu cá này của Trung Quốc nổi tiếng hung hăng và sẵn sàng sử dụng vũ khí để ngăn cản, xuôi đuổi khi có tàu nước ngoài tiếp cận khu vực xung quanh bãi Tư Nghĩa.
3. Đá Gạc Ma
Đá Gạc Ma nằm ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa, có diện tích khoảng 7,2 km2, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988. Thời gian đầu căn cứ của Trung Quốc tại đây chỉ là vài kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ. Đến năm 1989 tại đây đã có nhà xi măng hai tầng. Năm 2014, theo nguồn tin của Philippines thì Trung Quốc đã tiến hành đào đắp đất cát để xây đường băng tại đây, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú. Phần nền bê tông hiện trải rộng trên diện tích 100.000 m2, nơi rộng nhất là 400m. Một số đồn đoán cho rằng Trung Quốc có thể xây một đường băng tại đây nhưng giới chuyên gia nhận định công trình này quá nhỏ để có ảnh hưởng chiến lược. Đá Gạc Ma hiện có các công trình như kênh tiếp cận, nhà máy bê tông, tháp phòng thủ, bơm khử mặn, bơm nhiên liệu, cơ sở quân sự nhiều tầng, radar, trạm liên lạc, bãi đáp trực thăng, cầu cảng và đê chắn sóng gia cố. Vào tháng 1/2018, nhiều hình ảnh cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống ra đa đối hải chống ngầm trên đá Gạc Ma và tập trung vật liệu xây dựng, chuẩn bị tôn tạo, xây dựng. Hiện tại, phía Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích 13,2 ha ở bãi đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng Bắc – Nam với chiều dài 900 – 1.000m, rộng khoảng 250 – 400m thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc. Các công trình của Trung Quốc được xây dựng cấp tập từ giữa năm 2013, đến nay đã hoàn tất và đưa vào sử dụng, gồm: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27m gồm 8 tầng, tại 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai – lỗ bắn. Trên nóc nhà bố trí 2 ra đa hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay có quả cầu che, cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác. Trên tầng 6 của tòa nhà, phía Trung Quốc lắp ra đa điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 của tòa nhà được lắp 2 bệ pháo 30mm (7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76mm, pháo 30mm quay hướng Đông Bắc luôn có quân nhân trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và họ chỉ chui ra khỏi bệ pháo khi đổi ca trực. Ngoai ra, còn có các công trình khác trên bãi Gạc Ma như: 2 tháp ra đa đối không – đảm bảo bay cho máy bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin năng lượng mặt trời, 1 ngọn hải đăng cao 50m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km… Từ đầu năm 2017, phía Trung Quốc rầm rộ đưa các cây xanh ra trồng và chăm bón bảo vệ rất kỹ. Loại cây thích hợp với khí hậu biển mặn là cây dương, muống biển được đựng trong các lồng đất to 3 – 4m. Do được chăm sóc kỹ nên đến nay, các cây đã lớn rất nhanh, cao từ 3 – 5m và đang dần che các công trình trên mặt đất, từ ngoài nhìn vào rất khó nhận dạng mục tiêu.
4. Đá Subi
Đá Subi là một rạn san hô vòng phía tây nam quần đảo Trường Sa, dài khoảng 6,5km, rộng 3,7km. Trung Quốc chiếm đóng Subi từ năm 1988. Phần đất cải tạo trên đảo được mở rộng đáng kể từ tháng 7/2014. Nơi này hiện có kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quận sự và có thể xây một đường băng dài 3.000m. Những hình ảnh mới đây chụp từ vệ tinh DigitalGlobe cho thấy có gần 400 tòa nhà mới được xây cất trên đá Subi mà Trung Quốc đã chiếm đóng từ 1988 tới nay ở Quần đảo Trường Sa. Earthrise Media, một tổ chức phi lợi nhuận, đã phân tích các ảnh chụp đá Subi và phát hiện ra rằng một lượng lớn các tòa nhà, các sân tập, thiết bị radar và cả các sân chơi bóng rổ đã được xây dựng trong thời gian từ 2014 tới nay.Các chuyên gia an ninh khu vực tin rằng đảo nhân tạo trên đá Subi cũng có thể trở thành nơi đồn trú của hàng trăm lính PLA trong tương lai, cũng như trung tâm hành chính khi Trung Quốc củng cố sự hiện diện dân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp tại Trường Sa. Subi là đảo nhân tạo lớn nhất trong số 7 đảo Trung Quốc xây dựng trái phép tại Trường Sa. Cơ sở hạ tầng tương tự cũng được triển khai tại đá Vành Khăn và Chữ Thập, bao gồm vị trí đặt tên lửa, đường băng dài 3 km, nhà kho lớn và một loạt thiết bị có thể theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự nước ngoài và thông tin liên lạc.
5. Đá Châu Viên
Bãi đá Châu Viên nằm ở phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền với bãi đá này. Châu Viên bị Trung Quốc cải tạo chủ yếu trong hè năm 2014. Quá trình xây dựng các cơ sở, tòa nhà hiện vẫn tiếp tục. Diện tích phần đất nhân tạo trên bãi đá Châu Viên được mở rộng tới 119.711 m2, tính đến ngày 14/3. Những công trình xuất hiện tại đây gồm kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng ten liên lạc vệ tinh, radar. Để đẩy nhanh quá trình bồi đắp,Trung Quốc đã tàu hút trộn bùn hỗn hợp Thiên Kình của Trung Quốc, vốn được mệnh danh là “quái thú lấp biển” ra đá này. Theo truyền thông Trung Quốc, tàu Thiên Kình do Công ty TNHH Tập đoàn Công nghiệp Thương mại Thâm Quyến chế tạo, dài 127m, rộng 23m, là tàu hút trộn bùn hỗn hợp tự hành lớn nhất châu Á, mỗi giờ có thể hút, trộn được 4.500 m3 hỗn hợp cát và nước biển phun ra nơi xa nhất là ngoài 6.000m. Với tốt độ hút, trộn như trên, trong 174 ngày tác nghiệp phi pháp ở Trường Sa, tàu Thiên Kình có thể đã bồi đắp khoảng 10 triệu m2 hỗn hợp cát, đất và nước biển, tương đương 3 lần lượng bê tông dùng xây siêu đập Hoover ở Mỹ. Tháng 10/2015, Bộ Giao thông Trung Quốc đã tổ chức buổi lễ kết thúc việc xây dựng 2 ngọn hải đăng mà họ đặt tên là Huayang và Chigua tại bãi đá Châu Viên. Phía Trung Quốc cho rằng Trung Quốc, mục đích của việc xây dựng 2 hải đăng là “cải thiện điều kiện hàng hải và giảm thiểu rủi ro, tai nạn trên Biển Đông” với “chi phí xây 2 ngọn hải đăng là các khoản viện trợ dân sự đầu tiên ở Nam Sa”.Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua mỗi năm. Mỹ và các nước trong khu vực nhiều lần kêu gọi Trung Quốc dừng các hoạt đông xây dựng, cải tạo phi pháp trên Biển Đông, song Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động.
6. Đá Gaven
Đá Gaven là một rạn san hô hình trái tim, thuộc quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988 và đưa quân đồn trú trái phép tại đây từ năm 2003. Hoạt động bồi đắp, xây dựng tại bãi đá bắt đầu từ khoảng sau ngày 30/3/2014. Phần mở rộng có diện tích 114.000 m2, tính đến ngày 19/3. Theo CSIS, bãi đá này có kênh tiếp cận, súng phòng không, súng hải quân, thiết bị liên lạc, kiến trúc hỗ trợ xây dựng, tháp phòng thủ, cơ sở quân sự, bãi đáp trực thăng và đê chắn sóng. Trung Quốc muốn mở rộng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc chiếm giữ trái phép nhằm biến các đảo trên biển Đông trở thành một đảo nhân tạo khổng lồ có cả sân bay, cảng biển cho tàu quân sự và dân sự, khu vực dân cư và du lịch. Tổng chi phí cho dự án lên đến 5 tỷ USD và cần 10 năm để hoàn thành. Bắc Kinh hy vọng có thể dựa vào đó để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của mình nhằm độc chiếm biển Đông. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nếu không đạt đến mức hợp pháp thì cũng phải kiểm soát được trên thực tế các vùng biển trong khu vực. Việc Bắc Kinh xây dựng cầu cảng và đường băng trên các đảo và bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc chiếm giữ trái phép, nằm trong một chiến lược lâu dài thực hiện giấc mộng trở thành một cường quốc biển trong tương lai. Đây là đường vươn ra biển lớn của Trung Quốc từ căn cứ Hải Nam xuống Hoàng Sa – Trường Sa, khống chế hoàn toàn Biển Đông.
7. Đá Vành Khăn
Đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía Nam. Hình dạng đá hơi tròn với đường kính khoảng 4 hải lý (7,4 km). Đa phần đá Vành Khăn chìm dưới nước. Vùng biển (phá) của đá Vành Khăn sâu từ 18,3 đến 29,2m. Vào tháng 2/1995, Trung Quốc đã ngang nhiên điều tàu đến cưỡng chiếm đá Vành Khăn và kiểm soát đá này cho đến nay. Năm 2015, Trung Quốc công bố hình ảnh về bản quy hoạch trái phép bãi đá Vành Khăn sau khi Trung Quốc hoàn thành bồi đắp phi pháp tại bãi đá này. Theo bản đồ quy hoạch trái phép này, bãi Vành Khăn có tổng diện tích quy hoạch vào khoảng 9,53 km2 và tổng diện tích xây dựng khoảng 6,29 km2. Quy hoạch nhân khẩu tại Vành Khăn lên tới 70.000 người, trong đó lượng nhân khẩu thường trú vào khoảng 50.000 người, lượng nhân khẩu lưu động vào khoảng 20.000 người. Sau khi hoàn thành bồi lắp, Trung Quốc sẽ xây dựng một loạt các dự án trọng điểm như khu thương mại, sòng bạc, khu vui chơi, dự án du lịch… Sau khi hoàn thành quy hoạch bãi đá này sẽ là khu vực có vị trí quan trọng, vị trí quân sự chiến lược và đồng thời là trung tâm cảng biển. Trên thực tế, từ nhiều năm trước Trung Quốc đã bắt đầu huy động lực lượng lớn tàu thuyền, thiết bị ra đá Vành Khăn để tiến hành bồi đắp, mở rộng đá này. Năm 2015, Trung Quốc bắt xây một đường băng trên đá này và đến tháng 7/2016 thì một đường băng dài 2.644m, rộng 55m này đã hoàn thành. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xây dựng ngọn hải đăng, kho bãi, các mái che radar, tháp truyền tín hiệu viễn thông, cảng vận chuyển quy mô lớn… trên đá Vành Khăn.Tháng 7/2016, ngay sau khi vừa hoàn thành đường băng dài 2.644m, rộng 55m, Trung Quốc cho máy bay thử nghiệm trên, ngay trước thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Máy bay CE- 680 của trung tâm thử nghiệm bay thử của Hãng hàng không Trung Quốc được huy động để thực hiện chuyến bay này. Đến tháng 5/2018, Trung Quốc đã đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên 3 thực thể là đá Chữ Thập, Xu Bi và đá Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đã triển khai trên các hòn đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp, trong đó có đá Vành Khăn rất nhiều hệ thống tên lửa đất đối không SAM (bao gồm HQ-9 với tầm bắn lên tới 200km có thể là cả hệ thống S-400 của Nga) và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM). Cùng với hệ thống tên lửa, Trung Quốc đã triển khai hệ thống radar trái phép trên đá Vành Khăn, nhằm tăng cường sự nguy hiểm cho mạng lưới phòng thủ của Trung Quốc. Báo Philippine Daily Inquirer hôm 18/4/2018 đã công bố các hình ảnh chụp vào ngày 6/1/2018 cho thấy hai máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 của quân đội Trung Quốc hiện diện trên đường băng ở đá Vành Khăn. Tuy nhiên, không rõ đây có phải là lần đầu tiên các phi cơ quân sự đáp xuống đá Vành Khăn hay không, cũng không rõ hai máy bay trên đã đáp xuống được bao lâu tính đến thời điểm chụp ảnh. Hôm 30/10/2018, Trung Quốc đã khánh thành các trạm khí tượng tại đá trên. Trung Quốc cho rằng mục đích của trạm này là đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông, phục vụ cho việc quan sát khí quyển và mặt đất cơ bản, thiết bị đo chỉ số ô nhiễm không khí, cùng các radar thời tiết, được dùng để theo dõi các chỉ số khí tượng thủy văn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng biển xung quanh khu vực này, đồng thời cung cấp dữ liệu khí tượng chuẩn xác hơn cho tàu thuyền hoạt động ở khu vực lân cận. Tuy nhiên,đa phần các ý kiến đều tỏ ra lo ngại rằng các cơ sở này sẽ được Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước đã nhiều lần phản đối hoạt động cải tạo, bồi đắp và quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Các hành động của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.
Những điểm nhấn trong chủ trương,
chính sách và hoạt động của Philippines
về vấn đề Biển Đông trong năm 2018
Trong năm 2018, Philippines đã có nhiều tuyên bố, hành động thể hiện quyết tâm hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, tạm gác lại phán quyết của Tòa Trọng tài nhằm đánh đổi lấy lợi ích kinh tế và hợp tác thương mại với Bắc Kinh.
Tuyên bố của Philippines về vấn đề Biển Đông
Trong năm 2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện mong muốn củng cố quan hệ với Trung Quốc và từng bước thúc đẩy hợp tác khai thác tài nguyên với Bắc Kinh ở Biển Đông: (1) Ngày 24/8, ông Duterte bất ngờ tuyên bố, ám chỉ đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông, cho rằng “Trung Quốc phải suy nghĩ lại vì vấn đề Biển Đông có thể trở thành ngòi nổ một ngày nào đó. Bạn không thể xây đảo. Nó là đảo nhân tạo và bạn khẳng định rằng không phận trên hòn đảo nhân tạo đó là của bạn. Điều đó là sai trái vì vùng lãnh hải đó được xem là vùng biển quốc tế”. (2) Ngày 22/8, phát biểu tại cuộc họp gồm các quan chức ở thành phố Cebu, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết: “Tôi đã nói với ông ấy, Chủ tịch Tập Cận Bình, rằng chúng tôi cũng có tuyên bố (trên Biển Đông). Chúng tôi có phán quyết của tòa. Nhưng tôi sẽ không khăng khăng sử dụng phán quyết này vì nó sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh và đó sẽ là thảm họa. Tôi hiểu điều đó. Nhưng làm ơn hãy nhớ rằng một ngày nào đó trong nhiệm kỳ của mình, tôi sẽ sử dụng phán quyết đó”; đồng thời cho biết ông sẽ không lãng phí thời gian để đi đáp trả những lời chỉ trích cho rằng ông dường như ngoảnh mặt làm ngơ trước các động thái quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Thay vào đó, ông Duterte nhấn mạnh ông không cho phép Trung Quốc khai thác tài nguyên ở vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Ông Duterte cũng khẳng định Philippines không thể đọ sức mạnh quân sự với Trung Quốc vì Lực lượng Vũ trang Philippines được trang bị yếu kém. Tuy nhiên, ông Duterte khẳng định ông sẵn sàng triển khai quân đội và cảnh sát để bảo vệ chủ quyền của Philippines ngay cả khi họ chỉ được trang bị dao. (3) Ngày 21/8, trong cuộc họp với các thị trưởng quần đảo Visayas tại thành phố Cebu, ông Duterte cảnh báo Trung Quốc không khai thác dầu và các tài nguyên khác ở vùng biển phía Tây Philippines và cho rằng hành động đó có thể dẫn đến chiến tranh. “Tôi nói rõ về vấn đề dầu mỏ, nếu Trung Quốc giành độc quyền thì họ sẽ gặp rắc rối… Khi đó mọi người sẽ thấy Bộ trưởng Bộ Nội vụ Eduardo Ano mang dao rựa ra chém người Trung Quốc”, ông Duterte cho hay. (4) Ngày 23/7, Tổng thống Philippines Duterte cho biết, “Mối quan hệ đang được cải thiện của chúng ta với Trung Quốc không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ do dự trong việc bảo vệ các lợi ích ở vùng biển Tây Philippines”; đồng thời cho biết Philippines va Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao, đồng thời khẳng định hai nước cũng tích cực hợp tác trong vấn đề chống ma túy. (5) Ngày 18/7, The Philippine Star đưa tin, phát biểu tại lễ khởi công xây dựng cầu Binondo-Intramuros do Trung Quốc đầu tư, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bày tỏ tin tưởng đối với “sự công bằng” của Bắc Kinh, người dân Philippines cần xem Trung Quốc “như một người láng giềng tốt” và cho rằng “chưa tới lúc để thảo luận về tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc” mà “sẽ trao đổi vào một thời điểm khác theo như cam kết với Chủ tịch Tập Cận Bình”. Bên cạnh đó, ông Duterte khẳng định sẽ không gây sức ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. (6) Ngày 18/6, phát biểu tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập Bộ Ngoại giao (DFA), Tổng thống tuyên bố: “Ta không thể đánh Trung Quốc. Trung Quốc không dễ bị khuất phục. Các bạn không thể khiến họ sợ hãi và thậm chí đến Mỹ còn phải e ngại đôi phần… Bạn biết nếu như phải chống lại Trung Quốc, Nga sẽ tham gia cuộc xung đột”; đồng thời cho biết “về vấn đề Biển Đông, các bạn muốn gì? Tôi phải cho thấy thái độ hung hăng như thế nào để thuyết phục Trung Quốc rời đi? Liệu tôi đã đe dọa họ hoặc đưa ra hàng nghìn khuyến nghị, chúng tôi đã làm rồi, chúng tôi chỉ là không công bố thôi. Thực sự chúng tôi đã phản đối”. (7) Ngày 28/5, ông Duterte đưa ra cảnh báo sẽ “không cho phép Trung Quốc xây dựng bất kỳ công trình nào ở bãi cạn Scarborough hoặc khai thác tài nguyên ở những khu vực thuộc chủ quyền của Philippines và sẵn sàng chiến tranh nếu điều này bị vi phạm”. (8) Ngày 19/5, phát biểu tại Cebu, Philippines, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ không khiêu khích gây chiến với Trung Quốc sau thông tin cho rằng quân đội Trung Quốc đã điều các máy bay ném bom tầm xa tới một sân bay ở Biển Đông; đồng thời ông Duterte bày tỏ lo ngại rằng “liệu Philippines sẽ phải đối mặt với những điều gì nếu một cuộc chiến tranh bùng phát ở khu vực, đồng thời cũng không lấy gì đảm bảo được rằng Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ nước này khi xảy ra tình huống như vậy”. Mặt khác, ông Duterte cho rằng một giải pháp khả thi hơn đó là “thúc đẩy một thoả thuận hợp tác chung với Trung Quốc nhằm khai thác các tiềm năng ở Biển Đông”. (9) Ngày 7/5, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết “Trung Quốc nói rằng họ sẽ bảo vệ chúng ta. Trung Quốc sẽ không cho phép Philippines bị phá hủy. Họ ở ngay đây và chúng ta có thể gọi cho họ yêu cầu giúp đỡ bất cứ lúc nào”. Trong khi đó, Tổng thống Duterte chỉ trích Mỹ khi cho rằng nước này sẽ không bảo vệ Philippines vì lo sợ chiến tranh. (10) Ngày 15/5, trong chuyến thăm ngoài khơi tỉnh Aurora, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định “Philippines không từ bỏ các quyền chủ quyền của mình đối với các vùng biển ở Biển Đông”, cho biết Philippines “sẽ xây dựng một vài khu vực Philippine Rise (trước đây là Benham Rise) thành khu vực bảo tồn biển”. (11) Ngày 19/2, phát biểu tại cuộc họp mặt nhân dịp Tết Âm lịch của Câu lạc bộ doanh nhân gốc Hoa, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trấn an lo ngại trong nước về việc Trung Quốc quân sự hóa (trái phép) ở các đảo nhân tạo trên Biển Đông, cho rằng “các cơ sở (phi pháp) mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông nhằm mục đích phòng thủ chống lại Mỹ chứ không phải các nước trong khu vực; đồng thời tuyên bố ông “sẽ không hy sinh mạng sống của người Philippines một cách vô ích” và cho rằng “nếu Trung Quốc muốn, các anh có thể biến chúng tôi thành một tỉnh, giống như Phúc Kiến. Tỉnh Philippines của Trung Quốc”.
Philippines thúc đẩy đối thoại và hợp tác với Trung Quốc ở Biển Đông
Trong năm qua, Philippines và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán lần thứ 3 về vấn đề Biển Đông và trao đổi nhiều thỏa thuận hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông:
(1) Ngày 18/10/2018, Trung Quốc và Philippines đã tổ chức cuộc họp lần thứ 3 Cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước (BCM). Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo dẫn đầu hai đoàn gồm đại diện các đơn vị quốc phòng, tài nguyên và môi trường, nghề cá, giao thông, năng lượng, cảnh sát biển của hai bên tham dự BCM. Tại cuộc họp, hai bên nhấn mạnh các vấn đề trên biển còn đang tranh chấp không phải là tổng thể mối quan hệ Trung Quốc – Philippines; cho rằng việc quản lý hợp lý các tranh chấp ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực, khẳng định cam kết đối với các nguyên tắc về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tự do thương mại và các biện pháp sử dụng biển hòa bình khác, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và tài phán bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, thực hiện tự kiềm
chế, tuân thủ các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Hai bên cũng ghi nhận tầm quan trọng của các diễn đàn đa phương, gồm có Đối thoại Trung Quốc – ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Đông Á (EAS), trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực. Hai bên nhắc lại cam kết về việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác để sớm đạt đồng thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, Trung Quốc và Philippines cũng trao đổi quan điểm về các biện pháp tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, ví dụ như những diễn biến gần đây ở Biển Đông mang ý nghĩa chính trị, an ninh; vấn đề tìm kiếm và cứu nạn trên biển, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, nghề cá. Với lưu ý không ảnh hưởng đến lập trường của mỗi bên về vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, hai bên cũng thảo luận về khả năng hợp tác cùng khai thác và phát triển dầu khí. Hai bên nhất trí cuộc họp lần thứ 4 Cơ chế tham vấn song phương sẽ được tổ chức vào đầu năm 2019 tại Philippines.
Tính đến thời điểm hiện tại, các vòng tham vấn mới chỉ mang tính chất trao đổi quan điểm của hai nước về vấn đề Biển Đông và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, bảo vệ môi trường và tăng cường lòng tin chính trị giữa hai nước. Có lẽ thành quả lớn nhất trong ba vòng đàm phán vừa qua là các công ty của Trung Quốc và Philippines đang trao đổi thỏa thuận thăm dò dầu khí tại lô 57 và lô 72 (nằm trong vùng tranh chấp ở Bãi Cỏ Rong – Reed Bank) của Philippines. Song những thỏa thuận trên cũng đang rơi vào thế bế tắc do tồn tại bất đồng giữa hai bên.
(2) Từ 20-21/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Philippines. Đây là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc đến Philippines trong vòng 13 năm qua và diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương tạm gác tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông để tập trung cải thiện quan hệ song phương, nhất là về kinh tế. Trong chuyến thăm, hai bên đã trao đổi và đạt được nhiều thỏa thuận liên quan vấn đề Biển Đông. Phát biểu ngay trước khi bước vào hội đàm với Tổng thống Duterte, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng “lựa chọn đúng đắn duy nhất” cho Philippines lẫn Trung Quốc là “hợp tác và là láng giềng tốt của nhau”; khẳng định Trung Quốc và Philippines có nhiều lợi ích chung trên Biển Đông, đồng thời cho biết hai nước sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề gây tranh cãi và thúc đẩy hợp tác hàng hải thông qua hoạt động tham vấn thân thiện. Ông Tập Cận Bình cũng cam kết sẽ kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong ba năm tới, nhằm đóng góp cho “hòa bình, ổn định và lợi ích” của khu vực. Về phần mình, Tổng thống Duterte tuyên bố hai nước “sẵn sàng viết nên chương mới cho sự hợp tác và cởi mở”, nhấn mạnh đây thời điểm để hai bên “đánh giá những tiến bộ đã đạt được và thúc đẩy sâu sắc hơn quan hệ đối tác trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng bình đẳng về chủ quyền”. Trước đó, phát biểu bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 33 ở Singapore tuần trước, Duterte tuyên bố “Trung Quốc đã nắm được Biển Đông” và nhấn mạnh rằng ông không muốn tiến hành các cuộc tập trận ở vùng biển này vì có thể kích động Bắc Kinh và dẫn đến chiến tranh.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Alfonso Cusi cho biết trong chuyến thăm, Philippines và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí, bao gồm cả các khu vực ở Biển Đông. Hiện chi tiết về thỏa thuận dầu khí giữa Trung Quốc và Philippines, trong đó có vị trí thăm dò, vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo dự thảo khung được Thượng nghị sĩ đối lập Philippines Antonio Trillanes công bố, hoạt động thăm dò sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc lợi ích và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời không ảnh hưởng tới lập trường của hai bên về chủ quyền và quyền hàng hải. Trong khi đó, nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc ở Philippines coi thỏa thuận thăm dò dầu khí chung nói trên là hành động gây suy yếu tuyên bố lãnh thổ của Philippines ở Biển Đông.
(3) Từ 29-30/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thăm Philippines và có cuộc gặp với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin. Tại cuộc gặp, hai bên cam kết cùng nỗ lực để thúc đẩy tiến trình tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông Vương Nghị cho biết, dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo Trung Quốc và Philippines nhờ có sự nỗ lực chung, tình hình Biển Đông đang cải thiện và trở nên ổn định hơn; khẳng định Trung Quốc sẽ trao đổi với Philippines và các nước ASEAN có liên quan khác để tạo ra đột phá mới trong hợp tác biển, trong đó có đẩy mạnh hợp tác về bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, đánh cá, tìm kiếm và cứu nạn, cũng như tăng cường tin cậy và tạo thêm nhiều lợi nhuận cho nhân dân các nước. Liên quan đến hoạt động khai thác chung, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết “Trung Quốc sẵn sàng thảo luận sâu hơn với Philippines về khai thác chung dầu, khí ở Biển Đông”. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẵn sàng phối hợp với các nước ASEAN để đẩy nhanh tiến trình tham vấn COC mà Trung Quốc hy vọng sẽ kết thúc quá trình này trong thời gian Philippines là nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho rằng Biển Đông không phải là vấn đề riêng giữa Trung Quốc và Philippines, các nước khác như Indonesia hay Malaysia trong ASEAN cũng có chung vấn đề. Vấn đề Biển Đông không nên cản trở sự phát triển của mối quan hệ cùng có lợi, thân thiện giữa Trung Quốc và Philippines, cũng không nên cản trở phát triển của sự hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và ASEAN.
(4) Nhiều quan chức Philippines tuyên bố ủng hộ kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano (25/7) cho rằng việc cùng thăm dò và khai thác dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ bảo đảm cho Philippines không bị thiếu hụt về nguồn năng lượng; nhấn mạnh Philippines không có đủ khả năng về kỹ thuật và tài chính để tiến hành hoạt động này một mình, trong khi các nước như Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn, Philippines sẽ không bị thua thiệt. Cùng quan điểm với Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, một số Thượng Nghị sỹ Philippines cũng tuyên bố ủng hộ đề xuất thoả thuận chia tỷ lệ 60/40 trong hoạt động thăm dò tài nguyên chung trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson cho biết thỏa thuận này “có thể chấp nhận được vì tỷ lệ 60/40 tuân thủ các yêu cầu của Hiến pháp Philippines về hoạt động đầu tư nước ngoài”, và “việc thăm dò chung với Trung Quốc là thiết thực và hợp lý” vì “Philippines không có nguồn lực hay công nghệ để tự thực hiện hoạt động này, và Biển Đông rất giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đã đến lúc tận dụng những tài nguyên thiên nhiên này để cải thiện đời sống của người dân Philippines”.
Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago Santa Romana (9/4) cho biết, Manila mong muốn đạt thỏa thuận khai thác dầu và khí đốt với Bắc Kinh tại Biển Đông trong vài tháng tới. Theo ông Jose Santiago Santa Romana, các cuộc đàm phán đang được tiến hành để tìm ra một khuôn khổ pháp lý chung cho việc thăm dò khoáng sản của hai bên ở Biển Đông. Được biết, Trung Quốc và Philippines (2/2018) đều đồng ý thiết lập một ủy ban đặc biệt để bàn việc khai thác chung các mỏ dầu và khí ở ngoài khơi tại khu vực mà hai bên đều có tuyên bố chủ quyền mà không cần phải nêu vấn đề tranh chấp.
Philippines cũng tìm cách củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, nhằm cân bằng quan hệ với Trung Quốc
Philippines và Mỹ (9/7) bắt đầu diễn tập hải quân chung “Sama – Sama” tại căn cứ hải quân Ernesto Ogbinar, thành phố San Fernando, Philippines. Cuộc diễn tập hải quân được triển khai tại Biển Đông với sự tham gia của tàu vận tải nhanh USNS Millinocket, tàu lặn và cứu hộ USNS Salvor, máy bay trinh sát biển P-8 Poseidon của Mỹ và hai tàu chiến của Philippines là BRP Ramon Alcaraz và BRP Tarlac của Philippines. Hải quân Mỹ cho cho hay hải quân hai nước sẽ tiến hành các cuộc diễn tập phòng thủ trên không nhằm nâng cao năng lực phòng thủ trên không và phòng thủ tên lửa cùng các cuộc diễn tập ngầm và tìm kiếm cứu nạn. Chuẩn Đô đốc Joey Tynch, Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm 73 của Hải quân Mỹ cho biết tên cuộc diễn tập hải quân “Sama-Sama” đã phản ánh đầy đủ quan hệ đồng minh giữa Philippines và Mỹ trong 70 năm qua cũng như những lợi ích chung về an ninh biển cùng với niềm tin chung về sự cần thiết của những hoạt động hợp tác giữa các lực lượng hải quân nhằm giải quyết những thách thức khu vực. Trung tướng Emmanuel Salamat, Tư lệnh Bắc Luzon, hải quân Philippines khẳng định cuộc diễn tập đã đem lại cơ hội cho hải quân của cả hai nước mở rộng phạm vi hoạt động và hợp tác trên biển, “mang tới cơ chế hợp tác hữu hiệu giữa hai bên trên tinh thần Hiệp ước chung (Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines)”.
Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon và người đồng cấp cũa Mỹ – Đại sứ John Bolton (21/6) đã có cuộc gặp để trao đổi về nhiều vấn đề về an ninh, trong đó có tranh chấp Biển Đông. Theo thông báo của Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết, cuộc gặp với Đại sứ John Bolton đã tạo cơ hội để hai bên trao đổi về những biện pháp hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ đồng minh an ninh
Bộ Ngoại giao Philippines (20/5) cho biết Mỹ và Philippines đã tái khẳng định mối quan hệ đồng minh lâu bền nhằm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ sự ổn định và phát triển của khu vực. Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết, đường lối đối ngoại thận trọng và kín đáo của chính quyền Tổng thống Duterte đã làm giảm thiểu căng thẳng ở khu vực, đồng thời thu được những lợi ích kinh tế rõ ràng cho Philippines trong các vấn đề tiếp cận tài nguyên biển, bảo vệ sinh thái biển, và tiềm năng thăm dò tài nguyên dầu khí.
Ngày 04/3, tàu tiến công đổ bộ Mỹ USS Bonhomme Richard (LHD-6) đã tới thăm Philippines. Trước đó, tàu ngầm tấn công Bremerton (1/3), tàu sân bay Carl Vinson và tàu khu trục tên lửa Michael Murphy (16/2) cũng đều đã đến thăm Philippines nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Philippines và thúc đẩy quan hệ song phương.
Tuy nhiên, Philippines cũng đưa ra những tuyên bố thể hiện sự quan ngại trước những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông
(1) Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Harry Roque (23/8) đã bày tỏ lo ngại về chương trình hạt nhân của Trung Quốc ở Biển Đông được đề cập trong báo cáo của Lầu Năm Góc. (2) Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano (7/8) khẳng định Chính phủ Philippines sẽ không trực tiếp đầu tư vào hoạt động thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc ở Biển Đông, cho hay dự án sẽ chỉ thực hiện giữa các thực thể tư nhân vì đó sẽ là một dự án thương mại. (3) Chính phủ Philippines (30/7) đã bày tỏ quan ngại với phía Trung Quốc về việc nước này ngày càng tăng cường đưa ra các thông báo qua sóng radio nhằm cảnh cáo và xua đuổi các tàu, máy bay của Philippines ra khỏi các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép cũng như các vùng lãnh thổ khác trên Biển Đông. Tư lệnh không quân Philippines, Trung tướng Galileo Gerard Rio Kintanar Jnr cho hay phi công Philippines đã hành xử một cách bình tĩnh trước những cảnh báo từ Trung Quốc và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch và cũng nhấn mạnh thêm rằng, sự gia tăng các cảnh báo phát thanh cho thấy rõ cam kết của quân đội Philippines trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của nước này trên các vùng lãnh thổ thông qua các cuộc tuần tra tăng cường. Không quân Philippines khẳng định cam kết bảo vệ chủ quyền thông qua các chuyến tuần tra, dù bị Trung Quốc liên tiếp cảnh báo. (4) Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario (16/7) khẳng định các cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc về việc giải quyết tranh chấp giữa hai bên sẽ không bao giờ có kết quả, thay vào đó cần tìm đến một cơ chế đa phương khác. (5) Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo (12/7) cho rằng Philippines cần bắt đầu việc lên kế hoạch về các bước tiếp theo để bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông; nhấn mạnh hành động xâm lấn của Trung Quốc đối với lãnh thổ của Philippines trên Biển Đông “là nguy cơ đe doạ nghiêm trọng nhất đối với nước này kể từ Thế chiến thứ II”. (6) Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Albert del Rosario lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã để mất chủ quyền lãnh thổ của nước này ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc giành được quyền kiểm soát trên thực tế đối với Đá Sandy vào cuối năm 2017, một cấu trúc nằm gần Đá Thị Tứ ở Trường Sa, đồng thời kêu gọi chính quyền đưa ra “một phản đối thực sự mạnh mẽ” đối với hành động này của Trung Quốc. (7) Nghị sỹ Gary Alejano, đại diện Đảng Magdalo của Philippines (20/5) đã cảnh báo Trung Quốc đang đẩy mạnh quân sự hoá ở Biển Đông và khẳng định động thái này của Trung Quốc chính là hồi chuông cảnh báo cho Philippines, khi mà nước này bị đặt hoàn toàn trong phạm vi tấn công của các hệ thống khí tài quân sự của Trung Quốc. (8) Trước việc Trung Quốc triển khai phi pháp tên lửa và vũ khí ở Trường Sa, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo (7/5) đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ có hình thức đưa ra phản ứng “cần thiết và cấp thiết”, trong đó có phản đối ngoại giao, để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của Philippines, cho rằng Philippines cần hợp tác với các nước láng giềng và các nước bị ảnh hưởng bởi hệ thống tên lửa được bố trí ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông xây dựng một “tuyên bố hoà bình và công bằng” về việc triển khai tên lửa này, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia. (9) Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Roilo Golez (26/2) đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa về việc Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự hoá các đảo nhân tạo và bành trướng ở Biển Đông.
Một số nhận định, đánh giá nổi bật về chính sách Biển Đông của Philippines trong năm 2018:
Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI, 20/8) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định, so với chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Benigno Aquino, chính sách đối ngoại của Philippines hiện nay dưới chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte có “một đổi thay đột ngột” đối với chính sách đối ngoại của Philippines khi tạm gác chiến thắng lịch sử Phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016) để củng cố quan hệ song phương với Trung Quốc. Mặt khác, ông Duterte lại không mấy mặn mà với việc thúc đẩy hợp tác an ninh với Mỹ – đồng minh Hiệp ước của Philippines từ trước đến nay. Tuy nhiên, nội bộ ở Philippines dường như không “thuận” theo chính sách đối ngoại này, trong đó, Bộ Quốc phòng Philippines vẫn tiếp tục duy trì hợp tác quân sự toàn diện với Mỹ, đồng thời theo sát và phản đối việc Trung Quốc gia tăng hiện diện trên các vùng biển mà Philippines yêu sách trên Biển Đông. Về chính sách đối ngoại của Philippines, Phó Giáo sư Heydarian của AMTI cho rằng chính quyền của Tổng thống Duterte đã áp dụng một chính sách đa dạng chiến lược, khởi động lại các kênh trao đổi với Trung Quốc đồng thời giảm bớt sự lệ thuộc vào các nước đồng minh truyền thống. Theo Richard Heydarian, Philippines bắt đầu theo đuổi chiến lược đối trọng cân bằng, không quá khác biệt so với cách tiếp cận cân bằng nước đôi của một số bên khác trong tranh chấp Biển Đông. Đối với Tổng thống Duterte, một chính sách đối ngoại “độc lập” đồng nghĩa với việc duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước lớn chứ không đi theo nước lớn này để chống lại nước khác; đồng thời với Trung Quốc, chính quyền của ông Duterte luôn đảm bảo rằng tranh chấp Biển Đông sẽ không phải là yếu tố quyết định đến toàn bộ bức tranh quan hệ song phương giữa hai nước. Tuy nhiên, chính sách của ông Duterte lại khiến dư luận lo ngại bởi ông đã cho phép Trung Quốc tiếp cận với các căn cứ không quân và cảng Davao dù hai bên chưa có một thỏa thuận quốc phòng chính thức nào. Chính quyền ông Duterte cũng đã thúc đẩy các Thỏa thuận phát triển chung ở Biển Đông, ngay cả khi điều này có thể dẫn đến việc hợp pháp hoá yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc đã bị Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 tuyên bố là không có giá trị về mặt pháp lý. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện cam kết về việc thúc đẩy dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Philippines như đã hứa hẹn với Tổng thống Duterte và không những thế, vẫn tiếp tục là “mối đe dọa lớn đối với lợi ích của Philippines”, gây ra bức xúc trong dư luận Philippines. Trước tình hình này, Chính quyền Tổng thống Duterte cần phải điều chỉnh lại cách tiếp cận của mình đối với Trung Quốc nhằm ngăn chặn những phản ứng dữ dội trong nước.
Trong khi đó, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển hội nhập của Philippines Austin Ong (26/7), cho rằng thành công nhất của Tổng thống Duterte khi bước vào năm cầm quyền thứ ba là đạt được hòa bình, nhận định ông Duterte đã khéo léo luồn lái giữa “những người khổng lồ” đang tranh giành nhau mà còn đem lại hòa bình khu vực và lợi ích cho Philippines.