Tin Biển Đông – 17/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 17/10/2018

TQ có thể phát triển oanh tạc cơ mới

tuần tra toàn bộ Biển Đông

Phiên bản Xian H-6J được cho là có thể giúp không quân Trung Quốc hoạt động trên toàn bộ Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tài khoản Chinese Military Aviation ngày 3/10 đăng lên Twitter hình ảnh vệ tinh được chụp đầu tháng 9, cho thấy 4 chiếc oanh tạc cơ kiểu mới đang đậu trên đường băng sân bay quân sự Quế Bình – Mạnh Thụ ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Các chuyên gia của trang phân tích tình báo, quân sự IHS Jane’s nhận định đây nhiều khả năng là H-6J, biến thể hoạt động trên biển của oanh tạc cơ H-6K vốn được không quân Trung Quốc sử dụng từ năm 2011. Mẫu oanh tạc cơ mới này được cho là sẽ thay thế máy bay ném bom trên biển H-6G được Trung Quốc đưa vào biên chế từ thập niên 1990.

Giới quan sát phương Tây nhận định oanh tạc cơ H-6J có khả năng mang số tên lửa chống hạm nhiều gấp ba lần mẫu tiền nhiệm H-6G. Mẫu oanh tạc cơ cải tiến này có thể sử dụng khung thân mới, sử dụng vật liệu

tổng hợp trọng lượng nhẹ, được trang bị hai động cơ tua bin cánh quạt tiết kiệm nhiên liệu D-30-KP2 và hệ thống điện tử tiên tiến.

Theo Diplomat, với bán kính chiến đấu 3.500 km, các oanh tạc cơ H-6J nhiều khả năng sẽ được điều động thực hiện các hoạt động tuần tra ở Biển Đông, bởi chúng có thể bay tuần tiễu toàn bộ vùng biển này khi được tiếp dầu trên không.

Oanh tạc cơ H-6J sẽ chủ yếu làm nhiệm vụ tiêu diệt tàu nổi trên biển với 7 tên lửa hành trình chống hạm siêu âm YJ-12 (6 quả trên giá treo, một tên lửa trong khoang) cùng hệ thống radar tìm kiếm bề mặt tầm xa và hệ thống chỉ thị mục tiêu quang điện tử.

Theo báo cáo của Missile Defense Advocacy, tên lửa YJ-12 với đầu đạn nổ mạnh 200 kg có tầm bắn tối đa 400 km và có thể đạt vận tốc tới Mach 3 (3.700 km/h). YJ-12 được đánh giá là loại tên lửa diệt hạm hiện đại nhất mà quân đội Trung Quốc đang sở hữu.

“Từ khoảng cách 400 km, oanh tạc cơ Trung Quốc có thể phóng YJ-12 vượt tầm bảo vệ của hệ thống chiến đấu Aegis và tên lửa phòng không SM-2 của biên đội tàu sân bay Mỹ để tấn công mục tiêu”, chuyên gia Robert Haddick nhận định.

Hiện chưa rõ không quân Trung Quốc còn sở hữu biến thể oanh tạc cơ H-6J nào khác ngoài bốn chiếc được vệ tinh chụp ảnh ngày 7/9 hay không. Các chuyên gia của Diplomat nhận định Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thành lập trung đoàn H-6J trong tương lai để phối hợp với khoảng 40 oanh tạc cơ H-6K hoạt động ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

http://biendong.net/bi-n-nong/24200-tq-co-the-phat-trien-oanh-tac-co-moi-tuan-tra-toan-bo-bien-dong.html

 

TQ phản pháo cáo buộc của Mỹ ở Biển Đông

Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo và vùng biển lân cận ở Biển Đông và có quyền tiến hành các công trình xây cất vì mục đích hòa bình, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Ông Lục Khảng đã đưa ra phát biểu này tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba khi được yêu cầu bình luận về cáo buộc của Mỹ nói rằng Trung Quốc đã quấy nhiễu một tàu chiến của Mỹ ở Biển Đông.

Ông Lục nói rằng Trung Quốc đang thực hiện quyền chủ quyền và tự vệ để thực hiện các hoạt động vì mục đích hòa bình, bao gồm cả các phương tiện phòng thủ cần thiết, trên lãnh thổ riêng của mình, và điều này chẳng liên quan gì đến quân sự hóa.

Ông Lục nói không có vấn đề gì về tự do hàng hải hoặc bay ngang bên trên Biển Đông. Nhưng việc Mỹ trong những năm gần đây thường xuyên điều các máy bay và tàu chiến đến Biển Đông đang gây nên căng thẳng và tham gia vào nỗ lực quân sự hóa, theo lời ông.

Ông hối thúc Mỹ ngưng “gây rối” và đòi Mỹ dừng các hành vi mà ông nói là gây nguy hiểm cho chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, trở thành nước giúp kiến tạo hòa bình và ổn định ở Biển Đông thay vì làm kẻ phá bĩnh.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-phan-phao-cao-buoc-cua-my-o-bien-dong/4616353.html

 

Việt Nam có nên hợp tác với TQ cùng khai thác Biển Đông?

Việc tranh giành các nguồn dầu khí đã luôn gây ra những căng thẳng trên Biển Đông giữa các bên tranh chấp chủ quyền, đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam. Các chuyên gia về Biển Đông của Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ không cho phép các nước khác trong khu vực khai thác dầu khí trên vùng biển có nhiều tranh chấp chừng nào chưa có đủ chế tài quốc tế để buộc Trung Quốc phải khuất phục.

Với một nền kinh tế cần nhiều năng lượng như Trung Quốc, nước này không thể bỏ qua nguồn lợi dầu khí ở khu vực Biển Đông giàu tài nguyên.

Tài nguyên dưới biển

Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Biển Đông có khoảng 190.000 tỷ feet khối khí tự nhiên và 11.0000 tỷ thùng dầu. Trong khi đó một khảo sát địa lý của Hoa Kỳ năm 2012 ước tính có thể có 160.000 tỷ feet khối khí tự nhiên và 12.000 tỷ thùng dầu chưa được khai thác ở Biển Đông.

Đối với Việt Nam, việc tiếp cận các nguồn năng lượng ở Biển Đông là vô cùng quan trọng, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington. Lô 06.1 – một phần của dự án Nam Côn Sơn gần Bãi Tư Chính cung cấp khoảng 10% tổng nhu cầu về năng lượng của Việt Nam.

Bãi Tư Chính nằm trong khu vực tranh chấp, trong khi đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra bao trùm cả khu vực này. Việt Nam được cho là đã phải hai lần dừng các dự án khoan thăm dò dầu khí trên Biển Đông với các đối tác của Tây Ban Nha trong khu vực bãi Tư Chính trong chưa đầy một năm qua vì sức ép của Bắc Kinh.

Sau vụ việc của Repsol, một đối tác khác của Việt Nam – Rosneft của Nga – cũng đã bị Trung Quốc đe dọa khi họ mới bắt đầu khai thác ở mỏ Lan Đỏ của Lô 06.1 vào tháng 5 năm nay. Trong những lần bị đe dọa đó, Việt Nam không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào từ Mỹ hay từ các nước trong khu vực cùng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Hợp tác khai tách các nguồn khí ga tranh chấp trên Biển Đông là một việc làm rất khó, theo Greg Polling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, cho biết tại một buổi ra mắt kế hoạch “Làm dịu các tranh chấp trên Biển Đông” tại Washington hôm 15/10.

“Nó khó bởi vì không có một yêu cầu nào đối với các quốc gia phải hợp tác. Tuy nhiên có những điều khoản trong UNCLOS (Công ước quốc tế về Luật biển) trong đó thiết lập các phương thức tạm thời trong trường hợp có những tranh chấp. Các quốc gia này có nghĩa vụ phải tìm ra cách làm thế nào để hợp tác trong việc cùng khai thác các nguồn dầu khí.”

Tuy nhiên, theo chuyên gia của CSIS, Trung Quốc không bao giờ đưa ra chính xác các tuyên bố chủ quyền của họ là gì, đặc biệt khi đề cập đến các nguồn tài nguyên dưới đáy biển. “Rõ ràng là Trung Quốc muốn có các quyền lịch sử ở mọi nơi trên Biển Đông,” ông Polling nói.

Một trong những đề xuất mà các chuyên gia của CSIS đưa ra trong buổi ra mắt kế hoạch “Làm dịu các tranh chấp trên Biển Đông” là hợp tác về vấn đền khai thác các nguồn tài nguyên dước đáy biển. Những đề xuất này gồm thành lập một liên doanh thương mại có các bên tham gia, hay các nước trong khu vực nhất trí cấp giấy phép khai thác dầu khí trong khu vực 200 hải lý của mình, hay đồng ý không khai thác dầu khí trong khu vực được bảo vệ để đánh cá và các hệ thống san hô trên Biển Đông.

Tuy nhiên theo Bonnie Glasser, cố vấn cấp cao về châu Á của CSIS, khả năng đạt được một sự đồng thuận với Trung Quốc là rất khó vì Trung Quốc không thực sự tập trung vào việc tiếp cận các nguồn dầu khí trong khu vực mà chỉ muốn cùng khai thác với các nước khác trong khu vực.

“Họ đã luôn hối thúc việc cùng khai thác trong một thời gian dài,” chuyên gia của CISIS cho biết. “Họ không muốn cho phép bất cứ quốc gia nào lấy đi nguồn dầu khí trong đó cho thấy rằng nước đó có chủ quyền của khu vực biển mà Trung Quốc không có chủ quyền.”

Các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc muốn xoa dịu các nước Đông Nam Á đang có những tuyên bố tranh chấp về chủ quyền biển bằng các thỏa hiệp khai thác Biển Đông. Việc thể hiện thiện chí có thể làm giảm tác động của một phán quyết từ tòa trọng tài quốc tế bác bỏ cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc, và ngăn các nước khác tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ.

Gác tranh chấp, cùng khai thác

Trung Quốc cũng đã luôn muốn được cùng khai thác tài nguyên trên Biển Đông với Việt Nam. Trong các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh và Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm ngoái, các nhà lãnh đạo hai nước đã cam kết cùng hợp tác trên Biển Đông. Việt Nam vào tháng trước đã lên tiếng hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc “cùng hợp tác để khai thác” trong vùng biển có nhiều tranh chấp. Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến thăm TP HCM hôm 16/9 nói đó là cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Bản đồ của CSIS cho thấy các khu vực cần có giấy phép khai thác dầu khí trên Biển Đông.

Nhận định về việc cùng hợp tác khai thác trên biển, Prashanth Parameswaran – biên tập tờ The Diplomat có trụ sở ở Washington, cho rằng Việt Nam đang ở trong tình huống “tế nhị”.

“Đối với Việt Nam, đó là một thực tế phức tạp khi phải đối mặt với những hành động ép buộc mà Trung Quốc đang tiến hành nhưng đồng thời phải tìm ra cách nào đó để thích nghi vì Trung Quốc là nước láng giềng của họ. Mối quan hệ phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang phát triển tốt. Đây là một thách thức thú vị mà Việt Nam phải đối mặt.”

Nhưng theo các học giả, Việt Nam muốn có một mối quan hệ mạnh về chính trị và kinh tế với Trung Quốc nên thường phải tránh các xung đột với Trung Quốc.

Theo giáo sư Carl Thayer của Đại học News South Wales, Việt Nam có thể phải kiềm chế các quan điểm thù địch với Trung Quốc để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với nước láng giềng phương Bắc.

Tại một hội thảo thường niên về Biển Đông tổ chức tại Washington vào tháng 7 vừa qua, một quan chức cấp cao của Học viện Ngoại giao Việt nam, Đỗ Thanh Hải, cho VOA biết Hà Nội không loại trừ khả năng gác tranh chấp, cùng khai thác trên Biển Đông với các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo khi trả lời phỏng vấn báo chí trong nước về những “cạm bẫy” mà Trung Quốc cài cắm trong chiến lược ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ có thể khiến Việt Nam gặp khó trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

Hiện vẫn chưa rõ làm thế nào Việt Nam có thể ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ với Trung Quốc nhưng theo ông Hải, Hà Nội sẽ không chấp nhận bất cứ sự áp đặt nào.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/24198-viet-nam-co-nen-hop-tac-voi-tq-cung-khai-thac-bien-dong.html

 

Bản tin Biển Đông ngày 17/10/2018

Trung Quốc đề nghị Mỹ ngừng khuấy lên rắc rối ở Biển Đông

Ngày 16/10, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã đề nghị Mỹ ngừng khuấy lên rắc rối ở Biển Đông. Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lãnh đạo Mỹ buộc tội Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông và có hành động quấy rối liều lĩnh đối với một tàu chiến của Mỹ đang thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở khu vực, Người phát ngôn Lục Khảng khẳng định Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo và vùng nước phụ cận ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục biện minh rằng các hoạt động xây dựng hòa bình của Trung Quốc trên các cấu trúc này, kể cả việc vận hành các thiết bị quốc phòng thiết yếu, là việc thực hiện quyền tự chủ, tự vệ, không có gì gọi là “quân sự hóa” ở đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng chính các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ mới là nguyên nhân tạo ra căng thẳng và “quân sự hóa”. Không chỉ dừng lại ở đó, Lục Khảng còn đổ lỗi ngược lại cho Mỹ có hành động quấy rối liều lĩnh khi tàu chiến Mỹ vượt qua cả chặng đường dài để đến gây rối ngay trước cửa nhà của Trung Quốc. Ông Lục cho rằng logic của Mỹ là nực cười. Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra cuối tháng 9 vừa qua và những phức tạp ở Biển Đông trong những năm gần đây, ai cũng có thể kết luận được những lời biện minh vô căn cứ của Trung Quốc mới thật nực cười.

Trung Quốc, Philippines sẽ tổ chức đối thoại lần 3 về Biển Đông

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Philippines đã nhất trí tổ chức cuộc họp lần thứ 3 Cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước (BCM) vào ngày 18/10/2018. Cơ chế này được thành lập đầu năm 2017 nhằm giải quyết các vấn đề trên biển thông qua đàm phán và tham vấn. Tại cuộc họp lần thứ 3 sắp tới, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo sẽ dẫn đầu hai đoàn gồm đại diện các đơn vị quốc phòng, tài nguyên và môi trường, nghề cá, giao thông, năng lượng, cảnh sát biển của hai bên tham dự. Theo Người phát ngôn Lục Khảng, hai bên sẽ trao đổi về tình hình hiện nay và các mối lo ngại ở Biển Đông cũng như thảo luận về vấn đề hợp tác biển, trong đó có khai thác chung dầu, khí.

Trao đổi với Hoàn Cầu Thời báo ngày 16/10, Chen Xiangmiao, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc cho biết, ông hy vọng sẽ có tiến triển cụ thể về vấn đề khai thác chung dầu, khí, bao gồm xác định các khu vực biển và xây dựng mô hình hợp tác. Hai bên cũng sẽ tiếp tục trao đổi về việc quản lý tranh chấp, cùng triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và các vấn đề cùng quan tâm khác. Ông Chen cho rằng nếu Trung Quốc và Philippines đạt được thỏa thuận về một vài lĩnh vực, điều này sẽ tạo cơ sở cho việc đàm phán với các nước thành viên ASEAN khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: lo ngại sâu sắc về việc quân sự hóa đang tiếp diễn ở Biển Đông

Ngày 16/10, Business Standard dẫn tin từ hãng PTI của Ấn Độ cho biết, ngày 15/10, trả lời câu hỏi của phóng viên trên đường đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Mỹ tiếp tục lo ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông. Đề cập đến bài phát biểu chính sách của Phó Tổng thống Mike Pence tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho biết chính quyền Trump tìm kiếm một mối quan hệ với Trung Quốc dựa trên sự công bằng, có đi có lại, tôn trọng chủ quyền, tức là tôn trọng các quy tắc quốc tế và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia bất kể lớn hay nhỏ. Liên quan đến vụ việc vừa qua giữa tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông, Bộ trưởng Mattis khẳng định Mỹ không tìm cách đối đầu với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục đi qua, bay qua các vùng biển và vùng trời quốc tế. Nhắc lại cuộc gặp trước đây giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó ông Tập hứa sẽ không quân sự hóa Trường Sa, Bộ trưởng Mattis phát biểu: “Điều đó đã xảy ra, nhưng chính sách của chúng tôi không thay đổi, chúng tôi không chấp nhận điều đó. Vì vậy, không một quốc gia nào có thể thay đổi các quy tắc quốc tế”.

http://biendong.net/diem-tin/24224-ban-tin-bien-dong-ngay-17-10-2018.html

 

Bản tin Biển Đông ngày 16/10/2018

Australia thể hiện lập trường thận trọng về vấn đề Biển Đông

Ngày 15/10, Sydney Morning Herald đưa tin, phát biểu bên lề Hội nghị của Viện các vấn đề quốc tế Australia tại Canberra, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã thể hiện lập trường thận trọng một cách rõ ràng về việc tiến hành các cuộc tuần tra trên biển ở Biển Đông sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẽ hành động nhiều hơn ở vùng biển tranh chấp này. Bình luận về phát biểu của ông Bolton, bà Payne cho rằng bà đã nhiều lần khẳng định Australia đang ngày càng can dự vào khu vực, trong đó có các cuộc tập trận quân sự rộng lớn, nhưng bà Payne tránh đưa ra bình luận trực tiếp về các cuộc tuần tra hay tập trận ở Biển Đông. Thay vào đó, bà Payne nhấn mạnh Australia đã luôn đưa ra quan điểm qua các phát biểu của các lãnh đạo và Bộ trưởng của Australia về vấn đề tự do hàng hải và tự do

hàng không. Mỹ muốn Australia tham gia vào các cuộc phô trương sức mạnh hải quân, không quân để thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông; tuy nhiên, Australia chưa từng tiến hành cái gọi là “hoạt động tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý các cấu trúc này. Bà Payne khẳng định “dù sao thì chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ những gì chúng tôi còn bất đồng về đường lối chính sách của Mỹ, thừa nhận rằng thậm chí những đồng minh thân cận nhất cũng vẫn có thể có nhiều bất đồng với nhau”.

Hải quân Trung Quốc tham gia tập trận chung với Thái Lan và Malaysia

Ngày 15/10, South China Morning Post đưa tin, trong tuần này, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Việt Nam và Singapore, một cuộc tập trận hải quân chung giữa Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sẽ được tổ chức tại eo biển Malacca. Cuộc tập trận mang tên Hòa bình và Hữu nghị sẽ bắt đầu vào ngày thứ Bảy, 20/10 và kéo dài 9 ngày. Trung Quốc sẽ cử 3 tàu khu trục và hộ vệ, 2 trực thăng chở hàng, 3 máy bay vận tải loại Il-76 và 692 quân lính tham gia cuộc tập trận này. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cuộc tập trận nhằm thể hiện ý chí chung của lực lượng vũ trang ba nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông, tăng cường trao đổi và hợp tác thực tế, nâng cao năng lực các nước cùng đối phó với nhiều mối đe dọa an ninh. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho biết thêm, cuộc tập trận này “không nhằm vào bất cứ nước nào cả”.

Các nhà quan sát quân sự và ngoại giao cho rằng cuộc tập trận ba bên này cho thấy các nước ASEAN và Trung Quốc có thể hợp tác cùng nhau trong các vấn đề quốc phòng và an ninh, đặc biệt là trong các lĩnh vực ít nhạy cảm. Collin Koh, chuyên gia an ninh biển tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, đánh giá, “đối với Malaysia và Thái Lan, đây là cách thể hiện việc xây dựng lòng tin với Trung Quốc và cũng là dấu hiệu cho thấy họ không chọn đứng về bên nào trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ở Biển Đông”. Ông Koh cũng cho biết thêm, “Trung Quốc sẽ coi đây là một cơ hội nữa để chứng minh có thể cùng các nước ASEAN bảo vệ hòa bình và ổn định, và tất nhiên, điều này sẽ đóng góp vào những biện minh tổng thể mà Trung Quốc thường sử dụng để loại sự can thiệp của nước bên ngoài vào vấn đề Biển Đông”.

Quản lý căng thẳng ở Biển Đông nóng bỏng

Ngày 16/10, The Diplomat đăng bài viết của Lục Anh Tuấn, Nghiên cứu sinh Trường Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học New South Wales, Australia. Bài viết nhắc lại nhận định của Collin Koh Swee Lean, Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore hồi cuối tháng 8, so sánh Biển Đông khi đó như một “nồi súp đang sủi tăm”. Tác giả bài viết cho rằng những diễn biến ở Biển Đông trong tháng 9-đầu tháng 10 vừa qua cho thấy căng thẳng trên bề mặt của nồi súp này sẽ sớm chuyển sang trạng thái sôi sục. Việc Trung Quốc phản ứng với tàu chiến USS Decatur của Mỹ thực hiện tự do hàng hải ở Trường Sa là không thể dự đoán trước. Theo Carlyle Thayer, đây là lần đầu tiên hành động của Trung Quốc tạo ra một nguy cơ thực sự về va chạm với tàu hải quân của Mỹ khi thực hiện tự do hàng hải. Chuyên gia về Trung Quốc Bonnie Glaser cho rằng đã có sự thay đổi trong quy tắc can dự của Trung Quốc bởi Ủy ban quân ủy trung ương do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo.

Các nước Đông Nam Á có vẻ đang nín thở theo dõi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Biển Đông sau vụ tàu Decatur và những lời lẽ cay nghiệt qua lại giữa Washington và Bắc Kinh. Điều này làm nảy sinh một số câu hỏi: Mỹ sẽ phản ứng với sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông như thế nào? Các cường quốc chính sẽ làm gì để tăng cường sự hiện diện hoạt động của họ ở khu vực? Liệu Trung Quốc có thiết lập một vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như lâu nay đồn đoán hay không? ASEAN và các nước thành viên nên làm gì để đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực?

Tác giả bài viết cho rằng một Biển Đông mở, ổn định và hòa bình sẽ có lợi cho giấc mơ của ASEAN về sự thịnh vượng kinh tế. Hiện nay có lẽ là một trong những thời điểm quan trọng nhất để ASEAN chứng minh vai trò trung tâm của mình trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực. Việc duy trì tính trung tâm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông có nghĩa là điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi giữa các cường quốc như tổ chức này đã đảm nhiệm thành công trong vài thập kỷ qua. Trung Quốc, Mỹ và các cường quốc khác nên giữ cái đầu lạnh để giải quyết các bất đồng ở Biển Đông. Với sức mạnh kinh tế và quân sự tích lũy qua hàng thập kỷ, Trung Quốc xứng đáng có một vai trò được tăng cường trong chính trị thế giới. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Bắc Kinh không nên đổi bằng cái giá của các quyền hợp pháp của các nước khác như đã được ghi nhận lâu đời trong luật quốc tế. Danh tiếng quốc tế quan trọng ngay cả khi người ta không chú ý đến nó. Mặt khác, điều bắt buộc đối với chính quyền Trump là xây dựng và sau đó đưa ra một chiến lược hiệu quả ở Biển Đông để định hình hành vi của tất cả các bên liên quan phù hợp với luật hàng hải quốc tế. Thêm nữa, như Christopher Roberts, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á quốc gia của Australia từng đề xuất, những người ủng hộ cho trật tự dựa trên luật pháp cần phải hành động cùng nhau để đạt được kết quả họ mong đợi ở Biển Đông.

http://biendong.net/diem-tin/24225-ban-tin-bien-dong-ngay-16-10-2018.html

 

Nhật Bản phản đối tàu Trung Quốc

đến gần đảo tranh chấp

Nhật Bản chính chính thức phản đối Trung Quốc hôm 17/10 về việc Bắc Kinh lại cho tàu đi vào vùng biển các hòn đảo tranh chấp giữa hai phía. Sự việc này diễn ra chỉ vài ngày trước chuyến công du của thủ tướng Shinzo Abe đến Trung Quốc.

AFP cho biết tin trên dẫn phát biểu của Chánh Văn Phòng Nội Các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, rằng đó là sự xâm nhập ‘vô cùng đáng tiếc’ từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Tokyo nói vẫn hy vọng quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc sẽ phát triển hơn.

Tin cho biết đây là phản đối mới nhất trong chuỗi các hoạt động phản đối Trung Quốc tương tự từ phía Nhật Bản.

Chuyến thăm Trung Quốc vào tuần tới của thủ tướng Shinzo Abe để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình là chuyến thăm chính thức đầu tiên bởi một nhà lãnh đạo Nhật Bản trong bảy năm qua, khi hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á đang cải thiện các quan hệ căng thẳng do hậu quả của thời Chiến tranh thế giới lần hai để lại.

Quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc trở nên xấu đi từ năm 2012, khi Tokyo có quyết định ‘quốc hữu hóa’ một số đảo tranh chấp.

Phía Trung Quốc thường xuyên cho các tàu bảo vệ bờ biển và cả các tàu chiến đến gần các khu vực các đảo tranh chấp Senkaku, theo cách gọi của Nhật Bản, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/japan-protests-china-ships-near-disputed-isles-ahead-of-abe-visit-10172018085028.html

 

Khuấy động Biển Đông, TQ giúp “hâm nóng”

tình đồng minh Mỹ-Philippines

Với việc đầu tư của Trung Quốc vào Philippines mang tính nhỏ giọt không như cam kết, đồng thời Bắc Kinh vẫn đe dọa Philippines khi nước này thực hiện các cuộc tuần tra, giám sát trong khu vực, cùng với việc Mỹ có cam kết rõ ràng hơn với Manila so với thời của chính quyền tổng thống Obama đã khiến Philippines quay lại với Mỹ, theo AsiaTimes.

Sau khi nhậm chức tổng thống không lâu, ông Duterte đã có chính sách “thân” hơn với Trung Quốc và loại bỏ ảnh hưởng của phương Tây.

Sau một giai đoạn tách rời nhau về mặt chiến lược, hiện Philippines và Mỹ lại quay lại cùng nhau một lần nữa.

Với việc tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những bước đi nỗ lực để lôi kéo các nước Đông Nam Á trong một chiến dịch nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Với việc tài trợ và bán vũ khí, Lầu Năm Góc đã đưa ra lời đề nghị nhiệt tình nhằm tái kết hợp với đồng minh của mình tại Manila.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hiện tại đang hiệu chỉnh lại những mối quan hệ của ông với Mỹ sau khi đã hạ thấp những mối ràng buộc với Mỹ trong một chính sách nghiêng về mặt thân thiện hơn trong các mối quan hệ với Trung Quốc. Người dân Philippines phản đối sự thay đổi này, tức giận vì Trung Quốc gia tăng khẳng định chủ quyền phi pháp trên các thực thể đang tranh chấp tại Biển Đông, rõ ràng khiến cho ông Duterte nhận ra là lại phải quay về phía Mỹ.

Trong khi ông Duterte không né tránh thái độ công kích phương Tây của mình, ông cũng không phản đối việc từ từ khôi phục quan hệ quốc phòng với Mỹ, trong cả việc đối mặt với mối đe dọa an ninh nội địa khi IS trỗi dậy tại hòn đảo Mindanao ở phía nam cũng như những đe dọa về an ninh hàng hải trên Biển Đông. Ông cũng gia tăng những chỉ trích về việc Trung Quốc quân sự hóa trái phép những khu vực tranh chấp trên biển.

Trước đó, ông Duterte thường tán tụng Trung Quốc là một người bạn tin cậy trong sự phát triển của đất nước, cơ quan quốc phòng của ông vẫn giữ hoài nghi về những ý định của Trung Quốc và công khai ý muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, chia sẻ một hiệp ước phòng thủ chung.

Trong những tuần qua, chính quyền của tổng thống Trump đã chào hàng các vũ khí quân sự hiện đại, bao gồm cả máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ Lockheed Martin F-16, trực thăng chiến đấu và một gói tài trợ quốc phòng mở rộng có giá trị lớn nhất trong khu vực.

Washington cũng muốn cấp vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong gói 60 tỷ USD của chương trình BUILD (Khai thác hiệu quả hơn hoạt động đầu tư phát triển). Trước đó, Trung Quốc cũng hứa một khoảng 26 tỷ USD trong những giao dịch đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng vốn thực sự bỏ ra trong nhiệm kỳ của ông Duterte chỉ mang tính chất nhỏ giọt.

Với ý muốn sử dụng quyền lực mềm về mặt ngoại giao, Lầu Năm Góc đang thúc đẩy việc trả lại 3 quả chuông Balangiga – chiến lợi phẩm của Mỹ khi chiếm đóng đảo Samar thuộc đông Philippines từ năm 1901. Động thái này được coi như một cành ô liu với ông Duterte – người thường chỉ trích Washington vì không trả lại những quả chuông nhà thờ vốn được coi là biểu tượng kháng chiến chống thực dân của người Philippines và hành động xâm lược của Mỹ trên thuộc địa châu Á duy nhất của mình trước kia.

Trong tuyên bố của Bộ Quốc phòng Philippines có đoạn: “Việc trả lại những quả chuông Balangiga biểu thị mạnh mẽ sự chân thành của người Mỹ trong việc trau dồi mối quan hệ lâu dài với người dân Philippines”. Những quả chuông này hiện đang được trưng bày tại căn cứ không quân F.E. Warren ở thành phố Cheyenne, bang Wyoming.

Những lời đề nghị thân thiện được xây dựng dựa trên chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới khu vực nơi ông gặp các lãnh đạo từ Singapore, Malaysia và Indonesia cũng như các bộ trưởng ngoại giao thuộc các nước ASEAN. Trong chuyến thăm, nhà ngoại giao Mỹ thông báo về một khoản tài trợ an ninh mới trị giá 300 triệu USD cho các đồng minh trong khu vực, tập trung vào hợp tác an ninh trên biển, cung cấp cho các nước Đông Nam Á đang có cạnh tranh với Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố về một quỹ huy động mới trị giá 117 triệu USD để tạo điều kiện cho những đầu tư công nghệ cao của Mỹ vào Đông Nam Á nhắm tới việc tạo ra những công việc “chất lượng”.

Quốc hội Mỹ cũng đang bàn thảo về đạo luật Sáng kiến Tái đảm bảo châu Á – một chương trình trị giá nhiều tỷ USD nhắm tới việc gia tăng sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng chiến lược của Mỹ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Lầu Năm Góc đang chịu trách nhiệm về mặt ngoại giao với Manila. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương Randall Shriver, trong chuyến thăm Philippines vào tháng 8 đã nhấn mạnh cam kết của chính quyền tổng thống Trump sẽ trợ giúp Philippines trong những vấn đề đang tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Chuyến thăm của ông trùng hợp với sự kiện ông Duterte lựa chọn sử dụng ngôn ngữ cứng rắn đối mặt với Trung Quốc, ám chỉ hai bên sẽ có thể có chiến tranh trong các vùng tranh chấp.

Chán nản vì những hành động quấy nhiễu không ngớt của Trung Quốc với các hoạt động giám sát trên biển của Philippines, ông Duterte cảnh báo Trung Quốc đã sử dụng những “từ ngữ khó chịu” để hăm dọa không quân Philippines tuần tra trong khu vực. Ông nói: “Các ông không thể tạo ra những hòn đảo tại đó [đảo nhân tạo phi pháp] và rồi tuyên bố yêu sách chủ quyền [tại các vùng vẫn đang tranh chấp] trên biển”.

Thay vì ngôn ngữ mơ hồ từ thời chính quyền tổng thống Barack Obama, nay ông Shriver nói rõ ràng rằng Washington sẽ là “một đồng minh tốt” và “giúp Philippines đáp trả thích hợp” với những mối đe dọa với chủ quyền và những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Rất nhiều người tại Philippines đã thất vọng vì Mỹ không giữ một vị trí cứng rắn hơn trong cuộc đối đầu hải quân năm 2012 với Trung Quốc trên khu vực bãi cạn Scarborough nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này trong khi Mỹ chỉ đứng nhìn bỏ mặc hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 với Manila.

Ngược lại, trong chuyến thăm Philippines của mình, ông Shriver đã nói thẳng về những gì Washington hiện coi là mối đe dọa chính trong khu vực, rằng Washington “sẽ không cho phép [Trung Quốc] viết lại luật của những tuyến đường hay thay đổi luật lệ quốc tế”.

Đầu năm nay, Hải quân Mỹ lần đầu đưa một tàu chiến thực thi hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) gần khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền, bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đang kiểm soát. Mỹ cũng điều các tàu sân bay để thực hiện các chuyến thăm hữu nghị tới cảng của Philippines. Đáng chú ý hơn, hai đồng minh tiếp tục cuộc tập trận chung Balikatan hay “Vai kề vai” tại Biển Đông, cuộc tập trận với 8.000 lính cùng các bài tập đổ bộ.

Sau khi nhậm chức tổng thống không lâu, ông Duterte đã đe dọa sẽ “tống cổ” lực lượng đặc biệt của Mỹ thường luân chuyển đóng quân trên đảo Mindanao kể từ năm 2011, không tập trận chung trên Biển Đông, giảm và di chuyển địa điểm tập trận Balikatan khỏi những vùng đang tranh chấp với Trung Quốc.

Tất cả những quyết định trên là một phần trong thỏa thuận lớn với Bắc Kinh, hứa hẹn những lợi ích về kinh tế trên diện rộng và chấm dứt những đe dọa trực tiếp với quân đội và nhân sự Philippines đang ở trên những đảo chiếm đóng Philippines trên Biển Đông.

Trong năm thứ 3 của nhiệm kỳ tổng thống, ông Duterte vẫn chưa thấy đầu tư cụ thể trên diện rộng của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh tiếp tục quấy nhiễu quân đội và các hoạt động giám sát của Philippines trong khu vực. Điều này đã cung cấp cho Washington một cơ hội để xây dựng lại quan hệ với một đồng minh vốn đã trở nên “ghẻ lạnh” gần đây.

Vào cuối tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa một quan chức cấp cao tới Philippines để nhấn mạnh những cam kết về mặt ngoại giao với đồng minh lâu đời nhất trong khu vực. Trong chuyến thăm Manila, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas tuyên bố về khoản trợ giúp tài chính thường niên dành cho quân sự nước ngoài FMF lớn nhất với Philippines – trị giá 1/5 (60 triệu USD) trên tổng số 300 triệu USD tài trợ an ninh được tuyên bố bởi ông Mike Pompeo hồi đầu tháng.

Quan chức Mỹ nói rằng khoảng trợ cấp này được đưa ra với “sự công nhận về quan hệ đối tác lâu dài mà chúng tôi có với Philippines trên mặt trận an ninh” và sẽ bao gồm “nhận thức trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình và hàng hải” giữa các lĩnh vực an ninh khác. Ông Douglas và một cố vấn cấp cao của ông Pompeo nói rằng chính quyền của tổng thống Trump rất muốn cải thiện quan hệ với Philippines theo một cách toàn diện bao gồm cả việc huy động vốn tư nhân của Mỹ để đầu tư “chất lượng cao” tại Philippines bao gồm cả những đầu tư thông qua chương trình BUILD.

Họ cũng cho thấy các quan chức cấp cao của Mỹ nhận ra những thiếu sót của chính quyền trước đây trong việc nhận thức được những gì Philippines cần để có những đảm bảo chiến lược mạnh mẽ hơn, bao gồm cả vấn đề Biển Đông.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/24154-khuay-dong-bien-dong-tq-giup-ham-nong-tinh-dong-minh-my-philippines.html

 

Cú ‘xoay trục’ của Duterte giữa cuộc đấu Mỹ – Trung

Thất vọng với cách hành xử của Trung Quốc, Philippines đang dần đặt niềm tin vào đồng minh Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.

Trong cuộc gặp hồi cuối tháng 9 với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa Manila và Washington vẫn “mạnh mẽ, dựa trên lịch sử hợp tác gần gũi lâu dài và cam kết không suy suyển vì các giá trị chung”.

Theo giới phân tích, tuyên bố này của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo nước này đang âm thầm “xoay trục” quan hệ trở lại về phía Mỹ sau hai năm “làm thân” với Trung Quốc. Động lực cho sự thay đổi thái độ này chính là thái độ ngày càng quyết liệt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc cạnh tranh quyền lực trong khu vực với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông và thương mại, theo AsiaTimes.

Sau khi lên nhậm chức vào năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gây sốc cho Washington khi công khai thể hiện lập trường nghiêng về hợp tác với Trung Quốc và rời xa đồng minh truyền thống Mỹ. Nhưng khi những vồn vã ban đầu với Bắc Kinh lắng xuống mà không thu được nhiều kết quả, Duterte đang hứng chịu nhiều sức ép để khắc phục những bất đồng với Washington và vãn hồi quan hệ song phương để phục vụ lợi ích chiến lược của mình.

Trong bài viết trên SCMP, chuyên gia phân tích Richard Heydarian cho rằng Tổng thống Duterte có lý do để đưa ra lựa chọn này, dù ông không hùng hồn tuyên bố nó trên truyền thông. Dưới thời Tổng thống Trump, nước Mỹ đang ngày càng thể hiện rõ quyết tâm củng cố vị thế và ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc, quốc gia được coi là mối đe dọa chung đối với cả Mỹ lẫn Philippines.

Theo Heydarian, một trong những lý do khiến Philippines rời xa Mỹ và tìm cách kết thân với Trung Quốc là do chính quyền Mỹ dưới thời cựu tổng thống Barack Obama đã thiếu quyết tâm trong việc vạch ra “giới hạn đỏ” đối với các hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Duterte đã nhiều lần thể hiện sự hoài nghi về cam kết bảo vệ đồng minh của Washington trong trường hợp nổ ra xung đột trên vùng biển tranh chấp giữa Manila và Washington.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại có cách xử sự rất khác. Dù có những phát ngôn và quyết định khó lường, Trump đã chứng minh rằng Mỹ có đủ quyết tâm và năng lực để đối phó với các hành động của Trung Quốc cả trên Biển Đông lẫn trong lĩnh vực thương mại.

Sau khi liên tiếp tung đòn áp thuế trong cuộc chiến thương mại khốc liệt với Bắc Kinh, Trump gần đây còn ra lệnh tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Biển Đông bằng các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, hàng không bằng tàu khu trục, trinh sát cơ và cả oanh tạc cơ chiến lược B-52. Các động thái quyết liệt này của Washington dường như đã đủ trấn an Manila về cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông và chống lại các động thái ngang ngược, trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu hôm 4/10, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Trung Quốc là “đối thủ chiến lược chính” của Mỹ, thể hiện sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại với Bắc Kinh đã được chính quyền nhiều đời tổng thống Mỹ thực hiện trong hơn một thập kỷ qua.

Pence còn cho rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế đã thúc đẩy tham vọng quân sự của Trung Quốc, thể hiện qua hoạt động quân sự hóa ngày càng ngang nhiên ở Biển Đông, bất chấp cam kết mà ông Tập từng đưa ra khi tới thăm Nhà Trắng năm 2017 rằng Bắc Kinh “không có ý định quân sự hóa” vùng biển chiến lược này.

Heydarian cho rằng chính quyền Trump đang áp dụng chiến lược “hòa bình bằng sức mạnh” mà tổng thống Ronald Reagan từng đưa ra, khi tăng cường sức ép bằng các biện pháp phô diễn uy lực quân sự để buộc đối thủ phải nhượng bộ.

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ mới đây tuyên bố sẽ tiến hành một loạt cuộc diễn tập ở Biển Đông và eo biển Đài Loan vào tháng 11 nhằm “thể hiện rằng Mỹ có thể chống lại các đối thủ tiềm tàng một cách nhanh chóng trên nhiều mặt trận”, theo CNN.

Duterte thay đổi thái độ

Trước quyết tâm mới của Trump, chính quyền Tổng thống Duterte gần đây cũng thể hiện thái độ cứng rắn hơn với hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Hồi tháng 5, họ đưa ra “ba lằn ranh đỏ” với Trung Quốc, cảnh báo quan hệ song phương sẽ bị hủy hoại nếu Bắc Kinh có bất cứ hành động đơn phương khai thác tài nguyên nào trên vùng biển của Manila, bồi đắp đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough hay có hành vi cưỡng ép đối với các đơn vị quân sự Philippines đồn trú ở Biển Đông.

Đến tháng 8, Tổng thống Duterte công khai chỉ trích Trung Quốc, kêu gọi nước này “kiềm chế hành vi” và tái khẳng định quyền đi qua vô hại trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định quân đội Philippines “không cần xin phép ai” khi đi qua vùng biển quốc tế.

Một tuần sau, ông thẳng thừng đe dọa sẽ gây chiến với Trung Quốc nếu Bắc Kinh đơn phương tiến hành hoạt động khoan thăm dò trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines, thậm chí tuyên bố lực lượng an ninh của ông sẽ “mang mã tấu để hạ gục người Trung Quốc” nếu cần thiết.

Theo các chuyên gia, những phát ngôn ngày càng cứng rắn với Bắc Kinh của Duterte còn thể hiện nỗi thất vọng của ông với việc Trung Quốc đến nay vẫn không thực hiện lời hứa đưa các khoản đầu tư lớn vào Philippines. Các khoản đầu tư này được cho là đã bị Trung Quốc phong tỏa do những bất đồng với Philippines về quá trình khai thác tài nguyên chung dưới đáy biển tại khu vực tranh chấp.

Trong khi Tổng thống ngày càng bất mãn với Trung Quốc, giới quân sự Philippines lại có những động thái tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ. Vài ngày sau cuộc gặp song phương giữa Lorenzana và Mattis, Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, đến thăm Manila và ký thỏa thuận nhằm tăng số cuộc diễn tập chung thường niên giữa quân đội hai nước từ 261 lên 281 cuộc.

Các cuộc diễn tập này sẽ tập trung vào hợp tác an ninh hàng hải, tăng cường khả năng phối hợp giữa quân đội hai nước và tập trận chung, trong đó có các kịch bản tấn công đổ bộ gần khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Manila và Washington cũng đang thảo luận về việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự ở Philippines, đặc biệt là căn cứ không quân Bautista ở Palawan, vị trí rất gần với các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Trường Sa.

Về phương diện kinh tế, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, Philippines đã tranh thủ thời cơ đàm phán một thỏa thuận tự do thương mại song phương nhằm tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ và thúc đẩy các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Washington ở nước này. Philippines cũng là bên được hưởng lợi lớn trong khoản hỗ trợ tài chính cho quân đội nước ngoài ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trị giá 300 triệu USD của Mỹ.

Theo Heydarian, việc Philippines tăng cường năng lực phòng thủ và cải thiện quan hệ chiến lược với Mỹ là bước đi đúng đắn, giúp chính quyền Tổng thống Duterte có sức nặng hơn trong các thỏa thuận song phương với Trung Quốc.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi cách hành xử như hiện nay trên Biển Đông và không thực hiện các lời hứa về kinh tế với khu vực, những quốc gia như Philippines sẽ ngả về phía Mỹ, nước đang thể hiện mình là thế lực chiếm ưu thế ở châu Á dưới thời Tổng thống Trump”, chuyên gia này viết.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/24190-cu-xoay-truc-cua-duterte-giua-cuoc-dau-my-trung.html

 

TQ nói gì về cuộc tập trận chung sắp tới

với Thái Lan và Malaysia?

Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận các lực lượng vũ trang Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sẽ tiến hành tập trận chung ở Malaysia vào cuối tháng 10.

Tân Hoa Xã đưa tin, cuộc tập trận mang tên “Hòa bình và Hữu nghị 2018” sẽ diễn ra trong 10 ngày (20-29/10) tại hai bang của Malaysia và khu vực ngoài biển. Tổng cộng 692 binh sĩ quân đội Trung Quốc sẽ tham gia đợt diễn tập cùng với 3 tàu hải quân, 2 trực thăng hoạt động trên tàu chiến, 2 máy bay vận tải quân sự IL-76 và 4 xe quân sự.

“Cuộc tập trận thể hiện sự thống nhất trong tư tưởng của lực lượng quân đội 3 nước nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tăng cường hoạt động trao đổi chính trị và quan hệ hợp tác đồng thời nâng cao năng lực cùng nhau đối phó trước những mối đe dọa an ninh.

Cuộc diễn tập không nhằm vào tấn công bất cứ quốc gia nào khác”, tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh.

Lâu nay, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp và vô căn cứ trên phần lớn diện tích Biển Đông. Thậm chí, Bắc Kinh còn nhiều lần kêu gọi các nước không có chủ quyền trên Biển Đông tránh những hành động can thiệp.

Trong tháng Tám, Trung Quốc đã đồng thuận với dự thảo đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Đây được xem là nền tảng cho các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN. Bắc Kinh cũng khẳng định, thỏa thuận giữa hai bên cho thấy các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hoàn toàn có thể được giải quyết.

Để hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo và điều động tàu chiến cũng như máy bay tới khu vực.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24149-tq-noi-gi-ve-cuoc-tap-tran-chung-sap-toi-voi-thai-lan-va-malaysia.html