Tin Biển Đông – 17/09/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Quốc ‘thủ phạm’ phá huỷ hệ sinh thái và làm cạn kiệt tài nguyên Biển Đông – Tâm Tuệ

Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và đánh bắt quá mức của Trung Quốc có nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái và làm cạn kiệt nguồn hải sản ở Biển Đông – đó là nhận định của chuyên gia sinh học biển Mỹ, truyền thông trong nước trích dẫn.

Hôm 16/9, trong buổi trao đổi trực tuyến do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức, chuyên gia John McManus tại Đại học Miami (Mỹ) dẫn lại các dữ liệu cho thấy ước tính có khoảng 3,7 triệu người tham gia vào hoạt động đánh bắt ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc chiếm 649.000 người.

Với hơn 4 triệu thuyền viên, Trung Quốc sở hữu đội tàu cá thuộc hàng lớn nhất thế giới. Chính quyền Trung Quốc cho biết đội tàu đánh bắt xa bờ của họ có 2.600 chiếc, nhưng nhiều nghiên cứu khác nhau,

ví dụ của tổ chức Viện Phát triển hải ngoại (ODI, Vương quốc Anh), ước tính con số ít nhất phải lên đến 17.000 chiếc, trong đó phần lớn không được đăng ký và hoạt động lén lút.

Mới đây, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải đoạn video trên Twitter hôm 16/8 cho rằng hơn 16.000 tàu cá từ đảo Hải Nam đã ra khơi cùng ngày sau khi lệnh cấm đánh bắt do Bắc Kinh đơn phương áp đặt ở Biển Đông kết thúc. Tổ chức Global Fishing Watch (Theo dõi Đánh bắt Toàn cầu) đã sử dụng ảnh chụp vệ tinh xác nhận đội tàu cá xa bờ của Trung Quốc có đến 16.966 chiếc.

Theo Enternews, hầu hết tàu cá xa bờ của Trung Quốc là cỡ lớn, lượng tôm cá một tàu cào vét một tuần có khi nhiều bằng một tàu cá Senegal hoặc Mexico đánh bắt trong cả năm. Bắc Kinh trợ cấp cho ngành công nghiệp này hàng tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Tàu Trung Quốc có thể đi xa như vậy cũng nhờ khoản trợ cấp nhiên liệu vốn đã tăng gấp 10 lần từ năm 2006 đến 2011 (dữ liệu sau đó không còn được công bố). Ngoài ra, các tàu cá Trung Quốc thường được tàu cảnh sát biển hộ tống khi đánh bắt xa bờ.

Chuyên gia McManus cũng cho biết, chính quyền và quân đội Trung Quốc tài trợ đáng kể cho các đội tàu cá tiến hành hoạt động đánh bắt ở Biển Đông. “Điều này dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên sinh vật biển”, Thanh Niên dẫn lời cảnh báo của ông McManus.

Ngoài ra, Trung Quốc không chỉ là nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới, gần 1,4 tỷ dân nước này còn tiêu thụ đến hơn 1/3 lượng hải sản trên toàn cầu.

Mặt khác, kể từ năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã điều nhiều tàu nạo vét và phá hủy hầu hết các rạn san hô để bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại 7 thực thể bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Theo ước tính, các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây thiệt hại cho khoảng 159/162 km2 san hô tại vùng biển này. Trong đó hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 14/15 km2; hoạt động nạo vét của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 39/40 km2; hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 2/3 km2; hoạt động khai thác trai khổng lồ của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 104/104 km2.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia John McManus cho rằng, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và đánh bắt quá mức của Trung Quốc có nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái và làm cạn kiệt nguồn hải sản ở Biển Đông.

Mới đây, Mỹ hôm 26/8 công bố lệnh cấm vận đối với 24 công ty nhà nước cùng những quan chức của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

Bộ Thương mại Mỹ đang tung ra đòn trừng phạt đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, khi liệt vào danh sách cấm vận vì đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trong tuyên bố liên quan đến lệnh cấm vận, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ: “Kể từ năm 2013, Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để bồi đắp hơn 1.200 ha tại các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông, gây mất ổn định khu vực, chà đạp quyền chủ quyền của các nước láng giềng và tàn phá môi trường”.

https://www.dkn.tv/thoi-su/trung-quoc-thu-pham-pha-huy-he-sinh-thai-va-lam-can-kiet-tai-nguyen-bien-dong.html

 

Biển Đông trước làn sóng đe doạ mới từ Trung Quốc

Trần Đại Thanh

Indonesia cứng rắn hơn khi bị Trung Quốc tiếp tục “xâm phạm” EEZ

Tình hình Biển Đông vốn đã “nóng” nay lại càng phức tạp hơn khi Indonesia mới đây đã có hành động cứng rắn: Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamia) quyết định bám đuổi và xua đuổi một tàu hải cảnh của Trung Quốc gần quần đảo Natuna, đồng thời trao công hàm phản đối Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Jakarta.

Phát biểu ngày 15/9 của ông Aan Kurnia, Giám đốc Bakamia rằng Indonesia sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra trong vùng biển gần một số đảo của nước này ở Biển Đông sau khi một tàu hải cảnh của Trung Quốc được phát hiện gần đó, gây nghi ngại về ý đồ của con tàu này. Theo ông Aan Kurnia, chiếc tàu của Trung Quốc đã tiến vào cùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia ở phía Bắc quần đảo Natuna ngày 12/9 và đến ngày 14/9 mới rời đi sau màn tranh cãi “qua sóng vô tuyến” và sau khi phía Indonesia khẳng định quyền chủ quyền đối với vùng biển này. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết Jakarta đã yêu cầu một lời giải thích từ phía Đại sứ quán Trung Quốc: “Chúng tôi đã nhắc lại với phía Đại sứ quán Trung Quốc rằng EEZ của Indonesia không chồng lấn với các vùng biển của Trung Quốc”.

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo ngày 15/9 khẳng định rằng các quyền lợi của Trung Quốc trong vùng biển liên quan là rất rõ ràng: “Tàu Trung Quốc tiến hành tuần tra bình thường trong vùng biển mà Bắc Kinh có quyền tài phán”. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định hai bên đã có liên lạc trao đổi về vụ việc vừa qua. Vụ việc xảy ra ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia và đây là động thái mới nhất nằm trong chuỗi các vụ việc tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc  đã tăng cường sự hiện diện và các cuộc tập trận tại một số khu vực tranh chấp trên tuyến hàng hải chiến lược này, vào đúng thời điểm các bên cũng có yêu sách khác đang tập trung xử lý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19). Chuyên gia Ian Storey, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhận định: “Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã khẳng định các yêu sách về quyền tài phán của mình với cái gọi là ‘đường 9  đoạn’ (đường lưỡi bò), sự hiện diện của các tàu tuần duyên và tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna đã gia tăng. Do đó, việc này đã trở nên bình thường hơn đối với Trung Quốc, mặc dù rất không được Indonesia hoan nghênh”.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, đánh giá rằng vụ việc là “một thách thức” đối với Indonesia. Ông nói: “Diễn biến mới nhất này chỉ đơn thuần làm nổi bật vấn đề dai dẳng mà Indonesia phải đối mặt là việc Trung Quốc từ chối ‘xuống thang’, nhượng bộ đối với các tuyên bố phi lý của họ ở Biển Đông dựa trên cái gọi là ‘đường lưỡi bò’ hay ‘đường chín đoạn’, vốn đã bị Toà quốc tế vô hiệu trong phán quyết năm 2016. Vì vậy, thay vì nói Trung Quốc ‘hung hăng hơn’, có lẽ sự mô tả chính xác hơn là Trung Quốc là ‘vẫn hung hăng’, mặc dù đã có giới hạn cuối cùng gần quần đảo Natuna”.

ASEAN có thể noi gương Indonesia?

Theo nhiều chuyên gia, sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là “chuyện thường”, nên chưa biết liệu hành động của Indonesia có đủ sức răn đe đối với chính quyền Bắc Kinh trong tương lai hay không khi mà người Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay yêu sách lãnh thổ với cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”. Chuyên gia Storey nói rằng trong việc xua đuổi tàu Trung Quốc, Indonesia đã thể hiện sự “cứng rắn” về lập trường của mình đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bởi trước đây họ chỉ giám sát các tàu tuần duyên của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của mình. Theo ông, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng có tranh chấp về lãnh thổ và biển đảo sẽ có thể “làm tốt” hơn nữa thông qua “tấm gương” của Indonesia, để cho Bắc Kinh thấy rằng họ hoàn toàn bị bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử trong đường chín đoạn. Chuyên gia Storey nói: “Khi Toà trọng tài năm 2016 ra phán quyết, những ‘quyền lịch sử’ đó không phù hợp với luật pháp quốc tế”, .

Tuy nhiên, nhà phân tích Collin Koh cũng bày tỏ sự hoài nghi rằng liệu hành động của Indonesia có đủ “cứng” để răn đe Bắc Kinh trong tương lai hay không. Ông Koh cho rằng Indonesia cần “một chiến lược mạnh mẽ hơn” để tập hợp “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nhân tố bên ngoài khu vực có cùng chí hướng” để cùng lên án “các hành vi bá quyền” như vậy, mặc dù ông cảnh báo rằng điều này sẽ gây ra “rắc rối về mặt chính trị nếu bị hiểu sai như là chính sách ngăn chặn của Trung Quốc”. Một lựa chọn khác là đưa vấn đề ra trước các thể chế quốc tế, chẳng hạn như lên diễn đàn của Liên hợp quốc, mặc dù cách tiếp cận này cũng sẽ có những hạn chế tiềm ẩn.

Chuyên gia Koh cũng cho biết cần phải đầu tư nhiều hơn vào các lực lượng hàng hải của Indonesia và khả năng tuần tra ngoài khơi của họ để đảm bảo “sức mạnh được duy trì đầy đủ trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài quần đảo Natuna trước sự xâm phạm của Trung Quốc”.

Philippines “mập mờ”

Biển Đông vẫn tiếp tục là một vấn đề gây tranh cãi tại các cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Philippines hồi tuần trước, trong đó Manila đã đưa ra những giọng điệu cứng rắn trước khi rút lại chúng mà không có lời giải thích nào. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết đất nước ông sẽ tuân thủ “mà không cần bất cứ sự thỏa hiệp nào” đối với phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2016 vốn đã vô hiệu hóa hầu hết các yêu sách dàn trải của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố này của ông Delfin Lorenzana được đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp của mình hôm 11/9, song đã bị rút lại ngay sau đó, và những bình luận gây tranh cãi cũng được dỡ bỏ theo.

Đài Loan đe dọa “đáp trả tương xứng”

Đài Loan mới đây cho biết các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay vào không phận của Đài Loan ở Biển Đông vào hôm 9 và 10/9 vừa qua trong khuôn khổ các cuộc tập trận mà Đài Bắc gọi là “một sự khiêu khích nghiêm trọng với hòn đảo tự trị này, đồng thời đặt ra một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định khu vực”. Đài Loan nhấn mạnh những hành động như vậy của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang đe dọa toàn bộ khu vực, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế phản ứng với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Đài Loan ngày 10/9 cho biết quân đội của họ nhận thức rõ các hành động của Trung Quốc và sẽ “đáp trả tương xứng”, song không đưa ra thêm chi tiết nào. Một số nhà bình luận trên hòn đảo này cũng gọi các cuộc tập trận của Trung Quốc là mối đe dọa quân sự nghiêm trọng nhất với Đài Loan kể từ năm 1996, khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận và phóng tên lửa xuống vùng biển gần Đài Loan nhằm mục tiêu hăm dọa các cử tri Đài Loan trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp của hòn đảo này.

Việt Nam im lặng

Trái ngược với cách hành xử kiên quyết, mạnh mẽ của Indonesia, Việt Nam – nước Chủ tịch ASEAN năm nay dường như đang học theo “chính sách ngoại giao im lặng” từ Malaysia. Facebooker Phạm Thắng Nam cho biết là từ tháng 8 tới nay, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã 10 lần xâm nhập trái phép vùng biển thuộc EEZ của Việt Nam, đe doạ trực tiếp Lô 06.1 đang khai thác của Việt Nam. Tuy nhiên, không thấy bất cứ sự lên tiếng nào của chính quyền Việt Nam. Và tất cả các báo chí chính thống Việt Nam cũng im tiếng. Dường như Trung Quốc đã thành công trong việc khiến cho các quốc gia ASEAN trực tiếp tham gia trong tranh chấp biển Đông như Việt Nam chấp nhận việc tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển thuộc EEZ của các nước là một chuyện bình thường. Trong cuộc nói chuyện tại Bộ Công An Việt Nam về tình hình thế giới và biển Đông hồi năm trước, ông Trần Việt Thái, vốn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao Việt Nam có phát biểu ám chỉ rằng phía Việt Nam đã “bình thường hoá” việc các tàu Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển của Việt Nam. Ông Trần Việt Thái còn tiết lộ là phía Việt Nam chỉ tập trung “không để xảy ra tình trạng mất an ninh nội địa như hồi năm 2014,” nhưng không thấy nói tới Việt Nam sẽ làm gì để ngăn chặn sự xâm phạm từ các tàu Trung Quốc.

Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm nay đã sắp hết, nhưng vẫn chưa thấy Việt Nam có sáng kiến gì đặc biệt để dẫn dắt ASEAN. Sang năm sẽ là nhiệm kỳ của Brunei – nước nhỏ nhất của ASEAN, có lẽ sẽ khó có những đột biến. Đặc biệt năm tiếp theo nữa sẽ là nhiệm kỳ của Campuchia – quốc gia vốn là đồng minh thân cận, luôn bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại biển Đông. Chắc có lẽ vấn đề biển Đông sẽ khó có bước tiến triển mới, chưa nói là có thể thụt lùi. Điều này cần sự đoàn kết từ ASEAN và sự quyết đoán từ Chủ tịch ASEAN năm nay.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/scs-faces-another-wave-of-threat-from-china-09162020124741.html

 

Anh, Pháp, Đức gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc

phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao các nước Anh, Pháp, Đức (còn gọi là nhóm E 3) hôm 16/9 đã chính thức gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc (UN), phản đối yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định tự do hàng hải và hàng không qua khu vực này.

Đây là công hàm mới nhất gửi lên UN phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông sau một loạt các công hàm tương tự được gửi đi từ các nước Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Hoa Kỳ, Australia, được bắt đầu từ công hàm của Malaysia gửi UN hồi tháng 12 năm 2019 để đăng ký phần thềm lục địa mở rộng ở khu vực phía Bắc Biển Đông.

Trong công hàm mới, nhóm E 3 khẳng định việc các quốc gia tuân thủ Công ước về luật biển của UN (UNCLOS), bác bỏ yêu sách đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc áp dụng đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Nhóm E3 cũng nhấn mạnh “các đòi hỏi (về chủ quyền) liên quan đến quyền lịch sử ở Biển Đông là không đúng với luật quốc tế và các điều khoản của UNCLOS”, đồng thời khẳng định điều này trong phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế đưa ra hồi năm 2016 bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển.

Anh, Pháp, Đức, trong công hàm này, cũng bày tỏ mong muốn các bên có yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông nên tìm giải pháp hoà bình để giải quyết các tranh chấp trong khu vực theo quy định của UNCLOS.

Nhóm E3 khẳng định rằng mặc dù nhóm nêu lập trường về Biển Đông nhưng không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp về chủ quyền trong vùng nước tranh chấp này.

Hồi tháng 8 năm 2019, nhóm 3 nước cũng đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và ASEAN sớm đạt được một Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, hợp tác và dựa trên luật pháp.

Trung Quốc hiện là nước đòi hỏi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò. Các nước khác cũng có những đòi hỏi về chủ quyền ở đây bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/uk-france-germany-sent-diplomatic-note-to-un-rejecting-china-s-claims-in-scs-09172020074234.html

 

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ

tiến triển nhờ…Trung Quốc

Thụy My

Theo chuyên gia Derek Grossman (*) trên Nikkei Asia Review ngày 12/09/2020, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Donald Trump đã tăng tiến mạnh trong những tháng gần đây, nhằm đạt mục tiêu duy trì một khu vực tự do và rộng mở trước sự hung hăng của Trung Quốc. Thật là trớ trêu khi chính Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình này.

Sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong vấn đề Hồng Kông, Đài Loan cũng như các bên tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, rồi nay thậm chí còn gây hấn với Ấn Độ dọc theo dãy Himalaya, đã dẫn đến một sự đồng thuận tại Ấn Độ-Thái Bình Dương và xa hơn nữa, rằng việc giương oai diễu võ của Trung Quốc là một hành động không được hoan nghênh trong khu vực.

Nhiều quốc gia liên quan đã tăng cường sâu sắc quan hệ an ninh với nhau và với Hoa Kỳ, nhằm giảm thiểu mối đe dọa. Nếu Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra hiếu chiến, sẽ có thêm những nước khác có thể đi theo, khiến Trung Quốc càng bị cô lập hơn.

Đọc thêm: Greg Poling : Chính sách mới về Biển Đông của Mỹ có ý nghĩa thế nào ?

Tạm lấy ví dụ Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là Bộ Tứ (Quad) gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Bốn quốc gia này đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự và các chuẩn mực hành vi quốc tế trên cơ sở luật lệ. Sự hợp tác an ninh của Bộ Tứ ngày càng sâu hơn.

Hôm 01/07/2020, bộ Quốc Phòng Úc đưa ra chiến lược cập nhật và kế hoạch bố trí lực lượng nhằm đối phó với Trung Quốc. Vài ngày sau đó, Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý kết thúc việc đối đầu quân sự dọc theo vùng biên giới tranh chấp, nhưng hậu quả thì đã rõ. Giờ đây ngay cả những người ủng hộ Trung Quốc nhiệt thành nhất tại Ấn Độ cũng trở nên cứng rắn hơn.

Rồi đến ngày 14/07, Tokyo công bố Sách Trắng quốc phòng thường niên, tố cáo các mưu toan đơn phương không ngừng nghỉ của Trung Quốc nhằm « thay đổi nguyên trạng bằng cách cưỡng bức ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku ».

Thái độ hung hăng của Trung Quốc cũng có nghĩa là Washington đang có quan hệ khá tốt ở Đông Nam Á – vùng cạnh tranh ảnh hưởng chủ yếu.

Đọc thêm: Việt Nam quyết đoán hơn về Biển Đông, Trung Quốc cho vay tiền

Việt Nam là một đối tác an ninh đang lên của Mỹ, và là chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay. Tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hôm 09/09, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định : « Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp nhanh nhạy, mang tính xây dựng của Hoa Kỳ trước nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông ».

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Việt Nam cập nhật chính sách quốc phòng « Ba Không » tháng 11 năm ngoái, nêu rõ Hà Nội sẽ không bao giờ khơi mào chiến tranh, nhưng nếu bị gây chiến, Việt Nam có thể tăng cường quan hệ với các đối tác của mình – có thể hiểu là Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang củng cố quan hệ an ninh với một loạt các quốc gia khác, trong đó có Úc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Còn tại những nước khác trong khu vực, Malaysia đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc công hàm ngày 29/07, bác bỏ « toàn bộ » những yêu sách lâu nay của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông.

Đọc thêm: Cuộc đối đầu West Capella, bước tiến trong chính sách Biển Đông của Mỹ

Trước đó ngày 02/06, tổng thống thân Trung Quốc và chống Mỹ của Philippines, Rodrigo Duterte, đã hoãn lại quyết định về việc có chấm dứt thỏa ước VFA (Visiting Forces Agreement) hay không, chủ yếu do Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra hiếu chiến trên Biển Đông. Thỏa thuận này cho phép Mỹ đưa quân đến và tập trận tại Philippines để đối phó với những tình huống bất ngờ từ phía Trung Quốc.

Indonesia hôm 22/07 đã tổ chức một cuộc tập trận lớn trong khu vực, rõ ràng nhằm ngăn chận việc Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Ngay cả Brunei, vốn lặng lẽ nhất trong các bên yêu sách, ngày 20/07, đã gây ngạc nhiên khi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tuân thủ các quy định của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển) để giải quyết tranh chấp.

Đài Loan cũng cam kết duy trì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hòn đảo này phải đối mặt với áp lực không ngừng tăng lên của Trung Quốc trên mọi mặt, và như vậy Bắc Kinh đã góp phần vào những tiến triển gần đây trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan.Cách hành xử tồi tệ của Bắc Kinh cũng đã thúc đẩy các quốc gia bên ngoài khu vực ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Đáng chú ý nhất là Anh và Pháp trong năm 2018 đã tham gia các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải, hiện diện trên Biển Đông để thách thức các yêu sách của Trung Quốc. Hôm 17/06, Anh, Pháp cùng với các nước khác trong nhóm G7, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông.

Đọc thêm: Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung về Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải

Tất nhiên không phải tất cả các nước trong khu vực đều cảm thấy thoải mái khi ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, và Washington không nên chờ đợi nhiều từ Cam Bốt, Lào, Miến Điện ; hoặc đáng ngại hơn là Thái Lan, nước vẫn là đồng minh của Mỹ. Cảnh báo của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 29/07 rằng Hoa Kỳ nên ngưng « coi Trung Quốc là kẻ thù », cũng khiến Washington tạm lơi tay. Singapore trên thực tế là đồng minh về an ninh, vốn là cầu nối giữa Mỹ và Trung Quốc, là trái tim của khu vực.

Và việc nhiều nước ủng hộ mục tiêu của Hoa Kỳ, không nhất thiết có nghĩa là họ đã chọn lựa Washington thay vì Bắc Kinh. Hầu hết, nếu không phải là tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều muốn giữ thế trung lập, để tránh đối kháng với bên này hoặc bên kia.

Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương ngày càng lo lắng trước những hành vi của Trung Quốc, và nếu khuynh hướng này tiếp tục duy trì, Bắc Kinh có thể xa rời họ hoặc các nước khác nữa. Rất có thể những quốc gia này sẽ ủng hộ tích cực hơn các mục tiêu của Mỹ.

Thế nên không phải là ngẫu nhiên khi bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) tuần trước đã bắt đầu đi thăm Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines để vận động.

Nếu quan hệ không được thúc đẩy trở lại, Bắc Kinh có thể sẽ phải dựa vào những người bạn ít ỏi tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương  như Bắc Triều Tiên, Pakistan, Cam Bốt, Nga. Đó sẽ là một thảm họa.

(*) Chuyên gia Derek Grossman từng là cố vấn Lầu Năm Góc, hiện là nhà phân tích của tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200917-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-th%C3%A1i-b%C3%ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-ti%E1%BA%BFn-tri%E1%BB%83n-nh%E1%BB%9D-trung-qu%E1%BB%91c