Tin Biển Đông – 17/08/2018
TQ ‘đang luyện tập để tấn công’ các mục tiêu Mỹ
Quân đội Trung Quốc “nhiều khả năng đang luyện tập để tấn công” vào các mục tiêu của Mỹ và đồng minh ở Thái Bình Dương, một bản phúc trình của Ngũ Giác Đài cảnh báo.
Bản phúc trình thường niên cho Quốc hội nói rằng Trung Quốc đang tăng cường khả năng đưa máy bay ném bom bay ra xa hơn.
Bản phúc trình điểm việc Bắc Kinh nâng cao năng lực quân sự, trong đó có khoản chi tiêu quốc phòng ước tính là 190 tỷ đô la, bằng một phần ba của Hoa Kỳ.
Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận gì.
‘TQ sẽ có hàng loạt vệ tinh theo dõi Biển Đông’
Thái Anh Văn: ‘Không ai có thể ‘xóa bỏ’ Đài Loan’
Bản phúc trình còn nói những gì?
Lời cảnh báo về các cuộc không kích là một phần trong những nội dung đánh giá toàn diện về tham vọng quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
“Trong vòng ba năm qua, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã nhanh chóng mở rộng các vùng hoạt động trên mặt nước của các phi cơ ném bom, tích lũy kinh nghiệm ở các vùng biển then chốt và nhiều khả năng đang luyện tập để tấn công vào các mục tiêu của Hoa Kỳ và đồng minh,” bản phúc trình nói.
Bản phúc trình nói thêm rằng hiện chưa rõ Trung Quốc đang định chứng tỏ điều gì bằng những chuyến bay đó.
PLA có thể phô diễn “năng lực tấn công vào các lực lượng Mỹ và đồng minh và các căn cứ quân sự ở tây Thái Bình Dương, gồm cả Guam,” bản phúc trình nói.
Trung Quốc, theo nội dung bản phúc trình, đang tái cơ cấu các lực lượng của mình nhằm “chiến đấu và chiến thắng”.
“Mục tiêu của việc cải tổ này là nhằm tạo ra một lực lượng di chuyển dễ dàng, linh hoạt, có sức mạnh chết người, có khả năng làm nòng cốt trong các cuộc tập trận chung,” bản phúc trình nói.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được trông đợi sẽ tăng lên 240 tỷ đô la trong vòng 10 năm tới, theo nội dung đánh giá.
Bản phúc trình cũng nêu lên chương trình khám phá không gian đang ngày càng được đẩy mạnh của Trung Quốc, “bất chấp việc nước này có quan điểm công khai chống lại việc quân sự hóa không gian”.
Biển Đông: TQ nâng cấp danh mục quân sự
Mỹ: TQ ‘uy hiếp láng giềng’ ở Biển Đông
Những khu vực căng thẳng nằm ở đâu?
Hoa Kỳ quan ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, nơi Washington vẫn đang đóng một vai trò quan trọng.
Một trong những khu vực nổi bật nhất là Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích, và các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền từng phần.
Quân đội Mỹ thường xuyên thể hiện quyền tự do đi lại bằng cách có các chuyến bay trên vùng trời Biển Đông.
Trung Quốc đã mở rộng những nơi giống như các cơ sở quân sự của mình trên các đảo và các rặng san hô, bãi đá tại đây, và đã cho phi cơ ném bom đáp xuống các tiền đồn trong các cuộc thao luyện.
Một vấn đề nữa là Đài Loan, nơi mà Trung Quốc luôn coi là một tỉnh ly khai của mình.
Bản phúc trình cảnh báo rằng Trung Quốc “nhiều khả năng đang chuẩn bị cho việc hợp nhất Đài Loan vào Trung Quốc bằng vũ lực”.
“Nếu Hoa Kỳ can thiệp, Trung Quốc sẽ tìm cách trì hoãn việc can thiệp hiệu quả và tìm chiến thắng bằng một cuộc chiến quyết liệt, có giới hạn, diễn ra trong một thời gian ngắn,” bản phúc trình nói.
Tổng thống Duterte cảnh báo TQ về Biển Đông
Trung Quốc đang đặt hệ thống tên lửa Biển Đông?
Mỹ bỏ TQ, mời VN tập trận lớn nhất thế giới
Để xoa dịu Trung Quốc, Mỹ đã cắt quan hệ chính thức với Đài Loan vào năm 1979 nhưng vẫn tiếp tục duy trì các quan hệ chính trị và an ninh gần gũi, khiến Bắc Kinh khó chịu.
Mỹ cũng tiếp tục duy trì hiện diện quân sự đáng kể tại Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Philippines.
Căng thẳng cũng đang tiếp diễn trên mặt trận phi quân sự. Mỹ và Trung Quốc đã công bố biểu thuế quan đối với một loạt các mặt hàng của nhau.
Những gì đã được thực hiện nhằm tháo gỡ căng thẳng?
Bản phúc trình của Ngũ Giác Đài nhấn mạnh rằng Mỹ “tìm kiếm một mối quan hệ tích cực, hướng tới việc đạt kết quả với Trung Quốc”.
Đã có sự liên hệ thường xuyên giữa quan chức quân sự của Mỹ và Trung Quốc.
Hồi tháng Sáu, James Mattis trở thành bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Mỹ tới thăm Trung Quốc kể từ 2014 tới nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45221845
Hoa Kỳ hứa bảo vệ Philippines
nếu bị Trung Quốc chiếm đảo
Hoa Kỳ sẽ giúp đồng minh Philippines trong trường hợp Trung Quốc xâm lược các đảo do Philippines kiểm soát ở Biển Đông.
Đó là phát biểu của ông Randall Shriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương, với giới báo chí tại Đại sứ quán Mỹ ở Manila hôm 16/8.
Các phóng viên đã hỏi ông Shriver rằng liệu Hoa Kỳ có giúp Philippines theo như hiệp ước quốc phòng song phương trong trường hợp Trung Quốc xâm chiếm đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở Trường Sa hay không?
Ông Shriver nói Hoa Kỳ sẽ là một đồng minh tốt và không có bất cứ một sự hiểu lầm nào về tính rõ ràng trong tinh thần của cam kết này. Ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ giúp Philippines đáp trả một cách tương ứng.
Vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines ở Biển Đông. Hoa Kỳ lúc đó đã lên tiếng phản đối nhưng vẫn không thể ngăn cản được Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ Philippines.
Trung Quốc thời gian qua đã gia tăng xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và triển khai vũ khí ra các thực thể này. Nhiều nhà quan sát Philippines bày tỏ lo ngại khi trong vài tuần gần đây Trung Quốc liên tục cảnh báo các máy bay nước ngoài không được tiến gần các đảo này.
Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục cho máy bay và tàu đi qua vùng nước tranh chấp, bất chấp những thách thức gia tăng từ Trung Quốc.
Kể từ khi nhậm chức vào giữa năm 2016, Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte đã tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Nga trong khi giảm nhẹ mối quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ.
Trung Quốc sắp triển khai
nhà máy điện hạt nhân ra Biển Đông
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mới đây cho biết Trung Quốc có thể sẽ cho triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi ở các đảo và bãi đá thuộc Trường Sa. Hãng tin Bloomberg loan tin này hôm 16/8.
Trong một báo cáo gửi Quốc hội Hoa Kỳ có tựa “Những diễn tiến quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc”, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc đã cho thấy nước này có kế hoạch cung cấp điện cho các đảo và bãi đá tại khu vực Biển Đông, sử dụng các trạm điện hạt nhân, dự kiến sẽ bắt đầu vào trước năm 2020.
Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc hồi năm 2016 cho biết nước này có thể xây dựng tối đa 20 nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông.
Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng hồi năm ngoái cho biết nhiều công ty quốc doanh của Trung Quốc đã thiết lập một liên doanh nhằm tăng cường khả năng phát triển điện hạt nhân phù hợp với tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc.
Biển Đông là khu vực còn tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước khác trong khu vực châu Á bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng nước.
Trung Quốc cũng là nước tiến hành cải tạo đất, xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhiều nhất kể từ năm 2014 trở lại đây. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi năm 2016, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 1.295 ha đất đai ở đông nam Biển Đông để triển khai vũ khí ra các đảo nhân tạo.
Mỹ : Không để Trung Quốc tung hoành ở Biển Đông
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương Randall Schriver ngày 16/08/2018 khẳng định : Hoa Kỳ sẽ không cho phép Bắc Kinh “viết lại luật lệ” ở Biển Đôngvà sẽ yểm trợ đồng minh Philippines chống Trung Quốc xâm lấn. Theo trang mạng Philippines Rappler, ông Schriver đã tuyên bố như trên nhân một cuộc họp báo tại Manila.
Khi được hỏi về vụ chiếc phi cơ do thám của Hải Quân Hoa Kỳ đang bay trên Biển Đông, thì bị lực lượng Trung Quốc trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa xua đuổi, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ xác định : « Chúng tôi sẽ không cho phép họ (Trung Quốc) viết lại luật giao thông hay thay đổi luật quốc tế… Chúng tôi vẫn sẽ qua lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép… Phương châm của chúng tôi sẽ là : Nếu chúng tôi hoạt động hợp pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động hợp pháp. »
Đối với trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc hù dọa phi cơ Mỹ và đồng minh trên Biển Đông, nhưng Bắc Kinh cần phải hiểu rằng thách thức kiểu đó sẽ vô ích, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra thường xuyên trong khu vực.
Trả lời câu hỏi liệu Mỹ có sẽ trợ giúp Philippines, theo hiệp định an ninh hỗ tương 1951, nếu Trung Quốc tấn công, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ xác quyết : « Mỹ là đồng minh tốt, sẽ yểm trợ Philippines đáp trả phù hợp », nhưng từ chối không cho biết thêm chi tiết.
Theo ông Schriver, Mỹ đang xem xét khả năng phát triển năng lực của đồng minh trong khu vực, và trợ giúp của Mỹ sẽ tùy thuộc từng nước.
Trang mạng USNI của Học Viện Hải Quân Mỹ hôm 15/08 cho biết là trong một cuộc họp báo khác tại Malaysia, ông Schriver đã tiết lộ rằng Hoa Kỳ đang thảo luận với các nước Đông Nam Á về các chương trình cần hỗ trợ trong khuôn khổ Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải MSI đang được triển khai, cũng như trong khuôn khổ quỹ Viện Trợ Tài Chính Quân Sự (FMF) trị giá 290,5 triệu đô la dành cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mà ngoại trưởng Mike Pompeo đã thông báo hôm 04/88 tại Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN (ARF) ở Singapore.
Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia ưu tiên tiếp nhận các chương trình MSI.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180817-my-khong-de-trung-quoc-tung-hoanh-o-bien-dong