Tin Biển Đông – 17/05/2018
Hãng dầu khí Nga ngại TQ
khi khai thác ở Biển Đông
Rosneft Vietnam BV, chi nhánh của Rosneft lo ngại việc khai thác dầu khí ở Biển Đông sẽ làm Bắc Kinh tức giận, hai nguồn tin cho Reuters biết.
Hãng sản xuất dầu thô lớn nhất của Nga, Rosneft đã bắt đầu khai thác ngoài khơi Vũng Tàu ở lô 06.1, nhưng khu vực này hoàn toàn nằm ngoài vùng chín đoạn hình chữ U của Trung Quốc.
Tuy vậy, lo ngại bị đáp trả và áp lực từ Trung Quốc, Rosneft Việt Nam muốn bắt đầu việc khai thác với “ít sự chú ý nhất có thể”, mặc dù chính công ty này công bố việc khai thác dầu hôm 16/5, theo Reuters.
Nga khai thác dầu khí ở vùng biển Việt Nam
Tờ Hoàn Cầu: ‘VN thiếu tự tin vụ áo lưỡi bò’
Việt Nam ‘bỏ Cá Rồng Đỏ’ ở Biển Đông
Trước đó, đại diện của Rosneft tỏ ra rất “khả quan” về việc hợp tác với Việt Nam để khai thác dầu mỏ, nhất là khi Nga đang chịu lệnh cấm vận của Mỹ vì sáp nhập Crimea hồi 2014.
Rosneft cho rằng việc khai thác dầu ở Việt Nam “rất lợi nhuận”, vì chi phí khai thác chỉ khoảng 1,5 USD/thùng dầu, bằng một nửa chi phí thông thường.
“Dự án ở Việt Nam cho phép chúng tôi phát triển kỹ thuật làm việc ở thềm lục địa và cũng là nền tảng cho việc phát triển kinh doanh ở các nước Đông Nam Á,” Christopher Einchcomb, giám đốc bộ phận hỗ trợ dự án nước ngoài của Rosneft cho Reuters biết chỉ vài ngày trước.
Giàn khoan Hakyryu-5 của Rosneft đã đến khu vực khoan hôm 6/5 và được biết vào hôm 16/5, giàn vẫn ở trong lô khai thác.
Hồi tháng Ba, Việt Nam đã ngưng dự án khoan dầu của hãng dầu Tây Ban Nha Repsol tại mỏ Cá Rồng Đỏ sau khi chịu áp lực từ Bắc Kinh.
Và giờ Repsol đang yêu cầu đòi bồi thường từ phía chính quyền Việt Nam.
Phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận Reuters gửi qua fax hôm thứ Tư 16/5. Phía Bộ Ngoại giao Nga cũng im ắng trước yêu cầu của truyền thông, theo Reuters.
BBC Việt Ngữ đang chờ phản hồi của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Việc hãng sản xuất dầu thô lớn nhất của Nga hợp tác với Việt Nam là một dấu hiệu tốt cho Hà Nội vì tình trạng sụt giảm sản lượng dầu xuất khẩu.
Hồi tháng Tư, PetroVietnam thừa nhận tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi của Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44150253
Khoan dầu trên Biển Đông:
Tập đoàn Nga bác bỏ phản đối của Bắc Kinh
Không đầy hai hôm sau khi loan báo việc bắt đầu khoan dầu khí tại một khu vực ở Biển Đông, ngoài khơi miền Nam Việt Nam, tập đoàn dầu khí Nga Rosneft hôm nay, 17/05/2018 đã lên tiếng khẳng định rằng nơi họ được phép khai thác hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam.
Lời khẳng định này được công bố ít lâu sau khi Bắc Kinh lên tiếng cảnh cáo những ai dám thăm dò và khai thác dầu khí trên các vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản thông cáo công bố tại Mátxcơva, tập đoàn dầu khí Nga Rosneft, mà chi nhánh tại Việt Nam vừa bắt đầu công việc khoan dầu ở Biển Đông, đã nói rõ: “Khu vực thuộc Biển Đông mà Rosneft được giấy phép khai thác nằm bên trong vùng lãnh hải của Việt Nam…”
Tập đoàn Nga khẳng định là chỉ tiến hành các hoạt động “trên thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp hoàn toàn với nghĩa vụ quy định trong giấy phép hoạt động và trên tinh thần tôn trọng luật lệ của Việt Nam.”
Tuyên bố của Rosneft được đưa ra vào lúc tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng lên tiếng cảnh cáo là không một quốc gia, tổ chức, công ty hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành thăm dò hoặc khai thác dầu khí trong vùng biển của Trung Quốc nếu không được phép của Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Trung Quốc đã tuyên bố như trên khi được hỏi về sự kiện chi nhánh tại Việt Nam của tập đoàn Nhà Nước Nga Rosneft đã bắt đầu hoạt động khoan dầu khí tại một khu vực trên Biển Đông mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Ngày 15/05, tập đoàn dầu khí Nga loan báo là chi nhánh của họ tại Việt Nam đã bắt đầu việc khoan dò ở mỏ Lan Đỏ, thuộc lô 6.1 trên Biển Đông, ngoài khơi Vũng Tàu, cách bờ biển 230 hải lý. Giàn khoan Hakyryu-5 của Rosneft đã đến khu vực khoan hôm từ ngày 06/05 và cho đến hôm qua 16/05, vẫn ở trong lô khai thác.
Vào hôm qua, trích dẫn hai nguồn tin thông thạo, hãng Reuters tiết lộ rằng Rosneft đang lo ngại là hoạt động của họ ở Biển Đông sẽ chọc giận Trung Quốc. Điều khiến Rosneft lo ngại, theo Reuters, là việc công ty tư vấn và nghiên cứu năng lương Wood Mackenzie cho rằng lô dầu khí này nằm bên trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc dùng để đòi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông. Bản đồ khu vực cho thấy là nơi khai thác nằm sâu 53 hải lý (85km) bên trong vùng tranh chấp.
Chính vì vậy, theo Reuters, phía Rosneft đã rất kín đáo trong việc thông tin về hoạt động tại mỏ Lan Đỏ.
Tháng Ba vừa qua, Việt Nam đã phải ngưng dự án khoan dầu của tập đoàn Tây Ban Nha Repsol tại mỏ Cá Rồng Đỏ, gần khu vực Lan Đỏ, sau khi bị Bắc Kinh gây sức ép. Hiện Repsol đang yêu cầu phía chính quyền Việt Nam bồi thường thiệt hại.
Bước qua tháng Tư, đến lượt tập đoàn dầu khí Nhà Nước PetroVietnam thừa nhận rằng tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi của Việt Nam.
Nghị sĩ Mỹ đề nghị tăng ngân sách quốc phòng
để đối trọng sự trổi dậy của Trung Quốc
Hoa Kỳ nên thúc đẩy quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn với Đài Loan và chi tiêu quốc phòng ở vùng Thái Bình Dương cần thêm 7, 5 tỷ đô la, để chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Đây là nội dung trong một dự luật do 4 thượng nghị sĩ Mỹ đệ trình lên Quốc Hội Hoa Kỳ, vừa được tạp chí Defencenews.com cho biết vào ngày 16 tháng 5.
Dự luật có tên “Asia Reassurance Initiative Act” (tạm dịch “Luật Sáng kiến Tái đảm bảo Châu Á”, gọi tắt là ARIA, cho phép hàng năm chi 1,5 tỷ đô la trong 5 năm để chống lại Trung Quốc nhằm ngăn chặn và bảo vệ khu vực Thái Bình Dương. Quỹ này được kết hợp giữa Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Mỹ để tăng cường sự hiện diện và sẵn sàng quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng quốc phòng và kho dự trữ vũ khí quan trọng.
Dự luật ARIA cũng hỗ trợ bán vũ khí thường xuyên cho Đài Loan và tài trợ cho việc thực thi các quyền tự do hàng hải và hàng không, trước sự thách thức của Trung Quốc cảnh báo phải tránh xa vùng Biển Đông.
Đài CNBC cho biết trong tháng 5, Trung Quốc tiến hành lắp đặt các hệ thống tên lửa ở Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Thượng nghị sĩ Cory Gardner, một trong 4 thượng nghị sĩ soạn thảo Dự luật ARIA, nói với truyền thông vào ngày 16 tháng 5 rằng đây không phải là một khái niệm mới, và dự luật này cho thấy gần như chúng tôi đã đi đến một sáng kiến an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Lầu Năm Góc, trong việc thực thi Chiến lược Quốc phòng Quốc gia cũng kêu gọi các thiết bị phân tán và hậu cần bền vững để đề phòng trước cuộc xung đột tiềm ẩn với Trung Quốc.