Tin Biển Đông – 17/03/2018
Nhựt, Úc, Ấn Giúp VN Gần Mỹ
Vi Anh
Trung Cộng đã lắp đặt cơ sở quân sự trong khu vực 500 đảo nhỏ ở Biển Đông. TC đã tuyên bố chủ quyền trên 90% Biển Đông. Toà Trọng Tài về Luật Biển phủ nhận và Mỹ cũng không thừa nhận những tuyên bố chủ quyền đơn phương, không căn cứ pháp lý, lỊch sử của TC. Mỹ đã và đang liên minh với một số nước trong vùng Á châu Thái bình dương [ACTBD] để cùng bảo vệ tự do hàng hải và nguyên trạng ổn định trong vùng rất có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của các nước bị TC xâm lấn.
Mỹ, Nhựt, Úc, Ấn đang kết hợp mở cửa Biển Đông cho quốc tế sử dụng, bất chấp sự kiểm soát ngày càng tăng của TC. Liên minh này do Mỹ thúc đẩy và chủ động. Mục đích là muốn giữ khu vực biển giàu tài nguyên, rộng 3,5 triệu cây số vuông, với con đường hàng hải huyết mạch của thế giới được mở rộng, ổn định, thông suốt. Liên minh này có thể đưa ra các tuyên bố cứng rắn đối với TC và giúp cho các đối thủ hàng hải của TC. Liên minh cũng tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung gần trong vùng Biển Đông TC tranh chấp của các nước và dọc theo con đường hàng hải huyết mạch TC muốn khống chế.
Hồi tháng 11, lãnh đạo liên minh bốn nước đã gặp nhau ở Manila để thảo luận về việc giữ tình trạng mở ở Biển Đông. Úc và Nhật sau đó lần lượt kêu gọi một “trật tự dựa trên pháp luật” và “tôn trọng luật pháp quốc tế” ở Biển Đông.
Bốn nước Mỹ, Nhựt, Ấn, Úc của Á và Úc châu cùng nằm trên vùng biển Thái bình dương và Ấn độ dương cũng đang cố gắng lôi kéo VN cùng đi với liên minh do Mỹ làm đầu tàu. Hoa Kỳ, cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, đã đưa tàu hải quân tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của các đảo và bãi đá TC đã chiếm cứ và quân sự hoá trong vùng Biển Đông, 5 lần trong năm đầu của nhiệm kỳ TT Donald Trump. Chánh quyền Trump có thái độ cương quyết và tích cực mở rộng hoạt động nhằm khẳng định quan điểm của Mỹ về tự do hàng hải ở Biển Đông. TT Trump cho tuần tra sâu sát, nhiều lần trong năm hơn chánh quyền tiền nhiệm. Mỹ tăng cường lôi kéo đối tác và đồng minh vào công cuộc bảo vệ tự do hàng hải ổn định của Biển Đông. Khi được hỏi về khả năng Hải quân Hoàng gia Úc chung tay với phía Mỹ tại vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước, ông Trump nói: “Chúng tôi muốn thấy Australia cùng tham gia và tôi nghĩ rằng Úc muốn chúng tôi tiếp tục can dự.” Về phần mình, ông Turnbull phát biểu ủng hộ các cuộc tuần tra tự do hàng hải, nhưng không xác nhận hay bác bỏ chuyện Australia sẵn lòng tham gia.
Nhựt đã đưa một mẫu hạm trực thăng đi qua vùng biển tranh chấp vào tháng 6 năm 2017. Nhật cũng thách thức Trung Quốc ở các đảo thuộc biển Hoa Đông. Các lãnh đạo của Tokyo đang nghiên cứu tu chính hiến pháp để lực lượng vũ trang có thêm nhiều sức mạnh hơn. Nhật đã và đang cố gắng thực hiện các cuộc viếng thăm bến cảng các nước trong vùng thường xuyên hơn và thực sự tham gia các cuộc diễn tập quân sự, cung cấp huấn luyện hay những điều tương tự cho các quốc gia này. Nhật tiếp tục nâng cao năng lực của các nước đồng minh Á châu. Các nhà quan sát đều nhận định Nhật cố gắng liên kết một số nước vào liên minh phòng chống, ngăn chận đà bành trướng của TC.
Ấn độ thực hiện các cuộc viếng thăm bến cảng và tham gia bất kỳ cuộc tuần tra hải quân nào với các nước. Ấn Độ đang cạnh tranh với Trung Quốc trong việc kiểm soát địa chính trị ở khu vực Nam và Trung Á. Ấn độ chận TC ở hướng đông nam Á châu và Ấn độ dương. Ấn hầu như thành công trong việc liên kết với Việt Nam CS [VNCS], nước láng giềng giáp giới phía bắc với TC nhưng bị TC xâm chiếm, thôn tính nhiều biển đảo nhứt vào tay TC. Nhiều Tổng bí Thư Đảng, Chủ Tịch Nước và Thủ Tướng CSVN đã công du Nhựt. Ngoài việc giúp cho CSVN vay ưu đãi lãi để mua hoả tiễn Bhramas, Ấn còn kiên trì hợp tác khai thác dầu khí với VN ở Biển Đông dù TC chống đối đe dọa nhưng Ấn không nhượng bộ. Mới đây Ấn còn hợp tác tập trận với VNCS.
Úc cho Mỹ sử dụng cảng Darwin ở miền bắc Australia từ khá lâu khi Mỹ chuyển trục quân sự về ACTBD. Mỹ hiện có một lữ đoàn tinh nhuệ Thủy Quân Lục Chiến đang đồn trú, coi như căn cứ tiền đồn quan sát và gìn giữ yếu khu Tây Nam ACTBD. Từ đây ngó thẳng ra Biển Đông và con đường hàng hải tối quan trọng qua lại Eo biển Mã Lai của ACTBD.
Úc cũng đã và đang phát triển quan hệ song phương với VN hết sức tốt đẹp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Úc. Thủ tướng hai nước đã thống nhất về bản thỏa thuận nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược. Lãnh đạo Việt Nam và Australia nhiều lần khẳng định tầm nhìn chung trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, bao gồm Biển Đông, nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 đạt 6,46 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất cảng 3,3 tỷ USD. Australia có 407 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn là 1,8 tỷ USD.
Sau cùng, Việt Nam được xem là quốc gia kiên trì chống Trung Hoa trong lịch sử và hiện thời tích cực chống Trung Quốc xâm chiếm nhiều biển đảo của VN ở Biển Đông. Trong tổ chức ASEAN ở Đông Nam Á, VN có tiếng nói cứng rắn nhứt chống hành động TQ xâm lấn biển đảo. Nên các nước trong liên minh chống TC kiên trì lôi kéo VN gần Mỹ, Mỹ là đầu tàu của liên minh. Tháng 1 năm 2017, Thủ tướng Nhật Abe cam kết sẽ cung cấp sáu tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thăm Việt Nam. Mỹ cho hàng không mẫu hạm lần đầu tiên vào Đà nẵng VN. Ấn Độ trước đây giúp Việt Nam dò tìm dầu khí, cho vay lãi suất thấp 800 triệu Mỹ kim để mua hỏa tiễn Bhramas. Tạp chí tài chính Australia Financial Review cho hay Úc và Việt Nam sẽ nâng mối quan hệ giữa hai nước thành đối tác chiến lược khi Úc muốn nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực và tiến hành một hệ thống thỏa hiệp an ninh nhằm đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng bá quyền bành trướng.
Tóm lại hầu hết các nước đồng minh và đối tác của Mỹ ở Á châu Thái bình dương đã nổ lực lôi kéo VN vào liên minh do Mỹ thúc đẩy để ngăn chận đà bành trướng của TC./.(VA)