Tin Biển Đông – 17/03/2017
Quan hệ Mỹ – Trung và tranh chấp Biển Đông
Ngày 18/3/2017, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson có chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên và dự kiến sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tầm nhìn mới
Chuyến thăm của Ngoại trường Rex Tillerson tới Bắc Kinh được tờ Kyodo của Nhật Bản đánh giá để nhằm “bắt đầu vạch ra một tầm nhìn cho mối quan hệ Trung – Mỹ trong vòng bốn năm tới”. Đây là cuộc gặp có tầm quan trọng, nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao hơn nữa giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump, dự trù diễn ra tại Hoa Kỳ vào giữa tháng tới.
Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, kể cả chuyến thăm lần này của ông Tillerson, ít nhất là đã có ba cuộc lobby chính thức để sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh Trung – Mỹ sắp tới.
“Chúng ta chưa biết được nội dung chương trình nghị sự, chưa biết được vật cược họ đặt ra trên bàn đàm phán là về vấn đề gì. Có thể đó là vấn đề biển Đông, Triều Tiên, hoặc nói rộng ra là toàn bộ cấu trúc an ninh Châu Á – Thái Bình Dương. Thế nhưng nội dung của các thỏa thuận sắp tới tôi đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng.”
Còn theo nhà văn Nguyên Bình – một người nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc, hiện là tổng biên tập tạp chí của viên nghiên cứu các vấn đề phát triển cho rằng, quan hệ Mỹ – Trung sẽ “bất định”, dựa trên căn bản quyền lợi quốc gia của mỗi bên và không bao giờ trở thành đồng minh, nhưng sẽ có những thời cơ có lợi cho Việt Nam.
“Cũng có những cái thời cơ có lợi cho mình thì những nhà lãnh đạo của Việt Nam phải biết nắm lấy thời cơ đấy. Mà cái quan trọng nhất là Việt Nam làm thế nào để có sức mạnh riêng của mình và có những biện pháp khôn khéo cũng như sự chủ động để nắm được và thích nghi với tình hình.”
Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo
Động thái mới nhất gần đây liên quan đến Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề cuộc họp Quốc hội nước này vừa qua đã có những tuyên bố xoa dịu tình hình căng thẳng.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhấn mạnh đến yếu tố “không nhất quán giữa lời nói và hành động” của Trung Quốc từng trước tới nay. Trong bối cảnh, Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế PCA, tăng cường đầu tư cho hạm đội Nam Hải và gia tăng các hoạt động quân sự tại Biển Đông.
“Nếu lãnh đạo Trung Quốc vẫn nói nước đôi. Một mặt nói là tương lai của Biển Đông phụ thuộc vào quan hệ, tương quan của Mỹ – Trung. Mặt khác thì ông ngoại trưởng vẫn đòi gạt Mỹ ra khỏi Biển Đông, muốn để một mình Trung Quốc thao túng.”
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng cũng nhận định, khó có chuyện Trung Quốc dám gây sự to chuyện với Mỹ về vấn đề tuần tra tự do hải hành trên Biển Đông. Tuy nhiên, những xung đột nhỏ vẫn có thể xẩy ra. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang có nhu cầu đẩy những căng thẳng bên trong ra bên ngoài để ve vuốt chủ nghĩa Đại Hán trong nước.
Còn theo bà Nguyên Bình, về phía Hoa Kỳ, xung đột với Trung Quốc tại Biển Đông là chưa có khả năng xảy ra, bởi cán cân lực lượng tại khu vực.
“Nếu mà xung đột thì chắc là không có. Mà chỉ có là họ điều đình với nhau thế nào đấy để mà chia chác quyền lợi.”
ASEAN cần làm gì?
Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) được Trung Quốc loan báo là đã có bản dự thảo đầu tiên với các nước ASEAN. Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng đưa ra hàng loạt dẫn chứng để khẳng định, Trung Quốc vẫn tiếp tục trì hoãn và cản trở tiến trình hoàn tất bộ quy tắc này để họ có thể tiếp tục quân sự hóa các đảo đã chiếm đóng.
“Ở đây bản thân các nước ASEAN cũng rất thận trọng. Họ xem xét giữa lời nói, tuyên bố của Trung Quốc với thực tế có thống nhất với nhau hay không.”
Bà Nguyên Bình thì cho rằng, Trung Quốc không mong muốn tồn tại Bộ quy tắc này.
Ở đây bản thân các nước ASEAN cũng rất thận trọng. Họ xem xét giữa lời nói, tuyên bố của Trung Quốc với thực tế có thống nhất với nhau hay không.
– Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng
“Trung Quốc rất có tài câu giờ. Họ làm ra những động thái có vẻ như có thiện chí. Trong khi đó thì họ làm những chuyện rất không thiện chí. Họ càng ngày càng quân sự hóa các đảo chiếm được của Việt Nam ở Biển Đông.”
Xét về tổng thể, Hoa Kỳ được nhìn nhận là khó có thể bỏ qua lợi ích chiến lược tại Biển Đông và Đông Nam Á, cũng như phải cạnh tranh với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này. Điều này là một lợi điểm cho các nước ASEAN khi đối phó với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, các nước ASEAN cần chủ động và tích cực hơn nữa, phải thay đổi ngay cái não trạng “đèn nhà ai nhà ấy rạng” và đoàn kết với nhau thành một khối nhất quán. Đặc biệt, ASEAN nên tập trung hơn nữa trong việc phát triển quan hệ với “bên thứ ba”, tức là kết nối với “mắt xích” Nhật – Ấn – Úc.
“Chứ còn nếu có những cái đi đêm với Trung Quốc hay có những thỏa thuận ngầm với Trung Quốc thì cái đó rất nguy hiểm không những cho chính bản thân nước đó mà cả tình hình chung.”
Nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông, hai nhà quan sát đều cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi cả tư thế và tâm thế đối với Trung Quốc và các mối quan hệ đan xen trong khu vực.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cn-us-and-the-scs-dispute-03172017122213.html
Dự luật ‘trừng phạt Trung Quốc gây hấn biển Đông’
Hai nghị sĩ quốc hội Mỹ hôm 16/3 đưa ra dự luật nhằm chế tài Trung Quốc về các hành động trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Dự luật do Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa và Ben Cardin của đảng Dân chủ đề xuất, sẽ trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia các hoạt động bất hợp pháp của Bắc Kinh trên 2 vùng biển này.
Trong thông cáo báo chí ra ngày 15/3, ông Rubio, thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương của Thượng viện nói: “Hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trên biển Đông đe dọa an ninh và thương mại khu vực. Những vụ vi phạm trắng trợn các tiêu chuẩn quốc tế đang diễn ra và không thể được bỏ qua, và các biện pháp trừng phạt được ghi trong luật này là một cảnh báo đối với Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ thật sự nghiêm túc và có ý định buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.”
Thượng nghị sĩ Cardin, thành viên của Ủy ban Đối ngoại thượng viện, nói trong thông cáo báo chí do Văn phòng của thượng nghị sỹ Rubio đưa ra: “Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy một Trung Quốc ngày càng gây hấn hơn trên biển, trấn áp và đe dọa các nước láng giềng ở cả Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông, đồng thời sử dụng mối đe dọa về sức mạnh quân sự để giải quyết các vụ tranh chấp lãnh thổ và khu vực, Trung Quốc còn thực hiện chiến dịch rầm rộ xây đảo và quân sự hóa các đảo này, đe dọa sự ổn định trong khu vực.”
Thượng nghị sĩ Cardin đại diện bang Maryland kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ “phải minh bạch về các lợi ích quốc gia lâu dài của chúng ta trong các hoạt động tự do thương mại, tự do hàng hải và giải quyết hòa bình những vụ tranh chấp qua ngã ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế. Làm như thế nào để bảo vệ các lợi ích quốc gia và lợi ích của các đồng minh và đối tác của chúng ta hầu duy trì một nền trật tự dựa trên luật pháp cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương.”
Ông Cardin nói thêm rằng luật này cung cấp những công cụ và sự lựa chọn mới cho các chính sách của Mỹ trong khu vực và ông lấy làm “vui mừng được cùng Thượng nghị sĩ Rubio tham gia vào nỗ lực này.”
Reuters hôm 16/3 tường thuật rằng Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các công trình mới trong Biển Đông, dựa trên những hình ảnh vệ tinh mới. Đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục củng cố khả năng quân sự trên tuyến hàng hải thương mại vô cùng quan trọng này.
Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông của Hoa Kỳ, nếu được thông qua sẽ:
• Buộc Tổng thống áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm nhập cảnh đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia các dự án xây dựng và phát triển trên các vùng biển liên hệ, cũng như những người đe doạ đến hòa bình, an ninh hoặc sự ổn định trên Biển Đông (SCS) hoặc Biển Hoa Đông (ECS);
• Áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính nước ngoài cố ý tiến hành hoặc tạo điều kiện cho một giao dịch tài chính lớn cho các cá nhân và tổ chức bị xử phạt, trong trường hợp Trung Quốc thực hiện một số hành động nhất định trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, kể cả tuyên bố một khu nhận dạng phòng không hoặc tăng cường hoạt động trên bãi cạn Scarborough;
• Lập hồ sơ về các cá nhân và tổ chức tham gia các hoạt động đáng bị trừng phạt, kể cả nhân viên làm việc cho một số công ty Trung Quốc;
• Cấm xuất bản các tài liệu mô tả Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông như là một phần thuộc Trung Quốc, các dự án đầu tư vào Biển Đông hay Biển Hoa Đông, hay công nhận việc sáp nhập Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông;
• Hạn chế viện trợ nước ngoài cho các nước công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông.
Thượng nghị sĩ Rubio, hiện là chủ tịch Ủy ban Hành pháp Quốc hội về vấn đề Trung Quốc (CECC), đã đưa ra một phiên bản của dự luật này vào tháng 12 vừa qua.
Trung Quốc sẽ xây trạm quan sát môi trường ở Biển Đông
Trung Quốc đang sửa soạn xây nhiều trạm quan sát môi trường ở Biển Đông, trong đó có trạm được xây trên bãi đá cạn Scarborough mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với Philippines, và những trạm có thể được xây ở Hoàng Sa, quần đảo Việt Nam nói là có chủ quyền nhưng bị Trung Quốc xâm chiếm từ năm 1974.
Tin này được Tân Hoa Xã phổ biến, dựa theo cuộc phỏng vấn ông Tiêu Kiệt, Thị trưởng thành phố Tam Sa nói với một tờ báo địa phương. Trong cuộc phỏng vấn, ông Tiêu Kiệt nói rõ kế hoạch xây trạm quan sát môi trường là mục tiêu quan trọng cho năm 2017, nhưng không đi sâu vào chi tiết.
Vài ngày trước đây, hãng thông tấn Reuters đưa tin cho hay những hình ảnh vệ tinh chụp được cho thấy hình như Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng cảng ở Đảo Bắc thuộc quần đảo Trường Sa, nhằm hỗ trợ kế hoạch lắp đặt thiết bị quân sự.
Sau khi tin này được phổ biến, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói với đại ý là không biết gì về các hoạt động có thể đang được thực hiện ở Đảo Bắc.
Một số điểm đáng chú ý cũng cần phải nói tới là tin Trung Quốc dự tính xây nhiều trạm môi trường ở Hoàng Sa và Trường Sa được Bắc Kinh tung ra chỉ một ngày trước khi đón Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson. Ông Tillerson hiện đang có mặt ở Nam Hàn, sẽ đến Trung Quốc vào ngày mai.
Điểm đáng chú khác là tin này được phổ biến ngay sau khi Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Mỹ là ông Marco Rubio và đồng viên Dân Chủ Ben Cardin đưa ra dự luật trừng phạt nhắm vào những cá nhân, tổ chức của Trung Quốc tham gia vào các hoạt động phi pháp mà chính phủ Bắc Kinh thường xuyên làm ở hai khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Khi cho công bố dự luật, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Marco Rubio nói rằng những hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa an ninh của khu vực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của Hoa Kỳ.
Ông Rubio cũng nói đề nghị trừng phạt được ghi trong dự luật là lời cảnh báo Trung Quốc không thể tiếp tục có những hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, những ai vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm.
Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Ben Cardin cũng nhắc lại trong thời gian gần đây, Trung Quốc ngày càng có những hành động gây hấn, trấn áp và đe dọa những nước láng giềng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, có ý định sử dụng quân sự để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Ông Cardin cũng lên án việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo và quân sự hóa các đảo mà họ đang chiếm ở Biển Đông, với mục đích gây bất ổn.
Những lời chỉ trích của hai vị Thượng Nghị Sĩ Mỹ cũng khiến mọi người nhớ lại những năm gần đây, Trung Quốc đã đặt những giàn phóng hỏa tiễn phòng không và đưa chiến đấu cơ đến dảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Cho tới tối hôm nay, vẫn chưa thấy chính phủ Việt Nam lên tiếng nói gì nhưng phát ngôn viên Charles Jose của Bộ Ngoại Giao Philippines cho biết đang tìm hiểu hư thực về những hoạt động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough mà báo chí quốc tế loan tải.