Tin Biển Đông – 17-10-2016
Tập Cận Bình ghé Cam Bốt, Duterte đến Bắc Kinh, Việt Nam bị yếu thế ?
Yêu sách của các bên tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.Reuters
Vào lúc mà Phnom Penh trong nhiều năm gần đây đã không ngần ngại theo đuôi Bắc Kinh, phá vỡ mọi đồng thuận của ASEAN trong đối sách cần có nhằm chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, việc Bắc Kinh củng cố thêm quan hệ với Phom Penh có thể tác hại đến chính sách bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông trước các yêu sách quá đáng của Trung Quốc.
Cũng trong vấn đề Biển Đông, chính quyền Philippines thời tổng thống Aquino, với thái độ kiên quyết kháng lại Trung Quốc tại Biển Đông, đã đóng vai trò một « đồng minh » quý giá của Việt Nam. Thế nhưng, với tân tổng thống Rodrigo Duterte, chính sách hòa hoãn hơn của Manila đối với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông có thể tác động đến Hà Nội.
Vấn đề đặt ra là liệu việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với Cam Bốt, cũng như chiều hướng xích lại gần Bắc Kinh của tổng thống Duterte vì lợi ích kinh tế Philippines có khiến cho Việt Nam lâm vào thế yếu trong đối sách chống Trung Quốc trên Biển Đông hay không ?
Cam Bốt không thể tác hại hơn những gì đã làm đối với Việt Nam
Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu kỳ cựu về châu Á và Biển Đông tại Đại Học Maine Hoa Kỳ, từ ngày Cam Bốt bắt đầu chạy theo Trung Quốc, nước này đã từng có một số động thái có hại cho Việt Nam rồi, cho nên, việc Bắc Kinh và Phnom Penh củng cố thêm quan hệ nhân chuyến thăm của Tập Cận Bình cũng sẽ không tai hại gì hơn đối với Việt Nam so với những gì mà Cam Bốt đã làm :
« Trung Quốc đã mua chuộc ông Hun Sen từ lâu, một phần vì ông ấy cần có sự hỗ trợ của Trung Quốc để giữ vững vai trò của mình trước bao đối kháng trong nước. Nhưng tôi nghĩ Cam Bốt không có thể làm gì hơn đối với việc đe doạ an ninh của Việt Nam mà Cam Bốt đã không làm rồi, kể cả trên hồ sơ Biển Đông.
Về an ninh trực tiếp thì chính quyền Cam Bốt cũng như phe đối lập trong vài năm qua đã cho phá quấy dọc biên giới giữa hai nước, có khi đã gây thương tích cho các người Việt ở các vùng đó. Chính Hun Sen cũng đã sai quan chức đi khắp nơi tìm kiếm bản đồ để chứng minh những vùng có sự cố đã xảy ra là của Cam Bốt…
Về hồ sơ Biển Đông thì khi Cam Bốt còn là chủ tịch ASEAN (2012) đã lạm quyền không cho ra thông cáo chung về Biển Đông, năm nay cũng đã thông đồng với Lào, trước áp lực của Trung Quốc, để làm việc tương tự.
Nếu năm sau Cam Bốt lại tiếp tục, thì tôi nghĩ sẽ có phản ứng mạnh từ nhiều nơi, và việc này sẽ giúp ASEAN bỏ điều khoản phải đồng thuận khi đưa ra thông cáo chung. Nếu không thì ASEAN sẽ phải suy nghĩ đến việc khiển trách Cam Bốt đã gây ra mất đoàn kết trong hiệp hội này. Dẫu sao thì Cam Bốt sẽ bị cô lập và ASEAN sẽ phải đi đến cải cách. »
Manila: Sách lược đối với Bắc Kinh thay đổi, còn chiến lược thì không
Còn về xu hướng xích lại gần Trung Quốc hơn của tân tổng thống Philippines Duterte, giáo sư Ngô Vĩnh Long không lo ngại lắm vì cho rằng những tuyên bố hòa hoãn, thậm chí có vẻ chiều theo ý Trung Quốc của ông Duterte, thực ra chỉ là sách lược nhất thời, còn về lâu về dài, lập trường Biển Đông của Manila không thay đổi :
« Việc tổng thống Duterte sắp đi thăm Trung Quốc và trước khi đi thì nói rằng sẽ đàm phán với Trung Quốc về việc hợp tác dựa trên cơ sở luật quốc tế và Luật Biển của Liên Hiệp Quốc… thật ra rất khôn ngoan trong tình thế hiện tại.
Nếu đàm phán để cùng nhau khai thác những vùng mà luật pháp quốc tế cho phép, như cùng nhau đánh cá ở bãi cạn Scarborough hay những nơi khác mà không gây phương hại cho nước thứ ba, thì tôi thấy việc này cũng sẽ giúp cho an ninh và hoà bình trong khu vực.
Nếu trong đàm phán mà đoàn ông Duterte có nhượng bộ Trung Quốc một cách quá đáng, như nhượng bộ chủ quyền Scarborough hay chủ quyền của những nơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines cho Trung Quốc, thì ảnh hưởng chủ yếu là đối với an ninh của chính quyền ông và đối với ông.
Nhưng tôi không nghĩ ông ta sẽ làm như thế, mà chỉ tạm gác lại vấn đề chủ quyền đối với các thực thể đang tranh chấp ở Trường Sa thôi để xoa dịu Trung Quốc. Chính phán quyết 12/07/2016 của PCA (Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye) cũng không đề cập đến vấn đề chủ quyền đối với Scarborough hay đối với những thực thể khác.
Tuy ông Duterte đã ăn nói không khéo đối với lãnh tụ một số nước khác, nhưng thật ra ông ta rất khéo trong việc bảo vệ quyền lực của chính ông và quyền lợi của Philippines.
Qua cuộc viếng thăm Việt Nam vừa rồi của ông và việc ký kết các thoả thuận về kinh tế và thương mại cũng như an ninh, ông đã đưa ra tín hiệu rằng năm sau, khi làm chủ nhà của hiệp hội ASEAN, thì Philippines sẽ không làm gì gây phương hại đến hồ sơ Biển Đông nói riêng, và vấn đề an ninh của khu vực, nói chung. »
Việt Nam sẽ không bị cô lập trên hồ sơ Biển Đông
Trên cơ sở những phân tích nói trên, giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với Cam Bốt và việc Manila hòa giải với Bắc Kinh không hề đẩy Việt Nam và tình thế bị cô lập trong đối sách chống Trung Quốc trên Biển Đông :
« Tôi nghĩ hai diễn biến nêu trên – chuyến thăm Cam Bốt của Tập Cận Bình và chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng Thống Duterte – sẽ không hề giúp cô lập Việt Nam.
Như đã nói ở trên nếu chuyến đi của Duterte lấy Luật Biển (trong đó có phán quyết mà PCA đưa ra để giải thích rõ ràng hơn) làm cơ sở để đàm phán, thì việc này sẽ có lợi cho Philippines nói riêng, và cho an ninh trong khu vực nói chung…
Việc tìm cách đàm phán để khai thác chung một cách hoà bình tại những vùng biển hiện nay được khẳng định là vùng biển quốc tế vì phán quyết của PCA đã mở rộng ra cho mọi người, thì cũng sẽ có lợi cho an ninh chung thôi.
Đằng khác, tôi nghĩ nếu Duterte có nhượng bộ hơi quá đáng đối với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông, thì chính Duterte sẽ tự cô lập mình và Philippines đối với các nước trong và ngoài khu vực, đặc biệt vì năm sau Philippines sẽ là chủ tịch ASEAN như đã nói ở trên. Trong trường hợp Philippines đi nước cờ sai thì vai trò của Việt Nam lại càng sáng giá. Chỉ có Việt Nam mới có thể tự cô lập mình thôi. »
Đối với giáo sư Long để tránh bị cô lập, Chính phủ Việt Nam cần tránh đàn áp dân chúng, bất cứ dưới hình thức nào, khi họ đứng lên đòi hỏi an ninh cho đất nước và an toàn cho đồng bào.
Về Biển Đông, Việt Nam vẫn phải tiếp tục đấu tranh cho quyền của ngư dân Việt Nam được đến đánh cá ở bất cứ nơi nào mà luật pháp cho phép, như đã được phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye xác định. Nếu Trung Quốc cản trở thì phải mạnh dạn đưa Bắc Kinh ra trước dư luận quốc tế, và nếu cần thì phải kiện.
Còn về Hoàng Sa, Việt Nam phải nghĩ đến vấn đề xin tòa PCA « định nghĩa xem các thực thể ở Hoàng Sa có giống như định nghĩa mà PCA đã nói đối với các thực thể ở Trường Sa hay không ».
Toàn văn bài phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại Học Maine (Hoa Kỳ)
RFI : Giáo sư đánh giá sao về tác động của việc Trung Quốc và Cam Bốt quan hệ chặt chẽ hơn đối với an ninh của Việt Nam?
Ngô Vĩnh Long: Quan hệ chặt chẽ hơn giữa Cam Bốt và Trung Quốc biểu hiện qua chuyến thăm vừa qua của Tập Cận Bình và ký kết một loạt thoả thuận hợp tác có ý nghĩa đối với an ninh của chính quyền ông Hun Sen, hơn là đối với an ninh của Việt Nam.
Trung Quốc đã mua chuộc ông Hun Sen từ lâu, một phần vì ông ấy cần có sự hỗ trợ của Trung Quốc để giữ vững vai trò của mình trước bao đối kháng trong nước. Nhưng tôi nghĩ Cam Bốt không có thể làm gì hơn đối với việc đe doạ an ninh của Việt Nam mà Cam Bốt đã không làm rồi, kể cả trên hồ sơ Biển Đông.
RFI: Xin giáo sư giải thích rõ hơn về những gì mà Cam Bốt đã làm và có thể được coi là có hại cho Việt Nam ?
Ngô Vĩnh Long: Về an ninh trực tiếp thì chính quyền Cam Bốt cũng như phe đối lập trong vài năm qua đã cho phá quấy dọc biên giới giữa hai nước, có khi đã gây thương tích cho các người Việt ở các vùng đó. Chính Hun Sen cũng đã sai quan chức đi khắp nơi tìm kiếm bản đồ để chứng minh những vùng có sự cố đã xảy ra là của Cam Bốt.
Nhưng tôi không nghĩ chính quyền Hun Sen lại có thể ngu xuẩn đến độ leo thang dọc biên giới trong những năm tới, mặc dầu có được Trung Quốc viện trợ đến cách mấy đi nữa. Tôi nghĩ Hun Sen đã học được bài học của Pol Pot.
Về hồ sơ Biển Đông thì khi Cam Bốt còn là chủ tịch của hiệp hội ASEAN đã lạm quyền không cho đưa ra thông cáo chung về vấn đề Biển Đông. Năm nay cũng đã thông đồng với Lào, trước áp lực của Trung Quốc, để làm việc tương tự.
Nếu năm sau lại tiếp tục thì tôi nghĩ sẽ có phản ứng mạnh từ nhiều nơi và việc này sẽ giúp ASEAN bỏ điều khoản phải đồng thuận khi đưa ra thông cáo chung. Nếu không thì sẽ phải suy nghĩ đến việc khiển trách Cam Bốt đã gây ra mất đoàn kết trong hiệp hội này. Đằng nào đi nữa thì Cam Bốt sẽ bị cô lập và ASEAN sẽ phải đi đến cải cách.
RFI : Nhận định của giáo sư về chính sách Biển Đông mới của Philippines như thế nào?
Ngô Vĩnh Long: Việc tổng thống Duterte sắp đi thăm Trung Quốc, và trước khi đi thì nói rằng sẽ đàm phán với Trung Quốc về việc hợp tác dựa trên cơ sở luật quốc tế và Luật Biển của Liên Hiệp Quốc… rất khôn ngoan trong tình thế hiện tại.
Nếu đàm phán để cùng nhau khai thác những vùng mà luật pháp quốc tế cho phép, như cùng nhau đánh cá ở bãi cạn Scarborough hay những nơi khác mà không gây phương hại cho nước thứ ba, thì tôi thấy việc này cũng sẽ giúp cho an ninh và hoà bình trong khu vực.
Nếu Philippines bằng lòng khai thác với Trung Quốc tại những khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của mình mà không cho Trung Quốc những đặc ân quá lớn so với các nước khác thì đấy cũng có lợi cho Philippines trong việc khéo léo sử dụng chủ quyền của mình.
Nếu trong đàm phán mà đoàn ông Duterte có nhượng bộ Trung Quốc một cách quá đáng, như nhượng bộ chủ quyền Scarborough hay chủ quyền của những nơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines cho Trung Quốc, thì ảnh hưởng chủ yếu là đối với an ninh của chính quyền ông và đối với ông.
Nhưng tôi không nghĩ ông ta sẽ làm như thế mà chỉ tạm gác lại vấn đề chủ quyền đối với các thực thể đang tranh chấp ở Trường Sa thôi để xoa dịu Trung Quốc vì chính phán quyết mà PCA đưa ra hôm 12 tháng 7 vừa qua cũng không đề cập đến vấn đề chủ quyền đối với Scarborough hay đối với những thực thể khác.
Tuy ông Duterte đã ăn nói không khéo đối với lãnh tụ một số nước khác, nhưng thật ra ông ta rất khéo trong việc bảo vệ quyền lực của chính ông và quyền lợi của Philippines.
Qua cuộc viếng thăm Việt Nam vừa rồi của ông và việc ký kết các thoả thuận về kinh tế và thương mại cũng như an ninh, ông đã đưa ra tín hiệu rằng năm sau, khi làm chủ nhà của hiệp hội ASEAN, thì Philippines sẽ không làm gì gây phương hại đến hồ sơ Biển Đông nói riêng, và vấn đề an ninh của khu vực, nói chung.
RFI : Liệu Việt Nam có nguy cơ bị cô lập trong đối sách chống Trung Quốc trên Biển Đông?
Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ hai diễn biến nêu trên, chuyến thăm Cam Bốt của Tập Cận Bình và chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng Thống Duterte sẽ không giúp cô lập Việt Nam.
Như đã nói ở trên nếu chuyến đi của Duterte lấy Luật Biển (trong đó có phán quyết mà PCA đưa ra để giải thích rõ ràng hơn) làm cơ sở để đàm phán thì việc này sẽ có lợi cho Philippines, nói riêng, và cho an ninh trong khu vực, nói chung.
Giải thích của phán quyết đã khẳng định lại một cách rõ ràng các vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển trong khu vực và đã khẳng định là không có thực thể nào ở Trường Sa là đảo. Tất cả các thực thể ở đó được định nghĩa một là nổi hay là chìm khi thuỷ triều lên cao. Nổi thì được chủ quyền nhưng chỉ được 12 hải lý lãnh hải xung quanh thôi. Còn chìm thì không được chủ quyền mà chỉ được 500 mét “khu vực an toàn” nếu trong vùng đặc quyền kinh tế của nước sở tại.
Do đó, việc tìm cách đàm phán để khai thác chung một cách hoà bình tại những vùng biển hiện nay được khẳng định là vùng biển quốc tế vì phán quyết của PCA đã mở rộng ra cho mọi người thì cũng sẽ có lợi cho an ninh chung thôi.
Đằng khác, tôi nghĩ nếu Duterte có nhượng bộ hơi quá đáng đối với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông thì chính Duterte sẽ tự cô lập mình và Philippines đối với các nước trong và ngoài khu vực. Đặc biệt vì năm sau Philippines sẽ là chủ tịch ASEAN như đã nói ở trên. Trong trường hợp Philippines đi nước cờ sai thì vai trò của Việt Nam lại càng sáng giá. Chỉ có Việt Nam mới có thể tự cô lập mình thôi.
RFI : Giáo sư vừa nói “Chỉ có Việt Nam mới có thể tự cô lập mình thôi”. Thế thì đâu là những việc Việt Nam cần tránh ?
Ngô Vĩnh Long: Chính phủ Việt Nam cần tránh đàn áp dân chúng, bất cứ dưới hình thức nào, khi họ đứng lên đòi hỏi an ninh cho đất nước và an toàn cho đồng bào. Nếu quyền lợi và sự sống còn của người dân không được chính quyền bảo vệ, như trong sự kiện Formosa ở Hà Tĩnh, mà còn đàn áp họ khi họ bắt buộc phải lên tiếng thì chính quyền tự cô lập mình trước người dân và cô lập Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Theo tôi, để bảo vệ tính chính đáng của chính quyền và bộ mặt đàng hoàng của Việt Nam trước thế giới, không những phải tránh làm những việc thất nhân tâm, mà còn phải tích cực bảo vệ an toàn và an sinh của con người.
RFI : Riêng về vấn đề Biển Đông thì như thế nào ?
Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn phải đòi hỏi quyền cho ngư dân Việt Nam đến đánh cá bất cứ ở đâu như phán quyết của PCA đã cho biết. Nếu Trung Quốc cấm ngư dân Việt Nam đến đánh bắt tại những vùng mà luật pháp cho phép, thì để bảo vệ quyền lợi của ngư dân nói riếng và Việt Nam nói chung chính phủ Việt Nam phải đưa Trung Quốc ra trước dư luận quốc tế, và nếu cần thì phải kiện, vì phán quyết của PCA đã nói rõ ràng về vấn đề này rồi.
Thêm vào đó, tôi nghĩ rằng Việt Nam phải nghĩ đến vấn đề xin PCA định nghĩa xem các thực thể ở Hoàng Sa có giống như định nghĩa mà PCA đã nói đối với các thực thể ở Trường Sa hay không.
Theo tôi đọc thì đúng là như vậy, không chỉ ở Biển Đông, mà cả ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng để làm rõ quyền lợi của Việt Nam, và bảo vệ tính chính đáng của mình thì chính phủ Việt Nam nên suy nghĩ đến những hành động mà tôi mới đề cập.- RFI
Singapore-Úc tăng cường hợp tác quân sự trước lo ngại Biển Đông
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull
Thủ tướng Singapore thăm Úc để nâng cấp một thỏa thuận tự do thương mại và chung quyết một thỏa thuận có thể nhân đôi khả năng của các cơ sở huấn luyện quân sự Singapore tại các vùng nhiệt đới của Úc.
Thủ tướng Lý Hiển Long nói với Quốc hội Úc rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cả hai nước vốn cũng là đồng minh của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Úc, Malcolm Turnbull, cho hay hai nước cùng chia sẻ một tầm nhìn chiến lược chung.
Ông cũng đưa ra phát biểu rõ ràng là một lời chỉ trích về yêu sách chủ quyền ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như thái độ không chịu tuân thủ luật pháp quốc tế của Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Singapore và Úc cùng quan điểm trong việc bảo vệ luật lệ, ông Turnbull nói với Quốc hội.
Úc hồi tháng 5 công bố rằng Singapore sẽ chi tới 1,7 tỷ đôla để tăng đôi công suất các cơ sở của mình trong lĩnh vực đào tạo quân sự tại bang Queensland (Úc), tạo điều kiện cho 14.000 binh sĩ Singapore đào tạo tại Úc đến 18 tuần mỗi năm.
“Quyết định của chúng tôi cho phép Singapore có được mức tiếp cận đặc biệt đó biểu thị lòng tin và sự tôn trọng rất lớn hiện hữu giữa lực lượng vũ trang đôi bên,” ông Turnbull nói. “Điều này cũng phản ánh cam kết của chúng tôi nỗ lực nhiều hơn trong tư cách đối tác an ninh, đặc biệt là khi bối cảnh chiến lược thay đổi.”
Úc và Hoa Kỳ tuần trước đạt một thỏa thuận chia sẻ chi kinh phí, chi hơn 1,5 tỷ đôla cho cơ sở hạ tầng cần xây dựng gần thành phố Darwin để chứa tới 2.500 lính thủy quân lục chiến Mỹ.
Số lượng thủy quân lục chiến luân phiên tại trung tâm đào tạo Darwin đã gia tăng kể từ khi toán đầu tiên gồm 200 thành viên ghé thăm nơi này trong sáu tháng hồi năm 2012. – VOA
Malaysia tuyên bố không thỏa hiệp trong vấn đề Biển Đông
Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
Thủ tướng Malaysia tuyên bố nước ông sẽ không thỏa hiệp trong các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông nhưng muốn việc này được giải quyết qua đối thoại và thương thuyết ôn hòa.
Thủ tướng Najib Razak được truyền thông Malaysia trích phát biểu trước Quốc hội rằng những nước trong vùng nên tránh các hành vi khiêu khích có thể tạo căng thẳng, lo ngại và nghi ngờ. Ông nói thêm hòa bình và ổn định là điều quan trọng chính yếu.
Ông Razak cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tuyên bố Ứng xử của các bên năm 2002 giữa Trung Quốc và 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á với trọng tâm mưu tìm cách hành xử ôn hòa bằng cam kết của các bên “tìm cách xây dựng lòng tin và sự tin cậy” trên căn bản bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Ông nói việc này cần phải được tiến xa hơn nữa bằng cách chấp thuận một bộ qui tắc ứng xử hiện đang được thương thuyết.
Tuy nhiên ông Razak nhấn mạnh là các tài liệu này không phải là căn bản để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Malaysia đòi chủ quyền một phần Biển Đông nằm về hướng Bắc Borneo, cùng với các đảo và rạn san hô. Tuy nhiên, Malaysias tương đối ‘nhẹ giọng’ giữa những tranh cãi căng thẳng từ Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. – VOA