Tin Biển Đông – 16/10/2020
Căng thẳng Biển Đông: Phát hiện tàu khảo sát TQ ngoài khơi miền Trung VN
Trung Quốc đã đưa một tàu khảo sát, được hộ tống bởi lực lượng cảnh sát biển, vào vùng biển Việt Nam ở Biển Đông, theo Benarnews.
Sự việc này được cho là xảy ra vào thời điểm nhạy cảm về mặt ngoại giao.
Thủ tướng mới của Nhật Bản dự kiến có chuyến thăm Việt Nam vào tuần tới. Tờ Nikkei hôm thứ Tư đưa tin Nhật Bản đang có kế hoạch bán thiết bị quốc phòng cho Việt Nam – một động thái có khả năng bị Trung Quốc phản đối bởi nước này vốn coi Nhật Bản là đối thủ chiến lược.
Căng thẳng Biển Đông: TQ yêu cầu tàu Hải quân Mỹ rời đi ‘ngay lập tức’
Biển Đông: Cố vấn an ninh Mỹ nói tuyên bố chủ quyền của TQ là ‘lố bịch’
Chưa thấy Việt Nam có động thái phản đối chính thức hành động này của Trung Quốc.
Hôm 15/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam phản đối cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ mà Trung Quốc áp đặt phi pháp cho các thực thể ở Biển Đông, liên quan tới thông tin khoảng 400 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Trường Sa và Hoàng Sa, theo Tuổi Trẻ.
Hành trình của tàu thăm dò Trung Quốc
Tàu khảo sát và nghiên cứu Shiyan-1 rời Vịnh Hải Khẩu, thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc hôm thứ Hai (12/10) và cách tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam 70 hải lý vào thứ Ba (13/10), theo dữ liệu được đánh giá bởi Đài Á Châu Tự Do, một tổ chức đối tác của BenarNews.
Tính đến sáng thứ Tư (14/10), tàu Shiyan-1 cách bờ biển tỉnh Bình Định 78 hải lý. Cả hai khu vực này đều nằm dọc theo bờ biển miền Trung của Việt Nam.
Tàu khảo sát Shiyan-1 được vận hành bởi Viện Âm học, một trung tâm nghiên cứu chuyên về âm học dưới nước của Viện Khoa học Trung Quốc, theo cơ sở dữ liệu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế. Tàu này từng bị hải quân Ấn Độ trục xuất khỏi Đông Ấn Độ Dương vào tháng 12/2019 vì nghi ngờ lập bản đồ địa hình đáy đại dương cho mục đích quân sự.
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 2305 hộ tống tàu Shiyan-1 tiến vào vùng biển Việt Nam hôm thứ Hai, nhưng sau đó rời đi theo hướng ngược lại, quay trở lại Hải Nam.
Dữ liệu cũng thấy năm tàu do Cơ quan Giám sát Nguồn lợi Thủy sản của Việt Nam điều hành dường như đang theo dõi cả hai tàu Trung Quốc khi chúng tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Biển Đông: TQ lại nạo vét tại đảo Phú Lâm nơi VN tuyên bố chủ quyền?
Học giả TQ: ‘VN có thể nhượng bộ chủ quyền Hoàng Sa cho Bắc Kinh’
RFA phát hiện tàu Shiyan-1 hôm 16/7 tiến hành một cuộc khảo sát trải dài gần 330 hải lý trên một khu vực rộng lớn của quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo đá và rạn ở nửa phía bắc của Biển Đông mà Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Sau đó nó tiến về khu vực cách Chichijima, một hòn đảo xa xôi hẻo lánh của Nhật Bản, khoảng 230 hải lý về phía đông nước này, và khảo sát ở đó cho đến ngày 24/8.
Thời điểm nhạy cảm ngoại giao
Hôm thứ Tư, Nhật Bản đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông khi bắt đầu các cuộc hội đàm thường niên giữa Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, người vừa nhậm chức cách đây một tháng, đã gọi điện cho người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Hai (12/10) để lên kế hoạch cho chuyến thăm Việt Nam tới đây trong bối cảnh có các dấu hiệu cho thấy Tokyo đang đẩy mạnh tham gia vào lĩnh vực an ninh ở Đông Nam Á.
“Nhật Bản sẽ làm việc với các quốc gia khác nhau để hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Đó là ý tưởng của chúng tôi,” Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết trong cuộc họp báo sáng thứ Tư, theo SCMP.
Tuần này, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông với Hải quân Hoa Kỳ. Cuối tuần, Nhật Bản đã tiến hành một cuộc diễn tập tác chiến chống tàu ngầm riêng ở Biển Đông, và sau đó sẽ thực hiện một chuyến thăm cảng tại Vịnh Cam Ranh của Việt Nam.
Trung Quốc đang dõi theo các cuộc điều động tàu ngầm của Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm thứ Hai: “Chúng tôi hy vọng rằng quốc gia có liên quan sẽ không làm những điều phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực”.
Ông Triệu nói điều trên khi đang công du 5 nước Đông Nam Á trong tuần này gồm Campuchia, Malaysia, Lào, Thái Lan và Singapore, không thăm Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54489863
Mỹ đưa Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan
trở lại biển Đông
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cùng nhóm tàu tác chiến hôm 15 tháng 10 năm 2020, đã quay trở lại Biển Đông lần thứ ba trong năm 2020.
DVIDS News cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan bao gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng các chiến đấu cơ, tàu tuần dương hạm tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga – USS Antietam, khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke – USS Halsey và khu trục hạm USS John S. McCain.
Trong lần quay trở lại biển Đông này, nhóm tàu tác chiến này sẽ tiến hành các hoạt động như an ninh hàng hải, bao gồm các hoạt động bay của các chiến đấu cơ và các trực thăng, diễn tập tấn công trên biển và huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị mặt đất và không quân.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã thực hiện hải trình gần 56.000 hải lý cho đến thời điểm hiện tại, cam kết duy trì thỏa thuận an ninh của Washington đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực, đồng thời thể hiện khả năng triển khai lực lượng nhanh chóng của hải quân Mỹ trong bất kỳ trường hợp nào xảy ra trong toàn khu vực.
“Trong suốt quá trình triển khai, chúng tôi tiếp tục truyền thống lâu năm, đó là thể hiện cam kết của Mỹ đối với hoạt động hợp pháp tại các vùng biển và duy trì khả năng tiếp cận rộng rãi đến các vùng biển quốc tế. Trọng tâm của Hoa Kỳ đã luôn luôn và sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ – Thái Bình Dương để thúc đẩy ổn định khu vực”. – Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, cho biết.
Trong suốt thời gian triển khai kể từ đầu năm 2020, nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan và các đơn vị khác thường xuyên phối hợp với lực lượng hải quân đồng minh và các đối tác để xây dựng khả năng sẵn sàng chiến đấu cao độ, thông qua các bài diễn tập phòng không, tác chiến chống ngầm, tấn công trên biển và bảo vệ lực lượng. Gần đây, nhóm tàu tác chiến này đã hoạt động ở Ấn Độ Dương, thực hiện 2 chuyến hải trình qua eo biển Malacca và hoàn thành nhiều cuộc tập trận đa quốc gia trên khắp Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan được triển khai tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 của Mỹ để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Hạm đội 7 của Hoa Kỳ trước đó đã tiến hành các hoạt động triển khai hải quân nhằm hỗ trợ lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hạm đội 7 là hạm đội lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ, đã tương tác với 35 quốc gia hàng hải khác để xây dựng quan hệ đối tác thúc đẩy an ninh hàng hải, thúc đẩy ổn định và ngăn chặn xung đột.
Hôm 13/10, Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ loan tin Tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ vừa tiến hành cuộc tập trận ở khu vực Biển Đông hôm 12 tháng 10.
Theo thông báo của Hạm đội 7, tham gia cuộc diễn tập có tàu USS John S. McCain có tên lửa dẫn đường, tàu chở dầu USS Tippecanoe, và hai tàu của Nhật là JS Kaga và JS Ikazuchi.
Tàu USS John S. McCain đang thực hiện Chiến dịch Tự do Hàng hải của Mỹ ở khu vực Biển Đông và đã đi sát quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc kiểm soát hồi cuối tuần trước.
Trung Cộng có 400 công ty
trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa
Tin Vietnam.- Báo Người Lao động ngày 15 tháng 10 năm 2020 loan tin, trước thông tin Trung Cộng đã xây dựng được 400 công ty ở thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Báo Người lao động hỏi bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam để kiểm chứng lại sự việc, đồng thời yêu cầu bà Hằng cho biết ý kiến của nhà cầm quyền như thế nào. Tuy nhiên, bà Hằng đã không trả lời câu hỏi này một cách trực tiếp, và cũng không gọi tên Trung Cộng.
Giống như những lần trước, bà Hằng chỉ lặp lại một cách máy móc, và né tránh nhẹ nhàng rằng, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, và Trường Sa. Nên lập trường của nhà cầm quyền là phản đối việc thành lập thành phố Tam Sa, cũng như không công nhận hành động này của Trung Cộng.
Có mặt trong buổi họp báo phỏng vấn bà Hằng, ông Stephen Biegun, Thứ trưởng bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nói rằng, các nước thuộc bộ tứ QUAD gồm Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ nên tăng cường hợp tác với ASEAN ở một số lĩnh vực, trong đó có việc bảo đảm tự do trên biển.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/trung-cong-co-400-cong-ty-tren-dao-phu-lam-thuoc-quan-dao-hoang-sa/
Căng thẳng Biển Đông: Hong Kong
cảnh báo Đài Loan về chuyến bay đến đảo
do Đài Loan kiểm soát
Bình luậnNguyễn Minh
Một số quan chức Đài Loan đã bày tỏ lo ngại rằng, Trung Quốc có thể chiếm đảo Pratas, và có thể dẫn đến chiến tranh trong bối cảnh căng thẳng leo thang mạnh.
Ngày 15/10, các kiểm soát viên không lưu Hong Kong đã cảnh báo một chuyến bay dân sự của Đài Loan khi máy bay đang trên đường đến khu vực các đảo do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông, buộc máy bay phải dừng hành trình và quay trở lại, Đài Loan cho biết.
Theo lộ trình, một máy bay của hãng UNI Air bay từ Cao Hùng ở miền nam Đài Loan đến quần đảo Pratas. Khi máy bay này tiếp cận vùng thông tin chuyến bay của Hong Kong, thì nhận được cảnh báo từ kiểm soát viên không lưu Hong Kong, Cục Hàng không Dân dụng Đài Loan cho biết.
Vụ việc xảy ra vào thời điểm căng thẳng trong khu vực gia tăng.
Kiểm soát viên không lưu Hong Kong nói với cơ trưởng của máy bay rằng, có “các hoạt động nguy hiểm” đang xảy ra ở độ cao gần 8.000m và máy bay không thể đi vào, vậy nên, vì lý do an toàn, cơ trưởng của máy bay đã quyết định không tiếp tục hành trình mà quay lại, chính quyền Đài Loan cho biết trong một tuyên bố.
Hong Kong đã không đưa ra cảnh báo trước về các hoạt động có thể ảnh hưởng đến các chuyến bay.
Cục Hàng không Dân dụng Hong Kong vẫn chưa có phản hồi về vụ việc này.
Các chuyến bay hàng tuần đến đảo Pratas của Đài Loan chủ yếu chở nhân viên của chính phủ quốc đảo cùng lực lượng tuần duyên, không dành cho du khách thông thường.
Đảo Pratas nằm về phía đông nam của Hong Kong và ở cuối phía bắc của Biển Đông. Đảo này thường ít được chú ý hơn so với các vùng tranh chấp xa hơn về phía nam gần các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc vốn luôn tự cho rằng Đài Loan dân chủ là lãnh thổ của mình, đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan, bao gồm các cuộc tập trận và các phi vụ thường xuyên gần đảo Pratas, vốn không được Đài Loan chú trọng bảo vệ.
Đảo Pratas là lãnh thổ do Đài Loan kiểm soát, giáp với Hong Kong. Kể từ khi diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ ở đặc khu hành chính này, đảo Pratas trở nên quan trọng và trở thành một trong những tuyến cho người Hong Kong chạy trốn sang quốc đảo.
Đài Loan đã chặn ít nhất một chiếc thuyền gần Pratas chở những người đang trên đường vượt biên đến Đài Loan từ Hong Kong.
Một số quan chức Đài Loan đã bày tỏ lo ngại rằng, Trung Quốc có thể chiếm đảo Pratas, khiến căng thẳng leo thang và có thể dẫn đến chiến tranh.
Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh