Tin Biển Đông – 16/08/2018
Bắc Kinh tái xác định
“quyền” đuổi tàu và phi cơ nước khác ở Biển Đông
Một hôm sau khi tổng thống Philippines lên tiếng về các hành vi « sai trái » của Trung Quốc khi đe dọa tàu thuyền và phi cơ nước khác tiến lại gần các tiền đồn của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh ngày 16/08/2018, đã lập tức phản bác bằng lập luận cố hữu : Họ có quyền xua đuổi mọi phương tiện áp sát các đảo vốn là lãnh thổ Trung Quốc.
Trong một tuyên bố gửi tới hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định rằng quần đảo Trường Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Theo tuyên bố này, dù tôn trọng quyền tự do hàng không và hàng hải mà tất cả các nước được hưởng ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, « nhưng Trung Quốc có quyền thực hiện các bước cần thiết để đối phó với máy bay và tàu thuyền nước ngoài cố tình tiến gần hoặc xâm nhập vào không phận và vùng biển gần các đảo của Trung Quốc, và có các hành động khiêu khích đe dọa an ninh của nhân viên Trung Quốc đồn trú ở đó ».
Lời tái khẳng định chủ quyền tiếp tục được Trung Quốc đưa ra bất chấp việc các láng giềng của Trung Quốc là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng Trường Sa, nơi Trung Quốc đã nhanh chóng biến các rạn san hô thành đảo nhân tạo, bên trên xây dựng các cơ sở quân sự, nơi mà lực lượng đồn trú Trung Quốc thường xuyên dùng vô tuyến điện xua đuổi tàu thuyền nước ngoài ra ngoài khu vực.
Trong những ngày gần đây, báo chí đã vạch trần một loạt hành động xua đuổi tàu thuyền và máy bay nước ngoài – cụ thể là của Mỹ và Philippines – do lực lượng Trung Quốc tại các đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa tiến hành.
Trung Quốc cũng rất tức tối trước việc Hoa Kỳ cho chiến hạm và máy bay đến gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, trong những chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Trung Quốc hình thành màng lưới vệ tinh giám sát Biển Đông
Vừa đơn phương đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh vừa tăng cường năng lực giám sát.
Theo trang mạng báo Mỹ Bloomberg ngày hôm nay, 16/08, các vệ tinh do thám Biển Đông đầu tiên sẽ được Trung Quốc đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019, cho phép giám sát thường trực tàu thuyền hoạt động trong khu vực.
Bắc Kinh mô tả đây là một chương trình khoa học dân sự, nhưng thực ra, hệ thống vệ tinh viễn thám Trung Quốc hoàn toàn có thể được dùng vào lĩnh vực quân sự, hàng hải, phục vụ cho các chiến lược mở rộng quyền khống chế của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Một bản tin trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã khoe rằng : « Trung Quốc hiện phải mất từ 2 đến 3 tháng để quan sát toàn bộ Biển Đông, nhưng với hệ thống vệ tinh viễn thám mới, toàn bộ vùng biển có thể được « quét » trong vòng vài ngày ».
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay cũng trích dẫn giới thiết kế vệ tinh viễn thám Trung Quốc cho biết là toàn bộ Biển Đông có thể được giám sát « trong thời gian thực » để bảo vệ « chủ quyền quốc gia » của Trung Quốc.
TQ triển khai vệ tinh quan sát Biển Đông
Tỉnh Hải Nam của Trung Quốc sẽ chế tạo những vệ tinh thương mại đầu tiên để giám sát mọi thực thể và tàu thuyền qua lại ở Biển Đông.
Tờ Hoàn cầu Thời báo trong số ra ngày 15 tháng 8 dẫn lời các chuyên gia của Bắc Kinh cho biết mục đích của các vệ tinh này là để giám sát Biển Đông, phối hợp vào hoạt động quốc phòng, cứu hộ hàng hải và hỗ trợ phát triển cho các nước thành viên của sáng kiến Vành đai và Con đường.
Viện Viễn thám Sanya thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc – nhà tài trợ cho những vệ tinh này, cho biết chiếc vệ tinh mẫu đầu tiên có tên Hải Nam 1 đang được thiết kế và dự kiến được phóng vào năm 2019.
Hải Nam 1 sẽ được gắn một camera và một Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS), và được nói có thể đưa ra kết quả quan sát Biển Đông chỉ trong vài ngày thay vì hai đến ba tháng như các vệ tinh hiện nay. Các vệ tinh này sẽ giám sát tất cả các thực thể và tàu thuyền ở biển Đông nhằm giúp Bắc Kinh có phản ứng nhanh và chính xác trong trường hợp khẩn cấp.
Hải Nam-1 nằm trong một chuỗi 10 vệ tinh sẽ được Hoa Lục phóng trong vòng 4-5 năm tới. Chuỗi vệ tinh này được nói có khả năng giám sát Biển Đông và các vùng quan trọng như Ấn Độ Dương và một phần của eo Malacca. Hệ thống hoạt động giám sát ngày và đêm.
Hoàn cầu Thời báo trích lời ông Chen Xiangmao, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông đặt tại Hải Nam, nhận xét các vệ tinh mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, khai thác trên biển, an ninh nghề cá của nội địa và hợp tác với các nước xung quanh về các vấn đề biển.
Ông Chen nói rằng Bắc Kinh cũng sẽ chia sẻ dữ liệu về hoạt động của các tàu qua khu vực, chất lượng nước và bãi đá trên Biển Đông cho các nước khác.
Hai vệ tinh tiếp theo dự kiến sẽ được phóng vào năm 2021.
Úc tăng cường sức mạnh hải quân
trước tham vọng ở Biển Đông của Trung Quốc
Úc đang chuẩn bị chương trình hiện đại hóa lực lượng hải quân nước này bằng cách xuất xưởng một tàu thủy trong mỗi 18 tới 24 tháng, trong vòng 20 năm tới. Tờ Asia Times cho biết tin này vào hôm 15/8/2018.
Hạm đội mới sẽ bao gồm các tàu có trực thăng, tàu khu trục, tàu tuần tra ngoài khơi và 12 tàu ngầm mới. Hải quân Úc cũng đã thay thế và nâng cấp tất cả ba loại máy bay trực thăng của mình trong vòng năm năm qua.
Theo Kế hoạch Đóng tàu Hải quân năm 2017, chính phủ Canberra cam kết đầu tư khoảng 65 tỷ USD vào các tàu và tàu ngầm mới, 723 triệu USD cho cơ sở hạ tầng đóng tàu hiện đại và 44,8 triệu USD cho lực lượng đóng tàu.
Theo Asia Times, đối mặt với tuyên bố đặt nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donald Trump, và nguy cơ bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, Australia đang tìm cách điền vào chỗ trống trong cam kết của Mỹ về an ninh khu vực.
Bản tin của tờ Asia Times cho biết quyết định hiện đại hóa lực lượng hải quân của Úc như là một hành động thay cho Washington, nhằm kiểm tra và cân bằng tham vọng hàng hải của Trung Quốc đang gia tăng.
Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott dự đoán một tương lai mà các tàu và tàu ngầm của Úc từ Singapore có thể hoạt động dễ dàng hơn để tiếp cận được những nơi cần đến lực lượng này. Ông Abbott cũng thúc giục Úc phải tăng cường nhanh chóng lực lượng tàu ngầm hiện có. Ông nói Úc không thể chờ đợi 15 năm để đưa vào hoạt động 12 “tàu ngầm tương lai.”
Quan hệ của Australia và Trung Quốc xuống mức thấp nhất sau khi chính quyền Canberra lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, Australia còn ủng hộ các hoạt động tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông do Hoa Kỳ tiến hành.
Trung Quốc bác kêu gọi của ông Duterte
Trung Quốc hôm thứ Năm 16 tháng 8 lên tiếng bác bỏ kêu gọi của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là Bắc Kinh phải xem lại hành xử tại Biển Đông.
Reuters đưa tin như vừa nêu và cho biết Trung Quốc khẳng định có quyền phản ứng đối với việc các tàu hoặc máy bay nước ngoài tiến gần các đảo mà quốc gia này tự nhận có chủ quyền.
Tổng thống Duterte vào ngày 14 tháng 8 lên tiếng rằng Trung Quốc không có quyền xua đuổi các máy bay và tàu thuyền nước ngoài đi qua các hòn đảo nhân tạo trong vùng biển đang tranh chấp. Ông hy vọng Trung Quốc sẽ “ôn hòa kiềm chế” hành xử và ngưng ngăn chặn hoạt động của tàu và máy bay như vừa nêu..
Theo nội dung thông cáo mà Reuters nhận được từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì cơ quan này cho rằng quần đảo Trường Sa là lãnh thổ truyền thừa của Trung Quốc; Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Nhưng trong thông cáo, Trung Quốc ghi rõ quốc gia này có quyền thực hiện các bước cần thiết để đối phó với máy bay và tàu thuyền nước ngoài cố ý đến gần hoặc xâm nhập vào không phận và vùng biển gần các đảo thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và cả hành động được cho là khiêu khích đe dọa an ninh của Trung Quốc ở khu vực đó.
Tổng thống Duterte có chính sách hợp tác cùng Bắc Kinh với hy vọng nhận được hàng tỷ đô la các khoản tài trợ, cho vay và đầu tư của Trung Quốc; tuy nhiên ông bác bỏ mọi chỉ trích cho rằng ông nhân nhượng trước áp lực của Trung Quốc để mất chủ quyền của Philippines tại những vùng biển tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vạch ra. Philippines kiện ra Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế PCA ở La Haye về tính pháp lý của đường này. Vào tháng 7 năm 2016, PCA tuyên đường đó không có giá trị cả về lịch sử và pháp lý.