Tin Biển Đông – 16/08/2017
Trung Quốc đẩy nhanh
dự án nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông
Để tăng cường khả năng sản xuất điện hạt nhân trên biển, Trung Quốc vừa loan báo thành lập một công ty liên doanh để thực hiện kế hoạch xây đến 20 nhà máy điện hạt nhân nổi ở vùng Biển Đông.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, ngày 10/08/2017, Tập đoàn Điện Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNP) đã loan báo sẽ hợp tác với 4 công ty khác của Trung Quốc, thành lập một công ty liên doanh mới để xây các nhà máy điện hạt nhân nổi. Công ty mới này, với vốn pháp định là 150 triệu đôla, sẽ phát triển, xây dựng, vận hành và quản lý các cơ sở điện hạt nhân trên biển, sản xuất và bán điện từ các nhà máy này.
Theo thông cáo của CNNP, công ty liên doanh mới sẽ giúp nâng cao khả năng sản xuất điện hạt nhân của Trung Quốc và phù hợp với tham vọng của nước này là trở thành một “cường quốc biển”.
Thông cáo của CNNP không nói rõ là các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ được xây như thế nào và đặt ở đâu, nhưng các nhà quan sát nghĩ rằng các cơ sở này sẽ được triển khai ở những vùng như Biển Đông.
Vào đầu năm nay, một lãnh đạo của Cơ quan Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng đã tuyên bố với báo chí rằng việc tăng cường khả năng sản xuất điện hạt nhân là một phần quan trọng trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 – 2020) của Trung Quốc. Ông cũng cho biết là Trung Quốc sẽ ưu tiên phát triển các nhà máy điện hạt nhân trên biển để hỗ trợ cho các hoạt động dầu khí ngoài khơi cũng như củng cố sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng Biển Đông.
Trong Sách Trắng được công bố năm ngoái, chính phủ Bắc Kinh cũng đã nói đến kế hoạch phát triển các nhà máy điện nguyên tử nổi để hỗ trợ việc khai thác các nguồn tài nguyên biển. Cũng vào năm ngoái, báo chí chính thức của Trung Quốc đã loan báo là nước này dự kiến xây đến 20 nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đã xây nhiều đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo đó và tăng cường tuần tra trên biển để khẳng định chủ quyền của họ ở vùng biển này.
Theo các chuyên gia, ngoài việc sản xuất điện cho các cơ sở của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, các nhà máy điện hạt nhân nổi còn giúp giải quyết các vấn đề về cung cấp nước, nhờ các thiết bị khử muối nước biển. Như vậy, các nhân viên dân sự và các binh lính sống trên các đảo xa có thể tự cung tự cấp tốt hơn , tức là sẽ sống ở đây lâu hơn, củng cố sự hiện diện thường trực của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nói cách khác, Bắc Kinh xem việc phát triển công nghệ điện hạt nhân trên biển là biểu hiện cho tư thế một cường quốc biển, củng cố thêm những đòi hỏi chủ quyền của họ và dĩ nhiên là nếu cầu họ sẳn sàng sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ cho những cơ sở hạt nhân thiết yếu này. Như vậy, nguy cơ nổ ra xung đột ở Biển Đông sẽ càng gia tăng cùng với đà triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170816-trung-quoc-day-nhanh-du-an-nha-may-dien-hat-nhan-noi-o-bien-dong
VN đơn độc
trong khi TQ đẩy mạnh chiến dịch ve vãn ASEAN?
Trung Quốc đang sử dụng các công cụ quân sự, tài chính, thương mại và ngoại giao để gây chia rẽ trong khối ASEAN, khiến cho Việt Nam trở nên đơn độc hơn trước các hành động thể hiện chính sách bành trướng ngày một lộ liễu hơn của nước láng giềng phương Bắc. Việc Trung Quốc sẵn sàng mở hầu bao và áp dụng chiến dịch vừa áp lực vừa lấy lòng các nước ASEAN theo kiểu “cây gậy và củ cà rốt” đã chứng tỏ là hiệu quả, một số nước láng giềng Việt Nam đã có dấu hiệu thần phục, hoặc ít ra, hòa hoãn hơn nhiều với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi ‘giấc mơ Trung Hoa’ trên Biển Đông và xa hơn nữa. Truyền thông khu vực và giới quan sát nói gì về lập trường cứng rắn hơn của Việt Nam liên quan tới Biển Đông và bộ Quy tắc Ứng xử đang được thương lượng giữa Trung Quốc và ASEAN?
Một bài báo đăng trên tờ Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 13/8 nói rằng giới lãnh đạo Việt Nam bị cô lập khi giữ lập trường và công khai chỉ trích Trung Quốc về những hành động lấn át trong Biển Đông.
Tờ báo chỉ ra rằng Malaysia và Brunei gần đây đã ‘dịu giọng’ giữa lúc hai nước hy vọng có thể trông cậy vào sự rộng lượng của Bắc Kinh cho các dự án phát triển.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nhận định:
“Dùng tài chính, tức là tiền bạc, để thu nhân tâm, đó là cái cách của người Hán từ đó đến nay, tôi nghĩ họ vẫn đang sử dụng như vậy. Ngày nay họ sử dụng không những thương mại, mà còn sức mạnh quân sự. Họ đã đi xuống được Biển Đông chứ hồi xưa chưa có sức mạnh về quân sự như thủy quân và hải quân như hiện nay.
Vừa dụ dỗ, vừa cung cấp viện trợ, vừa áp lực… tôi nghĩ đấy là cái cách mà Trung cộng ngày nay đang sử dụng.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt
. Rất nhiều nước Đông Nam Á lo ngại đụng độ với Trung Quốc về mặt quân sự, vì vậy mà họ phải rất là nhân nhượng.”
Bài báo của SCMP đề cập tới thái độ cứng rắn của Việt Nam tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN hồi đầu tháng 8 vừa rồi, nói rằng Hà nội một lần nữa lại là tiếng nói đơn độc trong ASEAN, thách thức chính sách bành trướng của Trung Quốc. Tác giả bài báo Bhavan Jaipragas nói các nhà ngoại giao Việt Nam đã khởi động một vụ đối đầu mới với phía Trung Quốc sau khi Việt Nam thất bại, không thuyết phục được các nước ASEAN ghi vào thông cáo chung rằng một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển đang trong vòng thương lượng giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc, phải có tính ràng buộc pháp lý.
Tuyên bố cuối cùng không có điều khoản này, và những vận động ở hậu trường của Việt Nam đã làm Trung Quốc giận dữ, khiến một cuộc gặp gỡ giữa hai vị ngoại trưởng bị hủy bỏ.
Tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc nói Việt Nam đang tìm cách “gieo mầm mống bất đồng” trong khối; và Xinhua, cơ quan ngôn luận của Trung Quốc mô tả Hà nội là “vừa ăn cướp vừa la làng”, nói rằng Việt Nam cũng đã thực hiện các công trình xây cất trong vùng tranh chấp từ thập niên 1980.
Một nhà phân tích làm việc cho công ty đánh giá rủi ro Verisk Maplecroft của Anh ở Singapore, Eufracia Taylor, nói những bước hành động của Việt Nam tại thượng đỉnh ASEAN cho thấy Hà nội đã tìm cách lấp đầy khoảng trống do Philippines để lại khi nước này quay ngược 180 độ để tuân phục Trung Quốc.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt:
“Trung Quốc đang mua chuộc những quốc gia khác như Lào, Campuchia, là những nước mà Trung Quốc có thể dễ thao túng để chia rẽ giữa Miên, Lào với Việt Nam trước, rồi sử dụng những nước này để tạo ra những bất đồng trong khối ASEAN, thì đấy là cái khó cho Việt Nam trong tình thế hiện nay.”
Dưới thời Tổng thống Benigno Aquino, Philippines là tiếng nói kiên cường trong khu vực chống chính sách bá quyền Trung Quốc. Philippines đã đưa cuộc tranh chấp ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế và trong một phán quyết lịch sử, tòa án quốc tế hồi năm ngoái bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là hoàn toàn “vô căn cứ”. Thay vì khai thác triệt để phán quyết trao phần thắng về mình, Philippines bây giờ hầu như buông xuôi và chấp nhận ‘chia sẻ’ chủ quyền để cùng khai thác tài nguyên với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp, ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Nhà phân tích Taylor nói thay vào đó Manila đã “chọn một lập trường chủ bại và hòa hoãn với Trung Quốc” sau khi ông Duterte lên nắm quyền. Theo nhà phân tích thì sự phân tâm của Washington, đang tập trung giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, cũng là một yếu tố bất lợi cho Việt Nam.
Hôm 11/8, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) cho biết Trung Quốc đang xây dựng các hầm trú tên lửa và các cơ sở truyền tin mới trên những hòn đảo tranh chấp, và đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa khu vực, đi ngược với tuyên bố của họ.
Một số nhà quan sát cho rằng các hành động của Việt Nam tại hội nghị ASEAN là để trả đũa Trung Quốc dùng vũ lực đe dọa tấn công Việt Nam để buộc Hà nội đình chỉ dự án khoan tìm khí đốt với công ty Repsol của Tây Ban Nha tại một địa điểm mà Hà nội cho là thuộc lãnh hải của mình.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về Việt Nam của Viện nghiên cứu Yusof Ishak (ISEAS) ở Singapore, nói:
“Sự cố Repsol cho thấy Việt Nam không có lựa chọn nào khác hơn là ít nhất phải lên tiếng chống Trung Quốc, nếu muốn bảo vệ các lợi ích của mình trong Biển Đông.”
Đài truyền hình CNN cũng nhắc đến vụ việc Repsol, và cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam “hẳn cảm thấy vô cùng cô đơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông”.
Một chương trình đặc biệt về Biển Đông trên đài CNN đặt câu hỏi, các nước láng giềng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế phản ứng như thế nào trước hành động ỷ lớn hiếp bé của Trung Quốc trong vụ Repsol? Câu trả lời là “im lặng rợn người.”
CNN nói ngay cả Singapore, từ trước tới nay vẫn hoài nghi các ý đồ lâu dài của Trung Quốc, cũng cúi đầu khuất phục sau khi trở thành mục tiêu của một chiến dịch tấn công ngoại giao dữ dội của Trung Quốc, vì được cho là ủng hộ Philippines thắng kiện ở tòa án trọng tài quốc tế vào tháng 7 năm ngoái.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở Biển Đông, hay trong khu vực.
“Trung Quốc cái ý đồ của nó thì xa dài lắm, kể cả về quân sự lẫn dân sự, nó cơi nới ra rồi cho dân đến ở, rồi biến nó thành những cái đảo có thể đưa du lịch đến được, không những là chỉ 7 cái đảo mà họ đã chiếm đóng mà họ còn mở cái con đường tơ lụa mới di qua Biển Đông và đi xuống, vòng qua Ấn Độ dương và sang bên Âu Châu, thành ra cái ý đồ của Trung Quốc thì bây giờ đã quá rõ, cả thế giới đều thấy, đều biết, chứ không phải riêng Biển Đông hay là Đông Nam Á.”
Các hành động của Trung Quốc có tác dụng đẩy Việt Nam vào vòng tay của các nước cạnh tranh với Trung Quốc như Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Trong cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Ngũ Giác Ðài hôm 8/8 vừa rồi, hai bên đồng ý củng cố hợp tác quốc phòng, gia tăng chia sẻ thông tin và hợp tác hải quân, kể cả chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ tới quân cảng Cam Ranh của Việt Nam trong năm tới, lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ tới thăm Việt Nam, kể từ sau chiến tranh Việt Nam năm 1975
Trung Quốc cam kết với Philippines
không bành trướng thêm ở Biển Đông
Trung Quốc bảo đảm với Philippines sẽ không chiếm thêm thực thể hay lãnh thổ tại Biển Đông trong một thỏa thuận giữ « nguyên trạng » đàm phán với Manila. Hai bên đồng thời nỗ lực tăng cường hợp tác song phương.
Phát biểu trước các nghị sĩ tại phiên họp Quốc Hội ngày 14/08/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, Delfin Lorenzana, cho biết : « Trung Quốc sẽ không chiếm thêm thực thể mới tại Biển Đông và cũng không xây thêm công trình trên bãi cạn Scarborough ».
Tuy nhiên, ông Lorenzana không đưa ra bình luận trước các nghị sĩ về sự kiện ngày 12/08 khi 5 tầu Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ (Pag-asa) do Philippines kiểm soát trong quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano tuyên bố Manila đang nghiên cứu với Bắc Kinh một « thỏa thuận thương mại » để thăm dò và khai thác dầu khí tại các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông với mục đích thương mại và kéo dài trong vòng một năm.
Phát biểu trước các nghĩ sĩ, ông Cayetano khẳng định thỏa thuận năng lượng với Trung Quốc không vi phạm Hiến Pháp và sẽ được chia theo tỉ lệ 60-40%, có lợi cho Philippines. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra chi tiết các cuộc đàm phán, cũng như danh tính của công ty năng lượng Trung Quốc sẽ tham gia khai thác.
Các nghị sĩ đối lập, Gary Alejano và Edcel Lagman, phản đối kế hoạch của thỏa thuận năng lượng, bị đánh giá là bất hợp pháp « vì đi ngược với Hiến Pháp vì các khu vực đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ».
Theo nhận định của Reuters, thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc có thể trở nên phức tạp và nhạy cảm vì yêu sách cả hai nước về các nguồn dầu khí. Việc phân chia lợi nhuận có thể được hiểu là hợp pháp hóa yêu sách của Bắc Kinh và Philippines chấp nhận nhường chủ quyền vùng biển đang tranh chấp với Trung Quốc.