Tin Biển Đông – 16/05/2018
Nga khai thác dầu khí ở vùng biển Việt Nam
Rosneft Vietnam BV, chi nhánh Việt Nam của hãng dầu khí Rosneft đã bắt đầu khoan dầu ở vùng biển phía nam Việt Nam, theo thông cáo của công ty này hôm 13/5.
Việc khoan dầu này rất quan trọng với Việt Nam để duy trì sản lượng dầu thô và khí đốt khi sản lượng khai thác đang suy giảm và đồng thời chịu áp lực của Trung Quốc ở Biển Đông, Reuters nhận định.
“Dự án ở Việt Nam cho phép chúng tôi phát triển kỹ thuật làm việc ở thềm lục địa và cũng là nền tảng cho việc phát triển kinh doanh ở các nước Đông Nam Á,” Christopher Einchcomb, giám đốc bộ phận hỗ trợ dự án nước ngoài của Rosneft cho Reuters biết.
Việt Nam ‘bỏ Cá Rồng Đỏ’ ở Biển Đông
Repsol ‘có cơ sở yêu cầu Việt Nam bồi thường’
‘Căng thẳng biển Đông ảnh hưởng hoạt động của PVN’
Rosneft sẽ khai thác ở đâu?
Rosneft kiểm soát 35% Lô 06.1 với trữ lượng khí đốt lên đến 69 tỷ mét khối, chỉ ngoài khơi Vũng Tàu. Giếng LD-3P của Rosneft là một phần của mỏ khí đốt Lan Đỏ thuộc lô 06.1 với trữ lượng khí đốt lên tới 23 tỷ mét khối.
Rosneft cũng sở hữu cổ phần khoảng 33% trong đường ống dẫn khí từ các khối trong bể Nam Côn Sơn đến một cơ sở năng lượng trên bờ.
Hãng này cũng hoạt động ở Lô 05-3/11, vốn có 28 tỷ mét khối khí và 18 triệu tấn khí ngưng tụ. Hiện tại, Rosneft thực hiện công việc thăm dò ở đó.
Lô 06.1 cách bờ biển Việt Nam khoảng 370 km phía đông nam và không gần đường chín vạch hình chữ U của Trung Quốc.
Rosneft cho rằng sản xuất ngoài khơi Việt Nam rất có lợi nhuận. Chi phí hoạt động để sản xuất khí đốt chỉ ở mức 1,5 USD/thùng dầu chỉ bằng một nửa chi phí bình thường.
Để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ
Một phần Rosneft chuyển hướng hoạt động sang Việt Nam là vì lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Moscow sau khi sáp nhập Crimea vào 2014. Hoa Kỳ cấm các công ty phương Tây làm việc tại mỏ dầu Bắc Cực của Nga.
Mervyn Goddings, người đứng đầu công ty con Rosneft RN-Việt Nam, cho biết các biện pháp trừng phạt đã buộc công ty trở nên thận trọng và thành thạo hơn.
“Có sự bất tiện nhẹ. Nó có nghĩa là chúng tôi phải có một chút sắc sảo hơn trong cách chúng tôi hoạt động, nơi chúng tôi mua dầu. Có rất nhiều cơ hội, nhiều sự đa dạng. Chỉ có nghĩa là chúng tôi phải trở thành nhà điều hành năng suất hơn, hiệu quả hơn và tốt hơn, ” Goddings nói.
Việt Nam là một đồng minh lâu năm của Nga, còn Rosneft lại là một công ty nhà nước Nga.
Rosneft cũng là thành viên của tập đoàn liên doanh với PetroVietnam và ONGC của Ấn Độ, vốn sản xuất gần 3 tỷ mét khối khí đốt vào năm ngoái.
Tập đoàn này cũng đáp ứng 1/10 nhu cầu về điện của Việt Nam và sản xuất 65.000 tấn khí ngưng tụ, hầu hết cho thị trường nội địa nhưng cũng xuất khẩu sang Singapore.
Hồi tháng Ba, Việt Nam đã ngừng dự án khoan dầu Cá Rồng Đỏ sau khi chịu áp lực từ Trung Quốc. Lô này được đăng ký cho hãng năng lượng Tây Ban Nha Repsol, và đã yêu cầu phía Việt Nam phải bồi thường.
Vào Tháng tư, PetroVietnam thừa nhận rằng tranh chấp vùng biển với Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động khai phá và sản xuất năm nay.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44135048
Tổng Thống Philippines nói
không từ bỏ chủ quyền tại Biển Đông
Philippines chưa hề từ bỏ quyền chủ quyền tại những vùng cụ thể ở Biển Đông đang có tranh chấp.
Mạng báo Ngôi Sao Philippines loan tin này ngày 15 tháng 5 dẫn lời của tổng thống Rodrigo Duterte như vừa nêu trong chuyến đi đến vùng biển Aurora.
Phát biểu của tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, được đưa ra khi ông đang có mặt trên chiến hạm BRP Davao del Sur chủ trì lễ kỷ niệm 1 năm đặt lại tên vùng Benham Rise là Philippine Rise. Nhân dịp này, người đứng đầu chính phủ Manila cũng tuyên bố một số khu vực thuộc Philippine Rise là khu bảo tồn.
Tổng thống Philippines thừa nhận Manila không đủ khả năng chống lại Trung Quốc. Theo lời ông thì chiến hạm như chiếc BRP Davao del Sur của Philippines sẽ bị đánh chìm nếu trúng phải tên lửa hành trình của Trung Quốc.
Ông Rodrigo Duterte cho rằng thay vì chống lại Bắc Kinh thì hãy tận dụng tốt nhất mối quan hệ vì lợi ích của đất nước. Ý của tổng thống Philippines muốn nói đến kế hoạch thăm dò chung với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.
Trong ngày 15 tháng 5, tổng thống Rodrigo Duterte cho cử một đoàn gồm 50 nhà khoa học Philippines đến vùng
Hải quân Philippines và Úc
đang tập trận ở Biển Đông
Hải quân Philippines và Úc vào ngày 14 tháng 5 khởi sự đợt tập trận chung thứ ba giữa hai phía. Mục tiêu được nói giúp tăng cường khả năng chống khủng bố và cướp biển, cũng như nâng cao tính sẳn sàng chiến đấu của các binh sĩ binh chủng hải quân.
Báo Ngôi sao Philippines loan báo tin này vào ngày 15 tháng tư. Cùng chỉ huy đợt tập trận chung tại vùng biển phía tây Mindanao và Sulu này là Đại tá Hernanie Songano, chỉ huy phó Lực lượng Hải quân Tây Mindanao của Phi, và Đại tá Judd Finger, chỉ huy lực lượng liên quân 629 của Hải quân hoàng gia Úc.
Có 5 tàu chiến Philippines và hai tàu chiến Úc tham gia đợt tập trận kéo dài trong vòng 3 tuần.
Đây là cuộc tập trận chung lần thứ ba của hải quân hai nước, hai lần trước là vào năm ngoái và tháng tư năm nay.
Đại tá Songano nói rằng Philippines tiếp tục phối hợp với hải quân các nước khác trong khu vực, tiến hành những cuộc tập trận nhằm mục đích chống cướp biển, bắt cóc và khủng bố, tại những vùng biển của Philippines nổi tiếng nhiều hải tặc và là nơi xâm nhập của lực lượng khủng bố Hồi giáo quá khích vào nước của Philippines.
Bỏ sót Biển Đông, Đài Loan trong bản đồ in trên áo,
GAP xin lỗi Trung Quốc
Thương hiệu thời trang Gap của Mỹ vừa trở thành công ty mới nhất lên tiếng xin lỗi Trung Quốc vì “đã không phản ánh yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh” trong bản đồ in trên áo thun bán ở Bắc Mỹ, theo Washington Post.
Chiếc áo thun được cho là “vi phạm” có vẽ bản đồ Trung Quốc, nhưng không bao gồm Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh luôn tuyên bố là một phần đất không thể tách rời của Trung Quốc. Ngoài ra, bản đồ in trên áo cũng không có vùng lãnh thổ khổng lồ mà Trung Quốc gọi là “Nam Tây Tạng” và tuyên bố chủ quyền ở bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ, và cũng không có đường lưỡi bò chín đoạn mà Bắc Kinh vẽ ra và tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Áo thun của Gap đã thu hút sự chú ý của một số cư dân mạng Trung Quốc sau khi một tấm ảnh chụp chiếc áo được bán ở Niagara, Canada, được đăng lên mạng.
Gap đã nhanh chóng lên tiếng xin lỗi, cho dù dường như loại áo thun này không được bán ở Trung Quốc.
“Công ty Gap Inc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi được biết một chiếc áo thun thương hiệu Gap đã được bán ở một số thị trường nước ngoài đã sai sót, không phản ánh đúng bản đồ của Trung Quốc. Chúng tôi thành thật xin lỗi vì sai sót không có chủ ý này”, Gap nói trong một tuyên bố, được tờ báo nhà nước Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo, trích dẫn.
“Là một công ty có trách nhiệm, Gap Inc. luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và quy định của Trung Quốc”, Gap nói tiếp trong bản tuyên bố gửi tới tờ báo Trung Quốc, và nói thêm rằng công ty cam kết sẽ kiểm soát nghiêm ngặt hơn trong tương lai để tránh những sự cố tương tự.
Trên Twitter, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nhân dân Nhật Báo, đưa ảnh chiếc áo “vi phạm” kèm với bản đồ mà Bắc Kinh cho là chính xác và nói rằng:
“Nhà bán lẻ quần áo Mỹ @Gapon hôm thứ Hai đã xin lỗi vì in bản đồ Trung Quốc không đầy đủ trên áo thun để bán bên ngoài # Trung Quốc, nói rằng thương hiệu tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.
Trung Quốc trong năm nay đã tung ra một chiến dịch nhằm buộc các công ty quốc tế phải tuân thủ khi đề cập đến Đài Loan và chính sách “Một Trung Quốc”.
Hôm 25/4, Trung Quốc gửi một văn bản đến hàng chục hãng hàng không quốc tế, đe dọa sẽ có hình phạt nghiêm khắc nếu các hãng này không sửa sai thông tin trên trang web của mình, liệt Đài Loan là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Nhà Trắng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái này, nói rằng đây là một “đòi hỏi phi lý vô nghĩa” và là một phần trong xu hướng ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm “áp đặt các quan điểm chính trị của mình lên công dân Mỹ và các công ty tư nhân Mỹ”.
Tuyên bố của Nhà Trắng nói thêm: “Đàn áp Internet ở Trung Quốc đã khét tiếng thế giới. Nhưng những cố gắng của Trung Quốc tìm cách xuất khẩu chế độ kiểm duyệt của họ và lối hành xử phù hợp với tư duy chính trị của họ tới người Mỹ và thế giới tự do sẽ bị kháng cự”.
Hồi tháng 1, Marriott International đã xin lỗi Trung Quốc hết lời sau khi khách sạn này gửi thư tưởng thưởng các thành viên câu lạc bộ, miêu tả Tây Tạng, Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan là “những nước”, và hỏi khách muốn chọn cư trú ở nước nào?
Thương hiệu thời trang Zara và hãng hàng không Delta Air Lines cũng đã bị Bắc Kinh để mắt khiến phải lên tiếng xin lỗi vì đã liệt kê Đài Loan và/hoặc Tây Tạng là các quốc gia trong menu trên trang web của họ.
Năm ngoái, hãng xe hơi Đức Audi cũng gặp rắc rối khi bỏ qua Đài Loan và một phần phía tây Trung Quốc trên bản đồ được sử dụng tại cuộc họp thường niên, trong khi Mercedes-Benz hồi tháng 2 cũng đã xin lỗi vì dẫn lời Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của người Tây Tạng, trên Instagram.
Trong tuyên bố gửi tới Hoàn Cầu Thời Báo, Gap cho biết chiếc áo thun trong cuộc đã được lấy khỏi các kệ hàng ở thị trường Trung Quốc, và đã bị tiêu hủy. Tuy nhiên, trụ sở của Gap ở Thượng Hải cho biết chiếc áo thun này chưa được tung ra thị trường Trung Quốc.