Tin Biển Đông – 16/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 16/03/2017

Bắc Kinh phản ứng mạnh

nếu Nhật đem chiến hạm ra Biển Đông

Bắc Kinh sẽ có phản ứng cứng rắn đối với Nhật Bản, nếu Tokyo có những hành động sai trái khi đưa tầu chiến vào Biển Đông với mục đích đe dọa an ninh và chủ quyền của Trung Quốc.

Tuyên bố cứng rắn này mới được bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh, để trả lời câu hỏi về phản ứng của Hoa Lục trước tin Nhật dự tính  đưa chiến hạm Izumo vào Biển Đông.

Thứ Ba vừa rồi, chính phủ Bắc Kinh cho biết đang chờ thông báo chính thức của Nhật Bản về lịch trình hoạt động của chiến hạm Izumo, nhưng trong cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc không cho biết đã được Tokyo thông báo hay chưa.

Bà Hoa Xuân Oánh cũng nhắc lại Nhật Bản không liên quan gì đến cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, và Tokyo phải hành xử có trách nhiệm, nhắc lại thời thế chiến thứ Hai Nhật Bản từng xâm chiếm Hoàng sa và Trường Sa cho tới ngày thua trận hồi 1945.

Hôm qua, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có nói là Bắc Kinh hy vọng cùng với các nước ASEAN thông qua bản quy tắc hành xử để duy trì ổn định ở Biển Đông.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/cn-pledges-firm-response-if-jp-interfere-in-scs-03162017085133.html

 

Biển Đông: Hai thượng nghị sĩ Mỹ

đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc

Thùy Dương

Trang mạng Washington Examiner, ngày hôm qua 15/03/2017, cho biết, hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đề xuất Mỹ phải có các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc vì nước này có mưu toan đòi hỏi chủ quyền trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông, nơi có trữ lượng lớn về dầu lửa và khí ga.

Marco Rubio – thượng nghị sĩ bang Florida tuyên bố : « Các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa an toàn trong khu vực cũng như thương mại của Hoa Kỳ ». Theo thượng nghị sĩ Marco Rubio, không thể bỏ qua các hành động vi phạm chuẩn mực quốc tế của Trung Quốc và Washington phải có dự luật trừng phạt để Bắc Kinh hiểu rằng Hoa Kỳ chú ý tới thương mại và sẽ xử lý những người vi phạm.

Theo dự luật này, các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc có liên quan tới hoạt động quân sự hóa Biển Đông và các ngân hàng nước ngoài thực hiện hay cố ý hỗ trợ các giao dịch tài chính của các cá nhân và tổ chức nói trên cũng bị trừng phạt.

Thượng nghị sĩ Dân Chủ Maryland Ben Cardin, thành viên Ủy Ban Quan Hệ Đối Ngoại của Nghị Viện cũng ủng hộ đề xuất của thượng nghị sĩ Marco Rubio. Ông tuyên bố: « Trước các hành động của Trung Quốc, Hoa Kỳ phải thể hiện rõ ràng quan điểm tự do trao đổi,  lưu thông thương mại, tự do hàng hải và các giải pháp ngoại giao hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế ».

Vẫn theo thượng nghị sĩ Ben Cardin, chính quyền Washington phải bảo vệ lợi ích của nước Mỹ, của các đồng minh, đối tác và phải tôn trọng trật tự được thiết lập dựa trên luật pháp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông cho rằng dự luật này sẽ tạo ra những công cụ và mang lại cho Mỹ nhiều lựa chọn để thực hiện chính sách trong khu vực.

Tuy nhiên, theo Washington Examiner, các biện pháp trừng phạt sẽ đặt Mỹ vào thế đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170316-hoa-ky-cac-thuong-nghi-si-de-xuat-du-luat-trung-phat-trung-quoc

 

Trung Quốc lại xây dựng ở Hoàng Sa?

Các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc lại bắt đầu xây dựng trên các đảo ở Biển Đông, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự ở vùng đường thủy thương mại quan trọng này, hãng tin Reuters cho hay.

Các tùy viên và chuyên gia quân sự cho rằng động thái này cho thấy Trung Quốc quyết tâm xây dựng mạng lưới các đảo và bãi đá. Họ còn cho rằng Trung Quốc tìm cách tránh đối đầu với chính phủ mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một hình ảnh chụp Đảo Bắc ở quần đảo Hoàng Sa ngày 6 tháng Ba cho thấy hoạt động xây dựng gần đây của Trung Quốc. Trong đó có việc dọn mặt bằng và có thể chuẩn bị xây cảng để hỗ trợ cho cái mà nhiều chuyên gia tin rằng sẽ trở thành căn cứ quân sự. Những gì Trung Quốc xây dựng hồi năm ngoái bị hủy hoại trong một trận bão.

Các hình ảnh này, do công ty vệ tinh Planet Labs cung cấp, xuất hiện sau khi có ảnh hồi tháng Một cho thấy Trung Quốc đã xây dựng ở Đảo Cây (Tree Island) gần đó và các hòn đảo khác ở Hoàng Sa, nơi cả Việt Nam và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.

Các nhà ngoại giao có nguồn tin tình báo mới nhất của Phương Tây nói Bắc Kinh đang nỗ lực thống trị “sân sau” về đường biển của mình, và thậm chí còn thay đổi thời điểm họ có các hành động để tránh khiêu khích một cách lộ liễu.

“Quần đảo Hoàng Sa là then chốt cho bất kỳ nỗ lực thống trị Biển Đông nào của Trung Quốc,” ông Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông của Học viện Quân sự Australia nói.

“Chúng tôi có thể thấy họ theo đuổi quân sự hóa, cho dù phát biểu chính thức của họ có là gì đi nữa, cho dù họ phải làm từng ít một.”

Điều chưa rõ về Trump

Quần đảo Trường Sa ở phía Nam đang có nhiều tranh chấp được dư luận chú ý nhiều, nhưng quần đảo Hoàng Sa là thiết yếu cho sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông.

TQ mở đường bay dân sự ra Hoàng Sa

Trung Quốc tưởng niệm tử sỹ Hoàng Sa

TQ ‘cho Philippines vào bãi cạn’

Trung Quốc trong những năm gần đây đã tạm thời đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đất-đối-không và các máy bay chiến đấu tại căn cứ quân sự họ đã xây từ lâu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Việc này giúp họ bảo bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân trên đảo Hải Nam.

Đảo Bắc nằm trong chuỗi đảo hình cánh cung có vị trí như một màn che chắn cho đảo Phú Lâm, nơi có các căn cứ dân sự và quân sự của Trung Quốc.

Ông Trương Bạc Hối, một chuyên gia an ninh Trung Quốc tại Trường Đại học Lĩnh Nam của Hong Kong, nói ông tin rằng Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu lâu dài là củng cố các cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa, và suy tính chính quyền Trump không có phản ứng mạnh về chuyện này vì họ có những ưu tiên cấp bách hơn.

“Còn nhiều điều chưa rõ ràng với chính quyền của ông Trump, nhưng việc [theo đuổi mục tiêu] này là rất quan trọng với người Trung Quốc…quần đảo Hoàng Sa có vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ đảo Hải Nam, mà đảo Hải Nam thì quan trọng đối với các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc,” ông nói.

“Điều cần phải tính duy nhất ở đây là chỉ có Việt Nam là lo ngại động thái này thôi.”

Phía Bộ Ngoại Giao Việt Nam không đáp lại yêu cầu bình luận về vấn đề này của Reuters.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì nói họ “không biết” về các hoạt động xây dựng ở Đảo Bắc.

“Điều cần phải nhấn mạnh là quần đảo Tây Sa (Xisha Islands) là lãnh thổ của Trung Quốc,” bộ này nói, dùng tên mà Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc chiếm hoàn toàn Hoàng Sa năm 1974 sau khi đánh bại quân đội Miền Nam Việt Nam lúc đó ra khỏi quần đảo này.

Tin Trung Quốc lại có hoạt động xây dựng ở Hoàng Sa xuất hiện vào thời điểm ông Rex Tillerson đang có chuyến thăm đầu tiên đến khu vực này với tư cách Ngoại trưởng. Ông Rex Tillerson đã làm Bắc Kinh chú ý khi ông nói hồi tháng Một Trung Quốc không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo họ đã xây dựng ở Biển Đông.

Một quan chức Mỹ không muốn lộ danh tính nói ông không thể khẳng định Trung Quốc lại xây dựng ở Đảo Bắc nhưng chuyện đó cũng không có gì ngạc nhiên.

“Việc này cũng khớp với những gì họ đang làm, họ dọn mặt bằng trên các đảo không vì mục đích quân sự hóa thì vì lý do gì,” quan chức này nói. “Chẳng còn lý do nào khác cho Trung Quốc có sự hiện diện ở đó cả.”

Các nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh nói Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ về vấn đề Biển Đông. Họ chỉ ra những phản ứng cầm chừng của Trung Quốc khi một tàu hàng không mẫu hạm của Mỹ tuần tra trên vùng biển này hồi tháng trước.

Gần đây Trung Quốc muốn tạo dựng hình ảnh là một quốc gia có thể hòa giải về các tranh chấp ở Biển Đông khi nói rằng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cam kết tìm giải pháp hòa bình.

Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói một bản dự thảo Quy tắc ứng xử ở Biển Đông đã được hoàn thành và căng thẳng đã “giảm một cách đáng kể”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39291739

 

Tư lệnh hải quân VN gặp Bộ trưởng Quốc phòng TQ

Tư lệnh hải quân Việt Nam Phạm Hoài Nam hôm 15/3 gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, và cho biết “sẵn lòng hợp tác” với quân đội quốc gia đông dân nhất thế giới.

Bản tin ngắn của Tân Hoa Xã dẫn lời ông Thường nói rằng “hai nước chia sẻ hệ thống chính trị giống nhau và có đường hướng phát triển tương tự nhau” cũng như cùng nằm trong “một cộng đồng chiến lược với vận mệnh chung”.

Việt Nam ‘bác gợi ý’ của Bộ Quốc phòng Philippines?

Ngư dân Việt ‘dạt’ sang Australia vì Trung Quốc?

Hãng tin nhà nước Trung Quốc còn trích lời Bộ trưởng Thường nói rằng quân đội quốc gia đông dân nhất thế giới “sẵn lòng làm việc với quân đội Việt Nam để thực thi sự đồng thuận quan trọng” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đạt được trong khi nhà lãnh đạo Việt Nam thăm Bắc Kinh đầu năm nay.

Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, ông Nam được trích lời nói rằng quân đội Việt Nam, nhất là lực lượng hải quân, “sẵn lòng hợp tác với quân đội Trung Quốc để củng cố quan hệ hữu nghị song phương và đóng góp vào quna hệ giữa hai nhà nước và hai quân đội”.

Tới tối ngày 16/3, chưa thấy báo chí Việt Nam loan tải thông tin về chuyến thăm của tư lệnh hải quân Việt Nam. Tin chính trên trang web Quân đội Nhân dân, cơ quan ngôn luận của quân đội Việt Nam, là về cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ Giao thông Vận tải”.

“Bình luận tích cực”

Ngoài Bộ trưởng Thường Vạn Toàn, tin cho hay, ông Nam còn gặp tư lệnh hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long. Trang web của quân đội Trung Quốc nói rằng trong cuộc gặp với vị tư lệnh hải quân Việt Nam, ông Thẩm đã có “những bình luận tích cực” về quan hệ giữa hải quân Trung Quốc và Việt Nam.

Lãnh đạo hải quân Trung Quốc còn đề cập tới “cơ chế tuần tra chung tại Vịnh Bắc Bộ”, “tăng cường trao đổi cấp cao”, “các chuyến thăm trao đổi giữa tàu hải quân hai nước” và “mở rộng phạm vi trao đổi giữa các trường hải quân hai nước”.

Tin cho hay, ông Nam “sẽ tới thăm Hạm đội Nam Hải của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Phía báo chí Việt Nam không thấy xác nhận tin này.

Phó Đô đốc Thẩm Kim Long, người từng dẫn dắt Hạm đội Nam hải, vốn bảo vệ các vùng lãnh hải như biển Đông, mới đây đã được bổ nhiệm làm tân chỉ huy của lực lượng hải quân Trung Quốc.

Tờ China Daily đưa tin hôm 20/1 rằng ông Thẩm, 60 tuổi, lên thay Tư lệnh hải quân Ngô Thắng Lợi, 71 tuổi, để “lãnh đạo lực lượng hải quân lớn nhất châu Á”.

Tin cho hay, Hạm đội Nam hải từng tham gia trận hải chiến với quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa năm 1974, làm hơn 70 binh sĩ phía Việt Nam hy sinh, và cũng từng tham chiến tại quần đảo Trường Sa năm 1988.

http://www.voatiengviet.com/a/tu-lenh-hai-quan-viet-nam-gap-bo-truong-quoc-phong-trung-quoc/3769046.html

 

Ngoại trưởng Úc:

ASEAN nên dùng CoC nói chuyện với Trung Quốc

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đề nghị các nước ASEAN nên sử dụng phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế làm căn bản khi bàn thảo về bản quy tắc hành xử với Trung Quốc.

Lên tiếng trước một hội nghị ở Manila, bà nói rằng Úc không nghiêng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền, nhưng tin rằng phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế là những điều kiện mẫu mực để ASEAN đem ra đàm phán với Bắc Kinh.

Trong phán quyết đưa ra hồi năm ngoái, Tòa Trọng Tài Quốc Tế nói rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử lẫn chủ quyền pháp lý ở những vùng biển đảo mà Bắc Kinh đang chiếm giữ ở Biển Đông.

Tuy nhiên phán quyết này không được Tổng Thống Philippines là ông Rodrigo Duterte sử dụng làm lợi thế chính trị để buộc Trung Quốc phải thi hành, thay vào đó, nhà lãnh đạo Phi thường nói là ông muốn làm bạn với Trung Quốc vì Bắc Kinh sẽ giúp Phi phát triển kinh tế.

Cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về an ninh Biển Đông kéo dài đã 15 năm nhưng không đạt được kết quả cụ thể. Bà Ngoại Trưởng Úc hy vọng bản quy tắc hành xử sẽ sớm thành hình, nói thêm là khi đàm phán ASEAN phải có cùng một tiếng nói, cùng một quan điểm và phải giữ vững lập trường.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/aus-urges-scs-rule-basis-f-code-of-conduct-03162017090029.html