Tin Biển Đông – 15/11/2018
Năng lượng và thuỷ sản: Hai nguồn lợi
TQ đang muốn kiểm soát hoàn toàn ở Biển Đông
Trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tài nguyên năng lượng (dầu mỏ, khí đốt, băng tan) và thuỷ sản là hai nguồn lợi mà Trung Quốc đang muốn độc chiếm để áp đặt luật chơi đối với các nước trong và ngoài khu vực.
Các yêu sách năng lượng của TQ
Nếu chỉ là một tranh chấp chủ quyền đơn thuần, Biển Đông có thể sẽ đã tiếp tục bế tắc như vậy mà không nhiết thiết phải giải quyết ngay. Tuy nhiên, sự tồn tại của nguồn dự trữ năng lượng và thuỷ sản trong khu vựcđã ngăn chặn giải pháp này. Với nhu cầu năng lượng toàn cầu đang tăng lên, những nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc đang tìm kiếm những nguồn năng lượng mới để thỏa mãn nền kinh tế đang mở rộng của họ. Năm 2009, Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai sau Mỹ, và sức tiêu thụ của họ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030, biến nước này thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Năm 2010, Trung Quốc đã nhập khẩu 52% lượng dầu tiêu thụ của mình từ Trung Đông, và Saudi Arabia cùng Angola cộng lại chiến đến 66% lượng dầu nhập khẩu của nước này. Trung Quốc đã và đang đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình để giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và đã tìm cách gia tăng sản lượng ngoài khơi xung quanh lưu vực sông Châu Giang và Biển Đông.
Trung Quốc cáo buộc các nước ASEAN có yêu sách đã xâm phạm vào vùng biển của họ và cho rằng Trung Quốc có quyền thực thi các yêu sách chống lại các nước này. Đối với Việt Nam, ngày 26/5/2011, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu khảo sát Bình Minh đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển phía nam Việt Nam khoảng 120 km. Ngày 09/6/2011, một tàu cá Trung Quốc cũng đã đâm ngang cáp khảo sát của một con tàu khảo sát khác của Việt Nam. Đối với, Philipines cũng đã có nhiều vấn đề với Trung Quốc. Philipines đã nổ lực để nâng cao khả năng tự cung tự cấp dầu của mình, và đặt mục tiêu (tự cung) 60% vào cuối năm 2011, điều mà họ có khả năng không đạt được. Nước này dự tính chào thầu 15 hợp đồng trong những năm tới cho việc thăm dò vùng biển ngoài khơi đảo Palawan, trong một khu vực bị yêu sách bởi Trung Quốc. Cũng trong năm 2011, Philipines đã báo cáo 7 sự cố liên quan đến sự quấy rối của Trung Quốc. Ngày 5/4/2011, Philipines đã phản đối chính thức lên Liên hợp quốc và tìm kiếm sự ủng hộ từ ASEAN nhằm đạt được lập trường chung về vấn đề này.Trung Quốc tố cáo Philipines xâm lược vùng biển của họ và sau đó triển khai tàu tuần tra 3000 tấn Haixun-31 được trang bị một trực thăng đến khu vực này. Philipines cũng đã phải triển khai tàu hải Rajah Humabon. Chiếc tàu này đã di dời hết các cột mốc được người Trung Quốc dựng lên trên các bãi đá khác nhau thuộc vùng biển yêu sách bởi Philipines.Văn phòng
Tổng thống Philipines tuyên bố đổi tên “Biển Nam Trung Hoa” (Biển Đông) thành “Biển Tây Philipines” và công bố chương trình nâng cấp hải quân, điều sẽ giúp nâng cao sự hiện diện hải quân đang hạn chế của họ tại khu vực. Đối với các nước ngoài khu vực, điển hình là Ấn Độ. Tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat khi đang di chuyển đến Nha Trang (Việt Nam) vào tháng 7/2011 đã bị Trung Quốc cảnh báo bằng tín hiệu radio là hãy tránh xa “vùng biển Trung Quốc”. Trung Quốc cũng thường xuyên phản đối những hoạt động thăm dò của Công ty Dầu và Khí tự nhiên Ấn Độ (ONGC) xung quanh quần đảo Hoàng Sa, mặc dù theo ONGC, các yêu sách của Việt Nam phù hợp với luật quốc tế và tuyên bố sẽ tiếp tục các dự án thăm dò tại hai lô gần quần đảo Hoàng Sa.
Các yêu sách về nguồn lợithuỷ sản của TQ
Cùng với những yêu sách về năng lượng, Trung Quốc cũng muốn kiểm soát nguồn thuỷ sản Biển Đông. Trong quá khứ, các tàu cá thường xuyên ra vào các vùng chồng lấn, nhưng việc gia tăng mức độ thường xuyên của những vụ việc như vậy đã gây ra những quan ngại. Nhiều tàu cá Việt Nam đã bị phía Trung Quốc bắt giữ trên Biển Đông. Quả thực, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực quân sự để uy hiếp các ngư dân các nước khác. Không những vậy, Trung Quốc áp đặt một lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông, họ xem đó như là cách bảo tồn nguồn cá cho đội tàu của mình tại Biển Đông. Lần đầu tiên Trung Quốc ban lệnh cấm là vào năm 1999, từ tháng 6 tới tháng 7 hàng năm và tới năm 2009 thì họ kéo dài lệnh cấm thành từ ngày 16/5 đến ngày 1/8 hàng năm. Phạm vi cấm rất mơ hồ, mặc dù lệnh cấm bao trùm lên một khu vực bao quanh quần đảo Hoàng Sa nhưng lại không vươn xa xuống phía Nam tới quần đảo Trường Sa. Lệnh cấm ảnh hưởng tới sinh kế của ngư dân các nước, nhất là Việt Nam, Philippines, Indonesia. Để thực thi lệnh cấm và bảo vệ các tàu cá của mình, Trung Quốc triển khai tới khu vực các tàu mà họ gọi là “tàu kiểm ngư”, nhưng thực chất đó là những tàu hải quân được hoán chuyển.
Sự bành trướng của hải quân TQ
Biển Đông đang được đưa vào phạm vi cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ khi Trung Quốc tăng cường mở rộng chiến lược hải quân và triển khai các năng lực hải quân mới.Chiến lược hải quân của Trung Quốc đã được định hình trong nhiều năm qua kể từ khi Tư lệnh Hải quân Liu Huaqing (1982-1988) lần đầu tiên kêu gọi hình thành một lực lượng hải quân viễn dương đủ sức bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc. Hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã đều đặn phát triển sức mạnh hải quân, được nước này coi là cần thiết cho vị thế siêu cường. Khi Trung Quốc tăng sức mạnh kinh tế, lợi ích hàng hải của họ cũng mở rộng tương ứng (cùng với sức mạnh hải quân), đưa họ vào cuộc xung đột với Mỹ, cường quốc hải quân thống trị tại Tây Thái Bình Dương.
Chiến lược hải quân Trung Quốc đề ra ba nhiệm vụ nhằm định hướng cho sự phát triển năng lực hải quân của họ. Thứ nhất là ngăn chặn Đài Loan tuyên bố độc lập đồng thời cản trở Mỹ ủng hộ Đài Loan bằng việc triển khai hải quân khi có các sự kiện xung đột. Thứ hai là bảo vệ các tuyến giao thương mở rộng của Trung Quốc và các nguồn cung cấp năng lượng đang vận hành xuyên Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, nơi ước tính chừng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc được chuyên chở. Nhiệm vụ này đã trở nên quan trọng sau khi Trung Quốc trở thành một nước nhập khẩu ròng về dầu mỏ vào năm 1993 và khi Trung Quốc nhận ra nền kinh tế của họ phụ thuộc vào dầu nhập khẩu đến thế nào vào cuối thập niên 1990. Nhiệm vụ thứ ba là triển khai năng lực đánh trả hạt nhân lần thứ hai từ mặt biển tại khu vực Tây Thái Bình Dương, một hệ quả khác của cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1995 -1996. Trung Quốc hiểu rằng năng lực này sẽ là một sự răn đe tối hậu chống lại Mỹ trong các cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan cũng như các cuộc khủng hoảng khác.Để thực hiện các sứ mệnh này, Trung Quốc đã phát triển hoặc triển khai bốn lớp tàu ngầm và sáu lớp tàu khu trục mới trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Trung Quốc cần nơi trú ẩn cho các nền tảng hải quân của họ để chống lại những cuộc tấn công từ trên không và trên biển. Những chiếc tàu sân bay và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo cũng đòi hỏi tiếp cận những vùng biển mở để hoàn thành sứ mệnh của mình; nếu không chúng có thể bị giam hãm vào một khu vực giới hạn và trở thành gần như là vô ích. Chỉ một vài nơi dọc theo bờ biển của Trung Quốc là có thể cung cấp chỗ trú ẩn cho hải quân của họ, nơi có thể tổ chức phòng ngự, đồng thời có thể dễ dàng tiếp cận vùng biển mở. Một là ở Hoàng Hải, nơi có căn cứ tàu ngầm đặt tại Xiaopingdao gần Đại Liên. Một nơi hợp lý khác là khu vực Hải Nam và khu vực nửa đóng của phía bắc Biển Đông, nơi có lợi thế gần với eo biển Malacca và các tuyến đường biển nối sang Ấn Độ Dương. Bất cứ vị trí nào khác xa hơn về phía Bắc sẽ có thể dễ bị tấn công ngăn chặn từ phía biển vào bởi Mỹ.Trung Quốc đã và đang xây dựng căn cứ ngầm ở Tam Á trên đảo Hải Nam, nơi sẽ chứa không chỉ các tàu SSBN mà cả tàu sân bay cũng như đội tàu hộ tống khi chúng được triển khai. Năm 2008, một chiếc tàu ngầm SSBN lớp Tấn đã được triển khai ở đó và tới tháng 10 năm 2010, hai tàu ngầm hạt nhân lớp Thương đã vào bến ở Tam Á. Nếu là một khái niệm phòng thủ khu vực, nó bao gồm cả Hoàng Hải lẫn Biển Đông như là những vị trí trú ẩn an toàn để đặt các căn cứ hải quân cũng như đường ra biển khơi an toàn. Tuy nhiên, phòng thủ khu vực đòi hỏi phải giữ chân Hải quân Mỹ từ xa và ở một khoảng cách đủ lớn để nó không thể can thiệp vào việc triển khai của hải quân Trung Quốc trong khu vực. Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc đã triển khai DF-21D, được mô tả là một loại tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) có khả năng nhắm đến các tàu sân bay Mỹ và các tàu mặt nước lớn khác. Trong quan điểm của Trung Quốc, sự hiện diện của hải quân Mỹ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương ngăn chặn việc Đài Loan thống nhất với đại lục và khuyến khích các nước ASEAN có yêu sách ở Biển Đông chống lại các yêu sách của Trung Quốc. Nếu có thể đạt tới một thỏa thuận nào đó theo cách này với một nước Mỹ đang suy yếu về kinh tế thì Trung Quốc quả thật sẽ trở thành siêu cường thống trị tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Lập trường của Việt Nam và các nước
Trong bối cảnh trên, có thể khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hoạt động dầu khí cũng như các hoạt động kinh tế biển khác của Việt Nam được tiến hành bình thường trong khu vực biển hoàn toàn thuộc vùng thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Về hoạt động khai thác thuỷ sản ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần phản đối việc Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm và ngăn cản, đe doạ bắt giữ tàu cá Việt Nam hoạt động ở Biển Đông. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS)”. Quy định của Trung Quốc đã đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Quy chế của Trung Quốc cũng không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trong khi đó, Philippines cũng nhiều lần phản đối kịch liệt lệnh cấm này của Chính quyền Bắc Kinh, do nó bao gồm cả các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Chính phủ Manila.
An ninh biển: Mối quan tâm hiện nay
của cộng đồng quốc tế
Hiện nay, an ninh biển là một trong những vấn đề có vai trò, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, ổn định của khu vựcnói chung và đối với từng quốc gia ven biển nói riêng, nhất là tại khu vực Biển Đông.
Tầm quan trọng của vấn đề an ninh biển
Về mặt khái niệm, an ninh biển là một bộ phận của an ninh quốc gia, khu vực và thế giới, có mối quan hệ chặt chẽ với các vấn đề an ninh trên đất liền. Có thể nói, với 70% dân số thế giới sống ở các khu vực cách bờ biển khoảng 100 dặm và đa số các khu vực phát triển nhất của thế giới đều nằm sát biển, thì vấn đề an ninh biển ngày càng có ảnh hưởng lớn đến an ninh đất liền nói riêng và an ninh của các quốc gia nói chung.
Hợp tác an ninh biển trong giai đoạn hiện nay trở lên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các vấn đề xảy ra tại bất kể địa điểm, hay quốc gia nào trên thế giới đều có thể ảnh hưởng tới các quốc gia khác hoặc ảnh hưởng đến toàn cầu. Việc vận chuyển hàng hoá bằng đường biển vẫn là phương thức chủ đạo trên toàn cầu hiện nay. Ước tính khoảng 90% lượng hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển; với sự gia tăng về dân số và phát triển kinh tế như hiện nay, ước tính lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường biển trong những năm 2030-2050 sẽ tăng gấp đôi về số lượng.
Cho đến nay, mặc dù trên thế giới chưa có thuật ngữ chính thức được thừa nhận về an ninh biển, tuy nhiên khái niệm về “an ninh biển” có thể được hiểu là trạng thái ổn định, an toàn, không có các mối đe dọa xuất phát từ biển và các vùng đất đối với các hoạt động bình thường của các nước, các tổ chức, cá nhân trên biển hoặc các mối đe dọa từ biển đối với các hoạt động bình thường của các nước, các tổ chức, cá nhân trên đất liền. Tóm lại, nội hàm của an ninh biển cũng giống như an ninh trên đất liền, bao gồm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Các vấn đề an ninh truyền thống trên biển liên quan đến chiến tranh, xung đột, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển. Trong khi, các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển bao gồm khủng bố, cướp biển, di dân bất hợp pháp, ô nhiễm môi trường biển, thảm họa thiên nhiên, tội phạm xuyên quốc gia… Trên thực tế, các tổ chức quốc tế và khu vực đã được thiết lập, để đẩy mạnh sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các tổ chức và giữa các quốc gia để đảm bảo an ninh biển, như Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Hiệp định Khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (ReCCAP).
An ninh biển đối với Việt Nam
Việt Nam có ba mặt giáp biển là phía Đông, Nam và Tây Nam, có bờ biển dài 3.260km; có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; có gần 3.000 đảo lớn, nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, an ninh biển có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường.
Hiện nay có 4 “hồ sơ” chủ yếu ở Biển Đông liên quan tới Việt Nam, đó là: (1) Tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã quản lý quần đảo Hoàng Sa một cách hòa bình, liên tục từ thế kỷ 16. Năm 1956, Trung Quốc đã đánh chiếm cụm đảo phía Đông và năm 1974, tiếp tục dùng sức mạnh quân sự chiếm các đảo phía Tây quần đảo này của Việt Nam. Cả hai lần, Trung Quốc đều dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo này. (2) Khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ: Sau khi ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá năm 2001, hai nước Việt Nam và Trung Quốc thống nhất sẽ đàm phán tiếp để phân định khu vực cửa vịnh. Đến nay hai bên đã qua 7 vòng đàm phán nhưng vẫn chưa thành công. Trong khi đang diễn ra đàm phán, Trung Quốc coi đây là vùng “tranh chấp” và đơn phương tiến hành các hoạt động khảo sát, thăm dò ở phía Tây đường trung tuyến “giả định” (nằm gần Việt Nam hơn). (3) Tranh chấp ở quần đảo Trường Sa liên quan đến 5 nước (Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei) và 1 vùng lãnh thổ là Đài Loan. Tháng 3/1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo ở quần đảo Trường Sa. (4) Yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và không được quốc tế công nhận. Yêu sách này liên quan đến vùng thềm lục địa và chủ quyền, lợi ích của nhiều nước ven biển cũng như liên quan an ninh và tự do hàng hải quốc tế.
Giải pháp cho vấn đề an ninh biển hiện nay
Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để giải quyết các vấn đề tranh chấp. Đây là một nội dung đặc biệt quan trọng vì nó sẽ là cơ sở pháp lý để các bên liên quan trao đổi giải quyết vấn đề trên biển. Trong điều kiện lập trường của các nước còn khác xa nhau thì Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là chuẩn mực để các quốc gia đối chiếu, xem xét lại các yêu sách của mình cho phù hợp. Nếu tất cả các bên liên quan đều giới hạn các yêu sách chủ quyền của mình trong các chuẩn mực của Công ước thì các bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông sẽ sớm được giải quyết, đem lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên cũng như lợi ích của hòa bình ổn định và thịnh vượng của cả khu vực. Đối với các vấn đề liên quan đến tự do hàng hải và quyền lợi của các bên cả ở trong và ngoài khu vực thì cần có sự tham gia rộng rãi của các quốc gia có liên quan. Việc duy trì bảo đảm an ninh trên Biển Đông hiện nay và trong thời gian tới sẽ phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các nước trong khu vực. Trong duy trì bảo đảm an ninh trên Biển Đông, các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác, góp phần xây dựng môi trường hòa bình và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương.
http://biendong.net/bi-n-nong/24776-an-ninh-bien-moi-quan-tam-hien-nay-cua-cong-dong-quoc-te.html
Sự khác biệt trong hoạt động cải tạo đảo
giữa TQ và Việt Nam ở Trường Sa
Từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo phi pháp 7 bãi đá, đảo đá ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), gồm đá Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Đá Xu Bi và Vành Khăn, với tổng diện tích mở rộng khoảng 12.8 triệu m2. Hoạt động trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển, vi phạm quyền tài phán của Việt Nam mà còn vi phạm nghĩa vụ không làm trầm trọng tranh chấp ở Biển Đông. Trái ngược với hoạt động của Trung Quốc, Việt Nam có tiến hành cải tạo một số đảo ở Trường Sa, song hoạt động của Việt Nam diễn ra với quy mô nhỏ, không làm ảnh hưởng môi trường sinh thái ở Biển Đông và chỉ đơn thuần nhằm cải thiện môi trường sống của cư dân trên các đảo.
Hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc vi phạm các quy định luật pháp quốc tế
Hoạt động xây dựng đảo và cải tạo đảo của Trung Quốc đã diễn ra từ những năm 1990 với quy mô nhỏ và vừa. Từ cuối năm 2013 Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo ở quy mô lớn chưa từng thấy trên 07 thực thể ở quần đảo Trường Sa (đá Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Đá Xu Bi và Vành Khăn), với tổng diện tích mở rộng khoảng 12.8 triệu m2 trong vòng ba năm. Trung Quốc đã cải tạo đảo tại các đảo đá (Đá Châu Viên, Đá Chữ Thập, Đá Ga Ven, và Đá Gạc Ma) và xây dựng các đảo nhân tạo ở các bãi lúc nổi lúc chìm (Đá Tư Nghĩa, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn). Theo phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016), hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa từ cuối năm 2013 đã vi phạm hàng loạt các nghĩa vụ theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cụ thể: Vi phạm các nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển theo các Điều 192, Điều 194(1), Điều 194(2), Điều 197, Điều 123, và Điều 206; Vi phạm quyền tài phán của Việt Nam liên quan đến xây dựng đảo nhân đạo theo các Điều 60 và Điều 80.
Hoạt động của Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển
Trung Quốc cải tạo đảo chủ yếu bằng cách sử dụng kỹ thuật hút phun. Theo đó, một tàu với giàn khoan sẽ khoan vào đáy biển để lấy vật liệu cho việc san lấp, sau đó, vật liệu được hút lên và di chuyển theo một ống nỗi trên mặt biển để đổ vào địa điểm cần san lấp. Tàu phun hút lớn nhất của Trung Quốc là Tian Jing Hao có công suất 4.500 m3/h hút cát, đá và vật chất từ đáy biển. Theo các chuyên gia của Tòa trọng tài, việc sử dụng kỹ thuật này gây tác động đến hệ thống bãi ngầm ở ba khía cạnh: (1) Trực tiếp phá hủy nơi cư trú ở bãi ngầm do bị vùi lấp; (2) Gián tiếp tác động đến hệ sinh vật tầng đáy như san hô và cỏ biển do sự thay đổi thủy động lực học, gia tăng trầm tích, tăng độ đục của nước biển và gia tăng dinh dưỡng trong nước biển; (3) Gián tiếp tác động đến sinh vật hữu cơ trong nước, như cá và vi sinh vật do việc phát tán trầm tích, chất hóa học và dinh dưỡng cũng như tiếng ồn.
Dựa trên các bằng chứng và đánh giá của chuyên gia, Tòa kết luận hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc vi phạm hàng loạt nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển như sau:
(1) Hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển theo Điều 192. Điều 192 quy định nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia: “Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.” Các quốc gia có nghĩa vụ vụ phải chủ động có biện pháp bảo vệ, gìn giữ , và không được làm xấu đi môi trường biển; bảo đảm các hoạt động trong phạm vi thẩm quyền của mình tôn trọng môi trường của nước khác và môi trường ở vùng biển quốc tế. Nghĩa vụ này yêu cầu chủ động ngăn chặn hoặc ít nhất giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường khi tiến hành các hoạt động xây dựng quy mô lớn. Hoạt động xây dựng đảo quy mô lớn của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã gây ra tổn hại đến môi trường, do đó vi phạm nghĩa vụ ở Điều 192.
(2) Hoạt động nạo vét lấy vật liệu cho hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ ở Điều 194(1) khi gây ô nhiễm trầm tích cho môi trường biển. Điều 194(1) quy định: “Các quốc gia, tùy theo tình hình, thi hành riêng rẽ hay phối hợp với nhau, tất cả các biện pháp phù hợp với Công ước, cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển, sử dụng các phương tiện thích hợp nhất mà mình có, và cố gắng điều hòa các chính sách của mình về mặt này”. Ô nhiễm môi trường được định nghĩa ở Điều 1(4), theo đó ô nhiễm môi trường biển là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển, bao gồm cả các cửa sông, khi việc đó gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật và đến hệ động vật và hệ thực vật biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả việc đánh bắt hải sản và các việc sử dụng
biển một cách hợp pháp khác, làm biến đổi chất lượng nước biển về phương diện sử dụng nó và làm giảm sút các giá trị mỹ cảm của biển. Vì vậy, hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc bằng kỹ thuật hút phun đã phóng thích nhiều trầm tích vào nước biển, gia tăng độ đục của nước và gây tổn hại đến môi trường biển, do đó vi phạm nghĩa vụ theo Điều 194(1).
(3) Việc Trung Quốc không có biện pháp để bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống của các loài bị đe dọa vi phạm nghĩa vụ theo Điều 194(5). Điều 194(5) quy định: “Các biện pháp được thi hành theo đúng phần này bao gồm các biện pháp cần thiết để bảo vệ và gìn giữ các hệ thống sinh thái hiếm hoi hay mỏng manh cũng như điều kiện cư trú của các loài và các sinh vật biển khác đang thoái hóa, có nguy cơ hay đang bị hủy diệt.” Các bằng chứng khoa học cho thấy khu vực biển mà các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc thực hiện là “hệ sinh thái hiếm hoi hay mỏng manh” và là nơi cư trú của các loài đang thoái hóa, có nguy cơ hay đang bị hủy diệt như ngao khổng lồ, đồi mồi và một số loài cá và san hô khác. Hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc bằng kỹ thuật hút phun đã phá hủy hệ sinh thái và nơi cư trú của các loài nêu trên, do đó vi phạm nghĩa vụ theo Điều 194(5).
(4) Việc Trung Quốc không có bất kỳ nỗ lực nào để hợp tác hay phối hợp với các quốc gia xung quanh Biển Đông khi thực hiện hoạt động xây dựng đảo đã vi phạm nghĩa vụ hợp tác theo Điều 197 và Điều 123. Việc không có hợp tác hay phối hợp với các nước khác thể hiện qua việc Philippines và các quốc gia xung quanh Biển Đông đã có phản đối với hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc. Điều 197 quy định về hợp tác trên phạm vi thế giới hay khu vực. Điều 123 quy định về hợp tác giữa các quốc gia trong các vùng biển kín và nửa kín.
(5) Việc Trung Quốc không báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thực hiện hoạt động xây dựng đảo đã vi phạm nghĩa vụ ở Điều 206. Điều 206 quy định hai nghĩa vụ: nghĩa vụ thực hiện đánh giá tác động môi trường và nghĩa vụ báo cáo kết quả đánh giá tác động môi trường. Với quy mô và tác động của hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc, rõ ràng rằng có lý do xác đáng để tin rằng hoạt động này có thể làm thay đổi đáng kể và có hại đối với môi trường biển, và do đó Trung Quốc có nghĩa vụ phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, Tòa không thể kết luận Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ thực hiện đánh giá tác động môi trường theo Điều 206 bởi vì không có bằng chứng chứng minh nước này không thực hiện đánh giá tác động môi trường. Tòa chỉ kết luận Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ báo cáo kết quả đánh giá tác động môi trường theo Điều 206. Điều 206 quy định rằng “Khi các quốc gia có những lý do xác đáng để cho rằng các hoạt động đã dự tính thuộc quyền tài phán hay quyền kiểm soát của mình có quy cơ gây ra một vụ ô nhiễm nghiêm trong hay làm thay đổi đáng kể và có hại đối với môi trường biển, thì trong chừng mực có thể, các quốc gia này cần đánh giá các tác động tiềm tàng cùa các hoạt động này đối với môi trường đó và cần báo cáo lại những kết quả của những đánh giá này theo cách đã được quy định ở Điều 205.” Điều 205 quy định việc công bố các báo cáo: “Các quốc gia công bố các báo cáo về kết quả thu được trong khi áp dụng Điều 204 hay, theo khoảng thời gian thích hợp, cung cấp các báo cáo như vậy cho các tổ chức quốc tế có thẩm quyền và các tổ chức quốc tế này cần phải để cho mọi quốc gia khác sử dụng các báo cáo này.”
Trung Quốc vi phạm quyền tài phán của Việt Nam, Philippines liên quan đến đảo nhân tạo
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép, tiến hành cải tạo phi pháp và triển khai người, trang thiết bị khí tài quân sự ra 7 đảo đá ở Trường Sa là vi phạm quyền tài phán của Việt Nam liên quan đến xây dựng đảo nhân tạo theo Điều 60 và 80. Điều 60 và 80 quy định quốc gia ven biển có quyền độc quyền trong việc cấp phép, xây dựng, vận hành và sử dụng các đảo nhân tạo, công trình và cấu trúc nhân tạo trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Hoạt động cải tạo đảo của Việt Nam ở Trường Sa
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đều tiến hành các hoạt động san lấp biển để mở rộng diện tích đất tại các thực thể do từng bên chiếm đóng. Điểm khác nhau lớn nhất là hoạt động của Trung Quốc có quy mô lớn vượt hẳn so với Việt Nam và Philippines. Theo Báo cáo Chiến lược an ninh biển Châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2015, diện tích cải tạo mở rộng của từng nước ở Trường Sa như sau: Trung Quốc cải tạo 11,74 km2, Việt Nam cải tạo 0,323 km2 và Philippines 0.057 km2. Báo cáo này so sánh rằng chỉ từ tháng 12 năm 2013, diện tích mà Trung Quốc mở rộng trong vòng 20 tháng lớn gấp 17 lần so với diện tích mở rộng của tất cả các quốc gia khác cộng lại trong vòng 40 năm, chiếm 95% diện tích bồi lấp trên quần đảo Trường Sa.
Với quy mô rất hạn chế, hoạt động tôn tạo, san lấp biển của Việt Nam ít có tác động đến môi trường biển hơn hẳn so với Trung Quốc. Tác động tiêu cực được hạn chế tối đa hoặc loại trừ, nên hoạt động của Việt Nam không vi phạm Điều 192 và 194(1) và (5) và cũng không thuộc trường hợp phải thực hiện báo cáo tác động môi trường và công khai báo cáo đó theo Điều 206.
Trên thực tế, những hoạt động trên của Việt Nam chỉ đơn thuần nhằm cải thiện môi trường sống của quân nhân đóng trên đảo và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vào tránh bão, áp thấp nhiệt đới khi cần thiết, cụ thể: (1) Các đảo, bãi cạn Việt nam cải tạo đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hợp pháp và được luật pháp quốc tế bảo vệ. Ngoài ra, Việt Nam là một nước gương mẫu, luôn thực thi nghiêm túc các quy định luật pháp quốc tế về biển đảo, nhất là UNCLOS. (2) Hành động của Việt Nam mang tính tích cực, chỉ nhằm cải thiện đời sống, an toàn tính mạng cho quân nhân đóng trên các đảo, bãi cạn (khi biển động, sóng biển đánh vào sát nơi binh sỹ đang đóng quân và chỗ sinh hoạt của binh sỹ rất eo hẹp) và là nơi tránh bão, áp thấp nhiệt đới cho ngư đân Việt Nam cũng như ngư dân các nước đang đánh cá hợp pháp trên Biển Đông. Hành động này góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Ðông và khu vực. (3) Việt Nam chỉ sử dụng tàu nhỏ, hút trầm tích san hô đã chết để khơi thông luồng, rạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu tiếp tế và tàu cá của ngư dân ra vào đầm phá thuận tiện, an toàn. Greg Poling, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định hoạt động cải tạo của Việt Nam có thể không phải để xây đắp mà chỉ để giúp tàu vận tải và tàu cá dễ tiếp cận các đảo đá này. (4) Việc náo hút của Việt Nam được tiến hành một cách từ từ, không sử dụng các công cụ chuyên dụng như máy cắt, máy dung, máy phá rạn san hô (cách mà Trung Quốc tiến hành ở 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa), những hoạt động trên không hề đe dọa hay phá hủy môi trường sinh thái ở Biển Đông. (5) Tất cả những hoạt động nâng cấp một số nhà ở, hay xây kè chắn trên các đảo, đá của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa là nhằm chắn sóng biển, không để cát và rác rơi xuống biển, ảnh hưởng môi trường xung quanh. Ngoài ra, nguyên vật liệu xây dựng (từng viên gạch, hòn sỏi) đều được Việt Nam vận chuyển từ trong nước ra. (6) Hoạt động của Việt Nam phần nào đó góp phần nâng cao năng lực phòng thủ chống lại các mối đe dọa, điều này là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Việt Nam cũng như các nước khác ven Biển Đông. Việc này giống như Indonesia tăng cường phòng thủ Natuna, Malaysia tăng cường phòng thủ ở Sabah, Sarawak và Biển Đông và Philippines cho phép Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự trên lãnh thổ.
Trong khía cạnh khác, theo AMTI, trong nhiều năm qua, Việt Nam mới chỉ bồi đắp thêm khoảng 120 mẫu Anh trên 10 đảo nhỏ, trong khi đó Trung Quốc đã bồi đắp hơn 3.200 mẫu Anh trên 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, Bắc Kinh còn xây dựng các cảng, hải đăng, đường băng, bệnh viện, sân chơi thể thảo, lắp đặt radar, triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa, pháo… ra 7 đảo nhân tạo. Điều này cũng được Giáo sư Carl Thayer công nhận khi cho rằng, “hoạt động xây cất của Việt Nam không chỉ nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc mà còn ít phá hoại môi trường (không nạo vét quy mô lớn các rạn san hô) và các hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam chỉ bằng 4% tổng diện tích Trung Quốc “cải tạo đảo”. Đáng chú ý, tổng số diện tích 15 đảo tự nhiên thuộc quần đảo Trường Sa là 1.828 km² trong khi đó tổng diện tích các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây là 12 km² (khoảng 1,300 hecta). Tính riêng đá Chữ Thập, Trung Quốc đã cải tạo phi pháp lên đến 2.74 km², Bắc Kinh cũng đã xây trên các đảo nhân tạo này một bệnh viện, 3 đường băng dài 3.000m, 5 ngọn hải đăng và nhiều căn cứ quân sự khác.
Ngoài ra, Việt Nam có hoạt động trên 12 đảo chìm ở quần đảo Trường Sa thì tính hợp pháp của hoạt động sẽ phụ thuộc vào quy chế pháp lý của vùng biển và đáy biển nơi có đảo chìm và quốc gia nào có quyền đối với vùng biển và đáy biển đó. Trong Phán quyết của Tòa trọng tài xác định hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn vi phạm quyền tài phán của Philippines do thực thể này thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Như vậy, hoạt động tôn tạo, san lấp (nếu có) của Việt Nam trên 12 đảo chìm sẽ là hợp pháp vì nó đều thuộc vùng biển của Việt Nam.
Kết luận:
Hoạt động trên cải tạo đảo của Trung Quốc không chỉ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển, vi phạm quyền tài phán của Việt Nam mà còn vi phạm nghĩa vụ không làm trầm trọng tranh chấp ở Biển Đông. Trái ngược với hoạt động của Trung Quốc, Việt Nam có tiến hành cải tạo một số đảo ở Trường Sa, song hoạt động của Việt Nam diễn ra với quy mô nhỏ, không làm ảnh hưởng môi trường sinh thái ở Biển Đông và chỉ đơn thuần nhằm cải thiện môi trường sống của cư dân trên các đảo và khơi thông luồng, lạch tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân vào
tránh bão khi cần thiết. Những hoạt động như vậy của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.
Bản tin Biển Đông ngày 14/11/2018
Bắc Kinh hy vọng kết thúc đàm phán COC trong 3 năm
Ngày 13/11, Reuters đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát biểu Bắc Kinh hy vọng quá trình tham vấn với các nước ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ kết thúc trong 3 năm, đóng góp cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Ông Lý cũng cho rằng Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ được lợi từ tiến trình này, từ đó thúc đẩy thương mại tự do và phục vụ lợi ích của các bên khác.
Cố vấn an ninh Mỹ cảnh báo Trung Quốc chống lại tự do qua lại ở Biển Đông
Theo The Wall Street Journal ngày 13/11, phát biểu với báo giới tại Singapore, Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ John Bolton cho rằng Mỹ cần phản đối bất kỳ thỏa thuận nào giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp ở Biển Đông nếu thỏa thuận đó hạn chế việc các tàu thuyền quốc tế qua lại tự do, đồng thời nhấn mạnh các tàu hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đi qua vùng biển này. Phát biểu của ông Bolton được coi như lời cảnh báo đối với lãnh đạo các nước Đông Nam Á đang chuẩn bị tham dự Hội nghị cấp cao tại Singapore trong tuần này, đặc biệt là đối với Philippines – nước đang tiến hành đàm phán với Trung Quốc về thăm dò chung nguồn tài nguyên thiên nhiên tại vùng biển tranh chấp này.
Tại các cuộc họp về COC trong năm nay, Trung Quốc luôn cố đòi quyền phủ quyết về việc các nước Đông Nam Á chủ trì diễn tập quân sự với các nước ngoài khu vực tại các vùng biển tranh chấp. Điều này sẽ tạo ra nguy cơ tiềm ẩn hạn chế sự can dự của quân đội Mỹ với các nước như Thái Lan, Việt Nam, Philippines. Các nhà phân tích an ninh cho rằng các nước Đông Nam Á có thể sẽ không chấp nhận đề xuất nào của Trung Quốc mà ngăn cản họ tập trận chung với Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng thúc giục các nước láng giềng chỉ hợp tác phát triển tài nguyên của khu vực với các nước cùng khu vực. Ông Bolton cho rằng, về nguyên tắc, Mỹ hoan nghênh các cuộc đàm phán, tuy nhiên, “kết quả phải được các nước đàm phán cùng chấp nhận, và phải mang tính chấp nhận được đối với tất cả các quốc gia có quyền về biển hợp pháp, quyền qua lại trên biển và tất cả các quyền phù hợp khác mà Mỹ không muốn bị xâm phạm”. Quân đội Mỹ đã tiến hành các hoạt động tuần tra thường xuyên nhằm thách thức các yêu sách của Trung Quốc Ông Bolton cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy nhanh các hoạt động này và tăng chi tiêu quân sự, nâng cấp độ can dự với các nước khác trong khu vực để tái củng cố vị thế của mình.
Philippines cam kết sớm hoàn thành COC
Ngày 14/11, Inquirer đưa tin, phát biểu tại buổi ăn tối làm việc sau phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33, Tổng thống Philippines Duterte trấn an các nhà lãnh đạo Đông Nam Á rằng Philippines tiếp tục “cam kết” sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và kêu gọi tự kiềm chế tại vùng biển tranh chấp. Tổng thống Duterte cho biết Philippines đã sẵn sàng làm nhiệm vụ của mình là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc từ nay đến năm 2021, “Philippines cam kết làm việc với tất cả các bên liên quan để có đàm phán thực chất và sớm kết thúc một Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả”. Đồng thời, ông Duterte cũng tái khẳng định Manila sẽ “thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông. Điều này bao gồm cả việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, thực hiện tự kiềm chế, tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.
Phó Tổng thống Mỹ thách thức Trung Quốc
Ngày 14/11, Business Insider đưa tin, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã công du quanh các nước Châu Á với một thông điệp dành cho Trung Quốc, đó là “Mỹ sẽ không bị bắt nạt”. Cụ thể, Phó Tổng thống Mỹ đã bay từ Nhật Bản sang Singapore, qua phạm vi 50 dặm từ các tiền đồn của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Ông Pence mô tả chuyến bay này như là một hoạt động tự do hàng hải (FONOP). Thực tế, với khoảng cách như vậy, đây không phải là hoạt động FONOP chính thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh quân đội Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến FONOP thường xuyên trên trên thế giới, chủ yếu là nhằm đưa ra dấu hiệu Mỹ không công nhận yêu sách lãnh thổ của một nước nào đó, ý định của ông Pence đã nhắm trúng đích là chống lại Trung Quốc. Ông Pence cũng nhắc lại bài phát biểu của mình vào tháng trước rằng “Mỹ sẽ không bị bắt nạt. Mỹ sẽ
không quỳ gối. Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tự do hàng hải”, đồng thời, nói thêm rằng, nếu Trung Quốc từ chối tham gia cuộc chơi, vậy thì “Mỹ có mặt ở đây là để ở lại”.
http://biendong.net/diem-tin/24775-ban-tin-bien-dong-ngay-14-11-2018.html
Bản tin Biển Đông ngày 13/11/2018
Tổng thống Duterte sẽ tái khẳng định lập trường về vấn đề Biển Đông
Ngày 13/11, Manila Bulletin đưa tin, theo tuyên bố của Phủ Tổng thống – Điện Malacañang, Tổng thống Philippines Duterte sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN khác tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 tại Singapore. Tại đây, dự kiến, Tổng thống Duterte sẽ tái khẳng định lập trường của Philippines về vấn đề Biển Đông. Theo Phủ Tổng thống, “Tổng thống sẽ nhắc lại lập trường nguyên tắc của Philippines về vấn đề Biển Đông, các vấn đề nội bộ và xuyên biên giới như khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, buôn bán người, buôn bán trái phép chất ma túy và vấn đề giảm thiểu, quản lý rủi ro thiên tai”. Cũng theo Điện Malacañang, Philippines đang dự kiến trao đổi quan điểm về việc xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như thảo luận về tình hình khu vực, thế giới có tác động đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Trung Quốc tiếp tục thăm dò năng lượng ở Biển Đông
Ngày 12/11, China Daily đưa tin, Trung Quốc đã khởi động hoạt động phát triển và xây dựng giếng thăm dò nước sâu đầu tiên của Trung Quốc ở Biển Đông – mỏ khí Lingshui 17-2, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và xây dựng mỏ khí của đất nước. Theo Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, mỏ này có trữ lượng khoảng trên 100 tỷ m3 khí, nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 150km về phía Nam, có độ sâu trung bình là 1450m dưới mực nước biển.
ASEAN – Trung Quốc gặp để giải quyết tranh chấp Biển Đông
Theo hãng tin MSN của Philippines ngày 13/11, vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các Hội nghị liên quan từ ngày 13-16/11 tại Singapore. Tại buổi họp báo trước chuyến đi của đoàn Philippines, Trợ lý Ngoại trưởng Junever Mahilum-West cho biết “Tôi không thể nói chi tiết các cuộc thảo luận. Nhưng chắc chắn sẽ có thảo luận về vấn đề Biển Đông”. Đặc biệt, vấn đề này sẽ được đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc.
Philippines quá mềm mỏng hay đang thận trọng?
Ngày 12/11, tờ Sun Star Cebu đăng bài viết đánh giá về tình hình Biển Đông gần đây và đặt ra câu hỏi liệu Philippines quá mềm mỏng hay chỉ đang thận trọng? Gần đây, Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề Hàng hải và Luật Biển của Đại học Philippines, bày tỏ nghi ngờ về biện hộ của Trung Quốc cho rằng các trạm khí tượng mới được vận hành trên các cấu trúc ở Biển Đông chỉ nhằm phục vụ dịch vụ công cộng cho các quốc gia trong khu vực. Nói chung, các nước đều có các căn cứ quân sự và các trạm khí tượng. Tuy nhiên, những diễn biến mới trên Biển Đông lại gợn lên lo lắng rằng Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) và Bộ Quốc phòng nước này phải cẩn thận, vì những trạm khí tượng mới này có thể sử dụng cho mục đích quân sự, như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng từng đề cập. Trung Quốc thì luôn miệng rêu rao rằng các trạm khí tượng chủ yếu được sử dụng để bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đông. Tuy vậy, vấn đề cần phải nhìn sâu hơn đó là khả năng các dữ liệu được thu thập bởi các trạm khí tượng này có thể được sử dụng vì các mục đích khác với những gì Trung Quốc tuyên bố. Hoặc đó có thể là cách Bắc Kinh che giấu mục đích quân sự của các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Bất kể nguồn thông tin được kiểm chứng là gì, Chính phủ Philippines cũng phải cẩn thận. Jumel G. Estrañero, nhà phân tích quốc phòng của Philippines nhắc nhở nước này đang có các khoản vay từ Trung Quốc, và Bắc Kinh có thể dễ dàng cho nổ tung bong bóng mà có hoặc không có lợi cho cả hai bên. Các phương tiện truyền thông luôn cho rằng Trung Quốc phớt lờ phán quyết Tòa Trọng tài. Điều thú vị ở đây là Tổng thống Duterte cũng đã xếp phán quyết sang một bên để đổi lấy trợ cấp, viện trợ và đầu tư từ Trung Quốc. Ông Estrañero cho rằng khi nào và đâu là thời điểm hoàn hảo để nói về phán quyết sẽ là quyết định của Tổng thống, nhưng các chuyên gia sẽ có hành động thích hợp nếu những báo cáo liên quan đến diễn biến trên Biển Đông là đúng và phù hợp với chỉ đạo của Tổng thống cũng như các quy tắc của luật quốc tế và nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình.
http://biendong.net/diem-tin/24774-ban-tin-bien-dong-ngay-13-11-2018.html
Hàng không mẫu hạm Mỹ tập trận ở Đông Nam Á
Hai hàng không mẫu hạm của Mỹ với khoảng 150 máy bay chiến đấu đang tiến hành các cuộc tập trận “phức tạp” tại Biển Philippines.
Reuters hôm 15/11 dẫn tin từ Hạm đội 7 của Mỹ nói rằng USS Ronald Reagon và USS John C Stennis đang tiến hành các cuộc thao dượt, trong đó có cả việc tập chống tàu ngầm.
Chỉ huy Hạm đội 7, Phó Đô đốc Phil Sawyer, được trích lời nói rằng việc triển khai cả hai hàng không mẫu hạm này mang lại sức mạnh hải quân “vô song”.
Cuộc tập trận này trùng với dịp Phó Tổng thống Mike Pence công du tới khu vực, trong bối cảnh đàm phán về phi hạt nhân hóa với Bắc Hàn có ít dấu hiệu tiến bộ, cũng như trong khi Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng về thương mại.
Trước đó hai ngày, theo Wall Street Journal, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, hôm 13/11, nói rằng Hoa Kỳ sẽ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào giữa Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà giới hạn tự do hàng hải, và tuyên bố rằng tàu bè của Mỹ sẽ tiếp tục ra khơi tại các vùng biển này.
Một ngày sau, hôm 14/11, tại hội nghị cấp cao ở Singapore, Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua một văn kiện quan trọng có tên gọi “Tầm nhìn Đối tác Chiến lược ASEAN – Trung Quốc 2030”, theo Tân Hoa Xã.