Tin Biển Đông – 15/08/2017
Những ‘căn cứ’ nào của VN ở Trường Sa có thể bị tấn công?
Việt Nam hiện có 48 cơ sở trên 27 đảo, bãi đá và bãi ngầm ở khu vực Quần đảo Trường Sa, theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), một tổ chức chuyên nghiên cứu, cập nhật thông tin, phân tích và trao đổi chính sách về các vấn đề an ninh hàng hải thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS).
Con số này không bao gồm hai cơ sở xây cất trên Đá Núi Le (tên tiếng Anh là Cornwallis South Reef) vốn bị bão gây hư hại hồi cuối năm 2015 và hiện không rõ bị bỏ hoang hay là không, bài viết đăng đầu tháng Tám 2017 của AMTI nói.
Sự quan tâm quốc tế nổi lên sau các tường thuật được đưa ra trong thời gian cuối tháng Bảy theo đó nói Việt Nam buộc phải ngưng các hoạt động dầu khí ở Lô 136-3 ở Bãi Tư Chính (tên tiếng Anh là Vanguard Bank) do sức ép từ Trung Quốc.
Quân đội VN làm được gì nếu bị tấn công?
5 điều cần biết về đảo Tri Tôn
Việt Nam cải tạo đường băng ở Trường Sa
Chiến tranh biên giới 1979 qua các con số
Việt Nam đã tiến hành xây cất, cơi nới, bồi đắp trên 10 trong số các đảo, bãi đá mà Hà Nội nắm quyền kiểm soát ở Quần đảo Trường Sa, và tính đến nay, Việt Nam đã bồi đắp được thêm 120acre diện tích tại các địa điểm này, theo AMTI.
Tuy nhiên, đáng chú ý là đa phần cơ sở mà Việt Nam xây cất tại Quần đảo Trường Sa không nằm trên các hòn đảo, AMTI nói, mà chủ yếu được dựng nổi trên các bãi ngầm, các rặng đá. Bởi vậy, các ‘tiền đồn’ này cực kỳ dễ bị tấn công trong lúc khả năng phòng ngự hoặc giao nhận đồ tiếp tế lại khá hạn chế.
Ý thức được điểm bất lợi, kể từ 2014, khi quan hệ Việt – Trung xấu đi trầm trọng sau vụ Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển mà Hà Nội tuyên bố là của mình, Việt Nam đã mở rộng các điểm cơ sở trên biển. Tuy nhiên, mức độ tăng cường mới chỉ được thực hiện ở quy mô khiêm tốn.
Phóng viên BBC Bill Hayton trong bài tường thuật hôm 24/7 dẫn nguồn trong ngành dầu khí Á châu theo đó nói rằng giới lãnh đạo của Repsol, nhà thầu dầu khí ký hợp đồng thăm dò khai thác ở Lô 136-3 với Việt Nam “được chính phủ tại Hà Nội thông báo rằng Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại Quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò”.
Tuy nhiên, Bill Hayton cũng nói với BBC Tiếng Việt rằng nguồn tin của ông không cho biết thêm chi tiết về mối đe dọa này, cũng như các căn cứ nào của Việt Nam có thể là đối tượng bị tấn công.
Các địa điểm Việt Nam kiểm soát ở Quần đảo Trường Sa
Dựa trên các thu thập và phân tích dữ liệu qua vệ tinh, AMTI nói rằng tại nhiều địa điểm, Việt Nam đã xây phức hợp nhiều cơ sở trên cùng một bãi ngầm hoặc rặng đá, khiến người ta khó có thể xác định được chính xác là Hà Nội thực sự đang chiếm đóng ở bao nhiêu đảo, bãi đá, bãi ngầm.
Trong một bài viết đăng hồi giữa năm ngoái, trang Diplomat dẫn nguồn báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, số ra ngày 22/4/1988 nói rằng Việt Nam kể từ sau cuộc đụng độ đẫm máu với Trung Quốc hôm 14/3/1988 trong trận hải chiến Gạc Ma, chiếm giữ tổng số 21 đảo, bãi đá, bãi ngầm lớn nhỏ ở Trường Sa.
Trong số 21 thực thể này, có 9 là các đảo nổi, và 12 là đảo chìm mà Việt Nam có các công trình được xây trên đó.
Việt Nam nói họ duy trì 33 điểm đóng quân tại Trường Sa, trong lúc giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam lâu năm dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói Việt Nam có 48 cơ sở tại đây.
AMTI cũng xác định Việt Nam hiện đã xây dựng được 48 ‘tiền đồn’, nhưng là trên 27 thay vì chỉ 21 thực thể trên biển.
Các cơ sở mà AMTI gọi là ‘tiền đồn’ này được chia làm ba nhóm, gồm các cơ sở xây trên đảo nhỏ mà Việt Nam chiếm đóng (được đánh dấu là ‘islet’ trong bản đồ của AMTI), các khối xây dựng bằng bê tông đặt trên các bãi đá (các ‘pillbox’), và các căn cứ đơn lẻ được xây cất phía trên các bãi cạn, mà Việt Nam gọi là các nhà giàn, chuyên về dịch vụ kinh tế, khoa học, kỹ thuật vì mục đích dân sự, viết tắt là DK.
Hệ thống các nhà giàn DK1
Sự khác biệt giữa các con số mà phía Việt Nam và Hoa Kỳ đưa ra nhiều khả năng là do Việt Nam không coi các cụm nhà giàn DK1 nằm ở Quần đảo Trường Sa.
Việt Nam tuyên bố các nhà giàn thuộc DK1 được đặt trên thềm lục địa của Việt Nam, các đất liền khoảng 250-350 dặm, thuộc quyền quản lý của Hải quân Vùng 2, không thuộc Quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Trung Quốc và Đài Loan thì coi là có.
Hệ thống các cụm nhà giàn thuộc DK1 được xây cất trong thời gian từ cuối thập niên 1980 đến thập niên 1990 nhằm ứng phó với việc Trung Quốc chiếm đóng sáu bãi đá ở Trường Sa và tuyên bố các lô khai thác dầu khí chồng lấn lên các lô của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, AMTI nói.
Theo AMTI, Việt Nam hiện có 14 cụm nhà giàn thuộc DK1, là các điểm được xây dựng một hoặc hai tầng nhà bằng thép, chứa được một lượng lính nhỏ. Một số có mái là bãi đáp trực thăng, và tại một vài nơi có đặt thêm hải đăng.
Kể từ 2014, có tám trong số các cụm nhà giàn này được bổ sung thêm khối cấu trúc đa tầng thứ hai, với bãi đáp trực thăng lớn hơn và có cầu nối với cấu trúc cũ.
Nhóm 24 tiền đồn được xây cất bằng bê tông trên các bãi đá cũng khá dễ bị tấn công nếu so với các cụm nhà giàn DK1. Mỗi tiền đồn này gồm từ một đến bốn cấu trúc bê tông riêng rẽ, được nối với nhau bằng các cầu nối và có cầu cảng nhỏ cho các tàu thuyền cỡ nhỏ neo đậu.
Nhiều căn cứ chỉ có thể tiếp cận được bằng tàu đáy nông chạy vòng quanh rìa bãi đá, khiến chúng trở nên bị cô lập ngay cả khi người ta đứng từ cùng thực thể trên biển có thể nhìn thấy những gì diễn ra trên đó.
Tin tức nói gần đây Việt Nam đã nạo vét các lối đi nối giữa nhiều bãi ngầm này để tàu thuyền cỡ lớn hơn có thể tiếp cận được các tiền đồn.
Hiện không rõ số quân nhân trên các điểm mà Việt Nam kiểm soát là bao nhiêu và người ta ước tính có thể trong khoảng từ vài trăm tới 1000 lính, theo giáo sư Thayer.
AMTI cũng so với mức độ bồi đắp của Việt Nam với Trung Quốc và cho rằng diện tích cơi nới của Việt Nam chỉ đạt chưa bằng 4% so với Bắc Kinh, và cách cơi nới của Hà Nội cũng không gây tác hại tới môi trường nhiều như của Trung Quốc.
Theo dữ liệu của AMTI, các điểm do Việt Nam xây cất, bồi đắp và cơi nới ở Quần đảo Trường Sa gồm:
Đá Tây (tên tiếng Anh là West Reef, Trung Quốc gọi là Tây Tiêu)
Đảo Trường Sa (Spratly Island, Đảo Nam Uy)
Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay, Nam Tử Tiêu)
Đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island, Đảo Cảnh Hoành)
Đảo Sơn Ca (Sand Cay, Bãi Đôn Khiêm Sa)
Đảo Phan Vinh (Pearson Reef, Tất Sanh Tiêu)
Đá Len Đao (Lansdowne Reef, Quỳnh Tiêu)
Đảo Sinh Tồn Đông (Grierson Reef, hoặc còn gọi là Sin Cowe East Island, Bãi Nhiễm Thanh Sa)
Đá Núi Le (Cornwallis South Reef, Nam Hoa Tiêu), và
Đảo Trường Sa Đông (Central Reef, Trung Tiêu)
Ngoài 10 điểm trên, các vị trí khác ở Trường Sa Việt Nam hiện nắm giữ, theo Diplomat, gồm:
Đá Nam (South Reef)
Đá Núi Thị (Petley Reef)
Đảo Nam Yết (Namyit Island)
Đá Lớn (Discovery Great Reef)
Đá Cô Lin (Collins Reef)
Đá Lát (Ladd Reef)
Đá Đông (East Reef)
Đá Tốc Tan (Allison Reef)
Đá Tiên Nữ (Pigeon hoặc Tennent Reef)
Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef), và
Đảo An Bang (Amboyna Cay)
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40925605
Tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ ở Trường Sa
Tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Nghị sĩ Philippines Gary Alejano ngày 14 tháng 8 dẫn nguồn tin quân đội cho biết 5 tàu Trung Quốc xuất hiện gần các bãi cạn ở phía Tây đảo Thị Tứ kể từ hôm 12 tháng 8.
Trang mạng Rappler loan tin nói rõ trong số 5 con tàu này có 2 tàu hộ vệ, 1 tàu tuần duyên và 2 tàu cá cỡ lớn.
Trong phiên họp Hạ viện Philippines, ông Alejano cho biết đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc tiến gần đến những bãi cạn thuộc hòn đảo ở khoảng cách chưa đầy 5 kilomet rưỡi. Đồng thời ông cũng cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc có thể xâm chiếm các bãi cạn ngay phía Tây Thị Tứ, và có thể sử dụng các ngư dân để tấn công hòn đảo này bằng cách ngăn chặn, gây rối ngư dân và tàu công vụ.
Hiện Trung Quốc chưa bình luận gì về phát biểu của ông Alejano.
Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa và hiện đang do Philippines quản lý; và Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Trung Quốc cam kết không chiếm thêm thực thể ở Biển Đông
Bộ Trưởng Quốc phòng Philippines vào chiều tối ngày 14 tháng 8 phát biểu trước quốc hội nước này là Trung Quốc cam đoan sẽ không chiếm thêm thực thể nào nữa ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.
Hãng tin Reuters ngày 15 tháng Tám dẫn lời bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana tại buổi điều trần ở quốc hội Phi, rằng Manila và Bắc Kinh trên nguyên tắc đã đạt tới sự đồng thuận hay có thể nói một phương cách tiên quyết liên quan đến vấn đề ngưng chiếm giữ hay sở hữu thêm những thực thể trong khu vực tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa, đặc biệt trên bãi cạn Scaborough là ngư trường của Philippines mà Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.
Vẫn theo lời Bộ Trưởng Quốc phòng Philippinies, trong tương lai nếu Trung Quốc tìm cách chiếm giữ bất cứ đảo nào trong khu vực này thì đó sẽ là vấn đề rất nghiêm trọng.
Bộ trưởng quốc phòng Delfin Lorenzana không bình luận điều gì khi các đại biểu quốc hội Phi đề cập đến một báo cáo từ quân đội Philippines là 5 chiếc tàu Trung Quốc xuất hiện rất gần, tức trong vòng 5 ki lô mét, quanh vùng đảo Thị Tứ thuộc vùng đảo Trường Sa. Dân biểu Gary Alejano còn cho Reuters biết là hai hôm trước đây những tàu đánh cá Trung Quốc đã chận một tàu tuần tra của Philippines.
Dư âm Hội nghị ASEAN 50
Hội Nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) kết thúc vào ngày 5/8/2017 vừa qua, tuy nhiên một số diễn tiến của kỳ họp này vẫn được quan tâm. RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia về những điểm đáng chú ý đó.
Thông tin cho biết do bất đồng về câu từ liên quan đến vấn đề Biển Đông, mà bản tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 không được thông qua đúng ngày kết thúc mà phải sang ngày 6/8/2017 mới được chính thức công bố. Việt Nam là quốc gia yêu cầu phải có từ ngữ mạnh mẽ về hoạt động của Trung Quốc cho bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự trên những đảo đó. Điều này dẫn đến bất đồng gây chậm trễ việc công bố tuyên bố chung.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore có nhận định:
“Nếu Việt Nam cứng rắn, mạnh mẽ hơn, thì nếu không đạt được toàn bộ ý nguyện của mình, thì ít nhất cũng bảo vệ được một phần. Còn nếu như Việt Nam không lên tiếng, không đưa ra các lập trường cứng rắn thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị thiệt thòi.”
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, cũng thừa nhận điểm này:
“Có một số người thì cho rằng Việt Nam cũng có một cố gắng nỗ lực trong việc kêu gọi, có những tiếng nói mạnh mẽ hơn trong lên án Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo.”
Giới quan sát nhận định là Trung Quốc tiếp tục cố gắng áp lực gây chia rẽ các quốc gia ASEAN, nhất là trong vấn đề Biển Đông.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nhận xét về điểm này:
“Phải nói là Việt Nam vừa rồi, tôi có cảm giác, là càng khó khăn thì Việt Nam càng có bản lĩnh và càng vượt qua được thách thức để vận động ASEAN. Cuối cùng là bản tuyên bố chung có ghi điều đó.”
Tại hội nghị tại Manila vừa qua, nhóm các quốc gia Đông Nam Á- ASEAN và Trung Quốc thông qua được khung dự thảo Bản Quy tắc Ứng xử của các bên tại Biển Đông- COC. Đây được cho là một kết quả; tuy nhiên cũng có những trở ngại phải vượt qua để đạt được thỏa thuận.
Tin cho biết một số nước, trong đó có Việt Nam mong muốn COC trong tương lai phải mang tính ràng buộc về mặt pháp lý; đây là điều mà Trung Quốc không hề muốn. Để thông qua, một số nước như Philippines cho rằng có thể chấp nhận dự thảo khung COC như đưa ra.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng cho biết yêu cầu của Việt Nam đối với COC là không thể như “bản copy” của Bản Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002 – vốn không có ý nghĩa ràng buộc.
“Hướng của Trung Quốc và nguy hiểm là một số thành viên ASEAN cũng đồng thuận với TQ là muốn cái này chỉ là bộ khung, sao chép lại DOC.”
Ông Hoàng Việt nhận định, trong tương lai gần, để có được COC “vẫn là một vấn đề xa vời”, có nhiều khó khăn, bởi các nước ASEAN còn bị chia rẽ:
“Vì COC thì tất cả các quốc gia kể cả Trung Quốc đều phải đồng ý rằng cần phải có COC, nhưng mà nội dung COC như thế nào mới là một vấn đề và Trung Quốc thì lúc nào cũng muốn một COC có lợi choTrung Quốc, trong đó không nhắc tới vấn đề Hoàng Sa, còn đương nhiên các quốc gia ASEAN, trong đó có ViệtNam thì lại muốn có nhắc đến vấn đề Hoàng Sa, cũngnhư là phản ảnh các quan điểm của phiên tòa trọng tàinăm 2016 mà Philippines kiện Trung Quốc đấy, cũng phải được đưa vào COC. Nhưng Trung Quốc thì không muốn việc này.”
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp lý giải về ý đồ của Bắc Kinh khi không muốn có COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý:
“Rất dễ hiểu vì Trung Quốc là quốc gia chiếm ưu thế trên biển Đông, và họ muốn mở rộng sức mạnh hải quân, sức mạnh trên biển Đông, chính vì vậy họ không muốn ràng buộc hành động, bởi các văn kiện pháp lý. Họ muốn có quyền tự do hành động lớn hơn. Chính vì vậy Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để làm cho COC, nếu như được thông qua, sẽ ít có giá trị, ràng buộc pháp lý, để họ có thể có quyền tự do hành động một cách tự do trên biển Đông.”
Việt Nam luôn nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông cần phải được quốc tế hoá, đa phương hoá, bởi Biển Đông là một vùng biển quan trọng, mang tính toàn cầu, liên quan đến các nước lớn. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, đường lối quốc tế hoá chỉ có thể phát huy khi nội lực của Việt Nam phải mạnh mẽ:
“Nếu bên trong anh phát huy được những cái định chế về dân chủ hoá, và anh làm cho thực lực phát triển vững mạnh. Thì cái đa dạng hoá, quốc tế hoá bên ngoài mới phát huy. Chứ bên trong anh bó lại, ví dụ vừa rồi VN không cho truyền thông trong nước nhắc gì đến vấn đề này thì tôi cho đó là một hạ sách, vì anh không phát huy được cái nội lực, sức mạnh đoàn kết bên trong với cái mở rộng về đường lối đối ngoại, quốc tế hoá ở bên ngoài.”
Năm nay Việt Nam kỷ niệm tròn 22 năm chính thức gia nhập ASEAN sau một giai đoạn được đánh giá có nhiều sóng gió, mâu thuẫn giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong những năm 1980, từ sau cuộc chiến Việt Nam – Cambodia năm 1979. Kể từ khi gia nhập ASEAN, bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam có thay đổi chính sách đối ngoại, từ lấy ý thức hệ làm chủ đạo sang hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, ASEAN hiện nay là một khối “phân rã”, đang đứng giữa thách thức “ngã ba đường” bởi nhân tố Trung Quốc.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/southchinaseadispute/echo-asean-50-rfa-08152017074158.html