Tin Biển Đông – 15/06/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 15/06/2020

Sau vụ đâm tàu ở Hoàng Sa, viện trưởng TQ nói VN ‘trả giá đắt’ nếu kiện về Biển Đông

Một tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm và suýt làm chìn một tàu cá Việt Nam hôm 10/6 trong vùng quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp, dẫn đến phản đối từ Hội Nghề cá Việt Nam.

Chỉ hai ngày sau vụ việc, viện trưởng một viện nghiên cứu của Trung Quốc về Biển Đông viết cho một dự án nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh rằng sẽ có những hậu quả nếu Việt Nam dấn tới trong việc kiện về Biển Đông tại tòa trọng tài quốc tế.

Hội nghề cá lên án, phản đối

Các báo Việt Nam hôm 14/6 dẫn lời Bộ Ngoại giao tại Hà Nội cho hay một tàu sắt và một ca nô Trung Quốc đâm, va vào một tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam, vào ngày 10/6, ở gần đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Tàu cá Việt Nam “có nguy cơ bị chìm” và 16 thuyền viên của tàu bị rơi xuống biển vì các cú đâm từ tàu Trung Quốc, theo tường thuật của VNExpress, Tuổi Trẻ, Sức Khỏe và Đời Sống.

Riêng báo Sức Khỏe và Đời Sống nêu cụ thể là “lực lượng Hải cảnh Trung Quốc” đã “đâm húc, cướp phá tài sản tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi”, gây thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

VNExpress và Tuổi Trẻ cho biết rằng ngay trong cùng ngày xảy ra vụ việc, hai đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam là Cục Lãnh sự và Đại sứ quán ở Bắc Kinh đã “trao đổi” với phía Trung Quốc, “khẳng định chủ quyền” của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, “yêu cầu” phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin sự việc và thông báo kết quả cho Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết.

Tin tức của VNExpress và Tuổi Trẻ không cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam có đưa ra lời lên án hay phản đối Trung Quốc về vụ việc hay không.

Hai cơ quan báo chí này tường thuật rằng Bộ Ngoại giao “đề nghị” các cơ quan chức năng Việt Nam “sớm có các biện pháp giao thiệp cần thiết” với phía Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân.

Ngày 12/6, tàu cá bị nạn đã về đến Quảng Ngãi, vẫn theo tin của VNExpress và Tuổi Trẻ.

Trong khi đó, tin của Sức Khỏe và Đời Sống nói hôm 13/6 rằng Hội Nghề cá Việt Nam “lên án và phản đối hành động vô nhân đạo” nêu trên của Trung Quốc.

Hội này cũng “đề nghị” các cơ quan chức năng của Việt Nam “phản đối kịch liệt” với phía Trung Quốc để chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công như kể trên tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời, “yêu cầu” Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền về Hoàng Sa, song trên thực tế, Trung Quốc giành quyền kiểm soát hầu hết quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng Hòa kể từ đầu năm 1974. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay không nắm giữ thực thể nào ở đó.

Hai ngày sau vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm, một học giả Trung Quốc đưa ra nhận định hôm 12/6 rằng Việt Nam có thể nhận một số hậu quả nếu kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông.

Theo tìm hiểu của VOA, tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia của Trung Quốc, nêu ra ý kiến trong bài viết cho chương trình “Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải” (tức Biển Đông), thuộc Viện Nghiên cứu Hải dương tại Đại học Bắc Kinh.

Việt Nam có động lực nào để khởi kiện?

Trong bài viết bằng tiếng Anh có nhan đề “Liệu Việt Nam có suy nghĩ kỹ trước khi nộp đơn kiện về Nam Hải (tức Biển Đông)?”, vị Viện trưởng họ Ngô đặt giả thiết rằng nếu Việt Nam khởi kiện, Việt Nam sẽ làm giống như Philippines.

Hồi tháng 7/2016, sau khi xem xét đơn kiện của Manila chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, một tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mặc dù phán quyết của tòa trọng tài không có cơ chế thực thi nào đi kèm, song nhiều chuyên gia pháp lý quốc tế và Việt Nam vẫn xem đó là một thắng lợi lịch sử, không chỉ đối với nguyên đơn là Philippines mà cho cả các nước khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, bao gồm Việt Nam.

Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, vị Viện trưởng của Trung Quốc, cho rằng có thể có 4 lý do mà Việt Nam toan tính để tiến tới khởi kiện Trung Quốc, theo bài viết của học giả này mà VOA đọc được.

Lý do thứ nhất, theo ông Ngô, là Việt Nam có lẽ muốn biến việc chiếm giữ các đảo và rạn san hô ở Trường Sa trở thành việc có tính vĩnh viễn, và như vậy sẽ làm suy yếu chủ quyền lãnh thổ và yêu sách về các quyền hàng hải của Trung Quốc.

Thứ hai, Việt Nam tin rằng việc phân xử qua tòa trọng tài như vậy sẽ tạo cơ sở cho việc chống lại các hành động của Trung Quốc, cũng như tạo cơ sở cho cộng đồng quốc tế trợ giúp Việt Nam, Viện trưởng Ngô Sĩ Tồn viết.

Lý do thứ ba là Việt Nam có thể cố làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc, làm cho nước này bị xem là “bắt nạt” những nước yếu hơn và không tôn trọng luật pháp quốc tế, nhằm đưaTrung Quốc vào thế bất lợi. Theo học giả họ Ngô, tính toán này của Việt Nam cũng phù hợp với cách tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ trong việc kiềm chế Trung Quốc.

Cuối cùng, có khả năng là Việt Nam hy vọng kết quả tiềm tàng từ phân xử của tòa trọng tài sẽ trì hoãn các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tối đa hóa lợi ích của mình trong khu vực, tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn viết.

Tuy nhiên, học giả Trung Quốc này cho rằng nếu Việt Nam dấn tới khởi kiện Trung Quốc, đó sẽ là việc làm “không khôn ngoan” và Việt Nam “sẽ phải trả giá”.

TQ ‘sẽ’ cứng rắn ở Trường Sa, Bãi Tư Chính

“Nếu Việt Nam liều lĩnh dám nộp đơn kiện ra tòa trọng tài, tôi tin rằng Trung Quốc sẽ không ngồi yên”, Viện trưởng Ngô viết.

Tiếp đến, học giả này liệt kê ra những động thái đáp trả mà Trung Quốc có thể tiến hành, trong đó, hàng đầu là Trung Quốc có thể công bố đường cơ sở thể hiện lãnh hải của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, mà họ gọi là Nam Sa.

Thứ hai, Trung Quốc có thể hành động cứng rắn hơn và trấn áp mạnh hơn đối với việc ngư dân Việt Nam đánh bắt cá mà Bắc Kinh gọi là “bất hợp pháp” tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đặt tên là Tây Sa, vẫn theo lời Viện trưởng Ngô Sỹ Tồn.

Ngoài vụ đâm tàu mới nhất xảy ra hôm 10/6 nêu ở phần đầu bản tin, Trung Quốc đã nhiều lần đâm chìm hoặc bắt giữ, phạt tiền các tàu các Việt Nam ở vùng biển này trong các năm gần đây.

Một biện pháp đáp trả nữa từ phía Bắc Kinh nếu Hà Nội khởi kiện, theo vị tiến sĩ Trung Quốc, là đất nước 1,4 tỷ dân “có thể kìm hãm và chặn đứng” quá trình quân sự hóa của Việt Nam trên các đảo và các rạn san hô nằm trong tay Việt Nam.

Viện trưởng Ngô Sĩ Tồn phác họa về một số hành động mang tính chiến thuật như “chặn đường và xua đuổi tàu Việt Nam đi vào vùng biển không được phép”, làm đứt nguồn cung cấp hậu cần cho binh sĩ Việt Nam đồn trú trên các đảo và rạn san hô. “Các biện pháp quản lý và kiểm soát hơn thế nữa sẽ được thực hiện nếu cần”, tiến sĩ Ngô cảnh báo.

Cuối cùng, vị Viện trưởng của Trung Quốc nói nước của ông ta có thể khởi sự thăm dò dầu khí trong Bãi Tư Chính. “Nếu Việt Nam nộp đơn khởi kiện, Trung Quốc có thể nhân cơ hội này đi trực tiếp vào Bãi Tư Chính mà không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào để khởi động việc thăm dò dầu khí … Đây sẽ là một bước đột phá đối với Trung Quốc, là hoạt động thăm dò dầu khí đầu tiên ở khu vực Nam Sa”, tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn viết.

Kết luận bài viết, học giả họ Ngô khẳng định nếu chọn con đường kiện tụng, Việt Nam sẽ chứng kiến quan hệ Việt-Trung bị thụt lùi và “trả giá đắt” cho những biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc.

“Việt Nam nên nghĩ kỹ trước khi nộp đơn kiện”, Viện trưởng Ngô Sĩ Tồn nhấn mạnh.

Tham khảo với giới nghiên cứu, VOA được biết rằng ở đất nước Trung Quốc dưới quyền lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản, quan điểm của một viện trưởng như ông Ngô Sĩ Tồn không thể có sự khác biệt với quan điểm của đảng và nhà nước Trung Quốc.

Ba ngày sau khi vị Viện trưởng của Trung Quốc nêu ra quan điểm chứa đựng những ý tứ đe dọa, đến thời điểm bài báo này của VOA được đăng, phía Việt Nam vẫn chưa có phản ứng chính thức nào.

https://www.voatiengviet.com/a/sau-vu-dam-tau-o-hoang-sa-vien-truong-tq-noi-vn-tra-gia-dat-neu-kien-ve-bien-dong/5462927.html

 

Lầu Năm Góc: TQ ‘quấy rối’ và ‘thách thức’ Mỹ

 trên Biển Đông trong đại dịch

Lầu Năm Góc nói quân đội Mỹ đã có vài cuộc chạm trán ‘không an toàn’ với quân đội vũ trang Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian đại dịch Covid-19, việc này làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai nước.

Kể từ giữa tháng Ba, cùng thời điểm tàu sân bay Mỹ tiến vào đảo Guam, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối máy bay trinh sát Mỹ ít nhất 9 lần trên Biển Đông, ông Reed B. Werner, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách khu vực Đông Nam Á, nói với Fox News.

Carl Thayer nhận định việc Mỹ mời VN tập trận Vành đai Thái Bình Dương

TQ lại lấn át ở Biển Đông, VN còn trông đợi Mỹ được không?

Biển Đông: VN làm gì để giữ chủ quyền khi ‘ở vào thế yếu’?

Trung Quốc dường như đã lợi dụng tình hình và tăng cường quấy rối quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực của họ trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, theo ông Werner.

Ông Werner nói, rằng với việc triển khai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân ở đảo Gam tại vùng biển Thái Bình Dương, quân đội Trung Quốc tiếp tục có ‘hành vi leo thang và nguy hiểm’.

Ông Werner cũng dẫn ra các vụ quấy rối tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin neo đậu tại Nhật Bản hồi tháng trước gần một nhóm tàu sân bay Trung Quốc đang tuần tra qua Biển Đông. Một con tàu hộ tống của Trung Quốc đã được điều khiển một cách không an toàn và không chuyên nghiệp.

Các cuộc đối đầu gần đây giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ chưa từng được báo cáo trước đây.

Ông Werner nói với Fox News rằng Lầu Năm Góc phát hiện ra “một khuynh hướng vô cùng đáng lo ngại”, và rằng Mỹ đã đưa ra các khiếu nại chính thức và không chính thức về các vụ việc này.

Ông nói thêm: “Chúng tôi tiếp tục thấy hành vi gây bất ổn của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian xảy ra đại dịch virus corona. Khi các nước tập trung vào nước mình, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép ra bên ngoài.”

“Điều này bao gồm việc Trung Quốc quấy rối các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực, bao gồm các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á [ASEAN]. Tuần trước, Hải quân Hoa Kỳ đã phái tàu chiến đấu duyên hải Gabrielle Giffords tới gần một giàn khai thác dầu khí ngoài khơi Malaysia sau khi bị tàu thăm dò địa chất của chính phủ Trung Quốc và các tàu chiến khác quấy rối.

Trung Quốc đã thảo luận với các thành viên ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Nhưng ông Werner nói rằng Lầu Năm Góc hoài nghi về sự chân thành của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán.

“Họ tiếp tục đe dọa và bắt nạt các nước khác,” ông nói, cáo buộc Bắc Kinh phá vỡ các cam kết khác trong quá khứ, bao gồm cả cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng năm 2015 về việc không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ông Werner cho biết các đội tàu đánh cá của Trung Quốc cũng đang hướng xa hơn về phía Nam từ quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông xuống quần đảo Natuna gần Malaysia và Indonesia.

Ông Werner cáo buộc Bắc Kinh về hành vi cưỡng ép, gây bất ổn và khai thác thương mại ở Đông Nam Á.

Tàu sân bay Theodore Roosevelt sẽ ra khơi cuối tuần này trước Ngày tưởng niệm, sau khi dịch Covid-19 bùng phát làm hơn 1.000 thủy thủ tàu bị lây nhiễm, các quan chức Hải quân Mỹ cho biết hôm thứ Ba.

Mỹ tăng cường hiện diện trên Biển Đông

Theo Businessinsider, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng các đối thủ của Mỹ đang cố gắng lợi dùng tình hình hiện nay trên toàn cầu, nhưng nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sẵn sàng đáp ứng các thách thức này và bảo vệ quyền lợi của Mỹ.

Mỹ đang ngày càng tăng cường tìm cách thể hiện sự hiện diện của mình ở Biển Đông, đặc biệt sau khi đại dịch Covid-19 khiến vai trò của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt bị mờ nhạt. Virus corona khởi phát từ Trung Quốc, và cả hai nước đã đổ lỗi cho nhau, thậm chí tới mức thúc đẩy các thuyết âm mưu.

Trong những tháng qua, các tàu của hải quân Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra và tự do hàng hải trên Biển Đông, cũng như quá cảnh ở eo biển Đài Loan. Không quân Mỹ cũng thực hiện tuần tra ở khu vực này.

Các hoạt động này của Mỹ đã được triển khai từ tháng Ba. Tàu Mỹ đã thực hiện ba cuộc tuần tra thể hiện tự do hàng hải trên Biển Đông nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Máy bay ném bom Mỹ cũng thực hiện hai cuộc bay tuần tra ở khu vực trên Biển Đông.

Phản ứng lại các hoạt động nói trên của Mỹ, Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) nói Mỹ nên tập trung chống dịch Covid-19 thay vì thực hiện các hoạt động quân sự.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52749463

 

Tàu chiến Mỹ chọc thủng đội hình hộ tống,

 áp sát tàu Trung Quốc trên Biển Đông?

An Bình

Ông Hu Bo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng hải thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), đã trích lời một Hải quân Trung Quốc ẩn danh trong một bài viết trên tạp chí The Diplomat, rằng tàu chiến Mỹ đã từng áp sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở khoảng cách chưa đầy 100m khi nó đang hoạt động trên Biển Đông.

Ông Hu Bo viết rằng từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, Hải quân Mỹ đã phái một số tàu chiến, bao gồm tàu đổ bộ tấn công USS America LHA-6 và tàu chiến ven bờ, đến khu vực tàu khoan dầu West Capella để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ông Hu Bo khẳng định hải quân Trung Quốc khi đó cũng đã đáp trả bằng việc triển khai số lượng tàu tương đương. Cuộc đối đầu giữa hai bên đã thu hút sự chú ý rộng rãi của truyền thông.

Một trường hợp khác ít công khai hơn là đội tàu sân bay Trung Quốc đang thực hiện huấn luyện trên Biển Đông trong khi đó tàu chiến Mỹ và nhiều máy bay quân sự Mỹ theo sau nó.

Ông Bo viết rằng một sĩ quan hải quân Trung Quốc giấu tên tiết lộ cuộc đối đầu căng thẳng tới mức tàu chiến Mỹ đã áp sát tàu sân bay Trung Quốc ở khoảng cách chưa đầy 100m. Hiện chưa có thông tin kiểm chứng độ xác thực về bài viết của ông Bo.

Giới quan sát nhận định bài viết này dường như là một động thái tuyên truyền nhằm mô tả Hoa Kỳ là một kẻ gây hấn ở Biển Đông. Mặt khác, nếu câu chuyện của ông Bo là thật, điều đó cho thấy đội tàu sân bay Liêu Ninh yếu kém đến mức để cho một tàu chiến Mỹ chọc thủng đội hình hộ tống và áp sát ở cự ly gần như vậy.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gần đây đã trở nên căng thẳng trên nhiều phương diện, trong đó có Biển Đông. Gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gửi một công hàm lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) để phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bức công hàm nêu rõ: “Một lần nữa, Mỹ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các quy định quốc tế về tuyên bố chủ quyền như đã nêu trong Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực thi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài về Biển Đông và ngừng các hành động khiêu khích trong khu vực”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tin-tuc-the-gioi/tau-chien-my-choc-thung-doi-hinh-ho-tong-ap-sat-tau-trung-quoc-tren-bien-dong.html

 

Biển Đông: Có ngoại lực, thiếu đoàn kết,

Việt Nam – ASEAN vẫn bị Trung Quốc ép

Thu Hằng

RCEP và COC là hai hồ sơ được kỳ vọng hoàn thiện trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 nhưng dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tiến độ của cả hai hồ sơ thương mại và Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Cùng lúc, Trung Quốc tận dụng thời cơ dịch bệnh để tăng tốc hiện diện, phô diễn sức mạnh quân sự chèn ép các nước trong vùng, theo nhận định của nhiều nhà phân tích.

Biển Đông : Mặt trận bên ngoài thứ 3 của Trung Quốc

Trung Quốc từ lâu đã quen sách nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí, tầu cá, liên tục vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines. Chiến lược ngày càng hung hăng của Trung Quốc có nguy cơ dẫn đến những xung đột mới với các nước lớn khác trong vùng, như Malaysia và Indonesia nằm sát gần những tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa ở Biển Đông.

« Hàng ngày có hàng chục tầu hải cảnh Trung Quốc khuấy đảo quanh các đảo ở Trường Sa và có hàng trăm tầu cá sẵn sàng ra khơi », theo nhận định của Greg Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), được trang CNN trích ngày 08/06/2020. Vẫn theo chuyên gia Poling, « những hòn đảo này đầy những radar giám sát. Chúng theo dõi được hết những gì xảy ra ở Biển Đông. Trong quá khứ, Trung Quốc không biết bạn khoan dầu ở đâu, giờ thì họ biết chính xác vị trí ». Và dĩ nhiên kể cả mọi hoạt động của tầu thuyền trong vùng.

Về mặt hành chính, Trung Quốc ngang nhiên lập trái phép hai « quận » mới Tây Sa (Xisha) tại Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa, trực thuộc « thành phố Tam Sa » (Sansha) để hoàn thiện và củng cố hệ thống quản lý ở vùng biển chiến lược này. Về quân sự, Hải Quân Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông từ cuối tháng 04 đến đầu tháng 05/2020, trong đó có cả tầu sân bay Liêu Ninh tham gia. Ngân sách quốc phòng cũng được Quốc Hội Trung Quốc bỏ phiếu tăng thêm 6,6%. Về điểm này, giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân Sự Pháp (IRSEM) nhận định với RFI Tiếng Việt :

« Kỳ họp Quốc Hội hàng năm là sự kiện lớn, quan trọng đối với chính trị Trung Quốc. Kỳ họp lần này diễn ra sau đỉnh điểm khủng hoảng dịch tễ Covid-19 trong khi cách xử lý dịch của Trung Quốc bị phản đối từ trong nước lẫn ở nước ngoài, đặc biệt phải kể đến việc tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với quốc tế.

Trong bối cảnh căng thẳng, chính quyền Bắc Kinh cần phải khuấy động tinh thần dân tộc nhằm tái thể hiện sức mạnh Trung Quốc trước một sự kiện mang ý nghĩa lớn, đó là kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2021 (ngày 23/07/1921). Chính quyền trung ương tỏ rõ quyết tâm trong việc tập hợp, tăng cường đoàn kết dân tộc và khẳng định vị trí cường quốc bên trong lãnh thổ cũng như ở các vùng ngoại vi của nước này, như Đài Loan, Hồng Kông và mặt trận bên ngoài thứ ba chính là Biển Đông. Trong cả ba trường hợp, tầm cỡ tinh thần quốc gia và chính sách đối nội đều rất quan trọng ».

ASEAN : Tìm ngoại lực nhưng cần đoàn kết nội lực

Biển Đông trở thành lá bài cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Không dừng ở việc tăng cường cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOPS) trên không và trên biển, Mỹ tiếp tục hỗ trợ trực tiếp nhiều nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc : Chỉ tính từ đầu năm 2020, tầu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm cảng Đà Nẵng Việt Nam (tháng 03), chiến hạm Mỹ « hiện diện » gần khu vực giàn thăm dò dầu khí West Capella của Malaysia (tháng 04), tặng nhiều máy bay không người lái cho Hải quân Malaysia (tháng 05)…

Ngoài Philippines, ba nước khác có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc gồm Việt Nam, Malaysia và Indonesia, đã tỏ ra mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và phản đối yêu sách của Bắc Kinh. Trên phương diện ngoại giao, ba nước lần lượt gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối « đường 9 đoạn » của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.

Phía Việt Nam không nêu đích danh Trung Quốc đe dọa ổn định, hòa bình và thịnh vượng ở Biển Đông, nhưng tiếp tục khẳng định lập trường đàm phán để giải quyết tranh chấp trong Sách Trắng Quốc Phòng 2019 :

« Trong khi chờ đạt được một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc cần nỗ lực giữ ổn định tình hình ở Biển Đông ; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 mà cả hai nước đều là thành viên ký kết ; nghiêm chỉnh thực hiện DOC, tiến tới xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc ; tuân thủ thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước ; Việt Nam ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông ; không có hành động làm phức tạp thêm tình hình hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không quân sự hóa, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ».

Một sự kiện khác được nhiều chuyên gia nêu làm ví dụ cho những thay đổi tích cực mới trong quan hệ giữa Hà Nội và Washington, đó là Việt Nam, cũng như New Zealand và Hàn Quốc được mời tham gia cuộc họp trực tuyến « Quad Plus » ngày 27/03/2020 với « Bộ Tứ » gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, trong đó nhiệm vụ chính của Quad là đoàn kết chống đà bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhận định trên là « hơi vội vàng », theo đánh giá của chuyên gia Pháp Benoît de Tréglodé :

« Đây là sự tham gia không chính thức, trong khuôn khổ xử lý dịch Covid-19 do chiến lược chống dịch của Việt Nam và Hàn Quốc là ví dụ hữu ích cho các đối tác trong vùng. Đó không phải là sự thay đổi của Việt Nam về lôgic liên minh, có nghĩa là thiên về phương Tây hay ngả theo Mỹ trong khu vực. Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam không hề có ý định thể hiện thái độ như vậy trong khi chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam…

Năm 2020 là một năm rất đặc biệt. Việt Nam chủ tịch luân phiên của khối ASEAN, còn nước Lào bé nhỏ thì điều phối quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ. Tôi không thấy là ASEAN sẽ xem xét lại khuôn khổ quan hệ giữa khối với hai đại cường như thế nào. Mười nước ASEAN đã tái thể hiện rõ ràng trước Mỹ và quốc tế rằng họ không muốn bị ép phải chọn làm đồng minh với bên này mà không phải bên kia. Dĩ nhiên họ muốn được tiếp tục hưởng sự che chở từ Hoa Kỳ, mà vẫn duy trì được mối quan hệ, trong đó có lĩnh vực kinh tế rất có lợi với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc ».

Khó kỳ vọng đúc kết COC trong nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam

Nửa đầu năm nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Việt Nam đã bị dịch Covid-19 bao phủ. Các cuộc họp chỉ được tiến hành trực tuyến thông qua cầu truyền hình, thiếu tiếp xúc trực tiếp, trong khi các cuộc họp song phương, đa phương bên lề các thượng đỉnh hoặc thời điểm nghỉ ngơi tiếp xúc hậu trường thường là những cơ hội để trao đổi hiệu quả để đi đến một thỏa thuận, theo giáo sư Jay Batongbacal, chuyên ngành vấn đề hàng hải, đại học Philippines, được trang VOA trích dẫn ngày 08/06/2020.

Thiếu những cuộc gặp trực tiếp cũng là một bất lợi để có thể làm giảm căng thẳng ở Biển Đông, theo ý kiến của ông Nguyễn Thành Trung, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Biển Đông hiện là một trong những điểm nóng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé nhận định :

« Cuối cùng, trong khuôn khổ quan hệ Mỹ-Trung và ASEAN, còn có một yếu tố quan trọng, đó là cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) để có được một công cụ điều chỉnh liên quốc gia về những căng thẳng ở trong vùng. Về điểm này, ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đến việc Bộ Quy tắc Ứng xử COC trong tương lai phải bao gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), trong khi đây là điểm bất đồng giữa Trung Quốc và các nước đối tác Đông Nam Á...

Mục đích đầu tiên của COC là tạo lập quan hệ song phương giữa Trung Quốc và khối ASEAN, từng bước triển khai một cơ chế điều tiết các thách thức về an ninh trong vùng và loại khỏi khu vực này mọi yếu tố nước ngoài và dĩ nhiên là kể cả sự can thiệp của Mỹ. Đây là thách thức lớn trong cuộc đàm phán hiện nay, vì dĩ nhiên, Hoa Kỳ, kể cả Nhật Bản và Ấn Độ, không muốn cảm thấy bị gạt khỏi một khu vực qua lại và trung chuyển quan trọng.

Vì thế, theo tôi, đây là một trong những yếu tố giải thích rằng các cuộc đàm phán về COC có nguy cơ bị kéo dài, thêm vào đó là bối cảnh dịch bệnh hiện nay, cũng như những căng thẳng thực sự bùng nổ giữa Mỹ và Trung Quốc. Với tôi, văn kiện này khó có thể được đưa ra vào năm nay ».

Thái độ cứng rắn của Washington trước những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được thể hiện một lần nữa trong công thư gửi lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ngày 01/06/2020, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài năm 2016. ASEAN có thêm một tiếng nói ủng hộ có trọng lượng của Mỹ.

« Trung Quốc có lẽ đã tự đánh giá quá cao khi tỏ thái độ hăm dọa và hiếu chiến như vậy. Điều này tạo cơ hội cho những nước bị đe dọa liên kết với nhau. Trung Quốc càng tấn công, các đối tác trong liên minh đó lại càng đoàn kết và đẩy lùi Trung Quốc ». Đây là đánh giá khá đầy đủ về tình hình hiện nay ở Biển Đông, được giáo sư James Holmes, Trường Hải Chiến Mỹ (US Naval War College), đưa ra trong một hội thảo vào tháng 05/2020 và được CNN trích dẫn.

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200615-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-c%C3%B3-ngo%E1%BA%A1i-l%E1%BB%B1c-thi%E1%BA%BFu-%C4%91o%C3%A0n-k%E1%BA%BFt-vi%E1%BB%87t-nam-asean-v%E1%BA%ABn-b%E1%BB%8B-trung-qu%E1%BB%91c-%C3%A9p