Tin Biển Đông – 15/06/2018
Trung Quốc diễn tập tấn công tên lửa ở Biển Đông
Truyền thông Trung Quốc hôm 15/6 cho biết hải quân nước này đang diễn tập ở Biển Đông, mô phỏng việc chống lại một cuộc tấn công trên không. Động thái này diễn ra giữa lúc Trung Quốc và Hoa Kỳ đang đổ lỗi cho nhau trong việc làm gia tăng căng thẳng trên tuyến hàng hải đầy tranh chấp này, theo Reuters.
Giữa chuyến thăm Bắc Kinh hôm 14/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng bày tỏ lo ngại về nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Phát biểu của ông được đưa ra sau một loạt các hoạt động của Mỹ trong khu vực, bao gồm đưa máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ bay gần các đảo tranh chấp, khiến Bắc Kinh mạnh mẽ phản đối.
Cuộc tập trận tên lửa tấn công giả định của Hải quân Trung Quốc, tại một khu vực không rõ ở Biển Đông, sử dụng ba máy bay không người lái, bay ở các độ cao khác nhau, hướng đến một đội hình tàu chiến làm mục tiêu, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc cho biết.
Cuộc tập trận thuộc khuôn khổ của một chương trình đào tạo không được nêu tên, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho tác chiến thực tế với các mục tiêu trên không, sau khi lãnh đạo Trung Quốc cho rằng một số chương trình huấn luyện không chuẩn bị hiệu quả cho quân đội.
Hoa Kỳ và Trung Quốc thường xuyên chỉ trích nhau về việc ai đang quân sự hóa Biển Đông, trong đó Bắc Kinh quy lỗi cho các hoạt động “tự do hàng hải” của hải quân Mỹ.
Washington nói các hoạt động này là cần thiết để chống lại nỗ lực hạn chế lưu thông hàng hải của Trung Quốc trong khu vực.
Trong tháng 5, Một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân lớn của Hoa Kỳ.
Các nhà phê bình cho rằng các hoạt động trên ít có tác động lên hành vi của Trung Quốc và phần lớn chỉ mang tính biểu tượng.
Các giới chức Lầu Năm Góc lâu nay phàn nàn rằng Trung Quốc không thành thật về việc tăng tốc xây dựng quân đội và sử dụng các hòn đảo ở Biển Đông để thu thập thông tin tình báo.
Ngoài Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Tăng cường cho lực lượng hải quân là một phần quan trọng trong chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng của Trung Quốc, dưới sự giám sát của Chủ tịch Tập Cận Bình, giữa lúc nước này tìm cách vươn cánh tay quyền lực ra khỏi vùng biển của mình.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc hôm thứ Sáu cho thấy hình ảnh của ông Tập đi thăm một tàu ngầm ở thành phố cảng Thanh Đảo ở miền Bắc, nơi ông được giới thiệu về hệ thống vũ khí, trò chuyện với các thủy thủ và đặt câu hỏi về việc đào tạo hạm đội tàu ngầm.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-dien-tap-tan-cong-ten-lua-o-bien-dong/4440498.html
TC Chiếm Biển Đông, Ngăn Sông Cửu Long
Vi Anh
Trung Cộng đang mưu đồ bành trướng trọn bán đảo Đông dương, biến bán đảo Indochina/Indochine thành bán đảo China, xoá chữ Indo trên bản đồ thế giới. Nạn nhân trầm trọng là Việt Nam và Campuchia, Lào, trầm trọng nhứt là Việt Nam. VN là nước ở hạ nguồn sát biển, sông Cửu Long/ Mekong là nguồn sống với nước ngọt, cá tôm, với Đồng Bằng Cửu Long là vựa lúa, vựa cá, hai món ăn căn bản, cơm bữa, hàng ngày của dân tộc Việt.
Viện Lowy của Úc mới đây tiếp tục đánh động thế giới về mưu đồ của Trung Quốc đối với sông Mekong, đặc biệt sau khi nước này quân sự hóa xong Biển Đông. Với khuyến cáo Đông Nam Á cần phải hành động trước khi quá muộn.
Bài viết dưới đây đăng trên trang The Interpreter của Viện Lowy do chuyên gia Elliot Brennan chấp bút. Ông Brennan là nhà nghiên cứu độc lập từng cộng tác với Viện An ninh và chính sách phát triển (Thụy Điển), trang phân tích quốc phòng IHS Jane, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ).
Theo Ông sau bao nhiêu ồn ào, đến giờ phút này có thể nói công cuộc bồi đắp và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông đã gần xong. Bắc Kinh giờ đây có thể kiểm soát một trong những tuyến vận tải huyết mạch của thế giới, biến luật pháp quốc tế thành trò đùa. Trước đó vị tướng sắp được Quân Lực Mỹ cử làm Tư Lịnh Lực Lượng Mỹ ở Ấn độ-Thái bình dương, Đô đốc Philip Davidson trong cuộc điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 17/04/2018 để được chuẩn thuận báo động về những mối đe dọa mà Bắc Kinh đặt ra, và kêu gọi Washington mau chóng tăng cường quân bị và khí tài để đối phó. Ông chỉ rõ “Trên Biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng một loạt các trạm ra đa, trung tâm tác chiến điện tử và thiết bị phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Nỗi quan ngại của vị tư lệnh Mỹ rất lớn, vì theo ông, quân đội TQ có thể sử dụng các căn cứ đó để mở rộng ảnh hưởng đến những nơi cách Trung Quốc hàng ngàn cây số, tung lực lượng viễn chinh đến tận vùng Châu Đại Dương. Đô đốc Philip Davidson kết luận, TQ hiện đủ mạnh để có thể “thâu tóm” Biển Đông và chỉ có một cuộc xung đột vũ trang mới có thể ngăn chặn điều này.
Còn TC càng ngày càng bành trướng không những trên biển mà còn trên đất liền nữa, giành làm chủ sông Mekong, ngăn chận sông Mekong làm cho các nước hạ nguồn cạn dòng nước ngọt, mà VN là nước cuối nguồn ra biển bị thiệt hại nặng nhứt.
TC cho xây hệ thống đập thuỷ điện dày đặc để kiểm soát dòng chảy Mekong để khống chế khả năng tiếp cận nguồn lương thực – sinh kế của hàng trăm triệu triệu người sống ven sông.
Nếu gộp lại, các đập của Trung Quốc có thể giữ tổng cộng 23 tỉ mét khối nước – tương đương 27% lượng nước chảy hàng năm giữa Trung Quốc và Thái Lan. Tổ chức UNESCO và Viện Môi trường Stockholm dự báo lượng phù sa của sông Mekong sẽ giảm 94% một khi các con đập mới xây xong, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đánh bắt cá và sức khỏe nói chung của sông Mekong.
Người ta dự báo trong 50 năm tới, các nền kinh tế hạ lưu sông Mekong sẽ tổn thất ròng khoảng 7,3 tỉ USD, trong đó hai nước cuối nguồn là Việt Nam và Campuchia sẽ thiệt hại nhiều nhất. Đó là chưa kể những tổn thất không thể nào đo đếm được về mặt xã hội.
Nhiều nước và tổ chức quốc tế lo lắng nhận thấy TC dùng đập nước như một “vũ khí hủy diệt” để thực hiện điều mà người Trung hoa xưa trong truyện Tàu gọi là thuỷ trận. Chỉ cần Trung Quốc xả một lượng nước lớn nhưng không thông báo trước, hiệu ứng domino sẽ buộc các đập dưới hạ nguồn phải xả đồng loạt và gây ra lũ quét trên diện rộng.
Trung Quốc cũng có thể làm mưa nhân tạo ở các vùng khô hạn trên Cao nguyên Tây Tạng thêm 10 tỉ m3 – tương đương 7% mức tiêu thụ nước hiện tại của Trung Quốc – bằng công nghệ “cloud seeding” (gieo mây, làm mưa nhân tạo). Nước mưa rơi xuống Cao nguyên Tây Tạng một phần sẽ chảy dồn vào lưu vực của các con sông xuyên quốc gia như Mekong, Brahmaputra, Indus, và Salween; phần còn lại Trung Quốc có thể điều tiết tùy theo nhu cầu của họ bằng hệ thống đập và công trình thủy lợi.
Tuy nhiên, chuyên gia Janos Pasztor thuộc Tổ chức Hội đồng Carnegie (Mỹ), lưu ý rằng công nghệ “cloud seeding” không tạo ra thêm mưa mà nó chỉ lấy ở nơi này chuyển sang nơi khác, tức là khiến mưa xảy ra ở một nơi nhất định, có nghĩa ở một nơi khác mưa sẽ biến mất”.
Kiểm soát thời tiết, bảo đảm rằng mưa rơi trên lãnh thổ Trung Quốc chính là bước tiếp theo giúp Bắc Kinh kiểm soát dòng nước chảy vào các nước láng giềng. Điều này đáng sợ một phần cũng do thành tích quản lý môi trường khét tiếng của Trung Quốc: 70% sông hồ ở Trung Quốc ô nhiễm nặng.
Trái ngược với hành động bồi đắp ở Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành trên sông Mekong cái gọi là “Dự án Cải thiện luồng lạch”. Nói đơn giản, đó là hành động cho phá nổ các cồn đất, bãi đá và luồng xoáy trên sông Mekong để hình thành nên tuyến giao thông xuyên qua trái tim của lục địa Đông Nam Á đến tận Lào.
Trớ trêu nằm ở chỗ, cái giá để tạo ra tuyến vận chuyển mới cho hàng hóa Trung Quốc xâm chiếm khu vực lại là những tổn thất nặng nề về môi trường và xã hội của chính các nền kinh tế Đông Nam Á.
Có lẽ vì thấy trước điều này nên Thái Lan đến nay vẫn chưa đồng ý với dự án nạo vét sông Mekong trên phần đất của mình.
Mối quan ngại về sông Mekong và nhiều con sông khác trong chiến lược địa chính trị của Trung Quốc không phải mới mẻ, nhưng dường như nhiều sự kiện nhỏ đã dẫn cả khu vực đến “điểm tới hạn” – tức bước ngoặt dẫn đến những thay đổi lớn. Các nước Đông Nam Á chỉ có 2 lựa chọn, phản ứng hoặc ngồi yên chịu tổn thất.
Nhứt là VN, Biển Đông TC đã chiếm 90%. Hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa TC cũng đã chiếm và quân sự hoá gần hết. Trong đất liền TC đã khống chế Sông Cửu Long. Lần đầu tiên trong lịch sử VN, quân Tàu chiếm giang sơn gấm vóc VN, TC không cần rút một cây gươm, nổ một phát súng. CSVN quá lệ thuộc quân Tàu chỉ lên tiếng phản đối chiếu lệ cho dân bớt bất mãn. Trái lại Đảng Nhà Nước CSVN còn âm thầm làm luật bán đất, bán nước cho TC. Bộ Chánh trị sai Quốc Hội CS thông qua dự luật Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Theo luật này CSVN cho mướn đất tới 99 năm, giảm thuế rất nhiều cho công ty mướn, và cho người TQ qua đặc khu không cần visa chiếu khán nhập cảnh của VN. Chắc chắn CSVN sẽ ưu tiên cho TQ mướn.
Ba đặc khu này là ba khu vực hiểm yếu về an ninh quốc phòng cho đất nước VN mà ý đồ của TC là muốn chiếm lĩnh và biến thành đặc khu chiến lược của TC. Từ hình thức đến nội dung dự luật này cho thấy Đảng CSVN nhượng địa cho TQ làm tô giới 99 năm như Nhà Mãn Thanh cai trị TQ nhượng địa Hong Kong cho quân Anh làm tô giới 99 năm.
Thế cho nên người dân Việt ở Bắc, ở Trung, ở Nam, ở Hải ngoại đứng lên nhất tề biểu tình chống CS bán nước cho Quân Tàu. CSVN lo sợ đêm hôm khuya khoắt phải họp hoả tốc và 3 giờ khuya phải ra thông cáo lùi lại việc thông qua dự luật này sang kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV./.(VA)
https://vietbao.com/p123a282179/tc-chiem-bien-dong-ngan-song-cuu-long
Mỹ quan ngại Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Quân đội Trung Quốc đã đẩy nhanh việc quân sự hóa các đảo tranh chấp trên Biển Đông với việc triển khai các hệ thống tên lửa tân tiến trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Lầu Năm Góc cho biết.
Các quan chức quốc phòng tiết lộ với tờ Washington Free Beacon rằng việc quân sự hóa này đã gióng lên hồi chuông báo động về việc Trung Quốc đang từ từ giành quyền kiểm soát tuyến đường biển chiến lược với giá trị hàng hóa vận chuyển qua hàng năm vào khoảng 5.000 tỷ đô la Mỹ.
Các quan chức này đã nhận thấy quan ngại của Bộ Quốc phòng Mỹ được đề cập chi tiết trong bản báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc sắp được công bố. Bản báo cáo hàng năm cho Quốc hội dự kiến sẽ được công bố trong tương lai gần.
“Trung Quốc đang tiếp tục triển khai dần dần các thiết bị quân sự đến tiền đồn trên các đảo mà họ nắm giữ thuộc quần đảo Trường Sa,” một quan chức cấp cao cho biết.
“Việc triển khai này bao gồm các thiết bị phá sóng quân sự cũng như các hệ thống tên lửa chống hạm và đối không tân tiến.”
“Hệ thống tên lửa này là hệ thống tên lửa mặt đất có uy lực nhất mà Trung Quốc triển khai trên Biển Đông,” quan chức này nói.
Các tên lửa này được nhận diện là tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B vốn cho phép quân đội Trung Quốc khả năng bắn các tàu trong khoảng cách 340 dặm – đủ để nhắm vào các chiến hạm của Mỹ vốn thường xuyên đi qua vùng biển này trong khuôn khổ các chiến dịch tự do hàng hải.
Việc lắp đặt tên lửa ở quần đảo Trường Sa lần đầu tiên được Cục Tình báo Quốc phòng phát hiện vài năm trước. Vào lúc đó, các tên lửa được đánh giá là có tầm bắn rất ngắn chỉ vài dặm.
Tuy nhiên, Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ đã báo cáo nội bộ rằng các tên lửa mới được đặt trên cơ sở quân sự cũ có thể được sử dụng để tấn công các tàu chiến ở tầm xa – một dấu hiệu cho thấy cuối cùng cũng sẽ thay thế tên lửa tầm ngắn bằng những vũ khí mang tính sát thương cao hơn. Điều này dường như đã xảy ra với việc triển khai các tên lửa YJ-12B.
Các tên lửa phòng không được Lầu Năm Góc nhận diện là hoặc là tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc là HQ-9B với tầm bắn lên đến 184 dặm.
Các tên lửa lớp HQ-9 có khả năng bắn hạ máy bay, các thiết bị bay không người lái và tên lửa hành trình.
Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các tên lửa này đã yên vị tại Trường Sa.
Mới đây Fox News đưa tin rằng Trung Quốc dường như đã dời các tên lửa phòng không ra khỏi đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng tường thuật rằng chúng đã được đưa trở lại.
Vị quan chức cấp cao này cho biết Ngũ Giác Đài đang chuẩn bị đáp trả lại sự triển khai khí tài mạnh bạo này của Trung Quốc trên Biển Đông với một loạt các hành động.
Bên cạnh việc triển khai tên lửa, Trung Quốc còn làm Mỹ tức giận với việc chiếu tia laser vào các máy bay chở hàng quân sự của Mỹ bay gần căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi. Hành động chiếu tia laser này đã làm tổn thương mắt của phi công trên hai chuyến bay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis lần đầu tiên đưa ra quan ngại của Lầu Năm Góc về việc quân sự hóa các đảo của Trung Quốc tại một bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la vào đầu tháng Sáu.
“Việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông bao gồm triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, các thiết bị phá sóng điện tử và mới đây nhất các máy bay ném bom đã hạ cánh trên đảo Woody,” ông Mattis nói, sử dụng cách gọi quốc tế đối với đảo Phú Lâm.
“Mặc dù Trung Quốc tuyên bố ngược lại, việc triển khai các khí tài này gắn trực tiếp với việc sử dụng quân sự cho mục đích bắt nạt và cưỡng ép,” ông nói thêm.
Ông Mattis còn lưu ý rằng hành động quân sự hóa này trực tiếp đi ngược lại với lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015 rằng Bắc Kinh không có kế hoạch quân sự hóa các đảo.
Người đứng đầu mới của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip Davidson, thông báo với Ủy ban Quân lực Thượng viện bằng văn bản hồi tháng Tư rằng các vũ khí điện tử được triển khai trên quần đảo Trường Sa bao gồm nhiều loại radar và các thiết bị tấn công điện tử.
“Những thiết bị này đã tăng cường đáng kể năng lực nhận biết khu vực theo thời gian thực và năng lực phá sóng điện tử của Giải phóng quân Trung Quốc ở một khu vực rộng lớn trên Biển Đông, đặt ra thách thức lớn đối với hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực,” ông Davidson cho biết.
Các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên bảy thực thể của Trường Sa bao gồm nhà để máy bay, doanh trại, nhiên liệu dưới lòng đất và các thiết bị trữ nước dùng cho mục đích ‘tấn công và phòng thủ’.
Với hệ thống khí tài này, Đô đốc Davidson đưa ra cảnh báo: “Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ có khả năng sử dụng những căn cứ này để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và bất kỳ lực lượng nào đợc triển khai đến các đảo sẽ dễ dàng áp chế lực lượng quân sự của bất kỳ quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Nói ngắn gọn, giờ đây Trung Quốc đã có thể kiểm soát Biển Đông trong mọi kịch bản chỉ trừ chiến tranh với Mỹ.”
Ông Rick Fisher, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, nói rằng các tên lửa ở quần đảo Trường Sa có thể được cất giữ trên đảo Phú Lâm và được đưa về phía nam.
“Để răn đe Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Kỳ cần phải đặt các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tấn công tầm xa trong khu vực,” ông Fisher nói.
“Nếu chúng không thể được đặt ở Philippines thì chúng ta cần phải đặt chúng trên tàu, hay nhanh chóng phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung của riêng chúng ta trên đảo Guam.”
Ông Fisher said còn nói rằng các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc ‘cần phải được làm cho hiểu rằng bất cứ hành động sử dụng vũ khí nào từ các đảo họ chiếm giữ trên Biển Đông sẽ dẫn đến hậu quả là các căn cứ phi pháp của họ sẽ bị phá hủy ngay lập tức’.
Đại úy Hải quân về hưu Jim Fanell nói rằng nếu việc triển khai tên ở Trường Sa được xác nhận thì nó gia tăng nguy cơ quân sự trong khu vực.
“Mục tiêu tối hậu của Trung Quốc là đẩy lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi châu Á và thay thế bằng hải quân của họ vốn có thể áp đặt việc khôi phục của cái mà Bắc Kinh tin là chủ quyền lãnh thổ của họ – toàn bộ vùng biển nằm tron Đường chín đoạn trên Biển Đông,” Fanell nói.
“Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực không nên bị coi nhẹ,” ông nói thêm. “Như chúng ta đã thấy trong chiến dịch ‘sức ép tối đa’ của chính quyền đối với Bắc Triều Tiên, cách làm tương tự có thể đem đến kết quả trước Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định:
Mỹ chống quân sự hóa Biển Đông
Trong chuyến ghé thăm Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo hôm 14/06/2018 đã không ngần ngại nêu bật với cả đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị lẫn chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Washington hết sức quan ngại trước các hành vi quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông. Thái độ cứng rắn của Hoa Kỳ được thể hiện đúng vào lúc Bắc Kinh tiếp tục cho tiến hành tập trận bắn tên lửa tại khu vực Biển Đông.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong một thông cáo công bố hôm qua, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết là tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ đã tiếp xúc với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như các mối quan ngại của Mỹ trước các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông..
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ xác định : « Ngoại trưởng Pompeo đã tái khẳng định mối quan ngại sâu sắc (của Mỹ) về các hoạt động xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông, vì lẽ những hành động này làm gia tăng căng thẳng, khiến tranh chấp trở nên phức tạp và leo thang, đe dọa tự do thương mại và phá hoại sự ổn định của khu vực ».
Ngoại trưởng Mỹ cũng đã công khai nêu bật quan điểm trên đây trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh.
Theo hãng tin Pháp AFP, trước các nhà báo, ông Mike Pompeo xác nhận rằng ông đã nhắc lại với phía Trung Quốc về các mối quan ngại của Mỹ trước các nỗ lực của Trung Quốc « nhằm xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, đe dọa tự do thương mại và chủ quyền của những quốc gia khác cũng như gây bất ổn trong khu vực ».
Lời chỉ trích của ngoại trưởng Mỹ nhắm vào Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục cho tập trận trong khu vực.
Trung Quốc tập trận bắn tên lửa ở Biển Đông
Theo báo chí Trung Quốc vào hôm nay, 15/06/2018, Bắc Kinh vừa cho tiến hành một cuộc tập trận tên lửa tại Biển Đông, sử dụng đến máy bay không người lái.
Theo Reuters, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc cho biết là cuộc tập trận hải quân diễn ra ở một khu vực không xác định trên Biển Đông, sử dụng 3 máy bay không người lái bay bên trên một đội tàu ở nhiều độ cao khác nhau. Cuộc tập trận này mô phỏng việc chống lại một cuộc tấn công từ trên không.
Thời điểm diễn ra cuộc tập trận cũng không được xác định, nhưng diễn ra ít lâu sau vụ Hoa Kỳ cho hai chiếc oanh tạc cơ B-52 bay gần các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở khu vực Trường Sa trên Biển Đông.