Tin Biển Đông – 15/03/2020
Quân đội Trung Quốc nói
đã đuổi tàu chiến Mỹ khỏi khu vực Hoàng Sa
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 12/3 loan tin cho biết quân đội nước này đã đuổi một tàu chiến Mỹ khỏi vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đang chiếm đóng ở Biển Đông, và gọi hành động của Mỹ là phô trương sức mạnh nhằm tạo ảnh hưởng trong khu vực.
Trang tin China Daily trích lời Đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Miền Nam, Quân đội Nhân dân Trung Quốc cho biết, tàu USS McCampbell có tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ đã vào vùng nước của Trung Quốc hôm 11/3 mà không được phép. Quân đội Trung Quốc đã huy động hải quân và không quân theo sát tàu Mỹ, cảnh báo và đuổi tàu Mỹ khỏi khu vực.
“Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo (Hoàng Sa) ở Biển Đông và vùng nước xung quanh. Quân đội Trung Quốc duy trì cảnh giác cao độ mọi lúc và sẽ có những biện pháp cần thiết kiên quyết bảo vệ chủ quyền, hoà bình và ổn định ở Biển Đông”, người phát ngôn Li Huamin nói.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trích lời một chuyên gia hải quân của Trung Quốc là Li Jie nhận định Hoa Kỳ đang nhìn nhận Biển Đông là chiến trường chính chống lại Trung Quốc và sẽ gia tăng các hoạt động trong tương lai vì Mỹ đang ngày càng mất sự ảnh hưởng của mình ở Biển Đông.
Báo Trung Quốc cũng cho biết hồi cuối tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đã đuổi một tàu chiến khác của Mỹ là tàu Montgomery khỏi vùng nước gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước.
Từ năm 2015, Hoa Kỳ đã thực hiện chương trình tự do hàng hải (FONOP), gửi tàu chiến và máy bay đi quan khu vực Biển Đông, thách thức đòi hỏi về chủ quyền quá mức của Trung Quốc ở vùng nước tranh chấp.
Trung Quốc hiện đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển và đã bị Toà Trọng tài quốc tế bác bỏ tính hợp lý.
Những nước khác cũng đòi chủ quyền ở khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương TQ đẩy mạnh
hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông
Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hôm 5/3 thông báo sẽ cấp phép cho hai mũi khoan thăm dò khí và bán sản phẩm dầu khí tại mỏ Lục Phong, thuộc khu vực khu phức hợp ở Biển Đông vào năm 2021.
Trang web của Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo thông tin về việc sẽ cấp phép cho hai mũi khoan thăm dò khí và bán sản phẩm dầu khí tại mỏ Lục Phong, thuộc khu vực khu phức hợp ở Biển Đông vào năm 2021. Mặc dù thông tin chi tiết không được tiết lộ, song động thái của CNOOC có sự thống nhất với nhiều lần mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí của Trung Quốc ở khu vực Vịnh Bắc Bộ. Đáng chú ý, nhiều điểm mời thầu của Trung Quốc nằm trong đường phân định Vịnh Bắc Bộ, thậm chí còn bên trong khu vực thuộc chủ quyền của các nước khác.
Theo các thông báo trước đây hồi tháng 7/2019, CNOOC mời thầu khoảng 10 lô dầu khí với tổng diện tích lên đến 9.761 km2, trong đó có 5 khu vực ở bồn địa Châu Giang Khẩu với diện tích 993km2; 1 khu vực ở bồn địa Quỳnh Đông Nam và 1 khu vực ở bồn địa Oanh Ca Hải, với diện tích 2.257km2; 1 khu vực hợp tác chiến lược ở Quỳnh Đông Nam, với diện tích lên đến 6.511km2. Ngoài ra, CNOOC còn kêu gọi hợp tác khai thác tại 6 giếng dầu và bồn địa khác ở khu vực Châu Giang Khẩu, Oanh Ca Hải và Quỳnh Đông Nam. CNOOC cho biết, đây là những khu vực thăm dò dầu khí nước sâu, hợp tác trên tinh thần “cùng thắng”.
CNOOC đã nhiều lần mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí trái phép ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tháng 6/2012, Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài, tổng diện tích của khu vực này là 160.129,38 km2. Các lô này nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động Dầu khí từ lâu nay. Tháng 8/2012, CNOOC ngang nhiên công bố mời thầu khai thác 26 lô dầu khí, trong đó có 22 lô ở phía Bắc Biển Đông và nằm gần duyên hải tỉnh Quảng Đông và Hải Nam. Tháng 10/2013, Bắc Kinh mời các công ty nước ngoài hợp tác thăm dò khai thác tại 25 lô dầu khí trong đó có 17 lô ở Biển Đông, các lô còn lại bao gồm 3 lô ở Biển Hoa Đông, cùng 5 lô ở Hoàng Hải và biển Bột Hải. Tổng cộng 25 lô dầu khí này trải dài trên khu vực rộng hơn 102.000 km2. Tháng 11/2014, Trung Quốc mời các tập đoàn nước ngoài đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở Biển Đông, có diện tích 126,000 km2. Tháng 2/2016, Trung Quốc thông báo mời nước ngoài khai thác 18 lô dầu khí tại Biển Đông và Biển Hoa Đông với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông. Một số lô trong số này nằm gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Một số lô khác nằm gần quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát.
Hiện nay, xét về mặt tiêu thụ năng lượng, Trung Quốc đang đứng hàng thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Cơn khát năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc là hậu quả của sự bùng nổ kinh tế kéo dài suốt 30 năm qua, đi kèm với nó là sự mở rộng ngoại thương, gia tăng thu nhập, gia tăng dân số và đô thị hoá không ngừng. Nhu cầu đối với mọi dạng năng lượng như than đá, dầu mỏ, khí đốt, điện, nước, các dạng năng lượng khác có khả năng phục hồi và cả năng lượng hạt nhân, trở nên tăng vọt. Nhờ nguồn dự trữ lớn, hiện nay than đang là loại nhiên liệu số 1 của Trung Quốc và cung ứng 2/3 nhu cầu năng lượng của nước này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng cao, đặc biệt là dầu mỏ. Sau khi Trung Quốc quyết định mở rộng sản xuất khí đốt tự nhiên, gas có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của Bắc Kinh. Do sự phụ thuộc ngày một nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu nên Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực rất lớn để củng cố an ninh năng lượng quốc gia. Để đáp ứng nguồn cung về năng lượng, Trung Quốc tích cực thúc đẩy thăm dò, khai thác dầu khí ở trên lục địa cũng như các vùng biển.
Nhìn chung hàng năm, Trung Quốc đều thực hiện đấu thầu các lô thăm dò, khai thác dầu khí ở ngoài khơi, nhằm độc chiếm nguồn dầu mỏ trên Biển Đông và Hoa Đông, bất chấp việc xâm phạm lãnh hải của các nước khác trong khu vực. Các động thái tương tự như trên còn nhằm củng cố cho tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.