Tin Biển Đông – 15/02/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 15/02/2019

4 tác nhân khiến cục diện Biển Đông

năm 2019 “yên mà không ổn”

Chính quyền Donald Trump coi vấn đề Biển Đông là một trong những biện pháp quan trọng trong chính sách cạnh tranh và kiềm chế chiến lược đối với Trung Quốc.

Ngày 11/2/2019, hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Đây là đợt tuần tra tự do hàng hải thứ hai của Washington tại Biển Đông trong năm 2019, nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc.

Các chuyên gia dự báo năm 2019, Biển Đông tiếp tục “yên mà không ổn”.

Do quá trình phân phối quyền lực, hoạch định quy tắc và xây dựng quyền phát ngôn của khu vực Biển Đông hiện nay diễn ra tương đối sôi động nên đã làm cho các bên có lợi ích liên quan tiến hành cuộc đọ sức quyết liệt mới.

Trong thời gian tới, xu thế ổn định của tình hình Biển Đông chưa chắc sẽ nảy sinh những chuyển biến xấu nhưng so với trước đây, sẽ thể hiện đặc trưng “có sự bất ổn trong ổn định, có lúc nóng lên, tranh chấp ngày càng gay gắt, bất đồng nổi rõ” và những nhân tố sau có thể gây ra cục diện này:

Một là, hành động khiêu khích quân sự của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông sẽ ngày càng tăng lên.

Chính quyền Donald Trump coi vấn đề Biển Đông là một trong những biện pháp quan trọng trong chính sách cạnh tranh và kiềm chế chiến lược đối với Trung Quốc.

Bên cạnh việc thể hiện một cách công khai hoạt động tự do hàng hải còn sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn để kiềm chế ảnh hưởng và sức răn đe mà Trung Quốc liên tục thể hiện ở Biển Đông.

Do đó, Washington phải thông qua việc tăng cường hoặc nâng cấp hoạt động tự do hàng hải để gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông.

Nhật Bản cũng coi vấn đề Biển Đông là cơ hội làm nên công tích lớn hơn về chính trị và quân sự.

Kế hoạch phòng vệ Nhật Bản đưa ra tháng 12/2018 tuyên bố trong vòng 05 năm sẽ cải tạo tàu sân bay trực thăng JDS Izumo (DDH-183) thành tàu sân bay chở máy bay chiến đấu F-35B.

Điều này không những sẽ nâng cao năng lực điều chuyển lực lượng quân sự của Nhật Bản đối với khu vực Biển Đông mà còn làm cho ảnh hưởng quân sự và chính trị của Nhật Bản được nâng cao một cách thực chất.

Trước sự lôi kéo của Mỹ, không loại trừ khả năng Australia và Anh sẽ tiếp tục sử dụng các hành động quân sự mang tính khiêu khích nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông.

Điều đáng chú ý là, hoạt động quân sự và bố trí lực lượng của Mỹ cùng các đồng minh ở Biển Đông có thể được phối hợp chặt chẽ của một số nước trong khu vực. Theo đó, yếu tố an ninh quân sự ở khu vực Biển Đông cũng sẽ trở nên khó lường hơn.

Hai là, bất đồng và mâu thuẫn giữa các bên có liên quan cả ở trong và ngoài khu vực xoay quanh đàm phán COC sẽ dần nổi rõ.

Tuy đàm phán COC không liên quan đến chủ trương lãnh thổ và phân định ranh giới biển của các bên có tranh chấp nhưng không thể tránh khỏi việc sẽ nảy sinh mối liên quan với chủ quyền và yêu sách chủ quyền trên biển với các bên có tranh chấp.

Đồng thời, cũng liên quan đến việc xây dựng bản đồ địa chính trị Biển Đông dựa trên trật tự và quy tắc nên các bên có liên quan trong khu vực chắc chắn sẽ có xem xét lợi ích quan trọng khác nhau.

Một mặt, giữa Trung Quốc và các nước ASEAN cũng như giữa các nước ASEAN khó tránh khỏi có bất đồng đối với các quan trọng như phạm vi địa lý thích hợp của COC.

Mặt khác, các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia…cũng có liên quan đến vấn đề bố trí cơ sở quân sự trên các đảo, đá ở Biển Đông, hoạt động quân sự trên vùng biển tranh chấp.

Cùng với việc thúc đẩy đàm phán COC, những mâu thuẫn và bất đồng này sẽ bộc lộ rõ hơn, đàm phán COC cũng sẽ bước vào thời kỳ đầy khó khăn.

Ba là, chịu ảnh hưởng còn sót lại của phán quyết Tòa Trọng tài về Biển Đông, cộng thêm các nước bên ngoài gây chia rẽ, một số nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông có thể áp dụng hành động mạo hiểm đơn phương.

Trong đó, không thể loại trừ khả năng xảy ra va chạm và xung đột mới giữa các nước có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông như các thế lực cứng rắn ở Philippines liên tục tạo ra trở ngại cho hợp tác giữa nước này với Trung Quốc.

Các nước khác cũng có toan tính của riêng mình nên sẽ không tỏ ra tích cực đối với các chương trình hợp tác trên biển do Trung Quốc khởi xướng.

Tổng quan lịch sử hợp tác trên Biển Đông từ những năm 1990 đến nay, mong muốn của các nước tuyên bố chủ quyền có liên quan đối với triển khai hợp tác thiết thực ở Biển Đông vốn không mạnh mẽ;

Giờ đây cộng thêm phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 khiến cho việc thực hiện các chương trình hợp tác trên biển ở Biển Đông “không lạnh cũng không nóng”.

Bốn là, khả năng Đài Loan đưa ra lập trường thụt lùi trong vấn đề Biển Đông. Từ khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền năm 2016, Đài Loan cơ bản không có hành động nào trong vấn đề Biển Đông.

Đài Loan không đưa ra bất cứ bình luận nào về hành động của các nước bên ngoài và cũng không bác bỏ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông.

Cùng với việc Mỹ tiếp tục sử dụng Đài Loan để điều chỉnh trong quan hệ Mỹ-Trung theo hướng có lợi cho Mỹ, có khả năng chính quyền của bà Thái Anh Văn sẽ tìm cách nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông để đổi lấy sự ủng hộ thực tế của Mỹ và ASEAN đối với chủ trương “Đài Loan độc lập” mà Trung Quốc phản đối.

Trong thời gian tới, cùng với việc thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ và các nước đồng minh dẫn dắt, mức độ can dự của các nước bên ngoài vào Biển Đông có thể sẽ tăng lên, cuộc đọ sức địa chính trị và xây dựng trật tự khu vực sẽ trở thành đặc trưng chủ yếu của tình hình Biển Đông.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/26224-4-tac-nhan-khien-cuc-dien-bien-dong-nam-2019-yen-ma-khong-on.html

 

Dư luận lên án việc TQ biện minh hoạt động quân sự

 ở quần đảo Trường Sa chỉ mang tính “phòng vệ”

Trung Quốc hiện bao biện rằng các cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) do nước này thiết lập là “hoàn toàn mang tính phòng vệ”. Tuy nhiên, giới chuyên gia và dư luận chung cho rằng xét trên khía cạnh chủ quyền, luật pháp quốc tế và xu thế phát triển hiện nay thì lập luận trên của Trung Quốc là hoàn toàn vô lý và rõ ràng là nhằm che giấu cho hoạt động quân sự hóa nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông mà nước này đang theo đuổi.

TQ quân sự hóa Biển Đông

Có khá nhiều thông tin, chứng cứ xác thực về việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông và đang đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực. Hồi tháng 5/2018, hãng CNBC dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc âm thầm lắp đặt tên lửa hành trình YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B đến Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là 3 trong số 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp. Theo CNBC, tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 có thể nhắm vào tàu thuyền trong bán kính 295 hải lý còn tên lửa đất đối không HQ-9B có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 257 km. Chuyên gia về Biển Đông tại Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ nhận định đây sẽ là những tên lửa đầu tiên tại Trường Sa, dù là tên lửa đất đối không hay chống hạm. Cũng trong năm 2018, Bắc Kinh đã ngang ngược đưa máy bay ném bom đến Hoàng Sa, đồng thời triển khai tên lửa, thiết bị gây nhiễu sóng, súng điện từ… ở Trường Sa. Nhiều bãi đá san hồ giờ đây đã được Trung Quốc bồi đắp và biến chúng thành những tiền đồn quân sự đồ sộ để phục vụ cho những ý đồ của nước này.

Ngang nhiên bao biện là để “tự vệ”

Tại cuộc họp báo bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tổ chức tại Singapore hồi tháng 8/2018, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ra sức bao biện bảo vệ hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông, nói rằng đây là cách để tự vệ trước sức ép an ninh từ Mỹ và các nước khác ngoài khu vực. “Một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã đưa vũ khí chiến lược lớn đến khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, như là cách để phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm Trung Quốc. Tôi e rằng đây là động lực lớn nhất cho việc Trung Quốc thúc đẩy việc quân sự hóa tại khu vực”, tờ Straits Times dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị.Ngoài ra, khi được hỏi liệu các nước khác có hành động đáp trả vì hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hay không, ông nàylại cao giọng tuyên bố “Trung Quốc hoàn toàn có quyền làm những việc đó vì Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.Và bởi vì ngày càng có nhiều áp lực với Trung Quốc, việc Trung Quốc tiến hành thêm nhiều biện pháp tự vệ là điều tự nhiên”. Trước đây, Trung Quốc thường bác các thông tin liên qua việc nước này quân sự hóa các đảo, đá ở Biển Đông được các nước công bố. Tuy nhiên, trước việc có quá nhiều bằng chứng xác thực cho thấy Trung Quốc đã quân sự hóa mạnh mẽ, rõ ràng ở Biển Đông thì nước này phải thay đổi phản ứng và công khai thừa nhận.

Phản ứng, dư luận phản đối, bác bỏ lý lẽ “tự vệ”của TQ

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam; trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); gây phức tạp tình hình và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng Nghị sĩ James Inhofe (01/2019) đã cảnh báo Trung Quốc gần đây liên tục tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với các thực thể trên Biển Đông trước khi biến chúng thành các “pháo đài” với đầy đủ trang thiết bị và vũ khí. Thượng Nghị sĩ James Inhofe so sánh việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông như việc nước này đang chuẩn bị cho Chiến tranh Thế giới thứ ba. Trong chuyến thăm Singapore và tham dự diễn đàn an ninh Fullerton (01/2019), Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne đã kêu gọi Trung Quốc xem xét lại cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông, cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và gia tăng quan ngại. Ông cho rằng việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế sẽ giúp xây dựng lòng tin rằng Trung Quốc ủng hộ và đề cao văn hóa chiến lược, trong đó tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia khác. Theo Bộ trưởng Christopher Pyne việc xây dựng và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông không làm gia tăng lòng tin trong khu vực về ý đồ chiến lược của Trung Quốc, thay vào đó càng làm gia tăng sự lo lắng. Ông Christopher Pyne chỉ ra rằng các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ trở thành mối đe dọa với quy tắc pháp luật, đồng thời cảnh báo Australia sẵn sàng tiến hành các hoạt động đa phương trên Biển Đông để chứng minh rằng đó là vùng biển quốc tế.

Giới chuyên gia và người dân các nước cho rằng lý lẽ cho rằng quân sự hóa ở Trường Sa chỉ là để “phòng vệ” của Trung Quốc là hoàn toàn thiếu thuyết phục và không có cơ sở. Do: Thứ nhất, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Trường Sa và nước này đang tìm mọi cách để theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Như chúng ta đã biết, Toà Trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (7/2016) đã ra Phán quyết bác bỏ hoàn toàn “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc và cũng bác bỏ luôn cả quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. Đây cũng chính là bộ quy chế về pháp lý đầy đủ về các cấu trúc trên biển, giúp định nghĩa đầy đủ thế nào là đảo, là đá, bãi nửa nổi nửa chìm… và quy chế pháp lý đối với từng cấu trúc như vậy, có thể xem là một sự tiến bộ của nhân loại về mặt pháp lý, khoa học… Khi không có chủ quyền hợp pháp được các bên công nhận thì hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp và cần bị lên án. Thứ hai, theo khía cạnh luật quốc tế, mọi hành vi quân sự hóa ở Biển Đông đều không được phép. Đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển như Biển Đông,các nguyên tắc trực tiếp và chủ yếu được các bên vận dụng gồm: (i) Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia với giá trị thể hiện trên ba phương diện cơ bản: bình đẳng trong quyền và nghĩa vụ chứng minh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mỗi bên tranh chấp; bình đẳng trong lựa chọn phương thức quốc tế giải quyết tranh chấp; bình đẳng trong vị thế giải quyết tranh chấp. (ii) Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế với giá trị thể hiện trên hai phương diện: cấm hành vi xâm chiếm lãnh thổ biển, đảo quốc gia khác; cấm hành vi sử dụng vũ lực hoặc các hành vi đe dọa dùng vũ lực để chiếm đóng hoặc khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ. Mọi hiện trạng được tạo nên bởi kết quả của các cuộc xâm chiếm, dùng vũ lực hoặc các hành vi đe dọa, cưỡng ép đều không được thừa nhận bởi pháp luật và cộng đồng quốc tế. (iii) Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp, nguyên tắc này được vận dụng trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo với các khía cạnh khá đầy đủ và toàn diện của nội hàm giá trị nguyên tắc, theo đó: các bên tranh chấp đều phải giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn, xung đột có liên quan trên cơ sở hòa bình; các hành vi chiến tranh hoặc sử dụng chiến tranh, vũ lực làm công cụ giải quyết tranh chấp là vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế. Các bên phải sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phát sinh. Trên cơ sở pháp luật quốc tế, các bên có quyền tự do lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp. Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS) quy định các bên không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp và không được quân sự hóa các thực thể. Thứ ba, trong bối cảnh hiện nay, các nước đều nỗ lực thúc đẩy hòa bình, hợp tác cùng phát triển, cùng chung tay duy trì, đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực. Việc Trung Quốc tự cho mình quyền triển khai hàng loạt các loại vũ khí như tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom, súng điện từ, tàu chiến… ra Biển Đông đã đẩy khu vực vào tình hình chạy đua vũ trang, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm, đối đầu. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là để “tự vệ” như nước này tuyên bố. Thậm chí lý do Trung Quốc đưa ra rằng “đối mặt với những mối đe dọa và sức ép quân sự ngày càng gia tăng như vậy, các nước ở khu vực, bao gồm Trung Quốc, tự động chọn, tự gìn giữ, tự bảo vệ mình và sẵn sàng các cơ sở phòng vệ”. Hay “một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã đưa vũ khí chiến lược lớn đến khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, như là cách để phô bày sức mạnh quân sự và gây sức ép với các nước tại khu vực, bao gồm Trung Quốc”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước đã nhiều lần phản đối hoạt động cải tạo, bồi đắp và quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của DOC, trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Các hành động của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.

http://biendong.net/diem-tin/26272-du-luan-len-an-viec-tq-bien-minh-hoat-dong-quan-su-o-quan-dao-truong-sa-chi-mang-tinh-phong-ve.html

 

TQ thử nghiệm pháo ray trên Biển Đông

 nhằm chiếm ưu thế trong quan hệ với Mỹ

Trung Quốc hiện đang tiến hành thử nghiệm pháo hạm (pháo ray điện từ trường) mạnh nhất thế giới từ đầu tháng này và dự kiến sẽ sẵn sàng đưa vào biên chế cho các chiến hạm nổi năm 2025, South China Morning Post (CNBC) dẫn nguồn tin từ cộng đồng nhân viên tình báo Hải quân Mỹ cho biết.

Pháo ray điện từ trường (Railgun) của Trung Quốc xuất hiện trên truyền thông lần đầu tiên năm 2011, được bắt đầu đưa vào thử nghiệm năm 2014, CNBC dẫn nguồn tin của một nhà khoa học Trung Quốc dấu tên.

Từ năm 2015 đến 2017, vũ khí nguyên tắc vật lý mới được các nhà khoa học quân sự Trung Quốc tinh chỉnh để mở rộng phạm vi tấn công và tăng cường khả năng phá hủy.

Tháng 12.2017, Railgun được gắn thành công trên một chiến hạm nổi và bắt đầu thử nghiệm trên biển, một kỳ tích mà các cường quốc quân sự, không nước nào đạt được. Các chuyên gia Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành thử nghiệm trên biển và hoàn thiện thiết kế năm 2023.

Vũ khí siêu hiện đại này được phát triển trong thời điểm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở mức cao, diễn ra các cuộc đàm phán thương mại quan trọng mà cuộc đàm phán tiếp theo được lên kế hoạch sẽ diễn ra ở Washington ngày 13.02.2019.

Pháo ray điện từ trường (Railguns+ sử dụng năng lượng điện từ trường thay cho thuốc phóng để đẩy viên đạn bay rất xa, có thể phá hủy mục tiêu bằng chính động năng của nó.

Theo thông tin từ cộng đồng tình báo Mỹ, pháo ray của Trung Quốc có khả năng tấn công một mục tiêu trên khoảng cách 124 dặm (200 km) với tốc độ lên tới 1,6 dặm /s (2,5 km/s). Để dễ dàng tưởng tượng, một phát đạn của pháo ray Trung Quốc từ Washington có thể phá hủy mục tiêu ở Philadelphia trong vòng dưới 90 giây.

Railgun từ lâu đã là một trong những vũ khí có nguyên lý vật lý mới, là mong muốn của quân đội các quốc gia Nga, Iran và Mỹ do tính hiệu quả về chi phí, các chiến hạm được trang bị một khẩu pháo có tầm bắn của tên lửa có điều khiển, dẫn đường với độ chính xác cao.

Những viên đạn (có thể là đạn dưới cỡ), sử dụng trong pháo ray (railgun) của Trung Quốc có giá thành mỗi quả từ 25.000 đến 50.000 USD, các nhân viên tình báo cho biết.

Dù đây không phải là một so sánh chính xác vì mỗi loại vũ khí sử dụng công nghệ khác nhau, nhưng tên lửa hành trình Tomahawk chống tàu của Mỹ có giá thành ước tính là 1,4 triệu USD, nhưng tên lửa Tomahawk có thể bị đánh chặn, còn đạn Railgun thì không thể.

Pháo ray điện từ trường của Mỹ, mặc dù đã có nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm , đến nay vẫn đang được phát triển theo chương trình thuộc Văn phòng Nghiên cứu Hải quân.

Trung Quốc chạy nước rút để để phát triển vũ khí siêu hiện đại này, cùng với các hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu phòng thủ bờ biển nhằm tăng cường cho kho vũ khí quân sự của Bắc Kinh, được triển khai trên một trong những khu vực hiện đang có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới: Biển Đông.

Tháng 05.2018, CNBC dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, hải quân Trung Quốc lặng lẽ lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm và các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất trên ba trong số các đảo nhân tạo mới củng cố trên biển phía tây Philippines, một động thái khiến Bắc Kinh tăng cường sức mạnh kiểm soát trên vùng biển.

Biển Đông là vùng nước có hàng trăm các đảo nhỏ, nổi chìm theo mực nước biển và là cửa ngõ then chốt của các tuyến vận tải biển toàn cầu, hàng năm có tới 3,4 nghìn tỷ USD thương mại đi qua.

Các quốc gia ven biển Đông có những tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên những đảo chìm này, Bắc Kinh chiếm và bồi đắp 7 đảo nhân tạo thành các căn cứ tiền đồn, hạn chế khả năng hoạt động của không quân và hải quân Mỹ trên vùng nước kinh tế – quân sự trọng yếu của địa cầu.

http://biendong.net/diem-tin/26252-tq-thu-nghiem-phao-ray-tren-bien-dong-nham-chiem-uu-the-trong-quan-he-voi-my.html